[Dịch] Thương Hải

Chương 131 :  CHƯƠNG 33 LỤC THỨC (sáu loại nhận thức)




Lục Tiệm kêu lớn rồi mắt trợn trắng ngã lăn ra đất. Ninh Ngưng hết sức sợ hãi, ngước mắt nhìn lên thì chỉ thấy Ninh Bất Không lông mày trợn ngược, mặt toát ra đầy vẻ độc ác tàn bạo. Ninh Ngưng kinh hãi nói:

- Ông, vừa rồi ông làm gì vậy?

- Làm gì ư? - Ninh Bất Không hừ một tiếng, lạnh giọng nói - Con chó nô tài này cậy thế con lừa ngốc Ngư hòa thượng, bằng mấy đạo cấm chế nhỏ nhoi mà cũng đòi chống lại luật sắt của Hắc Thiên thư, quả là không biết tự lượng sức. Hôm nay ta đã phá hết cấm chế đi, để xem nó ra sao nào? Con chó nô tài này chẳng phải cứng đầu không sợ chết ư, nhưng để xem biết mùi vị của Hắc Thiên kiếp rồi thì nó sợ hay không nhé.

Ninh Ngưng không ngờ cha mình lại độc ác đến như vậy, đã không cứu người mà còn phá nốt đạo cấm chế còn lại của Lục Tiệm. Trong nháy mắt cô cảm thấy mắt tối sầm, cổ họng phát tanh suýt ngất xỉu đi. Trong lúc hoảng hốt chỉ thấy bộ mặt âm trầm băng lạnh của Ninh Bất Không đầy vẻ méo mó hung ác dữ tợn.

Lần kiếp nạn này tới thật quá nhanh, Lục Tiệm không kịp tranh đấu gì thì đã ngất xỉu đi. Hắc Thiên kiếp tuy vẫn chuyển động nhưng không còn giấc mộng kỳ lạ như trước mà chỉ có sự đau đớn và trống rỗng không cách nào tưởng tượng được ùa tới, cho dù đang trong cơn mê sảng vẫn cảm thấy được rất rõ ràng. Tuy miệng không nói được, mắt không mở được nhưng sự đau đớn vẫn khiến y nước mắt nước mũi giàn giụa, cả người co giật, bên tai oang oang rầm rập như có đàn ngựa chạy qua.

Phải biết rằng “Hắc Thiên kiếp” sở dĩ lợi hại vì tuyệt không phải cứ phát ra là chết ngay mà sau khi phát tác phải trải qua mấy giờ liền bị giày vò hành hạ rồi mới đứt hơi. Trong thời gian đó cho dù là đâm vào tim, cắt vào đầu cũng không thể lập tức khiến kiếp nô chết ngay được, chỉ cần đầu não còn nguyên, kiếp nô vẫn còn tri giác thì đau khổ của “Hắc Thiên kiếp” vẫn cảm nhận rất rõ ràng. Ngoài ra nếu mượn kiếp lực càng nhiều thì đau đớn càng lớn, cho dù chỉ một giờ mà người chịu kiếp nạn cũng như đã trải qua trăm nghìn năm tháng. Có thể nói là đau khổ trên thế gian này chẳng có gì hơn được nó.

Lúc Ninh Ngưng còn nhỏ đã từng thấy Trầm Chu Hư trừng phạt một kiếp nô phạm tội, bắt phải trải qua thiên kiếp mà chết. Tình trạng thảm khốc khi đó bao năm nay Ninh Ngưng vẫn nhớ kỹ trong lòng, thường bị ác mộng mà choàng tỉnh, khi tỉnh lại thường khiếp sợ lệ chảy đầy mặt. Lúc này cô thấy tình hình của Lục Tiệm thì chợt nhớ lại khi đó, đau khổ của Lục Tiệm cũng như chính mình phải trải qua khiến cho trái tim cô như vỡ vụn ra đau đớn vô cùng. Trong chớp mắt, gò má trắng như tuyết như ngọc của Ninh Ngưng ửng lên, trong lòng đã có quyết định, liền cúi người xuống một tay ấn lên huyệt Thiên Trung, một tay ấn lên Đan Điền của Lục Tiệm.

Ninh Bất Không như phát hiện ra, mày rậm rung lên rồi cao giọng nói:

- Ngưng nhi, con làm gì thế?

