[Dịch] Thiên Hạ Kiêu Hùng

Quyển 18-Chương 3 : Mưu đồ của Tô Uy




Tết Trung Nguyên vẫn tiếp tục diễn ra trên đường Tấn Dương và sông Tấn Dương, nhưng một số con đường nhỏ ở phía tây thành lại hết sức yên tĩnh. Tuy các nhà cũng treo hoa đăng, bồn vu lan trước cửa nhưng người đi đường rất thưa thớt, hầu hết người dân thành Thái Nguyên đều chạy đến con đường chính và bờ sông.

Lúc này, một chiếc xe ngựa từ xa đi đến, phía sau là hơn chục tên tùy tùng. Xe ngựa tiến đến trước một tòa nhà lớn thì dừng lại. Trên đèn lồng treo trước cửa lớn viết hai chữ “Đỗ phủ”, đây chính là phủ đệ của Đỗ Như Hối.

Một gã tùy tùng tiến lên bậc thềm gọi cửa. Một gương mặt già nua hiện ra bên cửa sổ xe ngựa, chính là thủ tịch Tướng quốc triều Tùy, Tô Uy.

Tuổi tác Tô Uy đã cao, ít tham gia chính vụ. Sự tồn tại của lão chủ yếu là để tượng trưng cho sự kéo dài của Đại Tùy.

Dương Nguyên Khánh cực kỳ coi trọng vị danh thần khai quốc của Đại Tùy này. Mặc dù lão không đức cao vọng trọng bằng Cao Quýnh, khuyết điểm cũng không ít, nhưng sự tồn tại của lão có tác dụng ổn định triều đình, về mặt này, không ai có thể so với Tô Uy.

Tô Uy đến tìm Đỗ Như Hối là có việc quan trọng.

Chỉ chốc lát, cửa lớn của Đỗ phủ mở ra, Đỗ Như Hối đích thân ra ngoài tiếp đón. Thật ra chủ nhà cũng không cần phải ra tận cửa đón khách, thường phái thế hệ con cháu hoặc huynh đệ gì đó ra cửa đón chào là được rồi. Nhưng Đỗ Như Hối biết, Tô Uy này rất kiêu ngạo, thường hay để ý các loại nghi lễ như thế này, mình ra tận cửa nghênh tiếp, lão cảm thấy thoải mái nhiều lắm.

Tô Uy thấy Đỗ Như Hối tự mình ra khỏi cửa thì cười híp mắt. Quả nhiên là Đỗ Như Hối rất kính trọng mình. Lão từ trong xe ngựa bước ra, Đỗ Như Hối hoảng hốt tiến lên phía trước đỡ lấy lão:

- Lão Tướng quốc cẩn thận!

- Ha ha! Làm phiền Đỗ Tướng quốc quá.

Đỗ Uy xuống khỏi xe ngựa, đứng thẳng lưng, cười tủm tỉm:

- Hôm nay đã quấy rối sự nghỉ ngơi của Đỗ Tướng quốc rồi.

- Không có! Không có! Đúng ra là vãn bối phải đến quý phủ mới phải.

Tô Uy gật đầu:

- Chúng ta vào nhà rồi nói!

- Tô Tướng quốc, mời!

Đỗ Như Hối đi trước dẫn đường, đưa Tô Uy tới thư phòng của mình. Hai người vừa bước vào phòng, Tô Uy thấy ngọn đèn dầu trong phòng sáng ngời, lưu hương ở góc phòng phả ra khói xanh lượn lờ, trên bàn để một quyển tấu chương, hình như mới viết được một nửa.

Hai người phân chủ khách ngồi xuống, một thị nữ dâng trà lên, Tô Uy chỉ vào bàn hỏi:

- Đỗ Tướng quốc còn đang viết tấu chương sao?

Đỗ Như Hối gật đầu, thở dài nói:

- Lương thực của triều đình không đủ, hiện tại còn đánh hạ Trung Nguyên, còn cần chi một lượng lớn tiền lương. An trí dân chúng, nói thật, ta thật sự buồn bực, không có lương thực, có giỏi mấy cũng thế, không bột đố gột nên hồ, người đàn bà khéo cũng không thể thổi cơm khi không có gạo!

Trên danh nghĩa thì Tô Uy đứng đầu năm Tướng quốc, nhưng Đỗ Như Hối đảm nhiệm Thượng Thư Tả Phó Xạ, nắm quyền chi tiêu trong triều đình. Chi phí tiền lương của triều đình cũng do một tay y chịu trách nhiệm xét duyệt, áp lực quả thật rất lớn.

