Đời Kỹ Nữ

Chương 62: Chương 32 part 1




Suốt mùa đông năm đó và cả mùa xuân năm sau, Nobu thường đưa ông Thứ trưởng đến Gion mỗi tuần một lần, thậm chí có khi hai lần. Cứ nghĩ đến chuyện hai người đến vui chơi với nhau suốt mấy tháng liền như thế này, chắc thế nào anh cũng nghĩ rằng trong thâm tâm ông Thứ trưởng ông cho rằng ông Nobu rất cay cú tức giận, sẵn sàng tìm cách để ngăn chặn ông ta thân mật với tôi. Nhưng thật ra, ông Thứ trưởng có vẻ như không cần chú ý đến cái gì khác ngoài việc có tôi quỳ bên ông và rót sakê đầy cốc cho ông ta. Cái nhiệm vụ này nhiều lúc làm cho cuộc đời của tôi khó khăn thêm. Khi tôi chú ý nhiều đến ông Thứ trưởng là ông Nobu trở nên bẳn tính thêm, phía bên mặt ít sẹo của ông ta ửng đỏ vì tức giận. Cho nên sự có mặt của ông Chủ tịch, Mameha và Bí Ngô rất có ích cho tôi. Họ giúp cho tình hình bớt căng thẳng.

Dĩ nhiên tôi còn thích sự hiện diện của ông Chủ tịch vì lý do khác nữa. Trong những tháng này tôi gặp ông Chủ tịch nhiều hơn bao giờ hết, và bất cứ khi nào tôi nằm ngủ vào ban đêm, tôi cũng thấy hình ảnh ông hiện ra trong óc tôi rất rõ ràng. Ví dụ, tôi thường hình dung ra cặp mắt ông không có lông nheo, nhưng thực ra mắt ông có rất nhiều lông nheo, lông nheo mềm mại như chiếc bàn chải lông nhỏ. Và miệng của ông cũng rất gợi cảm, gợi cảm đến độ nhiều khi ông cố che giấu tình cảm một cách rất vụng về. Khi ông ta thích thú một việc gì mà không muốn để lộ ra bên ngoài, hai bên mép miệng của ông ta rung lên nhè nhẹ. Hay khi ông ta suy nghĩ điều gì – có lẽ nghĩ về những khó khăn gặp phải trong ngày – ông ta thường xoay xoay cốc rượu trong tay, và miệng mím lại làm thành những đường nhăn chạy từ hai khóe môi xuống cằm. Mỗi khi ông ta trầm ngâm suy nghĩ như thế, tôi có dịp nhìn ông ta một cách thoải mái. Mỗi lần ông ta chìm đắm trong trạng thái suy tư, tôi lại thấy ông ta rất đẹp. Tôi nghĩ ông ta đang lo nghĩ về công việc làm ăn. Một buổi tối, khi Mameha đang kể chuyện, tôi say sưa ngắm nhìn ông Chủ tịch, đến nỗi khi tôi trở lại với thực tế trước mắt, tôi thấy cô ấy đang nhìn tôi với vẻ kinh ngạc. May thay là ông Thứ trưởng quá gật gù với tách rượu nên không chú ý đến tôi, còn phần Nobu, ông ta đang bận nhóp nhép cái gì đấy, và lấy đũa vét quanh đĩa thức ăn, nên không chú ý gì đến tôi và Mameha. Nhưng hình như Bí Ngô đã nhìn thấy tôi. Khi tôi nhìn cô ta, cô mỉm cười, nụ cười khó hiểu.

Một buổi tối vào cuối tháng hai, Bí Ngô mắc bệnh cúm, không đến phòng trà Ichiriki được. Còn ông Chủ tịch bận việc đến trễ, nên Mameha và tôi giải trí cho Nobu và ông Thứ trưởng một giờ. Cuối cùng chúng tôi quyết định múa, mục đích là để cho chúng tôi vui chứ không phải cho họ. Nobu không khoái gì múa, còn ông Thứ trưởng chẳng quan tâm gì đến khiêu vũ. Không phải chúng tôi chọn cách múa để giết thì giờ, mà vì chúng tôi không biết làm gì cho vui hơn.

