[Dịch] Thiên Hạ Kiêu Hùng

Quyển 15-Chương 40 : La Cao chia rẽ




Quận Bắc Bình thời Tùy nằm ở phía đông Đường Sơn ngày nay, cũng là Lô Long Tiết Độ Phủ thời nhà Đường. Phía Bắc quận là Lâm Du Quan, là con đường trọng yếu liên kết giữa Hà Bắc cùng Liêu Đông. Quận Bắc Bình cũng thuộc U Châu, nhưng hiện tại đang nằm trong tay của Cao Khai Đạo.

Cao Khai Đạo có đại quân hơn mười vạn người, tự xưng Yến Vương. Giống như Ngụy Đao Nhi, y cũng là tát ao bắt cá. Ở Liêu Đông cùng quận Bắc Bình, cứ hễ con trai đến tuổi mười bốn là phải tòng quân. Dẫn đến nông nghiệp bị hoang phế, dân đói khắp nơi. Sở dĩ y vẫn có thể sống sót là nhờ La Nghệ trợ cấp lương thực cùng một ít lương thực còn sót lại sau cuộc chiến ở Triều Tiên.

Cao Khai Đạo không có nguồn mộ binh. Mười vạn đại quân của y nếu chết một người thì sẽ thiếu đi một người. Cho nên khi nhận được tin tức hai vạn quân đội của y toàn bộ bị tiêu diệt, Cao Khai Đạo cảm thấy cực kỳ đau lòng, đồng thời dấy lên một tia sợ hãi với quân Tùy. Ý định hợp tác với La Nghê bắt đầu có chút dao động.

Càng làm cho Cao Khai Đạo khổ sở chính là em mình Cao Văn Thông cũng đã chết. Cao Văn Thông là em ruột của y, cũng là người thân duy nhất của y trên đời này. Hôm nay huynh đệ sinh không gặp người, chết không thấy thi thể. La Nghệ phái người nói cho y, quân Tùy phục kích, em của y là bị chết trong loạn quân. Điều này khiến Cao Khai Đạo khó có thể tiếp nhận. Nhưng đệ đệ đến nay không có một chút tin tức. Cao Khai Đạo minh bạch, trên thực tế em của y đã chết trận rồi.

Trong quân nha ở thành Lô Long, Cao Khai Đạo đang chắp tay phía sau, đi qua đi lại trong phòng. Năm nay Cao Khai Đạo hơn bốn mươi tuổi, vóc người khôi ngô, đầu lớn như cái đấu, tướng mạo hung ác, võ nghệ cao cường. Tướng mạo của y với đệ đệ Cao Văn Thông cực kỳ giống nhau. Nhưng khác với Cao Văn Thông ở chỗ, Cao Khai Đạo làm người giả dối, thận trọng, không giống đệ đệ ngu ngốc như vậy.

Đứng một bên là quân sư Tôn Gia Duyên đang tận tình khuyên bảo y:

- Vương gia, môi hở răng lạnh, nếu như La Nghệ xong đời rồi, kế tiếp chính là đến quân Liêu Đông. Vì sinh tử tồn vong của chúng ta, thuộc hạ cho rằng, tướng quân nên liên hợp với quân U Châu đối phó với quân Tùy.

Tôn Gia Duyên là người quận Bột Hải, trước là tham quân cho Cách Khiêm. Sau khi Cách Khiêm bại vong, Cao Khai Đạo lui về bắc, y dần dần được Cao Khai Đạo tín nhiệm mà trở thành quân sư cho Cao Khai Đạo. Năm ngoái Cao Khai Đạo muốn chiếm đoạt một nhánh quân đội của Cao Đàm Thịnh ở Liêu Đông, vẫn là nhờ Tôn Gia Duyên bày một Hồng Môn Yến mà dễ dàng đoạt được. Từ đó Cao Khai Đạo hầu như đối với Tôn Gia Duyện là nói gì nghe đấy.

Việc liên hợp với La Nghệ cũng là do Tôn Gia Duyên hết lời thúc đẩy. Nhưng hai vạn quân toàn bộ bị diệt đả kích Cao Khai Đạo cực kỳ trầm trọng. Khiến y đối với việc liên hợp cảm thấy chần chừ.

Cao Khai Đạo thở dài nói:

- Thế nhưng La Nghệ biết đệ đệ của ta đi chịu chết nhưng không ngăn trở, cũng không phái viện quân, bỏ mặc hai vạn quân toàn bộ bị diệt. Y cũng không hướng ta xin lỗi. Hiện tại lại muốn ta tiếp tục xuất binh, làm sao ta lại không khó chịu.

