Đã năm ngày trôi qua, nắng chiều ngả về phía tây, Trần Bình An cuối cùng đã lên được đỉnh Ngao Đầu trong bản đồ mới của quan phủ. Ngọn núi này rất nổi bật trong phạm vi mấy chục dặm, cao vút tận mây. Hắn gặm một chiếc bánh khô cứng, ngồi trên một nhánh tùng già vươn ra ngoài dốc núi, từng cơn gió mát thổi những sợi tóc mai bay lất phất.
Cái gùi được đặt dưới gốc cây, Trần Bình An còn không lớn gan đến mức vác cái gùi leo lên cây. Trước kia đối với chuyện leo núi, thiếu niên chỉ xem đó là một công việc nặng nhọc vô tích sự, luôn phải theo sát bước chân của lão Diêu. Không giống như bây giờ, mệt thì dừng chân, ngắm nhìn non xanh nước biếc ở phía xa. Hơn nữa rất nhiều phong cảnh khiến Trần Bình An phải tấm tắc, trước kia đều nằm ở những ngọn núi lớn bị triều đình Đại Ly niêm phong, thiếu niên chỉ có thể theo ông lão trầm mặc ít nói đi đường vòng, đỉnh Ngao Đầu cũng nằm trong số đó.
Đoạn đường này băng núi vượt nước, Trần Bình An đã nhìn thấy rất nhiều hình ảnh tráng lệ xa lạ. Có thác nước chen chúc tầng tầng lớp lớp, có cầu vồng nho nhỏ hiện lên sau cơn mưa, giống như đưa tay là có thể kéo về nhà cất đi. Có sườn núi dốc đứng nơi ngàn vạn chim muông tụ tập, từng con nối liền với nhau giống như một tấm rèm trắng như tuyết treo trên vách tường. Những ngọn núi chỉ có một con đường hẹp hiểm trở leo lên đỉnh, cuối cùng bỗng nhiên bước vào một khoảng đất bằng phẳng, tầm mắt rộng mở trong sáng, khiến người ta không kìm được phải nín thở. Buổi đêm thiếu niên khoác thêm một món y phục, dựa lưng vào gùi mơ màng ngủ đi, giống như có thể nghe được tiếng thì thầm của tiên nhân trên trời.
Leo núi lội nước thêm ba ngày, Trần Bình An cuối cùng đã đi tới núi Thần Tú mà Nguyễn sư phụ nói. Hai hướng tây và bắc cách chừng hơn mười dặm đường có núi Khiêu Đăng và đỉnh Hoành Sáo, cùng với núi Thần Tú tạo thành thế chia quân hai mặt, giống như ba người khổng lồ đứng ở ba phương.
Dựa theo bản đồ biểu thị, trong phạm vi trăm dặm xung quanh ba ngọn núi này, có năm ngọn núi lớn nhỏ đứng sừng sững. Nhỏ có đỉnh Thải Vân và núi Tiên Thảo, còn lại ba ngọn núi khá lớn là đài Đăng Tâm, núi Hoàng Hồ và núi Bảo Lục. Trước khi Trần Bình An đến núi Thần Tú đã đi qua núi Tiên Thảo và đài Đăng Tâm. Núi Tiên Thảo chỉ lớn hơn núi Chân Châu một bậc, mặc dù thế núi thấp bé nhưng cỏ cây rất tươi tốt, khá nhiều đại thụ chọc trời. Còn về núi Hoàng Hồ, lưng chừng núi có một cái hồ nhỏ, nhìn từ xa nước hồ có màu vàng, nhưng nhìn gần lại cực kỳ trong vắt. Có điều ngoại trừ cái hồ nhỏ này, Trần Bình An cảm thấy nó kém hơn núi Thần Tú dưới chân rất nhiều.
Tiếp theo hắn mất bốn ngày đi xung quanh núi Thần Tú và đỉnh Hoành Sáo, cuối cùng đã chọn được ba ngọn núi, đó là núi Tiên Thảo, núi Bảo Lục và đỉnh Thải Vân.
Núi Tiên Thảo nhỏ, núi Bảo Lục lớn, đỉnh Thải Vân cao.
Trong đó núi Bảo Lục khiến Trần Bình An tốn nhiều thời gian nhất, có thể nói là mây sâu, núi cao, nước dài. Trong rất nhiều ngọn núi mà Trần Bình An đã đi qua, quy mô của nó chỉ đứng sau núi Phi Vân và núi Thần Tú. Có điều hắn lại cảm thấy nghi hoặc, một địa bàn lớn như núi Bảo Lục, lại ở gần đỉnh Hoành Sáo, hơn nữa ngay cả người không tu hành như Trần Bình An cũng có thể cảm nhận được non xanh nước biếc của nó, vì sao Nguyễn sư phụ không bỏ qua núi Điểm Đăng để chọn núi Bảo Lục?
Trần Bình An tính toán một chút, ba ngọn núi mà mình chọn đại khái sẽ tốn khoảng bốn mươi lăm đồng tiền kim tinh. Còn lại ba mươi lăm đồng, núi Chân Châu tất nhiên sẽ dùng một đồng tiền đón xuân. Còn dư ba mươi bốn đồng, đủ cho hắn hào phóng mua một ngọn núi lớn đúng như ý nghĩa. Dù sao Nguyễn sư phụ đã nói, ngay cả núi lớn hàng đầu như dãy núi Khô Tuyền, núi Hương Hỏa và núi Thần Tú, cũng chỉ từ hai mươi lăm đến ba mươi đồng tiền kim tinh mà thôi.
