[Dịch] Kiếm Lai

Chương 88 : Hóa trang lên đài




Trần Bình An liếc nhìn vỏ đao bằng trúc xanh bên hông vị khách không mời mà đến này, ra vẻ nghi hoặc hỏi:

- Kiếm khách?

Người đàn ông kia một tay cầm nón, một tay vỗ nhẹ chuôi đao, mỉm cười nói:

- Tạm thời không tìm được kiếm xứng với ta, cho nên đành phải dùng thứ này thay thế, nhằm để sỉ nhục người dùng đao trong thiên hạ.

Nghe được giọng điệu có phần quen thuộc này, Trần Bình An lại thở phào một hơi, cảm thấy Lưu Bá Kiều có thể làm bạn tốt với người đàn ông này.

Phía sau Trần Bình An và Lý Bảo Bình, cặp cha con kia sánh vai chậm rãi bước đi. Thiếu nữ Chu Lộc có vẻ không đồng ý, cười nhạo nói:

- Long vương ngáp có thể hút cả một con sông, đúng là khẩu khí lớn. Cha, có phải đầu óc gã này có vấn đề không?

Chu Hà nhìn thấy bên hông người đàn ông kia còn đeo một bầu rượu màu trắng bạc, kích cỡ chừng bàn tay, mài đến trơn bóng sáng ngời, nhìn có vẻ là đồ vật cũ lâu năm, bèn nhỏ giọng nói với khuê nữ nhà mình:

- Mặc dù không phát hiện được khí tức của ông ta có gì khác thường, chỉ mạnh hơn người bình thường một chút, nhưng vẫn phải cẩn thận. Mặc dù đời này cha chưa từng đi xa nhà, nhưng đã nghe lão tổ tông nói qua không ít chuyện trên giang hồ. Hành tẩu giang hồ phải cẩn thận đạo cô, lão tăng, đứa trẻ và nghiện rượu, ngoài ra nhân vật càng nhìn không giống tông sư cao thủ thì càng không thể xem thường.

Thiếu nữ ồ một tiếng, vừa khẩn trương vừa hưng phấn, mong muốn người đàn ông dung mạo bình thường kia chính là thích khách sát thủ, vừa lúc làm đá mài dao cho người mới ra đời như cô.

Trần Bình An hỏi:

- Ông tìm tôi?

Người đàn ông kia nhếch miệng cười nói:

- Ta đưa ngươi đến biên cảnh Đại Tùy, trước đó chúng ta kết bạn cùng đi, có thể chiếu cố lẫn nhau.

Trần Bình An thử dò hỏi:

- Ông quen biết Nguyễn sư phụ rèn sắt?

Người đàn ông kia gật đầu nói:

- Đương nhiên quen biết.

Trần Bình An lại thở phào một hơi.

Trước lúc rời khỏi trấn nhỏ, Nguyễn sư phụ đã đáp ứng mình, trước khi đến trọng địa binh gia ở biên cảnh Đại Ly là Dã Phu quan sẽ bảo đảm an nguy của mình, xem như một phần của giao dịch.

Hắn tin tưởng Nguyễn sư phụ sẽ không nuốt lời, nhất là người này xuất hiện sớm như vậy, gần như lộ mặt dưới con mắt của Nguyễn sư phụ, cho nên chắc không phải là một trong ba phương thế lực núi Chính Dương, núi Vân Hà và thành Lão Long. Hơn nữa cặp cha con Chu Hà và Chu Lộc kịp thời xuất hiện phía sau, cũng mang đến cho Trần Bình An tự tin lớn hơn.

Nhưng hắn vẫn sợ lỡ may, cho nên hỏi:

- Vậy ông theo tôi đến trấn nhỏ gặp Nguyễn sư phụ một lần, sau đó chúng ta lại lên đường xuôi nam. Vừa khéo tôi mới biết thực ra nên đi từ cửa đông trấn nhỏ, mặc dù là đường vòng nhưng lại có đường chuyển thư tín, xe trâu xe ngựa đều đi được, còn nhanh hơn chúng ta trèo đèo lội suối.

Người đàn ông kia tươi cười nghiền ngẫm nói:

- Cẩn thận như vậy sao? Không có sự hào sảng của người giang hồ gì cả.

Trần Bình An không quay đầu, ánh mắt vẫn luôn nhìn chằm chằm vào người đàn ông kia, trầm giọng nói:

- Chu Hà, ngài có thể bảo Chu Lộc dẫn Bảo Bình về trấn nhỏ trước không. Chúng ta không vội.

