Ba ngày sau bọn tiểu Bàn, Hạng Thiếu Long ban sư về triều.
Thái hậu và Lao ái cùng trăm quan văn võ ra ngoài thành nghênh tiếp.
Nhìn bề ngoài vẻ vui mừng của Chu Cơ là thật lòng, còn Lao ái thì có vẻ miễn cưỡng.
Lao ái không phải người ngu, mà là một hạng tiểu nhân đê tiện rất xảo quyệt, y biết mình là một người đứng ngoài.
Ngày sau bị quân chính thức đăng cơ, thái hậu Chu Cơ sẽ mất đi quyền phò chính, đó là lúc y thất thế.
Hạng Thiếu Long lại một lần nữa giữ vững thành Hàm Dương, trở thành người có thực lực nhất trong quân đội, khiến cho vương vị của tiểu Bàn càng vững chắc hơn, chỉ cần đánh được Phố Cao nữa, thì đối tượng còn lại chính là hai đảng Lã Lao.
Song Lã Bất Vi đã ở đây gần mười năm, vây cánh cũng nhiều, thực lực rất mạnh.
Hàm Dương tuy là đô thành, nhưng về nhiều mặt cần có sự giúp đỡ của các quận huyện địa phương.
Quân đội của địa phương đều do quận úy phụ trách.
Quận thú chỉ quản về dân sự, còn quận úy chuyên trách về quân sự. Về mặt lý luận quân đội đều do một mình nhà vua nắm giữ, khi xảy ra chuyện, nhà vua sẽ ra lệnh cho các quận phát ra binh sĩ. Còn thuế quân đội thì cứ theo hộ, theo người mà trưng thu, mỗi người đàn ông khi đến tuổi quy định đều phải phục dịch cho quốc gia hai năm, một năm gọi là chính tốt, một năm gọi là nhung tốt, đi giữ biên cương, gọi là quân thường bị.
Nhưng còn có những quân chuyên nghiệp, trở thành quân chủ lực của đại Tần.
Lã Bất Vi vì chuyện đào kênh của Trịnh Quốc cho nên đến chuyện điều động quân phòng vệ của địa phương, từ đó cũng giúp cho y tăng cường khống chế các địa phương. Cho đến khi hắc long xuất hiện, tiểu Bàn đặt ra chế độ tam công cửu khanh thì cục diện bị Lã Bất Vi lũng đoạn này mới bị phá vỡ.
Nhưng Lã Bất Vi đã nhân mấy năm qua xây dựng thế lực cho mình ở các địa phương, cho nên khi nổi loạn thì sẽ khó ứng phó hơn Thành Kiều hoặc Lao ái nhiều.
Chỉ là y nằm mơ cũng không ngờ được đối thủ của mình là Tần Thủy Hoàng, một tuyệt đại bá chủ hiếm có trong lịch sử Trung quốc lợi hại hơn y nhiều.
Về đến Hàm Dương việc đầu tiên là làm lễ tế trong tổ miếu.
Sáng hôm sau, sau buổi tảo triều, Chu Cơ gọi Hạng Thiếu Long vào cung Cam Tuyền.
Hạng Thiếu Long chẳng còn cách nào khác, đành cắn răng đi gặp Chu Cơ.
Vị thái hậu đương quyền có tiếng xấu đã lan ra toàn nước Tần này, gặp gã trong một sảnh nhỏ ở nội cung, đuổi ra hết bọn cung nga xong, Chu Cơ nghiêm mặt nói, „Trường Tín hầu Lao phụng thường bảo rằng lần này quét sạch bạo loạn, y không hề tham gia một chút nào. Cả một kẻ làm thái hậu như ta đây mà cũng bị che giấu, rốt cuộc chuyện như thế nào?"
Hạng Thiếu Long nhủ thầm, „Chuyện này sao nàng không tự hỏi đứa con của mình mà lại đi hỏi ta?" đương nhiên không thể nói ra miệng như vậy cung kính bảo rằng, „Văn võ khác nhau, Trường Tín hầu không biết cũng là chuyện bình thường!"
