[Dịch] Trong Gia Đình - En Famille

Quyển 8 - Chiếc đũa thần của nàng tiên-Chương 8 : Chiếc đũa thần của nàng tiên




Tình trạng ngớ ngẩn kéo dài sức khỏe của ông Vunphran không được tốt: bệnh viêm phế quản, sự hồi hộp làm bệnh tim nặng dần rồi sưng phổi tiếp theo bắt ông phải ở trong phòng mất một tuần. Taluen được điều hành chỉ huy trọn vẹn tất cả các nhà máy, lấy làm đắc thắng.

Những rắc rối ấy bớt dần trong khi tình trạng ngớ ngẩn tinh thần không thuyên giảm và qua mấy hôm, ông thấy thuốc Ruysông đâm ra lo ngại. Đã nhiều lần, Perin muốn hỏi bác sĩ Ruysông nhưng ông này không phải là người quan tâm đến những điều tò mò của các cô bé. May thay, ông không từ chối trả lời cho Bátxchiêng và cô Benlom. Khi buổi chiều tối, ông đi thăm bệnh thường gặp họ. Perin lo ngại, và được người đầy tờ già cùng cô giáo cho biết ít nhiều những tin tức lờ mờ về bệnh trạng của ông Vunphran.

- Không có gì nguy hiểm đến tính mạng, Bátxchiêng nói, nhưng ông Ruysông muốn thấy ông chủ trở lại với công việc!

Cô giáo không hà tiện lời nói. Khi đến tòa lâu đài để lên lớp, cô nói chuyện ông Ruysông. Cô sẵn sàng nhắc lại những lời ông nói cho Perin nghe, tóm tắt bằng một câu lúc nào cũng thế: " Ông Vunphran phải có một sự chấn động! Tinh thần ông bị tê liệt nhưng cái lò xo lớn hình như không bị đứt! Phải có một cái gì lên giây cái máy ấy!"

Từ lâu, người ta lo nghĩ sự chấn động ấy bất ngờ xảy ra; đã nhiều lần ca phẫu thuật mổ cườm mắt ấy phải hoãn lại, đợi tình trạng sức khỏe cho phép. Phải có sự chấn động để ông Vunphran quan tâm đến công việc! Cả cuộc đời của ông là ở đấy! Người ta hy vọng sẽ thành công, rồi đây sẽ dùng phẫu thuật. Bây giờ thì người ta không lo sợ những cảm xúc mạnh của sự trở về hay cái chết của con ông nhưng về phương diện chuyên môn người ta vẫn còn lo ngại.

Nhưng làm thế nào để gây sự chấn động ấy? Người ta tự hỏi trong khi chẳng tìm ra được câu trả lời. Hình như ông Vunphran không quan tâm đến việc gì cả! Ông cũng chẳng muốn tiếp Taluen và hai người cháu trong lúc ông lâm bệnh. Lúc nào, ông cũng bảo Bátxchiêng trả lời cho Taluen, ông này kính cẩn, mỗi ngày hai lần, đến nhận mệnh lệnh vào buổi sáng và buổi chiều.

- Hãy ra quyết định thế nào cho tốt!

Và lúc ra khỏi giường bệnh, ông Vunphran trở lại bàn giấy cũng chẳng cần kiểm tra Taluen đã quyết định như thế nào. Còn Taluen quá khôn ngoan, quá khéo léo, quá xảo quyệt và lại quá thận trọng để không chọn một biện pháp nào khác với ông chủ khi ông khỏe mạnh.

Sự thờ ơ ấy không làm ngưng thói quen của Perin hàng ngày đưa ông Vunphran đi thăm các nhà máy như trước kia, nhưng khác trước, ông thường im lặng trên đường đi, không trả lời cho Perin về những nhận xét mà chốc chốc em nêu lên. Đến các nhà máy, khi những quản đốc báo cáo, ông cũng ít chú ý.

- Để tốt hơn, ông thường bảo, các anh nên trao đổi với Taluen.

Tình trạng này sẽ kéo dài đến bao giờ?

Một buổi chiều, sau khi đi thăm các nhà máy họ về gần đến Marôcua. Con ngựa già buồn ngủ đang đi nước kiệu thì nghe trong làn gió như có hồi kèn báo động.

- Hãy dừng lại, ông Vunphran nói, hình như người ta báo động: Có đám cháy!

Cỗ xe dừng lại, tiếng kèn nghe rất rõ.

- Có đám cháy, ông Vunphran nói, cháu có thấy gì không?

- Một cơn lốc, khói đen sì.

- Về phía nào?

- Ở giữa đám cây dương. Cháu chưa nhận ra là ở xóm nào.

- Bên phải hay bên trái?

- Hình như bên trái.

- Bên trái, thế là về phía nhà máy.

- Chúng ta có phải cho ngựa phi lên không? Em hỏi.

