Thiếu nữ áo xanh ngắm nghía Từ Văn một lúc rồi nhe răng cười và cất giọng trong trẻo hỏi :
- Cách xưng hô thiếu hiệp thế nào đây?
Từ Văn ngạc nhiên nói :
- Tại hạ họ Từ Văn.
Thiếu nữ áo xanh che miệng mà cười cặp mắt đầy vẻ phong tình cất giọng lả lơi nói :
- Từ thiếu hiệp ơi! Thiếu hiệp lầm đường rồi.
Từ Văn ngạc hiên hỏi :
- Sao? Tại hạ đi trật phương hướng rồi ư?
Thiếu nữ áo xanh chỉ ừ một tiếng chứ không nói gì, Từ Văn hỏi :
- Cô nương có ý gì?
- Người ta nói là sai một ly đi một dặm. Đi về phía Đông là hướng lên núi phải đi về phía Nam mới đúng.
Từ Văn mù tịt chẳng hiểu gì, chàng không biết tại sao thiếu nữ áo xanh lại nói mình vậy? Chàng rất lấy làm kỳ hỏi :
- Tại hạ đi về mé Nam làm chi?
Thiếu nữ áo xanh thản nhiên đáp :
- Vì mé Nam mới là đường chính.
Từ Văn lại càng ngạc nhiên hỏi :
- Đường chính thì sao? Tại hạ không hiểu ý cô nương muốn nói gì?
Thiếu nữ lại la lên :
- Trời ơi! Nô gia có lòng tốt muốn dẫn đường cho thiếu hiệp.
Từ Văn sửng sốt hỏi :
- Cô nương có biết tại hạ định đi về hướng nào không? Mục đích của cô là gì?
- Dĩ nhiên nô gia biết rồi.
Từ Văn đi vào chỗ kinh ngạc không bút nào tả xiết chàng lẩm bẩm :
- Cô này đã xuất hiện một cách đột ngột, cô nói năng lại càng kỳ dị! Hành động của mình chỉ có lòng mình tự biết mà thôi, sao cô ta lại biết được. Sao lại có chuyện lạ thế này.
Thiếu nữ áo xanh đưa mắt liếc nhìn Từ Văn nhõng nhẽo hỏi :
- Từ thiếu hiệp! Thiếu hiệp không tin nô gia ư?
Thái độ của thiếu nữ làm cho Từ Văn rất khó chịu, chàng cất giọng lạnh lùng hỏi :
- Sao cô nương lại biết?
Thiếu nữ áo xanh ngó Từ Văn rồi nhích lại gần hai bước cặp mắt long lanh sóng gợn đưa tình liếc đi liếc lại ngó Từ Văn khác nào mèo thấy chuột. Thị cười khúc khích nói :
- Có phải thiếu hiệp lên triều kiến Sơn Lâm nữ thần không?
Từ Văn vẫn chẳng hiểu gì hỏi :
- Sơn Lâm nữ thần nào?
Thiếu nữ áo xanh chau mày dường như cảm thấy ra ngoài ý nghĩ của mình, thị hỏi lại :
- Chẳng lẽ thiếu hiệp lại không phải...?
- Tại hạ chưa từng nghe ai nói đến chuyện Sơn Lâm nữ thần nào cả?
- Vậy thiếu hiệp đến núi này làm chi?
- Tại hạ chỉ qua đây mà thôi.
- Vậy cũng là một mối kỳ duyên, thiếu hiệp không nên bỏ lỡ cơ hội?
Từ Văn bất giác động tính hiếu kỳ hỏi :
- Sơn Lâm nữ thần là ai?
- Đã gọi là thần tất phải khác người, thiếu hiệp hỏi vậy là mạo muội lắm đó.
Từ Văn cười ha hả nói :
- Cô nương! Tại hạ tuy là kẻ vũ phu nhưng cũng đọc được ít nhiều sách vở. Há chẳng có câu “Thánh không nói chuyện quái đản cho mê loạn tâm thần” trong thiên hạ chẳng lẽ lại có quỷ thần ư?
