[Dịch] Thiên Hạ Kiêu Hùng

Quyển 14-Chương 4 : Thiên hạ đại biến




Tô Uy bước nhanh vào phòng Dương Nguyên Khánh, đi lại nhẹ nhàng, hoàn toàn không hề có chút dáng vẻ của một ông lão gần bảy mươi. Đến cả bản thân gã cũng thấy mình tràn đầy nhựa sống, không biết là do triều mới sắp thành hiện thực ở Hà Đông, hay là vì gã mới lấy tiểu thiếp về nhà.

Tóm lại, Tô Uy cũng không hối hân lúc trước Dương Nguyên Khánh nửa bắt gã đi Phong Châu. Tuy lúc đầu có chút không hài lòng, vì nghe nói mùa đông nơi này giá lạnh, lại là một vùng biên cương hoang dã, nhưng khi biết tin Dương Nguyên Khánh giành được Hà Đông, gã bỗng thấy Phong Châu cũng là một chỗ thật đáng nhớ, như rượu ngon, nhân dân an cư lạc nghiệp.

Hôm này là lần đầu tiên gã vào thành, Dương Nguyên Khánh đã cho gã một tòa nhà rộng hai mươi mẫu đất, trong phủ do tiểu thiếp của gã bận bịu thu dọn. Nhưng gã lại có chút không an tâm, cuối cùng phải tìm đến Dương Nguyên Khánh.

- Tham kiến Dương tổng quản!

Tô Uy cung kính thi lễ. Ban sáng ở chỗ Bùi Củ, gã gọi Dương Nguyên Khánh là “Nguyên Khánh” biểu hiện sự thân thiết. Nhưng bây giờ, không phải là gặp nhau với tư cách hảo hữu như ban sáng, phải công tư phân minh, ban sáng là việc tư, hiện tại là việc công. Tô Uy quá rõ làm quan như thế nào, lúc nào, ở đâu thì phải cư xử ra sao.

- Tô các lão mời ngồi!

Dương Nguyên Khánh khoát tay, cười nói.

Gã vui khi Dương Nguyên Khánh gọi gã là “các lão”, còn mọi người thì cứ gọi gã là Mỹ Dương công, gã ghét cái tước hiệu đó. Vì Mỹ Dương công chẳng qua là một huyện công, tức là đem gốc gác cũ của gã ra. Ở triều Tùy, lăn lộn ba mươi năm chốn quan trường, đừng nói là quốc công, đến cái chức quận công gã cũng chưa lần nào được chạm đến.

Tiếng “các lão”của Dương Nguyên Khánh khiến gã chợt có chút cảm giác tri kỉ.

Tô Uy ngồi xuống, thấy Dương Nguyên Khánh bận bù đầu với một đống công văn chồng chất như núi, liền thở dài, nói:

- Tổng quản cả ngày bị những việc như thế này làm phiền não, thì đâu còn sức mà xem xét việc đại sự.

Tuy Dương Nguyên Khánh biết Tô Uy ý muốn nói đến chuyện công danh của gã, nhưng phải thừa nhận gã nói rất đúng. Những việc lặt vặt thế này tiêu hao nhiều sức lực của hắn, đúng là không còn nhiều thời gian suy xét việc quân quốc đại sự.

- Ta đã quyết định bổ nhiệm Trương Lượng làm Ký thất tham quân, thay ta sắp xếp những công văn quan trọng.

Ký thất tham quân là một chức vụ cực kì quan trọng, tuy phẩm bậc không cao, nhưng phải là người tài giỏi thân tín mới có thể đảm nhận. Tô Uy trong lòng chợt có tiếng “lộp cộp!”, Trương Lượng, không phải là cái tên đen thui, thấp lùn đó sao? Nghe nói đã từng bị bắt vì gian lận trong thi cử, tên đó lại được làm Ký thất Tham quân cơ đấy? Quả là một chuyện ngạc nhiên a!

Tô Uy trầm ngâm một chút, rồi thật cẩn thận hỏi:

- Vậy tổng quản đã suy xét để ai nắm chức Nội sử thị lang chưa?

Nội sử thị lang cũng là một chức vụ quan trọng, nó không chỉ là trợ thủ đắc lực của Nội Sử Lệnh, đồng thời còn có quyền quyết định tấu chương nào cần được phê trước, tấu chương nào chỉ cần để Nội các thảo luận là có thể thông qua. Ngu Thế Cơ đã giữ chức vụ này lâu năm, y mới có thể nắm giữ đại quyền.

Dương Nguyên Khánh gật đầu, nói:

- Đảm nhiệm Nội sử thị lang nhất định phải là người quang minh chính đại, công tư phân minh, ta nghĩ để Hình Tào Tham quân Trương Thuật đảm nhiệm. Còn Ngụy Trưng làm Môn hạ tỉnh Hoàng môn thị lang để xem xét chính lệnh và phong bác. Hai chức vụ này chỉ cần một người là đủ, không nhất thiết phải có người thứ hai.

