Sau bức màn thanh âm làm rung động lòng người lại nổi lên :
- Từ Văn! Ngươi tới đây làm chi?
Từ Văn lại giật mình kinh hãi, chàng tự hỏi :
- Sao đối phương lại biết rõ tên mình? Thanh âm này tựa hồ rất quen tai chứ không phải lạ, nhưng trong lúc thảng thốt mình vẩn chưa nghĩ ra được đã gặp người này ở đâu.
Chàng trầm ngâm một lúc rồi đáp :
- Vì quý môn hạ dẫn tại hạ lên yết kiến tôn giá.
Thanh âm kia lại hỏi :
- Thế là ngươi vì hiếu kỳ mà đến đây ư?
- Có thể nói là như vậy.
- Ngươi có cầu việc gì không?
- Tại hạ chỉ muốn chiêm ngưỡng chân tướng của nữ thần.
Thanh âm kia lại hỏi :
- Chỉ có vậy thôi ư?
- Đúng thế!
- Giữa ngươi và quỷ thần âm dương cách biệt làm thế nào mà hiển hiện pháp tướng một cách khinh xuất được.
Từ Văn cười lạt hỏi lại :
- Tôn giá thực có ý tự xưng là “Thần” ư?
- Ngươi nói vậy là nghĩa làm sao?
- Chẳng có nghĩa gì hết. Tại hạ tuy ngu muội nhưng cũng không bị hai chữ thần tiên làm cho mê hoặc.
Người kia hỏi :
- Thế ra ngươi tưởng ta là người ư?
Từ Văn thản nhiên đáp :
- Chẳng những tôn giá là người mà còn có thể là người quen mặt nữa.
- Ngươi nói hay lắm. Chắc ngươi cũng biết ta sai bảo Thiến Thiến vì mục đích gì mà dẫn ngươi tới đây.
Từ Văn đáp :
- Đó là một điều tại hạ muốn thỉnh giáo tôn giá.
- Dùng ngươi làm con tin để khiến Từ Anh Phong phải chường mặt ra.
Từ Văn nghe nói vậy lại càng chấn động tâm thần cất giọng run run hỏi :
- Tôn giá dùng tại hạ làm con tin ư?
- Đúng thế!
- Tôn giá là ai?
- Ta tưởng ngươi biết rồi mới phải.
Từ Văn lại hỏi :
- Gia phụ thật còn sống ở nhân gian ư?
- Rất có thể là như vậy.
- Thế thì xác chết trên đường Khai Phong là ai?
- Đó là nguỵ kế của Từ Anh Phong nhưng không che mắt nổi những người linh mẫn, có thể ngươi không biết rõ nội tình thật.
Lửa giận trong lòng Từ Văn lại sôi lên sùng sục chàng tự hỏi :
- Dĩ nhiên đối phương là một trong bọn cừu gia, chẳng lẽ phụ thân ta còn sống ở nhân gian thật ư? Liệu có thể thế được không? Thi thể người chính do tay ta chôn táng, trong di thể còn có di vật của phụ thân mà đều là sự thật. Chỉ có chỗ đáng nghi là mặt mũi bị phá huỷ không tài nào nhận ra chân tướng, phải chăng điều ngoắt nghéo là ở chỗ này?
Từ Văn nghĩ không ra nhưng chàng hy vọng đó là sự thật, chàng cất giọng lạnh lùng hỏi :
- Tôn giá có mối thù với gia phụ ư?
Người kia đáp :
- Đúng thế!
- Thù cha con phải gánh, tại hạ xin tự lực tiếp rước cũng thế.
- Ngươi gánh thế nào được.
- Cái đó chưa chắc, sao lại lại không được?
- Từ Văn ngươi tưởng ta là ai?
- Sao tôn giá không cho biết rõ chân tướng?
Bức màn gấm từ từ mở ra một bóng người tuyệt đẹp đã xuất hiện, Từ Văn kinh hãi la lên một tiếng :
- Trời ơi!
Chàng vội lùi lại ba bốn bước.
Đối phương rõ ràng là một người mà chàng đã gặp ở hội Vệ Đạo khi đó mụ tự xưng là Tiên Tử. Mụ là một người đẹp thần bí không ngờ chàng lại mắc vào nguỵ kế của hội Vệ Đạo. Bây giờ đối phương lại dùng danh hiệu “Sơn Lâm thần nữ” để tác quái là vì lẽ gì? Đương nhiên mục đích của mụ không phải là vì hai cha con chàng, việc chàng tới đây chỉ là chuyện ngẫu nhiên. Trước kia Từ Văn không phải là tay đối thủ của thiếu phụ xinh đẹp này nhưng bây giờ chàng có thể liều mạng được.