Thiếu nữ áo xanh nghiêm sắc mặt nói :
- Không nói không phải nghĩa là bài xích. Đức Khổng Phu Tử đã nói “Quỷ thần không phải kính trọng mà nên xa ra” ngài còn nói “Nếu lòng thành mới thấy linh nghiệm” chứ ngài không phủ nhận quỷ thần còn tồn tại.
Từ Văn lại càng kinh dị vì đối phương miệng lưỡi rất sắc bén, chàng đổi giọng :
- Cô nương nói phải lắm, tại hạ cam bề thất ngôn. Sơn Lâm nữ thần là câu chuyện thế nào?
Thiếu nữ áo xanh quay mắt nhìn về phía Nam chỉ tay hỏi lại :
- Thiếu hiệp có trông thấy tòa núi lẻ loi cao ngất tầng mây kia không?
- Tại hạ nhìn thấy rồi, trên ngọn núi đó có gì lạ?
- Sơn Lâm nữ thần ở trên đầu núi đó một tháng trước đây ngài đột nhiên hiển linh, bất luận là ai đến triều bái nếu có căn bản cơ duyên đều được lên non tiên khấu đầu hành lễ. Biết bao nhiêu người đã được lên đó rồi.
Từ Văn không khỏi cười thầm trong bụng nhưng không để lộ ra ngoài mặt, chàng hỏi :
- Được lên non tiên rồi sao?
- Có nhiều chỗ hay lắm.
- Có những chỗ nào hay?
Thiếu nữ áo xanh ngẩn ngơ một lát rồi nói :
- Nô gia cũng chỉ nghe đồn thế thôi.
Từ Văn giở giọng ỡm ờ :
- Cô nương liệu tại hạ có được nữ thần nhìn bằng cặp mắt xanh chăng?
Thiếu nữ đáp ngay :
- Được hẳn chứ.
- Sao cô biết?
- Thiếu hiệp là một nhân tài tuấn nhã phi thường căn cốt đặc biệt tất được mối tơ duyên tuyệt thế.
- Tại hạ muốn biết phương danh của cô nương được chăng?
- Nô gia là Liễu Thiến Thiến (cây liễu xinh xinh)
- Ủa! Cô nương thật người đúng với tên.
Thiếu nữ áo xanh mỉm cười uốn éo tấm thân tha thướt nói :
- Công tử quá khen rồi, tấm thân bồ liễu khi nào dám lọt vào pháp nhãn của thiếu hiệp.
- Giữa cô nương và Nữ thần chắc hẳn có mối liên quan?
- Ồ không có đâu, thiếu hiệp thật khéo đa tâm tiểu nữ bất quá chỉ đi theo người để triều bái nữ thần, thấy thiếu hiệp rong ruổi trên sườn núi tưởng lầm là đi lạc đường mới mạo muội thành ra nhiều lời...
Từ Văn biết là trong vụ này tất có điều ngoắt nghéo chàng cho là thiếu nữ này xuất hiện tất có nguyên nhân gì đây chứ không phải chuyện vô tình. Chàng muốn phanh phui cho hiểu rõ liền lạnh lùng nói :
- Tại hạ cũng muốn thử xem duyên pháp của mình ra sao?
- Nô gia cầu tướng công gặp mối tiên duyên.
Từ Văn bỗng thấy trước mắt hoa lên một cái thiếu nữ áo xanh đã biến mất khác nào quỷ mị u linh. Bất giác chàng chấn động tâm thần trợn mắt há miệng, chàng nghĩ thầm :
- Vụ này thật quái dị, giữa lúc thanh thiên bạch nhật mà con người tự nhiên biến mất nếu bảo là mộng ảo vu vơ thì sao đây lại là sự thật hiển nhiên. Bầu không khí thấy còn thoang thoảng mùi hương thì đâu phải là mộng ảo? Nhưng con người tự nhiên biến mất là nghĩa làm sao?
