Chưa tới giờ lành, mấy ông cụ bèn trò chuyện hàn huyên.
Lớp người già chừng ấy tuổi rồi sẽ thích lấy mấy chuyện xưa lắc xưa lơ ra kể, kể tới kể lui thì đã đến lúc mặt trời lên cao. Họ đều là mấy ông già bảy tám chục tuổi cả, cùng lớn lên trong thôn Ngụy, kể về mấy chuyện xưa thì cứ ông một câu tôi một câu, rồi quên bẵng luôn cả thời gian.
Chắc bởi do hoàn cảnh, chuyện được nhắc đến nhiều nhất là quãng thời gian trai trẻ và hai nghi thức thừa tự nối tiếp nhau. Lại nói đến nếu không phải ngày đó Ngụy Minh Thanh xảy ra chuyện thì làm sao đến phiên Ngụy Đức Thanh, cũng chính là Ngụy Thất gia hiện tại ngồi ở vị trí này. Ngụy Minh Thanh là một người con tài giỏi được cha mẹ Ngụy Thất gia gửi gắm kỳ vọng cao vô cùng, tiếc là sống không lâu.
Năm đó thôn Ngụy xảy ra ôn dịch, cứ trong mười người thì chết hết bốn năm. Nhà ai cũng treo vải trắng quấn khăn tang, khắp thôn Ngụy khóc than mấy ngày liên tiếp. Mây đen mù sương, ngay cả chiến loạn nhiều năm đến thế vẫn sống được, vậy mà chẳng thể tránh đi tai ương bệnh tật này, chỉ đành quy lỗi tại số trời.
Trong trận ôn dịch đó, người chết nhiều nhất vào đúng ngày rằm tháng Bảy âm lịch.
Thi thể chất chồng lên thi thể, đành phải để người chết vào quan tài rồi khiêng đến căn phòng trông coi linh cửu kia. Thời điểm ấy, khắp hang cùng ngõ hẻm đều biết thôn Ngụy xảy ra ôn dịch, ai cũng sợ trốn không kịp. Chẳng có đạo sĩ nào dám đến thôn lập đàn, ngay cả bỏ ra rất nhiều tiền cũng không mời được.
Sau họ mới tìm đến trấn trên Từ Ân, mất rất lâu mới mời Đông lão tiên đến, sau đó mới làm lễ mà lớp người sau nên có đưa tổ tiên lên núi. Và rồi hễ cứ cần lập đàn, người trong thôn sẽ chỉ mời Đông lão tiên mà không mời đạo sĩ nào khác nữa.
Thật ra không phải chỉ có Ngụy Minh Thanh anh trai của Ngụy Thất gia, mà ngay cả Ngụy Lâm Thanh anh của cụ Ngụy cũng chết trong trận ôn dịch này. Ngụy Lâm Thanh thì thảm hơn, không riêng bản thân mà ngay cả người vợ đang mang thai cũng không tránh được, qua đời theo.
Cứ nói đến chuyện này, lớp người già lại nước mắt tèm lem cả.
Chỉ có hai cha con Ngụy Thất gia, một thì mặt không chút biểu cảm ngồi trên ghế, một mặt không chút biểu cảm đứng sau lưng cha mình, chẳng nói năng gì. Lúc họ nghe thấy cái tên Ngụy Minh Thanh thì vẫn như thế. Ngụy Thất gia sẽ thường ho khan vai tiếng, ông lấy chiếc khăn sọc caro màu đen che lấy miệng.
Xôn xao xì xầm một hồi thì tới giờ lành. Ngoài cửa, một người bước tới cầm lấy dùi trống đánh mạnh, tùng tùng tùng. Tiếng trống nặng nề vang lên, nhịp trống như đang đập vào đầu khiến con người hốt hoảng. Gã đánh trống vừa đánh vừa dài giọng hét, “Giờ lành đã đến ——”
Lập tức, mặc kệ trong phòng hay ngoài phòng, tất cả mọi người đứng lên, nghiêm nghị đứng.
Tiếng bước chân dồn dập từ ngoài truyền tới. Hai hàng thiếu niên nam nữ mặc áo choàng đen, hai tay chấp vào nhau đặt trước ngực nối đuôi đi vào. Chúng cúi đầu, tóc rũ xuống che nửa bên mặt, trong sải bước tưởng như lung tung lại theo một nhịp điệu nào đó, như thể đang bước theo nhịp phách. Những thiếu niên nam nữ đó chia làm hai hàng cách xa đám đông, để một con đường rộng khoảng ba mét ở giữa.
Sau khi xôn xao một trận, đám đông yên tĩnh lại.
Gã cầm dùi trống kia lại đánh mạnh vào trống, ‘Tùng ——” thanh âm nặng nề kéo dài. Theo tiếng trống, những thiếu niên nam nữ ấy cùng dùng sức đánh bàn tay đang chấp lại vào ngực mình, còn lớn tiếng hét, “Ha ——”
Xen lẫn trong đám người, thấy cảnh ấy nghe tiếng ấy, tim Trần Dương không khỏi đập thịch một tiếng.