Lần này Dương Nguyên Khánh đánh Trung Nguyên, mặc dù Đỗ Như Hối không phải là người phản đối, nhưng y cũng không ủng hộ, giữ vững trung lập. Hiện tại y cực kỳ buồn phiền vì vấn đề lương thực.

Tô Uy hiểu được chỗ khó xử của Đỗ Như Hối, lão cũng cười nói:

- Nửa năm sau chuyện Hà Bắc, vốn tưởng rằng có thể nghỉ lấy hơi nhưng chuyện Trung Nguyên lại đến, hết lần này tới lần khác lương thực thiếu hụt, chỗ khó xử của Đỗ Tướng ta có thể hiểu được.

Hai người đều cười khổ, oán hận ôm oán hận. Nhưng nói về đại cục, cướp đoạt Trung Nguyên thành công đúng là đáng để ăn mừng. Tô Uy lại nói:

- Cướp đoạt Trung Nguyên, mặc dù cuộc sống có eo hẹp đi một chút, nhưng chỉ cần tiết kiệm là được, vẫn có thể vượt qua cửa ải khó khăn này. Nhưng chiến lược cướp lấy Trung Nguyên thì không phải là chuyện đùa, đây chính là chúng ta đã cướp được điểm then chốt của thiên hạ.

Đỗ Như Hối gật đầu:

- Cái này ta cũng biết, điện hạ cướp đoạt Trung Nguyên là đại sự khiến trên dưới triều đình đều cực kỳ phấn chấn. Nghe nói chiến lợi phẩm thu được có không ít lương thực, cộng dồn lại đến hơn ba trăm ngàn thạch lương thực, chí ít cũng có thể ứng phó Trung Nguyên trong nửa năm, còn quân đội có thể độn điền (tham gia làm ruộng), có thể rút ngắn mùa vụ. Ta nghĩ có thể vượt qua cái cửa ải khó khăn này.

Dĩ nhiên là Đỗ Như Hối biết, trễ thế này Tô Uy còn đến tìm mình, tất nhiên không chỉ đơn giản là để tâm sự chuyện lương thực, chắc chắn là đến vì đại sự. Trầm ngâm một chút, Đỗ Như Hối liền hỏi thử:

- Hình như Tô Tướng đang có chuyện gì đó?

- Đương nhiên, vô sự bất đăng môn mà!

Tô Uy cười thần bí, nhấp một ngụm trà, không chút hoang mang nói:

- Thật ra ta lo lắng một việc, chính là tước vị của Sở Vương Điện hạ. Lần này chiến dịch Trung Nguyên kết thúc, ta nghĩ thời cơ đã chín muồi rồi.

Đỗ Như Hối không nói gì, cúi đầu uống chén trà, nghe Tô Uy nói tiếp. Tô Uy thấy vẻ mặt Đỗ Như Hối bình thản, trong lòng nao nao, lại nói:

- Thật ra sau khi chiến dịch Hà Bắc kết thúc, ta đã nghĩ đến chuyện này, ta cũng đã nói qua với Sở Vương nhưng ngài cũng không bày tỏ thái độ. Sở dĩ sau khi kết thúc chiến dịch Hà Bắc, việc này không được giải quyết, theo ta thì là vì Sở Vương nghĩ lúc đó thời cơ chưa chín. Nhưng hiện tại, chiến dịch Trung Nguyên đã kết thúc, chúng ta chiếm được thượng phong, cho dù là uy vọng hay công tích thì Sở Vương cũng đã đạt đến tầm cao mới. Ta nghĩ thời cơ đã đến, cho nên hôm nay mới tới tìm Đỗ Tướng quốc.

Nói đến đây, ánh mắt Tô Uy đầy ẩn ý nhìn thoáng qua Đỗ Như Hối, ánh mắt như dò hỏi: “ngươi nghĩ sao?”

Đỗ Như Hối vẫn trầm tư như cũ. Chuyện này thì y cũng từng nghĩ qua, có điều là không suy nghĩ chín chắn. Theo như y thấy thì điều kiện còn thiếu chút xíu, vẫn chưa có cảm giác nước chảy thành sông. Mấu chốt là chưa lấy được Lạc Dương và Trường An thì đế vương khí vẫn còn chưa hoàn toàn ngưng tụ.

