Đông Cung

Chương 19




Bệ hạ nhàn nhã “ờ” một tiếng, đoạn bảo: “Thì ra hai con là đôi vợ chồng đồng tâm hiệp lực, cùng vào cùng ra.”

Mặt Lí Thừa Ngân vẫn không biến sắc, đáp: “Con xin được mạo muội hỏi phụ thân, sao người cũng ở chỗ này?”

Tôi chẳng ngờ Lí Thừa Ngân lại to gan thế, thì mọi người đều đến chơi kỹ viện cả, hà tất phải nói toạc ra khó nghe thế. Không ngờ Bệ hạ chỉ cười, bảo: “Chấp chính thực ra không khó, song không thể đắc tội với danh gia vọng tộc, thân là Thái tử, lẽ nào ngay cả việc này con cũng không hiểu sao?”

“Những gì Bệ hạ chỉ bảo, đương nhiên nhi thần đều ghi tạc trong lòng, thế nhưng bệ hạ cũng từng nói, tiền triều diệt vong, nguyên nhân chính vì kết bè kết đảng mưu đồ tư lợi, đảng phái trong triều mọc lên như nấm, lệnh vua không áp chế được, lại bị nạn châu chấu làm cho mùa màng mất sạch, giang sơn xã tắc vì lẽ đó mà tuột khỏi tầm tay, đại nghiệp từ đó mà mất.

Tôi chẳng nghe thủng lấy 1 câu trong mấy lời họ nói, hai người này nào có giống đến kỹ viện dạo chơi đâu, rõ ràng như thể đang bàn chuyện triều chính mà.

Trong lúc tôi cảm giác nhàm chán nhất, bệ hạ lại cười nhạt, đoạn nói: “Biện pháp trước mắt, con định xử trí ra sao?”

“Lật lại bản án ạ.”

Bệ hạ lắc đầu: “Án cũ từ mười năm trước, đâu dễ lật được? Vả lại nhân chứng vật chứng giờ đây không thất lạc thì cũng mất tích gần hết, phải lật từ đâu đây?”

Lí Thừa Ngân cũng cười cười: “Vật chứng thì, lẽ đương nhiên muốn có bao nhiêu sẽ có bấy nhiêu. Còn như nhân chứng…phụ thân đã vi hành đến nơi này, người ắt cũng hiểu nhân chứng đã có sẵn đây rồi.”

Bệ hạ lại cười rồi bảo: “Con thật là…!”

Tôi nhớ mỗi lần nghịch ngợm đòi cưỡi con ngựa bất kham nhất, khẩu khí cha luôn có nét đành chịu nhưng vẫn rất đỗi cưng chiều, người chỉ mắng yêu tôi. Lòng tôi chợt thấy thậtấm áp khi nhớ về cha, dù cho tôi vẫn không hiểu câu chuyện giữa hai cha con họ. Bẵng đi một lúc, đột nhiên nghe thấy tiếng bước chân nhốn nháo vọng vào, có ca nhi quen biết ở ngoài gõ cửa, nôn nóng gọi tôi: “Lương công tử! Lương công tử!”

Bệ hạ và Lí Thừa Ngân đổ dồn ánh nhìn về phía tôi, tôi cuống quýt bật dậy: “Có chuyện gì thế?”

“Có kẻ gây rối dưới lầu, hắn trói Du Nương, hắn cứ bảo Du Nương nợ bạc hắn, bây giờ định bắt Du Nương đi!”

Tôi vừa nghe đã thấy sốt ruột: “Mau dẫn ta đi xem xem!”

Lí Thừa Ngân kéo cánh tay tôi: “Ta đi cùng nàng!”

Tôi ngoái đầu nhìn bệ hạ, khẽ giọng bảo: “Chàng ở lại tiếp Phụ hoàng đi!”

Bệ hạ gật đầu với chúng tôi: “Các con đi đi, ta có dẫn người đến.”

