Louise quyết định ngày hôm sau sẽ đi Moscou, để con ở lại đó cho bà Bá tước Vaninkoff và các cô gái. Tôi đi tiễn Louise cho đến thủ đô thứ hai này của nước Nga nơi mà tôi đã muốn đến thăm từ lâu. Louise giao cho Ivan tìm một chiếc xe vào tám giờ sáng mai.
Xe đã sẵn sàng vào giờ đã định. Ivan đã dựa vào lệnh của Hoàng đế tìm được một chiếc xe thật tốt trong đoàn hộ tống của nhà vua.
Louise rạng rỡ hẳn lên. Hôm trước cô đã quyết định ra đi không có tiền nong, nếu cần thì đi bộ, hôm nay cô thực hiện kế hoạch ấy với mọi sự dễ dàng sang trọng và được Hoàng đế bảo trợ. Chiếc xe đầy khăn áo lông thú vì tuyết chưa rơi nhưng đã bắt đầu lạnh, nhất là ban đêm. Louise và tôi lên ngồi trong xe, Ivan ngồi với người đánh xe và chúng tôi đi như gió.
Chưa đi đường dài ở Nga người ta không thể có một khái niệm nào về tốc độ. Từ Saint-Peterbourg đến Moscou khoảng một trăm chín mươi dặm Pháp, đi mất khoảng bốn mươi tiếng đồng hồ, nếu trả công người đánh xe hậu hĩ.
Giá công ngựa là năm centime một dặm, khoảng bảy, tám xu Pháp một trạm cho chủ ngựa. Về điểm này chúng tôi không phải bận tâm vì chúng tôi đi theo chi phí của Hoàng đế.
Còn người đánh xe, do hảo tâm của hành khách lót tay qua mỗi trạm, hai mươi lăm đến ba mươi cây số, nghĩa là đi khoảng sáu bảy dặm, thường được tám mươi kopek, đối với anh ta là một món tiền lớn rồi nên đến trạm thay ngựa anh thường kêu lên từ xa "Báo động! Báo động! Tôi đưa những đại bàng tới!" ý muốn nói xe chạy theo tốc độ của con chim mà anh mượn tên để chỉ người hành khách tuyệt vời. Ngược lại nếu anh không bằng lòng, nếu những người hành khách đưa cho anh ít hoặc không cho gì, anh sẽ để ngựa đi thong thả đến trước trạm, nhăn mặt biểu đạt ý nghĩa, ý là chỉ đưa đến những con quạ mà thôi.
Được xếp vào hàng những chim đại bàng cùng với sự chu đáo của Ivan, xe của chúng tôi chạy suốt cuộc hành trình không có sự cố gì và ngay chiều tối hôm ấy chúng tôi đến Novgorod, thành phố cổ đã đi vào câu phương châm Nga "Không ai có thể chống đỡ nổi với thánh thần và Novgorod lớn lao".
Novgorod trước kia là chiếc nôi phong kiến Nga, có tới sáu mươi nhà thờ mà vẫn không đủ cho dân cư đông đúc ở đây, ngày nay thành phố với những tường thành lở lói, đổ nát như một thủ đô chết giữa Saint-Peterbourg và Moscou là hai thủ đô hiện đại.
Chúng tôi chỉ dừng ở Novgorod để ăn khuya rồi lại lên đường đi ngay. Thỉnh thoảng trên đường đi chúng tôi gặp những đống lửa, chung quanh là mười, mười hai người đàn ông râu dài và một đoàn xe bốn bánh nép bên đường. Những người ấy là công nhân vận tải, do không có làng quán nên cắm trại ngay bên đường, nằm ngủ đắp áo choàng và ngày hôm sau lại lên đường, vẫn thoải mái, vui vẻ như đã qua đêm trên chiếc giường tốt nhất thế giới. Trong lúc họ ngủ, ngựa được thả ra gặm cỏ trong rừng, hoặc trên cánh đồng. Sáng ra những người vận tải huýt gọi và những con ngựa tự đứng xếp vào vị trí của mình.
Ngày hôm sau chúng tôi thức dậy giữa vùng được mệnh danh là Thuỵ sĩ Nga. Đây là một thị trấn rất đẹp, xen lẫn ao hồ, thung lũng và đồi núi giữa những cánh đồng cỏ vĩnh cửu hoặc những rừng thông âm u và bao la. Valdaï, cách xa Saint-Peterbourg gần chín mươi dặm, là trung tâm và thủ đô của vùng Thuỵ Sĩ phương Bắc này. Xe chúng tôi vừa dừng lại thì vô số người bán bóng chày vây quanh làm tôi nghĩ đến những người bán đồ chơi ở Paris.
