[Dịch] Nói Thay Người Chết

Quyển 5 - MỘT ĐỜI YÊU NHẦM-Chương 18 : Bài giảng cuối cùng




Hơn 4 giờ chiều, trường trung học Nam Quan ở ngoại ô, một xe cảnh sát từ từ đi vào sân trường.

Sân trường vắng vẻ, học sinh đang giờ lên lớp, tiếng đọc bài trong trẻo không ngừng vang lên, xe dừng lại bên bồn hoa trong sân trường, từ trên xe bước xuống có hai người đàn ông và một phụ nữ.

“Đội trưởng, để cô ta chờ ở trên xe nhé, trong nhất thời cô ta không chịu nổi cú đòn này đâu”. Đổng Lệ nói và quay đầu lại nhìn Lý Kha đang ngồi khóc ở trên xe.

“Được, cứ để cô ấy chờ, chúng ta đi lên xem. Đúng rồi, Vương Yến Bình dạy ở phòng học nào nhỉ, vừa rồi tôi nghe chưa rõ”. Tiêu Hiểu Bạch lại nhìn Lý Kha, anh lắc đầu bất lực, một cô con gái bất ngờ phải đối mặt với một gia đình tan vỡ, ai đó cũng khó lòng đón nhận.

“Tầng 3 phòng 2, đầu phía tây”. Tiểu Chu chỉ phòng thứ 2 ở tầng 3.

Trong phòng học số 2, một nữ giáo viên đang đứng trên bục giảng, trên bảng có viết một bài thơ, Tiêu Hiểu Bạch nhìn lên, đó là bài “Niệm nô Kiều - Xích Bích hoài cổ” của Tô Thức, học sinh trong lớp ngồi ngay ngắn chăm chú nghe giảng.

Tiểu Chu rút từ thắt lưng ra chiếc khóa tay, định đi thẳng vào trong lớp, nhưng Tiêu Hiểu Bạch giơ tay ngăn lại: “Cứ bình tĩnh, bà ấy không chạy được đâu, hãy nghe lời bài thơ cổ đã”.

Đột nhiên thấy mấy cảnh sát đến đứng ngoài cửa, làm cho mấy em học sinh quay nhìn ra, Vương Yến Bình đang giảng bài cũng đã chú ý đến họ.

Vương Yến Bình sững lại trong giây lát, nhưng rồi bình tĩnh lại ngay, bà bước ra khỏi phòng học, đến trước mặt 3 người.

“Tôi đợi ngày này suốt hơn 3 năm qua. Nhưng các anh có thể để tôi giảng xong tiết cuối cùng này không?”. Vương Yến Bình rất bình tĩnh, tựa như đang nói về một việc khác không hề liên quan đến mình.

“Được, mong bà phối hợp, tôi không muốn làm ầm ỹ”. Tiêu Hiểu Bạch nhìn nữ giáo viên đang đứng trước mặt, trong ánh mắt của bà mang sự bình tĩnh vì được giải thoát, liền gật đầu.

“Dãy sau còn chỗ trống, mấy vị ngồi nghe nốt tiết học nhé”. Vương Yến Bình nói xong, quay người trở về phòng học, tiếp tục bước lên đứng trên bục giảng.

“Đi thôi, chúng ta sẽ quay lại làm học trò đã. Tiểu Chu, cậu ở lại trông chừng cửa trước, đề phòng nghi phạm nhất thời manh động, làm việc ngốc nghếch”. Tiêu Hiểu Bạch bước về phía cửa sau, anh để tiểu Chu ở lại phía cửa trước, vì sợ Vương Yến Bình để trốn chạy chế tài của pháp luật mà nhảy lầu.

Ở trường học hiện nay, điều kiện khác trước rất nhiều, phòng học đều căn cứ theo quy định đủ 50 học sinh để xây dựng, nên không bị chật hẹp, cửa sau cửa trước đều phải rộng mở, nên dãy bàn ghế phía sau thường để trống, không có người ngồi.

Phòng học này, gần hành lang là cửa sau, Tiêu Hiểu Bạch ngồi xuống trước dãy bàn gần cửa sau nhất, Đổng Lệ ngồi xuống bên cạnh anh.