Đỗ Như Hối thở dài nói:

- Tâm tư của Tô Tướng quốc ta hiểu được, thật ra thì trong triều cũng có không ít người đề cập tới chuyện này, nói Sở Vương đăng cơ là vì mục đích chung, nhưng ta nghĩ quyền quyết định cuối cùng vẫn là ở Sở Vương Điện hạ. Tô Tướng quốc không cảm thấy trong chuyện này, Điện hạ cũng không nóng lòng hay sao?

Tô Uy sửng sốt:

- Vì sao Đỗ Tướng quốc lại nói lời này? Vì sao nói Điện hạ không nóng lòng?

Đỗ Như Hối chậm rãi nói:

- Thật ra ta cũng rất chú ý đến suy nghĩ của Sở Vương Điện hạ. Nếu ngài thật sự có ý định đăng cơ, vậy thì nhất định phải đánh hạ Lạc Dương, dời đô thành về phía nam. Dù sao Thái Nguyên cũng chỉ là thủ đô thứ hai, không có Lạc Dương thì không thể danh chính ngôn thuận. Nhưng mà Điện hạ lại không có ý định đánh hạ Lạc Dương, có thể Điện hạ chỉ là vì chiến lược, nhưng ta nghĩ, bất cứ cái chiến lược nào cũng không thể so với nguyện vọng đăng cơ của Điện hạ. Chỉ có thể nói ý đồ đăng cơ của điện hạ cũng không quá mãnh liệt.

Tô Uy cũng lâm vào trầm tư. Lão phải thừa nhận là Đỗ Như Hối nói rất có lý, nếu như Sở Vương thật sự muốn đăng cơ, vậy thì tất nhiên phải đánh chiếm Lạc Dương, nhưng Sở Vương lại không có cái ý này.

- Có điều, nếu chỉ vì Sở Vương Điện hạ không đánh hạ Lạc Dương mà nói rằng ngài không có ý định đăng cơ, ta cảm thấy còn có chút cảm tính. Đỗ Tướng, hẳn là chúng ta nên tìm Sở Vương Điện hạ xác nhận chuyện này.

Đỗ Như Hối gật đầu:

- Chuyện này cứ để ta xác nhận!

Dừng một chút, y lại cười rồi bổ sung:

- Đương nhiên là ta sẽ đem nguyện vọng mãnh liệt của Tô Tướng quốc là muốn Sở Vương đăng cơ truyền đạt lại với Điện hạ.

Tô Uy cười híp mắt, nói Đỗ Như Hối không quá am hiểu đạo lý đối nhân xử thế, lời ấy thật quá sai lầm!

Quân đội của Dương Nguyên Khánh đã kết thúc chiến dịch Trung Nguyên. Hắn bổ nhiệm Từ Thế Tích làm Tổng quản binh mã Huỳnh Toánh, thống lĩnh năm mươi ngàn quân lính trấn thủ quận Toánh Xuyên. Đồng thời bổ nhiệm Ngưu Tiến Đạt làm Đoàn luyện sứ Trung Nguyên, chiêu mộ ba mươi ngàn quân ở Trung Nguyên. Còn quân đội thì phân ra trú đóng ở Hà Đông, Hà Bắc. Dương Nguyên Khánh thống lĩnh ba mươi ngàn quân tinh nhuệ theo đường bộ trở về Thái Nguyên.

Mấy chục ngàn quân Đường bị bắt sống được tạm thời bố trí ở các đồn điền thuộc quận Hà Nội. Những quân nhân này đều là người Quan Trung và người Thục, Dương Nguyên Khánh dự tính dùng số hàng binh này đổi lấy lương thực của triều Đường để giải quyết vấn đề thiếu lương thực của triều Tùy.

Buổi tối hôm nay, đại quân của triều Tùy đã về đến quận Thái Nguyên, còn cách thành Thái Nguyên hơn ba mươi dặm thì đóng quân nghỉ ngơi ở bên cạnh bờ sông.

Ánh trăng tròn như cái khay bạc, chiếu ánh sáng trong suốt xuống cả vùng đất. Binh lính quân Tùy cũng thả xuống nước mấy nghìn âm đăng, ký thác niềm thương nhớ với các tướng sĩ tử trận.

Dương Nguyên Khánh đứng trên bờ, yên lặng nhìn về phía một chiếc thủy liên đăng khổng lồ chứa đựng ước nguyện các tướng sĩ tử trận có thể yên nghỉ, sau đó nhận lấy cây đuốc, châm vào khay dầu hỏa trong thủy liên đăng. Ngọn lửa bốc lên, mấy tên lính dùng sức đẩy thủy liên đăng ra giữa dòng sông. Thủy liên đăng theo sóng nước phập phồng, dần dần trôi theo dòng nước.

