[Dịch] Thiên Hạ Kiêu Hùng

Quyển 18-Chương 62 : Điều kiện trao đổi




Chức năng ban đầu của cung Tấn Dương là làm hành cung của Dương Quảng, các bộ chức năng khác của bộ, tự còn thiếu. Năm trước không lâu sau khi quân Tùy công phá được Thái Nguyên thì nơi đây lại được xây dựng thêm trên qui mô lớn. Ba tỉnh sáu bộ chín tự năm giam dần dần hình thành khu xử lý và làm việc riêng.

Trong Ngự Sử đài nằm ở góc đông nam là một tòa lầu ba tầng nhỏ màu đỏ. Bởi vì sở hữu quyền hạn giám sát và bắt giữ nên tầng hầm ngầm được xây dựng để làm ngục lao tạm giam phạm nhân.

Trở về từ Thôi phủ, Dương Nguyên Khánh đi thẳng tới Ngự Sử đài. Ngự Sử Đại Phu là Dương Thiện Hội, một trong bảy tướng của Tử Vi Các. Nhưng vị trí đó của gã chỉ là trên danh nghĩa, gã không tham dự vào sự vụ cụ thể của Ngự Sử đài mà để ba người Ngự sử trung thừa phụ trách.

Một người là Hàn Thọ Trọng phụ trách giám sát đủ loại quan lại trong kinh thành, một người là Lưu Mông phụ trách giám sát quan phủ địa phương, còn lại là Đới Sùng Vận, phụ trách xử lý sự vụ nội bộ của Ngự Sử đài.

Trừ ba vị Ngự sử trung thừa còn có mười hai Thị Ngự Sử và mười bốn người Ngự Sử giám sát. Tính cả Ngự Sử Đại Phu, Ngự Sử đài tổng cộng có bốn mươi người, phụ trách toàn bộ giám sát hoạt động của cả vương triều Đại Tùy.

Vụ án kho lương thực phát sinh tại quận Triệu lần này vẫn chưa chấm dứt dù Dương Nguyên Khánh đã giết Huyện lệnh và Huyện thừa. Từ lời khai lấy được từ tâm phúc của Từ Thủ Tín và một số bản ghi chép đút lót điều tra trong thư phòng, thì lại lộ ra chữ kí của một vị thượng ti trong thư, thái thú quận Triệu Trương Ký Bắc.

Trong bản ghi chép biểu hiện rất rõ Trương Ký Bắc biết việc Từ Thủ Tín tham ô kho lương thực và cũng ngầm đồng ý việc Từ Thủ Tín tham ô. Bù lại, Từ Thủ Tín phải chia chác hai phần cho Trương Ký Bắc.

Bởi vì việc nhận hối lộ chưa diễn ra nên có thể không tính, coi như không làm tròn bổn phận. Nhưng trong bản ghi chép của Từ Thủ Tín lại nói rõ gã hàng năm đều đút lót cho Trương Ký Bắc năm nghìn xâu tiền để lấy được lời khen của y, liên tục ba năm như vậy.

Nhưng đây chỉ mới là một huyện, quận Triệu tổng cộng mười một huyện, vậy những huyện khác thì thế nào? Đương nhiên tra xét việc Trương Ký Bắc nhận hối lộ chỉ là lấy cớ, điều Dương Nguyên Khánh muốn chính là dùng Trương Ký Bắc để giết gà dọa khỉ toàn bộ đám quan của Hà Bắc.

Lúc Dương Nguyên Khánh đến cửa Ngự Sử đài thì Hàn Thọ Trọng đã được báo tin chờ ở đó. Y thi lễ:

- Tham kiến điện hạ!

Dương Nguyên Khánh gật đầu:

- Trương Ký Bắc nhận tội không?

- Khởi bẩm điện hạ, tên này mồm rất cứng, chết cũng không chịu khai, một mực không thừa nhận mình nhận hối lộ, tra tấn cũng vô dụng.

Hàn Thọ Trọng thở dài:

- Ty chức đang nghĩ biện pháp để y khai!

- Dẫn ta đi xem y.

