Tề Thấu Minh tìm đạo lên danh sơn
Tuân Lan Nhân đợi chồng mất ái nữ
~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*
Vân cô ấy bản lĩnh như vậy, rốt cuộc nàng ta là ai? Lần ngược lại gốc, muốn biết Vân cô thì trước tiên hãy nói chuyện phụ mẫu của nàng.
Nguyên phụ thân của Vân cô là Càn Khôn Chính Khí Diệu Nhất chân nhân Tề Thấu Minh, một trong những lãnh tụ kiếm tiên của phái Nga My. Họ Tề vốn là một vọng tộc ở huyện Trường Thọ, phủ Trọng Khánh, tỉnh Tứ Xuyên. Ở huyện Trường Thọ có một cái giếng Trường Thọ, nước giếng vô cùng ngọt ngào tinh khiết. Dân trong huyện thuần hậu, phần lớn là hưởng trường thọ. Vì vậy họ nghĩ là nhờ cái giếng này, nói rằng tên huyện cũng từ đó mà sinh ra. Nhưng nguồn cơn của sự việc thế nào thì không thể tra cứu được.
Họ Tề vốn là một đại gia ở địa phương, văn nhân võ sĩ như lá mùa thu. Giữa đời Minh là lúc cực thịnh của gia tộc. Thấu Minh trong gia tộc thuộc chi nhỏ nhất, đời đời đơn truyền. Khi đã già phụ mẫu mới sinh được ông ta, khi còn nhỏ lại có dị bẩm, cho nên càng được song thân nâng niu yêu thương.
Thấu Minh không những trời sinh thông minh, học nhiều hiểu rộng, mà còn có tý lực khỏe hơn người, trí dũng gồm đủ, từ nhỏ đã thích theo lối du hiệp của Chu Gia, Quách Giải*. Mỗi khi gặp kỳ nhân dị sỹ, ông đều không tiếc gì, cởi mở tâm tình để kết giao. Ở một dải Xuyên Tương (Tứ Xuyên Hồ Nam), ông nổi danh là Tiểu Mạnh Thường, gần như già trẻ lớn bé đều biết tiếng. Khi ông mười chín tuổi, song thân đều lần lượt tạ thế.
Thấu Minh có một biểu muội, tên là Tuân Lan Nhân, mười phần xinh đẹp, hiền thục hơn người. Nhân vì hai nhà gần gũi, thanh mai trúc mã, nên từ nhỏ đã rất thân nhau, dần dần nảy sinh yêu đương. Nhà Lan Nhân lúc ấy cũng có ý kén rể, muốn tác hợp nên ước định hôn nhân, chỉ là chưa cưới xin mà thôi.
Sau khi song thân Thấu Minh qua đời, vì thói lông bông lãng phí của ông mà gia đạo dần dần suy tàn. Rồi khi thân mẫu của Lan Nhân tạ thế, phụ thân nàng ta cưới vợ hai, vì thấy Tề gia bần cùng nên muốn rút lại lời ước định. Không chỉ Thấu Minh không đồng ý mà Lan Nhân cũng đã thề nguyền, dù chết cũng không thay đổi ý định.
Mặc dù chưa phá vỡ ước định nhưng Thấu Minh cùng Lan Nhân đều chịu rất nhiều sức ép. Cho đến khi Thấu Minh ba mươi hai tuổi, công thành danh toại, bỏ ra không ít sức lực mới có thể thực hiện được ước nguyện năm xưa. Lúc đó Lan Nhân cũng đã hai mươi sáu tuổi. Phu thê bọn họ trải qua hoạn nạn, một lòng yêu thương nhau, không cần phải nói đến những lạc thú buồng the thông thường như tô mày mỹ nhân cũng có thể hiểu nồng thắm mặn mà thế nào.
Bọn họ kết hôn ba năm, sinh được một trai một gái. Trai tên là Thừa Cơ. Khi sinh cô con gái, nhân vì trên nóc nhà có đám mây hồng bao phủ, ba ngày chưa tan nên mới đặt tên là Linh Vân. Hai huynh muội đều sáng sủa đẹp đẽ, thiên tư linh mẫn. Thấu Minh ngày ngày được bầu bạn với ái thê, lại có hai con đẹp đẽ lanh lợi nên ông ta coi nhẹ công danh bổng lộc.