Thoạt tiên, Mameha múa vài vở múa ngắn, còn tôi đệm đàn Shamisen. Sau đó, chúng tôi thay chỗ. Ngay khi tôi mới vừa đứng vào tư thế để múa – người cúi xuống, tay cầm quạt sát mặt đất, còn tay kia giang rộng qua phía bên kia – thì bỗng cửa mở và ông Chủ tịch bước vào. Chúng tôi chào ông ta, đợi ông ngồi vào chỗ. Tôi rất sung sướng khi thấy ông đến, vì mặc dù ông đã thấy tôi trình diễn trên sân khấu rồi, nhưng chắc chưa bao giờ ông ta xem tôi múa một cách thân mật như thế này. Mới đầu, tôi định múa vở có tên Lá thu xào xạc, nhưng bây giờ tôi đổi ý, tôi yêu cầu Mameha chơi bài Mưa. Bài này kể một câu chuyện về một thiếu nữ rất xúc động khi người yêu cởi áo khoác kimono ra để cho nàng mặc trong khi trời giông tố, và nàng biết người yêu là người khuất mặt hiện hình, nếu bi ướt là cơ thể anh ta tan biến ngay. Các cô giáo dạy múa của tôi thường khen ngợi tôi về cách tôi biểu lộ sự buồn rầu của người thiếu nữ, trong những biểu cảm động tác này, khi tôi từ từ khuỵu hai đầu gối xuống, tôi không để cho hai chân run như nhiều vũ công khác thường mắc phải. Có lẽ tôi đã nói đến chuyện này rồi, nhưng trong vở múa của trường Inoue, vẻ biểu cảm trên mặt là điều quan trọng hơn các động tác của tay và chân, cho nên mặc dù tôi rất muốn nhìn ông Chủ tịch khi tôi đang múa, nhưng tôi phải luôn luôn giữ cặp mắt nhìn thẳng cho nghiêm trang, không được nhìn vào người nào hết. Để giúp cho tôi biểu lộ được tình cảm khi múa, tôi phải để tâm nghĩ đến chuyện buồn nhất, nghĩa là tôi phải tưởng tượng ra rằng có mặt ông danna của tôi trong phòng – không phải ông Chủ tịch, mà Nobu. Khi tôi nghĩ đến diều này, mọi người quanh tôi bỗng trởn nên u sầu ảm đạm. Phía ngoài vườn, nước mưa từ mái nhà nhỏ giọt tí tách trên cửa kính. Thậm chí chiếu ngồi cũng có vẻ dính chặt xuống nền nhà. Tôi nhớ khi ấy tôi múa không phải để diễn tả nỗi sầu muộn của nàng thiếu nữ có người yêu là hồn ma bóng quế, mà tôi múa để diễn tả nỗi đau khổ trong lòng tôi, nỗi khổ của kẻ bị mất cái mà mình thương mến nhất. Tôi lại còn nhớ đến chị Satsu nữa. Tôi múa để diễn tả nỗi sầu chia ly. Cuối cùng, tôi cảm thấy lòng quá sầu muộn, bất thần tôi ngước mắt nhìn thẳng vào mặt ông Chủ tịch.

Ông ta ngồi gần ở góc bàn, cho nên không có ai thấy ông ta khi tôi nhìn vào mặt ông. Tôi thấy mặt ông lộ vẻ kinh ngạc, vì hai mắt ông mở to. Nhưng không như mọi khi ông ta thường mím chặt môi để khỏi cười, khi ấy tôi thấy miệng ông ta mím lại vì cảm xúc dâng trào. Tôi không biết có chắc ông quá cảm động hay không, nhưng tôi có cảm giác hai mắt ông mọng lên vì nước mắt. Ông ta liền quay mắt nhìn ra cửa, rồi giả vờ đưa ngón tay gãi vào sóng mũi để đưa ngón tay lên khóe mắt, rồi ông vuốt lông mày như thể chính chúng là nguồn gốc phát sinh ra sự bối rối của mình. Tôi quá kinh ngạc khi thấy ông Chủ tịch có vẻ đau khổ như thế, đến nỗi tôi cảm thấy tôi luống cuống một lát. Múa xong, tôi về lại bàn ngồi, Mameha và Nobu bắt đầu nói chuyện trở lại. Một lát sau ông Chủ tịch nói xen vào:

- Tối nay Bí Ngô đi đâu?

- Ồ, cô ấy bị bệnh, ông Chủ tịch à – Mameha đáp.

