[Dịch] Thiên Hạ Kiêu Hùng

Quyển 15-Chương 43 : Ai là địch ai là bạn




Lúc sáng sớm, tiếng trống trận ầm ầm vang vọng khắp vùng quê ngoài huyện thành Trác. Đại quân ba mươi ngàn của Đậu Kiến Đức vọt lên như thủy triều, phát động tiến công thẳng về phía thành nam. Từng tấm cầu gỗ được bắc qua sông phòng vệ thành, mấy trăm chiếc thang công thành được đặt ở đầu thành, mấy chục ngàn binh lính điên cuồng leo lên, làn tên như mưa từ trên thành dội xuống. Tiếng trống trận, tiếng kêu thảm thiết, tiếng hò hét vang vọng khắp trong ngoài thành trì. Tiết Vạn Triệt dẫn mười ngàn quân U Châu ngoan cường chống lại thế tiến công của đại quân Đậu Kiến Đức.

Cách đó mười dặm, quân Tùy vẫn đóng trong đại doanh, cũng dựng lên một tòa tháp cao. Trên tháp, Dương Nguyên Khánh lạnh lùng quan sát đại quân Đậu Kiến Đức tiến công huyện thành Trác. Hiện tại, hắn hoàn toàn có thể khẳng định rằng Đậu Kiến Đức chính là muốn năm ngàn kỵ binh trọng giáp.

Nhìn thế tấn công như nước thủy triều của đại quân Đậu Kiến Đức, Dương Nguyên Khánh dứt khoát hạ lệnh:

- Truyền mệnh lệnh của ta, Tạ Ánh Đăng cùng Cừu Thuận Đức đem ba ngàn cung kỵ binh gây rối thế tấn công của địch!

"Uuuuuuuuu" Trong đại doanh quân Tùy tiếng kèn vang lên, hai đoàn cung kỵ binh từ đại doanh như hai cánh giang rộng. Tuy mỗi một lính Đại Tùy đều được cấp cung tiễn nhưng kỵ binh bình thường muốn bắn tên thì phải xuống ngựa, những kỵ binh có thể chạy như bay trên chiến mã và bắn tên thì không nhiều. Cung kỵ binh chính là được huấn luyện đặc biệt, bọn họ cưỡi ngựa thành thạo, có thể sử dụng hai chân điều khiển ngựa, có thể bắn tên khi đang trong tốc độ cao, có kỵ binh thậm chí còn có thể bắn tên cả hai bên trái phải.

Khác biệt lớn nhất giữa cung kỵ binh và kỵ binh bình thường là bọn họ được trang bị mâu ngắn, tay trái cầm lá chắn, tay phải cầm mâu, mâu được cắm ở trong vỏ mâu sau ngựa, lúc nào cũng có thể rút ra tác chiến. Thứ hai là cung kỵ binh có ba túi tên đủ để đảm bảo dùng trong lúc chinh chiến.

Trong các cuộc tác chiến quy mô lớn, cung kỵ binh chủ yếu phụ trách ở bên ngoài bắn hạ địch, phá hỏng trận hình quân địch. Ở một mức độ nào đó cũng phát huy tác dụng thám báo. Cũng chính là vì như vậy nên rất nhiều quân thám báo đều xuất thân từ trong cung kỵ binh mà ra.

Sáu ngàn cung kỵ binh chia làm hai đường đánh về phía nam huyện thành Trác. Cùng lúc đó, Đậu Kiến Đức cũng ở trong đại doanh quan sát động tĩnh của quân Tùy. Quân Tùy một lần nữa quay lại cũng là nằm trong dự liệu của ông ta. Thế nhưng quân Tùy dù sao cũng không phải là đồng minh của U Châu. Nếu như ví quân U Châu là dê thì quân Tùy cùng với ông ta chính là một đám ác đang tranh giành con dê béo này.

Chỉ xem xem ai nhanh hơn, ai ra tay tàn nhẫn hơn mà thôi. Như vậy ông ta có thể đoạt được miếng thịt béo bở nhất.

Cung kỵ binh của quân Tùy một trăm người một đội, tập kích từ bốn phương tám hướng khiến cho bốn mươi ngàn binh lính công thành bị xáo trộn lớn. Điều này giống như là khi đang hưởng thụ mĩ một bữa tiệc ngon miệng thì đột nhiên lại bị một cái xương mắc chặt trong yết hầu. Tuy chỉ chết và bị thương có hơn ngàn người, thương vong cũng không lớn, thế nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình công thành, đặc biệt là các binh sĩ tiếp tục công thành từ dưới lên lên không nhiều, lại bị sĩ khí của quân của U Châu đả kích, nhất thời lại bị dồn xuống chân tường.

