[Dịch] Kiếm Lai

Chương 76 : Quay lưng




Khi đến gần cầu vòm đá thì Trần Bình An lại nuốt một ngụm nước bọt, không dám tiếp tục đi tới nữa. Sau khi đấu tranh trong lòng một phen, hắn đi dọc theo khe suối lên phía trên, đến khu vực dòng suối hẹp nhất, chạy nhanh lấy đà rồi nhảy qua, lúc này mới đi về hướng Lưng Trâu Xanh. Trần Bình An cũng không biết, vì mình đi đường vòng nên đã bỏ lỡ cơ hội gặp Nguyễn Tú. Thiếu nữ áo xanh xách một bình rượu hoa đào chạy như bay qua cầu, lần này đến trấn nhỏ mua rượu, khi đi qua tiệm Áp Tuế nàng lại cúi đầu bước nhanh hơn, sợ bị đống bánh ngọt nhìn hoa cả mắt kia câu mất hồn phách, bởi vì sắp tới nàng sẽ bắt đầu tích góp tiền riêng.

Trước tiên Trần Bình An đến nhà Lưu Tiện Dương, thắp đèn dầu, xách đèn đi một vòng trong nhà ngoài nhà. Sau khi xác định không thiếu đồ vật lớn nhỏ gì, hắn mới tắt đèn khóa cửa, trở về ngõ Nê Bình. Khi đi qua căn nhà cũ bị sụp một lỗ kia, Trần Bình An thở ra một hơi, trách nhiệm vẫn còn trên vai nhưng đã nhẹ hơn nhiều so với lúc trước rời khỏi ngõ Nê Bình. Hắn không nhịn được lén cười, cảm giác trong túi có tiền đúng là không tệ.

Đời này Trần Bình An chỉ mới nhìn thấy bạc vụn, còn nén bạc trĩu nặng thì chưa hế thấy qua, đừng nói đến vàng quý hiếm như thần tiên.

Trần Bình An trở lại nhà tổ của mình, mở cửa nhà ra, sau đó chạy đi xem đã khóa kỹ cửa viện hay chưa. Hắn trở vào nhà, cẩn thận thắp đèn dầu, ánh đèn lờ mờ chiếu rọi vách tường đất vàng lạnh lẽo. Hắn lấy ba túi tiền trong hũ sứ dưới chân tường ra, bao gồm tiền đón xuân, tiền cung dưỡng và tiền trấn áp, phân biệt chứa hai mươi lăm đồng tiền kim tinh, hai mươi sáu đồng và hai mươi tám đồng.

Tổng cộng có bảy mươi chín đồng.

Ninh Diêu đã giải thích sơ lược về những đồng tiền lai lịch không tầm thường này, chúng là loại cao cấp của tiền bạc trong thế tục. Sở dĩ có giá trị liên thành là vì chúng rất hiếm, đương nhiên nguyên nhân chủ yếu nhất vẫn là người xứ khác đi vào trấn nhỏ cần tiền đồng làm tín vật. Còn về nguồn gốc của quy củ bất thành văn này thì quá xa xưa, Ninh Diêu cũng không phải là người ở Đông Bảo Bình Châu, dĩ nhiên không biết được căn nguyên.

Ba loại tiền đồng, Trần Bình An lấy mỗi loại một đồng đặt lên bàn.

Tiền đón xuân đúc bốn chữ lành “Tân Niên Đại Cát”, được chạm rỗng, có hình mây tượng trưng cho điềm lành, còn có hình thần tiên mặc giáp đang đánh trống.

Tiền trấn áp chính diện điêu khắc ngũ độc, bao gồm bò cạp, rắn, rết, thạch sùng và cóc, phía sau ngoại trừ đúc bốn chữ “Thiên Trung Tịch Tà”, còn có hình rùa rắn quấn quanh thanh kiếm.

Tiền cung dưỡng chính diện là bốn chữ “Tâm Thành Tắc Linh”, phía sau là “Thần Tiên Tại Thượng”, cũng không có hoa văn tinh xảo, hình thức rất giản dị.

Trần Bình An cầm một đồng tiền đón xuân lên, lật qua lật lại quan sát. Thiếu niên thật sự rất khó tưởng tượng, một đồng tiền nhỏ như vậy lại có thể mua được cả ngọn núi Chân Châu. Hắn biết về ngọn núi nhỏ mà Nguyễn sư phụ nói, lần đầu tiên lão Diêu dẫn hắn vào núi tìm đất đã leo lên đỉnh núi Chân Châu. Tính chất của đất có thể phân ra nặng nhẹ, độ phì bên trong đủ chủng loại, càng phức tạp là phải phân biệt được một loại đất, loại nào trời sinh gần với thủy hỏa kim mộc, rất nhiều cách thức. Trần Bình An chỉ học được gần hết ngón nghề “ăn đất” của lão Diêu.

Khi đó tại núi Chân Châu không nổi bật kia, lão Diêu đã giậm giậm chân, sau đó cúi đầu nói với Trần Bình An đang đào đất một câu. Ông ta bảo nơi này mùi đất rất tốt, đáng tiếc là khu vực quá nhỏ, giống như người co đầu trong góc, vươn đầu ra sẽ đụng chạm, duỗi chân ra cũng sứt chân, địa phương này thường được gọi là “vỏ ốc”.

Trần Bình An nhẹ nhàng đặt tiền đón xuân xuống, cầm tiền trấn áp lên, nhưng cũng nhanh chóng bỏ xuống, sắc mặt hơi ảm đạm.

Mồng năm tháng năm, ngũ độc đều hiện, thiếu niên lại vừa lúc sinh ra vào ngày này. Thậm chí Tống Tập Tân nhà kế bên từng nói, bên ngoài có rất nhiều nơi xem những đứa trẻ sinh ra vào ngày này là điềm chẳng lành, có nơi còn trực tiếp dìm đứa trẻ chết đuối trong sông.