Ninh Ngưng nghe mà như không nghe, chỉ chăm chú nhìn mặt Lục Tiệm, tập trung toàn bộ sự chú ý vào cẩn thận duy trì trạng thái, cả người phát ra ánh sáng nhu hòa nhàn nhạt, kiếp lực trong ẩn mạch không ngừng hóa thành chân khí truyền qua bàn tay ngọc ngà thon thả vào người Lục Tiệm.

Ninh Bất Không trong lòng ngờ vực, liên tục nhướng mày rồi chợt sầm mặt, quát lên:

- Con điên rồi sao?

Nói rồi nghiêng người lao tới điểm về phía Ninh Ngưng. Lúc này bỗng cảm thấy sau lưng nổi gió vừa nhanh vừa mạnh, Ninh Bất Không bất giác quát lớn một tiếng, thế tiến tới vẫn không dừng lại mà chỉ quét ngược tay áo về phía sau.

Cốc Chẩn thấy cấm chế của Lục Tiệm bị phá thì cũng cực kỳ kinh hãi tức giận, nhưng “Bốn luật có - không” tuyệt không phải dùng trí mưu mà phá được nên với mưu kế chồng chất của Cốc Chẩn mà lúc này cũng phải bó tay. Hắn thấy Ninh Ngưng muốn truyền chân khí thì nhớ tới lời Tiên Bích đã nói liền hiểu rõ, luật thứ tư “Có qua có lại” cả kiếp chủ lẫn kiếp nô đều có thể di truyền. Chân khí của Ninh Ngưng thừa hưởng tính chất của Ninh Bất Không, nhưng cô là kiếp nô nếu muốn dùng chân khí thì phải mượn kiếp lực, theo luật thứ hai “Có mượn có trả” thì cô cứu Lục Tiệm xong cũng phải chịu kiếp nạn, vì vậy hành động này của Ninh Ngưng rõ ràng là có ý liều mạng xả thân.

Cốc Chẩn trong lòng cảm động lại vừa mâu thuẫn, tuy nhiên việc đến bước này rồi thì Lục, Ninh hai người sống chết khó có thể cùng toàn vẹn. Mắt thấy Ninh Bất Không ra tay ngăn cản, Cốc Chẩn không nhịn được liền thi triển “Miêu Vương bộ” lao tới vòng ra sau lưng Ninh Bất Không, vừa định ra tay thì chợt có một luồng sức nóng tạt thẳng vào mặt. Cốc Chẩn chưa kịp suy nghĩ thì đã cảm thấy người nóng lên, quần áo bị ngọn lửa táp vào rồi cháy lên bùng bùng.

Cốc Chẩn không ngờ “Chu Lưu Hỏa kình” lợi hại đến vậy, liền lập tức ngã ra lăn lộn mấy vòng thì lửa mới tắt, nhưng da thịt nhiều chỗ đau đớn, đã bị lửa làm bị thương. Hắn ngước mắt nhìn qua thì thấy Ninh Bất Không đã điểm vào ngực Ninh Ngưng, Ninh Ngưng ngã lăn ra đất. Cốc Chẩn nóng lòng vừa định xông tới liều mạng thì bỗng cảm thấy trên đầu tối sầm lại rồi một bóng xám nhanh như chim ưng, mang theo một luồng gió mạnh vọt thẳng về phía Ninh Bất Không.

Ninh Bất Không phát hiện ra kình phong của người này khác lạ nên í lên một tiếng rồi lùi lại một bước vung chưởng đón đỡ. Kình lực hai người giao nhau, quần áo của người áo xám bốc lửa nhưng chỉ cháy rất ngắn rồi đã tắt phụt.

Chưởng lực vừa giao nhau, Ninh Bất Không liền nhận ra lai lịch của đối phương, lập tức biến sắc hét lên:

- Ngư hòa thượng? Ngươi chưa chết ư?

Lão vừa nghĩ như vậy liền hiểu rằng Chu Lưu Hỏa kình tất không làm khó được đối thủ, lập tức nhảy lùi về phía sau định bắn “Mộc Phích Lịch” ra, nhưng chợt nhớ tới Ninh Ngưng huyệt đạo bị khống chế, không động đậy được, nếu “Mộc Phích Lịch” mà nổ thì gỗ vụn bắn tung tóe khó tránh khỏi đánh nhầm vào cô.

