[Dịch] Thiên Hạ Kiêu Hùng

Quyển 19-Chương 46 : Chiến đấu kịch liệt ở bến tàu




Kinh Tương, Kinh ở đây là chỉ Kinh Châu, Tương là Tương Dương. Trong đó, thành Giang Lăng là thành lớn thứ hai của Kinh Tương. Chu vi của thành gần bốn mươi dặm, tường thành cao lớn, dày rộng. Đầu thành có thể để cho hai con ngựa chạy song song. Tường thành dày ba trượng, cực kỳ rắn chắc.

Thành Giang Lăng cách Trường Giang chừng hai dặm. Ngoại trừ có một bến tàu nối thẳng tới quan đạo, còn có sông Kinh Thủy xuyên qua thành chảy vào sông Trường Giang.

Lúc này, việc phòng ngự trên thành Giang Lăng đang trở nên lộn xộn. Trong vòng một ngày, Sài Thiệu đã đưa ra rất nhiều mệnh lệnh khiến cho quan quân không biết phải nghe theo ai. Giống như một người vốn quen với sự nhàn nhã, bỗng nhiên một đống công việc ùn ùn kéo tới. Lúc đầu chỉ có thể mờ mịt không biết làm sao, sau đó là không đầu không đuôi bận rộn.

Các đại tướng đều đang điều binh khiển tướng, an bài phòng ngự ở khu vực của mình. Thỉnh thoảng có va chạm tranh đoạt đám dân phu, mấy chục viên đại tướng lại cãi nhau tới mặt đỏ tai hồng. Ai cũng hiểu được, có càng nhiều dân phu trong tay, vậy thì nước luộc kiếm được càng lớn.

Muốn đưa con cháu về nhà, có thể giao tiền đến mang về. Đây là con đường phát tài, trong lòng đám quan quân đều hiểu rõ.

Dù sao Sài Thiệu cũng là danh tướng có chức vị cao của triều Đường. Ở thời khắc mấu chốt, y liền đưa ra quyết đoán. Dựa vào binh lực lớn nhỏ trong tay các đại tướng mà phân chia dân phu. Như vậy đã nhanh chóng ổn định tranh cãi giữa cái đại tướng. Mọi người bắt đầu đi bố trí phòng ngự.

Binh lực của quân Đường Giang Lăng có khoảng bảy mươi nghìn người. Ngoại trừ mười ngàn quân bố trí ở trên bến tàu làm phòng tuyến thứ nhất ra, số binh lực còn lại đều có rút vào trong thành. Sáu mươi nghìn quân bố trí ở khắp nơi trên tường thành. Cùng với sự giúp đỡ của năm mươi nghìn dân phu, hiện tại thành Giang Lăng đã được bố trí chắc chắn như tường đồng vách sắt.

Trời vừa mới sáng, Sài Thiệu liền đi lên đầu thành. Tâm tình hiện tại của y bây giờ rất tốt. Ngày hôm qua đi một vòng thăm hỏi, không ngờ lại thu hoạch được hai trăm ngàn thạch lương thực. Cộng với hai trăm ngàn thạch lương thực tồn trữ ở trong kho, khiến số quân lương trong tay y đã lên tới bốn trăm ngàn thạch. Số lượng này đủ để y thủ vững thành một năm.

Ngay từ lúc bắt đầu, Sài Thiệu đã lập ra kế hoạch phòng ngự. Lợi dụng tường thành chắc chắn của Giang Lăng và binh lực, quân lương đầy đủ để đối kháng với quân Tùy, giúp Trường An tranh thủ thời gian. Chỉ cần có thể kiên trì được nửa năm, triều Đường có đủ thời gian phục hồi, chuẩn bị tranh đoạt thiên hạ với triều Tùy.

Trước khi rời khỏi Trường An, Thánh Thượng đã đưa ra chỉ thị như vậy cho y. Cho dù chiến dịch Kinh Tương không thể thủ thắng, cũng phải giằng co với quân Tùy. Thời gian càng dài càng tốt. Hơn nữa, Sài Thiệu cũng biết, quân Tùy nhất định không chịu nổi chiến tranh lâu dài.

Trên đầu thành, binh lính quân Đường đang khẩn trương chuẩn bị chiến tranh, chuẩn bị các loại binh khí. Dưới chân họ đã xếp đầy các bó tên. Nhiều đội dân phu hỗ trợ binh lính, mang các đồ vật tư phòng thủ lên thành.