Từ Văn đảo mắt nhìn bốn phía thì chỉ thấy núi non tịch mịch ánh dương quang lóa mắt mà chẳng thấy bóng một người nào. Chàng đứng thộn mặt ra đương trường rồi tự nhủ :
- Chẳng lẽ trong thiê hạ lại có quỷ thần thật? Thiếu nữ này đến đây là để điểm hóa cho mình ư? Thuở nhỏ ta thường nghe người lớn kể chuyện cổ tích về thần tiên xuất hiện rồi biến thành gió bay vèo đi, chuyện đó có thật không?
Mục quang chàng bất giác nhìn về ngọn núi cao chót vót ở phía xa xa mây phủ mịt mờ, tính hiếu kỳ lại càng tăng lên bội phần...
Từ Văn quên cả đói khát trong lòng không tự chủ được nhắm về phía ngọn núi cao chạy đi. Trong khoảng thời gian chừng uống cạn tuần trà Từ Văn đã đến chân núi, chàng ngẩng đầu trông lên thì thấy ngọn núi này trên lớn dưới bé chẳng khác gì ngọn tháp khổng lồ dựng ngược đứng giữa từng mây. Lưng chừng núi mây trắng phất phơ lúc loãng lúc đặc, chàng lẩm bẩm :
- Trái núi này coi rõ là một non tiên trong chuyện thần thoại.
Giữa lúc ấy bỗng chàng ngó thấy trên sườn núi có vật cử động, chàng kỹ ra rõ ràng là một lão già đang nhất bộ nhất bái đi lên núi, coi tình hình này đủ biết lòng thành cẩn của lão đến chừng nào.
Từ Văn còn đang lấy làm kỳ lạ ngơ ngẩn xuất thần thì lại thấy một bóng người đi tới chân núi, chàng nhìn rõ là một võ sĩ vào trạc ba chục tuổi. Võ sĩ này có vẻ mặt cũng nghiêm cẩn ngẩng mặt trông lên núi ngưng thần một lúc rồi đột nhiên cởi thanh kiếm đeo trên lưng bỏ xuống đất chỉnh lại y quan cởi bỏ lương khô lại..
Từ Văn vừa nhìn thấy túi lương lửa cơ lại cháy mạnh chàng tiến lại gần rụt rè hỏi :
- Thưa ông bạn! Tại hạ xin ông bạn chia cho một miếng lương khô được chăng?
Võ sĩ không nghoảnh đầu lại cũng không trả lời túi lương khô đang cầm tiện tay liệng về phía sau. Từ Văn đón lấy túi lương ra chiều bẽn lẽn chàng toan cất tiếng tạ ơn, người võ sĩ kia đã cúi đầu lạy xuống đi lên núi cứ đi ba bước gã lại co gối cúi đầu lạy một lần. Từ Văn muốn bật cười mà không ra tiếng tình thực mà nói chàng để ý tới túi lương khô nhiều hơn. Túi lương này nào phải tầm thường, ngoài con thỏ quay, một miếng thịt bò nướng nặng đến dư một cân còn ba tấm bánh bao lớn bằng cái bát.
Từ Văn được ăn no một bữa rồi chàng ngẩng mặt trông lên thì thấy võ sĩ kia mới đi lên núi được nửa dặm. Từ Văn lại bến bờ suối gần đó vốc nước uống giải khát, người chàng là sắt cơm là gang no bụng rồi tinh thần cũng phấn khởi. Tuy trong lòng chàng còn có một phần hồ nghi không tin là có quỷ thần chi hết nhưng chàng lại biết trên chốn giang hồ chẳng thiếu một thứ kỳ dị nào không có. Chàng chắc là khách võ lâm có dụng ý gì mới bày ra chuyện hý lộng quỷ thần. Từ Văn ngần ngừ một lúc rồi băng mình lên núi chỉ trong nháy mắt là chàng đã vượt qua người võ sĩ. Người võ sĩ nhìn Từ Văn bằng con mắt kinh hãi lắc đầu một cái đoạn tiếp tục vừa lạy vừa tiến bước.