Chu Cơ trợn mắt nói với vẻ không vui, „Tại sao cả đô vệ cũng không biết chuyện này? Hàn Kiệt không hề biết các người đang đánh nhau ở ngoài thành, cho nên không cách nào phối hợp!"
Quản Trung Tà cầm quân xuất chinh, Hàn Kiệt được thăng thành chính thống lĩnh, còn Hứa Thương thì làm phó.
Hạng Thiếu Long thản nhiên nói, „Lần này sở dĩ có thể thắng được, chính là ở bốn chữ xuất kỳ chế thắng, mà sở dĩ có thể trở thành kỳ binh tất phải có kế dụ địch, khiến cho địch nắm bắt thông tin sai lệch. Vì tai mắt của địch ở trong thành rất nhiều, cho nên đành phải có thủ đoạn khác lạ, mong thái hậu xét rõ!"
Chu Cơ sững người ra một lúc rồi buồn rầu chép miệng, „Ðừng nói với ta những lời như thế được không, ngươi và Chính nhi có thể thấy bất cứ ai, nhưng làm sao lại có thể giấu ta? Nếu các người không muốn Trường Tín hầu biết, ta sẽ không nói với y!“ Hạng Thiếu Long không ngờ Chu Cơ đột nhiên lại nói với mình bằng giọng điệu và dáng vẻ như thế, tình cũ nổi dậy, thở dài mà rằng, „Bị quân ngày càng trưởng thành, không giống như một đứa trẻ của lúc trước nữa. Chuyện mà y quan tâm giờ đây chính là làm cách nào để cai trị đất nước, thống nhất thiên hạ, những trở ngại trên con đường của y rốt cuộc rồi sẽ có một ngày bị y quét sạch, đó là con đường phải trải qua của một đấng quân vương, lịch sử sớm đã nói rõ điều này."
Sắc mặt Chu Cơ bỗng trở nên trắng bệch, run giọng nói, „Lời này của Thiếu Long là có ý gì, chả lẽ Chính nhi phải đối phó với ta sao?"
Hạng Thiếu Long biết nàng vì sinh cho Lao ái hai đứa con, cho nên có tật giật mình, cho nên cười khổ mà rằng, „Bị quân đương nhiên không thể bất hiếu với thái hậu, nhưng đối với người khác, y không cần phải giữ chữ hiếu, dù cho trọng phụ hay giả phụ tất cả đều như nhau."
Chu Cơ hoang mang nhìn gã, rồi cúi đầu hạ giọng nói, „Hãy nói với Chu Cơ, Hạng Thiếu Long sẽ đối phó với nàng chứ?"
Hạng Thiếu Long lòng đầy cảm xúc, nói như chém đinh chặt sắt, „Dù cho có người kề kiếm ngang cổ Hạng Thiếu Long này, ta sẽ không làm tổn thương thái hậu!“ Chu Cơ nhẹ giọng hỏi, „Còn Trường Tín hầu?"
Hạng Thiếu Long ngạc nhiên, rồi mới nói bằng giọng châm biếm, „Chỉ cần y trung thành với thái hậu và bị quân, vi thần đảm bảo y sẽ không xảy ra chuyện!"
vận mệnh đương nhiên không như thế!
Cuộc nổi loạn của Lao ái là cuộc đấu tranh nội bộ cuối cùng trước khi Tần Thủy Hoàng đội mũ. Lã Bất Vi cũng vì thế mà liên lụy.
Ðột nhiên gã biết mình trở thành một nhân vật khuynh đảo triều chính nước Tần, cho nên Chu Cơ đã hạ mình hỏi ý kiến của gã.
Còn gã thì trở thành người duy nhất mà tiểu Bàn tin tưởng. Thậm chí thả Hàn Sấm đi, tiểu Bàn cũng không để trong lòng, nếu là người khác, không phải là cách chức, thì cũng bị chém đầu.
Chu Cơ lúc này hơi run, ngẩng đầu lên muốn nói nhưng lại im.
Hạng Thiếu Long dịu dàng nói, „Thái hậu có điều chi cần hỏi vi thần nữa?"
Chu Cơ buồn bã nói, „Hãy cho ta biết người ta phải làm thế nào đây?"