- Cô nói sao? Cô ấy không đến đây à?

- Không, không đến – Mameha đáp – Bị sởi không đến là tốt thôi.

Mameha tiếp tục nói chuyện. Tôi thấy ông Chủ tịch xem đồng hồ rồi nói với giọng vẫn còn xúc động.

- Mameha, xin cô miễn lỗi, tôi phải ra về. Tối nay tôi cảm thấy không được khoẻ.

Khi ông Chủ tịch đã ra ngoài, đóng cửa lại, ông Nobu nói chuyện vui gì đấy khiến mọi người bật cười. Nhưng trong tôi nảy ra một ý nghĩ làm cho tôi lo sợ. Trong vở múa, tôi đã cố diễn tả nỗi đau khổ về sự biệt ly. Dĩ nhiên tôi làm thế vì lòng tôi đau khổ, nhưng vô tình tôi cũng làm cho ông Chủ tịch đau khổ. Và phải chăng ông nghĩ đến sự vắng mặt của Bí Ngô? Tôi không tin ông ta muốn khóc vì nghe Bí Ngô bị bệnh, hay là vì chuyện gì như thế, nhưng có lẽ tôi đã gợi lên trong ông lòng trắc ẩn. Tôi chỉ biết khi tôi múa xong là ông hỏi đến Bí Ngô, và khi nghe cô ấy bị bệnh, ông ta ra về. Tôi không tin có chuyện như thế được. Nếu quả thật ông Chủ tịch có cảm tình với Mameha, đương nhiên tôi không ngạc nhiên. Nhưng còn Bí Ngô? Tại sao ông Chủ tịch mơ ước một người…một người thiếu tế nhị như thế?

Bất kỳ người phụ nữ nào thông minh cũng đều mất hết hy vọng trước thời cuộc lúc bấy giờ. Thời ấy, ngày nào tôi cũng đến nhà người bói toán và xem niên lịch để biết vận mạng mình ra sao. Dĩ nhiên người Nhật chúng tôi đã sống trong một thập niên không dám hy vọng. Tôi không ngạc nhiên khi thấy mình cũng mất hết hy vọng như mọi người. Nhưng ngược lại, nhiều người tin rằng có ngày đất nước chúng tôi sẽ vươn lên. Và tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng, nếu chúng tôi không cố vươn lên khỏi đống đổ nát, thì đất nước chúng tôi sẽ không bao giờ đổi thay. Mỗi lần đọc báo, tôi thấy một số cửa hàng làm đồ phụ tùng xe đạp trước chiến tranh bây giờ bắt đầu làm lại như thể chiến tranh không xảy ra. Tôi tự nhủ lòng, nếu tổ quốc tôi vươn lên được khỏi thung lũng tối tăm, thì tôi cũng sẽ hy vọng vươn lên khỏi thung lũng tối tăm của tôi.

Từ đầu tháng ba năm ấy cho đến hết mùa xuân Mameha và tôi bận bịu công việc về Vũ khúc cố đô, vũ khúc này được trình diễn trở lại lần đầu kể từ khi Gion bị đóng cửa vào những năm cuối của cuộc chiến. Và trong những tháng này, ông Chủ tịch và Nobu cũng bận công việc, cho nên họ chỉ đưa ông Thứ trưởng đến Gion có hai lần. Rồi bỗng một hôm vào tuần đầu tháng sáu, tôi được tin nhắn cho biết công ty đồ điện Iwamura yêu cầu tôi tối đó đến phòng trà Ichiriki cho sớm. Tôi đã có chỗ hẹn đăng ký trước đó mấy tuần, nên không vắng mặt được, cho nên khi tôi mở cửa phòng tiệc ở phòng trà Ichiriki, thì tôi đã trễ mất nửa giờ rồi. Nhưng tôi ngạc nhiên thấy rằng đáng lẽ mọi người đã ngồi quanh bàn tiệc, thì tôi chỉ thấy có ông Nobu và ông Thứ trưởng thôi.

Tôi thấy Nobu có vẻ tức giận. Dĩ nhiên ông ta giận tôi vì tôi để cho ông ta ở một mình với ông Thứ trưởng quá lâu – nhưng thực ra, hai người không ở một mình với nhau như con sóc với con sâu cùng trên một cành cây. Mà ông Nobu thì gõ ngón tay trên mặt bàn, vẻ mặt giận dữ, còn ông Thứ trưởng đứng nơi cửa sổ nhìn ra ngoài vườn.