Từ Văn chạy một mạch lên được chừng ba dặm, từ chỗ này lên núi không còn xa nữa mà cảnh vật trước mắt đã biến đổi hẳn.
Đầu núi chót vót trên to dưới nhỏ ẩn hiện trong đám mây mù, trước mặt là một cái thanh bậc đá đi thẳng lên không biết là có bao nhiêu bậc. Ngoài chỗ thành núi lõm vào để làm bậc thanh thiên nhiên không còn chỗ nào lên được, dù là khỉ vượn cũng đành thúc thủ có thể nói đây là tuyệt địa. Dưới chân thang là một khu sườn núi thoai thoải rộng chừng mười trượng có thể dùng làm chỗ cho người dừng lại. Mười mấy người tán ra khắp chỗ mà quỳ xuống vẻ mặt người nào cũng cực kỳ thành kính. Từ Văn trông lên không thấy ngọn núi thì nghĩ bụng :
- Chỉ một người có chút căn bản về võ lâm ngồi trên kia canh giữ thì dù kẻ bản lãnh cao cường đến đâu cũng khó mà lên được.
Giữa lúc ấy một bóng người trên bậc thang thiên nhiên rớt xuống vẻ mặt người này buồn rầu rũ rượi xem chừng là một kẻ vô duyên không được lên tòa. Một người khác kính cẩn lạy ba lạy cúi đầu khom lưng cất bước trèo thang...
Những người đang chầu chực ở dưới thang thấy Từ Văn có vẻ bất cung đều ngó chàng bằng cặp mắt kinh hãi. Từ Văn ngó lại thấy bọn người này phần nhiều là bạn trẻ trong võ lâm. Đột nhiên mục quang chàng đụng phải một người ăn xin lớn tuổi đang nhắm mắt như vẻ ngủ say, người ăn xin này đúng là Thiển Điện khách Hoàng Minh.
Hoàng Minh đã thay đổi dong mạo nhưng cũng vẫn là người chột mắt ngày trước trên lưng áo có hai miếng vá một miếng tròn một miếng vuông. Đó chính là tiêu chí đặc biệt của gã, nếu không có hai miếng vá này Từ Văn cũng không nhận ra.
Từ Văn từ từ tiến lại bên gã ngồi xuống, Hoàng Minh bỗng mở bừng mắt kinh hãi la lên :
- Hiền Đệ! Hiền đệ cũng đến đây ư?
Từ Văn tủm tỉm cười đáp :
- Không ngờ lại gặp đại ca ở chốn này.
- Hiền đệ cũng đến triều bái nữ thần ư?
- Có thể nói như vậy. Đại ca tưởng...
Hoàng Minh vội gạt đi :
- Chúng ta cũng thế hết, chẳng nói nữa là xong.
- Đại ca có được tin tức gì về Tưởng Úy Dăn thế thúc không?
Hoang Minh ra chiều lo lắng đáp :
- Không có đâu, chắc xảy chuyện gì bất trắc rồi.
Từ Văn cất giọng trầm trầm nói :
- Tiểu đệ cũng tính sau khi xong việc là đi Chung Nam một chuyến để thăm dò.
- Tiểu huynh cũng định thế.
- Có tin gì về lệnh tôn sư không?
- Cũng chẳng thấy chi hết.
- Đại ca chuẩn bị làm gì đây?
Hoàng Minh bĩu môi nhìn lên đỉnh núi chót vót đáp :
- Tiểu huynh không có cơ duyên nên bị đá xuống.
Từ Văn chau mày hỏi :
- Có việc gì không?
- Kề ra cũng khá ở trên cao gieo xuống mà! Tiểu huynh xin miễn bàn.
Từ Văn hỏi :
- Có tay cao thủ ngồi giữ quan ải chăng?
- Dĩ nhiên là có.