Sài Thiệu hiền lành chào hỏi với bọn lính. Nhìn thấy tinh thần phấn chấn của binh lính, y rất là vui mừng. Sĩ khí là yếu tố quan trọng nhất. Nghe nói chính vì sĩ khí của quân đội Lý Mật bị giảm xuống, khiến quân Tùy chỉ cần một trận chiến đã bình định. Dương Nguyên Khánh là người rất giỏi về công tâm chiến.

Đúng lúc này, một người binh lính bỗng nhiên chỉ về hướng mặt sông ở xa xa hô lên:

- Mau nhìn! Là chiến thuyền của quân Tùy.

Ánh mắt của mọi người đều đồng loạt nhìn về hướng xa xa. Sài Thiệu cũng đã nhìn thấy. Chỉ thấy trên mặt sông xuất hiện mấy trăm chiến thuyền lớn, trùng trùng điệp điệp đi tới bờ Giang Bắc. Cánh buồm đông nghịt như muốn che khuất bầu trời.

Trong lòng Sài Thiệu trở nên khẩn trương. Y thực không ngờ, quân Tùy lại tới nhanh như vậy. Vừa mới buổi sáng hôm qua phá hủy thủy trại, hôm nay chủ lực đã đánh tới rồi.

- Gõ chuông cảnh báo, ra lệnh toàn quân chuẩn bị chiến đấu!

Sài Thiệu quát to ra lệnh.

- Đương! Đương! Đương!

Tiếng chuông điếc tai vang lên, vang vọng khắp tòa thành. Binh lính trên đầu thành bắt đầu giương cung lắp tên, khẩn trương nhìn về phía đoàn chiến thuyền.

Trong thành, người dân đã đóng kín hết cửa, mang theo vợ con đi tới trước bàn thờ của tổ tông dập đầu thắp hương. Cầu khẩn tổ tông phù hộ tính mạng của cả nhà.

Thuyền lớn của quân Tùy càng ngày càng tới gần. Lưu Phương Trí lên giọng đề nghị:

- Đại tướng quân, kỳ thực binh lực của quân Tùy nhiều lắm cũng chỉ là năm sáu mươi nghìn, mà trong đó có quân của Đỗ Phục Uy, quân của Tiêu Tiển đều không phải quân đội thiện chiến. Không bằng chúng ta mang binh ra khỏi thành, đấu với bọn hắn một trận.

Sài Thiệu lắc đầu nói:

- Quân Tùy không yếu như ngươi nghĩ. Bọn họ còn có năm nghìn kỵ binh của Vương Quân Khuếch. Chúng ta đánh không lại kỵ binh, chỉ biết là thua thiệt mà thôi.

Sài Thiệu lại hướng ánh mắt nhìn về phía mười nghìn quân đội coi giữ bến tàu. Hiện tại điều y lo lắng nhất là mười nghìn cung nỏ binh đóng ở chỗ này. Không biết bên đấy đã xây dựng xong hệ thống phòng ngự hay chưa…

Cách bến tàu khoảng năm mươi bước, quân Đường dùng bao tải, bên trong là cát, tạo thành một bức tường phòng ngự dài chừng ba bốn dặm, bao vây bến tàu lại. Tường phòng ngự cao chừng sáu thước. Mười nghìn cung nỏ binh của quân Đường thì trốn ở phía sau tường phòng ngự, khẩn trương nhìn thuyền lớn của quân Tùy đang tới gần

Sở dĩ phải bố trí một đội cung nỏ ở bến tàu như vậy, chủ yếu là ngăn cản binh lính của Tùy rời thuyền. Bởi vì thuyền lớn của quân Tùy không có khả năng toàn bộ thả neo ở bến tàu. Chỉ có thể thay phiên nhau cập bờ. Như vậy mỗi lần nhiều nhất là có sáu bảy thuyền lớn đồng thời cập bờ. Mỗi một thuyền thì có khoảng hai ngàn binh lính đi xuống thuyền.

Như vậy, quân Đường bố trí mười nghìn cung nỏ là đủ để tạo ra lực sát thương thực lớn, ngăn chặn quân Tùy rời thuyền. Khiến cho chiến thuyền của quân Tùy không thể cập bờ.

Bờ bắc và bờ nam có chỗ bất đồng. Nước ở bờ bắc khá là cạn. Chỉ có trong vòng ba bốn dặm quanh bến tàu là khu vực nước sâu, có thể nâng được chiến thuyền trên năm nghìn thạch cập bờ. Khu vực bờ còn lại, lượng nước không đủ để chiến thuyền quân Tùy cập bờ. Những điều kiện như vậy mới tạo cho quân Đường có một lợi thế chiến đấu về địa hình.

Bọn họ chỉ cần dùng cung nỏ phong tỏa khu vực bến tàu, vậy thì quân Tùy khó có thể đổ bộ.