Đại tướng Cao Nhã Hiền phụ trách công thành, hận đến chảy máu trong tim. Y bị ép vào tình huống bất đắc dĩ, chỉ đành hạ lệnh rút quân. “Reng!Reng!Reng!”

Tiếng chuông thu binh vang lên, binh lính công thành giống như thủy triều lùi lại. Thế cục tấn công thành tràn đầy nguy cơ lập tức được hóa giải khiến binh sĩ thủ thành hoan hô một trận lớn.

Tốc độ của kỵ binh quân Tùy quá nhanh, Đậu Kiến Đức còn chưa kịp phái ra hai đội quân chặn lại thì thế cục đã có sự thay đổi. Đậu Kiến Đức giận tím mặt, quay đầu ra lệnh với đại tướng Lưu Hắc Thát:

- Dẫn cận vệ của ta giết quân Tùy!

Đậu Kiến Đức có năm ngàn kỵ binh tinh nhuệ nhất, là những kỵ binh tinh nhuệ được lựa chọn từ một trăm ngàn quân. Những người hộ vệ bên cạnh ông ta được xưng là cận vệ, bình thường sẽ không xuất chiến, nhưng hôm nay quân Tùy nhiễu loạn khiến ông ta tức sùi bọt mép, lần đầu tiên phái ra năm ngàn kỵ binh cận vệ tinh nhuệ nhất.

- Mạt tướng tuân lệnh!

Lưu Hắc Thát lập tức hét lớn đối với đám kỵ binh sau lưng Đậu Kiến Đức:

- Đi theo ta!

Năm ngàn chiến mã kỵ binh lao đi, mũi thương rậm rạp như một đám mây đen hướng về phía cung kỵ binh của quân Tùy.

Cung kỵ binh bình thường sẽ không trực tiếp tác chiến cùng quân địch. Tạ Ánh Đăng thấy một đội quân xông về phía mình, sát khí đằng đằng thì liền lập tức mệnh lệnh các binh lính bên cạnh:

- Mau thông báo cho Cừu Tướng quân, tạm thời rút lui!

Cừu Thuận Đức là một thiên tướng dưới tay Dương Nguyên Khánh, cùng đầu hàng với Vương Quân Khuếch, võ nghệ cao cường, đặc biệt là rất am hiểu thuật cưỡi ngựa bắn cung, có thể vừa chạy nhanh vừa bắn tên, trăm bước bách phát bách trúng. Dương Nguyên Khánh rất khen ngợi và còn đặc biệt thăng cho anh ta là cung kỵ lang tướng, thống soái ba ngàn cung kỵ binh.

Nhận được mệnh lệnh của Tạ Ánh Đăng, lúc này anh ta khua đoản mâu, lớn tiếng quát:

- Các huynh đệ, lui lại!

Cừu Thuận Đức điều khiển ngựa quay đầu, dẫn ba ngàn cung kỵ binh chạy về phía nam. Quân đội của Tạ Ánh Đăng cũng chạy về phía nam, rất nhanh, sáu ngàn cung kỵ binh đã rời khỏi chiến trường.

Đúng lúc này

trong đại doanh của quân Tùy truyền đến tiếng chuông thu binh. Tần Quỳnh đang tác chiến lập tức dẫn kỵ binh rời khỏi chiến trường, chạy về phía đại doanh quân Tùy.

Có nhiều cách để bức quân của Đậu Kiến Đức ngừng tiến công. Ví dụ như đại quân dàn trận lấy thế bức người, hoặc ví dụ như tập trung binh lực công kích kho lương thảo của quân địch chẳng hạn.... Thế nhưng quân Tùy lại dùng cách quấy rầy. Cách này không thể thay đổi được cục diện cuộc chiến mà chỉ có thể tạm hoãn thế tấn công của đối phương. Rất hiển nhiên, quân Tùy cũng không có ý trực tiếp ngăn cản thế công của Đậu Kiến Đức, chẳng qua là khi thế cục trở nên nguy ngập thì mới nhanh chóng ra tay để làm tan rã thế công của quân Đậu Kiến Đức.

Đậu Kiến Đức cũng ý thức được ý đồ của quân Tùy. Quân Tùy là đang lợi dụng quân của ông ta để làm suy yếu thực lực quân coi giữ, đồng thời lại không cho ông ta đánh hạ thành. Đậu Kiến Đức cũng hạ mệnh lệnh tạm thời ngừng công thành, binh lính rút về doanh trại, hai bên chỉnh đốn lại quân mã tạo thành thế giằng co dưới huyện thành Trác...

Trong ngày đầu tiên công thành, La Nghệ không có bất cứ động tĩnh gì. Y vẫn giữ sự trầm mặc, thậm chí không xuất binh cứu viện thành trì của mình mà chỉ đẩy đại doanh về phía trước năm dặm, trú đóng tại phía đông bắc cách huyện Trác mười dặm.

