Niccolò Machiavelli thế kỷ mười sáu, tác giả của Quân vương, được coi như cha đẻ của thuật cai trị hiện đại bởi vì ông khuyên các nhà cai trị thời Phục hưng đừng đếm xỉa đến những tiêu chuẩn đã được thừa nhận về phẩm hạnh và “sử dụng cái ác khi cần”. Ông quan niệm không quyền lực nào cao hơn nhà nước, nên lời khuyên của ông đối với các nhà cai trị là... theo xu hướng Machiavelli. Ông thừa nhận thẳng thừng rằng tiêu chuẩn của ông về phẩm hạnh là bất cứ điều gì cho phép nhà cai trị sống còn về phương diện chính trị. Mặc dù đối với nhà cai trị, được sợ thì tốt hơn là được yêu, nhưng ông ta phải tránh bị ghét, vì điều đó có thể đe dọa quyền lực của ông ta. Tốt nhất là theo đuổi quyền lực một cách nhẫn tâm, trong khi tỏ ra liêm chính. Ví dụ sau đây là để suy ngẫm:
Một phụ nữ kiện một người đàn ông đã phỉ báng, bôi nhọ thanh danh của bà ta, tố cáo ông kia đã gọi bà ta là con lợn. Người đàn ông bị kết tội và phải chịu bồi thường. Sau phiên tòa, ông ta hỏi quan tòa, “Như thế có nghĩa là từ nay tôi không thể gọi bà Harding là con lợn nữa à?”
Quan tòa nói, “Đúng.”
“Và điều đó có nghĩa là tôi không được gọi con lợn là bà Harding?”
Quan tòa nói, “Không, ông được tự do gọi một con lợn là bà Harding. Như thế không có tội.”
Người đàn ông nhìn vào mắt bà Harding và nói, “Xin chào bà Harding.”
Các truyện cười luôn luôn thừa nhận rằng tất cả chúng ta đều bị những thủ đoạn theo xu hướng Machiavelli cám dỗ, đặc biệt khi chúng ta tin chắc mình sẽ không bị lật tẩy.
Một người thắng 100.000$ ở Las Vegas, và không muốn cho ai biết, anh ta mang tiền về nhà, chôn ở sân sau. Sáng hôm sau, anh ta ra tìm thì thấy hố trống không. Anh ta thấy vết chân người hướng sang nhà kế bên, là nhà của một người câm-điếc, nên anh ta nhờ một giáo sư ở dưới phố, là người biết ngôn ngữ ra hiệu, giúp anh ta nói chuyện với người hàng xóm. Anh ta lấy khẩu súng và cùng với giáo sư gõ cửa nhà bên. Khi người hàng xóm mở cửa, anh ta chĩa súng vào mặt hắn và nói với giáo sư, “Ông bảo hắn rằng nếu hắn không trả lại tôi 100.000$, tôi sẽ giết hắn ngay bây giờ!”
Ông giáo sư dùng ngôn ngữ cử chỉ để truyền đạt cho người hàng xóm. Anh hàng xóm đáp rằng anh ta quả có giấu số tiền đó trong sân sau nhà mình, dưới gốc cây anh đào.
Ông giáo sư quay sang người đàn ông và nói, “Anh ta không chịu nói. Anh ta bảo thà chết còn hơn.”
Không có gì đáng ngạc nhiên khi Machiavelli là người ủng hộ án tử hình, vì lợi ích nhất đối với nhà cai trị là được coi là hà khắc chứ không phải khoan dung. Nói cách khác, Machiavelli đồng ý với một người đã châm biếm nói, “Án tử hình có nghĩa là không bao giờ phải nói, ‘Lại là anh đấy à?’ ”
Dù bề ngoài chúng ta tỏ ra chính trực bao nhiêu - hoặc thậm chí cả trong tư tưởng - thì Machiavelli vẫn tin rằng chúng ta thảy đều là những kẻ theo xu hướng Machiavelli từ tâm can phế phổi.
Bà Parker được gọi ra làm hội thẩm trong một phiên tòa nhưng bà yêu cầu được miễn vì về nguyên tắc bà phản đối án tử hình. Luật sư bào chữa nói, “Nhưng thưa bà, đây không phải là một vụ án giết người. Đây là một vụ kiện dân sự. Một người phụ nữ kiện chồng cũ của bà ta vì ông này đánh bạc hết 25.000$ mà ông ấy đã hứa dùng để sửa sang lại nhà tắm nhân dịp sinh nhật của bà ta.”
“Ồ, thế thì tôi sẽ nhận lời,” bà Parker nói. “Còn về án tử hình, tôi nghĩ có lẽ tôi đã sai rồi.”
___oOo___
Nhưng xin đừng vội. Có thể là chính chúng ta đang bị cười nhạo chăng? Một số sử gia hiện đại tin rằng Machiavelli đã phỉnh gạt chúng ta bằng thứ chủ nghĩa Machiavelli lộn ngược - tỏ ra tàn ác nhưng thực chất lại là cổ xúy cho những phẩm hạnh xưa cũ. Rốt cuộc, liệu có phải thực ra Machiavelli châm biếm chế độ chuyên chế không? Trong tiểu luận “Quân vương: Khoa học Chính trị hay Trào phúng Chính trị?” sử gia được trao giải Pulitzer Garrett, Mattingly khẳng định Machiavelli đã bị hiểu sai: “Quan điểm đánh giá cuốn sách nhỏ này (Quânvương) là một khảo luận khoa học nghiêm túc về thuật cai trị mâu thuẫn với tất cả những gì chúng ta biết về cuộc đời Machiavelli, về những trước tác của ông, và về lịch sử thời đại ông.”
Nói cách khác, Mattingly cho rằng Machiavelli là một con cừu trong lốt sói.
***