Đôi Nhạn Quay Về

Chương 23: Ngày hè nóng nực




Type: thienyet98

Nghe thấy lời này, Phong Lưu liền cảm thấy nhẹ nhõm một cách kì lạ, hắn rất tin tưởng vào khả năng của mình.

Nghĩ lại thì Thanh Hề đã về phủ được hai năm rưỡi, vậy ma vẫn chưa có tin vui, người ngoài đương nhiên sẽ dị nghị, nói ra nói vào, khó trách nàng lại nảy ra ý định đó. Nói đi nói lại vẫn là hắn chưa suy nghĩ thấu đáo.

Ngón tay Phong Lưu nhẹ nhàng mơn trớn gò má trắng hồng của Thanh Hề, vuốt ve âu yếm. “Thế mà ta cứ tưởng việc gì ghê gớm, nàng không phải lo, rồi mẹ sẽ có cháu bế, phủ quốc công sẽ có thế tử.”

Thanh Hề không hiểu tại sao Phong Lưu lại có vẻ tự tin như thế, khẽ ngẩng đầu nhìn hắn.

Phong Lưu nhìn thấy chóp mũi Thanh Hề đỏ ửng lên vì khóc, cặp môi anh đào cũng đỏ hồng, càng thêm hút hồn, hắn liền dịu dàng nói: “Nàng còn nhỏ, đợi nàng lớn thêm chút nữa, chúng ta tự nhiên sẽ có con.”

Thực ra Thanh Hề cũng đâu còn nhỏ nữa, rất nhiều cô nương hơn mười sáu tuổi đã có thể làm mẹ rồi. Chỉ là trong mắt Phong Lưu, nàng vẫn còn là một đứa trẻ, chẳng khác gì đứa bé bọc trong tã lót được mẹ hắn đưa về năm xưa.

Nghe thấy những lời của Phong Lưu, Thanh Hề lại càng cảm thấy buồn bã, cho dù có lớn thêm bao nhiêu tuổi đi nữa thì cũng không thể có con. Nghĩ đến đây, nàng lại không cầm được nước mắt.

Phong Lưu không biết phải dỗ dành thế nào, chỉ đành ôm chặt lấy nàng, vỗ vai nàng, nói: “Thôi được rồi, mới mắng có mấy câu mà nàng đã nước mắt ngắn nước mắt dài. Từ nay về sau không được phép làm những việc ngu ngốc như vậy nữa. Nghe nói mẹ đã tìm được một mối tốt cho Phòng cô nương, nếu thực sự yêu quý chị Điểm Ngọc của nàng thì có thể tặng thêm của hồi môn cho cô ấy.”

Sau đó, Phong Lưu gọi Cần Họa tới hầu hạ Thanh Hề rửa mặt. Đến lúc này nàng mới thôi khóc, rửa mặt chải đầu rồi đến chỗ thái phu nhân.

Bị Phong Lưu mắng, Thanh Hề thực sự hổ thẹn không dám gặp Phòng Điểm Ngọc, may mà tên đã lên cung nhưng chưa kịp bắn, mà Điểm Ngọc cũng không biết rõ sự tình nên nàng mới có thể yên lòng, tự nhiên cũng hết lòng thu xếp cho hôn sự của Điểm Ngọc. Tặng vàng bạc thì Phòng phu nhân không chịu nhận, Thanh Hề đành tặng đồ dùng hằng ngày làm của hồi môn.

Từ rương hòm gương hộp cho tới trà bánh dùng thường ngày, thứ nào cũng tràn trề và là hàng cao cấp, đến nỗi có người hầu còn nói đùa không phải là Phòng phu nhân gả con gái mà là phu nhân quốc công gả con đi, ai nấy đều thầm ngưỡng mộ, không biết Phòng Điểm Ngọc đã làm gì mà lấy được lòng Thanh Hề như vậy.

Vì sợ đêm dài lắm mộng, Phòng phu nhân quyết định tổ chức hôn lễ vào tháng Tám, nhanh chóng thương lượng với nhà trai, nhà gái đi đưa dâu. Phong Lưu còn cắt cử một quản sự họ Ngô đi theo để hộ tống, Phòng phu nhân hết lời cảm tạ.