Trong thoáng chốc Chu Hà đã hiểu được mấu chốt, gật đầu nói:

- Như vậy là tốt nhất.

Sau đó ông ta nói với con gái:

- Lộc nhi, con dẫn tiểu thư về trước. Ta và Trần Bình An tiếp đón vị A Lương huynh đệ này, uống rượu hay so tài cũng được, gặp gỡ là duyên, đều không quá mức.

Tiểu cô nương mặc áo bông đỏ được Chu Lộc dắt tay, không hề do dự, cũng không khóc lóc đòi ở cùng tiểu sư thúc, chỉ kéo kéo tay áo Trần Bình An, khẽ nói hai chữ cẩn thận, sau đó quả quyết theo Chu Lộc bước nhanh rời đi. Lý Bảo Bình không hề dài dòng, ngược lại tỳ nữ nghé con mới sinh không sợ cọp kia lại đầy thất vọng, rất muốn mình có thể đổi vị trí với cha.

Người đàn ông nhìn thấy cảnh tượng sinh li tử biệt này liền trợn trắng mắt, lấy bầu rượu xuống, dựa nghiêng vào con lừa màu trắng kia uống một hớp, cười nhạo nói:

- Để tiểu muội kia dẫn tiểu nha đầu đi trước là được, sau một nén nhang ba người đại lão gia chúng ta lại đi trấn nhỏ.

Sau đó ông ta nâng bầu rượu màu trắng bạc trong tay lên, đưa tay vuốt ve sống lưng con lừa, nhìn Chu Hà cười hỏi:

- Ngươi cũng tính là hảo thủ một phương, chẳng lẽ không nhận ra thứ này?

Ông ta lại vỗ vỗ đầu mình:

- Đã quên động tiên Ly Châu của các ngươi vừa mới mở ra, ngươi biết mới là chuyện lạ. Không sao, không sao, chúng ta có thể từ từ nói chuyện, còn rất nhiều thời gian.

Người đàn ông chỉ vào cây liễu già vắt ngang qua khe suối kia:

- Chúng ta qua bên đó ngồi nói chuyện?

Trần Bình An và Chu Hà nhìn nhau, cảm thấy như vậy cũng tốt, có thể bình tĩnh theo dõi tình hình.

Người đàn ông kia dắt con lừa trắng đi theo phía sau Trần Bình An và Chu Hà, đến bên cạnh cây liễu già, buông dây cương ra mặc cho con lừa tùy ý gặm cỏ xanh. Ông ta bước lên cây, dọc theo thân chính đi thẳng ra bờ suối, cuối cùng ngồi xuống, một lần nữa đội nón lên. Ông ta cầm bầu rượu màu trắng bạc, đang muốn ngửa đầu uống rượu, đột nhiên lại quay đầu đưa bầu rượu ra, cười hỏi:

- Có ai muốn tới uống một ngụm không? Một mình vui vẻ không bằng nhiều người vui vẻ, rượu tiên nhân Khôi Cương giá hai lượng bạc, là loại yêu thích của tất cả phú ông ở Đại Tùy. Trên đường đi về phía bắc ta uống tới uống lui, đã thưởng thức hơn trăm loại rượu, vẫn là rượu tiên nhân này thuần túy nhất.

Trần Bình An lắc đầu:

- Tôi không uống rượu.

Chu Hà cũng lắc đầu:

- Tập võ chưa đại thành, không dám uống rượu.

Người đàn ông kia lắc đầu theo, nhìn bọn họ, vẻ mặt tiếc nuối nói:

- Hóa ra đều không phải là người đồng đạo. Trước đây không lâu ta có quen một vị thiếu hiệp, thật là phong lưu phóng khoáng...

Ông ta đột nhiên phát hiện sắc mặt Trần Bình An và Chu Hà trở nên kỳ lạ, cảm thấy nghi hoặc, nhưng lại không tiện đánh mất phong phạm cao thủ, đành phải uống một hớp rượu để che giấu sự ngỡ ngàng của mình.

Trần Bình An khẽ hắng giọng một tiếng. Người đàn ông kia hỏi:

- Chuyện gì?

Trần Bình An đưa tay chỉ vào đầu cuối cây liễu già mọc nghiêng này.