Hạng Thiếu Long nắm bắt được hàm ý phía sau câu nói này, chính là nàng đã không khống chế được Lao ái cho nên trong lòng lo lắng.
Nói cho cùng tiểu Bàn rốt cuộc vẫn là con của nàng, tuy rằng mối quan hệ giữa hai người ngày càng xấu đi, nhưng nàng vẫn không chịu cùng với gian phu hại con mình.
Mà Lao ái thì muốn giữ quyền lực của mình.
Nhưng ai cũng biết đây là điều không thể, khi tiểu Bàn nắm quyền, Lao ái chỉ có kết cuộc thê thảm.
Hạng Thiếu Long trầm ngâm một lát, biết rằng nếu không nhân lúc này mà nói lời tận đáy lòng, về sau sẽ không còn cơ hội nữa, còn Chu Cơ có chịu nghe hay không thì đó là chuyện của nàng.
Ðứng dậy đến trước mặt Chu Cơ ngồi xuống, nhìn vào khuôn mặt xinh đẹp của nàng, thản nhiên nói, „Nếu thái hậu chịu nghe lời của Hạng Thiếu Long này, hãy trao trả quyền lại cho bị quân, cùng với phụng thường đại nhân quay trở về Ung Ðô, vậy thì mâu thuẫn phát sinh giữa thái hậu và bị quân sẽ có thể giải quyết được!"
Chu Cơ lại giật mình hạ giọng kêu, „Thiếu Long ngươi...“ Ðột nhiên phía sau có bước chân vang lên, hai người ngạc nhiên nhìn ra, chỉ thấy Lao ái xông vào với đôi mắt đầy lửa đố ky, trừng trừng nhìn hai người.
Hạng Thiếu Long trong lòng than thầm. Quả thật là tạo hóa trêu người, y rốt cuộc vẫn không thể xoay chuyện được tình thế Khi về đến Ô phủ, trong đầu Hạng Thiếu Long vẫn còn nhớ mãi ánh mắt đầy căm thù của Lao ái.
Băng dày ba xích không phải là vì cái lạnh của một ngày.
Sự đố ky của Lao ái đối với gã, không phải bắt đầu từ hôm nay. Y là một kẻ chỉ biết nhận chứ không biết cho. So ra thủ đoạn của Lã Bất Vi quả thật cao minh hơn y nhiều. ở một mức độ nào đó, kẻ làm trọng phụ là Lã Bất Vi, tiểu Bàn cũng có thể chấp nhận được, nhưng sẽ không thể chấp nhận được một kẻ làm giả phụ như Lao ái.
Chỉ điểm này, Lao ái đã gieo xuống hạt giống sát thân cho mình.
Lịch sử đã sớm chứng minh rằng phàm những kẻ nào có thể trở thành nhà vua đều là hạng tàn độc, tiểu Bàn là hạng người đó.
Năm ấy khi tự tay giết chết Triệu Mục, thì hớn hở đến báo với gã, gã đã biết rằng tiểu Bàn là một kẻ có đảm lược.
Mà lúc đó y chỉ là một đứa trẻ mười lăm tuổi.
Lần này y bày ra kết giết chết Thành Kiều và Ðỗ Bích, đồng thời sai người đi trừ khử Phố Cao, thì đã biết được bản chất vô tình thâm trầm của y.
Ðiều đó đương nhiên có liên quan đến bối cảnh xuất thân của y.
Ðang lúc suy nghĩ mông lung, thì đã vào đến cổng của Ô gia. Chỉ thấy ở quảng trường đậu hai chiếc xe ngựa, mấy tên gia tướng của Cầm Thanh đang trò chuyện cùng bọn phủ vệ của Ô gia, thấy gã đến thì cung kính thi lễ.
Hạng Thiếu Long vui mừng ra mặt, nhảy xuống ngựa kêu lên, „Phải chăng Cầm thái phó đã quay về?"
Một kẻ trong đó trả lời, „Vừa mới quay về sáng nay!"
Hạng Thiếu Long dâng lên trong lòng ngọn lửa tình yêu, chạy vào trong phủ.