- Thuộc hạ cho rằng La Nghệ chắc đã khuyên can nhị tướng quân. Nhưng nhị tướng quân không nghe. Vương gia hẳn là biết tính cách của nhị tướng quân, hơn nữa vừa là ban đêm…

Tôn Gian Duyên nhìn ra tâm tư của Cao Khai Đạo. Luôn miệng nói La Nghệ bất nhân bất nghĩa, trên thực tế là Cao Khai Đạo e sợ quân Tùy, sợ binh lực còn lại toàn bộ bị đánh bại.

Tôn Gia Duyên lại vộ vã khuyên y:

- Hai mươi ngàn quân bị đánh tan cũng không phải là do sức chiến đấu của quân ta yếu. Do lúc đó vào ban đêm, khu vực lại chật hẹp. Bất kỳ quân đội nào rơi vào tình cảnh đó sẽ không có khả năng chuyển bại thành thắng. Vấn đề chỉ bại nhiều hay bại ít. Mặt khác, hai mươi ngàn quân đó chỉ là lính mới tuyển, huấn luyện không tinh, sĩ khí không cao. Nếu như là quân Yến trong tay Vương gia, có lẽ tình huống sẽ khác.

Trong tay Cao Khai Đạo có hai nhánh quân đội. Một nhánh là ba vạn lão binh có được từ Đậu Tử Cương, đều đang ác chiến với loạn phỉ, rất là dũng mãnh thiện chiến, được xưng là quân Yến. Mặt khác bảy vạn người là từ trong tay loạn phỉ Cao Đàm Thịnh. Được xưng là quân Liêu Đông. Sĩ khí cùng sức chiến đấu đều rất yếu. Hai vạn quân bị diệt lần này toàn bộ là quân Liêu Đông.

Cao Khai Đạo lại thở dài:

- Tiên sinh nói có lý.

Tôn Gia Duyên thấy Cao Khai Đạo đã bị thuyết phục, liền xuất đòn sát thủ:

- Nhị tướng quân vong trận, khiến toàn quân trên dưới đều đau buồn. Lẽ nào Vương gia không muốn vì Nhị tướng quân báo thù, khiến Nhị tướng quân chết oan trên tay của quân Tùy?

Trong mắt Cao Khai Đạo hiện lên một tia thù hận. Cao Văn Thông là em ruột của y, là người thân duy nhất của y, vậy mà đã chết trong tay quân Tùy. Y làm sao có thể từ bỏ ý đồ phục thù.

Đúng lúc này, một gã thân binh đứng ở cửa bẩm báo:

- Khởi bẩm Vương gia, quân Tùy phái sứ giả tới, đang đứng ở ngoài cửa.

Tin tức đột nhiên này khiến Cao Khai Đạo ngây ngẩn cả người. Quân Tùy phái sứ giả tới làm cái gì? Tôn Gia Duyên cũng đứng lên, vội la lên:

- Vương gia, không thể ra gặp sứ giả Tùy. Bọn họ nhất định là muốn ly gián quân ta với quân U Châu, nên phải giết!

Thân binh đi lên nói vào tai Cao Khai Đạo vài câu. Cao Khai Đạo hai mắt dần híp lại, y đứng lên nói:

- Vẫn nên đi xem!

Y không để ý tới Tôn Gia Duyên mà bước nhanh ra ngoài. Tôn Gia Duyên không biết xảy ra chuyện gì, cũng vội vàng đi theo.

Bên ngoài cửa thành phía Tây, một đội hơn mười người quân Tùy tạo thành sứ đoàn, đang lẳng lặng đừng chờ ở quan đạo. Phía sau bọn họ có một chiếc xe ngựa, bốn phía là quân sĩ của Cao Khai Đạo bao vây xung quanh như lâm đại địch.

- Vương gia giá lâm!

Một tiếng hét vang lên từ đầu tường, Cao Khai Đạo cùng mấy trăm thân vệ cưỡi ngựa chạy đến. Bọn lính đều tránh ra thành một đường. Cao Khai Đạo xoay người xuống ngựa. Y cũng không cùng sứ giả Tùy chào hỏi mà lớn tiếng quát:

- Thi thể của huynh đệ ta ở chỗ nào?

Y thấy xe ngựa đằng sau liền bước nhanh tới. Tay cầm vải kéo xuống lộ ra thi thể em ruột Cao Văn Thông. Y nhìn vào thi thể một lúc lâu, con mắt dần dần đỏ lên.