Lúc trước nhân vì nhà gái quý tộc không chịu hạ mình lấy dân đen cho nên mới phải truy đuổi công danh sự nghiệp. Hiện giờ ông ta đã đề huề vợ hiền con ngoan, vui thú gia đình, không màng đến chuyện gì khác, quên đi danh lợi phù hoa, sung sướng ở nhà hưởng thụ những năm tháng ngọt ngào. Ông ta lại có tính thích du sơn ngoạn thủy. Lan Nhân có tài văn chương, vốn ngang tài với Thấu Minh, lúc rảnh rỗi lại cùng Thấu Minh học chút ít võ công. Cho nên hai người bọn họ cùng đi du ngoạn, không hề phân ly, ở đâu cũng có nhau.
Có một ngày, hai vợ chồng ăn điểm tâm, mỗt người bế một tiểu hài nhi, cười đùa vui vẻ. Đang lúc cao hứng, Lan Nhân bỗng thở dài nhẹ một hơi, trông bộ dạng thập phần không vui. Hai vợ chồng hết mực yêu thương nhau, trong chốn khuê phòng thường tràn ngập hạnh phúc, chưa từng có điểm nào không vừa ý. Hôm nay đột nhiên thấy phu nhân không vui, Thấu Minh liền vội hỏi nguyên do.
Lan Nhân nói: “Hai chúng ta lúc trước dù đã chịu đủ khổ cực nhưng hôm nay hạnh phúc sung sướng biết bao. Tuy nhiên nước dưới sông khi đầy khi cạn, trăng trên trời khi tỏ khi mờ. Con người ta sống được trăm năm, ngày tháng ngắn ngủi, ngoảnh đi ngoảnh lại đã già yếu rồi chết, như thế không phải là chia lìa đôi ngả sao? Dù nói lòng như sắt đá, lên trời nguyện hóa thành chim liền cánh, xuống đất mong được làm cây liền cành, để kiếp sau có thể lại chung đôi, nhưng rốt cuộc những cái đó quá ư xa vời, sao có thể tin được? Hiện tại hai ta dù khoái hoạt nhưng thời gian vô tình, chẳng mấy chốc đã qua đời khiến người ở lại phải nhớ nhung khắc khoải, trong lòng khó chịu biết bao!”
Thấu Minh nghe xong những lời này, tâm tư xúc động, lúc ấy mặc dù an ủi phu nhân vài câu nhưng hôm đó ăn uống thấy nhạt thếch, cả ngày buồn bực không vui. Phu nhân hỏi han vài lần, ông ta cũng không chịu nói ra nguyên nhân, chỉ hàm hồ nói vài câu cho qua chuyện.
Như thế rồi nửa năm trôi qua, nháy mắt đã đến mùa xuân. Lan Nhi lại hoài thai hai tháng. Thấu Minh bỗng nói với Lan Nhân: “Ta tính lên núi Nga My thăm vị lão hữu ẩn cư Giản Băng Như. Nàng đang mang bầu, leo núi e sẽ bị động thai, để ta đi một mình nhé.”
Hai người bọn họ từ khi kết hôn đến giờ chưa từng xa nhau, mặc dù không nỡ chia lìa nhưng vì Lan Nhân đang có mang, không thể leo núi, lại sợ Thấu Minh ở nhà buồn phiền sinh bệnh nên đành để ông ta một mình ra đi. Khi chia tay, vài lần Thấu Minh muốn nói với phu nhân điều gì đó lại thôi. Đến khi Lan Nhân hỏi, ông ta lại nói là không có chuyện gì, chỉ vì sợ nàng một mình ở nhà cô đơn không có ai chuyện trò.
Cũng may Lan Nhân tính tình hào sảng, lại biết trượng phu của mình tình thâm nghĩa trọng, cùng lắm là muốn nói vài câu lưu luyến chia ly nên cũng không lưu tâm. Ai ngờ sau khi Thấu Minh đi, chớp mắt đã nửa năm, đến ngày Lan Nhân lâm bồn sinh được một nữ hài, vẫn chưa thấy Thấu Minh trở về. Càng nghĩ càng lo lắng, vừa mới có thể rời giường, cũng không đợi nữ hài đầy tháng, nàng liền thuê một nhũ mẫu, đem nhà cửa con cái giao cho một người bà con thân thiết họ Trương chăm nom hộ rồi vội đi Nga My tìm trượng phu.
Giản Băng Như đó là một hiệp khách thành danh, sống trong một động ở hậu sơn Nga My, Lan Nhân cũng đã nghe trượng phu nói qua. Đến khi tìm được Băng Như, nàng hỏi Thấu Minh đã đến đây chưa?