Dung nhan thiếu phụ đẹp lộng lẫy khiến người ta không dám ngẩng lên nhìn.
Từ Văn nghĩ tới Hoàng Minh đã tiết lộ Ngũ Phương giáo xâm phạm Tổng đàn hội Vệ Đạo. Vô Tình Tẩu và Thái Y La Sát bị chết trận, sau một mình thiếu phụ đánh lui quân địch như vậy đủ tỏ công lực mụ có thể tương đương với Ngũ Phương giáo chủ. Viện gặp thiếu phụ này Từ Văn liên tưởng đến thiếu nữ áo hồng Thương Quan Tử Vi con gái của Thượng Quan Hoành. Tuy mụ là vợ Thượng Quan Hoành nhưng căn cứ vào tuổi mà phán đoán thì Thượng Quan Tử Vi quyết không phải do mụ sinh ra, Thượng Quan Hoành đối với phụ thân chàng có mối thù hiếp vợ giết con, cứ vậy mà suy đoán thì bọn thê thiếp Thượng Quan Hoành ít ra có đến ba người.
Thượng Quan Tử Vi là một cô gái mà chàng có ấn tượng vào lòng lúc đầu tiên, chàng vì nàng mà phế bỏ việc đi cầu thân ở Tưởng phủ, chàng đã tìm kiếm nàng như người phát điên. Nhưng nàng lại cự tuyệt tình yêu của chàng, sau nàng thất thân về tay Thiếu chủ Lục Quân ở hội Vệ Đạo. Sự thực đã chứng minh hai bên không có cách nào tiêu giải được mối thâm cừu đại hận, những chuyện biến ảo trên chốn giang hồ thật khiến cho người ta phải điên đầu. Từ Văn kết luận :
- Cừu gia mình đúng là hội Vệ Đạo, còn Ngũ Phương giáo thật ra chưa lấy gì làm căn cứ.
Sau một lúc kích động Từ Văn trở lại bình tĩnh, chàng ghĩ thầm :
- Nếu quả phụ thân đã chết trên dường đi Khai Phong thì hung thủ quyết không phải là người của hội Vệ Đạo vì đối phương đang tìm hết mọi thủ đoạn để theo dõi phụ thân lạc lõng nơi đâu. Bằng phụ thân còn sống ở nhân gian thì mối phụ cừu của ta không thành vấn đề.
Rồi chàng tự hỏi :
- Nếu phụ thân còn sống ở nhân gian thì sao lại không tìm cách thông tin cho mình? Cứ để mình nhắm mắt giết người bừa bãi để trả thù thật là một điều bí mật rất phức tạp không sao hiểu thấu được. Liệu trên người thiếu phụ này mình có tìm ra được manh mối gì không?
Chàng nghĩ vậy liền thong thả cất tiếng hỏi :
- Phải chăng tôn giá Thượng Quan phu nhân?
Thiếu phụ kia đáp :
- Chính phải!
- Tại sao phu nhân lại giả làm quỷ thần để bịp đời?
Thiếu phụ kia hỏi lại :
- Từ Văn! Ngươi lầm rồi, Thiên Tiên thần nữ là gia mẫu thì sao lại bảo là bịp đời được?
- Trước nay trong võ lâm chưa từng nghe thấy chuyện này là nghĩa làm sao?
- Cái đó chỉ đáng trách là ngươi hủ lậu.
Từ Văn hít một hơi chân khí rồi nói :
- Tại hạ xin thừa nhận là mình hủ lậu, nhưng chẳng lẽ người võ lâm cũng hủ lậu hết chăng?
- Phải rồi! Thần nữ chịu để mọi người đến triều bái là việc mới đây.
Từ Văn lại hỏi :
- Sao lại thế được?
- Có nói cho ngươi hay cũng chẳng hề chi, mục đích công việc này cũng chỉ là Vệ Đạo.
- Hàng động lừa bịp mà cũng là để bảo vệ đạo nghĩa ư?
Thiếu phụ giải thích :
- Hẳn chứ! Nơi đây có thể nói là cạm bẫy của những quân vô loại ở võ lâm, ngươi hiểu rõ chưa.
Từ Văn nghiến răng, vẻ tức giận lộ ra ngoài mặt. Mụ nói vậy chẳng lẽ mình cũng là một trong những kẻ hư đốn của võ lâm hay sao? Nhưng chàng không muốn tranh biện liền lạnh lùng đáp :
- Trong võ lâm có những loại như hàng cá hàng thịt thật khó mà phân biệt được kẻ chính người tà.