Chỉ thấy trong đại đường, nàng tuyệt thế giai nhân mà mình ngày đêm mong đợi, người mặc y phục màu trắng, đang cười nói cùng với bọn Kỷ Yên Nhiên ngoài ra còn có Thiệu Lan, Châu Vi và bọn trẻ.
Thấy Hạng Thiếu Long, Cầm Thanh vui mừng đến nỗi khó giấu được, nhưng thần sắc thì vẫn cứ bình tĩnh, rõ ràng là nàng đang kiềm chế bản thân. Ô Ðình Phương cười, „Thanh tỷ đang nhớ người nào đó của chúng ta cho nên mới quay trở về sớm!"
Cầm Thanh lập tức đỏ mặt, lườm Ô Ðình Phương dáng vẻ đáng yêu vô cùng.
Hạng Thiếu Long cố nén ý muốn ôm nàng vào lòng, chen vào giữa nàng và Triệu Chi, cười nói, „Cầm thái phó hơi ốm, nhưng vẫn còn xinh đẹp lắm!"
Cầm Thanh hớn hở nói, „Cầm Thanh tuy không ở Hàm dương, nhưng thanh uy của thượng tướng quân cũng như sấm nổ bên tai, lần này đến thật khéo! Vừa lúc thượng tướng quân khải hoàn trở về!"
Thiệu Lan cười nói, „Hai người đừng giả vờ giả vịt nữa, ở đây toàn không phải là người ngoài cần gì khách khí đến vậy!
Kỷ Yên Nhiên giải vây cho Cầm Thanh nói sang chuyện khác, „Thanh tỷ bảo Lã Bất Vi đến Ba Thục, thì cố gắng lôi kéo các tộc lớn ở nơi này, điều vô sỉ nhất là việc giảm thuế là do Lý Tư, nhưng y lại bảo đó là công lao của mình!"
Châu Vi nói, „Ðiều đáng hận nhất là y đã nhiều lần đến gặp Thanh tỷ, khiến cho Thanh tỷ phải đi tránh nơi khác!"
Hạng Thiếu Long mỉm cười, „Bởi vì y đã tính sai, tưởng rằng Thành Kiều có thể trừ khử chúng ta, cho nên mới không cần kiềm chế mình!"
Rồi tiến sang Cầm Thanh nói, „Ngày mai chúng tôi sẽ về mục trường. Cầm thái phó có chịu đến đó để sống nửa đời còn lại không?"
Cầm Thanh đỏ ửng mặt, giận dỗi nói, „Chức quan của ngài ngày càng lớn, nhưng cũng ngày càng không biết đến dài ngắn Không nói chuyện với ngài nữa, người ta phải gặp thái hậu và bị quân đây!“ Hạng Thiếu Long cả gan nắm lấy tay nàng ghé vào vai nàng nói, „Mặc cho Cầm thái phó có đến đây đi chăng nữa, đêm nay Cầm thái phó phải qua đêm ở đây!“ Ô Ðình Phương đang lắng nghe, thấy thế thì cười rằng, „Thanh tỷ sớm đã chấp nhận nhưng là ngủ chung giường với tỷ muội bọn thiếp, hì hì! Thượng tướng quân xin thứ lỗi!"
Hạng Thiếu Long gật đầu nói, „Vậy thì còn gì bằng nữa!"
Bọn nữ nhân đều cười ầm lên.
Hạng Thiếu Long đã dẹp ra một bên chuyện của Chu cơ, Lao ái.
Từ thời khắc này, cuộc sống thật là tươi đẹp.
Sáng hôm sau, hai nhà Hạng Ðằng quay về mục trường, cùng đi đương nhiên không thể thiếu Cầm Thanh.
Mười ngày sau Vương Lăng và Hoàn Xỉ tập hợp được mười lăm vạn đại quân, tấn công Ðồn Lưu, còn Phố Cao thì phất ngọn cờ báo thù cho Thành Kiều, phản Tần đầu Triệu.
Vương Bôn và Vương Ðoan Hòa nhiều lần bị Lý Mục đánh lui, đổi thành thế thủ, cố gắng giữ vững Các quận ở phía đông, tình thế rất nguy ngập.