Lúc này, một gã kỵ binh từ trong đại doanh chạy vội tới, từ xa đã cao giọng hô:

- Tổng quản!

- Chuyện gì?

Dương Nguyên Khánh tiến lên hỏi.

- Đỗ Tướng quốc tới, đang chờ Tổng quản trong lều lớn.

Dương Nguyên Khánh gật đầu, bước nhanh tới bên cạnh chiến mã, xoay người lên ngựa, thúc giục chiến mã. Mấy trăm thân vệ lập tức theo hắn chạy về đại doanh.

Trong lều lớn trung quân, Đỗ Như Hối và Lý Tĩnh đang đứng trước sa bàn, thưởng thức thành quả của lần đại chiến Trung Nguyên này.

Tay Lý Tĩnh cầm cây gỗ chỉ về phía nam nói:

- Lần chiến dịch Trung Nguyên này, ngoại trừ ba quận Nam Dương, Tích Dương và Nhữ Nam ra, các quận còn lại của Trung Nguyên đều bị chúng ta thu thập. Hơn nữa, ở quận Lương, quân Ngụy của Lý Mật cũng đang từng bước rút lui. Ngày quân Ngụy hoàn toàn rút khỏi, quận Lương cũng sẽ nhập vào bản đồ Đại Tùy chúng ta.

Đỗ Như Hối trầm tư một chút rồi hỏi:

- Vì sao không lấy quận Nam Dương và quận Tích Dương?

Lúc này, từ phía sau truyền đến tiếng cười của Dương Nguyên Khánh:

- Hai quận kia dùng để hòa hoãn, quân Đường không trú quân, chúng ta cũng không trú quân. Đây là thỏa hiệp giữa ta và Lý Hiếu Cung.

Đỗ Như Hối quay đầu lại, thấy Dương Nguyên Khánh từ ngoài trướng đi vào liền vội vã khom người thi lễ:

- Hạ quan Đỗ Như Hối tham kiến Sở Vương Điện hạ!

- Đỗ Tướng quốc giải quyết triều chính đã cực khổ rồi.

Dương Nguyên Khánh nở nụ cười, tiến lên phía trước cầm lấy cây gỗ chỉ về hướng hai quận Nam Dương và Tích Dương, tiếp tục giải thích:

- Hai quận này đều giống quận Hoằng Nông, đều bị Phục Ngưu Sơn vắt ngang qua, có nhiều vùng núi, thiếu thốn ruộng cày, nhân khẩu không nhiều, không có ý nghĩa lớn về mặt chiến lược. Ta cũng không nghĩ đến chuyện có đường biên giới trực tiếp giáp với quân Đường, vì thế ta và Lý Hiếu Cung đã đạt thành hiệp nghị.

Dừng một chút, Dương Nguyên Khánh nói tiếp:

- Đương nhiên, nếu như triều Đường không chịu thừa nhận hai quận hòa hoãn này, vậy thì quân Tùy chúng ta sẽ không chút do dự mà chiếm lấy chúng.

Đỗ Như Hối gật đầu:

- Ý của Điện hạ, ty chức đã hiểu, cũng là tạm thời không lấy mà thôi.

Dương Nguyên Khánh nở nụ cười:

- Cặp mắt Đỗ Tướng quốc quả nhiên rất tinh tường. Hiện tại triều đình rất khó gánh vác chiến dịch quy mô lớn. Ta dự định nghỉ ngơi dưỡng sức một thời gian, chờ đến khi thực lực triều đình dần sung túc, Trung Nguyên khôi phục sinh cơ, sẽ không còn lo lắng, xuất binh tiêu diệt Đậu Kiến Đức.

Dương Nguyên Khánh mời Đỗ Như Hối ngồi xuống, lệnh cho thân binh dâng trà. Lý Tĩnh biết hai người có việc quan trọng cần thương lượng bèn mượn cớ rút lui, trong lều lớn chỉ còn lại hai người Dương Nguyên Khánh và Đỗ Như Hối.

Lúc này, Đỗ Như Hối mới trầm ngâm một chút rồi nói:

- Đêm nay ty chức tới gặp Điện hạ là có một đại sự muốn thương lượng với Điện hạ.

Đỗ Như Hối nhìn chăm chú vào hai mắt Dương Nguyên Khánh, chậm rãi nói:

- Chiến dịch Trung Nguyên đã kết thúc, Điện hạ có nghĩ tới việc đăng cơ hay không?


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.