- Không, nhưng cháu cho đi nhanh lên!

Đến gần, tiếng kèn càng rõ, khi họ đi quanh cái hốc đất có hàng dương bao bọc, Perin không thể nắm chính xác địa điểm đám cháy. Hình như ở giữa làng, chứ không phải ở nhà máy, Perin nói cái nhận xét ấy với ông Vunphran, ông không trả lời. Em tin như thế là vì bây giờ em nghe tiếng kèn về phía tay trái, nghĩa là khu vực quanh nhà máy.

- Người ta không thổi kèn có lửa. Em nói.

- Đó là lời giải thích rất hay. Ông Vunphran đáp.

Nhưng ông nói câu trả lời ấy với một giọng thờ ơ như là ông chẳng cần biết đám cháy xảy ra ở đâu. Chỉ đến khi vào trong làng họ mới được rõ.

- Đừng vội, ông Vunphran ạ! Một bác nông dân nói to. Lửa không phải ở chỗ ông! Nhà bà Tibuyxơ cháy đấy!

Bà Tibuyxơ là một bà già nghiện rượu, bà trông những đứa trẻ còn quá nhỏ mà nhà trẻ không nhận. Bà ở một mái nhà tranh dột nát, gần sập, nằm ở bên phải sau một cái sân gần các trường học.

- Chúng ta đi đến đó! Ông Vunphran nói.

Họ chỉ cần theo các bác nông dân đang chạy. Bây giờ người ta trông thấy khói và lửa bốc lên cuồn cuộn trên mái nhà và người ta ngửi thấy mùi khét nghẹt. Trước khi đến đó, họ phải dừng lại, sợ cán phải những người tò mò, đang bươn bả đi xem, dầu có bị cán, cũng chẳng chịu tránh ra. Ông Vunphran xuống xe. Perin dìu ông đi qua đám đông. Khi họ đến gần ngôi nhà, Phabry đến gặp họ, anh đội mũ cát, đang chỉ huy đội cứu hỏa nhà máy.

- Chúng tôi đã làm chủ được ngọn lửa, anh nói, nhưng cái nhà thì đã bị bốc cháy! Nghiêm trọng hơn là nhiều em bé, có lẽ năm sáu em đã chết. Một em bị vùi trong ngôi nhà đổ, hai em chết ngạt, còn ba em nữa người ta chưa tìm thấy!

- Lửa bốc cháy vì đâu?

- Mụ Tibuyxơ sau rượu rồi nằm ngủ - bây giờ mụ vẫn còn say. Mấy đứa bé lớn lấy diêm ra chơi. Khi thấy lửa bén, chúng chạy trốn. Mụ Tibuyxơ hoảng hốt, cũng bỏ chạy, quen lửng mấy đứa bé còn đang nằm trong nôi.

Có tiếng ồn ào ở phía sân rồi tiếng la hét. Ông Vunphran muốn đi về phía đó.

- Ông đừng đi đến đó! Phabry nói. Đó là hai bà mẹ có con bị chết ngạt đang khóc con.

- Họ là ai?

- Nữ công nhân của nhà máy.

- Tôi phải nói chuyện với họ.

Ông đè mạnh tay lên vai Perin để nói em phải đưa ông đi. Phabry đi trước để dọn đường. Họ vào trong sân. Ở đó đội cứu hỏa đã tưới nước tràn ngập ngôi nhà đổ sập chỉ có bốn bức tường còn đứng. Dưới mấy vòi nước, có những ngọn lửa bốc lên với tiếng nổ lốp bốp. Họ nghe những tiếng kêu la từ một góc đối diện có nhiều phụ nữ xúm xít. Phabry dẹp đường cho ông Vunphran, đi theo sau Perin, đến gặp hai bà mẹ đang ôm con trên đầu gối. Họ khóc, một người có lẽ tin tưởng đến một sự cứu chữa thiêng liêng, khi nhận ra chỉ là ông chủ, thì đưa một cánh tay về phía ông hăm dọa:

- Hãy đến xem! Các người đã làm gì con cái chúng tôi! Trong lúc chúng tôi làm việc cật lực cho ông, ông có cứu nó sống lại được không chứ? Ôi, thằng bé tội nghiệp của tôi!

Rồi nghiêng mình trên thằng bé, bà mẹ la hét và khóc nức nở. Ông Vunphran dừng lại, do dự một lát, rồi nói với Phabry:

- Anh nói có lý! Chúng ta đi thôi!

