[Dịch] Thiên Hạ Kiêu Hùng

Quyển 18-Chương 35 : Quyền tướng bị bắt




Tây thành Thái nguyên có một phố nhỏ tên Bạch Nguyên. Trong ngõ hẻm chỉ có một tòa nhà rộng chừng bốn, năm mẫu, cạnh đó là một trại quân doanh chứa ba trăm binh lính thủ vệ cửa thành tây.

Nhưng trong tòa nhà này lại đóng một đội quân hơn trăm binh lính nữa. Tòa nhà này thực tế là một nhà giam, ở một gian sâu bên trong đang giam lỏng một người. Người đó chính là kẻ bị bắt trong chiến dịch Liêu Đông, tể tướng Triều Tiên Uyên Thái Tộ.

Từ khi bị bắt hồi xuân kia, nhoáng cái đã trôi qua nửa năm. Nửa năm này Uyên Thái Tộ bị nhốt trong viện như con ếch trong đáy giếng, chỉ có một lão bộc câm điếc mỗi này nấu cơm cho ăn.

Điều duy nhất Uyên Thái Tộ thấy may mắn là lão lấy được mười mấy cuốn sách, những cuốn sách này đã làm bạn cùng lão vượt qua thời gian nửa năm này.

Uyên Thái Tộ cũng không biết lúc nào mình được phóng thích, nhưng lão hiểu được mình sẽ không bị nhốt đến chết già. Dương Nguyên Khánh giam lỏng lão vì lão có giá trị chính trị, đến lúc giá trị đó cần được lợi dụng thì lão sẽ được thả về nước.

Lão cũng không biết thời cơ này bao giờ mới đến, chắc phải chờ lúc triều Tùy thống nhất xong thiên hạ. Bởi vì đến lúc đó triều Tùy mới rảnh tay đối phó Triều Tiên được.

Từng ngày từng ngày trôi qua, Uyên Thái Tộ cũng thấy mình ngày càng già đi, lòng lão từ chờ mong cũng dần hóa thành chết lặng.

Lão cũng không quan tâm bao lâu nữa mới được ra ngoài vì đã chuẩn bị xong tâm lý chết nơi đất khách tha hương, mà lão cũng bỗng nhận ra con lão Cái Tô Văn thật ra cũng không mong lão trở về.

Rất nhiều chuyện thường là vậy, khi mà con người đã tuyệt vọng, gần như không muốn chờ đợi nữa thì cơ hội lại lặng lẽ tiến đến.

Sáng sớm, Uyên Thái Tộ đang đọc sách dưới tán cây thì có vài tiếng rối loạn vang lên. Nửa năm qua trong nhà im ắng đến đáng sợ, hầu như chưa từng có bất kì âm thanh gì. Đôi khi lão không nhịn nổi mắng to mấy binh lính phụ trách trông coi bên ngoài để mong được ăn chửi lại, nhưng họ lại không thèm để ý đến lão.

Sự vắng lặng dài ngày khiến Uyên Thái Tộ cực kì mẫn cảm với âm thanh, một chút tiếng động nhỏ thôi cũng sẽ làm lão kinh ngạc. Lão lập tức đứng lên nghe ngóng xem bên ngoài xảy ra chuyện gì.

Lúc này khóa sắt cửa được mở ra, kêu “kẽo kẹt” một tiếng, cửa sắt hoen rỉ gần như sắp rụng ra. Một nhóm binh lính lớn tràn vào, mỗi người đều cầm đao thương âm u đầy nghiêm nghị.

Đi phía sau đám lính là một người quan quân, dáng vẻ khôi ngô cao lớn, ánh mắt sắc bén, đầu đội kim quan. Uyên Thái Tộ nhận ra người này, đây chính là Quyền vương tối cao của triều Tùy, Sở vương Dương Nguyên Khánh. Lão lập tức ngây người.

Dương Nguyên Khánh thấy vẻ mặt kinh ngạc của lão không khỏi khẽ mỉm cười:

- Uyên Tướng quốc không biết ta sao?

