Gặp gỡ Thần long, Tuý đạo nhân vung tiền thống ẩm
Chim non rời ổ, Triệu Yến Nhi rời mẹ tòng sư
~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*
Lại nói, sư đồ hai người Chu Thuần vào Tri Vị lâu dùng cơm, bỗng nhiên nhìn thấy một thứ để trên quầy chưởng quỹ như đập vào mắt. Nhìn kỹ lại thì ra là chiếc hồ lô đỏ của đạo nhân say rượu họ đã gặp dưới chân núi Nga My. Hai người nhìn quanh không thấy bóng dáng lão đạo nhân đó đâu cả. Hai người cho rằng vật giống nhau trên thiên hạ rất nhiều, chắc cũng là một việc ngẫu nhiên, liền ngồi xuống bàn gọi cơm rượu, ăn uống thoả thích.
Một lúc sau, Chu Thuần càng nghĩ càng thấy kỳ quái, liền gọi tửu bảo lại hỏi: “Chiếc hồ lô đỏ để trên quầy chưởng quỹ kia dùng để đựng rượu mang theo rất tiện, các ngươi có bán không?”
Tửu bảo đáp: “Chiếc hồ lô mà hai vị khách quan hỏi tới tuyệt không phải là của nhà hàng chúng tôi. Năm ngày trước, một vị đạo gia nghèo khổ, ăn mặc vô cùng lam lũ, sau lưng đeo chiếc hồ lô này tới quán. Lão tuy bề ngoài bần cùng, nhưng tửu lượng cực cao, mỗi ngày đến quán của chúng tôi đều uống liền một lúc mười cân, không say không thôi, đã say liền ngủ, tỉnh dậy lại uống tiếp. Lúc đầu, chúng tôi thấy ông ta có vẻ nghèo khổ, còn nghi ngờ ông ta ăn quỵt uống chịu, ăn uống xong sẽ bán cái đó đi để trả tiền. Sau khi ông ta ăn uống xong, không hề trả thiếu một xu, khi đi còn lấy đầy một hồ lô đó rượu mang theo. Mỗi ngày ít nhất cũng có thể bán cho ông ta năm, sáu mươi cân rượu, ông ta trở thành một trong những vị khách quan trọng của quán chúng tôi. Ông ta uống xong chỉ ngủ, ngoại trừ việc gọi thêm rượu thì không bao giờ nói lung tung, quả là một vị tiên tửu. Vì thế, chúng tôi rất kính trọng ông ta. Sớm hôm nay, sau khi uống rượu ở quán của chúng tôi, theo lệ thường ông ta lại mang theo một hồ lô rượu đi. Sau khi đi hai, ba canh giờ thì quay lại, trên tay cầm một chiếc áo bào bình thường của tục gia. Ông ta lại uống gần một canh giờ nữa. Lần này khi đi, ông ta nói vì chưa trả tiền nên để chiếc hồ lô đó lại làm tin, lại nói không đến hai canh giờ nữa sẽ có người đến thanh toán thay cho ông ta. Bọn ta vì thấy năm, sáu hôm nay ông ta đã mua của chúng ta tới hai, ba trăm cân rượu. Bình thường, mỗi tháng quán của chúng tôi cũng chỉ bán không hơn số đó là mấy nên tình nguyện tin tưởng, không dám nhận cái gì của ông ta làm tin nhưng ông ta cứ cố chấp không nghe. Ông ta nói bình sinh chưa từng nhận không của người ta cái gì, ông ta chỉ nhất thời quên mang theo tiền, sẽ có người khác trả tiền thay cho ông ta. Cái hồ lô đó coi như là vật làm tin. Bọn ta không nài ép được, chỉ còn cách tạm thời giữ nó. Khách quan tuy thích cái hồ lô đó, nhưng quán chúng tôi không thể bán nó thay ông ta, lại cũng không biết mua cái đó ở đâu cho ông được.”
Chu Thuần vừa nghe vừa lộ vẻ trầm tư. Lão nói với tửu bảo: “Vị đạo gia đó thiếu của các ngươi tất cả bao nhiêu tiền cứ tính hết vào phần của ta được không?”
Tửu bảo nghi ngờ Chu Thuần vì thích cái hồ lô đó nên mới nói thế để lấy hồ lô, bèn đáp: “Vị đạo gia đó là khách quen của quán chúng tôi, ông ta sẽ không nợ tiền đâu. Khách quan không cần phí tâm nữa.”