La Nghệ đã nhận được tình báo, quân Tùy lại quay trở lại huyện thành Trác. Hắn hiểu rất rõ ràng, quân Tùy tuyệt đối sẽ không để Đậu Kiến Đức công phá thành. Quân Tùy đã muốn thay y ra mặt thì y việc gì phải làm?

La Nghệ muốn bảo tồn thực lực của mình, chỉ phái thám báo đi tìm hiểu tình hình trước. Còn ba mươi ngàn quân U Châu của y vẫn án binh bất động ở ngoài mười dặm.

Trước đại doanh quân U Châu cũng có xây một tòa tháp cao ba trượng để quan sát, suốt cả buổi sáng, La Nghệ đều đứng trên tháp quan sát chiến cuộc. Tuy y không xuất binh nhưng y là người quan tâm nhất tới tiến triển cuộc chiến so với bất kỳ ai.

Hết đội thám báo này đến đội thám báo khác quay về trở về báo cáo chiến cuộc liên tiếp gấp gáp như đèn kéo quân vậy. Khi nghe nói quân Tùy xuất kỵ binh công kích phía sau quân công thành của Đậu Kiến Đức, trái tim đầy lo âu của y mới đột nhiên được thả lỏng.

Lúc này, một đội lính gác hộ vệ dẫn mấy quan viên quân Tùy chạy như bay tới, rất nhanh đã đến cửa doanh trại. Một tên lính gác tiến lên bẩm báo:

- Khởi bẩm Vương gia, sứ giả quân Tùy tới gặp!

La Nghệ gật gật đầu, nói với thân vệ bên người:

- Hãy mời Tùy sứ đến lều phụ trung quân gặp mặt!

Y xuống đài quan sát, phi ngựa quay trở lại lều lớn, vừa trở lại thì thân binh cũng đã dẫn sứ giả quân Tùy tới. Đó là một quan quân văn tầm ba mươi tuổi.

Tùy sứ tiến lên khom người thi lễ:

- Phó tham quân Thi Vinh quân Tùy tham kiến La tổng quản!

La Nghệ khoát tay chặn lại:

- Thi tham quân xin mời ngồi.

Lúc này, con trai thứ hai của La Nghệ là La Thành cũng đi vào lều lớn, đứng phía sau phụ thân. Tâm trạng của anh ta có chút phức tạp. Có lẽ là do anh ta đã từng ở dưới tay Dương Nguyên Khánh, nội tâm của anh ta có thiên hướng về triều Tùy.

Anh ta cảm thấy Dương Nguyên Khánh đã phái sứ thần tiến tới thì còn có chỗ để thương lượng. Anh ta cũng không rõ vì sao phụ thân mình lại không chịu đầu hàng triều Tùy. Khi xưa phụ thân cũng là kẻ dưới tay Dương Nguyên Khánh. Cho dù nghĩ như vậy nhưng dù sao anh ta cũng là nhi tử, nhất định phải theo phụ thân của mình.

Thi Vinh ngồi xuống, lấy từ trong ngực ra một phong thư đưa cho La Nghệ, cười nói:

- Đây là phong thư đích thân Sở Vương điện hạ gửi La Tướng quân, mời tướng quân xem!

La Thành tiến lên nhận thư rồi dâng lên cho cha. Anh ta liếc mắt nhìn thoáng qua, trên phong thư có ghi mấy chữ "Gửi tướng quân La Nghệ, đốc quân Phủ Bắc Bình, tổng quản U Châu”

Đây là chức quan chính thức của La Nghệ ở triều Tùy. Tổng quản U Châu là do y tự phong, quận vương Bắc Bình là tước vị mà triều Đường cấp cho y. Triều Tùy tuyệt đối không thể thừa nhận, cho nên Dương Nguyên Khánh dựa theo chức quan của triều Tùy để xưng hô với y. Điều này khiến trái tim La Thành khẽ động, anh ta đã ngầm đoán được nội dung bức thư.

La Nghệ nhìn chằm chằm vào hàng chữ "Tổng quản Tịnh Châu Dương Nguyên Khánh gửi tướng quân La Nghệ, đốc quân Phủ Bắc Bình, tổng quản U Châu " trên bì thư.

Trong lòng y không khỏi cười lạnh một tiếng. Dương Nguyên Khánh không chịu thừa nhận La Nghệ là tổng quản U Châu nhưng Dương Nguyên Khánh lại tự nhận là tổng quản Tịnh Châu. Như thế chẳng phải cũng giống như tự phong sao?

La Nghệ mở thư, nội dung trong bức thư lại khiến y giật mình hoảng sợ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.