Sau khi thằng quỷ nhỏ xuất hiện, con đường tức thì trở nên gió êm sóng lặng, như thể cái âm u đáng sợ vừa rồi là do tự Trần Dương tưởng tượng ra hù dọa mình. Trần Dương nhìn bộ quần áo rách rưới trên người, mấy vết thương trên tay do cây cối qua quẹt vẫn không ngừng chảy máu, từng giọt từng giọt chảy khỏi đầu ngón tay rơi xuống đất.
Trần Dương để thằng quỷ con lên vai, khỏi nghĩ cũng biết nó trốn Ngụy Lâm Thanh trộm ra đây rồi, chẳng biết khi nào Ngụy Lâm Thanh sẽ đuổi theo. Mường tượng đến sắc mặt Ngụy Lâm Thanh khi phát hiện thằng quỷ con bỏ trốn, sắc mặt vốn căng thẳng của Trần Dương bỗng dịu lại.
Thật khiến người khác đau răng, Trần Dương liếc thằng quỷ nhỏ đang nằm trên vai mình đang vui vẻ bi ba bi bô gì đó. Cơ thể nó nhẹ bẫng, lên xuống theo bước chân Trần Dương. Thấy anh liếc qua, lúc đầu nó sợ sệt ngó anh, sau thì dũng cảm vươn tay ra bá cổ Trần Dương, tiếp đó còn cọ cọ mặt anh.
Động tác làm nũng đó khiến da mặt Trần Dương giật giật, anh ráng kiềm chế không vứt quách nó đi.
Vừa thấy có cửa thì thằng cu con lại được đằng chân lân đằng đầu ngay tắp lự, nó định đeo bám lên ngực anh. Trần Dương hừ lạnh, thằng quỷ con bèn không dám hành động thiếu suy nghĩ nữa, nó ngậm tay vào miệng, nằm trên vai Trần Dương, tủi thân vô cùng kêu lên, “Ba à.”
Trần Dương không để ý đến nó, anh đang nghĩ đến chuyện hôm nay. Xác chết chú Khánh đột ngột vùng dậy xuất hiện trước mắt khiến anh cảm giác có thứ gì đang thay đổi, một loại dự cảm không tốt khiến anh nóng lòng sốt ruột.
Nhân lúc đêm tối, Trần Dương mò đến trạm y tế nhỏ của Ngụy Thời, anh gõ cửa, cửa gần như mở ra ngay lập tức. Ngụy Thời để anh đi vào, liếc thằng quỷ con trên vai anh rồi nhanh chóng hỏi, “Đã xảy ra chuyện gì? Tôi chờ anh cả đêm rồi. Với lại sao nó lại theo anh?”
Trần Dương kể chuyện xảy ra dọc đường, còn vì sao thằng cu bám theo anh anh cũng không biết, thế là bỏ qua câu hỏi kia.
Ngụy Thời nhịp tay lên bàn, mặt trầm tư, “Sao như anh kể thì gần đây việc lạ nhiều thế, trước đây đâu có nhỉ.” Đâu chỉ không có, trước đây thôn ngay cả bóng quỷ còn không thấy, còn bây giờ thì nhìn đâu cũng thấy như bị thứ gì đó ẩn nấp rình rập, khiến Ngụy Thời thành kẻ nghi ngờ lung tung.
Ngụy Thời lắc đầu, cơm phải ăn từng miếng, sự tình phải giải quyết từng chuyện, đào củ cải rồi sẽ đào ra bùn, rồi sẽ có ngày chân tướng rõ ràng thôi. Về phần chú Khánh mà Trần Dương nhắc tới, Ngụy Thời ngẫm nghĩ, “Chờ đến khi xử lý chuyện trong thôn xong, chúng ta đến mộ chú ấy xem thử. Nếu đúng là xác chết vùng dậy thì sợ sẽ gây hại cho người, phải nhanh chóng giải quyết.”
Trần Dương không ý kiến gì với việc ấy, đối phó với tà môn thế này tất nhiên vẫn là Ngụy Thời người chuyên nghiệp sẽ tốt hơn, còn mấy loại gà mờ như anh thì giữ được mạng đã quá giỏi rồi, Trần Dương rất tự hiểu điều này.