Khi tôi ngồi vào bàn, ông Nobu lên tiếng:

- Tốt rồi, thưa ông Thứ trưởng! Nhìn cây mọc thế đủ rồi. Bộ ông bắt chúng tôi ngồi đợi ông cả đêm hay sao?

Ông Thứ trưởng giật mình, nhẹ cúi chào xin lỗi rồi ngồi vào chiếc nệm tôi vừa đưa ra cho ông. Thường thường tôi rất khó tìm lời để nói với ông ta, nhưng đêm ấy tôi nói năng dễ dàng hơn, vì lâu rồi tôi không gặp mặt ông ta. Tôi nói:

- Ông Thứ trưởng không thích em nữa rồi!

- Hả? – ông Thứ trưởng đáp, cố làm ra vẻ ngạc nhiên.

- Ông không gặp em hơn một tháng rồi! Có phải vì ông Nobu không tốt, không đưa ông đến Gion thường xuyên cho phải phép không?

- Không phải ông Nobu không tốt đâu – ông Thứ trưởng trả lời. Ông ta thở ngược hơi thở lên mũi mấy lần nữa rồi mới nói tiếp – tôi đã yêu cầu ông ấy nhiều lần.

- Vắng xa ông một tháng, thế là không tốt rồi. Chúng ta phải vui thật nhiều để bù lại mới được.

- Phải – ông Nobu nói xen vào – phải uống nhiều vào.

- Trời ơi, đêm nay ông Nobu gắt gỏng quá. Bộ ông ấy sẽ như thế này cả đêm hay sao? Và ông Chủ tịch, Mameha và Bí Ngô đâu? Bộ họ không đến với chúng ta à?

- Tối nay ông Chủ tịch không đến được – ông Nobu đáp – còn những người kia tôi không biết họ ở đâu. Đấy là việc khó khăn của cô, chứ không phải của tôi.

Một lát sau, cửa phòng mở, hai cô hầu mang thức ăn vào cho hai người. Tôi cố hết sức làm cho họ thân thiện với nhau khi ăn – nghĩa là tôi cố làm cho Nobu nói chuyện, nhưng ông ta không muốn nói chuyện. Rồi tôi cố làm cho ông Thứ trưởng nói chuyện, nhưng cũng chỉ moi được vài tiếng nơi đĩa cá nướng. Thành ra cuối cùng tôi bỏ cuộc, và chỉ nói một mình những điều tôi muốn nói, như bà già nói chuyện với hai con chó. Trong suốt thời gian này, tôi rót rượu liên miên cho hai người. Nobu không uống nhiều, nhưng ông Thứ trưởng nâng cốc thoải mái bất cứ khi nào tôi rót đầy. Khi thấy mắt ông Thứ trưởng đã bắt đầu kèm nhèm, Nobu như người vừa tỉnh dậy, dằn mạnh cái tách rượu lên bàn, lấy khăn lau miệng rồi nói:

- Tốt rồi, ông Thứ trưởng, buổi tối như thế này đầy đủ rồi. Đã đến giờ ông về nhà thôi.

- Ông Nobu! – tôi nói – Em có cảm tưởng khách của ông bắt đầu vui.

- Ông ấy vui nhiều rồi. Chúng ta đưa ông ấy về nhà cho sớm. Nào ông Thứ trưởng, vợ ông chắc mừng lắm!

- Tôi không có vợ mà! – ông Thứ trưởng đáp. Nhưng ông ta kéo vớ lên và chuẩn bị đứng dậy.

Tôi dẫn Nobu và ông Thứ trưởng ra hành lang đến cửa trước, giúp ông Thứ trưởng mang giày. Tắc xi vẫn còn hiếm vì nhiên liệu có hạn, nhưng cô hầu đã gọi xe kéo, tôi giúp ông ta lên xe. Trước đây tôi đã thấy ông ta rất kỳ lạ, nhưng khi ấy tôi thấy ông ta cứ cụp mặt xuống hai đầu gối, thậm chí cũng không nói lời giã biệt. Ông Nobu đứng trên ngưỡng cửa, quắc mắt nhìn vào trời đêm như là đang nhìn thấy mây kéo đến, nhưng thực ra bầu trời rất trong sáng. Khi ông Thứ trưởng về rồi, tôi nói với ông Nobu:

- Ông Nobu, hai người có chuyện gì xích mích với nhau phải không?