Sau Valdaï đến Torchok, nổi tiếng về việc buôn bán da dê thuộc, làm ủng đi buổi sáng rất lịch sự và dép đi trong nhà của phụ nữ thật điệu. Rồi Tver, tỉnh lỵ có một chiếc cầu thật dài gần sáu trăm bộ bắc ngang qua sông Volga. Con sông này dòng chảy rộng, bắt nguồn từ hồ Seigneur và chảy ra biển Caspienne, sau khi chảy qua suốt chiều rộng của nước Nga, nghĩa là một không gian gần bảy trăm dặm. Cách thành phố này khoảng hai mươi cây số, chúng tôi gặp trời tối, sáng ra đã thấy những mái vòm lóng lánh và những gác chuông tắmvàng của Moscou.
Cảnh vật trông thấy gây cho tôi một cảm giác sâu sắc. Trước mắt tôi là một ngôi mộ lớn mà nước Pháp đến chôn số phận mình. Tôi bất giác rùng mình, hình như bóng dáng Napoléon hiện ra, kể lại với tôi trận thất bại với nước mắt đẫm máu.
Vào trong thành phố, tôi tìm khắp nơi những dấu vết người Pháp qua đây năm 1812 đã để lại và nhận ra được một số. Thỉnh thoảng có những cảnh đổ nát, chứng tích buồn về sự hy sinh dã man của Rostopchine, bị đốt cháy đen ngòm. Tôi muốn dừng xe, trước hết tìm đến Kremlin, để nhìn lâu đài âm u, nơi mà một buổi sáng người Nga đốt cháy thành một vòng lửa cùng với toàn thành phố. Vì tôi không đi một mình nên đành gác lại sau và để cho Ivan dẫn đi; qua một phần thành phố, dừng lại trước cửa một khách sạn do một người Pháp quản lý, gần cầu Maréchaux. Tình cờ chúng tôi nghỉ lại gần nhà bà Bá tước Vaninkoff.
Louise rất mệt mỏi vì chuyến đi luôn bế con trên tay nhưng dù tôi nài ép phải nghỉ ngơi đã, cô vẫn viết thư cho bà Bá tước báo tin mình đã đến Moscou và xin phép đến nhà.
Mười phút sau, tôi vừa vào phòng mình thì một chiếc xe dừng trước cửa. Bà Bá tước và các cô con gái không muốn chờ Louise đến tìm mình. Họ biết sự hy sinh của tấm lòng cao cả này, và không muốn trong thời gian ngắn ở Moscou, người mà họ coi như con, như chị ở chỗ nào khác ngoài nhà họ.
Louise kéo màn chỉ đứa con đang ngủ trên giường và ngay trước khi cô nói ý định để đứa con lại cho họ, hai cô em gái đã bế lấy đứa bé đem lại cho bà mẹ hôn.
Đến lượt tôi. Người ta biết tôi đưa Louise đi và là người thầy dậy đánh kiếm của Alexis Vaninkoff nên ba người phụ nữ muốn gặp tôi. Louise đã báo trước cho tôi.
Bao nhiêu câu hỏi dồn dập. Vì tôi thân với Bá tước khá lâu, nên có thể thoả mãn những điều họ muốn biết và vì tôi cũng yêu mến ông ta nên nói về ông ta không mệt mỏi. Ba người phụ nữ phấn khích quá muốn mời tôi về nhà họ cùng với Louise nhưng tôi từ chối. Vả lại ngoài sự tế nhị, tôi ở khách sạn được tự do hơn, và không định ở lại Moscou sau khi Louise ra đi, tôi nhân cơ hội đi tham thú thành phố thánh này trong thời gian ngắn ở lại đây.
Louise kể lại cuộc tiếp kiến Hoàng đế và những gì Người đã làm cho cô, bà Bá tước khóc vì vui mừng và biết ơn, và bà hy vọng Hoàng đế không độ lượng nửa chừng. Có thể Người sẽ chuyển việc lưu đày vĩnh viễn sang thành lưu đày có thời hạn như đã giảm án tử hình xuống lưu đày.
Tôi không nhận lời, bà Bá tước muốn ít nhất cũng mời được Ivan đến ở nhà bà nhưng tôi đòi ông ở lại với ý định nhờ ông làm hướng dẫn viên đi thăm viếng thành phố này. Ivan tham gia vào mặt trận năm 1812, ông vừa đánh vừa lùi từ Niémen đến Vladimir. Và đuổi theo quân Pháp từ Vladimir đến Bérésina. Điều này rất quý giá cho tôi nên tôi không tách ông ra được. Louise và con lên xe với bà Bá tước Vaninkoff và các cô gái; tôi ở lại khách sạn cùng với Ivan sau khi hứa sẽ đến ăn tối ở nhà bà Bá tước.