Họ trở về buồng giấy. Không ai nói đến chuyện hỏa hoạn nữa cho đến khi Taluen vào báo cáo cho ông Vunphran hay trong sáu đứa bé người ta tưởng chết thiêu, thì ba đứa còn mạnh khỏe đang ở bên mấy nhà gần đây. Trong lúc hỗn loạn người ta đã bế chúng nó ra khỏi đám cháy. Như vậy, chỉ có ba đứa chết và ngày mai sẽ mai táng chúng. Taluen đi rồi, Perin chìm đắm trong suy tư, từ lúc trở về nhà máy, bỗng em nhất quyết thưa chuyện với ông chủ:

- Ông có định đến dự lễ mai táng các cháu chết cháy không? – Giọng em run run vì xúc động, hỏi.

- Tại sao bác lại phải đến kia chứ?

- Bởi vì đó là câu trả lời của ông, câu trả lời nghiêm túc nhất cho những lời tố cáo của bà mẹ khốn khổ ấy!

- Bọn thợ có đến cầu hồn cho con trai bác đâu!

- Họ không chia sẻ nỗi đau buồn của ông, còn ông, ông phải chia sẻ nỗi đau buồn của họ, đó cũng là một cách trả lời và cái đó chắc chắn họ sẽ hiểu!

- Cháu không biết là bọn thợ thuyền vong ân đến chừng nào!

- Vong ân, vì sao thưa ông? Vì số tiền họ nhận được? Có thể như thế, và chuyện đó có thể họ quan niệm số tiền họ nhận được không cùng một cách với số người phát tiền. Họ có quyền được hưởng số tiền về sự đóng góp công sức của họ chứ? Sự vong ân ấy có thể như ông nói. Nhưng còn vong ân về đối xử ân tình, về sự giúp đỡ bạn hữu, ông có nghĩ là giống như sự vong ân kia hay không? Hữu ái sinh ra hữu ái. Ta yêu mến những ai mà ta cảm thấy yêu mến mình. Cháu nghĩ rằng nếu chúng ta là bạn của họ chúng ta sẽ làm cho họ trở thành bạn bè của chúng ta. Giúp đỡ những người khốn khổ cho nhẹ bớt đói nghèo, đó là việc lớn lắm, nhưng chia sẻ nỗi khổ của họ, làm cho họ bớt đau khổ còn to lớn hơn nhiều!

Hình như Perin còn có nhiều điều muốn nói nhưng ôg Vunphran không trả lời. Ông hình như không nghe em nói, nên em không dám tiếp tục. Em định bụng sẽ trở lại câu chuyện đó lúc khác. Khi họ đi ngang trước hàng hiên của Taluen để trở về tòa lâu đài, ông Vunphran dừng lại, nói với viên quản đốc.

- Anh tin cho cha xứ hay rằng tôi chịu những phí tổn trong việc chôn cất mấy đứa bé bị nạn. Nói với cha hãy tổ chức một buổi lễ đàng hoàng. Tôi sẽ đến dự.

Taluen giật mình đánh thót. Ông Vunphran vẫn tiếp tục.

- Anh cho dán áp phích ngày mai ai muốn đến nhà thờ đều được tự do. Cái đám cháy ấy thật là một tai họa lớn!

- Chúng ta không nên chịu trách nhiệm!

- Trực tiếp thì không.

Đó không phải là nỗi ngạc nhiên duy nhất của Perin. Sáng hôm sau, nghe đọc các thư tín và hội ý với mấy ông trưởng ban xong ông Vunphran giữ Phabry ở lại.

- Anh không bận việc gì gấp chứ? Tôi nghĩ thế!

- Không thưa ông.

- Nào, anh đi Ruăng ngay! Tôi được biết ở đó người ta vừa xây dựng một nhà trẻ mẫu, áp dụng những cái gì tốt nhất ở mọi nơi. Không phải của thành phố đâu, nếu mà của thành phố thì hẳn có một cuộc thi sau đó chỉ sinh ra một kiểu xây dựng cũ rích. Một tư nhân để tưởng nhớ những người thân, đã tìm làm việc thiện. Anh hãy nghiên cứu cái nhà trẻ ấy với mọi chi tiết: cách xây dựng, hệ thống lò sưởi, lò đun bếp, hệ thống quạt trần, giá thành xây dựng, lắp ráp và chi phí bảo quản. Rồi anh hỏi ông kiến trúc sư xem ông ta đã theo mẫu những nhà trẻ nào, anh cũng sẽ đi đến tận nơi có mẫu ấy tìm hiểu và trở về đây càng nhanh càng tốt! Trước ba tháng, chúng ta phải mở cửa các nhà trẻ ở mấy nhà máy của tôi. Tôi không muốn một tai họa như ngày hôm qua lại tái diễn! Tôi tin cậy anh. Chúng ta không phải gánh một trách nhiệm nặng nề như về tai họa vừa qua nữa!

Buổi chiều, khi có cô Benlom đến lớp, cô rất phấn khởi được nghe Perin kể lại sự việc quan trọng ấy. Câu chuyện bị cắt đứt, khi ông Vunphran bước vào thư viện.