Lão hơn ngần ngừ thì đã mất tiên cơ. Người áo xám chuyển động như điện, tay trái tạt qua chụp Lục Tiệm lên, tay phải ôm Ninh Ngưng lên, vừa định quay người đến tóm nốt Cốc Chẩn thì Ninh Bất Không đã tức giận nạt một tiếng, múa song chưởng đánh tới. Người áo xám trong lúc vội vã liền vắt Lục Tiệm lên vai rồi đưa một tay ra đánh ngược lại một chưởng.

Bốp một tiếng, Cốc Chẩn phục gần đó chỉ cảm thấy phía trước gió nóng cuồn cuộn tràn đầy sức mạnh ép cho hắn không hít thở được. Ninh Bất Không hừ lạnh một tiếng, chợt nhảy lùi về phía sau rít giọng nói:

- Ngươi không phải là Ngư hòa thượng, rốt cuộc là ai?

Lúc này người áo xám quần áo bốc lửa, phải xoay hai vòng thì mới tắt, nhưng trong lúc dập lửa thì chân vẫn như lắp thêm cánh chạy như bay. Cốc Chẩn bò dậy từ đằng sau nhìn thấy người áo xám đó áo sư đầu trọc, chính là một vị hòa thượng. Ninh Bất Không vừa kinh hãi vừa tức giận, quát lên:

- Chạy đâu?

Rồi phi thân đuổi theo, đánh vù một chưởng ra. Hòa thượng kia chân không dừng bước nhưng vẫn đánh ngược lại một chưởng nghênh đón. Chưởng lực giao nhau trên không, “Chu Lưu Hỏa kình” bị chân lực vô tận của hòa thượng bọc lấy rồi đẩy ngược lại. Ninh Bất Không tức giận hừ một tiếng, song chưởng hợp lại cùng múa nửa vòng tròn rồi tống về phía trước. Hỏa kình kia chưa kịp tản mát thì đã bị bọc thành hình cầu rồi tống ngược lại, bên ngoài còn thêm vào hai tầng kình lực dày đặc xô tới vạt áo sau của hòa thượng. Xùy một tiếng, vạt áo sau dính lửa, ánh lửa bùng lên. Hòa thượng xoay ngược tay đánh một quyền hóa giải hỏa kình rồi kình lực thu hồi lại dập tắt luôn lửa cháy trên quần áo, bước chân cũng nhanh vọt lên như chim yến vượt tường, bỏ Ninh Bất Không phía sau hơn một trượng.

Hỏa kình của Ninh Bất Không ba lần bị phá thì trong lòng ớn lạnh, lão quát lớn một tiếng rồi nhanh hơn tên bắn chớp mắt đã tiến lại gần năm thước, đuổi sát theo sau lưng hòa thượng không tha không rời.

Hai người một chạy một đuổi đều như sao băng, chớp lên là biến mất. Cốc Chẩn ra sức đuổi theo qua một sườn núi thì trước mắt sáng lên rồi trở nên thoáng đãng, núi non xanh mướt, mây trôi vùn vụt, dưới sườn núi xanh tươi rậm rạp, khe núi vắng lặng yên tĩnh chẳng thấy bóng dáng ai.

Cốc Chẩn biết rõ thân pháp thua xa hai người, tất nhiên không đuổi theo được nên ngẩn ra một lúc rồi mới thở dài một hơi, bỏ đi ý định đuổi theo mà chậm bước đi dạo theo con đường núi. Núi Thiên Trụ vốn phong cảnh đẹp đẽ, trên đường đi biển mây sóng tùng, gió hú rừng reo, trời xanh biêng biếc, mây tía lửng lơ, chốc lát lại có một dòng suối xanh từ trong đá phun ra, rơi xuống trăm thước trắng sáng như tuyết như bạc, va vào đá biến thành vạn giọt châu ngọc rải khắp trời, thấm vào da thịt mát tới gan ruột.

Bên suối là một vách đá rộng lớn bằng phẳng, khắc đầy nét chữ. Chữ lớn thì đến mấy trượng, chữ nhỏ cũng vuông mấy thước, trong đó không thiếu gì bút tích để lại của Lý Bạch, Tô Đông Pha, phóng khoáng tràn trề hơn người.