Băng Như đáp: “Vào tháng ba tháng tư Thấu Minh đến đây, ở được hai tháng, ngoại trừ buổi tối trở về nghỉ ngơi, ngày ngày đều đi khắp núi du ngoạn. Về sau thường mười ngày vẫn chưa quay lại, hỏi y nghỉ đêm ở đâu nhưng y chỉ trả lời hàm hồ cho qua chuyện. Một hôm trước lúc chia tay với ta, y nói đã gặp một lão tiền bối trong núi, muốn đi cùng ông ta vài ngày. Nếu đại tẩu tìm đến thì bảo đại tẩu cứ về, dạy dỗ nuôi dưỡng con cái cho tốt, y có việc quan trọng phải ở lại đây, không lâu sẽ quay về. Lại có một phong thư nhờ ta chuyển hộ, nhờ ta đưa đại tẩu quay về. Nhân vì chỗ y đang ở là nơi người thường không đến được, do đó đừng tìm kiếm vô ích.”
Y nhấp giọng nói tiếp: “Sau khi ta đưa y ra khỏi động, thấy bên ngoài có một đạo trưởng tiên phong đạo cốt, tựa như đứng ở đó đợi y, thấy Thấu Minh đi ra ông ta liền nói: ‘Sư đệ nhi nữ tình trường như vậy, sư phụ nói sau này đệ khó tránh khỏi ma kiếp đổ xuống đầu.’ Ta lại nghe thấy Thấu Minh đáp: ‘Sư huynh đừng cười, động cơ tầm sư học đạo của đệ cũng là vì nhi nữ tình trường đó.’ Ta nghe xong cảm thấy vô cùng kinh ngạc, âm thầm đi sau bọn họ. Mới vòng vo một lúc, lão đạo trưởng đã phát hiện ra, chỉ thấy lão phất tay áo, đột nhiên ở vách núi hiện ra một mảng mây khói. Khi mây tan khói tỏa, ta đã chẳng thấy hai người bọn họ đâu nữa. Ta ở núi này tìm kiếm dị nhân đã nhiều năm nhưng chưa từng gặp. Thấu Minh chắc đã gặp tiên duyên, đi đến thâm sơn tu luyện, ta ái mộ vô cùng. Nga My chính là trên đất Thục, ta đi tìm khắp nơi cũng không thấy chút bóng dáng.”
Lan Nhân nghe thấy những lời của Băng Như, cảm thấy vừa thương tâm, lại vừa lo lắng. Dù nàng là nữ tử nhưng cũng có chí khí trượng phu, chưa từng phải rơi lệ trước mắt người khác. Hiện tại, nàng đành nén nhịn đau thương nhận lấy lá thư, mở ra xem.
Chỉ thấy trong thư viết:
Gửi Ái thê Lan muội,
Vợ chồng hòa hợp, ân ái nhiều năm
Đêm thu đàm đạo, chợt ngộ nhân sinh, trăm năm thoáng chốc, nên lòng muốn lánh đời.
Vì nàng thân đang hoài thai, sợ đau ly biệt, không nỡ lời thật bảo nhau.
Nga My tìm đạo, may mắn gặp tiên, vì có tiền nhân, hết lòng dậy dỗ. Nay đã theo thầy về núi, tham thấu đạo huyền.
Tuy chỉ Hạ thừa, may thoát sinh tử.
Đến phút đoàn viên, ước khoảng ba năm.
Mong nàng khéo nuôi con trẻ, theo thời dưỡng thân.
Một mai mây trắng bay về, là lúc mang nàng vào Đạo.
Từ đó nghiền ngẫm đạo tịch, chồng vợ song tu.
Trời đất lâu dài, trường sinh biết lối.
Chẳng cần nuối tiếc lời hẹn kiếp sau.
Thân cường vóc khỏe, nàng chớ bận lòng.
Thấu Minh bái thủ (cúi chào)**.
Lan Nhân đọc xong mới biết Thấu Minh vì một câu nói bâng quơ của mình mà nghĩ đến đời người ngắn ngủi, thời gian trôi mau, do đó nghĩ đến việc tầm sư học đạo rồi quay lại độ mình. Cũng may ước hẹn ba năm không quá xa vời, nên đành cố gắng đè nén nỗi u sầu để Băng Như hộ tống về nhà, yên tâm thu vén nhà cửa, dạy dỗ con cái.
Thời gian như bóng câu qua cửa, bấy giờ Thừa Cơ đã bảy tuổi, trời sinh thông minh, vô cùng khỏe mạnh, nhìn qua như đứa trẻ mười một mười hai tuổi vậy. Lan Nhân cũng không mời sư phụ cho nó, chỉ đem hết sở học tận tụy truyền cho con. Linh Vân và nữ hài mới sinh một đứa năm tuổi, một đứa ba tuổi. Linh Vân thấy mẫu thân dạy ca ca của mình, nàng cũng kỳ kèo đòi học, quả thực dạy như nhau, lĩnh hội như nhau, nhưng so với ca ca, nàng còn có phần thông minh hơn.