Sau khi Phòng Điểm Ngọc đi lấy chồng, Phòng phu nhân nhất quyết không chịu quấy quả phủ Tề Quốc công nữa, dẫn Điểm Tú về nhà. Tuy thu nhập chẳng đáng là bao nhưng bà ấy vẫn đến am Ninh Phúc ở ngoại thành, thắp ba cây trường minh đăng cho thái phu nhân, Thanh Hề và Phong Lưu, hằng tháng đều đặn công đức một trăm xu tiền nhang dầu. Những chuyện nhỏ nhặt này không nhắc đến nữa.

Mẹ con Phòng phu nhân đi rồi, Thanh Hề lại ảo não vì chuyện của Phong Lưu. Nàng vốn đã “chấm” Điểm Ngọc, nếu cô ta được rước về phủ thì cả nhà vẫn có thể sống hòa thuận, nhưng Phong Lưu vô tâm, Thanh Hề lại càng đau đầu vì chuyện nạp thiếp. Chưa kể nàng vẫn còn để bụng việc bị Phong Lưu mắng là làm chuyện ngu ngốc, thế nên càng muốn tránh mặt hắn.

Ngày hè nóng nực, động tay vào việc gì cũng thấy khó chịu bực bội. Thanh Hề không thích ra ngoài vào những ngày nắng nóng mà trong phủ cũng chẳng có ai để tâm tình. Nhị phu nhân trầm lặng cứng nhắc, tam phu nhân hoạt bát nhưng lại thích đàm tiếu chuyện thị phi, còn Thương Nhược Văn thì khỏi phải nhắc, có thể sống dưới một mái nhà với Thanh Hề đã là việc không dễ dàng rồi, đừng nói đến chuyện cùng nhau tâm sự.

Bất đắc dĩ, Thanh Hề chỉ có thể tìm các cháu để chơi đùa. Tấn Ca Nhi nhà nhị gia, Hiên Ca Nhi và Mi Thư Nhi nhà tam gia đều thích chơi với nàng. Vì Thanh Hề được thái phu nhân nuông chiều từ nhỏ nên trong phủ không có ai dám làm phật ý nàng, thậm chí còn phải ra sức nịnh nọt lấy lòng nàng, thế cho nên, nàng giỏi chơi còn hơn cả nữ công gia chánh.

Chuyện này thái phu nhân tuy biết nhưng không quản, nhiều lúc nàng đùa nghịch quá trớn, tam phu nhân cũng châm chọc một hai câu, nhưng thái phu nhân chỉ cười khà khà, nói Thanh Hề vẫn còn trẻ con lắm. Chuyện cứ thế mà qua đi.

Hôm nay, Thanh Hề vừa mới ngủ trưa dậy, Tấn Ca Nhi và Hiên Ca Nhi đã dắt Mi Thư Nhi đến Lan Huân Viện, kêu gào rủ Thanh Hề đi chơi nhảy dây. Vì thời tiết quá nóng bức nên thầy giáo cho Tấn Ca Nhi nghỉ hè một tháng, đến tháng Chín mới phải đi học tiếp. Thanh Hề tuy đắng đo đôi chút nhưng cuối cùng vẫn không nỡ làm Tấn Ca Nhi mất hứng.

“Đại bá nương, chúng ta đi đâu nhảy dây?” Mi Thư Nhi năm nay mới bốn tuổi dụi mắt vẻ ngái ngủ, hỏi.

“Bá nương là ngưới lớn, không thể đùa nghịch nhiều, chúng ta tìm chỗ nào râm mát lại vắng người đi.”

“Con biết một chỗ.” Tấn Ca Nhi lập tức tiếp lời, sau đó hớn hở dẫn cả đám đến góc tây nam của hoa viên, đi qua cây cầu tre, men theo con suối nhỏ uốn lượn, quả nhiên đã tìm thấy một bãi đất trống giữa rừng trúc, vừa mát mẻ vừa yên tĩnh, ai nấy đều thích thú.

Thanh Hề bảo Lâm Tang và Thôi Xán mỗi đứa cầm một đầu cảu sợi dây thừng dài, kế đó lại sai a hoàn hầu hạ Tấn Ca Nhi và Hiên Ca Nhi giữ hai sợi dây thừng khác. Kiểu chơi này có độ khó cực kì lớn.