Tướng chỉ huy ở khu vực bến tàu này là Lý Trường Viên. Y xuất thân từ gia tộc họ Lý ở Hà Tây. Thân cao sáu thước ba, dáng người khôi ngô, vai rộng eo thon, võ nghệ cao cường, cung mã thành thạo. Vũ khí của y là thanh đại phủ (búa lớn) nặng tám mươi cân. Lý Trường Viên là một thành viên mãnh tướng hiếm có của Sài Thiệu, đảm nhiệm chức Á Tướng.

Ánh mắt của Lý Trường Viên lạnh lùng nghiêm nghị nhìn chằm chằm vào chiến thuyền của quân Tùy đang tới gần. Mặc dù y không giỏi về thủy chiến nhưng y rất giỏi trong việc chỉ huy đội cung nỏ. Trong lòng y đã sớm kìm nèn một cỗ khí thế, chỉ đợi quân Tùy tới là đánh cho một kích mạnh mẽ.

Có ba chiến thuyền của quân Tùy đã tới gần bến tàu. Đều là chiến thuyền trên mười nghìn thạch, quy mô cực kỳ đồ sộ, giống như một ngọn núi lớn đang chậm rãi đi tới. Còn cách bến tàu chưa tới ba mươi bước.

Ở mép thuyền bỗng nhiên xuất hiện mấy trăm tên lính. Bọn họ nâng lên nỏ bắn về hướng binh lính quân Đường. Một trận mưa tên nhanh như chớp bắn về phía đội cung nỏ của quân Đường đang trốn phía sau tường phòng ngự. Binh lính Đường không kịp đề phòng, đã có mười mấy tên binh lính trúng tên, kêu thảm ngã xuống đất.

Lý Trường Viên giận dữ, vung chiến đao lên ra lệnh:

- Bắn tên!

Tiếng mõ vang lên, hàng chục nghìn mũi tên đồng loạt được bắn ra từ quân Đường. Tên bay như như gió bão mưa rào hướng về thuyền lớn. Cũng có hơn mười người quân Tùy bị bắn trúng ngã xuống. Những người còn lại thì ngay lập tức cúi xuống né tên.

Mưa tên dày đặc bắn vào thân thuyền, ép tới binh lính Tùy không ngốc đầu lên được. Liên tiếp có thuyền lớn đến gần bờ, nhưng binh lính đều không thể rời thuyền. Mười nghìn cung nỏ binh của quân Đường tạo thành mưa tên, ngăn chặn quân Tùy đổ bộ.

Thuyền lớn phía trước không thể cập bờ, thì các thuyền nhỏ hơn phía sau càng không thể. Có vẻ như quân Tùy đang gặp phải một vấn đề không nhỏ.

Ở trên thuyền lớn thứ năm, Dương Nguyên Khánh khoanh tay đứng ở đầu thuyền, lạnh lùng nhìn về phía mưa tên của quân Đường. Chiều hôm qua, từ tin tức của thám báo gửi tới, hắn đã nắm rõ tình hình của quân Đường ở bến tàu. Cho nên kế hoạch của quân Đường cũng sớm nằm trong dự liệu của hắn.

Kỳ thực, trong kế hoạch của Sài Thiệu vẫn còn có một vài thiếu sót. Sài Thiệu muốn bố trí một đội cung binh ngăn chắn hắn cập bờ. Nhưng nếu là Dương Nguyên Khánh, hắn sẽ bố trí xác của những con thuyền cháy ở bến tàu, hoặc là vận chuyển đá lớn ném vào trong nước, khiến thuyền lớn không thể cập bờ. Mà trong đội thuyền của Dương Nguyên Khánh, số thuyền sông có trọng lượng ngàn thạch, có thể tùy ý cập bờ không nhiều. Như vậy việc vận binh vượt sông liền biến thành một nan đề.

Cái này nói lên rằng kinh nghiệm chiến trận của Sài Thiệu còn chưa phong phú. Mà những chiến tướng bản địa có kinh nghiệm lại không nhắc nhở y. Từ điểm này nhìn ra, Dương Nguyên Khánh cảm giác được, nội bộ của quân Đường cũng không đoàn kết một lòng như bề ngoài. Chắc hẳn các tướng lĩnh địa phương đang có ý khác.

Nếu là như vậy, Dương Nguyên Khánh rất chờ mong…

Trên đầu thành, Sài Thiệu hưng phấn dị thường. Y thực không ngờ, mình bố trí mười nghìn cung nỏ lại phát huy tác dụng lớn như vậy. Khiến cho chiến thuyền của Tùy không thể cập bờ.