Nguyễn sư phụ còn tiết lộ thiên cơ, nói rằng tương lai trong phạm vi ngàn dặm này, triều đình Đại Ly sẽ sắc phong một đại thần núi cao, ba vị sơn thần và một vị hà thần. Ngày hôm sau Nguyễn Tú cũng đã giải thích cặn kẽ chuyện này, sơn thần nghĩa là Lễ bộ nha môn triều đình chọn ra một nhân tuyển thích hợp, có thể là nhân vật lịch sử nổi danh ở địa phương, cũng có thể là võ tướng có công trạng hi sinh vì nước, sau đó hoàng đế Đại Ly đồng ý bổ nhiệm làm sơn thần. Dùng một cây bút đỏ đặc biệt chính thức ghi vào gia phả núi sông, thắp hương tế lễ một phen, ngụ ý là thiên tử thay trời thị sát nhân gian, đã báo cho thần tiên phía trên, thông thường như vậy xem như là xong chuyện.
Sau đó Khâm Thiên giám sẽ làm ra giấy gia phả hoàng tộc, giao cho quốc sư tự tay viết sắc chỉ, phái người chôn ở dưới chân núi. Cuối cùng mới bảo quan phủ mời người đắp một pho tượng, cung phụng trong miếu Sơn Thần. Vị sơn thần kia có thể quang minh chính đại hưởng thụ hương khói của dân gian, che chở sinh linh trong phạm vi ngọn núi, trấn áp, hàng phục hoặc trục xuất ma quỷ âm tà vượt qua ranh giới.
Trần Bình An không hi vọng ba ngọn núi ở gần núi Thần Tú mà mình đã chọn, có thể xuất hiện một vị sơn thần giúp giữ nhà giữ cửa, mà đặt hi vọng vào ngọn núi lớn tốn nhiều tiền nhất. Trong ba trăm năm gia nghiệp chủ yếu sẽ được Nguyễn sư phụ bảo vệ, còn ngọn núi lớn trơ trọi cách xa nơi này, nếu có thể mời được một vị sơn thần, chắc chắn sẽ khiến hắn yên tâm hơn rất nhiều.
Còn như núi Chân Châu nhỏ bé chỉ có giá một đồng tiền đón xuân, đoán rằng ngoại trừ Trần Bình An thì chẳng có ai để ý tới.
Lúc này Trần Bình An đang ngồi trên dốc đá ở đỉnh Thải Vân, trước người trải bản đồ địa thế mới của Long Tuyền Đại Ly. Thiếu niên đã nhớ kỹ tên gọi và vị trí của những ngọn núi lớn kia, nhưng vẫn không thể quyết định nên mua ngọn núi cuối cùng nào.
Hai tay thiếu niên giày cỏ nâng cằm, lông mày nhíu chặt, thân thể khẽ lắc lư trước sau, suy nghĩ giống như trôi xa vạn dặm.
Thực ra trong lòng Trần Bình An cũng không nắm chắc mua núi xong có thể làm gì, nhưng chỉ cần nghĩ tới trong ba trăm năm mình vẫn là chủ nhân trên danh nghĩa của năm ngọn núi kia, như vậy đã là một chuyện rất hạnh phúc.
Có thể trước tiên cưới vợ, thành gia lập nghiệp, sau này truyền cho con cái, tương lai con cái lại truyền cho con cái của chúng.
Hóa ra chuyện cưới vợ mặc dù không phải là chuyện khẩn cấp, nhưng cũng cần suy nghĩ một chút.
Vừa nghĩ đến đây, Trần Bình An đang cười ngây ngô đột nhiên hoàn hồn, cảm thấy xấu hổ.
Hắn ngả người về phía sau, hơi mệt mỏi rã rời, muốn chợp mắt một lát. Không biết qua bao lâu, sau khi mở mắt hắn lập tức đau đầu, hôm nay giữa ban ngày mình cũng có thể nằm mơ sao?
Đây là lần thứ ba mình gặp được người áo trắng kia.
Một lần ở trên cầu mái che, một lần dưới đáy cầu vòm đá, cộng thêm lần này trên đỉnh núi.
Người áo trắng cao lớn đắm chìm trong ánh sáng trắng như tuyết ngồi khoanh chân, chỉ cách Trần Bình An hai trượng, nhưng Trần Bình An vẫn không thể thấy rõ dung mạo của đối phương.
Hắn cảm thấy cứ hốt hoảng lo lắng như vậy cũng không có ích gì, bèn lấy can đảm, cẩn thận gọi:
- Lão tiền bối...
“Bốp!”
Trong phút chốc Trần Bình An cảm thấy giống như lúc còn nhỏ bị đuôi trâu quất vào mặt, đau rát một trận.
Hắn như vừa tỉnh mộng, đột nhiên ngồi dậy, phát hiện mình vẫn ngồi ở vị trí ban đầu, nhìn quanh cũng không có gì khác thường, nhưng sờ sờ bên má lại thấy vẫn còn đau.
Thiếu niên nghĩ nát óc cũng không hiểu được nguyên nhân, đành ngơ ngác gãi đầu.