Từ Văn hỏi lóng :
- Bên trong bức màn kịch thế nào?
- Bí mật.
- Tiểu đệ cũng muốn vào coi.
- Những người đến đây phải theo thứ tự tiểu đệ hãy đợi đến ngày mai.
Từ Văn chau mày nhìn tình thế ngọn núi rồi hỏi :
- Còn lối nào nữa không?
- Làm gì còn? Chẳng có chỗ nào bám chân để lấy sức.
- Tiểu đệ đã có chỗ nắm vững mình có thể lên được muốn thử một phen.
Hoàng Minh can :
- Đừng mạo hiểm thái quá, không đáng đâu.
- Thì mình hãy thử coi...
Hoàng Minh chú ý nhìn Từ Văn một lúc rồi nói :
- Tiểu huynh cũng nghĩ rằng tiểu đệ có thể lên được nhưng chỉ e gặp sự nguy hiểm đột ngột.
Gã quan tâm đến Từ Văn một cách rất thành thực khiến lòng chàng cảm thấy được an ủi, liền tha thiết nói :
- Đại ca! Tiểu đệ xin hết sức cẩn thận.
- À này hiền đệ! Công việc của hiền đệ tới đâu rồi?
- Đã tìm ra chút manh mối.
Đột nhiên Hoàng Minh đưa tay kéo áo Từ Văn nấp vào sau một gốc cây, chàng giật mình hỏi :
- Chuyện gì vậy?
- Có người đến đó hiền đệ hãy tạm lánh mặt đi.
- Ai vậy?
- Ngũ Phương sứ giả.
Từ Văn nhìn qua kẽ lá quả thấy một thiếu niên mặc áo gấm đang chạy lên bậc thang thiên nhiên tựa hồ như chỗ không người, sát khí bốc lên đầy mặt chàng lạnh lùng khẽ hỏi :
- Tiểu đệ đập chết nanh vuốt của bọn ma đầu đi nhé?
Hoàng Minh đưa tay ra cản lại rồi đáp :
- Tiểu đệ hãy bình tĩnh lại một chút để cho gã đi thám đường, chúng ta sẽ được coi màn kịch hay đấy.
Ngũ Phương sứ giả vừa chạy đến chân thang một đại hán mặt đỏ trầm giọng hỏi :
- Con cừu non này, ngươi làm gì vậy?
Ngũ Phương sứ giả xoay mình lại quỳ xuống trước mặt hán tử mặt đỏ lạnh lùng đáp :
- Các hạ nên lịch sự một chút.
Hán tử mặt đỏ nghiến răng tựa hồ đã nhẫn nại hết sức nhưng thanh âm vẫn đầy vẻ phẫn nộ :
- Tiểu tử, việc gì cũng phải có trước có sau. Hơn nữa thái độ của ngươi hỗn láo như vậy lại định đến triều bái thần thánh ư?
Ngũ Phương sứ giả ngắt lời :
- Ngươi không can thiệp được đâu.
- Lão gia nhất định can thiệp.
Hán tử chưa dứt lời bỗng nghe đánh huỵch một tiếng tiếp theo là tiếng rú “ối chao” hán tử mặt đỏ đã bị lăn ra ngoài bảy tám thước miệng hộc máu tươi như suối chảy, mặt hắn trước đỏ bây giờ biến thành màu tím sưng to lên gấp đôi. Từ Văn toan chạy ra nhưng bị Hoàng Minh giữ lại. Biến diễn này đã gây công phẫn cho bọn đi bái thần, bày tám người nhảy tới khí thế rất dũng mãnh. Ngũ Phương sứ giả hai tay lại chắp lại để sau lưng miệng hắn nở một nụ cười tàn ác. Một đại hán lớn bằng con bò mộng gầm lên :
- Quân chó má kia! Lão gia phải dạy cho ngươi một bài học...
Lão vung một cây thiết côn lớn bằng nắm tay nhằm giáng xuống trước ngực thiếu niên áo gấm, quyền phong rít lên veo véo đủ biết kình lực của lão cực kỳ khủng khiếp.