Lan Nhân có được ba đứa con lung linh như ngọc, khả ái, thông minh tuyệt đỉnh như vậy, mỗi ngày dạy văn luyện võ, cũng không cảm thấy quá ư tịch mịch. Nhưng những tiểu hài tử ấy dần dần trưởng thành, thường hay hỏi mẫu thân của chúng: “Phụ thân đã đi đâu ạ?”
Lan Nhân nghe vậy trong lòng vô cùng khó chịu, đành nói dối bọn nhỏ: “Phụ thân các con đi thăm bằng hữu rồi sẽ về thôi.”
Tuy nói như vậy nhưng một mặt cũng âm thầm tính toán, ước hẹn ba năm đã qua từ lâu, dù biết Thấu Minh sẽ không thất tín nhưng lại sợ trong núi không quen thủy thổ, sinh ra chuyện gì chăng, trong lòng vô cùng lo lắng. Nhưng có một chuyện khiến Lan Nhân lo lắng khôn nguôi. Nguyên lai nữ hài mới sinh, vì muốn đợi Thấu Minh trở về đặt tên nên mới chỉ đặt tạm cho một nhũ danh là Hà Nhi.
Vì khi Lan Nhân lên Nga My tìm chồng, thuê người nhũ mẫu có sữa không tốt, đúng lúc đó đứa trẻ sơ sinh của người bà con Trương đại nương lại qua đời nên do bà ta cho bú mớm. Trương đại nương đó nhân phẩm cực tốt, vô cùng yêu thương Hà Nhi, gần như hoàn toàn do bà ta nuôi nấng trưởng thành. Hà Nhi cũng rất yêu quý Trương đại nương, cho nên bà ta thường ẵm nó ra ngoài bờ ruộng chơi đùa. Hai gia đình vốn ở gần nhau nên việc tới lui rất thuận tiện.
Có một hôm, Trương đại nương ăn cơm xong liền ẵm Hà Nhi ra ngoài bờ ruộng xem nông dân làm việc. Bỗng nhiên từ xa có một nữ ni đi lại, trông thấy Hà Nhi vô cùng đáng yêu liền sờ vào bàn tay nhỏ bé của nó. Trương đại nương e Hà Nhi sợ hãi, đang định lên tiếng, ai ngờ Hà Nhi thấy ni cô hết mực thân thiết liền vươn tay nhỏ xinh, tỏ vẻ muốn được ni cô bế. Ni cô nói: “Hảo hài tử, không ngờ ngươi không quên lời hẹn ước xưa. Được rồi, để ta bế ngươi đi tìm chủ nhân của ngươi nhé.”
Rồi bà ta bế Hà Nhi bỏ đi. Trương đại nương tưởng là kẻ bắt cóc nên vừa lo sợ vừa la lên rồi đuổi theo. Lúc này nông dân đều nghỉ ăn trưa, ở cách rất xa nên cũng không có ai tiến đến ngăn trở. Trương đại nương thấy nữ ni đó đi về phía nhà họ Tề, trong lòng mới bớt phần lo lắng, biết là Lan Nhân võ công cao cường, quyết không có chuyện giả xảy ra. Chân bà ta lại ngắn, chỉ đành cố chạy nhanh đuổi theo.
Đến khi về nhà, chỉ thấy Lan Nhân đã ôm Hà Nhi trong lòng, lúc bấy giờ bà ta mới yên tâm. Đang định hỏi nữ ni kia vì sao lại lỗ mãng như vậy thì thấy nữ ni nói: “Con bé này nếu ở trong tay phu nhân e rằng tai ương quá nặng. Huống hồ hiền phu phụ ngày nào đó vào núi sẽ lại thêm một phần gánh nặng. Không bằng nhân duyên lành để bần tăng đưa nó lên núi. Mặc dù tạm thời cách biệt nhưng một ngày khác có thể gặp lại, chẳng phải là lưỡng toàn kỳ mỹ sao?”
Lại thấy Lan Nhân nói: “Khi sinh ra nó, phụ thân đã viễn du nên nó chưa từng gặp qua. Đại sư muốn thu nhận nó làm sư đồ chính là cầu còn chẳng được. Nhưng liệu có thể đợi phụ thân nó quay lại, gặp nhau một lần, lúc đó để phụ thân nó tác chủ, thiếp thân cũng không có ý kiến gì.”