- Cô giáo, – Ông nói – nhân danh cá nhân và thay mặt dân địa phương, tôi đến nhờ cô giúp cho một việc lớn lao, kết quả của nó có tầm quan trọng bậc nhất. Tôi cũng thừa nhận, việc ấy đòi hỏi về phần cô một sự hy sinh lớn lao.

Rồi ông trình bày. Đó là việc cô giáo phải xin từ chức để điều khiển năm nhà trẻ mà ông sắp xây dựng. Ông đã tìm và chỉ thấy cô giáo là người thông minh, có nghị lực, có nhiệt tình, có thể đảm đang nhiệm vụ khá nặng nề ấy! Nhà trẻ xây dựng xong, ông Vunphran sẽ biếu cho các xã Marôcua, Xanh Pipô, Hécchơ, Bacua Phêxen với một số vốn đủ để duy trì mãi mãi. Ông chỉ đòi hỏi một điều kiện: Người điều khiển các nhà trẻ phải là người ông hết sức tin cậy, để đảm bảo kết quả và sự tồn tại sự nghiệp của ông. Được trình bày như thế, lời yêu cầu không thể từ chối. Nhưng cô Benlom, trong sự hy sinh, không phải là không đau xót, như ông Vunphran nói:

- Ôi, thưa ông! – Cô kêu lên – Ông chưa rõ công việc giáo dục là gì?

- Đưa lại cho trẻ sự hiểu biết, cái ấy là rất lớn! Tôi hiểu. Nhưng cho các cháu sức khỏe, sự sống cũng là cái gì đấy chứ? Và cái ấy sẽ là công việc của cô! Nó cũng khá to lớn để cô không thể từ chối được.

- Và tôi sẽ không xứng đáng với sự lựa chọn của ông, nếu tôi nghe theo những sở thích cá nhân. Tôi sẽ là người học trò của chính tôi, có bổn phận phải học hỏi để làm nhiệm vụ mới này. Cái nhu cầu dạy dỗ, rèn luyện của tôi sẽ được ứng dụng rộng rãi. Tôi sẽ hết lòng phục vụ ông. Lòng tôi quá xúc động không nói nên lời. Nói rất biết ơn, rất kính phục.

- Nếu cô muốn nói đến sự biết ơn, thì không nên nói với tôi, mà phải nói với cô bé học trò của cô đấy. Thưa cô, chính những lời cháu ấy nói, những ý nghĩ trước đây rất xa lạ với tôi! Cô bé đưa tôi đến một con đường mà tôi mới đi được vài bước, chưa đáng kể vì đường còn dài!

- Ôi, thưa ông, - Perin kêu lên. Niềm vui và tự hào làm em bạo dạn – Ước gì ông đi thêm một bước nữa!

- Để đi đâu chứ?

- Đi một nơi mà tối nay cháu sẽ đưa ông đến!

- Ấy, cháu muốn dẫn bác đi đâu tối nay đây?

- Đến một chỗ mà sự có mặt của ông chỉ trong vài phút có thể mang lại những kết quả phi thường.

- Một lần nữa, cháu có thể nói cho bác hay cái chỗ bí mật ấy ở đâu, là chỗ nào không?

- Nếu cháu nói trước, tác dụng mà cháu chờ đợi ở cuộc đi thăm của ông sẽ mất đi! Chiều nay đẹp trời, ấm áp, ông không sợ bị cảm lạnh. Xin ông hãy đồng ý đi!

- Hình như người ta có thể tin cậy ở em này – Cô giáo nói – Tuy lời đề nghị được trình bày dưới dạng hơi… kỳ quái và trẻ con.

- Cháu sẽ được như ý! Chiều nay bác sẽ đi với cháu! Cháu hãy định mấy giờ thì chúng ta làm cuộc thám hiểm?

- Càng về đêm, càng tốt.

Trong buổi chiều tối, ông Vunphran nhắc nhiều lần đến cuộc thám hiểm, nhưng Perin vẫn không nói rõ.

- Cháu có biết là cháu đã làm cho bác sinh ra tò mò không?

- Khi cháu chỉ đạt được có thế thì không phải là đã đạt được một phần rồi sao? Để ông mơ tưởng về ngày mai hay ngày kia không hơn là để ông luyến tiếc một hy vọng đã tiêu tan trong quá khứ?

- Tốt hơn nếu bác còn có một ngày mai! Cháu muốn bác mơ về một tương lai nào đó? Nó còn buồn hơn là quá khứ đối với bác, bởi vì nó trống rỗng.