- Ngươi nói có lý lắm.
Từ Văn lại hỏi :
- Bữa nay phu nhân có ý giữ tại hạ làm con tin ư?
- Đúng thế!
Từ Văn lại hỏi :
- Vì giữa gia phụ và Thương Quan hội chủ có mối thù ư?
- Phải rồi! Mối thù này phải có Từ Anh Phong xuất hiện mới kết liễu được.
- Thế thì trong Thất Tinh bảo bị đổ máu thì ai là thủ phạm?
- Hội Vệ Đạo không chịu trách nhiệm về vụ đó.
- Vậy ai chịu trách nhiệm?
Thiếu phụ thản nhiên đáp :
- Dĩ nhiên là kẻ đã gây ra vụ án.
- Ai là người hạ thủ?
- Vấn đề này không phải do ta trả lời.
- Ngày xảy ra vụ kết án chính Thượng Quan hội chủ cũng đến tầm cừu kia mà?
Thiếu phụ nói :
- Nhưng đối tượng chỉ có một mình phụ thân ngươi mà thôi.
- Phu nhân nói vậy liệu có thể tin được không?
- Tin hay không là tùy ý ngươi.
Từ Văn hỏi :
- Theo nhận xét của tại hạ thì Thượng Quan Hoành là chủ mưu vụ huyết án đó thì phu nhân bảo sao?
- Ngươi muốn nhận định thế nào cũng mặc.
- Phu nhân đã thừa nhận rồi phải không?
Thiếu phụ lạnh lùng nói :
- Bản nhân không rảnh để nói chuyện đường dài với ngươi, bắt đầu từ bây giờ ngươi là địa vị một con tin rồi đó.
Từ Văn sát khí bừng bừng xẵng giọng hỏi :
- Tại hạ e rằng không ai giữ được tại hạ thì làm thế nào?
- Ngươi cứ thử đi coi.
Thiếu phụ dứt lời đã mất biến như loài quỷ mị bức màn gấm từ từ khép lại. Nổi oán độc trong lòng Từ Văn lại nổi lên bừng bừng, quan niệm trong Tàng Long cốc lại hiện lên rong đầu óc chàng. Nếu không dùng thủ đoạn khốc liệt thì đừng hòng truy tầm ra kẻ thù. Bất giác chàng lẩm bẩm :
- Họ bảo giữ mình ở lại đây làm con tin để bức bách phụ thân chàng phải xuất hiện biết đâu đó chỉ là điều vu vơ, họ còn có mưu đồ chuyện khác nên bày đặt ra vụ này cũng chưa biết chừng.
Từ Văn trong lòng nghĩ vậy liền vung chưởng đánh vào bức màn gấm, bức màn bị rách ra làm mấy mảnh nhưng phía sau chẳng có gì mà cũng không thấy có cửa ngõ nào khác. Thiếu phụ xinh đẹp không biết ẩn nấp nơi đâu?
Giữa lúc chàng đang còn ngờ vực thì cửa vào sảnh đường đã bị chăng một tấm lưới phong tỏa không biết là từ lúc nào. Từ Văn băng mình đến bên cửa giơ tay ra sờ vào tấm lưới chàng không khòi cả kinh thất sắc, tấm lưới này không phải bằng tơ hay bằng gai mà dệt bằng một vật gì rất kiên cố, dù chàng có phát huy thần lực cũng không thể phá hủy được một mảy may. Bốn ả tỳ nữ áo xanh vẫn đứng ngoài sảnh đường, một ả tay cầm ngọc như ý cười hích hích nói :
- Đại Ngục thư sinh! Thiếu hiệp hãy bình tĩnh lại. Tấm lưới này dệt bằng thứ tơ thiên tằm nó không sợ đao kiếm, nước lửa. Dù thần lực của thiếu hiệp có lay non dốc biển cũng đừng hòng phá huỷ tấm lưới này lấy một chút, bốn bức vách và trên nóc đều được đúc bằng thép nguyên chất vậy thiếu hiệp đừng phí công bỏ sức.
Từ Văn hít một hơi khí lạnh đồng thời sát khí trong lòng chàng nổi lên như sóng cồn, mấy dây chỉ phong do mắt lưới chui ra nhằm bắn vào bốn tên thiếu nữ. Bốn ả tan ra rồi lại hợp lại vẫn đứng guyên chỗ, thân pháp chúng mau lẹ và kỳ diệu khiến người ta phải tặc lưỡi. Từ Văn trong cơn thịnh nộ tụ tập công lực đến độ chót vung chưởng đánh vào vách tường. Choang một tiếng rùng rợn, chưởng lực đụng vào vách sắt hất ngược trở về khiến chàng phải lùi lại đến ba bốn thước. Tiếng dội vang rền không ngớt khiến chàng chấn động màng tai cơ hồ muốn rách. Từ Văn bây giờ mới tin là thị nữ nói thật. Dù chàng có công lực nghiêng trời thì bây giờ cũng không thi triển được. Những mối hận độc oán hờn khiến chàng phát điên, chàng gầm lên :
- Thủ đoạn hèn mạt này mà dám khoe là bảo vệ đạo nghĩa có đúng hay không?