Tôi và Lí Thừa Ngân băng qua cây cầu mái hiên, bước đều về đằng lầu trước, đã nghe văng văng một trận lời qua tiếng lại, tiếng Vương đại nương sang sảng mà lem lẻm: “Muốn lôi người ở phường này đi ấy à, đừng hòng!”

“Nợ thì phải trả, lẽ đấy bất di bất dịch rồi!” Kẻ cầm đầu bọn vô lại là một tay phốp pháp, tròn lẳn, béo trắng, hớt hai đuôi râu cá trê, vẻ nhơn nhơn gian xảo, trông tướng tá đã biết ngay loại chẳng ra gì. Tôi vừa thấy hắn đã nổi cơn giận: “Tôn Nhị, sao lại ngươi!”

Nhắc đến cái gã Tôn Nhị này, xét mối quan hệ cũng gọi là quen biết. Gã chuyên cho vay nặng lãi ở quán rượu lẫn sòng bạc, có lần tình cờ bắt gặp hắn đòi nợ một đôi cô nhi quả phụ, tôi thấy chướng mắt ra tay nện gã 1 trận, đánh cho gã đi luôn hai hàm răng, từ đó trở đi, gã Tôn Nhị này thấy tôi là phải nể mặt ngay, không còn dám ngang tàng trước mặt tôi nữa. Tôn Nhị chớp mắt nhìn, hồi lâu mới nhận ra tôi: “Lương công tử…cậu ăn mặc thế này…hahahah…”

Tôi quên béng mất việc mình đang vận đồ nữ nhi, tôi chẳng kiêng nể gì đạp một chân lên ghế đẩu, nhét mép váy vào thắt lưng: “Sao nào? Thích đánh nhau hả? Ta có đang mặc váy vẫn nện được ngươi ra trò đấy nhé!”

Tôn Nhị bị tôi dọa đâm sợ, rặn ra 1 nụ cười: “Không dám, không dám ạ. Thực ra tại hạ chỉ đến đòi nợ thôi. Lương công tử à, nợ tiền thì phải trả chứ, đấy là đạo lý hiển nhiên ở đời mà. Du Nương này không phải cô nhi, cũng không phải quả phụ, lại chẳng bệnh chẳng tật gì, công tử nói thử xem, thị nợ tại hạ tiền, lẽ nào định không trả?”

Tôi hỏi Du Nương: “Muội nợ hắn tiền à?”

Du Nương dẫn sao cũng là người ngay thẳng, nói: “Nào có nợ hắn tiền đâu? Nhưng mà có đôi vợ chồng là đồng hương với muội lên kinh thành làm ăn, chẳng ngờ người vợ ngã bệnh không qua khỏi, vừa mời đại phu rồi thuốc men này nọ, sau cùng thêm tang sự, mới tìm đến đằng Tôn Nhị vay hắn mấy chục xâu tiền. Tôn Nhị bảo đồng hương của muội không có sản nghiệp gì, không muốn cho vay, trừ phi có người bảo lãnh, đồng hương của muội vốn chẳng có ai thân thích ở chốn kinh thành, không còn cách nào khách, muội đành giúp lão ấy. Bây giờ lão làm ăn thua lỗ nên cuốn gói về quê rồi, gã Tôn Nhị này lại đến đòi tiền muội.”

Tôi nghe mà phát bực: “Cái loại đồng hương kiểu gì thế? Quỵt nợ còn để liên lụy đến muội…”

Tôn Nhị giơ tay móc biên lai vay mượn ra: “Lương công tử ơi, giả sử đây là cô nhi quả phụ thì tại hạ cũng sẽ tha cho họ lần này. Nợ nhà người ta kiểu gì chẳng phải trả. Giết người phóng hỏa thì vinh hoa phú quý, xây cầu sửa đường hóa ra chết không toàn thây…”

Hắn vừa ngâm nga tôi đã choáng váng cả mặt mày, Lí Thừa Ngân đứng đằng sau “phụt” cười 1 tiếng, thế mà Tôn Nhị nhảy dựng lên: “Thằng nào láo toét đấy?”