Mọi người vội đưa Dương Nguyên Khánh tới địa lao. Từ bậc thang một gian phòng đi sâu xuống ước chừng ba hay bốn trượng. Cảnh vật trước mắt dần tối mờ, ngọn đèn trên vách tường lập lòe, không khí vẩn đục, âm u ẩm thấp. Một loại cảm giác âm trầm khủng bố tràn ngập địa lao.

Dọc theo một dãy hành lang dài tới trước một cánh cửa sắt. Viên lính coi ngục mở cửa, hơn mười thân vệ và quan viên Ngự Sử đài vây quanh Dương Nguyên Khánh đi vào.

Bên trong cửa sắt là một gian nhà đá, dùng đá xanh lớn để xây, có vẻ khá trống trải. Trên vách đá treo đầy các loại dụng cụ tra tấn. Trong góc có một chậu than lửa, tám tên đàn ông vạm vỡ cởi trần nửa trên vẻ mặt dữ tợn, ánh mắt hung ác nhìn chằm chằm vào một lồng sắt trong phòng.

Lồng sắt rộng khoảng tám thước, trong góc có một người đang ngồi rũ rượi. Trên chân đeo xích sắt, nửa trên cởi trần, mình đầy thương tích. Đây đúng là Trương Ký Bắc bị áp giải đến lúc buổi sáng. Lúc này gã đã hôn mê, đầu gục lên thanh sắt.

Thẩm vấn Trương Ký Bắc thực hiện y theo kiểu tam đường hội thẩm, do ba người Đại Lý Tự Thiếu Khanh, Hình bộ Thị lang và Ngự Sử trung thừa cùng thẩm vấn.

Nhưng loại tam đường hội thẩm này phải chờ sau đó mới tiến hành, đầu tiên Trương Ký Bắc phải khai nhận trước rồi tam đường hội thẩm mới đối chiếu và xác nhận, cuối cùng ba bên ký tên định án.

Lúc này chủ thẩm là Thị Ngự Sử không ngờ thấy Sở vương đến đây liền vội khom người bẩm báo:

- Điện hạ, phạm nhân vừa bị thẩm vấn, đã ngất rồi.

Dương Nguyên Khánh nhìn thoáng qua Trương Ký Bắc:

- Làm Y tỉnh lại!

“Xoạt!” Hai tên đàn ông vạm vỡ tạt hai thùng nước lạnh lên người Trương Ký Bắc. Sau một lúc lâu, Trương Ký Bắc rên rỉ chậm rãi tỉnh lại.

Dương Nguyên Khánh khoát tay:

- Tất cả lui xuống!

Mọi người không dám chống lệnh, lui xuống. Trong nhà đá chỉ còn Dương Nguyên Khánh và Trương Ký Bắc. Dương Nguyên Khánh đến bên cạnh, lạnh lùng nhìn vào gã.

Trương Ký Bắc cố sức xoay người, ngẩng đầu nhìn Dương Nguyên Khánh, cười lạnh một tiếng:

- Đã làm điện hạ thất vọng phải không!

Dương Nguyên Khánh thản nhiên cười, ngồi xổm trước mặt gã, nhìn chăm chú vào gã, nói:

- Chúng ta làm một vụ giao dịch đi!

Trương Ký Bắc vốn định phun cho Dương Nguyên Khánh một bãi nước bọt nhưng vẫn nhịn được. Gã nghĩ tới vợ con của mình, nếu phun phát này tuy sướng thì sướng nhưng vợ con chết chắc.

Trương Ký Bắc nghiêng đầu không thèm nhìn Dương Nguyên Khánh, vẻ mặt khinh thường cực kì.

Dương Nguyên Khánh cũng không thèm để ý thái độ của gã, tiếp tục nói:

- Ta không ngại nói rõ cho ngươi, dù ngươi khai hay không thì ngươi đều chết chắc. Ta phải lấy đầu của ngươi để răn đe lũ quan Hà Bắc. Nhưng ta biết ngươi có con trai, tên là Trương Kế Hoành, hiện đang đọc sách tại Thôi Học, học rất giỏi, hàng năm còn thi tam giáp ở Thôi Học nữa. Ngươi còn có một con gái, hứa gả cho cháu trai của Thôi Hoằng Nguyên. Nếu khai theo yêu cầu của ta thì các con ngươi sẽ không bị ảnh hưởng gì. Thậm chí nếu thi đậu khoa cử ta vẫn để nó trúng tuyển bình thường, cho một đường làm quan.