Nữ ni đó nói: “Phụ thân nó chắc chắn sẽ quay lại trong vòng bảy ngày, đợi để gặp ông ta nguyên là không có vấn đề gì. Chỉ là bần ni đang có chuyện quan trọng, sao có thể vì thế mà chờ đợi lâu được? Phu nhân thông minh sao vẫn u mê, nên sớm nghĩ lại. Ở đây có một viên đan dược, ta tặng phu nhân, sau khi dùng xong sẽ hiểu rõ nguồn cơn.”
Dứt lời bà ta lấy ra một viên đan dược trên người đưa cho Lan Nhân. Lan Nhân tiếp lấy, thấy mùi hương nức mũi nên kinh sợ không dám dùng. Hà Nhi đã ra khỏi tay mẫu thân, tiến đến bên cạnh nữ ni. Nữ ni liền hỏi: “Mẫu thân ngươi không để ngươi theo ta, ngươi có sẵn lòng theo ta không?”
Hà Nhi lúc này đã có thể bập bẹ nói, liền đáp: “Đại sư, cháu nguyện đi, cũng may không lâu sẽ trở về.”
Thần thái vô cùng cung kính, nói chuyện như người lớn vậy. Nữ ni nghe thế liền bế Hà Nhi lên, cười to: “Đã là tự nguyện, đừng trách bần ni ép buộc vụ này nhé.”
Lan Nhân thấy không hay, tiến lên một bước, đang định đọat lại Hà Nhi thì nữ ni mở ra tay áo, kim quang tràn ngập, lại quay sang nhìn Hà Nhi thì đã cùng với nữ ni ấy chẳng biết biến đi đâu. Điều này khiến cho Trương đại nương vừa sợ hãi lại vừa thương tâm, không khỏi khóc rống lên. Cũng là Lan Nhân bình tĩnh liền khuyên nhủ Trương đại nương: “Người không chết của cũng không mất, không việc gì phải khóc. Khi Thấu Minh ở nhà thường nói giang hồ có nhiều dị nhân. Ta thấy nữ ni đó nhất định không phải người thường, bằng không làm sao Hà Nhi lại đối đáp với bà ta như thế?”
Trương đại nương lại hỏi tình hình vừa rồi nữ ni đến nhà thế nào. Lan Nhân đáp: “Đại nương mới đi xong, Thừa nhi và Vân nhi được cữu mẫu của chúng đưa đi chơi. Ta vì bọn họ giả dối nên cũng thấy thờ ơ, đang định lấy một quyển sách để xem. Bỗng nhiên Hà Nhi vui vẻ bon bon chạy vào cung kính dập đầu ba cái với ta nói: ‘Ma ma, sư phụ con đến rồi, muốn dẫn con hồi sơn.’ Nói rồi nó đi ra ngoài. Ta đuổi theo giữ lấy nó, thấy ở ngoài sảnh có một ni cô đứng đó tự bao giờ, bà ta xưng là Thần Ni Ưu Đàm ở Bách Hoa sơn Triều Âm động, nói Hà Nhi kiếp trước là đồ đệ của bà ta, vì phạm giới phải đầu thai chuyển kiếp, cho nên mới đến để độ nó hồi sơn. Chuyện sau đó thì đại nương thấy rồi đó.”
Trương đại nương cũng đem chuyện mới rồi ở bờ ruộng kể ra một lượt.
Hai người buồn bã một lúc nhưng cũng không thể nghĩ ra cách gì. Trương đại nương bỗng nói: “Cũng đều tại phu thê ngươi, sinh ra ba hảo hài tử như vậy, chẳng trách người khác ghen tỵ nhòm ngó.”
Lan Nhân nghe bà ta nói vậy không khỏi nhớ tới hai đứa kia còn ở bên nhà ngoại, vô cùng lo lắng, chỉ e có điều gì xảy ra, đột nhiên thấy Thừa Cơ và Linh Vân nắm tay nhau khóc lóc tiến lại.
Lan Nhân vì mới bị mất một đứa nên càng thương xót, vội vàng ôm lấy hai con. Nàng hỏi bọn chúng: “Vì sao mà khóc? Vì sao cữu mẫu không bảo người đưa các con về?”
Thừa Cơ chỉ khóc không nói gì. Linh Vân đáp: “Con và ca ca đến nhà đại cữu mẫu, bọn con và biểu ca, biểu tỷ của đại cữu mẫu cùng chơi đùa. Biểu ca khi dễ con nên bị ca ca đánh cho hai cái. Cữu mẫu đi đến nói: ‘Chúng mày mới nhỏ thế này mà đã hung hãn như vậy, giống phụ thân chúng mày quá, thật là cha nào con ấy. Phụ thân chúng mày nếu không hung ác thì đã không bỏ mạng ở Nga My sơn. Mẫu thân chúng mày còn nói y tu tiên, thực là xấu hổ.’ Biểu ca cũng thóa mạ ca ca là tặc chủng không cha. Ca ca nổi giận kéo con bỏ về.”