- Thưa ông không phải thế! Nó không quá trống rỗng nếu ông nghĩ đến người khác! Khi còn bé… và không được sung sướng, người ta thường nghĩ đến, có phải thế không ạ. Một tay thuật sĩ cao tay, nếu người ta gặp được, sẽ làm cho những ước mơ của ta được thực hiện. Nhưng khi chính họ là người thuật sĩ ấy, không biết có lần nào họ nghĩ rằng họ phải làm cho người khổ sở được sung sướng dù những người khốn khổ ấy là trẻ con hay người lớn? Khi người ta cầm quyền hành trong tay, dùng nó không phải là thích thú sao? Cháu nói thích thú vì chúng ta ở trong tiên cảnh. Nhưng trong thực tế, thì có một từ khác.

Buổi chiều trôi qua với những câu chuyện ấy. Nhiều lần, ông Vunphran hỏi đã đến giờ đi chưa, nhưng em cứ lùi mãi. Cuối cùng Perin báo có thể lên đường. Buổi tối ấm áp như em đã dự đoán. Không có gió, sương mù, mà có những luồng nhiệt thường kích động bầu trời. Họ đi vào trong làng. Mọi người đang ngủ. Không có ánh sáng ở các cửa sổ khép kín. Không có một tiếng động ngoài tiếng nước đổ từ các đập giữ nước trên sông.

Như tất cả những người mù, ông Vunphran nhận ra phương hướng trong đêm tối. Ra khỏi tòa lâu đài, ông đi theo con đường của ông, y như là đôi mắt không mù.

- Chúng ta đã đến trước nhà bà Prăngxoadơ? – Ông nói thế.

- Đúng là chúng ta đến mẹ Prăngxoadơ. Xin phép ông, đừng trò chuyện nữa. Cháu sẽ nắm tay dắt ông. Cháu xin báo với ông: chúng ta phải leo lên một cầu thang để đi, và lên thẳng chứ không quanh co. Ở trên cầu thang ấy, cháu sẽ mở cửa và chúng ta đi vào. Chúng ta ở lại một hay hai phút, tùy ông.

- Cháu muốn bác thấy gì cơ chứ. Vì bác mù kia mà!

- Ông không cần thấy!

- Thế thì làm gì?

- Để có đến! Cháu quên nói với ông, trong lúc đi lên xuống chúng ta có gây tiếng động cũng chẳng sao!

Mọi việc tiến hành như Perin đã nói. Khi vào đến sân trong, một ánh chớp chỉ cho họ con đường lên cầu thang. Họ leo lên và Perin mở cửa, kéo nhẹ nhàng ông Vunphran vào rồi khép cửa lại. Họ cảm thấy nóng nực, làm họ ngột ngạt. Một giọng lè nhè hỏi:

- Ai đó?

Perin bóp bàn tay ông Vunphran, có ý bảo ông đừng trả lời. Cái giọng ấy tiếp tục:

- Nằm ngủ đi chứ, Lanoyden!

Lần này, Perin cảm thấp bàn tay của ông Vunphran cho em hay là ông muốn đi ra. Perin lại mở cửa. Họ leo xuống cầu thang, trong lúc có những tiếng thì thầm đuổi theo họ.

Khi đã ra ngoài đường cái, ông Vunphran nói:

- Cháu muốn cho bác biết cái phòng cháu đã nằm ngủ đêm đầu tiên khi đến đây phải không?

- Cháu muốn ông biết một trong nhiều phòng ngủ ở Marôcua và các làng khác. Thợ thuyền của ông: đàn ông, phụ nữ, trẻ em nằm ngủ ở đấy. Chúng ta chỉ ngửi cái không khí ô nhiễm trong một phút thôi cũng đủ để cho ông hiểu nó đã giết bao nhiêu mạng người khốn khổ bấy nay!

^^^^

Một chủ nhật đẹp trời, Perin đến Marôcua khốn khổ và thất vọng. Lúc bấy giờ, em tự hỏi rồi đây có may mắn nào sẽ đến với em không? Ngày lại ngày, mười ba tháng đã trôi qua! Trời hôm nay vẫn đẹp như lúc ấy! Nhưng Perin và xóm làng đã khác năm qua!

Ngay chỗ Perin buồng rầu ngồi cả buổi chiều bên bìa rừng nhỏ bao quanh quả đồi, và cố gắng tìm hiểu xóm làng, những nhà máy nằm trong thung lũng ở phía dưới, thì nay nhiều ngôi nhà mới đang được xây dựng. Một bệnh viện khang trang ở vị trí rất đẹp đã nhô cao lên trên xứ này. Những thợ thuyền trong các nhà máy ông Vunphran cư trú ở Marôcua hay các nơi khác, sẽ được bệnh viện nhận.

Từ nơi này, người ta có thể theo dõi dễ dàng những thay đổi trong vùng. Những thay đổi thật là phi thường nhất là đối với thời gian ít ỏi vừa trôi qua! Trong các nhà máy, sự thay đổi không rõ lắm, phát triển toàn diện, chỉ còn có việc đi theo bước đều đều của tất cả cái gì đã được vạch ra rất nghiêm túc.