Thiếu niên nam nữ lớn tiếng hét to lời tế, “Tiếp nối đời trước, mở lối cho đời sau, thiên mệnh hướng sinh, chính mình truyền thừa, quỳ ——”
Chữ quỳ vừa ra khỏi miệng, tất cả người trong thôn lập tức đồng loạt quỳ xuống, trán chạm đất, hai tay chống hai bên đầu, lòng bàn tay hướng về trước. Lấy tư thế quỳ đầu rạp xuống đất nhằm chứng tỏ thành kính và phục tùng, đây là tỏ vẻ kính trọng ông trời. Sau khi ba quỳ chín lạy, tất cả đứng lên nhìn cửa từ đường.
Nơi ấy, hai cha con Ngụy Thất gia đang đứng. Không biết họ từ đại sảnh ra tới cửa ngoài từ khi nào, bấy giờ Ngụy Thất gia đang mặc bộ trường bào trắng tinh, ông đang không nhanh không chậm đi dọc con đường được mở ra, theo sát sau là con ông Ngụy Đông Lai. Gã ta cúi đầu, tóc đã hoa râm, trong sắc mặt nhợt nhạt thấp thoáng màu gỉ sét. Gã mặc bộ trường bào màu trắng hệt Ngụy Thất gia, bước chân chậm chạp lề mề.
Tầm mắt mọi người yên lặng dõi theo họ, không khí ngập tràn áp lực. Xung quanh im ắng não nề, không ai phát ra tiếng vang gì, ngay cả tiếng ho của Ngụy Thất gia dường như cũng ngừng lại. Ông ưỡn thẳng lưng, bước tới trước không hề liếc ngang dọc.
Còn gương mặt Ngụy Đông Lai hơi rúm ró và bất an, gã ta theo sát sau.
Ngụy Thời đang đứng cạnh Trần Dương giật giật tay áo anh, viết chữ trên đất. Trần Dương nhìn gật đầu, ý bảo có thể làm được, Ngụy Thời lắc hai ngón tay. Hai người cứ thế thương lượng, sau cùng quyết định kế hoạch.
Lúc này, hai cha con Ngụy Thất gia đã tới trước cửa đại sảnh, nhóm người cụ Ngụy khom lưng đón chào. Họ bắt đầu bái tế bài vị tổ tiên trên điện thờ, có riêng cả người chủ tế cầm bài tế đã được viết sẵn dùng chất giọng như đang hát bắt đầu đọc, thanh âm vừa mơ hồ vừa ồm ồm.
Xung quanh im ắng vô cùng, chỉ có tiếng người chủ tế hát lên, xuyên qua màng tai, chui thẳng vào tim.
Mặc dù có vài chữ nghe không rõ, nhưng nội dung đại khái của bài tế này vẫn có thể đoán được. Bài tế chủ yếu nói về cuộc đời của Ngụy Thất gia, như thể đang mời tổ tiên bình phán liệu Ngụy Thất gia có đủ tư cách làm chủ họ hay không.
Sau khi chủ truy điệu hát xong thì quỳ xuống trước bàn thờ, đốt bài tế dưới ánh nến hừng hực. Người thừa kế chức trưởng thôn không cần thứ làm tin hay bất cứ gì làm chứng, chỉ cần dựa vào huyết mạch.
Cụ Ngụy lấy một cái chén nhỏ màu xanh đồng lại, cẩn thận đặt trước bàn thờ, sau đó cụ đưa cho Ngụy Đông Lai con dao găm. Ngụy Đông Lai liếc Ngụy Thất gia, Ngụy Thất gia mặt không biểu tình dõi theo gã, không còn cách nào gã chỉ đành lấy dao rạch vào cổ tay, một dòng máu sền sệt lập tức nhỏ tí tách vào trong chén.
Cái chén không có phản ứng gì bất thường, việc ấy khiến Ngụy Thất gia yên tâm hẳn.
Giống hệt như năm đó, khi nhỏ máu ông vào thì cái chén chẳng phản ứng gì. Ngụy Thất gia rất đỗi vui mừng vì sau cùng đã thành công, dù thế nào thì vẫn là con trai nhận vị trí của mình, là người của mình chứ không phải của ai khác. Vừa nghĩ tới mấy lão già kia ép ông chọn kẻ kế thừa khác, ông bèn hận không thể kéo họ chết cùng.
Trên gương mặt gầy guộc chỉ còn da của Ngụy Thất gia lộ ra nụ cười quái dị.
Về phần sau khi con trai chết rồi thì liệu có phải cháu ông sẽ ngồi vào vị trí này hay không, ông tuyệt đối không lo lắng. Đông lão tiên đã tính giúp ông, ông còn một người cháu trai nữa. Ả đàn bà quyến rũ con trai ông năm đó bỏ nhà trốn đi, sau khi chung sống thì chịu không nổi khổ cực, sinh một đứa con rồi thì bỏ đi theo thằng đàn ông khác. Lúc bỏ chạy thì trong bụng đã mang thai.