Dứt lời lại hỏi Trương đại nương: “Muội muội đâu?”
Lan Nhân nghe vậy lại thấy thương tâm một hồi, nhưng đành cố tỏ ra bộ mặt vui vẻ, lừa lũ trẻ: “Muội muội được cha phái người về đưa đi rồi.”
Hai đứa trẻ nghe xong đều nín khóc, cười toe: “Thì ra cha chưa chết. Vì sao không quay lại, chỉ đưa muội muội đi mà không đón bọn con?”
Trương đại nương đáp: “Cha các cháu sẽ quay lại trong vòng bảy ngày.”
Hai anh em nghe vậy đều vô cùng mừng rỡ. Từ đó ngày ngày quấy rầy Trương đại nương, đòi cùng bọn chúng ra cửa chờ đợi.
Trương đại nương vì chuyện đã xảy ra, nào dám dẫn chúng ra ngoài. Sau cùng vẫn là Lan Nhân sáng suốt, biết được người như Ưu Đàm nếu muốn đến bắt người thì có giữ khư khư trong nhà cũng vô dụng. Không chịu được cảnh hai đứa nhỏ nằng nặc cần khẩn, nên đành chiều chúng, dặn dò Trương đại nương phải chú ý cần thận.
Đến ngày thứ sáu, hai huynh muội đọc sách xong, vẫn y thói quen cũ theo Trương đại nương ra cửa ngóng. Tình cảm phụ tử vốn là thiên tính của con người. Bọn chúng còn nhỏ tuổi, vì nghe thấy phụ thân sẽ sớm quay lại nên mỗi ngày đều ra cửa mở căng đôi mắt bé nhỏ ngóng trông về phía trước thôn. Lan Nhân vì nghe Thần Ni nói vậy không nghĩ là giả, gần đến thời hạn nên cũng đứng ngồi không yên.
Tính nàng vốn thích thanh bình yên tĩnh, Thấu Minh không ở nhà nên cũng không thường ra ngoài, nhưng hiện giờ cũng theo bọn nhỏ đứng ở cửa cùng đợi. Bọn nhỏ thấy mẫu thân không ngờ cũng đi ra, càng tin là phụ thân sắp về, đứng ở cửa ngóng một lúc lại hỏi một câu, vì sao phụ thân vẫn chưa về? Đợi chờ hồi lâu, thấy mặt trời đã sắp xế bóng, mọi người đều dần dần thất vọng. Lan Nhân trong lòng càng chán nản, thầm nghĩ chỉ còn có ngày mai, nếu trượng phu không quay lại thì hoàn toàn hết hy vọng.
Lại thấy hai đứa nhỏ một lòng ngóng cha nên nàng càng thêm thương tâm. Vài lần muốn bảo các con đi vào nhưng không nói nên lời, giống như có cái gì đó mách bảo trong lòng, nói rằng trượng phu nhất định hôm nay sẽ trở lại. Cùng đợi một hồi, mặt trời khuất dần về phía tây, bốn bề đã chạng vạng tối. Dưới ánh tà dương, nông phu vác cày vác cuốc, hát vang những bài sơn ca cùng nhau ra về. Trượng phu của Trương đại nương từ trong thành trở về, lớn tiếng gọi bà đi.
Không gian nhất thời trở nên tĩnh lặng, ngoại trừ ba mẹ con ngóng chồng ngóng cha, chỉ có chim chóc nháo nhác về tổ. Lan Nhân biết rằng hôm nay đã hết hy vọng, nhìn hai con lũn cũn đứng cạnh, cặp mắt chúng đã lộ ra vẻ chán nản, bộ dạng như muốn khóc mà cố nhịn, nàng không khỏi thở dài thườn thượt: “Phụ thân vô tâm của các con hôm nay không về rồi. Ta đã bảo lão Vương nấu hai miếng thịt, giết hai con gà, chắc hẳn mọi thứ đã xong xuôi, chúng ta vào nhà ăn đi thôi.”
Nói chưa dứt lời, bên tai chợt nghe thấy một chuỗi âm thanh phá không vang lên. Hai huynh muội vội vàng nói: “Ma ma, mau nhìn con chim bồ câu kìa.”
Đang nói thì trước mắt sáng ngời, xuất hiện một nam tử khiến Lan Nhân giật mình nhảy dựng lên. Vội kéo hai đứa nhỏ, đang định chạy vào cửa thì có giọng nam tử hỏi: “Lan muội vì sao lại tránh ta?”