Dương Nguyên Khánh suy nghĩ rất lâu, hai chức vụ này ở Nội các là hai chức vụ tách biệt, cái thì quản đường vào, cái lại quản đường ra. Bất luận chuyện quốc gia đại sự thế nào đều do Nội sử thị lang xét duyệt trước tiên, việc thẩm tra này cực kì quan trọng. Suy xét xem liệu có phải giao cho hắn phê duyệt, mà tất cả chính lệnh đã được duyệt đều phải chuyển đến Hoàng môn thị lang thẩm tra lần cuối, xem xem có hợp pháp hay không, có vượt quá quyền hạn hay không. Có thể nói hai chức vụ này không quản quyết sách cụ thể, chỉ cần chú ý các quy tắc, là hoàn toàn thay thế Dương Nguyên Khánh nắm giữ kiểm soát đại quyền.

Tô Uy lập tức hiểu điều Dương Nguyên Khánh đang suy nghĩ. Dù là Trương Thuật, Ngụy Trưng, hay Trương Lượng, những người này đều thuộc phe Phong Châu. Như vậy lúc Dương Nguyên Khánh xem xét Nội các, tất nhiên sẽ cân nhắc đến lợi ích của sĩ tộc Sơn Đông.

Tô Uy chợt có chút khẩn trương, mấy chức vụ trong Nội các thì có thể đến phiên lão sao?

Dương Nguyên Khánh liếc Tô Uy một cái, hắn biết suy nghĩ của Tô Uy hiện giờ, liền khẽ cười, nói:

- Ban đầu ta nghĩ để Nội các gồm năm người, sau có thể thành bảy người. Ta chủ yếu lo chuyện binh lính, Nội các ta không tham dự. Tô các lão vốn là lão thần chính vụ, ta tính để các lão đảm nhiệm Thượng thư Hữu Phó Xạ kiêm Công bộ Thượng thư, Bùi Công đảm nhiệm Thượng thư Tả Phó Xạ kiêm Lễ Bộ Thượng thư, Đỗ Như Hối làm Hộ Bộ Thượng Thư, Thôi Quân Tố làm Lại bộ Thượng thư, Vương Tự làm Hình Bộ Thượng thư. Ngoài ra Binh bộ Thượng thư tạm thời do ta đảm nhiệm, năm người các ngươi tạo thành Nội các, gọi chung là Tướng quốc, nhưng về sau sẽ không gọi là nội các nữa, mà thay thành Tử Vi các. Ngoài ra, ta sẽ tái thiết lập chức Chấp chính sự bút, cũng chính là lãnh tụ tướng quốc, năm tướng quốc sẽ thay phiên nhau đảm nhiệm, mỗi người cầm bút mười ngày, không biết ý Tô các lão thế nào?

Tô Uy suy nghĩ rất nhanh: Tử Vi các gồm năm tướng Bùi Củ, Tô Uy, Đỗ Như Hối, Thôi Quân Tố, Vương Tự. Bùi Củ thì đại diện cho Văn Hỉ Bùi thị, Vương Tự là Thái Nguyên Vương thị, Thôi Quân Tố là Thanh Hà Thôi thị, Đỗ Như Hối đại diện cho quyền lợi của sĩ tộc Quan Lũng. Về sau nếu mở rộng ra bảy người, có lẽ sẽ có Phạm Dương Lô thị và Bột Hải Cao thị, như vậy thì mình thuộc phe phái nào chứ?

Tô Uy suy nghĩ mãi vẫn không ra, gã liếc qua Dương Nguyên Khánh, vừa lúc Dương Nguyên Khánh cười mà như không nhìn gã. Tô Uy bỗng hiểu ra, gã chính là tay trong của Dương Nguyên Khánh ở Tử Vi Các, gã làm việc vì lợi ích của Dương Nguyên Khánh.

Tô Uy xúc động, gã liền quỳ xuống:

- Lão thần nguyện trung thành với tổng quản!

Dương Nguyên Khánh vội nâng gã dậy, nói:

- Tô các lão mau đứng dậy, Nguyên Khánh không dám nhận!

Lúc đó, ngoài cửa nghe tiếng ngựa phi nước đại, rồi tiếng bước chân, tiếp đó, có tiếng bẩm báo:

- Tổng quản, có tin cấp báo từ Giang Đô!

- Cho vào!

Cửa mở, một gã thân binh nhanh nhẹn bước vào, dâng lên cho Dương Nguyên Khánh một ống màu đỏ. Dương Nguyên Khánh trong lòng có chút bất an, rút thư ra khỏi ống đọc một lúc. Mặt hắn trắng bệch, chậm rãi ngồi khụy xuống, đưa thư cho Tô Uy.