“Huỵch”
Tiếp theo là tiếng rú thê thảm đại hán bị hất ngã nằm ngửa mặt lên trời chết ngay lập tức, không ai nhìn thấy Ngũ Phương sứ giả hạ thủ lúc nào. Hai tay gã vẫn chắp để sau lưng gã thản nhiên như không có chuyện gì. Trường hợp này khiến cho mọi người sắp động thủ phải phát khiếp người run lên bần bật vẻ mặt sợ hãi vô cùng.
Ngũ Phương sứ giả đảo mắt nhìn toàn trường khịt mũi một tiếng rồi trở gót chạy lên thang, hắn đi coi có vẻ thong thả mà thực ra rất mau lẹ chỉ trong chớp mắt đã mất hút vào trong đám mây mù..
Không trường lại trở nên tịch mịch như cũ chỉ có thêm một xác chết nằm lăn ra đó.
Từ Văn tức quá trợn mắt cơ hồ rách cả mí ra nhưng chàng bị Hoàng Minh ngăn trở không để chàng nổi nóng, gã khẽ la một tiếng :
- Coi kìa! Có chuyện rồi đó.
Một bóng đen từ trên bậc thang thiên nhiên lăn xuống không la được một tiếng, hiển nhiên đó là Ngũ Phương sứ giả gã tắt hơi chết rồi, trên lưng gã có in bốn chữ lớn “Bất kính là chết” khiến người coi phải kinh tâm động phách. Những người có mặt tại trường sợ xám mặt lại. Từ Văn cũng kinh hãi vô cùng, bản lãnh của Ngũ Phương sứ giả chàng đã biết rồi chúng đều được liệt vào hạng cao thủ bậc nhất mà bị mất mạng trong khoảnh khắc. Bất luận trên đỉnh núi là người hay quỷ thì thủ đoạn này cũng đáng khủng khiếp. Từ Văn tự hỏi :
- Nếu hắn là người thì sao lại giả trang làm thần, hắn có mục đích gì?
Từ Văn đã có phép “Hoàng Thiên Phi Thăng” kỳ diệu vô cùng chàng có thể không cần theo bậc thang mà muốn bay lên ngọn núi cũng chẳng khó gì, nhưng bây giờ chàng lại thay đổi chủ ý muốn theo đường bậc thang mà lên để biết rõ những điều chi nguy hiểm. Chàng liền hỏi :
- Đại ca, tiểu đệ muốn thử coi xem sao?
- Hiền đệ phải cẩn thận lắm mới được.
- Tiểu đệ hiểu rồi.
Từ Văn nói xong chạy lại chân thang, những người thành tâm đến triều bái Sơn Lâm nữ thần đã trông gương Ngũ Phương sứ giả không ai dám tranh nhau mà cũng không ai dám mở miệng. Từ Văn đề tụ chân khí người chàng nhẹ như con én bay vù lên thang. Coi bề ngoài tựa hồ chàng chẳng để ý gì mà thực ra lòng chàng rất xao xuyến. Chàng chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với bất cứ tình trạng nào xảy ra đột ngột.
Trên nóc bậc thang rộng chừng bốn thước hai bên vách đá nhẵn như chùi dù loài khỉ vượn cũng khó lòng bám chân vào được. Bậc thang thiên nhiên là một thông lộ duy nhất đồng thời nó cũng là một tuyệt lộ.
Từ Văn theo bậc thang mà lên chẳng mấy chốc đã lên gần tới chàng còn cách đỉnh núi chừng mười trượng, chàng ngẩng đầu trông lên thì trên đầu thang cảm chừng chạm đến trời xanh một tấm bia lớn dựng lên và một nấc thang cùng tột.
Trên tấm bia khắc bốn chữ “Nữ thần chi cư” (chỗ ở của nữ thần) ngoài ra không còn gì nữa chàng dừng bước lại trong lòng rất đỗi ngẩn ngơ chàng không biết nên đi thẳng hay báo danh để cầu kiến.