Bên tai chàng bỗng vang lên thanh âm của thiếu phụ xinh đẹp không biết phát ra từ chỗ nào tực hồ ở trong một hang động bật lên. Thiếu phụ nói :
- Từ Văn! Bản nhân không gia hình khốc liệt đối với ngươi cũng là tôn sùng võ đạo rồi đó.
- Đã nói chuyện võ đạo sao không đem bản lãnh ra quyết đấu sinh tử?
- Có chứ, nhưng chưa đến thời cơ mà thôi.
Từ Văn thét lên :
- Ta không chết tất sẽ lấy máu rửa hội Vệ Đạo.
- Bản nhân chỉ e ngươi không đủ bản lãnh.
Từ Văn lại hỏi :
- Mục đích chân chính của phu nhân thế nào?
- Cái đó hãy chờ Từ Anh Phong xuất hiện rồi mới biết. Hiện giờ tin tức Nữ thần tuyên triệu ngươi đã được đồn đại trên chốn giang hồ rồi.
- Nếu gia phụ không còn ở nhân thế thì sao?
- Bây giờ đã nói thế thì sớm quá.
Bầu không khí trở lại tịch mịch không có tiếng người nữa. Từ Văn như con mãnh hổ bị giam vào cũi, chàng chạy quanh trong nhà khách ảnh chân không dừng bước mà chàng không sao nghĩ ra cách thoát thân.
Từ Văn bị cầm tù đã năm ngày những người canh gác đều được triệt thoái, chàng chẳng khác gì người bị nhốt vào thiên la địa võng đến thần tiên cũng khó lòng ra thoát. Năm ngày đối với Từ Văn dài bằng năm năm, trong năm ngày chàng chỉ được tiếp xúc với ả tỳ nữ là Liễu Thiến Thiến tuy nói là chàng bị cầm tù song được đối đãi rất đầy đủ. Liễu Thiến Thiến cứ đúng giờ giấc đem thực vật cùng đồ tắm rửa đến cho chàng. Từ Văn hận thị thấu xương, nếu thị không đến đón đường đánh lừa thì chàng không nghĩ tới chuyện đến đây khấu đầu bái thần để bị cầm tù.
Liễu Thiến Thiến mỗi lần xuất hiện hiển nhiên đều có ý khêu gợi Từ Văn.
Đúng giờ Ngọ Liễu Thiến Thiến đem cơm lên đặt vào lỗ hổng để chàng kéo lấy mà ăn. Nét mặt thị lúc nào cũng tươi cười ra vẻ quyến rũ, chẳng hiểu thị hữu tình hay vô ý lả lướt tấm lưng thon rung động cặp mông bầu bĩnh, nhất là hai trái đào phình lên như muốn xé rách làn áo mỏng dính để muốn chui ra ngoài nó nhô lên hụp xuống khiến người ta trông thấy không khỏi rung động trong lòng. Từ Văn tuy oán hận nhưng chưa tìm cách trả thù, mặt khác thị đối đãi với chàng rất chu đáo. Chàng ăn cơm vẫn cúi đầu suy nghĩ cách để thoát khỏi chốn lao lung chàng không để cho mối tuyệt vọng kềm chế mình.
Liễu Thiến Thiến ngây người ra để nhìn Từ Văn con người tuấn mỹ bắp thịt nở nang nụ cười trên môi mỗi lúc một đằm thắm. Thị nghĩ gì vậy? Từ Văn vốn ghét tính phóng đãng cả năm ngày trời chàng không nói một câu mà cũng không thèm để mắt nhìn thị lấy một cái.
Hôm ấy Liễu Thiến Thiến đột nhiên ướm hỏi :
- Từ thiếu hiệp! Thiếu hiệp không biết tương lai của mình sẽ nguy hiểm thế nào ư?
Từ Văn cứ ngồi ăn uống không lý gì đến thị, Liễu Thiến Thiến lại nói :
- Thiếu hiệp là thiên nhân bụng dạ tất phải khoáng đạt hơn khiến cho nô gia tâm phục vô cùng.