Người đàn ông kia nhíu mày, quay đầu nhìn, kết quả lại nhìn thấy một đôi chân chắn trước tầm mắt. Trong thoáng chốc sắc mặt của ông ta cứng đờ, lập tức ngẩng đầu, trông thấy đó là một người đàn ông trung niên mặt không cảm xúc. Người này nặng ít nhất một trăm năm sáu chục cân (một cân bằng nửa kg), nhưng lại nhẹ nhàng đứng ở ngọn cây, xuất quỷ nhập thần, khiến cho người đàn ông đội nón giật mình ngã vào trong suối, vô cùng chật vật.

Người tới là thánh nhân Binh gia Nguyễn Cung. Như lão Dương đã nói, Nguyễn Cung cũng không có hứng thú với động tĩnh trong núi sông ngàn dặm, trừ khi gặp phải loại người khiêu khích phá hư quy củ như Thôi Sàm, Nguyễn Cung vốn chuyên tâm đúc kiếm mới sẽ ra tay. Nguyễn Cung không cảm thấy có người dám ra tay với Trần Bình An trong phạm vi trăm dặm, đó là đang tát vào mặt ông ta, mà mặt mũi của một vị kiếm tu Binh gia tầng mười một chỉ nặng chứ không nhẹ hơn mặt mũi của một vương triều. Do đó ông ta cũng lười để ý tình hình bên này, một thiếu niên giày cỏ và một tiểu cô nương ngây thơ hồn nhiên kết bạn đi xa mà thôi, làm sao đáng để ông ta tự mình trông coi?

Nhưng Nguyễn Cung lại bị một món đồ thu hút sự chú ý. Có người lắc lư món đồ kia, ông ta lập tức cảm nhận được trong đó chứa đựng kiếm khí hùng hậu, tinh thuần và mênh mông, nhất là cảm giác rất quen thuộc, lộ ra một sự thân thiết và bi thương. Ông ta tu hành trong tông môn nhiều năm, mặc dù chưa từng tận mắt nhìn thấy nhưng đã sớm nghe nói đến thứ này, vì vậy lập tức từ tiệm rèn chạy tới.

Lúc này thấy dáng vẻ của người nọ còn không bằng thầy giáo phàm tục, Nguyễn Cung chẳng những không có ý mỉa mai, ngược lại càng nghiêm túc hỏi:

- Có phải là Thần Tiên Đài Ngụy Tấn?

Người đàn ông kia rơi xuống khe suối nhỏ quờ quạng một lúc, thật vất vả mới đứng thẳng được, nhặt bầu rượu trong nước suối lên, cởi nón trên đầu xuống giũ giũ, cuối cùng ngẩng đầu nhìn kẻ gây ra chuyện, tức giận nói:

- Ta tên là A Lương.

Nguyễn Cung đứng trên cao nhìn chăm chú vào đối phương, giống như muốn quan sát thật kỹ, hỏi:

- Có thể cho ta mượn uống mấy hớp rượu được không?

Người đàn ông kia ném bầu rượu về phía Nguyễn Cung trên cao:

- Có gì không thể? Nhưng nhớ trả lại ta.

Nguyễn Cung chụp lấy bầu rượu, uống một hớp, cười hỏi:

- Lại không phải là rượu ngũ hoàng?

Người đàn ông kia vừa nghe đến cái tên này liền bực bội, khinh khỉnh nói:

- Tăng giá rồi.

Nguyễn Cung cười ha hả, ném bầu rượu trở về, hỏi:

- Sao ngươi tới nhanh như vậy? Ta còn tưởng rằng nhanh nhất cũng phải khoảng mười ngày.

Người đàn ông tự xưng là A Lương cả người ướt nhẹp đi lên bờ, đồng thời nói kháy:

- Ngươi quản được sao? Thánh nhân giỏi lắm à.

Nguyễn Cung hỏi:

- Có muốn đến tiệm của ta ngồi một chút không? Con gái ta rất ngưỡng mộ ngươi.

A Lương chỉ vào mình, cười ha hả nói:

- Ngưỡng mộ ta? Vậy ánh mắt của con gái ngươi đúng là rất tốt.

Nguyễn Cung dường như đã sớm biết sự hoang đường của người này, hỏi:

- Chẳng lẽ lần này là ngươi phụ trách chuyện của núi Long Tích?

A Lương xua xua tay:

- Không phải ta, có người khác.