Giọng nói rất quen thuộc, Thừa Cơ linh mẫn đã sớm nhận ra chính là phụ thân của nó quay về.
Linh Vân dù còn bé nhưng trong đầu cũng có hình bóng của phụ thân. Huynh muội hai đứa song song lao ra. Lan Nhân cũng nhận thấy quả nhiên chồng mình trở về, không khỏi thấy cảm động một hồi, trăm ngàn lời không sao lên tiếng, chỉ ngây ngốc đứng bên cạnh. Lúc này đêm tôi mênh mang, chỉ còn lại tiếng Thấu Minh: “Chúng ta vào nhà rồi hãy nói chuyện.”
Bế hai đứa con, phu thê bọn họ cùng tiến vào phòng. Lão Vương ở trong bếp đã nấu nướng xong xuôi, đang muốn mời chủ mẫu ăn cơm thì thấy chủ nhân quay về, vui mừng khôn xiết. Lúc này cơm nước đã được bày biện xong xuôi, Lan Nhân biết Thấu Minh học đạo liền hỏi có ăn chay hay không. Thấu Minh đáp: “Ta đã có thể nhịn ăn. Mọi người ăn xong rồi hãy nghe ta nói chuyện nhé.”
Lan Nhân lại mời mọc một hồi, Thấu Minh kiên quyết không dùng đồ nấu nướng, chỉ đành để mặc y.
Ba mẫu tử bọn họ nào có tâm tình ăn uống, tùy tiện ăn chút ít rồi hỏi tình cảnh lúc vào núi. Thấu Minh đáp: “Lần này ta tầm sư học đạo đều là do một câu của nàng khuấy động. Ta nghĩ đời người trăm năm tựa như giấc mộng. Sau nhiều lần cân nhắc, ta quyết đi tìm thầy học đạo, đợi khi thành công sẽ trở lại độ nàng theo, cùng nhau truy cầu trường sinh bất lão, tránh được kiếp luân hồi. Vì nàng mang thai, sợ nàng thương tâm vì ta ra đi nên ta đành nói dối là đi thăm bạn hữu. Bởi vì cảnh sắc Nga My thanh tú, ta nghĩ tất có chân nhân ẩn tàng. Ta ở trong động của Băng Như, mỗi ngày đi khắp toàn núi, đến tất cả những chỗ mà người thường không đặt chân. Cứ như thế hai tháng trời mới gặp Trường My tổ sư, chấp nhận thu ta làm đồ đệ và cho phép ta tương lai độ nàng cùng theo học đạo. Trong chuyện này có một đoạn tiên duyên khác cho nên mới dễ dàng như vậy. Chỉ là ta và nàng đều không còn đồng thân nên hiện tại chỉ có thể học Hạ thừa kiếm pháp. Tương lai còn phải chịu một lần binh giải***, lần thứ hai luân hồi mới có thể tham thấu Thượng thừa.”
Ông lại tiếp: “Ta ở trong động khổ luyện ba năm, vốn định xin phép xuống núi, đang không biết nói thế nào thì hôm qua Ưu Đàm đại sư dẫn một nữ hài đến động. Bà ta nói rằng nó là cốt nhục của ta, bảo ta phụ tử ra nhận nhau, rồi lại nói tình lý với chân nhân, cho phép ta hạ sơn độ nàng. Bà ta nói là đã tặng nàng một viên Dịch Cốt tiên đan, không biết nàng đã dùng chưa?”
Lan Nhân nghe xong càng thấy vui mừng, liền đem chuyện xảy ra kể một lượt và nói chưa dùng đan dược. Thấu Minh nói: “Sau này nàng cùng lên núi rồi uống.”
Mới hay
Bâng quơ thê tử nhắc nhân sinh
Quyết chí trượng phu đi học đạo
Muốn biết tình hình nhà Thấu Minh lên núi thế nào, mời xem hồi sau sẽ rõ.