Từ Văn động tâm nghĩ thầm :
- Thiên nhân địa nhân thì làm cái gì? Trên chốn giang hồ đầy chuyện kỳ bí gian tà nếu chỉ trông vào cái khỏe của sức mạnh để mong thành tựu thì không đủ, mà thường hỏng việc. Mình đây vì bị trúng kế mới bị cầm tù cũng là theo một lề luật võ lâm cả, tội gì ta không lợi dụng ả này?..
Trong lòng Từ Văn nghĩ vậy, chàng đặt đũa xuống để bát đĩa vào trong hộp để vào lỗ hổng đẩy ra ngoài. Chàng đủng đỉnh đứng dậy cất tiếng lạnh lùng hỏi :
- Liễu cô nương có điều chi chỉ giáo?
Cặp mắt Liễu Thiến Thiến trong như nước hồ thu liếc qua liếc lại có chiều khác lạ nhưng nó vẫn chiếu ra những tia sáng hấp dẫn. Thị cất giọng oanh thỏ thẻ đáp :
- Nô gia nói là bụng dạ Từ thiếu hiệp thì người thường không thể đo lường được.
Từ Văn hỏi :
- Cô nương lấy chi làm bằng chứng mà nói vậy?
- Thiếu hiệp lâm vào tuyệt địa mà vẫn tỏ vẻ thản nhiên.
- Hai chữ tuyệt địa mà cô nói đó là nghĩa làm sao?
Liễu Thiến Thiến hỏi lại :
- Cha con thiếu hiệp cùng với Hội chủ của nô gia có mối huyết thù sâu tựa bể chẳng lẽ còn hy vọng sống được chăng?
Từ Văn trong lòng run lên nhưng chàng vẫn cố giữ vẻ thản nhiên tươi cười, lạnh lùng đáp :
- Mình là kẻ võ sĩ thì cần gì mà phải ngày ngày lo đến hai chữ sống chết.
- Vì thế mà nô gia bảo thiếu hiệp là con người khác thường.
- Cô nương quá khen rồi.
Liễu Thiến Thiến tầm ngâm một lúc rồi hạ thấp giọng xuống hỏi :
- Thiếu hiệp có nghĩ đến chuyện ra khỏi nơi tù ngục này không?
Từ Văn cất giọng hiền hòa hỏi lại :
- Nghĩ thì có nghĩ nhưng không thực hành được thì nghĩ làm chi?
- Thế là trong lòng thiếu hiệp có nghĩ đến rồi.
- Dĩ nhiên là thế, bản năng con người là hiếu sinh thì có lý đâu mà tại hạ lại ra ngoài thể lệ đó được?
- Thế thì thiếu hiệp có tính toán gì không?
- Chẳng lẽ cô nương có điều chi dạy bảo?
Liễu Thiến Thiến trầm lặng một chút rồi ngập ngừng đáp :
- Chủ nhân của bọn nô gia đã xuống núi hai ngày nay.
Câu nói này tuy không trả lời gì vào câu hỏi của Từ Văn nhưng khi chàng nghe đã biết chỗ dụng tâm của thị rồi. Thị nói câu này không phải là không có nguyên nhân, Từ Văn thông tuệ hơn người có lý đâu lại không hiểu ý nghĩa, nhưng chàng vẫn giả vờ hỏi lại :
- Quỳ chủ nhân là nữ thần phải không?
- Thiếu hiệp đã rõ sao còn giả vờ hỏi?
- Tại hạ nghe người ta vẫn gọi bà là Tiên tử.
- Đúng thế, đó là ngoại hiệu của phu nhân.
- Tại sao lại lấy ngoại hiệu này?
Liễu Thiến Thiến hơi biến sắc mặt, thị tự biết mình tiết lộ chuyện này hơi quá mạo hiểm không nên táo bạo như vậy mới phải. Song thị vẫn trả lời vì lúc này tâm lý của thị bị kiềm chế, lý trí mười phần yếu ớt. Thị đáp :
- Tên phu nhân là Vân Trung Tiên Tử.
Từ Văn la lên :
- Ồ phải rồi! Cái tên Vân Trung Tiên Tử thì nói ra không có cái gì đáng xấu hổ. Vân Trung Tiên Tử mà làm môn hạ cho Sơn Lâm thần nữ thì thật xứng đáng.
- Thiếu hiệp trông phu nhân có đẹp lắm không?
- Đẹp lắm! Trên đời ít gười bì kịp.
Liễu Thiến Thiến ngập ngừng nói :
- Nhưng công lực của phu nhân...
Từ Văn ngắt lời :
- Tại hạ đã lĩnh giáo.