Sau đó, y nhảy xuống xe ngựa, khàn giọng hỏi:

- Ai là sứ giả?

Một gã quan văn tiến lên chắp tay thi lễ:

- Tai hạ là Thương Tào Phó Tham Quân của quân Tùy Thi Vinh, phụng mệnh đưa cho Cao tướng quân một phong thư.

Nói xong, y rút ra một phong thư từ trong lòng đưa cho Cao Khai Đạo:

- Đây là thư mà tự tay tổng quản nhà ta viết.

Cao Khai Đạo tiếp nhận thư, trên bao bì ghi:

- Đại Tùy Thượng Thư Lệnh, Sở Vương kiêm tổng quản Tịnh Châu Dương Nguyên Khánh gửi tướng quân Cao Khai Đạo.

Cao Khai Đạo mở bức thư ra, bên trong chỉ có một câu nói:

- Quân Liêu Đông tuy là do quân Tùy giết, nhưng lệnh đệ không phải là quân Tùy giết.

Lúc này, Tôn Gia Duyên cũng chạy tới. Y tiến lên nhìn thoáng qua bức thư, lập tức lắc đầu nói:

- Không có khả năng, khẳng định là quân Tùy giết!

Cao Khai Đạo thở dài một tiếng:

- Ta đã xem qua thi thể của Cao Văn Thông. Không phải là chết trên chiến trường, mà bị người đánh lén. Hơn nữa, Dương Nguyên Khánh cũng nói không phải do quân hắn giết.

Tôn Gia Duyện vội la lên:

- Dương Nguyên Khánh đương nhiên sẽ không thừa nhận mình làm. Hắn nói không phải quân hắn giết, Vương gia cũng tin sao?

Cao Khai Đạo quay đầu lại hung hăng trừng Tôn Gia Duyên, cả giận nói:

- Dương Nguyên Khánh là ai, hắn là hoàng đế của Đại Tùy. Ngươi cho rằng hắn sẽ tự làm mất thân phận của mình sao? Nếu hắn nói không phải quân Tùy giết vậy chính là không phải quân Tùy giết. Cái này có thể tin.

Cao Khai Đạo lại hừ một tiếng, trong mắt bắn ra hung quang, nghiến răng nghiến lợi nói:

- Ta đã hiểu. Đây nhất định là Cao Văn Thông đã thoát khỏi chiến trường, nhưng nửa đường lại bị La Nghệ chặn giết. Y muốn giá họa cho quân Tùy, bức ta tiến binh. Bằng không vì sao y không tới cứu viện?

Tôn Gia Duyên thầm than. Thật vất vả mới thuyết phục Cao Khai Đạo, lại bị một phong thư của Dương Nguyên Khánh làm hỏng. Y thực sự không cam lòng lại tiếp tục khuyên nhủ:

- Vương gia, quân Tùy là hổ dữ. Bọn họ diệt U Châu, kế tiếp chính là chúng ta. Nên lấy đại cục làm trọng, trước đối phó với quân Tùy rồi mới quay lại tính toán La Nghệ.

Cao Khai Đạo lắc đầu:

- Quân Tùy là hổ, La Nghệ lại là sói. Ta không muốn bị hổ nuốt, càng không muốn bị sói ăn. Ta đã quyết định, ai cũng không giúp.

Y quay đầu ra lệnh nói:

- Truyền mệnh lệnh của ta, đại quân rút khỏi quận Bắc Bình, lui về Liêu Đông.

Năm vạn đại quân của Cao Khai Đạo ngày hôm đó liền lui lại hướng Lâm Du Quan, buông tha cho quận Bắc Bình. Cao Khai Đạo ra lệnh cho đại tướng tâm phúc Trương Kim Thụ suất một vạn quân Yến tinh nhuệ trấn thủ Lâm Du Quan, cắt đứt thông đạo của quân Tùy bắc thượng Liêu Đông. Bản thân y thì suất đại quân quay trở về quận Yến.

Cùng với việc Cao Khai Đạo rút quân, quân Tùy cũng bắt đầu hướng về phía Đông phát động tiến công. Dương Nguyên Khánh lưu lại năm nghìn quân giữ nghiêm huyện Dịch. Hắn tự mình dẫn năm vạn đại quân tiến tới huyện Lai Thủy.

Lúc này, La Nghệ tạm thời phản hồi U Châu. Huyện Lai Thủy thì do đại tướng Tiết Vạn Triệt suất hai vạn quân đóng ở đấy. Lại do áp lực hùng mạnh của quân Tùy, Tiết Vạn Triệt bị ép buộc từ huyện Lai Thủy rút về quận Trác.