Yến Nhi đang định nói gì đó thì Chu Thuần vội đưa mắt ra hiệu không để gã nói. Lão hiểu dụng ý của tửu bảo, liềp tiếp: “Ngươi không cần đa nghi. Vị đạo gia đó nguyên là bằng hữu của ta, ta đã đáp ứng sẽ trả tiền rượu cho ông ta. Chiếc hồ lô đó vẫn giao cho các ngươi bảo quản, không phải chính ông ta thì đừng có giao cho người khác.”
Tửu bảo nghe xong lời Chu Thuần mới biết đã hiểu nhầm ý lão. Hắn vốn cho rằng đạo gia nghèo khổ đó không thể trả được số tiền đó, nhưng vì ông ta mua rất nhiều của quán mình nên dù không muốn cũng phải bán chịu cho ông ta. Hắn lại sợ người khác mang hồ lô đi rồi, đạo nhân trở lại điêu ngoa xảo trá thì không thể đối phó được. Giờ thấy Chu Thuần khẳng khái như thế, tự nhiên là rất thoải mái. Hắn liền tính hết tiền vào phần của sư đồ bọn họ, tổng cộng là hai lượng một đồng cân năm phân bạc.
Chu Thuần thanh toán hết tiền rượu, lại thưởng cho tửu bảo rồi cùng Yến Nhi về nhà gã. Yến Nhi đang định hỏi lai lịch đạo nhân đó thì Chu Thuần bảo gã đừng có nói nhiều, chỉ giục đi mau. Không bao lâu sau đã đến cửa nhà Yến Nhi. Mẹ của Yến Nhi là Triệu lão thái thái đang đứng ngoài cửa trông ngóng. Yến Nhi gặp lại mẫu thân liền rời Chu Thuần ào vào lòng mẫu thân. Chu Thuần thấy thế không ngớt gật đầu. Triệu lão thái vừa ôm Yến Nhi vừa mời Chu Thuần vào nhà. Nhà họ tuy chỉ là ba gian nhà đất nhưng rất ngăn nắp sạch sẽ. Trước cửa nhà là một chiếc khung cửi, trên đó có một tấm vải đang dệt dở dang, bên cạnh để một chiếc áo bào bằng vải bông nhăn nhúm. Bên cạnh còn có một bao nhỏ gì đó, giống như là bao đựng tiền.
Yến Nhi liền hỏi: “Lão sư người xem, đây chẳng phải là chiếc áo bào vải bông mà người đã tặng cho đạo gia nghèo khó đó sao. Tại sao nó lại ở trong nhà con được?”
Triệu mẫu liền nói: “Vừa nãy có một vị đạo gia đến, nói Chu tiên sinh và Yến Nhi còn đang la cà trên đường, vì mang theo nhiều tiền nên phiền phức bất tiện, mới nhờ ông ta mang về đưa cho ta trước. Lão thân biết rõ Chu tiên sinh võ công siêu quần, Yến Nhi cũng không yếu ớt, làm gì có chuyện ngại phiền phức bất tiện như thế? Nên ta không nhận. Đạo gia đó liền đem áo bào của Chu tiên sinh ra làm chứng. Chiếc áo bào này là do tự tay lão thân làm ra, đường kim mũi chỉ vẫn còn có thể nhận ra được. Tuy ta miễn cưỡng nhận lấy, nhưng vẫn còn hoài nghi. Nghe đạo gia đó nói một lát nữa tiên sinh sẽ đến nên ta mới ra trước cửa nhìn ngóng. Quả nhiên không lâu sau thì tiên sinh đã về tới.”
Chu Thuần nghe xong lời Triệu mẫu liền mở bao tiền ra xem, thấy có tới hơn ba trăm lượng. Trong bao còn có một tờ giấy đỏ viết tám chữ như rồng bay phượng múa “Tuý đạo nhân tặng tiết phụ hiếu tử”*.
Chu Thuần liền hỏi Yến Nhi: “Thế nào? Ta đã nói trong thiên hạ này rất nhiều dị nhân. Ngươi tưởng cước trình của chúng ta đã mau lẹ lắm rồi, nhưng vị đạo gia đó trong một thời gian ngắn đã đi hơn hai trăm dặm đường chỉ như trò đùa của con trẻ. Võ công của vị đạo gia đó cao hơn chúng ta không chỉ mười lần mà thôi đâu. May là dưới chân núi Nga My chúng ta chưa từng khinh nhờn ông ta.”
Triệu mẫu vội hỏi nguồn cơn, Chu Thuần liền đem chuyện dưới chân núi Nga My gặp đạo nhân đó, rồi ở tửu điếm trả tiền rượu cho ông ta kể ra. Lão cũng nói ý muốn đem theo Yến Nhi đi cùng, khuyên Triệu mẫu cứ thu dùng số tiền đó, dứt khoát không có vấn đề gì.
