“Học giả thường mờ nhạt trên chính quê hương mình;
Giống như châu báu bị thờ ơ giữa miền hải đảo.”
(Cách ngôn Sakya)
Theo di nguyện của đại sư Ban Trí Đạt thì năm hai mươi tuổi, Bát Tư Ba phải thọ giới Cụ túc để trở thành một nhà sư đúng nghĩa. Nếu không gặp biến cố, giờ này cậu ấy đã thọ giới ở Sakya. Sau khi quyết định đi theo Hốt Tất Liệt, Bát Tư Ba đã lưu lại trong doanh trại quân binh, sau đó rong ruổi cùng đoàn quân trên đất Vân Nam, vì thế việc thọ giới của cậu ấy đành phải lùi lại. Sau khi đến thảo nguyên Phủ Châu và ổn định cuộc sống, Bát Tư Ba tiếp tục trù bị kế hoạch thọ giới của mình. Đường về Sakya xa xôi vạn dặm, phải nửa năm mới đến nơi, lập tức khởi hành cũng không kịp nữa. Vậy nên, Bát Tư Ba dự định sẽ thọ giới tại một ngôi chùa nào đó trên đất Hán.
Khi Bát Tư Ba vẫn đang cân nhắc xem nên mời vị cao tăng nào chủ trì buổi lễ thọ giới thì một sự kiện bất ngờ đã xảy ra khiến cậu phải bỏ dở kế hoạch.
Trong lúc miệt mài với công việc xây dựng thành trì thì Hốt Tất Liệt đột ngột nhận được mệnh lệnh từ Mông Kha Hãn. Không phải lệnh dẫn quân đi đánh trận, cũng không phải chiếu chỉ tiếp tục tước bỏ quyền lực của ông mà là một nhiệm vụ kỳ quặc: chủ trì cuộc tranh biện giữa Phật giáo và Đạo giáo về thực hư của cuốn Kinh Lão Tử giáo hóa người Hồ[1].
Vậy căn nguyên của sự việc này ra sao?
Kinh Lão Tử giáo hóa người Hồ là cuốn sách mỏng, được lưu truyền từ đời Tấn. Theo Sử ký của Tư Mã Thiên thì sau khi Lão Tử ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc, không ai biết ông đã đi đâu. Bởi vậy, cuốn sách này đã viết tiếp cuộc hành trình bí ẩn đó của Lão Tử. Sách viết rằng, Lão Tử đi về hướng tây, qua Tây vực, đến Thiên Trúc và truyền đạo cho Phật Thích Ca. Từ đó, cuốn sách khẳng định Phật giáo có nguồn gốc từ Đạo giáo và Đạo giáo uyên thâm hơn Phật giáo. Tuy nhiên, điều khiến các tín đồ Phật giáo phẫn nộ hơn cả là việc cuốn sách đã dựng lên câu chuyện: t*ng trùng của Lão Tử được truyền vào miệng người mẹ của Phật Thích Ca, sau đó bà đã mang bầu Đức Phật. Câu chuyện bịa đặt này đã khiến các đệ tử nhà Phật không khỏi nổi giận, bất bình.
Khi đó, hai phái Phật giáo và Đạo giáo như nước với lửa, cuộc xung đột kịch liệt giữa hai phái tập trung vào việc tranh luận thực hư của cuốn sách này.
Vì đây là mệnh lệnh của Mông Kha Hãn nên Hốt Tất Liệt không dám chậm trễ. Phủ Châu cách thánh địa Phật giáo Ngũ Đài Sơn không xa nên Hốt Tất Liệt quyết định tổ chức cuộc tranh biện đặc biệt quan trọng này tại vùng núi nổi tiếng Ngũ Đài Sơn.
Năm 1254, mùa thu năm Bát Tư Ba hai mươi tuổi, cậu đã bỏ dở kế hoạch thọ giới Tỷ Khâu để theo Hốt Tất Liệt đến Ngũ Đài Sơn. Phật giáo và Đạo giáo đều cử những vị cao tăng, đạo sĩ đức cao vọng trọng nhất của mình tham dự cuộc tranh biện quan trọng này. Về phía Phật giáo, Mông Kha Hãn đã cử đại sư Namo, người Kashmir mà ngài tôn làm quốc sư đến tham dự. Hốt Tất Liệt, dĩ nhiên là cử Bát Tư Ba làm người đại diện. Ngoài ra còn có quốc sư Tây Phồn[2], quốc sư Hà Tây, các nhà sư đến từ Uyghur, quốc sư nước Đại Lý, đất Hán thì có đại diện là các vị trưởng lão các chùa Viên Phúc, Phụng Tiên ở Yên Kinh, tổng cộng ba trăm người. Phía Đạo giáo cũng không thua kém, họ cử ra hơn hai trăm người tham dự, dẫn đầu đoàn là Trương chân nhân. Chưa hết, Hốt Tất Liệt còn lệnh cho thuộc hạ của mình là các danh sĩ người Hán: Diêu Khu, Đậu Hán Khanh… giữ vai trò “chứng nghĩa”, tức là người làm chứng cho cuộc tranh biện.