Nói đến đây, giọng Dương Nguyên Khánh biến thành lạnh lẽo:

- Nhưng nếu ngươi không nhận tội, không chỉ ngươi bị lột da mà con ngươi, vợ ngươi đều không sống được.

Trương Ký Bắc run rẩy, nhưng gã vẫn không động, cũng không hé răng. Ánh mắt gã vẫn nhìn chằm chằm vào cửa sắt như trước nhưng bắt đầu biến hóa phức tạp. Gã nhớ Dương Nguyên Khánh từng xử trảm toàn bộ cả nhà Từ Thủ Tín tổng cộng mười một người.

Dương Nguyên Khánh tinh tế cảm nhận được sự biến hóa trong cảm xúc của gã, trong lòng hắn hiểu kỳ thật Trương Ký Bắc cứng mồm như vậy cũng không phải vì đại nghĩa dân tộc gì, mà đơn giản vì không muốn bán đứng Thôi Hoằng Nguyên, cuối cùng bảo vệ cho con gã. Nói trắng ra thì vẫn là hai chữ ích lợi, nên hắn bắt đầu cũng từ ích lợi, từng bước làm tan rã phòng tuyến trong lòng của gã.

Có một số việc tra tấn cũng không giải quyết được, ví dụ như trao đổi điều kiện. Quan thẩm vấn không có quyền lực này, nhưng Dương Nguyên Khánh thì khác. Hắn là người nắm quyền cao nhất, hắn có thể đáp ứng hay không đáp ứng bất cứ chuyện gì.

Thái độ của hắn có khi hữu dụng hơn cực hình, Trương Ký Bắc rõ ràng đã hơi dao động. Dương Nguyên Khánh không chút hoang mang nói tiếp:

- Vừa rồi ta còn nói thiếu một người. Nhà ngươi ở huyện Lộc Thành quận Tín Đô, trong nhà có một người cháu gọi là Trương Vinh Quảng, năm nay mới ba tuổi. Nó cũng vậy, nếu ngươi khai thì nó sẽ không sao, nhưng nếu ngươi không nhận tội thì đầu của nó cũng sẽ rơi xuống đất.

Trương Ký Bắc run rẩy toàn thân. Gã rốt cục quay đầu lại, không thể tin nổi nhìn Dương Nguyên Khánh. Đứa gọi là cháu đó thực tế là con riêng của gã. Ba năm trước gã uống say ở Thôi phủ và có quan hệ với một thị nữ được Thôi Hoằng Nguyên phái tới hầu hạ. Đứa bé này chính là người thị nữ đó sinh cho gã.

Chuyện này vô cùng bí mật, kể cả vợ của gã cũng không biết, chỉ có duy nhất một người là Thôi Hoằng Nguyên biết. Từ giọng Dương Nguyên Khánh có thể nói rõ Dương Nguyên Khánh đã biết sự thật. Việc này là ai nói ra, chẳng lẽ là …

Dương Nguyên Khánh lấy từ trong lòng ra một cái hộp, mở hộp, bên trong là một câp chén trà bằng sứ trắng, mỏng như tờ giấy, trong suốt như ngọc. Hắn chớp mắt cười cười:

- Ngươi hẳn là biết cái chén này nhỉ! Có người tặng cho ta đó.

Trương Ký Bắc liếc mắt một cái là nhận ra cái chén này, chén Bạc Ảnh, vật báu trân quý truyền ba đời của Bác Lăng Thôi thị, từ trước đến nay đều do gia chủ cất giữ.

Trương Ký Bắc lập tức hiểu ra, thảo nào Dương Nguyên Khánh biết việc gã có con riêng, hóa ra là Thôi Hoằng Nguyên bán rẻ mình.

Trong lòng gã quặn đau, một búng máu phun ra, mất hết can đảm trong lòng. Người mà mình liều chết để bảo vệ cuối cùng lại bán rẻ mình. Chiếc chén Bạc Ảnh trong tay Dương Nguyên Khánh chẳng khác gì một lưỡi kiếm sắc bén xuyên thấu con tim của Trương Ký Bắc.