Ngụy Thời xử lý sơ vết thương trên người Trần Dương, sau đó dọn dẹp qua loa giường bệnh để Trần Dương ngủ.
Thời gian thoắt cái đã qua, mới đó mà đã ba ngày sau. Trong khoảng thời gian này Trần Dương không ra khỏi cửa, mỗi ngày uống thuốc mà Ngụy Thời sắc vào ba bữa cơm, thuốc gì mà còn đắng hơn hoàng liên, đã vậy còn mang theo mùi khó ngửi. Ngụy Thời bảo là để bồi bổ lại dương khí và tinh khí mà âm thai lấy đi, đừng tưởng hiện giờ anh khỏe như vâm, nếu không uống thuốc thì mai sau lớn tuổi rồi sức sẽ yếu hẳn, còn bị trăm bệnh quấn thân.
Lúc Trần Dương uống thuốc thằng quỷ nhỏ sẽ xuất hiện cạnh anh, Ngụy Lâm Thanh cũng đến vài lần, song kẻ ấy luôn vội vàng đến rồi lại vội vàng đi, như thể đang bận bịu gì lắm. Trần Dương rất bất mãn trước hành vi phủi tay vô trách nhiệm để mặc thằng quỷ nhỏ kè kè theo mình của ai kia, nhưng anh chẳng thể nổi cơn thịnh nộ được, dù với thằng nhóc hay với Ngụy Lâm Thanh.
Một thằng nhóc nhỏ xíu xìu xiu, hễ anh cáu lên nó sẽ khóc toáng lên ngay, khóc như nước sông vỡ bờ, cuối cùng anh còn phải dỗ dành nó nữa. Chứ không thì nó cứ khóc hoài khóc mãi, chẳng biết sao nhỏ tí thế mà có nhiều nước mắt đến vậy, thằng cu sẽ khóc đến khi Trần Dương bực dọc đánh nó, nó sẽ không tránh mà vẫn tiếp tục khóc. Cuối cùng khóc đến mức ngay cả Ngụy Thời cũng chịu không nổi, thuốc sắc cho Trần Dương ngày một đắng. Chẳng còn cách nào, Trần Dương đành méo xẹo mặt đi dỗ thằng cu con.
Còn kẻ kia thì lúc nào cũng vẻ mặt ôn hòa lễ độ, anh nói gì đều lắng nghe, dáng vẻ nghiêm túc vô cùng, thế là dù muốn nói lắm anh chỉ đành im.
Trong ba ngày này, thôn Ngụy rất im ắng, chẳng có chút biến cố nào. Ngụy Thời cố tình tìm cớ gặp Ngụy Phong và Ngụy Minh, hai người họ chẳng khác gì lúc thường, ngôn từ cử chỉ hành vi không hề khác lạ. Nếu không phải rất tin tưởng Trần Dương, Ngụy Thời sẽ hoài nghi phải chăng những chuyện anh kể liên quan đến Ngụy Thất gia là bởi vì chứng u buồn tiền sản nên mới nghĩ ngợi lung tung ra thế. Tất nhiên Ngụy Thời không dám hó hé mấy lời suy đoán ấy cho Trần Dương, mới tưởng tượng đến cảnh anh nổi trận lôi đình, cậu đã không nhịn được rùng mình.
Từ đường của thôn Ngụy chỉ có thể mở vào lúc nhà của Ngụy Thất gia đổi chủ, còn những thời điểm khác thì sẽ đóng chặt. Dù là tết năm mới hay vào lễ hiến tế của dòng tộc vẫn không mở ra, lần mở gần đây nhất là sáu mươi năm trước, lúc Ngụy Thất gia lên làm chủ họ và trưởng thôn.
Năm ấy từ đường thôn Ngụy mở liên tục hai lần. Lần đầu mở vào lúc anh ruột Ngụy Thất gia, cũng chính là Ngụy Minh Thanh đứng hàng thứ hai trong gia tộc lên thừa tự. Nào ngờ mới kế thừa được ba tháng, Ngụy Minh Thanh đã bất ngờ chết, lúc ấy Ngụy Thất gia còn chưa trưởng thành đã vội vàng bị đẩy lên thay thế.