Chú thích
* Chu Gia là người Lỗ sống cùng thời với Hán Cao tổ. Người nước Lỗ đều học theo đạo Nho, riêng Chu Gia học theo lối du hiệp mà nổi danh. Quách Giải là người đất Chỉ tự là Ông Bá, là cháu ngoại của Hứa Phụ người có tài xem tướng. Cha Giải bị giết thời Hiếu Văn đế vì du hiệp. Giải người thấp bé, tinh ranh, hung hãn, không uống rượu. Lúc nhỏ tính nham hiểm, tàn nhẫn, những kẻ không làm Giải vừa lòng bị Giải giết rất nhiều. Giải liều thân báo thù cho bạn, chứa những người trốn tránh, phạm pháp, còn việc cướp bóc là việc thường làm, cũng như việc đúc tiền đào mả người thì không kể hết. Ông ta gặp may, lúc nguy khốn cấp bách thường nhờ dịp đại xá mà được thoát. Đến khi Giải lớn thì thay đổi tính nết, biết tự kiềm chế, biết lấy đức để báo oán, cho người thì nhiều mà trông mong người thì ít. Giải lại càng thích làm việc nghĩa hiệp hơn trước. Sau khi đã cứu tính mạng người ta, Giải không khoe công, tuy cái lòng nham hiểm tàn ác ngày xưa đôi khi vẫn lộ ra như cũ nếu gặp kẻ trợn mắt với mình.
** Đây là một mẫu biền văn thông thường trong Trung văn, khi dịch cần phải bám sát nguyên thể, bản trên là tại hạ nhờ bác luulang dịch hộ, chân thành cảm ơn bác. Nguyên gốc như sau:
Lan muội ái thê trang thứ:
Cầm sắt tĩnh hảo, vu kim hữu niên. Khách thu dạ thoại, hốt ngộ nhân sanh, bách niên dịch thệ, toại hữu xuất trần chi tưởng. Trị quân hữu nhâm tại thân, khủng thương biệt ly, vị nhẫn phẩu thành tương cáo. Nga My phỏng đạo, ngẫu ngộ tiên sư, vị hữu tiền nhân, khẳng gia viên bạt, hiện dĩ tương tùy nhập sơn, tĩnh tham huyền bí. Tuy thị hạ thừa, hạnh thoát quỷ thú. Trùng viên chi kỳ, đại ước tam tái. Vọng quân thiện phủ nhân nữ, thuận thì tự trân. Dị nhật bạch vân quy lai, tiện đương dữ quân đồng đạo. Tòng thử Lưu Phàn hợp tịch, Cát Bảo song tu, thiên trường địa lão, trú cảnh hữu phương, bất tất tiện tha sanh chi ước hĩ. Ngoan khu kiện thích, vô dĩ vi niệm.
Thấu Minh bái thủ.
Tại hạ tạm dịch phóng ra dạng giống kiểu thư của tiếng Việt cho dễ hiểu
Gửi ái thê Lan muội yêu dấu,
Hai ta nên duyên cầm sắt đã nhiều năm. Đêm thu ở xứ người ngồi viết cho nàng, đột nhiên ta ngộ ra triết lý nhân sinh, trăm năm thấm thoát rồi tất cả cũng thành tro bụi. Nàng đang bụng mang dạ chửa, e rằng sẽ u sầu vì ly biệt, không đành lòng nên ta viết vài chữ để nàng rõ. Ta lên Nga My tầm sư học đạo, may mà gặp được tiên sư, nói rằng vì có tiền duyên kiếp trước nên đồng ý thu nhận. Ta đã theo người vào núi để tĩnh tâm tham thấu đạo huyền. Tuy là Hạ thừa, nhưng hy vọng thoát khỏi bàn tay của Diêm vương. Khoảng ba năm nữa sẽ lại đoàn tụ, mong nàng chăm sóc nuôi dưỡng con cái và tự bảo trọng. Một ngày nào đó đắc đạo quay lại, ta sẽ dẫn nàng theo cùng. Từ đó trở đi đôi ta sẽ như “Lưu Phàn hợp tịch, Cát Bảo song tu”, mãi mãi bên nhau, niềm mơ ước trường sinh đã có thể thỏa nguyện, chẳng lo thề nguyền kiếp sau. Ta vẫn khỏe mạnh, nàng không cần phải lo nghĩ.
Thấu Minh dừng bút tại đây.
Giải thích trong đoạn này:
1. Hạ thừa chỉ cấp bậc tu luyện. Vì hai vợ chồng Thấu Minh, Lan Nhân không còn đồng thân nên không học được Thượng thừa, phải tu Hạ thừa trước.
2. “Lưu Phàn hợp tịch, Cát Bảo song tu”: Lưu Phàn là Lưu Cương và Phàn phu nhân, Cát Bảo chỉ Cát Hồng và Bảo Cô. Đây là những cặp nam nữ luyện tập phòng trung chi thuật mong được tiên đạo.
*** Nghi lễ của Ma giáo, trước khi giáo chủ qua đời phải để bộ hạ cắt đầu xuống thì mới có thể thoát thể phi thăng, gọi là binh giải. Ở đây ý là cần phải qua tai kiếp để thoát thai.
Hết hồi thứ mười lăm
~*~*~*~*~*~*~*~*~