Cốc Chẩn không biết mình đi dạo chơi lại đến “vách đá khắc chữ bên suối trên núi” ở phía tây chùa Tam Tổ mà nhiều đời văn nhân thời Đường thời Tống đã đều đến đề thơ khắc lại. Cốc Chẩn thưởng thức rất tinh tế, dưới cho đến lụa là phấn sáp, trên cho đến đồ cổ tranh vẽ không cái nào là không hiểu biết kỹ càng. Hắn thấy văn thơ trên vách đá đều thanh cao đẹp đẽ thì chợt cảm thấy bao nhiêu buồn bực đều tan biến, lặng lẽ nhập thần nhìn tám chữ “Một trụ chống trời, vạn núi hướng về” khổng lồ cao chọc trời, trong lòng không khỏi bừng lên một cảm giác hùng tráng, buột miệng khen ngợi:

- Không thẹn là phong độ chống trời.

Tiếng khen chưa dứt thì chợt nghe có người cười nói:

- Thế nào là phong độ chống trời.

Thung lũng vắng truyền âm vang vọng không ngớt.

Cốc Chẩn trong lòng trầm xuống, đưa mắt nhìn qua thấy Trầm Chu Hư đẩy xe lăn đang từ một con đường mòn vắng vẻ thong dong đi tới. Cốc Chẩn biết câu hỏi đó của lão có ý kiểm tra đánh giá nên lập tức cười khẽ, ngâm lên:

- Khi có mây trắng tới khép cửa, càng không trăng gió rải bốn phương.

Trầm Chu Hư đẩy xe đến càng gần:

- Thế nào là đạo?

Cốc Chẩn nói:

- Mây trắng che núi xanh, chim chóc dạo vườn hoa.

Trầm Chu Hư nói:

- Thế nào là chỗ hòa thượng giúp người?

Cốc Chẩn nói:

- Mưa giăng khắp chốn, trời đất nở hoa.

Trầm Chu Hư nói:

- Thế nào là người trong núi Thiên Trụ?

Cốc Chẩn chỉ cười, khoan thai nói:

- Một mình dạo bước trên đỉnh núi ngang trời, an nhàn nơi dòng suối chín khúc.

Trầm Chu Hư nói:

- Thế nào là mục đích đến Tây Phương?

Cốc Chẩn cao giọng sang sảng nói:

- Vượn trắng ôm con đến núi xanh, ong bướm ngậm hoa trong nhụy biếc.

[người dịch: đoạn trên đơn thuần là dịch chữ, còn nghĩa tớ không dịch được, mong các bạn thông cảm]

Hỏi đáp đến đó, hai người đập tay nhau cười lớn. Trầm Chu Hư khen ngợi:

- Hảo tiểu tử, nhớ khá lắm.

Mạc Ất cũng vừa hay theo đến nơi, nghe vậy thì cười nhạt nói:

- Đó là công án của Sùng Tuệ thiền sư, tiểu tử này may mà nhớ được vài câu, cũng có gì là ghê gớm đâu. [người dịch: công án đối với nhà Phật là chỉ một phương pháp tu tập thiền định đặc biệt. Công án có thể là một đoạn kinh, một kinh nghiệm giác ngộ, một câu chuyện về một vị sư, một cuộc đàm thoại, vấn đáp hay một cuộc pháp chiến. Nhưng chúng có chung một điều là đề cập đến thể tính của vạn vật. Đặc trưng của công án là thường thường nghịch lí, "nằm ngoài phạm vi của lí luận". Công án không phải là "câu đố" thông thường vì nó không hề được giải đáp bằng lí luận, muốn hiểu nó phải nhảy qua một cấp độ khác của nhận thức. (nguồn: wikipedia.org)]

Cốc Chẩn cười nói:

- Nhắc đến trí nhớ thì “Mạc đại tiên sinh” trên đời số một, kẻ hèn này thẹn không bằng.

Mạc Ất nghe vậy thì rất vui mừng, ngoác miệng ra cười.

Thì ra Trầm, Cốc hai người hỏi đáp vốn là một đoạn công án của cửa Thiền do cao tăng của núi Thiên Trụ là Sùng Tuệ thiền sư lưu lại, vốn là lời sâu sắc từ ngàn xưa lưu lại của cửa Thiền, ý tứ sâu xa. Trầm Chu Hư vốn tưởng dùng lời lẽ sắc bén để làm khó Cốc Chẩn, ai ngờ Cốc Chẩn hiểu nhiều biết rộng, lại có thể ứng đối không sai sót. Trầm Chu Hư tuy là kẻ địch nhưng cũng không khỏi phải vỗ tay khen ngợi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.