Type: chuot tery
Lâm Lang nhìn Thanh Hề đang ngồi luyện chữ cạnh cửa sổ rồi trừng mắt với Thôi Xán. Thôi Xán nhìn lại nó bằng ánh mắt vô tội. Ai cũng biết Lâm Lang muốn giữ thể diện cho nhị phu nhân trước mặt Thanh Hề nhưng trên dưới cả phủ, không có người hầu nào thích nhị phu nhân, ngầm gọi cô ta là “nữ thi nhân”.
Cái tên này cũng có nguồn gốc của nó. Tiền triều có một nhà thơ nổi tiếng tên là Vi Húy Trang, ki bo kiệt xỉ đến nỗi có thể nói là đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành. Trong nhà mà thiếu một miếng thịt thì ông ta nhất quyết phải tra cho bằng được là kẻ nào ăn vụng, con trai chết, ông ta cũng không nỡ thay cho nó một bộ áo mới trước khi hạ huyệt, nói là người chết rồi cần gì mặc đẹp.
Trong mắt của bọn người hầu kẻ hạ trong phủ, nhị phu nhân với Vi Húy Trang kia cũng một chín một mười, chính vì thế nên cô ta mới có biệt danh này.
Thanh Hề đương nhiên nghe thấy lời của Thôi Xán. Nàng đặt bút xuống, cười nói: “Nhưng phủ quốc công đúng là cần một người như nhị phu nhân quản lí.” Nếu ai cũng như nàng thì ngày phủ Tề Quốc công thu không đủ chi sẽ chẳng còn bao xa nữa.
Những lời này đến tai Phong Lưu, khiến hắn bất giác gật đầu tán thưởng.
Hôm nay, Thanh Hề lại thấp thỏm mang tập luyện chữ đến Tứ Tịnh Cư. Theo kinh nghiệm của lần trước, nàng phát hiện tuy Phong Lưu thanh tâm quả dục đã lâu nhưng không phải là hắn không có ham muốn. Có câu “vô dục tắc cương, hữu dục tắc cường”, chữ “cường” này mang hai nghĩa, có thể là “mạnh mẽ” cũng có thể là “cưỡng ép”; dù mang nghĩa nào thì cũng không phải là điều nang mong muốn.
Tuy vết thương đã lành nhưng Đào ma ma cũng dặn nàng rằng nếu không muốn gặp biến chứng thì nên kiêng gần gũi ít nhất một tháng. Tất nhiên bà ta không nói thẳng như thế nhưng Thanh Hề ít nhiều cũng hiểu được.
Phong Lưu đã trở về với dáng vẻ ông lớn đáng kính, nhìn thẳng vào bản luyện chữ của Thanh Hề, giảng giải bình luận, lời nào cũng hợp lí xác đáng. Thanh Hề cung kính thụ giáo.
Xem xong, Phong Lưu chỉ về phía cửa sổ hướng nam. Thanh Hề chỉ còn cách chậm chạp bước tới đó.
“Hình như nàng gầy đi, sắc mặt cũng không tốt.” Cách chiếc bàn nhỏ chân cong bằng gỗ đàn hương khảm vỏ ốc, Phong Lưu nhìn Thanh Hề, nói.
Thanh Hề không biết đáp lời thế nào, cũng may Phong Lưu cũng không thực sự muốn hỏi như thế. Hắn đặt một chiếc hộp lên mặt bàn, đẩy về phía nàng.
Thanh Hề nhìn hắn, thấy hắn khẽ gật đầu, nàng mới dám mở chiếc hộp ra. Trên lớp vải lót bằng nhung tím là những tổ yến huyết bày ngay ngắn. Không ngờ chuyện trong nhà nhanh như vậy đã bay đến Tứ Tịnh Cư.
“Hộp này là để nàng bồi bổ thân thể. Nhị đệ muội quản lí nhà cửa cũng không dễ dàng. Từ nay về sau, hằng tháng Cần Thư sẽ mang yến huyết đến cho nàng.”