Thư mời bay đi khắp nơi như bông tuyết. Hành cung[3] của Hốt Tất Liệt ở Ngũ Đài Sơn lúc nào cũng nườm nượp người ra vào làm nhiệm vụ liên lạc, đưa tin. Chỉ trong vòng một tháng ngắn ngủi, hơn năm trăm khách mời đến từ hai phía đã hội tụ đông đủ về Ngũ Đài Sơn, khiến thánh địa Phật giáo này trở nên náo nhiệt hơn bao giờ hết. Là người đại diện cho phía Phật giáo bên cạnh “chủ nhà” Hốt Tất Liệt, Bát Tư Ba bận rộn với công việc tiếp đón các vị đại sư, cả ngày không lúc nào ngơi nghỉ.
Tuy mỗi bên cử mấy trăm người đến tham dự nhưng không phải tất cả đều được đăng đàn. Kết quả cuối cùng sau khi bàn bạc và thống nhất, mỗi bên chỉ cử ra mười bảy người tham gia cuộc tranh biện, đó đều là những người giỏi nhất, uyên bác nhất. Về phía Phật giáo, Bát Tư Ba hai mươi tuổi là người trẻ nhất. Tuy đứng giữa các vị cao tăng râu tóc bạc phơ nhưng Bát Tư Ba tỏ ra rất mực điềm tĩnh, chững chạc, đối đáp trôi chảy, lưu loát. Trước khi diễn ra buổi tranh biện chính thức, các thành viên của đội tranh biện đã tập trung lại, cả ngày bàn bạc, phân tích, xem xét, đánh giá, họ miệt mài đến mức ăn ngủ cùng nhau. Sau vài ngày trao đổi, thảo luận, các nhà sư đều bày tỏ sự nể phục tư duy sắc bén và tầm kiến thức sâu rộng,
uyên bác của Bát Tư Ba. Ngay cả vị quốc sư Namo lúc đầu tỏ ra hết sức kiêu ngạo cũng có cái nhìn khác đối với Bát
Tư Ba.
Một ngày trước khi diễn ra cuộc tranh biện, lễ đài đã được bố trí xong xuôi tại hành cung của Hốt Tất Liệt. Vẻ mặt của những người tham gia tranh biện đều căng như dây đàn, không khí căng thẳng, hồi hộp và lo lắng bao trùm Ngũ Đài Sơn.
Ngay cả một kẻ chẳng liên quan gì như tôi cũng toát mồ hôi, hơi thở gấp gáp lạ thường.
Trong phòng mình, Bát Tư Ba cho tôi uống sữa bò, rút khăn tay lau miệng cho tôi, mỉm cười nhìn tôi trìu mến:
- Lam Kha, chúng ta đi leo núi nào!
Tôi uống no căng bụng, nghe thấy vậy, giật mình, nấc lên từng hồi:
- Cậu… cậu… Ngày mai diễn ra cuộc tranh biện chính thức rồi. Người ta… người ta ai nấy đều gấp rút chuẩn bị, sao cậu vẫn còn tâm trạng thảnh thơi để leo núi?
Thấy tôi vừa nấc vừa nói, cậu ấy không kìm được bật cười, vuốt nhẹ sống lưng tôi.
- Chính vì ngày mai ta tham gia cuộc tranh biện nên hôm nay càng phải ra ngoài đi dạo cho tinh thần thoải mái.
Vẻ mặt bình thản, vô ưu của cậu ấy khiến người ta có cảm giác cuộc chiến sinh tử diễn ra ngày mai dường như không hề tồn tại. Giọng nói trầm ấm vang lên:
- Đạo tràng ở Ngũ Đài Sơn là nơi năm xưa Bồ Tát Văn Thù hiển linh thuyết pháp. Từ thời Bắc Ngụy, người ta đã dựng chùa ở đây để thờ cúng. Đến thời nhà Đường, thánh địa Phật giáo này phát triển rất rực rỡ. Phái Sakya tôn thờ Bồ Tát Văn Thù, bởi vậy ngay khi đặt chân đến đây, ta đã có ý định thăm thú, chiêm bái và làm lễ nhưng bận rộn nên chưa thực hiện được. Hôm nay, ta không muốn bỏ lỡ cơ hội này.
=== ====== ====== ====== ====== ====== ====== ===
[1] Lão Tử: nhà triết học nổi tiếng thời xưa ở Trung Quốc. Ông là người khai sáng ra Đạo giáo, một môn học về vũ trụ, thiên nhiên, vật chất. Người Hồ: theo nghĩa hẹp dùng để chỉ các dân tộc bên ngoài Trung Quốc, thuộc vùng Trung và Tây Á. Trong trường hợp này, “người Hồ” dùng để chỉ người Ấn Độ (Thiên Trúc). Sách Kinh Lão Tử giáo hóa người Hồ, nguyên tác là Lão Tử hóa Hồ kinh là tác phẩm của Đạo giáo Trung Quốc nhằm tự đề cao tôn giáo của mình, cho rằng sau khi Lão Tử truyền lại bộ Đạo đức kinh cho viên quan Doãn Hỉ trấn giữ Hàm Cốc Quan thì ngài đã cưỡi trâu đi về hướng tây để hóa độ, giáo hóa người Hồ (tức người Ấn Độ) và đã truyền đạo cho Phật Thích Ca và hai mươi tám thiền tổ Ấn Độ. Cuốn sách này từ lâu đã bị xem là ngụy thư (viết về những điều không có thật) và bị đốt bỏ từ đời Đường, Trung Quốc. (DG)
[2] Tây Phồn: tên gọi chung chỉ vùng Tây vực và khu vực biên giới phía tây của Trung Quốc vào thời cổ đại. (DG)
[3] Hành cung là nơi ở tạm thời của vua chúa thời xưa khi đi công cán ở địa phương. (DG)