Buổi chiều, năm vạn quân Tùy đã đến huyện Lai Thủy, ở ngoài thị trấn hạ đại doanh.

Nơi quân Tùy đóng quân vẫn là Bắc đại doanh như trước đây. Trong đại doanh đang rất bận rộn, lều trướng gấp rút dựng lên. Một cây cờ đứng sừng sững ở đất trống. Trên cờ là hình Xích Ưng tung bay trong gió.

Dương Nguyên Khánh dưới sự hộ vệ của hơn nghìn người đi vào thành huyện Lai Thủy. Chỉ thấy huyện thừa, huyện úy cùng chủ bộ bị trói cả người, đang quỳ ở trước cửa thành để thỉnh tội.

- Tội thần huyện thừa huyện Lai Thủy Chu Trí Bình hướng Sở Vương điện hạ thỉnh tội.

Dương Nguyên Khánh liếc nhìn bọn họ, lạnh lùng hỏi:

- Huyện lệnh ở đâu?

Huyện thừa Chu Trí Bình rơi lệ nói:

- Trương huyện lệnh nói ông ta đầu hàng La Nghệ, phản bội Đại Tùy, không còn mặt mũi nào lại thấy bệ hạ. Sáng nay đã tự treo cổ mà chết. Chỉ còn lại ba người chúng ta tham sống sợ chết. Tội thần muốn vì Trương huyện lệnh nói một câu, dù chết cũng không tiếc!

- Ngươi nói đi!

- Khởi bẩm điện hạ, lúc Tiết Vạn Triệt gần đi, từng muốn Trương huyện lệnh hộ tống y đi trước quận Trác. Trương huyện lệnh cự tuyệt, ông ấy bảo rằng đầu hàng chỉ là vì bảo vệ dân chúng, cũng không phải vì phản Tùy. Mà nay dân chúng đã được bảo trụ, nhưng danh tiết của ông ấy đã bị vấy bẩn. Ông ta nguyện chết để rửa sạch ô danh. Chỉ khẩn cầu điện hạ không nên coi ông ấy là phần tử gian nịnh.

Dương Nguyên Khánh yên lặng gật đầu, quay lại mệnh lệnh thân binh:

- Mở trói cho bọn họ, mặc quần áo vào.

Dương Nguyên Khánh đợi bọn họ mặc xong quần áo, mới chậm rãi nói:

- Nhà Trương huyện lệnh ở đâu? Đưa ta đi xem.

Huyện thừa dẫn Dương Nguyên Khánh đi tới phía sau huyện nha. Đây là chỗ ở của Huyện lệnh. Xa xa đã nghe thấy tiếng khóc từ trong viện. Dương Nguyên Khánh xoay người xuống ngựa, bước nhanh đi vào cửa lớn. Chỉ thấy trong viện bày một chiếc quan tài, một vị phu nhân cùng bốn đứa con đang mặc áo tang, quỳ trước quan tài, khóc rất là thảm thiết.

Mấy đứa con thấy một đoàn binh sĩ tiến đến, đều sợ núp về phía sau mẫu thân. Dương Nguyên Khánh đi tới trước quan tài. Quan tài chưa đóng nắp, ở trong một người quan viên ước chừng hơn ba mươi tuổi đang nằm. Triều phục cũ nát, giày cũng đã rơi đế, chỉ là một vị quan nghèo khó. Hắn nhìn qua vị phu nhân cùng mấy người con, đều là mặc áo vải thô. Dương Nguyên Khánh nhịn không được thở dài một tiếng, hỏi bà:

- Ngươi chính là phu nhân của huyện lệnh?

Huyện thừa vội bước lên phía trước nói:

- Đại tẩu, đây là Sở Vương điện hạ!

Phu nhân thoáng cái quỳ gối trước mặt Dương Nguyên Khánh khóc ròng nói:

- Điện hạ, lão gia nhà ta là vị trung thần thanh quan. Ông ấy không còn cách nào mới đầu hàng. Ông ấy tự sát chỉ mong điện hạ cho ông ấy lưu lại thanh danh.

Dương Nguyên Khánh gật đầu, quay lại nói với Huyện thừa:

- Từ nay trở đi, ngươi là Huyện lệnh huyện Lai Thủy. Sau khi mai táng cho Trương huyện lệnh, vợ con của ông ta thì do huyện nha cấp dưỡng. Hơn nữa, xây cho Trương huyện lệnh một tòa ái dân từ, để dân chúng Lai Thủy nhớ kỹ ân đức của ông ấy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.