Uyên Thái Tộ lui ra sau một bước. Hơn nửa năm bị nhốt đã mài mòn sự ngạo mạn của lão. Hơi khom người, lão thi lễ:

- Thì ra là Sở Vương điện hạ!

Dương Nguyên Khánh nhìn vào trong nhà:

- Ở đây cũng sạch sẽ, chúng ta cứ đứng trong sân nói chuyện đi.

Binh lính lập tức nâng đến một cái giường ngồi, trên đó lại đặt một cái bàn nhỏ. Dương Nguyên Khánh khoát tay:

- Mời Uyên Tướng quốc!

Uyên Thái Tộ đầu óc trống rỗng. Lão gần như dựa vào bản năng ngồi xuống cùng Dương Nguyên Khánh. Một gã thân binh bưng hai chén trà dâng lên. Dương Nguyên Khánh thấy lão vẫn còn mê man, cười hỏi:

- Uyên Tướng quốc bất ngờ vì ta tới sao?

Uyên Thái Tộ hơi lấy lại tinh thần. Dù sao lão cũng là quyền tướng của Cao Ly, kinh nghiệm và lòng dạ rất sâu. Chẳng qua bị nhốt nửa năm nên phản ứng lão trở nên chậm chạp một ít, nhưng chỉ cần kịp phản ứng lão sẽ rất nhanh lấy lại khí độ của một Tướng quốc.

Uyên Thái Tộ nâng chén trà hớp một chút, vẻ mờ mịt trong ánh mắt không còn, thay vào đó và vẻ thâm thúy. Lão đặt chén trà xuống, thản nhiên nói:

- Sở Vương điện hạ trăm công ngàn việc, sao hôm nay lại có thời gian gặp kẻ bại tướng như ta vậy?

Lão tung thử một câu thăm dò. Tại sao Dương Nguyên Khánh lại tới gặp lão, chẳng lẽ lão có giá trị nào đó hay sao?

Dương Nguyên Khánh có vẻ cũng biết lão sẽ hỏi vậy, mặt không biểu tình nói:

- Ta quả thật bận nhiều việc, nếu không phải có một việc xảy ra có lẽ ta cũng không nhớ nổi ngài. Ta cũng không gạt Uyên Tướng quốc, hôm qua ta tiếp kiến sứ giả bí mật do quốc vương Tân La phái tới. Y muốn làm một vụ giao dịch với ta, ngài có biết là cái gì không?

Vẻ mặt Uyên Thái Tộ biến sắc. Tân La là đối thủ một mất một còn của Triều Tiên, mấy chục năm nay số người chết trong tay Tân La không biết bao nhiêu trăm ngàn người. Bọn họ đến tìm Dương Nguyên Khánh để giao dịch tất nhiên sẽ có liên quan với mình.

Lão hơi khẩn trương, bất an hỏi:

- Chẳng lẽ người Tân La muốn đầu của ta?

Dương Nguyên Khánh gật đầu:

- Đúng là vậy, bọn họ chuẩn bị mua đầu của ngài với cái giá khá là hấp dẫn.

Uyên Thái Tộ cúi đầu. Người Tân La muốn giết lão là điều có thể đoán được, nhưng chẳng lẽ Dương Nguyên Khánh cứ giao mình cho chúng đơn giản vậy sao? Vậy mà còn nói rằng cái giá rất hấp dẫn nữa.

Lúc này Dương Nguyên Khánh lại tiếp tục nói:

- Nếu quốc vương Tân La làm giao dịch cùng ta vào mấy tháng trước thì ta chưa chắc đồng ý, nhưng giờ ….

Dương Nguyên Khánh hơi tiếc nuối lắc đầu, không nói thêm gì nữa. Nhưng Uyên Thái Tộ hiểu được ý Dương Nguyên Khánh định nói, vì giờ đây con lão Cái Tô Văn nắm quyền nên lão đã không còn giá trị lợi dụng.

- Đường đường là Sở Vương Đại Tùy, là nhân vật quyền nghiêng thiên hạ, chẳng lẽ chỉ vì năm đấu gạo mà khom lưng sao?