Đứng bên cạnh Sài Thiệu là phó tướng Lưu Phương Trí. Chỉ thấy môi y giật giật, như muốn nhắc nhở cái gì đó. Nhưng cuối cùng lại nhịn xuống. Y là người gốc ở đây nên rất rõ cách chống lại những chiến thuyền lớn như vậy. Thuyền của quân Tùy phần lớn đều là thuyền đi biển. Mặc dù đi lại trong sông Trường Giang không có vấn đề nhưng nếu muốn cập bờ ở bờ bắc của Giang Lăng, vậy thì sẽ gặp phải vấn đề lớn.

- Lưu tướng quân có phải muốn nói gì?

Sài Thiệu nhìn ra Lưu Phương Trí muốn nói lại thôi, có chút không vui hỏi y.

Lưu Phương Trí chỉ về phía Kinh Thủy đạo cách vài dặm ở phía tây nói:

- Đại tướng quân, nếu chiến thuyền của quân Tùy từ Kinh Thủy đạo sát nhập, thì có thể có phiền toái.

Câu này nhắc nhở Sài Thiệu. Nếu chiến thuyền của quân Tùy theo Kinh Thủy đạo tới gần tường thành. Đây chẳng phải là có thể trực tiếp từ chiến thuyền trèo lên thành hay sao?

Vậy phải làm sao bây giờ? Sài Thiệu lập tức toát mồ hôi đầy trán, nhất thời không nghĩ ra được đối sách.

Lưu Phương Trí nhắc nhở y, nói:

- Có thể dùng dầu hỏa theo đường sông đổ ra. Chỉ cần chiến thuyền của quân Tùy tới gần, là có thể phóng lửa đốt cháy.

Sài Thiệu gật đầu. Biện pháp này không tồi. Khi bọn họ tấn công Kinh Tương từ Ba Thục, đã mang tới rất nhiều dầu hỏa rồi để ở trong thành Giang Lăng, tùy ý có thể sử dụng. Sài Thiệu liền hạ lệnh:

- Chuyển một nửa số dầu hỏa trong kho đi tới cửa sông chờ lệnh.

Đúng lúc nay, bỗng nhiên vang tới một tiếng sầm rền từ phương xa khiến mặt đất như muốn chấn động. Sài Thiệu đột nhiên nghĩ tới điều gì. Y xoay người nhìn về hướng đông, khuôn mặt trở nên trắng bệch. Chỉ thấy ở phía đông có một đội kỵ binh đông nghìn nghịt đang hướng bến tàu đánh tới.

Đây là năm nghìn kỵ binh do Vương Quân Khuếch thống lĩnh. Tối hôm qua, ở phía đông năm mươi dặm, bọn họ vượt sông, rồi một mạch chạy tới. Năm nghìn gót sắt của kỵ binh chạy chồm tới, sát khí ngập trời. Giống như một mũi tên nhọn lao tới, xuyên thẳng phía sau của bến tàu

Đội cung nỏ ở bến tàu lập tức trở nên hỗn loạn. Không đợi chủ tướng hạ lệnh, liền đào ngũ, bỏ chạy như điên về hướng thành trì. Lý Trường Viên lớn tiếng quát:

- Ổn định! Ổn định! Xếp thành hàng chống lại.

Nhưng quân tâm của quân Đường đã loạn. Không có người nào nghe theo sự chỉ huy của y. Kỵ binh của quân Tùy đã lao nhanh tới, chỉ một thoáng là tới bến tàu. Lúc này cho dù đã tổ chức xong phòng ngự cũng đã muộn.

Mấy trăm binh lính của quân Đường chạy trốn, nhưng sao có thể nhanh hơn kỵ binh của Tùy. Nháy mắt bọn họ đã bị thiết kỵ nuốt sống. Đội kỵ binh của quân Tùy tạo thành một đường dài phân cách, cắt đứt đường chạy trốn của quân Đường. Hiện tại, quân Đường chỉ còn có hai con đường, hoặc là tử chiến, hoặc là đầu hàng.

Vương Quân Khuếch nhìn thấy chủ tướng của quân địch, y hét lớn một tiếng:

- Tướng địch, để mạng lại cho ta!

Vương Quân Khuếch thúc dục chiến mã, vung Thanh Long Yển Nguyệt Đao lên. Lý Trường Viên thấy mình đã tuyệt lộ, y cũng hét lớn một tiếng, giục chiến mã xông tới, vung đại phủ lên ngăn chặn. Đại phủ mang theo lực lớn như khai sơn phá thạch đánh về phía Vương Quân Khuếch…


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.