Mấy đứa trẻ hoan hô ầm ĩ, Mi Thư Nhi tròn mắt nhìn Thanh Hề nhảy qua nhảy lại như con thoi giữa ba sợi dây thừng, lợi hại hơn là khi nhảy lên không trung nàng còn có thể tạo ra các tư thế khác nhau, bao gồm cả tư thế đá cầu. Đừng nói là bọn Mi Thư Nhi, ngay cả Lâm Lang và Thôi Xán cũng bị tuyệt kĩ nhảy dây của Thanh Hề làm cho mắt tròn mắt dẹt.

“Phu nhân đến trước cổng chùa Bảo Quốc biểu diễn được đấy nhỉ.” A hoàn hầu hạ Mi Thư Nhi mới vào phủ được hai năm, Xuân Thủy, trầm trồ.

Lâm Lang lập tức trừng mắt, mắng: “Ngươi nói linh tinh cái gì đấy?”

Xuân Thủy biết mình đã lỡ lời, vội vàng quỳ xuống, nói: “Nô tì biết lỗi rồi, nô tì nói linh tinh…”

Thanh Hề đang chơi vui vẻ, nhìn thấy người hầu khóc lóc nức nở, bèn nói: “Lâm Tang, đừng dọa nó nữa. Ta cũng thấy ta mà đến chùa Bảo Quốc biểu diễn thì đảm bảo chật ních người xem.” Mặc dù Thanh Hề chưa bao giờ đi xem biểu diễn xiếc ở quảng trường trước cổng chùa Bảo Quốc nhưng vẫn biết đó là nơi tập trung các nghệ nhân biểu diễn ở kinh thành, không có bản lĩnh thực sự thì không dám khoe tài ở đó.

Ở kinh thành có hai ngôi chùa lớn, một ở phía đông, một ở phía tây, lần lượt tên là chùa Thiên Ninh và chùa Bảo Quốc. Mỗi kì lễ hội, quảng trường trước cổng chùa Bảo Quốc luôn thu hút rất nhiều nghệ nhân đến biểu diễn kiếm tiền, vì người đông nên dễ nổi tiếng, có khi còn được quan lớn nhà giàu nghe tiếng đến xem. Thái phu nhân chê chùa Bảo Quốc ồn ào phức tạp nên thường đến chùa Thiên Ninh lễ Phật.

“Bẩm phu nhân, hay là chúng ta về đi, Xuân Thủy nói thế, khó tránh kẻ khác đàm tiếu, nếu chuyện này mà đồn ra ngoài, e sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của phu nhân.” Lâm Tang cất tiếng khuyên nhủ, nó chưa từng nhìn thấy vị phu nhân nào lại đi đùa nghịch cùng một đám trẻ con cả.

“Đừng, bá nương dạy cháu, dạy cháu.” Mi Thư Nhi không đồng ý, kéo tay Thanh Hề, mếu máo chực khóc.

Mi Thư Nhi xinh xắn đáng yêu, Thanh Hề tất nhiên không nỡ làm cháu buồn, liền nói: “Được, được, bá nương dạy cháu.”

Thế là lời của Lâm Lang đã biến thành nước đổ lá khoai. Mấy đứa trẻ cười đùa ầm ĩ, Thanh Hề dắt tay Mi Thư Nhi, Tấn Ca Nhi và Hiên Ca Nhi cùng nhảy dây, trông như một đàn bướm vờn quanh đóa hoa. Tiếng cười nói vang vọng chỉ e cách mười trượng cũng nghe thấy.

Lâm Lang và Thôi Xán sốt ruột khuyên nhủ nhưng không thẻ can nổi một đám người đang cao hứng. Lúc đầu, mọi người còn nhỏ tiếng, nhưng về sau, mỗi lần Thanh Hề làm một động tác khó là cả bọn lại hoan hô ầm ĩ cả lên.

Phong Lưu về phủ, trên đường về Tứ Tịnh Cư thay áo, bỗng nghe thấy góc tây nam vọng đến tiếng cười nói ồn ào. Hắn liền nhíu mày, hỏi: “Thính Tuyền, ai làm ồn ở bên đó vậy, ma ma quản lí hoa viên đâu?”


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.