“Ngươi bảo ai hả?” Sắc mặt Lí Thừa Ngân méo xẹo, tôi muốn can cũng khó, điện hạ ơi là điện hạ, chớ bị kích động, chớ có kích động.

Tôn Nhị đảo mắt liếc nhìn Lí Thừa Ngân, rồi chắp tôi nói với tôi: “Lương công tử, hôm nay nếu như không đòi được tiền, bọn tại hạ đành đắc tội vậy.”

“Cô nương này chỉ đứng ra bảo lãnh, ngươi muốn đòi nợ thì đi mà tìm đồng hương của nàng ta.” Lí Thừa Ngân cười khẩy đoạn tiếp, “Theo mục trình bày và phát huy khai thông các khoản vay, trong văn tự đã ghi rõ, khi người vay nợ đã qua đời, hoặc bỏ chạy, bên chủ nợ mới có quyền thu hồi khoản vay từ người bảo lãnh.”

Tôn Nhị chẳng ngờ Lí Thừa Ngân lại lôi “Đại Luật” ra nói chuyện phải quấy với gã, gã chớp chớp mắt bảo: “Bây giờ lão đồng hương kia trốn rồi, lẽ nào không gọi là bỏ chạy à?”

“Ai bảo kẻ đó trốn, rõ ràng người ta về quê cơ mà, ngươi thừa biết con nợ đang ở đâu, sao không về đó mà đòi họ, đằng này lại đi gây khó dễ với người bảo lãnh là sao hả?”

“Cái lão đồng hương đó chạy đằng nào làm sao ta biết được…”

Lí Thừa Ngân hẩy nhẹ Du Nương 1 cái: “Đồng hương của nàng nhà ở đâu hả?”

Du Nương đờ người, lắp bắp trả lời: “thôn Tiểu Vương, huyện Thanh, phủ Vĩnh Hà, Định Châu…”

Lí Thừa Ngân bảo: “Được rồi, giờ địa chỉ của con nợ đã rõ, người muốn đòi nợ thì đi tìm lão đi, đừng ở đây gây náo loạn nữa.”

Vương đại nương thừa cơ chen ngang: “Cô nương này nói đúng lắm, ngươi muốn đòi nợ thì phải tìm tận mặt con nợ mà đòi chứ, sao lại đến gây chuyện với con gái phường này. Mau biến đi! Mau lên!” Bà ấy vừa nói vừa xô xô đẩy đẩy, nhoắng cái mấy kẻ vô lại đi theo Tôn Nhị cùng chính gã đã bị hẩy khỏi ngưỡng cửa. Tôn Nhị đứng ngoài giậm chân lớn tiếng chửi, Vương đại nương vỗ lưng Lí Thừa Ngân, đắc ý mà rằng: “Con gái ngoan, giúp mẹ lấy lại lẽ phải, con là ca nhi dưới tay Du Nương hả? Tiền khách tháng này của con mẹ cho con gấp đôi!”

Tôi đứng ở bên mà cười như nắc nẻ, gã Tôn Nhị kia ở bên ngoài nổi cơn tam bành chửi bới ầm ĩ, không biết làm sao, đành bó tay chịu chết. Đột nhiên, tôi thấy gã vẫy tay với đảm thủ hạ, mấy kẻ đó tụ lại, kề tai thì thầm một hồi rồi chia nhau ra tản mất hút, tôi bất giác bảo: “Ôi trời ơi, không xong rồi, chỉ e gã Tôn Nhị này sắp giở trò.”