Nguyễn Cung nhìn người đàn ông đội nón có vẻ không hứng thú kia, đột nhiên cười lên:

- Chẳng lẽ trên đường lên phía bắc, ngươi đã gặp được vị đạo cô nhỏ kia?

Sắc mặt A Lương vẫn như thường:

- Ngươi nói gì, ta không hiểu.

Trong lòng Nguyễn Cung thở dài, không tiếp tục thăm dò, cũng không nhiều lời nữa.

Nguyễn Cung xuất thân từ miếu Phong Tuyết, nơi đó có một vị kiếm tu thiên tài tiếng tăm lừng lẫy, hơn nữa còn trẻ tuổi, rất ít khi ở lại tông môn. Ngay cả trong miếu Phong Tuyết cũng có người không biết tên họ của người này. Lúc hắn còn trẻ được một vị lão tổ miếu Phong Tuyết xuống núi dạo chơi nhìn trúng, thu làm đệ tử thân truyền, cho nên vai vế rất cao. Lần đầu tiên hắn lên núi chỉ mới tròn hai mươi, nhưng rất nhiều tu sĩ lớn tuổi đều phải ngoan ngoãn gọi hắn một tiếng sư tổ. Sau đó vị Trung Hưng lão tổ miếu Phong Tuyết kia đột phá cửa ải thất bại, cộng thêm nhánh này nhân tài điêu linh, cho nên quan hệ giữa kiếm tu trẻ tuổi và miếu Phong Tuyết càng sơ sài hơn.

Người này hở một chút là hành tẩu giang hồ bảy tám năm, chỉ đến ngày giỗ của sư phụ mới thỉnh thoảng xuất hiện ở tông môn, vẫn luôn đi lại một mình, cho dù trở về miếu Phong Tuyết cũng không chào hỏi ai. Nghe nói từ rất sớm hắn đã lấy được một chiếc hồ lô nuôi kiếm giá trị liên thành, nhưng lại không dùng để nuôi dưỡng phi kiếm, mà phí của trời dùng để đựng rượu mạnh trăm ngàn cân. Một năm có ít nhất nửa thời gian uống rượu say mèm, vì vậy được gọi là kiếm tiên nhân say sưa. Một khi uống say thì lại leo lên lưng con lừa trắng như tuyết, mặc cho nó chở đi đâu thì đi.

Trước khi Nguyễn Cung rời khỏi miếu Phong Tuyết, nghe nói người này chẳng biết vì sao vừa gặp đã yêu một vị đạo cô trẻ tuổi được khen là “phúc duyên xuất chúng một châu”, từ đó lõm sâu không thể thoát ra. Tiếc là chàng có tình nhưng thiếp không có ý, đạo cô xinh đẹp vốn không có ý định tìm kiếm đạo lữ. Chuyện này lại trở thành một đề tài thú vị trên núi vang động Đông Bảo Bình Châu.

Nguyễn Cung ngẫm nghĩ:

- Đã như vậy thì làm phiền ngươi đưa bọn chúng đến Dã Phu quan Đại Ly.

Người đàn ông kia gật đầu.

Nguyễn Cung chắp tay cáo từ, thân hình nhoáng lên rồi biến mất, chỉ có cành liễu khẽ lay động.

Chu Hà cẩn thận hỏi:

- A Lương... tiền bối là tiên nhân của miếu Phong Tuyết?

Người đàn ông kia dắt con lừa, uể oải nói:

- Ta không quen miếu Phong Tuyết.

Chu Hà cười, cũng không cảm thấy xấu hổ.

Có thể cách nhìn của võ nhân trên thế gian đối với luyện khí sĩ đều không tốt, nhưng đối với tu sĩ miếu Phong Tuyết và núi Chân Vũ thì vẫn phải giơ ngón cái lên.

Trước đó có thể Chu Hà cảm thấy người này giọng điệu lớn hơn trời, cố làm ra vẻ. Nhưng sau khi thánh nhân Nguyễn Cung đến rồi đi, Chu Hà quay đầu nhỉn lại, bỗng cảm vị người đàn ông đội nón tướng mạo bình thường trước mắt này đúng là chân nhân bất lộ tướng, thần tiên ẩn náu trong dân gian. Đoán rằng thanh trường đao vỏ trúc màu xanh lá kia cũng là thần binh lợi khí, chỉ cần rút ra khỏi vỏ sẽ kinh hãi thế tục.

A Lương uống một ngụm rượu làm ấm người, nói với Trần Bình An:

- Tiểu cô nương kia trở lại rồi.