Chỉ cần tìm được đứa cháu ấy, chẳng lẽ còn sợ có người tranh vị trí của ông?
Chuyện đã cách nhiều năm, không biết ả đàn bà đó chạy đi đằng nào. Trong mấy năm nay ông đã dùng đủ loại biện pháp nhưng vẫn không tìm ra tung tích ả. Nếu không phải vì thế thì ông đã chẳng khăng khăng muốn con trai hoàn dương, để hồn con ông bám vào con khỉ nước kia nhận đủ loại tra tấn, sống không bằng chết. Không phải Ngụy Thất gia không thương con, nhưng lúc đau lòng ông lại có chút hể hả.
Thằng ranh kia lúc làm cha mẹ tức lên thì liệu có nghĩ tới cảm nhận của cha mẹ già này không? Nhiều năm như vậy ông và vợ ông đã rơi bao nhiêu nước mắt? Chừng ấy khổ cực của nó thì đáng là gì, đáng lắm! Đáng lắm! Nghĩ thế, cơn tức lại trào ra. Ngụy Thất gia lại nhớ tới ngày ông biết con trai trốn đi cùng ả đàn bà kia, ông như bị sét đánh trúng, chỉ xíu nữa đã ngất lịm.
Ngụy Đông Lai quỳ trước điện thờ. Gã cầm dùi trống trước đại sảnh lại bắt đầu đánh trống một cách thô bạo, “Tùng —— tùng —— tùng ——” Theo tiếng trống, những thiếu niên nam nữ ngoài cửa cùng lúc lấy tay đánh vào ngực, trong miệng hô to ra tiếng, “Ha —— ha —— ha —”
Một tiếng lại một tiếng, khiến trái tim con người phải giật bắn theo.
Giữa tiếng hét lớn, kẻ chủ tế dài giọng, “Quỳ ——” Tất cả mọi người quỳ xuống, “Tân gia chủ đăng vị ——” Ngụy Đông Lai đứng trước điện thờ, Ngụy Thất gia vốn đứng trước lại lùi ra sau, quỳ xuống sau gã.
Hai tay Ngụy Đông Lai đang cầm một quyển trục dâng lên đỉnh đầu, lúc gã đang định quỳ xuống ba quỳ chín lạy để hoàn thành nghi thức, bỗng cái chén nhỏ đang đặt giữa bàn thờ kêu keng một tiếng, một đám lửa nhỏ bùng lên, rồi lại bay ra một cuộn khói.
Lớp người già đang quỳ trong đại sảnh lập tức ngẩng đầu, sau khi hai mặt nhìn nhau thì sắc mặt đông lại. Họ đứng ngay dậy, cụ Ngụy đi đầu tiến tới trước bàn thờ, cung kính vô hạn cầm lấy cái chén nhìn qua bên trong, tức thì một mùi hôi tanh ập đến.
Cụ Ngụy nhíu chặt mày, đưa cái chén cho một ông cụ khác, sau đó họ truyền cho nhau xem, cuối cùng lại về tới tay cụ. Đến lúc này ai cũng biết chuyện gì xảy ra. Ngụy Thất gia sắc mặt xanh mét, còn Ngụy Đông Lai đang cầm quyển trục vẫn đứng yên tại chỗ, không biết làm sao.
Cụ Ngụy nâng cái chén kia lên, nhìn Ngụy Thất gia, “Thất lão đệ, chuyện này ông giải thích thế nào?”
Mặt Ngụy Thất gia xám ngoét, ông lại bắt đầu ho khan. Ông lấy chiếc khăn che miệng, sau khi ho vài tiếng thì căm giận ngẩng đầu, “Giải thích cái gì, chẳng lẽ mấy người không nhận ra con ta? Đây có phải con ta không? Cái chén kia dùng cả trăm năm, ai biết còn linh hay không!”
Lời ấy quá đại nghịch bất đạo, cụ Ngụy sầm mặt, “Quy củ tổ tông không thể phá bỏ, không qua được cửa này sẽ không thể thừa tự. Ta thấy nghi thức hôm nay bỏ đi cả rồi.”
Ngụy Thất gia không chịu nhượng bộ, “Không được, không thể bỏ được, chẳng lẽ mấy người không chịu tin mắt mình mà lại đin một vật cũ kỹ mấy trăm năm trước? Các người muốn đoạt chức chủ họ từ tay ta, chuyện này dù nằm mơ cũng đừng hòng nghĩ đến!”
Cụ Ngụy bị thái độ của ông ta chọc tức đến mức mặt biến thành màu gan heo, thiếu chút nữa cụ đã đập cây gậy vào người Ngụy Thất gia.
“Hay lắm, nếu đã nói vậy thì hãy thử ‘chứng huyết’, sẽ không ai còn lời gì để nói nữa!”