Chớp mắt đó, sáu mươi năm đã vội vã trôi qua.
Cánh cửa rỉ sắt của từ đường, sau cùng đã mở ra lần nữa. Những tiếng kẽo kẹt nặng nề ngân lên, bụi bặm tích cả tầng dày rơi xuống ào ạt. Những kẻ đứng dưới dính bụi đầy mặt, tiếng ho sù sụ truyền đến từng cơn. Người thôn Ngụy, lớp già sẽ sụt sịt cảm thán những năm đã trôi qua, lớp trẻ sẽ vẻ mặt tò mò thò đầu ngó nghiêng vào từ đường với họ chưa một lần mở.
Thật ra từ đường chẳng có gì đáng xem. Đó là một khu đại viện bám đầy bụi, các bức tường cao khoảng mười mét. Nhìn từ xa chỉ có thể trông rõ vài phần chóp, bên trong là hai khoảnh sân trong. Khoảnh sân đầu tiên dùng làm phòng cử hành nghi thức thừa tự, khoảnh sân sau là nhà để ở, trên cánh cửa gỗ là mấy cái khóa to, cửa sổ bám đầy bụi, chẳng thấy rõ bên trong là gì. Vài chỗ trên cửa sổ thủng một lỗ, nhìn vào chỉ thấy tối tù mù chẳng biết đâu là đâu.
Từ đường này chỉ có thể quét dọn vào lúc mở cửa ra, còn bình thường thì cứ mặc nó dãi nắng dầm mưa. Dù có cũ kỹ có dột nát mấy cũng không ai để ý. Khi đó là do người thợ tay nghề giỏi giang xây nên, nhiều năm trôi qua tu sửa một ít, hiện vẫn chưa đến mức sụp đổ.
Ngụy Thất gia vẫn chưa tới, người mở cửa là cụ Ngụy. Cụ cầm chiếc chìa khóa đồng bóng lưỡng mở cửa từ đường, tiếp đó lại kêu mấy người trong lớp con cháu vào trong quét dọn sơ qua, ít nhất phải dọn sạch đống bụi bẩn trên đất, trên tường, trên nóc nhà, chứ hiện cả chỗ để chân còn không có.
Nhắc đến cũng lạ, những căn nhà thường không ai ở thế này bình thường sẽ bị chuột hoặc vài con thú nhỏ chiếm lấy, lâu dần sẽ đầy cứt chuột trên đất. Nhưng trong từ đường thì lại chỉ có bụi bẩn và tro bụi mà thôi, trên tường không có cả côn trùng, láng bóng đến mức khiến người giật mình.
Mười mấy người trẻ cùng nhau dọn dẹp, chẳng bao lâu sau đã lau dọn sạch đại sảnh của từ đường. Từ đường tường trắng ngói xanh, góc mái cong lên, rường cột chạm trổ, túc mục trang nghiêm. Chẳng hạn như đại sảnh này lớn gần bằng sân bóng rổ, xung quanh là mấy cây cột thô ráp chắc chắn chống đỡ trần nhà.
Giữa đại sảnh là một điện thờ rất lớn, trên đó bày la liệt bài vị liệt tổ liệt tông của họ Ngụy.
Cụ Ngụy và lớp người già của thôn đi tuốt đằng trước, vừa đi họ vừa thấp giọng trò chuyện cùng nhau. Cùng lúc đó, mấy kẻ lớp trẻ khiêng chiếc bàn dài vào đặt trước điện thờ, tiếp đó nữa mới là lớp phụ nữ của thôn nối đuôi vào, họ cầm theo đủ loại đồ cúng đặt lên chiếc bàn dài. Sau đó lại có vài người lớp sau cầm theo một đống đồ giấy, như người giấy hoa giấy cờ giấy rồi vải trắng, chậm rãi để đầy trong đại sảnh.
Từng đống từng đống tiền giấy, đốt lên rồi thì trong phòng phút chốc sương khói lượn lờ, tràn ngập mùi khiến người ta mơ mơ màng màng.