Uyên Thái Tộ trầm giọng nói.

Dương Nguyên Khánh mỉm cười:

- Đây không phải vấn đề năm đấu gạo gì, mà là một vụ giao dịch. Nhưng ta tìm Uyên Tướng quốc là cho Tướng quốc một cơ hội.

Uyên Thái Tộ bỗng hiểu ý của Dương Nguyên Khánh. Vì mình mất đi giá trị chính trị nên Dương Nguyên Khánh mới muốn đổi mình lấy một khoản tiền. Đổi với Tân La hay Triều Tiên thì cũng là đổi, hắn muốn ở giữa hai bên cò kè mặc cả để đạt được ích lợi lớn nhất.

Uyên Thái Tộ lập tức không ức chế nổi sự kích động trong lòng, thanh âm run rẩy nói:

- Ta có thể đưa tiền chuộc cho Sở Vương điện hạ đổi lấy tự do của ta.

Dương Nguyên Khánh trầm tư một hồi rồi chậm rãi nói:

- Có câu này ta phải nói trước. Ta giao Tướng quốc cho Tân La thật ra không phải vì tiền mà là vì muốn kết minh với Tân La, vì vậy nếu ngài muốn tự do thì nhất định phải trả giá cao hơn so với việc kết minh với Tân La. Ngài là quyền tướng của Triều Tiên, chắc hẳn phải hiểu ích lợi chính trị này.

Uyên Thái Tộ yên lặng gật đầu:

- Ta hiểu, điện hạ ra giá đi!

Dương Nguyên Khánh lấy một bản công văn đặt lên bàn:

- Ta muốn ba mươi ngàn tấn lương thực. Nếu Uyên Tướng quốc đáp ứng xin kí tên lên công văn, ta sẽ phái người đưa công văn cho lệnh lang. Một khi lương thực đưa tới Liêu Hà ta sẽ thả Tướng quốc, đây chính là giao dịch của chúng ta.

Triều Tùy ba lần đánh Triều Tiên, hao tổn hàng trăm ngàn tấn lương thực và vô số vật tư quân giới, tất cả trở thành chiến lợi phẩm của người Triều Tiên. Triều Tiên đầy rẫy lương thực, ba mươi ngàn tấn thừa sức lấy được, cho dù là trong kho phủ của Uyên Thái Tộ cũng có đủ lương thực.

Uyên Thái Tộ duỗi tay đè chặt công văn:

- Điện hạ là người nhất ngôn cửu đỉnh, lời nói ra không thể đổi. Chúng ta cứ quyết định như vậy …

Triều Tiên (Triều Tiên) chỉ là một tên gọi tắt, thực tế nó tên là Cao Câu Ly, là một quốc gia dân tộc thiểu số do vương tử nước Phù Dư sáng tạo, tổ tiên là người dân tộc Uế Mạch cổ xưa.

Dù là huyết thống hay chủng người thì Cao Câu Ly cũng không phải là ý nghĩa truyền thống của quốc gia bán đảo Triều Tiên. Trong phương diện phong tục tập quán ngôn ngữ thì Cao Câu Ly, Tân La và Bách Tể khác nhau rất lớn, thậm chí khi sứ thần tới còn phải dùng phiên dịch.

Cao Câu Ly đương nhiên có ngôn ngữ riêng nhưng không có chữ viết riêng mà mượn chữ Hán để ghi chép lịch sử. Thực tế cho dù là Cao Câu Ly, Tân La hay Bách Tể thì quý tộc xã hội thượng tầng đều coi việc nói tiếng Hán là vinh quang.

Thủ phủ của Triều Tiên là Bình Nhưỡng, kế bên là một tòa thành lớn gần bờ Tây Hải, thuộc vùng hạ du Bối Thủy. Bình Nhưỡng cũng là thành trì lớn nhất của bán đảo, chu vi ba mươi dặm, dân số đạt hơn hai trăm ngàn, bên trong thành đóng khoảng ba mươi ngàn quân.