Tô Uy cũng vậy, mới đọc qua thư, gã lập tức quỳ xuống đất, lên tiếng khóc lớn:

- Bệ hạ!

……

Vũ Văn Hóa Cập ở Giang Đô phát động binh biến, Hoàng đế Đại Tùy Dương Quảng bị bức tử, tin tức truyền đến Thái Nguyên, toàn thành khóc thương. Tuy Dương Quảng không được lòng dân, nhưng ông ta dù sao cũng là Hoàng đế Đại Tùy, tin ông ta băng hà vẫn khiến vô số người xót thương.

Dương Nguyên Khánh hạ lệnh các quận ở Hà Đông để tang ba ngày, quân dân đều thương tiếc việc Hoàng đế Đại Tùy qua đời. Ba ngày sau, Thẩm Quang cuối cùng cũng tới Thái Nguyên.

Trong cung Tấn Dương, Thái Thú các quận ở Hà Đông, Trưởng sử cùng với mấy trăm quan văn, quan võ ở Thái Nguyên đều tụ tập đông đủ. Trong điện Tấn Dương, Đại Vương Dương Hựu ngồi trên ngự tháp, đứng bên cạnh là Bùi Củ và Tô Uy, Dương Nguyên Khánh thì ngồi một bên, hai bên là hai hàng thị vệ khôi ngô lực lưỡng, tay cầm đủ loại binh khí, và mấy chục thái giám cùng cung nữ đứng sau Đại Vương Dương Hựu.

Ở giữa đại điện là mấy trăm đại thần đứng thành ba hàng, lẳng lặng nghe Thẩm Quang kể lại quá trình Dương Quảng bị Vũ Văn Hóa Cập bức tử, mọi người không khỏi thổn thức. Cuối cùng Thẩm Quang nói:

- Bệ hạ biết là không thể chạy trốn, đành ủy thác cho ta đem ngọc tỷ binh phù tới Thái Nguyên kèm theo một bản di chiếu.

Thẩm Quang quỳ một gối, nâng hộp ngọc lên cao. Dương Nguyên Khánh đứng lên, đem hộp ngọc đặt trước mặt Đại Vương Dương Hựu. Dương Hựu khóc hai mắt đỏ hoe, mở hộp ngọc ra, lấy bản di chiếu ra, đưa cho Tô Uy.

Tô Uy mở chiếu thư ra, nước mắt tức thì trào ra, cao giọng nói với mọi người:

- Là chiếu thư của bệ hạ.

Tô Uy run giọng đọc lên:

- Loạn ở Đại Tùy, trẫm cũng từng trải qua! Nhớ năm xưa, lúc Khai Hoàng thịnh vượng, giờ Đại Nghiệp lại điêu tàn, trẫm lòng đau như cắt, không còn mặt mũi nào mà gặp tiên đế. Tất nhiên Đại Tùy sớm muộn cũng được kế thừa, hoặc là trưởng tôn Yến vương, hoặc thứ tôn Việt Vương, hoặc tam tôn Đại Vương, ba người đều đủ thông minh, sáng suốt cai quản sự nghiệp đất nước. Tuy nhiên chuyện đời trắc trở, vận mệnh khó định, vì vậy trẫm hạ chiếu, lấy ngọc ấn truyền quốc của Đại Tùy làm tín vật truyền ngôi. Trong ba người ai có được ngọc ấn thì có thể kế thừa sự nghiệp thống nhất đất nước, mong các vị ái khanh giúp đỡ tân hoàng đế, chớ phụ lòng trẫm, trẫm ở dưới suối vàng cũng có thể an lòng, do đó hạ chiếu, thông cáo cùng thiên hạ.

Tất cả quần thần trong đại điện đều quỳ xuống, ai nấy đều khóc lóc bi thương. Dương Nguyên Khánh lau nước mắt, nói:

- Các vị đại thần, đất nước không thể một ngày không có vua. Thánh Thượng có chỉ, phải là người có ấn ngọc mới có thể tiếp tục sự nghiệp thống nhất đất nước, ta phụng thánh chỉ, lập Đại Vương làm đế.

Mọi người đồng thanh nói:

- Đều theo lời của tổng quản.

Dương Nguyên Khánh đỡ Đại Vương Dương Hựu ngồi xuống, Dương Hựu nhìn Dương Nguyên Khánh cầu xin, ý muốn nói mình không muốn làm vua. Dương Nguyên Khánh nhìn Dương Hựu, khẽ lắc đầu, ấn mạnh vai Dương Hựu.