Ông ta nhìn tôi, vẻ khinh khỉnh, rồi quay vào trong nhà. Tôi theo ông ta vào phòng, ông ta dằn cái tách sakê không có rượu trên bàn. Tôi nghĩ ông ta muốn uống sakê, nhưng khi tôi hỏi, ông ta không trả lời gì hết – vả lại bình rượu cũng hết sạch. Tôi đợi một lát lâu, tưởng ông ta muốn nói cái gì đấy, nhưng cuối cùng chính tôi nói:

- Ông Nobu, nhìn ông mà xem. Giữa hai mắt ông có đường sâu như cái rãnh trên đường.

Ông ta để cho các bắp thịt quanh mắt nghỉ ngơi, nên đường nhăn có vẻ biến mất. Ông ta đáp:

- Tôi đâu còn trẻ trung như trước nữa.

- Ông nói thế nghĩa là sao?

- Nghĩa là có những đường nhăn vĩnh viễn như thế, và chúng không tan đi như cô nghĩ đâu.

- Có những đường nhăn đẹp và những đường nhăn xấu, ông Nobu à. Ông đừng quên điều ấy.

- Cô cũng không còn trẻ trung như trước nữa.

- Bây giờ ông lại sỉ nhục em rồi! Ông cau có hơn bao giờ hết. Tại sao ở đây không có chút rượu nào hết? Ông cần uống gì một chút mới được!

- Tôi không sỉ nhục cô. Tôi khẳng định một sự thật.

- Có những đường nhăn đẹp, những đường nhăn xấu, có những sự thật đẹp, sự thật xấu. Sự thật xấu ta nên tránh chúng đi.

Tôi tìm cô hầu bảo mang đến khay đựng uýt ki, scott và nước, với mực khô nướng – Vì tôi ngạc nhiên thấy Nobu không ăn gì nhiều khi nãy. Khi cô gái mang khay đến, tôi rót rượu scott vào ly, pha thêm nước, để ly trước mặt ông ta. Tôi nói:

- Đấy, bây giờ cứ xem như đây là thuốc bổ, uống đi – ông ta hớp một hớp, nhưng chỉ một hớp nhỏ thôi. Tôi nói tiếp – Uống hết đi.

- Tôi uống theo cách của tôi.

- Khi bác sĩ ra lệnh cho bệnh nhân uống thuốc, bệnh nhân phải uống theo lệnh! Uống hết đi!

Nobu uống hết ly rượu, nhưng khi uống ông ta không nhìn tôi. Sau đó tôi rót them ly nữa và ra lệnh cho ông ta uống nữa.

- Cô không phải là bác sĩ – ông ta nói – tôi uống từ từ theo cách của tôi.

- Nào ông Nobu, mỗi lần ông mở miệng là ông chuốc thêm rắc rối vào người. Bệnh nhân đau càng nặng, thuốc uống càng nhiều.

- Tôi không làm thế. Tôi ghét uống một mình.

- Được rồi, em sẽ uống với ông – tôi đáp.

Tôi bỏ vài cục đá vào ly rượu rồi đưa ly cho ông Nobu rót rượu. Ông mỉm cười khi nắm cái ly tôi đưa – có lẽ đây là nụ cười đầu tiên của ông ta trong buổi tối – và cẩn thận rót rượu scott một lượng gấp đôi lượng tôi rót cho ông ta, rót thêm tí nữa cho đầy ly. Tôi lấy ly rượu nơi ông, đổ hết rượu còn lại vào cái tô để ở giữa bàn, rồi rót đầy vào ly lại với số lượng như ông ta đã rót vào ly tôi, thêm một ít xem như rượu phạt.

Tôi nhăn mặt khi uống rượu. Tôi thấy uống scott thú vị như lội ngược dòng nước mưa chảy ngoài đường. Tôi nghĩ nhăn mặt như thế để tỏ lòng khoan khoái, và sau đó, Nobu trông có vẻ bớt gắt gỏng hơn. Khi lấy lại được hơi thở, tôi nói:

- Tôi không biết tối nay ông có chuyện gì không vừa ý. Hay ông Thứ trưởng không vừa ý.