Thanh Hề ngẩng đầu nhìn Phong Lưu, không ngờ hắn còn quan tâm đến cả những chuyện nhỏ nhặt thế này, nhất thời nàng cảm thấy trong lòng vô cùng ấm áp, đôi môi mấp máy định nói thì lại nghe thấy Phong Lưu tiếp lời: “Không có việc gì thì nàng về đi. Cầm hai cuốn Danh Cơ Thiếp và Vệ Thị Hòa Nam Thiếp về tập chép, lúc nào thấy viết đẹp rồi thì mang đến cho ta xem.”
Hai cuốn thiếp này là tác phẩm nổi tiếng để đời của Vệ phu nhân. Vị Vệ phu nhân này viết chữ rất đẹp, Cổ kim thư bình đã nhận xét chữ của bà ấy như “mỹ nữ cắm hoa, nhảy múa trước gương”, rất thích hợp để cho các phu nhân tiểu thư khuê các luyện theo.
Lời nói của Phong Lưu như gáo nước lạnh dội thẳng vào lòng Thanh Hề, khiến sự cảm động vừa mới nảy mầm trong trái tim nàng phút chốc đông cứng.
Thanh Hề nào biết được tâm sự của Phong Lưu. Sau khi luống cuống khiến nàng bị thương, hắn muôn phần áy náy, phiền não, tự trách mình tu thân dưỡng tính không tới nơi tới chốn, thế rồi hạ quyết tâm chờ nàng đủ mười tám tuổi mới sống chung.
Trước thái độ hờ hững của Phong Lưu, tuy Thanh Hề có chút bực bội nhưng cũng coi như cởi được một gánh nặng trong lòng.
Về đến Lan Huân Viện, Thanh Hề sai Lâm Lang mang hộp huyết yến sang biếu thái phu nhân. Con dâu có thể thắt lưng buộc bụng nhưng tuyệt đối không thể để mẹ chồng nhìn ăn nhịn mặc được, nàng phải hiếu kính với bà.
Mới đi được nửa đường, Lâm Lang liền gặp Hà Ngôn.
“Hà Ngôn, cô đi đâu vậy?” Lâm Lang hỏi.
Hà Ngôn cười, đáp: “Thái phu nhân sai tôi mang đồ sang Lan Huân Viện.”
“Trùng hợp quá, phu nhân cũng sai tôi mang đồ đến biếu thái phu nhân.”
Hai con a hoàn chụm đầu vào nhau, nhìn hai chiếc hộp trong tay đối phương, mở ra xem, đều là yến huyết. Hai đứa không hẹn mà cùng cười, nói: “Thật là trùng hợp.”
Hà Ngôn lại nói: “Thái phu nhân nói phu nhân quen ăn yến huyết, mấy hôm nay sắc mặt người không tốt, nên tĩnh dưỡng cho tốt, bồi bổ khí huyết.” Sau đó, Hà Ngôn tỏ vẻ bí hiểm, thì thầm vào tai Lâm Lang: “Thái phu nhân tự bỏ tiền mua, tặng cho phu nhân để ăn khuya. Phần yến huyết buổi sáng ở chỗ thái phu nhân đã chuẩn bị đầy đủ rồi.”
Lâm Lang kéo tay Hà Ngôn, nói: “Đi cùng tôi đến thượng phòng đi. Ở chỗ phu nhân vẫn còn yến huyết, sao có thể để thái phu nhân tự bỏ tiền ra mua được.”
Hà Ngôn cũng là đứa tinh khôn, liền cùng Lâm Lang quay về chỗ thái phu nhân nịnh cho bà vui.
Thái phu nhân nghe nói Thanh Hề sai Lâm Lang mang biếu tổ yến thì vui mừng ra mặt, nói: “Tuy chẳng có gì to tát nhưng đáng quý ở tấm lòng.”
“Đúng thế đấy ạ. Người thương phu nhân, phu nhân cũng yêu quý người. Chúng con chưa thấy mẹ chồng nàng dâu nào lại hòa thuận thế.” Hà Ngôn cũng hùa vào lấy lòng.