Dương Nguyên Khánh đứng lên, thản nhiên nói:

- Ta cho ngươi thời gian hai ngày tự suy nghĩ! Trong hai ngày sẽ không động gì đến ngươi, ngươi có khai hay không thì đó là một chuyện khác.

Nói xong, Dương Nguyên Khánh xoay người rời đi. Bỗng tiếng trầm thấp của Trương Ký Bắc truyền ra từ trong lồng sắt:

- Điện hạ, ngài nói sẽ giữ lời chứ!

Dương Nguyên Khánh dừng lại, lạnh lùng nói:

- Ta Dương Nguyên Khánh là hoàng đế bệ hạ của Đại Tùy, chẳng lẽ còn thất tín với một tên tiểu nhân vật như ngươi sao?

- Được!

Trương Ký Bắc rốt cục đáp ứng:

- Ta sẽ trao đổi cùng ngài!

Lô Dự cũng là một trong bảy tướng của Tử Vi Các. Chức vụ cụ thể của y là Hình bộ Thượng thư. Sau khi cáo ốm hai ngày thì hôm nay y lại lên triều, nhưng y không tới Tử Vi Các mà tới phòng làm việc của Hình bộ.

Lô Dự là em trai của tể tướng Lư Sở. Y không chỉ kế thừa vị trí gia chủ của anh cả mà cũng kế thừa luôn tính cách cứng rắn, đường lối mạnh mẽ của người anh.

Lô Dự không hề yếu đuối háo sắc như Thôi Hoằng Nguyên mà là một gia chủ cực kì khôn khéo, nắm giữ những phẩm đức ưu tú. Y không hề có bất cứ tiếng xấu nào, càng không dính đến việc tham ô nhận hối lộ.

So với Thôi Hoằng Nguyên đầy yếu kém, không biết nhìn xa trông rộng thì y có nguyên tắc rất mạnh, hơn nữa có thể nhìn thấu đại cục.

Y biết rõ mục đích Dương Nguyên Khánh thanh tra kho lương, thực tế là để tẩy trừ chốn quan trường Hà Bắc. Có lẽ sẽ không xóa sạch hoàn toàn nhưng những chức vụ quan trọng như Thái thú, trưởng sử … thì chắc chắn sẽ bị thay thế.

Rửa sạch chốn quan trường Hà Bắc chỉ là bước đầu. Mục đích cuối cùng của hắn là chèn ép những gia tộc có ảnh hưởng đến triều đình. Cho dù không thể trừ tận gốc các thế gia thì ít nhất cũng ngăn chặn sự lớn mạnh của các thế gia, sau đó chèn ép từ từ.

Lô Dự hiểu Dương Nguyên Khánh đang thăm dò. Nếu các thế gia Hà Bắc không phản kháng quá mạnh thì việc tẩy trừ sẽ diễn ra nhanh chóng và dữ dội. Nếu bị các thế gia kiên quyết chống lại thì việc xóa bỏ sẽ thu lại một chút.

Đây cũng là nguyên nhân Lô Dự mạnh mẽ chống đối. Đương nhiên Hà Bắc có ba thế gia lớn, chỉ dựa vào Phạm Dương Lô thị là không thể, còn cần Bác Lăng Thôi thị và Thanh Hà Thôi thị cùng nhất trí chống lại nữa.

Mà Thanh Hà Thôi thị lại bị đả kích nặng nề. Thôi Quân Tố lại là tâm phúc của Dương Nguyên Khánh nên không trông chờ gì được, cho nên thái độ của Bác Lăng Thôi thị là vô cùng quan trọng.

Nhưng không hiểu sao thái độ của Thôi Hoằng Nguyên cứ mập mờ, ý chí chống cự không kiên định. Rõ ràng hẹn hôm nay cùng lên triều, vậy mà gã lại cáo ốm không tới. Điều này khiến Lô Dự cực kì căm tức.

Tới gần giữa trưa, Lô Dự dọn bàn chuẩn bị đi ăn cơm thì một gã tòng sự bước nhanh tới đưa một thiếp mời.

- Khởi bẩm Tướng quốc, Sở vương điện hạ sai người đưa thiếp, mời Tướng quốc đi dự tiệc trưa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.