- Đừng nhắc đến con người ấy! Tôi đã bắt đầu quên anh ta thì cô lại nhắc đến! Cô có biết vừa rồi anh ta nói với tôi cái gì không?

- Ông Nobu, em có trách nhiệm làm cho ông vui vẻ, dù ông uống nhiều rượu hay ít. Ông đã thấy cảnh ông Thứ trưởng say đêm này qua đêm nọ rồi. Bây giờ đến lượt ông phải say.

Nobu nhìn tôi với ánh mắt khó chịu, nhưng ông ta bưng ly lên như một gã đàn ông sắp ra pháp trường, rồi ông ta nhìn ly rượu một lát trước khi uống cạn. Ông ta để cái ly lên bàn rồi đưa lưng bàn tay dụi mắt như thể cố làm ắt sáng ra.

- Sayuri – ông ta nói – tôi phải cho cô biết chuyện này. Không chóng thì chầy, cô cũng sẽ nghe chuyện này thôi. Tuần trước ông Thứ trưởng và tôi đã nói chuyện với bà chủ phòng trà Ichiriki. Chúng tôi đã tính đến khả năng làm cho ông Thứ trưởng thành danna của cô.

- Ông Thứ trưởng à? – tôi hỏi – ông Nobu, em không hiểu. Có phải ông muốn chuyện như thế xảy ra không?

- Đương nhiên là không, nhưng ông Thứ trưởng đã giúp đỡ chúng tôi hết mình, và tôi không còn lựa chọn nào khác. Nhà cầm quyền chiếm đóng đang chuẩn bị kết thúc việc thanh sát công ty đồ điện Iwamura. Thế nào công ty cũng bị chiếm giữ. Tôi nghĩ ông Chủ tịch và tôi chắc phải học cách làm thợ hồ hay việc gì đấy thôi, vì chắc không bao giờ chúng tôi được phép hành nghề kinh doanh lại được nữa. Tuy nhiên, ông Thứ trưởng sẽ làm cho họ xét lại trường hợp của chúng tôi, và ông ta cố thuyết phục họ rằng chúng tôi đã bị giáng một đòn quá khắc nghiệt. Chắc cô biết sự thật là thế đấy.

- Thế mà ông Nobu cứ gọi ông Thứ trưởng là đồ này đồ nọ. Em thấy rằng…

- Ông ta đáng được gọi đồ này đồ nọ như thế. Tôi không ưa anh ta, Sayuri à. Và cứ nghĩ đến chuyện tôi mắc nợ anh ta là tôi không ưa anh ta rồi.

- Em biết – tôi nói – Như vậy là em bị giao cho ông Thứ trưởng chỉ vì…

- Không ai muốn giao cô cho ông Thứ trưởng hết, ông ta không có khả năng để làm danna của cô. Tôi đã nói cho ông ta biết rằng công ty Iwamura bằng lòng trả công cho ông ta, tất nhiên chúng tôi không muốn làm thế. Tôi phải nói thẳng cho ông ta biết, thà mất lòng trước mà được lòng sau. Ông Thứ trưởng rất thất vọng. Nhiều lúc tôi cảm thấy ân hận cho ông ta.

Những điều ông Nobu vừa nói không có gì buồn cười hết, thế mà tôi không làm sao để khỏi bật cười, vì bỗng nhiên trong óc tôi hiện ra hình ảnh ông Thứ trưởng là danna của tôi, ngồi cúi sát vào tôi, hàm dưới chìa ra trước, cho đến khi hơi thở của ông ta đập vào lỗ mũi tôi.

- Ỗ, cô thấy chuyện này đáng cười à? – Ông Nobu hỏi.

- Thật vậy, ông Nobu à. Em xin lỗi, nhưng cứ hình dung ra cảnh ông Thứ trưởng…

- Tôi không muốn hình dung ra ông Thứ trưởng! Ngồi bên cạnh ông ta để nói chuyện với bà chủ phòng trà Ichiriki là đã quá tệ mạt rồi.

Tôi rót uýt ki pha thêm nước cho ông một ly nữa và cho tôi một ly. Tôi muốn uống thêm ly cuối cùng, căn phòng đã lờ mờ trước mắt tôi. Nhưng Nobu đã nâng ly lên, và tôi chỉ còn nước cùng uống với ông ta. Uống xong, ông ta lấy khăn lau miệng và nói:

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.