Bất thình lình từ trên đỉnh núi có tiếng quát vọng xuống :
- Nữ thần tuyên triệu Từ thiếu hiệp.
Ba chữ “Từ thiếu hiệp” đã lộ rõ hình tích giọng lưỡi người giang hồ khiến cho Từ Văn can đảm lên nhiều. Nhưng chàng kinh ngạc không bút nào tả xiết vì lẽ đối phương biết chàng họ Từ là một điều mà chàng không thể đoán được. Chàng ngẩn người ra một lúc rồi đề khí tung mình lên đến chân bia đá. Chàng đưa mắt nhìn lên không khỏi ớn da gà vì chàng nhìn thấy hai lão quái giống như hai pho tượng khổng lồ chia ra ngồi hai bên cửa thang, hai lão rủ thấp lông mày trông như người nhắm mắt Từ Văn xuất hiện mà lão chẳng buồn ngẩng đầu lên ngó một cái.
Từ Văn lại định thần nhìn về phía trước thì thấy sườn núi rộng chừng nửa mẫu đá núi chênh vênh tùng mọc thành hàng. Khu giữa là một tòa lầu khắc đủ thứ rồng phượng coi rất trang nghiêm, một bóng người mảnh dẻ đẹp như ngọc đứng ở dưới sân giữa con đường nhỏ tươi cười đón tiếp. Từ Văn liếc mắt nhìn đối phương liền trấn tĩnh tâm thần, người này chính là thiếu nữ Liễu Thiến Thiến với cặp mắt lẳng lơ bất giác chàng lên tiếng gọi :
- Liễu cô nương!
Lúc này Liễu Thiến Thiến rất trang nghiêm không lả lơi như trước. Thị chúc câu vạn phúc rồi nói :
- Tiểu tỳ vâng mệnh nữ thần mời thiếu hiệp vào ra mắt.
Từ Văn cười thầm trong bụng làm bộ hỏi :
- Tại hạ là kẻ có duyên chăng?
Liễu Thiến Thiến mỉm cười nói :
- Có thể như vậy, mời thiếu hiệp đi theo tỳ nữ.
Từ Văn gật đầu nói :
- Xin cô nương dẫn đường cho.
Liễu Thiến Thiến dẫn Từ Văn đến thẳng lâu đài xuyên qua dãy hành lang bằng đá trắng vào tới trước sảnh đường.
Bốn thiếu nữ tóc rũ trái đào mình mặc áo xanh thái độ rất nghiêm cẩn đứng ở ngoài cửa mỗi cô cầm một thứ: phất trần, ngọc như ý, trường kiếm và cây hốt. Từ Văn đứng ở giữa sảnh đường rộng đưa mắt nhìn quanh một lượt thì thấy cách bài trí thật là xa hoa so với phủ đệ vương công thì có phần hơn chứ không chịu kém. Giữa nhà một tấm màn gấm buông rũ nhìn vào trong không rõ bóng người, Liễu Thiến Thiến đứng cách chàng mấy bước vội lên tiếng :
- Từ thiếu hiệp đã chờ tại đây.
Một thanh âm phía trong màn gấm có tiếng rất trong trẻo nổi lên :
- Vào đi!
Liẽu Thiến Thiến liền nghiêng mình nhường lối, bốn thiếu nữ kia chia nhau mỗi bên đứng hai cô. Từ Văn trong lòng cảm thấy hoang mang vì chàng nhân hiếu kỳ mà tới đã không mục đích lại không mưu đồ. Chàng chẳng hiểu đối phương là nhân vật như thế nào nhưng trong đầu óc chàng chẳng có chi mà thành, lại nhận thấy Liễu Thiến Thiến có mặt ở đây càng đã chứng minh đối phương là một nhân vật giang hồ và lại là nhân vật phi thường.
Từ Văn từ từ bước vào sảnh đường ngang nhiên đứng trước bức màn gấm.