“Các em, vừa rồi chúng ta đã học xong bài thơ “Niệm nô Kiều -Xích Bích hoài cổ, qua bài thơ chúng ta có thể cảm nhận được Tô Thức là nhà thơ lớn mang chất thơ phóng khoáng và hùng ca. Trong thơ Tống, hai nhà thơ Tô Thức và Tân Khí Tật là hai người đại diện cho phái khoáng đạt; Phái hàm xúc thì lấy Liễu Vĩnh và Lý Thanh Chiếu là đại diện”.

“Cổ nhân từng bình như thế này: “Thơ Liễu Lang, chỉ hợp với đám nữ nhi 17,18 tuổi tay gõ phách ngà hồng, đứng bên bờ dương liễu, hát bài ca gió lạnh trăng tàn. Thơ của học sĩ, tất phải là Đại Hán Quan Tây, cầm thiết bản, hát đại giang, tiến về hướng đông”. Liễu Lang và học sĩ ở đây là chỉ Liễu Vĩnh và Tô Thức, cách đánh giá này đã phản ánh lên cái chất phóng khoáng và chí khí oai hùng trong thơ ca của Tô Thức”.

“Nhưng chớ đơn thuần mang trường phái của nhà thơ để đánh giá thơ của họ, tỷ dụ như “Giang thành tử, giấc mộng đêm hai mươi tháng chạp năm ất mão (1075)” của Tô Thức lại được coi là một trong những tuyệt ca của dòng thơ Tống, mà trong bài thơ này lại là lời thơ của tình yêu, hết sức uyển chuyển, gây xúc động lòng người”.

Vương Yến Bình nói tới đây, học sinh trong lớp vui vẻ cười rộ lên, đám con trai thì toét miệng, nở nụ cười vẻ ranh mãnh, đám con gái thì đỏ mặt, cúi đầu xuống cười thầm. Vương Yến Bình không để tâm đến phản ứng của học trò, vẫn tiếp tục giảng.

“Mười năm sinh tử, không vương vấn. Không cố nhớ, vẫn chẳng quên. Mồ trơ ngàn dặm, lạnh lẽo thê lương. Dù cho gặp lại, không nên nhận. Mình ta đầy bụi, tóc đà pha sương”.

“Đêm về mộng đến, đã hoàn hương. Nàng ở bên hiên, vẫn điểm trang. Lặng lẽ nhìn nhau, lệ hai hàng. Năm qua năm, chốn đoạn tràng. Đồi thông vắng vẻ, trăng ngàn lạnh soi”.

Bà vừa trầm giọng đọc, vừa nhanh tay viết lên bảng bài thơ rất xúc động này. Dần dần, học sinh dừng hẳn tiếng cười, tuy bọn trẻ nhất thời không thể hiểu được ý nghĩa thực sự của bài thơ, nhưng chúng đã mơ hồ cảm giác thấy nỗi ai oán trong bài thơ.

“Đội Tiêu, tại sao bà ấy lại giảng bài thơ này cho bọn trẻ? Bọn trẻ này làm sao mà hiểu nổi?”. Đổng Lệ hạ giọng hỏi.

“Không phải bà ấy giảng cho bọn trẻ nghe đâu, mà tự nói cho mình nghe đấy”. Tiêu Hiểu Bạch nhìn nét chữ thanh tú trên bảng, nhẹ giọng trả lời.

“Đây là bài thơ Tô Thức viết cho người vợ quá cố của mình, sử văn ghi lại, Tô Thức và Vương Phất kết hôn khi Tô Thức 19 tuổi, vợ là Vương Phất 16 tuổi, 10 năm sau Vương Phất mất đi khi tuổi vừa 26. Đến năm thứ 8 Khang Ninh, triều đại Tống Thần Tông (1075), Tô Thức đã 40 tuổi, vào một đêm, ông nằm mộng gặp lại người vợ yêu của mình đã quá cố từ 10 năm trước, trong một lúc, cảm xúc dâng trào, ông đã viết ra bài thơ tràn đầy xúc cảm này, sau trở thành một bài tuyệt ca mang chất trữ tình nổi tiếng”.