Đây đúng là một chuyện tốt, nhưng đến tai nhà khác thì không hẳn như thế nữa. Tam phu nhân cậy mình có nhiều của hồi môn, thấy Thanh Hề có yến huyết, cũng tự bỏ tiền đưa cho nhị phu nhân, bù vào phần chênh lệch để được ăn yến huyết.
Còn về Thương Nhược Văn, khi biết tin này, cô ta chỉ ôm lấy Uyển Thư Nhi mà khóc. Uyển Thư Nhi chưa hiểu chuyện, thấy mẹ buồn thì cũng buồn theo. Bỗng Thương Nhược Văn hỏi: “Uyển Thư Nhi muốn có em trai không?”
Uyển Thư Nhi không biết em trai là gì, chỉ nghĩ có thứ mới đương nhiên là tốt, thế là gật đầu. Điều này càng khiến cho Thương Nhược Văn như đứt từng khúc ruột, đứa con trai khỏe mạnh chớp mắt đã không còn nữa, trong lòng oán hận mà không có chỗ nào để trút, đêm đêm mơ thấy ác mộng, không khỏi đau lòng. Thế mà thái phu nhân vẫn thương yêu mụ đàn bà kia, Thương Nhược Văn thực sự không cam lòng. Cứ cho là không trừng phạt thì cũng không thể để kẻ đó sống tốt như vậy được.
Thương Nhược Văn quay lại gọi Băng Cầm, sai mở hòm lấy tiền, mua yến huyết loại đắt nhất.
Đầu tháng Mười một, tam gia Phong Nhạc cuối cùng cũng vượt gió bụi về đến kinh thành, trước tiên là đến thỉnh an thái phu nhân, sau đó thắp hương cho liệt tổ liệt tông rồi lại quay về chỗ thái phu nhân, hai mẹ con hàn huyên tâm sự.
“Mẹ, đây là Tú Tinh. Mấy năm nay may mà có nàng ấy chăm sóc cho con.” Tú Tinh chính là người thiếp mà Phong Nhạc mới nạp.
Hướng Tú Tinh mày rậm mắt to, dung mạo xinh đẹp như hoa đào đón gió xuân, cử chỉ nho nhã đoan trang, rất biết lấy lòng người khác. Cô ta cung kính bước lên thỉnh an thái phu nhân.
Hà Ngôn đã chuẩn bị sẵn quà gặp mặt là một đôi vòng tay bằng vàng, vì dù sao cũng chỉ là phận lẽ mọn.
Phong Nhạc lại chỉ vào đứa bé trai chừng một tuổi đang được người hầu bế bên cạnh, nói: “Đây là Thụy Ca Nhi ạ.”
Người hầu bế Thụy Ca Nhi bước lên hành lễ, thái phu nhân cũng đùa Thụy Ca Nhi. Thằng bé không khóc vì lạ mặt, chỉ nhìn thái phu nhân và cười, khiến bà rất vui vẻ.
Hà Ngôn lấy ra một cái khóa trường mệnh bằng vàng gắn tám quả lục lạc nhỏ cũng bằng vàng.
Thanh Hề cũng tặng một cái khóa trường mệnh bằng vàng nhưng chỉ có bốn quả lục lạc.
Tam phu nhân mặt nhăn mày nhó đứng sau lưng thái phu nhân. Thụy Ca Nhi vừa nhìn thấy cô ta liền khóc. Hướng Tú Tinh thấy con khóc thì xót ruột nhưng lại không dám chạy đến dỗ, khiến cho người hầu bế Thụy Ca Nhi cứ cuống cả lên. Thái phu nhân thấy vậy liền bảo Phong Nhạc đưa thê thiếp về nghỉ.
Tối hôm đó, thái phu nhân tự bỏ tiền túi chuẩn bị tiệc rượu tẩy trần cho Phong Nhạc. Yến tiệc được bày ở Vân Huyên Đường, nam nữ ngồi cùng phòng, chỉ cách nhau một tấm bình phong tứ quý. Ngoài ra, còn mời hai ca nữ đến góp vui, vô cùng náo nhiệt, ăn uống chuyện trò đến tận canh ba mới tàn tiệc.