Trần Bình An quay đầu nhìn, chẳng những Lý Bảo Bình và Chu Lộc đã trở lại, còn có hai gương mặt quen thuộc và một con la bên hông đeo bọc hành lý nặng nề.

Lý Hòe và Lâm Thủ Nhất.

Trần Bình An chạy chầm chậm tới. Vẻ mặt Lý Bảo Bình phiền muộn không vui. Chu Lộc nói với giọng trong trẻo:

- Giữa đường chúng tôi gặp phải hai đứa trẻ này, nói là muốn theo tiểu thư đến thư viện Sơn Nhai học tập. Lão tổ tông của chúng tôi vừa mới hiện thân lên tiếng, bảo tôi quay lại tìm các người.

Trần Bình An không hỏi Chu Lộc xem lão tổ tông kia là ai, chỉ nhìn về Lý Hòe lấm la lấm lét và Lâm Thủ Nhất giống như công tử cao quý sa sút.

Lý Hòe ngẩng cao đầu, lý lẽ hùng hồn nói:

- Ta không theo các người kiếm cơm ăn, chẳng lẽ ở lại trấn nhỏ làm ăn mày xin cơm à.

Dáng vẻ Lâm Thủ Nhất vẫn lạnh lùng như trước, nói:

- Cầu phú quý trong nguy hiểm.

Lý Bảo Bình hừ lạnh nói:

- Các ngươi có thể xuất phát từ cửa đông, tự mình đi đến thư viện. Dựa vào đâu tiểu sư thúc và ta phải dẫn theo hai đứa con ghẻ các ngươi?

Lý Hòe tức giận nói:

- Lý Bảo Bình! Dù sao chúng ta cũng là bạn chung hoạn nạn từng sống chết có nhau!

Lâm Thủ Nhất không vô lại như Lý Hòe, thẳng thắn nói:

- Đừng nói là thư viện Sơn Nhai, ta và Lý Hòe muốn đi đến biên cảnh Đại Ly cũng không nổi.

Trần Bình An gật đầu, khẽ đặt tay lên đầu Lý Bảo Bình, ngăn cản cô nói chuyện, sau đó hỏi:

- Hai người Thạch Xuân Gia và Đổng Thủy Tỉnh, có phải chắc chắn sẽ không đến?

Lâm Thủ Nhất giải thích:

- Chỗ tiệm Áp Tuế có người sẽ dẫn Thạch Xuân Gia đến kinh thành. Đổng Thủy Tỉnh nghe nói sau này trường làng trong trấn nhỏ sẽ mở cửa trở lại, bèn chạy đến tiệm rèn làm công ngắn hạn thay anh.

Trần Bình An nhìn ba đứa trẻ ở trường học là Lý Bảo Bình, Lý Hòe và Lâm Thủ Nhất, cười nói:

- Vậy thì cùng nhau lên đường.

A Lương dắt con lừa màu trắng kia từ bên khe suối trở lại, sau khi nhìn thấy Lý Hòe và Lâm Thủ Nhất, vẻ mặt không tình nguyện nói:

- Mang thêm một tiểu cô nương khả ái thì cũng được, nhưng hai thằng nhóc các ngươi là thế nào?

Lý Hòe mắng như tát nước:

- Ông là cái thứ gì?

A Lương mặt không đổi sắc trả lời:

- Ta là người cha thất lạc nhiều năm của ngươi, cha ruột.

Lý Hòe như bị sét đánh, nhìn chắm chằm vào người đàn ông xa lạ này.

Người đàn ông kia bị nhìn đến phát cáu, chẳng lẽ cha mẹ của thằng nhóc này thật sự có chuyện không thể nói với người khác?

Lý Hòe nhanh chóng thay đổi vẻ mặt ngơ ngác ban đầu, nhếch nhếch khóe miệng, liếc nhìn người đàn ông đội nón kia, vẻ mặt chán ghét nhỏ giọng nói:

- Đấu với ta à?

Người đàn ông kia đành phải nhận thua, tấm tắc nói:

- Ái chà, nước cạn nhiều rùa con quá.

Hai tay Lý Hòe ôm sau đầu, lẩm bẩm nói:

- Không nghe rùa niệm kinh.

Trần Bình An bỗng hỏi một câu:

- A Lương, sao ông lại biết nói tiếng địa phương trấn nhỏ chúng ta?