Triệu mẫu nói: “Hàn gia tuy chỉ có một giọt máu duy nhất là Yến Nhi, nhưng nếu không gặp được tiên sinh thì mẹ con ta đã chết đói rồi. Hơn nữa, nó tuy có chút thông minh, nhưng nếu không gặp danh sư thì cũng uổng phí. Tiên sinh văn võ toàn tài, chịu mang nó đi theo tăng phần lịch duyệt thật không gì tốt bằng.”
Chu Thuần cảm ơn Triệu mẫu.
Đến chiều, Chu Thuần lại đi gặp Mã Tương, dặn dò kỹ càng. Hôm sau, lão mới lên đường đến Thành Đô. Đầu tiên, lão đặc biệt ghé qua tửu điếm đó tìm Tuý đạo nhân, định kết giao với vị phong trần kỳ sỹ đó. Ai ngờ chẳng thấy đạo nhân lẫn chiếc hồ lô đó đâu.
Lão tìm tên tửu bảo hôm trước đến hỏi, tửu bảo đáp: “Hôm qua, đạo nhân đó quay lại. Dường như có chuyện gì đó vội vã nên lấy chiếc hồ lô rồi đi luôn. Chúng tôi nói với ông ta việc khách quan đã trả tiền rượu cho ông ta rồi, ông ta nói đã sớm biết chuyện đó, lại còn dặn tôi nói với khách quan rằng đến Thành Đô gặp lại. Nói xong liền bỏ đi. Tại hạ chạy ra định hỏi thêm thì đã không thấy tung tích ông ta đâu nữa.”
Chu Thuần thầm biết Tuý đạo nhân đã đi rồi, không thể tìm ông ta được, có chút không vui. Nhưng không còn cách nào khác, bèn cùng với Yến Nhi lên đường tới Thành Đô.
Đi được mấy ngày, bỗng hai thầy trò đến một địa phương tên là Tam Xóa khẩu**. Nếu đi về phía tây nam thì sẽ là đường lớn đến Thành Đô. Phía chính tây có một con đường mòn nhỏ cũng thông tới Thành Đô, ngắn hơn đường lớn tới gần hai trăm dặm, chỉ là phải vượt qua rất nhiều núi non, không tiện đi lại. Chu Thuần vì nghe nói trong vùng rừng núi đó có rất nhiều kỳ cảnh, một là phải đến Thành Đô, hai là muốn du sơn ngoạn cảnh, liền cùng Yến Nhi đi theo đường nhỏ.
Đi được nửa ngày đã vào tới đường dẫn lên một ngọn núi. Ngọn núi này tên là Vân Linh sơn, cổ thụ chọc trời, quái thạch cao chót vót, rất nhiều cảnh lạ. Hai thầy trò đi một lúc, cảm thấy khát nước bèn đi tìm một con suối. Vừa may bên đường có một dòng suối nhỏ, nước suối thanh khiết, cá lội tung tăng. Lão bèn cùng Yến Nhi dừng lại bên bờ, lấy ra chiếc bát gỗ múc một bát nước suối lên uống. Lúc này mặt trời đã lặn sau núi, hai thầy trò sợ không có chỗ nghỉ chân liền vội vàng nhanh chân bước, tiến mau về phía trước.
Đang đi, bỗng nghe thấy tiếng hạc kêu thánh thót. Chu Thuần nói: “Ngày hôm trước, ở Nga My sơn đã nghe thấy liền hai tiếng hạc kêu, hôm nay là lần thứ ba rồi.”
Nói xong, lão ngửa mặt nhìn trời, chỉ thấy trời không một gợn mây, không hề thấy tung tích hạc đâu. Yến Nhi bỗng kêu lớn: “Lão sư. Ở kia kìa.”
Chu Thuần vội nhìn theo, thấy bên đường có một khối đá rất to, trên có một con tiên hạc cực lớn đang đứng, mào đỏ tươi, toàn thân nó trắng toát không hề có một chiếc lông tạp, con ngươi vàng rực, mỏ như thép nguội, móng vuốt như làm bằng đồng thau, cao đến tám, chín thước đang đứng rỉa lông rỉa cánh.
Chu Thuần nói: “Tiên hạc to thế này thật không mấy khi được thấy.”