Nhưng ở gần cửa chính, nơi trước đây có mấy túp lều của hai nhóm giữ trẻ như bà Tibuyxơ, cách dây mấy tháng, một mái đỏ nổi lên. Đó là nhà trẻ có mặt tiền một nửa màu hồng, một nửa màu xanh da trời. Ông Vunphran đã cho xây dựng trên vị trí của mấy túp lều đổ nát mà ông đã mua lại. Ông trao đổi với mấy người chủ nhà rất rõ ràng và thành thật. Ông mời họ đến, giải thích cho họ thấy ông chịu trách nhiệm về các cháu, con của những nữ công nhân của ông. Ông không muốn để chúng nó có thể bị thiêu hay chết bệnh do sự thiếu săn sóc. Ông sẽ cho xây dựng một nhà trẻ. Các cháu sẽ được nuôi dạy ở đây không phải trả tiền cho đến ba tuổi. Chắc không ai phản đối việc vào nhà trẻ của ông và gửi con ở đấy. Nếu họ muốn bán nhà, ông mua cho họ với một số tiền nhất định và một số lợi tức hàng năm hưởng trọn đời. Nếu họ không đồng ý thì họ giữ lấy nhà của họ. Đất, ông không thiếu. Họ có thời gian để quyết định đến mười một giờ sáng hôm sau. Đúng giờ, mười hai giờ trưa sợ trễ rồi!

Giữa làng nổi lên những mái nhà đỏ cao hơn, dài hơn, oai vệ hơn. Đó là những nhà vừa mới hoàn thành trong đó có những phòng riêng, những nhà ăn, hàng cơm, căngtin, cung cấp thực phẩm cho những người thợ độc thân nam và nữ. Để xây dựng những cái nhà này, ông Vunphran cũng áp dụng cái phương pháp lấy đất như bên nhà trẻ. Ông nói: Tôi quyết định xây dựng hai khách sạn trong đó tôi cho nam nữ công nhân thuê phòng mỗi tháng ba phờrăng. Tôi sẽ sử dụng tầng trệt làm nhà ăn và hàng cơm. Tôi lấy mỗi suất ăn bản mươi xăngtim và cho ăn trưa có xúp, ragu hay rôti với bánh mì và rượu cần.

Rải rác khắp nơi trên khoảng đất ấy, người ta thấy có những mái ngói mới đỏ tươi, những ngôi nhà bé nhỏ sạch sẽ, mới lợp, khác hẳn những mái nhà cũ kĩ, phủ đầy rêu. Đó là những nhà ở cho thợ thuyền vừa mới bắt đầu xây dựng gần đây. Những ngôi nhà ấy sẽ ở rải rác giữa một khu vườn nhỏ, trong ấy sẽ ở rải rác giữa một khu vườn nhỏ, trong ấy người ta có thể thu hoạch rau tự túc cho gia đình. Người chỉ phải trả tiền thuê một trăm phờrăng một năm và sẽ có niềm vui tự hào được một tổ ấm thoải mái, đầy đủ tiện nghi.

Nhưng thật ra sự thay đổi đập vào mắt ta mạnh nhất, làm ta giật mình sửng sốt, nếu ta vắng mặt một năm ở Marôcua. Đó là sự đảo lộn trong hoa viên của ông Vunphran. Trong những bãi cỏ nếu kéo dài sẽ gặp các hốc đất và sẽ lẫn lộn với chúng. Cái phần ở dưới thấp, từ trước gần như ở trạng thái tự nhiên, đã cắt xén khỏi hoa viên và thay đổi rất nhanh. Bây giờ, ở phía trong một ngôi nhà lớn bằng gỗ nổi lên. Bên cạnh là những ngôi nhà nhỏ bùng quê, hay những kiốt xây dựng đơn sơ. Nhìn chung, ở đây có vẻ như một công viên vì có đủ các trò chơi bằng những dụng cụ thể dục: những cây đu, trường đua ngựa gỗ, bắn cung, bắn nỏ, bắn súng ngắn và súng thật, những cột thoa mỡ, đua xe đạp, một nhà hát con rối, một cái bệ cho các nhạc sĩ biểu diễn.

Thực ra, đây đúng là một công viên chung cho thợ thuyền ở các nhà máy Hécsơ, Xanh Pipô, Bacua, Phơxen. Ông Vunphran cho xây dựng nhà cửa ở các nơi ấy như nhau, nhưng ông lại muốn những người thợ của ông chỉ có một nơi hội họp và vui chơi giải trí. Ở đó họ sẽ gặp gỡ, quan hệ và gắn bó với nhạu. Cái thư viện của ông cũng đã thay đổi, chắng biết do ảnh hưởng của ai! Trong cái vườn rộng mênh mông, quanh những phòng đọc, phòng họp, choán cái nhà gỗ lớn ở trung tâm, những trò chơi các loại cũng tập trung ở đấy. Sự phát triển đòi hỏi mất một phần hoa viên của ông. Đến nỗi bây giờ Câu lạc bộ công nhân bảo vệ tòa lâu đài.