Người đàn ông kia cười híp mắt nói:

- Ngươi đi mà hỏi Nguyễn Cung.

Trần Bình An nhìn ông ta, đột nhiên cười nói:

- Bỏ đi.

Người đàn ông kia đưa tay chỉ vào Trần Bình An dạy dỗ:

- Còn nhỏ tuổi, tâm tư nặng như vậy không tốt đâu.

A Lương tự xưng là kiếm khách nhưng lại đeo đao cộng thêm con lừa trắng của ông ta, Trần Bình An và Lý Bảo Bình mỗi người đeo một cái gùi, Lý Hòe và Lâm Thủ Nhất hai tay trống trơn, còn có cha con Chu Hà và Chu Lộc đi ở sau cùng, bảy người thân phận khác xa nhau cùng đi về phía nam.

A Lương đến từ cùng một nơi với Nguyễn sư phụ, nói rằng đường đi tới đây cũng không khó, hơn nữa cứ theo sông Thiết Phù đi về phía nam, rất nhanh sẽ có thể nhìn thấy đường chuyển thư tín của Đại Ly đang được xây dựng ngày đêm.

Nhưng về việc ngừng nghỉ sắp tới, ông ta vẫn bằng lòng nghe theo ý kiến của Trần Bình An.

Trong lúc nghỉ ngơi rãnh rỗi, Lý Hòe chạy đến chỗ người đàn ông đội nón kia, không hề sợ hãi người lạ, chống nạnh hỏi:

- Này! A Lương, con lừa này của ông là đực hay cái?

Người đàn ông kia cũng không ghét đứa bé này, chỉ là hơi phiền phức:

- Liên quan gì đến ngươi.

- Cho tôi cưỡi thử đi?

- Ngay cả ta cũng không nỡ cưỡi, ngươi dựa vào đâu? Thật coi mình là con ruột của ta à.

- Nếu ông tặng con lừa cho tôi, khi trở lại tôi sẽ bảo mẹ mình tái giá, thế nào? Đương nhiên nếu mẹ tôi không đồng ý thì không trách tôi được, con lừa này vẫn phải thuộc về tôi.

- Cút cả ngươi và mẹ ngươi đi!

- A Lương, không phải tôi nói ông, nhưng về sau ông phải sửa đổi tính khí này một chút.

Hai tay Lý Hòe đặt phía sau người, lắc đầu thở dài rời đi, để lại một người đàn ông đội nón xem như đã mở rộng tầm mắt.

---------

Hai người dọc theo khe suối đi về hướng tiệm rèn, một người là Nguyễn Cung, còn một người là ông lão tóc trắng xoá, mặt hồng hào. Người sau chính là lão tổ tông mà tỳ nữ Chu Lộc đã nói, người đứng đầu thật sự của họ Lý, một trong bốn họ lớn của trấn nhỏ.

Một cục cưng bảo bối như Lý Bảo Bình, gia tộc họ Lý đã gởi gắm hi vọng vào cô, đương nhiên sẽ không chỉ để cặp cha con kia đi theo bên cạnh. Nếu không phải hôm nay Nguyễn sư lộ diện, lão tổ Lý gia tu vi có thành tựu cũng sẽ hộ tống bọn họ đến Dã Phu quan.

Ông lão cười khổ nói:

- Nguyễn sư, người này là trợ thủ được ngài mời tới từ miếu Phong Tuyết sao? Nhìn đúng là...

Nguyễn Cung dứt khoát nói:

- Đúng là không giống như cao thủ, lại giống như một tay du thủ du thực quê mùa, đúng không?

Nguyễn Cung chậm rãi nói:

- Lúc ta cầm bầu rượu uống đã cẩn thận xem xét, kiếm khí bản mệnh trong hồ lô nuôi kiếm kia giống như vẫn còn sinh cơ, đúng là chân truyền của miếu Phong Tuyết. Hơn nữa nhánh Thần Tiên Đài của miếu Phong Tuyết này vốn ít người, Ngụy Tấn càng lãnh đạm không thích kết giao với người khác, chỉ thích hành tẩu giang hồ, tính tình hơi kỳ quái cũng dễ hiểu. Mặc dù thế gian cũng có thủ đoạn âm độc, sau khi giết người thành công cướp lấy vật bản mệnh của đối phương, nhưng tu vi của Ngụy Tấn chắc chắn không thấp, muốn thuận lợi đoạt lấy hồ lô nuôi kiếm và kiếm khí trên người hắn...