Triều Tiên vốn là một quốc gia tương đối hùng mạnh ở đông bắc, nhưng sau khi trải qua ba lượt đông chinh của triều Tùy và chiến dịch Liêu Đông nửa năm trước thì sức mạnh quân sự của Triều Tiên suy yếu khá nhiều. Binh lực vẫn còn khoảng hơn trăm ngàn chủ yếu phân bố ở biên giới phía nam sông Hán để phòng ngự Tân La, tiếp theo phân bố ở phía đông Liêu Hà tại phương bắc để phòng ngự triều Tùy.

Lúc này trong nước Triều Tiên không hề bình tĩnh. Bình Nguyên vương của Triều Tiên là Cao Nguyên chết bệnh năm ngoái, con y Cao Kiến Vũ lên ngôi xưng là Vinh Lưu vương, nhưng quân quyền lớn của Triều Tiên lại nằm trong tay tể tướng Uyên Thái Tộ.

Uyên Thái Tộ bị quân Tùy bắt làm tù binh trong chiến dịch mùa xuân Liêu Đông. Con lão Uyên Cái Tô Văn nhanh chóng tiếp quản quyền lực của phụ thân, nắm giữ quân quyền của Triều Tiên.

Cái Tô Văn cũng không đóng tại Bình Nhưỡng mà là trong thành phía bắc sông Áp Lục, bố trí bảy mươi ngàn trọng binh tại đó, mặt khác ở bắc sông Hán cũng bố trí năm mươi ngàn trọng binh. Một trăm hai mươi ngàn quân này đều nằm trong tay Cái Tô Văn.

Vinh Lưu vương Cao Kiến Vũ thì ở tại thủ phủ Bình Nhưỡng, trong tay y cũng có một ít quân đội. Đây cũng chính là ba mươi ngàn quân thủ thành.

Chính vì Bình Nhưỡng được quốc vương nắm giữ nên Cái Tô Văn ít khi ở Bình Nhưỡng, mỗi tháng chỉ tới một hay hai ngày xử lí ít công vụ rồi rời khỏi để tránh bị Cao Kiến Vũ ám hại.

Kể cả trẻ con trong Bình Nhưỡng cũng biết mâu thuẫn sâu nặng giữa quân và tướng Triều Tiên.

Trưa, một thương đội từ phía bắc tiến vào thành Bình nhưỡng. Thương đội tầm hơn hai trăm con ngựa, trên lưng ngựa vác một lượng lớn da lông.

Thương nhân có vài chục người, khá hỗn tạp. Trong đám bọn họ có người Đột Quyết, người Khiết Đan, cũng có người Hán và người Triều Tiên. Cầm đầu đám thương nhân là một gã người Hán tuổi chừng ba mươi, làn da màu đồng, dáng vẻ khôi khô, thân thể cường tráng.

Bọn họ dẫn ngựa vào thành. Trên đường cái dòng người hối hả ngược xuôi vô cùng náo nhiệt, có thể nhìn ra Bình Nhưỡng quả thật là một thành trì buôn bán khá phát đạt.

Đoàn người họ đi vào thành được khoảng hai dặm thì vào trong một quán trọ, có cả tiệm cơm và phòng ở, diện tích rất lớn, chừng mười mẫu đất.

Thương nhân cầm đầu nhìn vào bảng hiệu trên quán trọ, có một chữ Hán: “Nhã”. Gã gật đầu, dùng tiếng Hán nói với mọi người:

- Các vị, đến rồi. Hôm nay nghỉ ngơi trước, mai mới bán hàng.

Một gã tiểu nhị vội chạy tới. Gã kiến thức khá rộng, có thể nói vài lời tiếng Hán nên nhiệt tình tiếp đón khách nhân:

- Đồ ăn trong quán nhỏ rất rẻ mà ngon, phòng trọ cũng sạch sẽ, vài vị khách thương đường xa đều ở trọ ở chỗ chúng tôi đó.

Thủ lĩnh gật đầu, dẫn mọi người đưa ngựa vào quán trọ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.