Những thay đổi ấy đã được ý thức và thực hiện rất nhanh chóng cũng đã gây nên một sự xúc động mạnh mẽ. Hơn nữa, đã tạo nên sự náo động trong vùng.

Những người thù địch, nhất là bọn chủ có nhà cho thuê có quán rượu, tiệm tạp hóa. Bọn họ kêu la bị sạt nghiệp và bị áp bức! Chẳng phải là một sự bất công, một tội ác xã hội hay sao khi người ta cạnh tranh với họ, ngăn cản họ tiếp tục buôn bán như cũ? Từ khi thành lập nhà máy, bọn chủ trại đã chống lại vì nhà máy cướp những người thợ cày của họ hay bắt họ phải trả tiền công tăng lên! Những tiểu thương cũng đứng về phía nông dân để góp thêm những lời than vãn. Khi ông Vunphran cùng với Perin đi ngang qua các nẻo đường của xóm làng người ta la ó đuổi theo như đối với bọn bất lương. Lão chẳng phải đã giàu to rồi, cái lão già mù lòa ấy, sao lại còn muốn làm những người khốn khổ sạt nghiệp! Cái chết của người con trai không làm cho ông ta có một chút lòng nhân từ, bác ái trong lòng hay sao? Tụi thợ thuyền đều ngu đần để không hiểu tất cả những cái ấy chẳng có mục đích gì khác hơn là để xiềng xích họ chặt hơn nữa, đưa tay lấy lại cái gì bàn tay kia hình như vừa mới cho bọn họ? Nhiều cuộc họp được tổ chức, để người ta thảo luận xem bọn họ cần phải làm gì. Trong những cuộc hội họp ấy, nhiều người đã bảo họ không phải là những người ngu đần như bao nhiêu người nói họ.

Trong gia đình ông Vunphran những cải cách ấy cũng gây nên khá nhiều lo ngại cũng như nhiều lời lẽ phê bình. Ông Vunphran điên rồi sao? Ông ấy sẽ đi đến phá sản nghĩa là làm cho bọn họ phá sản! Chẳng phải là cẩn thận nếu can thiệp cho pháp luật hủy những quyền hành của ông lại hay sao? Thật ra, ông ta nhu nhược trước cái con bé ấy: nó bắt ông ta làm những gì mà nó muốn! Đó là một bằng chứng về chứng điên của người già mù lòa mà toà án không thể lường trước được hết. Tất cả những ai oán hờn đều hướng về cái con ranh con nguy hiểm ấy, cái con chằng biết nó đang làm cái gì! Với cái con ấy, tiền bạc có tiêu xài hoang phí, nào phải là của nó!

May thay cho con bé, nó cảm thấy có những người nâng đỡ chống lại sự giận dữ ấy! Nó nhận trực tiếp hay gián tiếp những trận đòn ở mọi lúc, thì có những tình bạn động viên và an ủi nó.

Cũng như thường lệ, nịnh thần của các thắng lợi, Taluen đứng về phía Perin. Ông ấy bảo là em đã thành công tất cả những gì mài em trù tính; em khiến ông Vunphran làm tất cả những gì mà em muốn, do đó em là kẻ thù của hai người cháu. Kỳ thực nói cho đúng, dù ông Vunphran có tiêu xài những số tiền lớn, thì cũng sẽ làm tăng tài sản của các nhà máy lên thôi. Số tiền ấy, người ta có lấy của Taluen đâu! Trái lại, các nhà máy ấy có thể là của ông ta một ngày nào đó. Vì thế, khi Taluen dự đoán được một sự thay đổi mới đang được nghiên cứu, ông ta không bỏ lỡ cơ hội để "cho rằng" cũng như ông chủ của ông ta, thời gian này rất thuận lợi để thực hiện. Tuy nhiên, vẫn có những cảm tình mà Perin thấy vui thích hơn cảm tình của Taluen. Đó là cảm tình của bác sĩ Ruysông, của cô giáo Benlom, của kỹ sư Phabry và những người thợ đã được ông Vunphran cho bầu vào ban Hội đồng bảo vệ các nhà máy. Thấy con bé "ranh con" đã đem lại cho ông Vunphran nguồn nghị lực, ông thầy thuốc cũng thay đổi cách đối xử với em. Bây giờ đó là một sự âu yếm lẫn vị nể. Ít ra, ông cũng cho cô bé này là một nhân vật có sức tác động lớn. Cô bé này đã làm được hơn ngành y, ông nói, không có cô ấy, tôi cũng chẳng rõ ông Vunphran sẽ ra sao?