Vì mải vui mà ngày hôm sau, Thanh Hề thức dậy khá muộn, đầu giờ Thìn mới đến thỉnh an thái phu nhân. Vừa bước vào phòng, nàng đã nghe thấy tiếng khóc của tam phu nhân.
“Mẹ, mẹ phải làm chủ cho con. Tối hôm qua tàn tiệc, chàng nói là đã trễ, sợ ảnh hưởng đến giấc ngủ của bọn trẻ rồi quay người đi thẳng đến Tây Khoa Viện. Chẳng lẽ chàng không sợ ảnh hưởng đến Thụy Ca Nhi ư?” Đỗ Tình Lam lau nước mắt, nói. “Ba năm rồi, khó khăn lắm mới về nhà, vậy mà chàng lại đối xử với con như vậy. Nếu chỉ có vậy thì chẳng nói làm gì, sáng hôm nay, khi Hướng thị đến phòng con nghe quy tắc, mời quỳ một tí mà chàng đã phật lòng, nói Hướng thị đang mang thai, lại mắng con là hà khắc, ác độc, không bao dung cô ta, nói đi nói lại vẫn là ám chỉ con muốn hãm hại mẹ con cô ta, đã thế còn cho con một cái bạt tai nữa. Cơn giận này con không sao nuốt trôi được, rốt cuộc chàng có còn là tướng công của con nữa hay không?” Đỗ Tình Lam càng nói càng có vẻ thương tâm, ban đầu còn nghẹn ngào, sau thì không kìm được òa khóc nức nở.
“Phong Nhạc cũng thật là… Làm vợ chồng với nhau đã bao năm, sao lại không hiểu tính khí của con, mắng con là hà khắc, ác độc, lại còn đánh con nữa chứ!” Vì cái tát của Phong Nhạc mà thái phu nhân cũng nghiêng về phía Đỗ Tình Lam. Tuy cô ta thích đưa chuyện người nhưng tuyệt đối không phải là kẻ lòng dạ độc ác.
Đỗ Tình Lam nghe thấy câu này của mẹ chồng thì càng khóc to hơn, nói: “Mẹ, mẹ nhất định phải làm chủ cho con, cứ thế này thì con chết mất. Hay là mẹ bảo chàng bỏ con, lập Hướng thị làm chính thất đi cho rồi, dù sao thì chàng cũng chẳng ưa con.”
“Nói bậy nói bạ, sao có thể vì chuyện nhỏ nhặt này mà bỏ vợ bỏ chồng? Nếu bị chồng bỏ thật thì con còn mặt mũi nào về nhà mẹ đẻ không?” Thái phu nhân lườm Đỗ Tình Lam.
Đỗ Tình Lam biết mình đã lỡ lời, liền thôi bù lu bù loa, nói: “Nhưng… nhưng mà chàng cũng vô lương tâm lắm.”
“Hà Ngôn, đi mời Phong Nhạc đến đây.”
Thái phu nhân sai bảo Hà Ngôn rồi quay lại nói với Đỗ Tình Lam: “Phong Nhạc mới về nhà, sao con đã vội gây gỗ với nó? Đâu phải con không biết ba năm nay, nó luôn để bụng chuyện con không chịu theo nó đi nhậm chức nơi xa. Lần này nó về, con đã không biết đường mà lấy lòng nó, lại còn mặt nặng mày nhẹ tức giận, con làm thế chỉ có lợi cho Hướng thị.”
Đỗ Tình Lam vẫn cho rằng mình lấy Phong Nhạc là mất giá nên luôn lấn át chồng, làm gì có chuyện cúi đầu lấy lòng y, huống hồ lần này y về còn mang theo người đàn bà khác. Cô ta trầm ngâm một hồi, ngẩng đầu thấy Thanh Hề bước vào cửa, liền nói: “Mẹ, chỉ vì con thấy trong lòng khó chịu thôi, hay là mẹ hỏi Thanh Hề xem, nếu Quốc công gia nạp thiếp, liệu muội ấy có thể thoải mái không?”