Cụ Ngụy nhìn quanh bốn phía, gật đầu với mấy người già khác. Họ dựa theo trí nhớ và vài ghi chép sơ bộ của thôn mà chuẩn bị nghi thức này, hiện xem ra cũng bài bản lắm, không mất mặt trước các vị tổ tiên. Cụ Ngụy hài lòng nhìn cậu cháu Ngụy Phong, Ngụy Phong lấy mấy cái ghế lại, để lớp người già ngồi xuống.
Mấy ông cụ khác thấy thế đều nói cụ Ngụy có một đứa cháu ngoan, cụ vuốt râu, khiêm tốn cười.
Đến lúc mọi thứ đã chuẩn bị xong, trừ bò lớp người già thì gần như những người khác đã lui cả ra cửa. Họ xếp hàng theo gia đình tầng lớp, quan hệ xa gần chờ đến lúc nghi thức bắt đầu. Sắp mười giờ, vậy nhưng Ngụy Thất gia vẫn chưa đến, với sự xuất hiện trễ nãi đó, sắc mặt mấy ông cụ trong thôn không tốt lắm. Đừng nói hôm qua hứa cho đã vào, hôm nay đã đổi ý đó chứ?
Trên thực tế, dù là cụ Ngụy hay mấy ông cụ khác đều vô cùng tò mò với kẻ kế thừa của Ngụy Thất gia.
Đã nhiều năm rồi, nếu con trai ông ta còn sống thì đã về từ lâu, chứ còn đợi đến bây giờ ấy hử? Lúc tất cả cho rằng gã đã chết thì gã lại đột nhiên xuất hiện, thế mà lại trốn tránh đến tận giờ vẫn chưa xuất hiện trước mặt ai, cứ cảm giác kỳ lạ sao đó. Cụ Ngụy và mấy ông cụ khác đưa mắt nhìn nhau, vừa có chút nghi ngờ vừa không đồng ý, nhưng cuối cùng vẫn im lặng chờ đợi.
Đợi gần cả tiếng đồng hồ. Sắp đến mười một giờ, giờ lành vào buổi sáng, vậy mà bóng dáng Ngụy Thất gia lại chẳng thấy đâu.
Cụ Ngụy dài mặt, cụ hung tợn dộng cây gậy xuống đất vài cái, đây là sao hử! Định đùa với mấy ông già này chắc? Mặt cụ đen kịt, dòng dõi bên Ngụy Thất gia vẫn còn ở trong thôn hưởng địa vị trên cao, nhưng đừng khinh người quá chứ! Mấy ông già này còn chưa chết mà!
Ngay vào lúc cụ Ngụy đứng lên nổi giận đùng đùng định ra khỏi cửa, Ngụy Thất gia dẫn theo một người nữa tới trước từ đường.
Tấm lưng đã còng, vừa đi Ngụy Thất gia vừa ho sù sụ, tiếng ho kịch liệt khiến cả người ông run lên bần bật, ông ho đến mức như muốn ho cả tim gan ra. Ông đi sát tường, đằng sau ông là một người đàn ông nhìn qua khoảng bốn năm chục tuổi đang hoảng sợ luống cuống nhìn trước ngó sau. Hai người họ bước đi trong cái bóng của bức tường, hệt như hồn ma từ đâu nhảy ra, bỗng dưng xuất hiện không hề báo trước.
Cụ Ngụy đứng ngay ngưỡng cửa đại sảnh, đón Ngụy Thất gia đến đây một cách kỳ lạ bằng một câu, “Đến cũng đúng giờ nhỉ.”
Ngụy Thất gia che miệng ho khan vài tiếng, ho đến mức mái đầu bạc run theo. Mặt đầy nếp nhăn, tử khí đầy người, ông nâng con mắt đục ngầu lên, chẳng chút sức lực bảo, “Để mấy anh phải chờ lâu. Sáng nay ta bỗng dưng bị ốm, nghỉ một lát mới đỡ được. À phải, để ta giới thiệu, đây là Ngụy Đông Lai, thằng con bất hiếu đã bỏ đi ba mươi năm của ta, mấy anh cũng đã gặp nó rồi, xem còn nhớ hay không.”
Ngụy Đông Lai vẫn đứng cạnh ông bước lên từng bước, chào cụ Ngụy, “Bác Ba.”
Tiếp theo, gã ta lại bắt đầu chào hết người này đến người khác, không sai một ai.