“Đóng cửa mau! Đóng cửa mau!” Vương đại nương cuồng quýt sai thằng bé con đi đóng cửa, “Cấm để bọn chúng xộc vào làm loạn đấy. Còn hai cái chùm đèn lưu ly Ba Tư của ta nữa chứ, mau gỡ đèn xuống rồi đóng cửa, mai là tết Nguyên Tiêu rồi, đèn này quý lắm đấy, ngộ nhỡ bể ra đấy thì…”

Gian bên này còn đang nhốn nháo hạ đèn đóng cửa, gian bên kia, Tôn Nhị đã dẫn đám người hung hãn ập vào, kẻ nào kẻ nấy tay lăm lăm ống trúc, chẳng ai rõ bên trong đựng những gì. Vương đại nương vừa trông đã hốt hoảng, thúc đám tiểu nhị mau đi đóng cửa, cửa chưa kịp khép kín, đám du côn vô lại kia đã hắt đầu ống trúc, trước mắt chỉ rõ một màu đen xì xì, thì ra trong ống trúc đựng toàn thứ nước màu đen. Phân nửa số nước ấy vẩy lên cửa, đám tiểu nhị đóng cửa không né kịp, vài đứa bị tóe nước đem ngòm, không chừa cả váy của Vương đại nương, bà ấy tức tối buông tiếng nhiếc chửi: “Chiếc váy lụa hoa này bà mới may, mặc chưa quá hai ngày, lũ lưu manh vô lại chết băm chết vằm này…xem bà có lột được da chúng mày không nhé…”

Vương đại nương một mực sai đám trẻ con mở cửa, nhưng bọn Tôn Nhị đùng một cái đã tản mất hút, bỏ trốn đến tít góc đường, lúc chạy còn ngoắt đầu lè lưỡi ngáo ộp trêu Vương đại nương, tức mình Vương đạ nương vừa gào thét vừa giận châm bành bạnh, không ngớt lời chửi rủa chúng.

Du Nương ra nhấc váy cho bà ta, cẩn thận xem xét, đoạn bảo: “Từ từ đã mẹ ơi, đây như mực tàu thôi, lấy giấm chà qua, xong dùng nước lã giặt là sạch. Mẹ thay váy đi, con giúp mẹ giặt…”

Vương đại nương nắm tay Du Nương, vẫn lầm rầm chửi bới: “Cái bọn khốn nạn này, lần sau gặp phải bà, đừng có trách bà giết chúng mày…” Cứ thế, bà ấy vừa nói lại vừa sai người đánh ra rửa cánh cửa. Cánh cửa gỗ sồi mới toanh không biết làm sao, chà mãi tróc cả lớp sơn, mà không tài nào sạch được. Vương đại nương trông bọn trẻ con tẩy mãi không sạch, càng thêm hậm hực. Tôi thấy vết mực đã thấm vào tận lớp gỗ trong, đột nhiên nảy ra 1 ý, liền gọi đứa hầu gái đứng cạnh mình, bảo: “Lấy bột yến và than kẻ mày lại đây.”

Du Nương ngắm nghía khuôn mặt tôi, cười nói: “Lương công tử sắm vai nữ nhi, nom thanh tú mười phân vẹn mười, có không trang điểm, cũng hơn khối đứa trong phường chúng em rồi.”

Tôi cười hì hì đoạn kéo Lí Thừa Ngân: “Tên này còn đẹp hơn ta cơ mà, mau đi lấy đi, ta bảo hắn vẽ!”

Lí Thừa Ngân vừa tức vừa cáu, gạt phăng tay tôi ra, đứa hầu bưng bột yến và than kẻ mày ra, tôi nhét cái khay vào tay hắn, nói: “Vẽ đi!”

Lí Thừa Ngân trợn mắt với tôi: “Vẽ cái gì?”

Tôi hậm hực bảo: “Lầm trước Sắt Sắt của chàng dùng quạt trắng đập chết 1 con muỗi, không phải chàng vẽ cho nàng ta một cánh bướm lên vết máu của con muỗi dính trên quạt à? Chàng đã đủ tài vẽ bướm thì hôm nay khắc có bản lĩnh vẽ lên tấm cửa này.”

Lí Thừa Ngân “hừ” 1 tiếng, tôi trông hắn tỏ vẻ không đồng tình, liền nhón chân nắm chặt cổ áo hắn, bảo: “Chàng mà không vẽ, thiếp rêu rao chuyện vị thượng khách đương ngồi ở lầu sau lên bây giờ!”


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.