Đang nói, bỗng thấy bên cạnh khối đá trườn ra một con thanh xà dài bảy tám thước. Con hạc nhìn thấy thanh xà vội dùng mỏ mổ. Ngờ đâu thanh xà trườn rất nhanh, khi mỏ hạc mổ tới nơi thì đã chui tọt vào trong thạch động không thấy đâu nữa. Mỏ sắt mổ xuống, làm đá núi vỡ vụn, tia lửa bắn tung toé. Con hạc bỗng nhiên tức giận, mỏ mổ chân đạp làm cả một khối đá rộng tới sáu, bảy thước vỡ vụn. Con rắn thấy không ẩn nấp được nữa, bèn chạy ra ngoài. Vừa mới thò đầu ra liền bị con hạc mổ trúng, giữ chặt lại. Con rắn cuộn mình, thân hình dài bảy tám xích quấn chặt lấy chân con hạc không buông. Con hạc không hề hoảng sợ, mổ mạnh một phát làm đầu rắn đứt đoạn, rồi lại dùng mỏ dài nhẹ nhàng mổ liên tục vào thân rắn ở giữa hai chân làm thân rắn đứt thành bảy tám chục mảnh. Nó lại mổ mấy phát nữa, đã nuốt hết con rắn vào trong bụng. Khẽ xù lông rũ cánh, kêu lên thánh thót một tiếng rồi vọt lên không trung. Chớp mắt đã biến mất vào trong mây.
Lúc này trời đã mờ tối, sương khói kéo lên mù mịt. Chu Thuần vội giục Yến Nhi lên đường. Đi được ba dặm đường, trời đã tối mịt. May là bên đường có một nhà dân, liền đến gõ cửa xin tá túc. Gõ cửa hồi lâu mới thấy bên trong có người hỏi vọng ra: “Các vị từ đâu đến?”
Chu Thuần nói rõ nguồn cơn. Người kia nói tiếp: “Ta hiện giờ sắp chết đến nơi rồi, chỗ này vạn phần nguy hiểm. Khách quan nếu muốn tá túc thì đi về phía tây nam khoảng năm dặm sẽ có một toà mao am***, trụ trì là Bạch Vân đại sư, các vị có thể xin bà ta tá túc một đêm. Nếu bà ta đồng ý thì có thể tránh được nguy hiểm.”
Nói xong thì im luôn, không thấy tăm hơi gì nữa. Chu Thuần sinh lòng hiếu kỳ liền bảo Yến Nhi đợi bên ngoài, nói: “Nếu ta chưa ra thì con không được đi đâu.”Nói rồi tung mình vượt qua tường mà vào.
Lúc này trăng đã nhô lên, dưới ánh trăng cảnh sắc trong viện rõ như tranh vẽ. Chu Thuần cẩn thận nhìn kỹ một lượt, chỉ thấy trên giường trong viện có một người nằm. Người đó thấy Chu Thuần vào liền hỏi: “Tại sao ngươi lại không nghe lời ta? Ngươi mau tránh xa ra đừng có lại gần ta nếu không sẽ rất bất lợi cho ngươi đó.”
Chu Thuần đáp: “Tứ hải giai huynh đệ. Ngươi có nỗi khổ gì, chỗ này có gì nguy hiểm, tại sao ngươi không nói ra xem, ta sẽ giúp ngươi một tay. Tại sao ngươi không ngồi dậy?”
Người kia đáp: “Ngươi còn không mau đi! Ta đã bị trúng yêu độc, lại gần ta ba thước là sẽ bị truyền nhiễm độc ngay. Ta trốn tránh ở đây đã ba ngày rồi, bụng rất đói. Nếu ngươi có lương khô, hãy cho ta một ít. Con yêu tinh đó sớm muộn gì cũng sẽ tìm đến, ta thì không cần phải nói, đến ngươi cũng khó mà giữ mạng được. Nếu ngươi có thể đi mau đến chỗ Bạch Vân đại sư thì may ra có thể giúp ta được việc. Việc của ta, ngươi chỉ cần nói với ông ta tình hình ở đây là xong.”
Nói đến đây, người đó mệt mỏi quá không chịu nổi lại thiêp thiếp ngủ đi. Chỉ thấy trên tay người đó nổi lên những vết đỏ rực vô cùng rõ ràng.
Chu Thuần thầm nghĩ chỗ này không phải là đất lành, liền ném một ít lương khô cho người kia rồi lập tức tung mình nhảy ra ngoài. Khi lão gọi Yến Nhi, bỗng phát giác không thấy gã đâu.
Thật là
Rừng thiêng nước độc nhiều yêu quái
Thâm sơn cùng cốc lắm tà ma.
Muốn biết về sau thế nào, mời xem hồi sau sẽ rõ.
Chú thích
* Túy đạo nhân tặng mẹ hiền con thảo.
** Tam Xoá khẩu có nghĩa là chỗ giao của ba con đường.
*** Am lợp bằng cỏ tranh.
Hết hồi thứ tư
~*~*~*~*~*~*~*~*~