“Hậu thế Trần Sư Đạo đã bình bài thơ này đạt mức: Tiếng khóc thấu trời xanh, nước mắt thấm hoàng tuyền. “Nàng ở bên hiên, vẫn điểm trang”. Với câu này đủ thấy Nhà thơ và vợ đã từng ân ái và hạnh phúc. Ở đoạn kết: “Năm qua năm, chốn đoạn tràng. Đồi thông vắng vẻ, trăng ngàn lạnh soi”; Câu này đã nói lên cái buồn đau của nhà thơ, trong mơ còn được gặp vợ, khi tỉnh giấc đã là âm dương xa cách, duy nhất còn lại chỉ là nấm mồ kia”.

Giảng đến đây, trong mắt Vương Yến Bình bỗng đọng đầy nước mắt, bà đứng trên bục giảng, không nói được lời nào, tất cả học sinh trên lớp đều ngồi ngây tại chỗ.

Qua đi khá lâu, khó khăn lắm Vương Yến Bình mới thốt ra được một câu: “Thời gian còn lại, các em tự học”. Bà chầm chậm thu lại bài vở của mình, rời khỏi bục giảng, bước ra ngoài.

Tiêu Hiểu Bạch từ hàng ghế sau đứng dậy, nhẹ nhàng nói với Đổng Lệ: “Đi thôi, bà ấy đã chuẩn bị xong rồi”.

Khi tiểu Chu đeo chiếc khóa số 8 vào tay Vương Yến Bình, phòng học như vỡ ra, sau giây phút hỗn loạn ngắn ngủi, bọn trẻ ùa ra khỏi lớp học, chúng vây chặt cả nhóm Tiêu Hiểu Bạch.

“Các chú không được đưa cô giáo Vương đi”. Bọn trẻ kêu lên ầm ỹ. Mấy đứa trẻ thông minh hơn đã chạy xuống tầng dưới, đại khái chúng đi tìm thày hiệu trưởng, trong mắt bọn trẻ, hiệu trưởng và thày cô giáo đều là vạn năng.

“Tất cả về lớp học đi, việc của cô các em không rõ đâu”. Vương Yến Bình đã lấy lại được bình tĩnh, nhưng nhìn thấy bao nhiêu học sinh vây đến, nước mắt lại tuôn rơi.

“Các chú cảnh sát ơi, nhất định các chú nhận lầm người rồi, cô Vương là cô giáo tốt, cô giáo rất tốt”. Các học sinh gái, thấy cô giáo khóc thì cũng bật khóc theo, chúng ôm chặt cánh tay Vương Yến Bình, không chịu buông ra.

Cả nhóm 3 người lặng lẽ nhìn nhau, có phần cảm thấy bất lực. Bọn trẻ sống chết giữ chặt Vương Yến Bình không chịu buông ra, làm cho các anh không biết làm sao để đưa Vương Yến Bình đi được,

Cuối cùng thì thày hiệu trưởng cũng đã đến, sau khi Tiêu Hiểu Bạch đã xuất trình giấy tờ, ông vỗ về lũ trẻ rồi cho chúng trở lại lớp học.

Nhóm 3 người đưa được Vương Yến Bình xuống tới sân trường, Lý Kha đã bước xuống, đang đứng bên cạnh xe, nhìn thấy mẹ, cô chỉ còn biết khóc.

Vương Yến Bình mồm miệng lập cập, cuối cùng mới thốt ra được một câu: “Tiểu Kha, mẹ xin lỗi con”.

Lý Kha bỗng ập vào lòng mẹ, vừa đánh vừa gào khóc: “Vì sao, vì sao, vì sao lại là mẹ”.

Vương Yến Bình ngửa mặt lên trời, mặt đầy nước mắt, bà cứ đứng yên để mặc cho con gái đánh.

“Lý Kha, được rồi, được rồi, về Cục sẽ nói”. Đổng Lệ kéo Lý Kha sang một bên, mở cửa xe sau, đẩy Vương Yến Bình lên xe.

Xe từ từ rời khỏi sân trường, phía sau vang lên tiếng chuông báo tan giờ học và tiếng huyên náo của bọn trẻ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.