Nguyễn Cung cười lên:

- Vậy hôm nay cho dù Nguyễn Cung ta ra tay, cũng không ngăn được người nọ làm chuyện mình muốn.

Ông lão thở dài:

- Không thể nói như vậy, nếu tam giáo nhất gia không lấy đi vật trấn áp, trận pháp vẫn còn, rất nhiều chuyện Nguyễn sư cũng không cần bó tay bó chân như vậy.

Nguyễn Cung ngẫm nghĩ:

- Sắp tới ta phải đi gặp người của nhánh Đại Nghê Câu miếu Phong Tuyết, nghe ngóng tình hình một chút, bọn họ cách nơi này cũng không xa nữa. Vừa lúc liên quan đến chuyện phân chia trảm long đài ở núi Long Tích, người của núi Chân Vũ không tiện nói thẳng. Trong thời gian này nếu trấn nhỏ có chuyện gì bất ngờ, phiền Lý lão tìm đến Tú Tú, bảo nó dùng phi kiếm truyền thư là được.

Miếu Phong Tuyết và núi Chân Vũ là hai nhà tổ Binh gia ở Đông Bảo Bình Châu, một nam một bắc, quan hệ giữa hai bên vẫn luôn không tốt không xấu, đại khái thuộc loại nước giếng không phạm nước sông. Đương nhiên vào thời khắc mấu chốt liên quan đến phải trái trắng đen, bọn họ nhất định sẽ vứt bỏ thiên kiến bè phái, lựa chọn hợp sức đối địch.

Trong đó núi Chân Vũ càng coi trọng sự phát triển của vương triều thế tục dưới núi. Vương triều Đại Ly có rất nhiều tu sĩ núi Chân Vũ, dưới trướng vương triều họ Lư đã bị hủy diệt và Đại Tùy họ Cao cũng có bóng dáng tu sĩ núi Chân Vũ, phần nhiều là tùy tùng bên cạnh đại tướng sa trường, hoặc là võ tướng trung tầng nắm giữ thực quyền.

Miếu Phong Tuyết thì có khuynh hướng chỉ lo thân mình, thường lui tới di chỉ của các chiến trường cổ lớn. Bọn họ có phần giống như du hiệp trên giang hồ, người mang võ nghệ tuyệt đỉnh, mọi chuyện tùy tâm, cao hứng thì trảm yêu trừ ma hành hiệp trượng nghĩa, không cao hứng thì tìm người so tài đạo pháp kiếm thuật, phần nhiều là tự ý xông vào sơn môn, chủ nhân có đồng ý hay không cũng phải đánh với bọn họ một trận rồi tính sau. Có điều những kẻ tính tình kỳ quái của miếu Phong Tuyết này đánh nhau không phải để nổi danh, càng sẽ không giết người. Vì vậy dù bị tu sĩ của miếu Phong Tuyết đánh cho mặt đầy bụi bặm, cũng không cần lo lắng chuyện xấu sẽ truyền ra ngoài.

Liên quan đến chuyện phi kiếm, ông lão nghi hoặc nói:

- Nguyễn sư, bên nhà tôi cũng có mấy thanh phi kiếm truyền tin phẩm chất không tệ...

Nguyễn sư cười xua tay:

- Không giống nhau, chênh lệch không nhỏ.

Ông lão lập tức hiểu rõ, xấu hổ nói:

- Ở bên cạnh Nguyễn sư mà nói đến phi kiếm, đúng là múa rìu qua mắt thợ, múa rìu qua mắt thợ.

Nguyễn Cung đột nhiên nhẹ giọng cảm khái nói:

- Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng.

---------

Một vị phu nhân vóc người xinh đẹp đẫy đà, mặc trang phục cung đình đi trong ngõ Nê Bình.

Có ba người đi theo phía sau xa xa. Một người đàn ông trung niên vóc dáng vạm vỡ, vẻ mặt cương nghị. Một ông lão mặt trắng không râu, dường như thị lực kém cỏi, vẫn luôn híp mắt. Một cô gái trẻ ôm một thanh trường kiếm, tua kiếm màu vàng chen chúc trên bộ ngực đầy đặn của cô.

Cuối cùng phu nhân kia dừng lại trước cửa nhà Tống Tập Tân, cười nói:

- Trộm câu đối xuân, loại chuyện này chỉ có Thôi Sàm mới làm được.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.