Lúc ấy Hoàn Huệ vương của nước Yên bị bệnh chết, thái tử Ðan lên ngôi kế vị. Hàn Sấm trước nay thân thiện với thái tử Ðan, hai nước cùng bắt tay chống Tần, chặn lại đường tiến sang phía đông của Quản Trung Tà và anh em họ Mông.
Hạng Thiếu Long và Ðằng Dực sống những ngày an nhàn tại mục trường. Còn hơn hai năm nữa mới đến ngày làm lễ đội mũ của tiểu Bàn, nhưng trong những ngày này, ai có thể đoán được sẽ xảy ra chuyện gì.
Hôm nay Xương Văn quân và Lý Tư đến mục trường thăm bọn họ, mọi người gặp nhau, nên rất vui mừng.
Khi Hạng Thiếu Long và Ðằng Dực dắt hai người cỡi ngựa thăm thú các nơi, Xương Văn quân nói, „Lã Bất Vi vừa quay về, mối quan hệ giữa y và Lao ái rõ ràng đã cải thiện, thường hay đến Túy Phong lâu uống rượu! Lại còn đem nhường Bạch Nhã Nhã cho Lao ái nữa!“ Lý Tư lạnh lùng nói, „Theo ta thấy, y muốn lặp lại gian kế của Thành Kiều chính là xúi giục Lao ái làm phản, nói không chừng lại còn ủng hộ đứa con của y và thái hậu lên làm vua, rồi sau đó trừ khử Lao ái, tự lập mình làm vua.
Bởi vì giờ đây thế lực ở địa phương của Lao ái rất lớn mạnh, cho nên chuyện này không phải là không thể làm được!"
Xương Văn quân tiếp lời, „Nhưng có một chuyện rất kỳ lạ, sau khi Thiếu long quay về mục trường, thái hậu tìm bị quân nói chuyện, chủ động trao trả một ít quyền lực rồi đến sống ở Ung Ðô, Lao ái giờ đây thường đi về giữa Ung Đô và Hàm Dương, song những chuyện quan trọng phải có thái hậu gật đầu mới thành."
Hạng Thiếu Long trong lòng cảm thấy an ủi, Chu Cơ coi như cũng chịu nghe lời mình, khiến cho mối quan hệ giữa nàng và tiểu Bàn có bước chuyển ngoặt.
Ðằng Dực nói, „Về phía Mao Tiêu có tin tức gì?"
Xương Văn quân lạnh lùng, „Y bảo rằng Lao ái đang xây dựng thế lực ở Ung Ðô, có một chuyện quan trọng các người vẫn không biết, lệnh đệ đã trở thành thành thủ của Ung Ðô, Ung Đô là nơi có thái miếu, thuộc quyền quản hạt của Lao ái, có thể nói giờ đây Ung Đô đã lọt vào tay của y!“ Hạng Thiếu Long đã sớm biết Lao ái sẽ giành một ít vốn, nếu không thì làm sao có thể dấy binh nổi loạn!
Ðằng Dực lại hỏi về chuyện Vương Lăng và Hoàn Xỉ.
Lý Tư chép miệng, „Trong lòng bị quân cũng rất lo lắng. Phố Cao đã nổi loạn, quân dân Ðồn lưu lại cố thủ không ra, Vương thượng tướng nhất thời không làm gì được, điều đáng lo nhất là khi mùa đông đến có lợi cho thủ mà không lợi cho công, huống chi giờ đây Lý Mục vẫn còn đó."
Xương Văn quân chép miệng, „Không biết Lã Bất Vi vô tình hay hữu ý, lấy cớ rằng kênh đào Trịnh Quốc sắp hoàn thành cho nên đã điều động người của các địa phương đi đào kênh, khiến cho chúng ta không còn cách nào để điều binh, chúng tôi đang rất lo lắng về chuyện này!"
Hạng Thiếu Long bất đồ dâng lên ý hối hận, nếu hôm ấy mình chấp nhận cầm quân đi đánh Ðồn Lưu thì Vương Lăng không cần phải nhọc sức thế này!
Nhưng điều này đã trở thành hiện thực không thể thay đổi được.
Trong lòng dâng lên cảm giác không yên!