Cô giáo không cần thay đổi cách đối xử nhưng rất tự hào vì em. Mỗi ngày, sau bài giảng vài phút, cô biểu lộ thành thật những cảm tình của cô, tuy vẫn thú nhận cách biểu lộ có thể chưa thật đúng với quan hệ "thầy và trò".

Còn về phía Phabry, ông ta có sự liên hệ mật thiết với tất cả những gì phải làm, cho nên không thể không đồng tình, nhất trí với Perin. Lúc đầu, ông chẳng đẻ ý đến em, nhưng em đã nhanh chóng chiếm một vị trí quá quan trọng trong xí nghiệp, cho nên ông chỉ còn là một công cụ trong bàn tay em.

- Ông Phabry, ông đi Noyđen, nghiên cứu những ngôi nhà của công nhân!

- Ông Phabry, ông đi Anh, tìm hiểu Câu lạc bộ liên hiệp công nhân!

- Ông Phabry, ông đi Bỉ, nghe Câu lạc bộ lao động!

Và ông Phabry đi, nghiên cứu những gì người ta dặn ông, và không quên những gì tự ông cho là đáng để ý. Lúc trở về, sau khi trao đổi rất lay với ông Vunphran để quyết định kế hoạch tiến hành, ông phụ trách việc kiến trúc qua viên kiến trúc sư và những người chỉ đạo công trình giúp viẹc trong bàn giấy của ông. Buồng giấy của Phabry đã trở thành nơi quan trọng nhất của nhà máy. Chẳng bao giờ em dự vào các cuộc tranh luận, tuy em có mặt ở đấy. Thật là ngu xuẩn để không hiểu em đã chuẩn bị đã gợi ý. Thật ra, em đã gieo hạt trong trí óc hay trong lòng ông chủ. Hạt đã nảy mầm và có quả.

Cũng như Phabry, những người thợ đắc cử do sự lựa chọn của bạn bè thấy rõ vai trò của Perin. Tuy trong các phiên họp của Hội đồng công nhân, Perin không tự cho phép nói một tiếng, làm một cử chỉ, họ cũng biết rất rõ ảnh hưởng của em. Với họ, đó là một cơ sở để tin tưởng về giới mình và là một niềm tự hào vì em đứng trong hàng ngũ của họ.

- Anh biết đấy, cô ta trước có làm ở xưởng suốt!

- Có phải không, nếu cô ta không xuất thân từ lao động thì cô ta đâu có được như thế này.

Trước mặt mấy người ấy, không nên nói chuyện la ó khi Perin đi qua các con đường làng. Những lời la ó sẽ bị tắc nghẹn từ cổ họng.

Cách đó mấy hôm, Phabry được phái đi một cuộc điều tra mà ông Vunphran giữ kín không cho ai hay, nên chủ nhật hôm ấy ông Vunphran đang chờ Phabry về. Từ Paris, buổi sáng, Phabry có đánh về một bức điện chỉ có mấy chữ: "Tin tức đầy đủ, có văn bản chính thức, sẽ về trưa nay!"

Quá trưa đến nửa giờ mà Phabry cũng chưa về. Trái với thường lệ; ông Vunphran tỏ ra nôn nóng. Ông ăn bữa trưa nhanh hơn mọi hôm. Trở về phòng riêng với Perin, chốc chốc ông đến bên cửa sổ mở rộng trên các khu vườn, để nghe ngóng.

- Lạ quá, sao Phabry chưa về!

- Có lẽ tàu bị trễ!

Nhưng ông Vunphran không chịu nghe và đứng mãi ở cửa sổ. Perin muốn kéo ông ra chỗ khác. Trong vườn và khu bồn hoa đang diễn ra những sự việc mà Perin không muốn cho ông hay. Mấy bác làm vườn đang khẩn trương hoàn thành việc lưới bao những chùm hoa. Trong lúc đó, những người khác đào, bưng đem đi nơi khác, trồng cây lạ rải rác trên mấy bãi cỏ. Cửa ra vào mở rộng và ở phía Câu lạc bộ công nhân. Những lá cờ và cờ đuôi nheo đang tung reo phần phật trong làng gió nhẹ của biển.

Ông Vunphran bấm nút gọi bác hầu phòng. Bác xuất hiện. Ông dặn bác nếu có ai đến gặp ông, thì nói với họ hôm nay ông không tiếp khách. Perin rất ngạc nhiên khi nghe cái mệnh lệnh ấy. Ngày chủ nhật, ông Vunphran thường tiếp tất cả những ai muốn gặp ông, dầu lớn hay bé. Trong cả tuần, ông rất hà tiện lời nói sợ mất thời gian tính ra thành tiền bạc. Trái lại, ngày chủ nhật, ông lại thao thao, khi thời gian của ông và của những người khác không còn có giá trị như trước. Có tiếng bánh xe lăn trên con đường vào các hốc đất, nghĩa là từ Píchkynhi đến.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.