Bùi Củ và Tô Uy cũng theo Dương Nguyên Khánh xuống thềm ngọc, đứng sau Dương Nguyên Khánh, rồi hắn cùng mọi người quỳ xuống, cao giọng nói:

- Hoàng thượng vạn tuế vạn vạn tuế.

- Hoàng thượng vạn tuế vạn vạn tuế.

Dương Hựu lại khóc, bây giờ không phải là lúc đau thương, mà là bất đắc dĩ và tuyệt vọng, Dương Hựu run run nói:

- Cái vị ái khanh miễn lễ, bình thân.

Ngày hai mươi lăm tháng tám năm Đại Nghiệp thứ mười hai, Đại Vương Dương Hựu cầm ngọc tỷ ở Thái Nguyên đăng cơ, hạ lệnh đại xá thiên hạ, sửa lại niên hiệu sau là Kế Nghiệp, truy thụy tiên đế Dương Quảng là Minh Hoàng đế, miếu hiệu Vũ Đế, Hoàng hậu Tiêu thị làm Thánh mẫu Thái hoàng Thái hậu, tôn phụ Nguyên Đức Thái Tử Dương Chiêu làm Nguyên Đức Hoàng đế, mẫu thân Vi thị làm Kính Đức hoàng Thái hậu.

Dương Hựu lập tức đặc biệt ban thưởng Dương Nguyên Khánh rìu vàng, phong là Trì tiết (chức quan lo việc quân sự, chính trị ở địa phương - BTV), phong chức Đại đô đốc nội ngoại chư quân sự, làm Thượng thư lệch, còn phong làm Sở Vương, thay quyền vua quản lí chuyện quốc gia đại sự.

Dương Nguyên Khánh lập tức đổi Tê Phượng các của cung Tấn Dương thành Tử Vi Các. Hắn lệnh cho Bùi Củ, Tô Uy, Đỗ Như Hối, Thôi Quân Tố, Vương Tự nhập các làm Tể tướng.

Dương Huyền Tưởng được phong làm Nạp ngôn (chức quan chuyên nhận và truyền lệnh vua – BTV) kiêm tổng quản Linh Châu, gia phong Thiểm quốc công, Bùi Nhân Cơ được phong làm Nội Sử Lệnh kiêm tổng quản Phong Châu, gia phong Giáng quốc công, hai người này đều không vào triều làm quan. Trương Thuật làm Nội sử thị lang, chưởng quản sự vụ của Nội sử tỉnh, Ngụy Trưng làm Hoàng môn thị lang, chưởng quản sự vụ Môn hạ tỉnh.

Vi Luân, Trương Lượng, Giả Chính Ý làm Nội sử xá nhân, Bùi Tấn và Vi Sư Minh làm Thượng thư tả hữu thừa, Tạ Tư Lễ làm Binh Bộ Thị Lang, toàn quyền quyết định chuyện quân đội, Vương Túc làm Kinh Triệu Y, tất cả đại thần đều được phong thưởng.

….

Ngay lúc tại Dương Nguyên Khánh giúp Dương Hựu đăng cơ, ở Lạc Dương và Trường An cũng nhận được tin Dương Quảng băng hà. Lúc này quân Ngõa Cương đánh không được Lạc Dương nên đã rút đi, các tướng nắm giữ quân quyền như Vương Thế Sung, Đoạn Đạt, Lư Sở, Hoàng Phủ Vô Dật cùng những người khác lập Việt Vương Dương Đồng làm đế, đại xá thiên hạ, lấy niên hiệu là Hoàng Thái.

Khi nghe tin Dương Quảng qua đời Trường An Đường vương Lý Uyên ngã xuống đất, khóc thảm thiết. Ba ngày sau theo nguyện vọng các quần thần, Lý Uyên bất đắc dĩ đăng cơ tại điện Thái Cực ở cung Đại Hưng, lập nên nhà Đường, lấy niên hiệu là Võ Đức, lập thế tử Kiến Thành làm Thái Tử, con thứ là Lý Thế Dân lên làm Tần vương, phong làm Thượng Thư Lệnh, con trai thứ ba Lý Huyền Bá làm Triệu vương, con trai thứ tư Nguyên Cát làm Tề vương.

Lúc này, trong thiên hạ gọi Thái Nguyên Tùy đế Dương Hựu là bắc Tùy, Lạc Dương Tùy đế Dương Đồng là nam Tùy, Trường An Lý Uyên là Tây Đường, đây là ba vị vua chính thống. Còn lại Đậu Kiến Đức, Lý Mật, Tiết Cử, Lý Quỹ, Vũ Văn Hóa Cập, Tống Kim Cương, Tiêu Tiển, Lâm Sĩ Hoằng thì đều là nghịch tặc.

Từ đây, một thời đại quần hùng tranh bá bắt đầu mở màn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.