Trần Bình An lắc đầu, cầm một đồng tiền cung dưỡng cuối cùng lên, nhìn tám chữ đơn giản ở hai mặt.

Hắn bỗng nhiên nhớ tới một chuyện, lần đầu tiên nhìn thấy Ninh cô nương, Phù Nam Hoa và Thái Kim Giản, khi bọn họ đi vào cổng lớn trấn nhỏ, mỗi người đều phải đưa cho người gác cổng một túi tiền đồng. Như vậy những tiền đồng này cuối cùng rơi vào tay ai? Là vào túi riêng của hoàng đế bệ hạ Đại Ly sao?

Trần Bình An thở dài, không suy nghĩ những chuyện có nghĩ đến nát óc cũng ra nữa, trong lòng bắt đầu nhẩm tính. Nguyễn sư phụ nói ngọn núi nhỏ Chân Châu này chỉ cần một đồng tiền đón xuân, ngọn núi bậc trung như núi Huyền Lý và núi Liên Đăng thì cần khoảng mười đến mười lăm đồng, còn dãy núi Khô Tuyền và núi lớn như Hương Hỏa thì cần hai mươi lăm đến ba mươi đồng.

Thực ra Trần Bình An chỉ suy nghĩ qua loa đã hiểu được hàm ý của Nguyễn sư phụ.

Đầu tiên vương triều Đại Ly rất tôn trọng Nguyễn sư phụ, cho nên đã tặng không cho ông ấy ba ngọn núi. Tiếp theo Nguyễn sư phụ muốn khai sơn lập phái gì đó, hiển nhiên sẽ chọn ba ngọn núi liền kề tiếp giáp với nhau, nếu không đông một ngọn, tây một ngọn thì rất vô lý. Đây có lẽ là chỗ thông minh của triều đình, biết Nguyễn sư phụ sẽ không thể chọn ra ba ngọn núi đáng giá nhất, cho nên giả vờ rộng lượng. Cuối cùng Trần Bình An hắn phải đi theo Nguyễn sư phụ chọn núi. Đương nhiên hắn cảm thấy mình cũng có thể chọn một ngọn núi tầm trung và nhỏ ở nơi khác, chẳng hạn như núi Chân Châu rất thích hợp, dù là núi nhỏ không ai để ý nhưng hắn lại rất quan tâm. Núi có nhỏ thì vẫn là cả một ngọn, huống hồ chỉ có giá một đồng tiền mà thôi, hắn cảm thấy nhất định phải bỏ ngọn núi nhỏ này vào trong túi mới yên tâm.

Không phải Trần Bình An không có hứng thú với những ngọn núi quý giá nhất mà Nguyễn sư phụ nói, bao gồm dãy núi Khô Tuyền, núi Thần Tú và núi Hương Hỏa. Hắn dự định mua một ngọn núi kém hơn chúng một chút, nhiều nhất tốn một túi tiền đồng kim tinh. Sau đó mua một vài ngọn núi nhỏ tương tự như núi Chân Châu, tốn khoảng mười đồng tiền. Còn lại thì để đi theo Nguyễn sư phụ chọn lựa, ông ấy chọn trúng ba ngọn núi lớn ở đâu, Trần Bình An sẽ mua, mua nữa, cố sức mà mua những ngọn núi gần đó.

Còn về ngọn núi lớn không biết tên có Trảm Long Đài, Trần Bình An đã hoàn toàn từ bỏ hi vọng, khuyên mình nhất định không nên dính vào. Cho dù hiện giờ vẫn không ai biết, trước mắt lại có một cơ hội tốt như vậy, hắn chắc chắn cũng không đi mua. Hôm nay trấn nhỏ đón khách khắp nơi, không phải là động tiên nhỏ Ly Châu đóng cửa với bên ngoài lúc trước. Mấy trăm dặm đường núi ngay cả mình cũng đi được, sau này có thể ngăn cản được bước chân của ai, huống hồ là thần tiên đạp trường kiếm bay tới bay lui trên trời kia?

Nhưng trước khi bỏ tiền mua núi, Trần Bình An muốn tự mình vào núi một chuyến.

Trong thoáng chốc tiêu nhiều tiền như vậy, trước đó lại không biết mình sẽ mua cái gì, cho dù biết rõ vụ buôn bán này là một vốn bốn lời, Trần Bình An vẫn sẽ cảm thấy không thoải mái.

Đây thực ra là chịu khổ quen rồi.

Hôm nay Trần Bình An có tám viên đá mật rắn không hề phai màu, còn lại phân biệt giấu ở nhà mình và nhà Lưu Tiện Dương, số lượng không ít. Chẳng biết có phải vì sớm “tránh được một kiếp” trong khe suối nhỏ hay không, mặc dù màu sắc và độ trơn đều giảm bớt với mức độ khác nhau, không còn sáng ngời dễ chịu như lúc mới rời nước, nhưng vẫn mang theo một chút “linh khí” hoặc nhiều hoặc ít. Loại cảm giác không nói rõ này, giống như lần đầu tiên Trần Bình An nhìn thấy Cố Xán ở ngõ Nê Bình, hoặc là Lý Bảo Bình ở đường Phúc Lộc, đã biết chắc chắn là đứa trẻ thông minh lanh lợi.

Trần Bình An cất ba túi tiền đồng kim tinh vào hũ sứ. Vừa nghĩ đến chuyện phải xin phép Nguyễn sư phụ cho nghỉ vào núi, hắn lại cảm thấy nhức đầu.

Lão Diêu như vậy, Nguyễn sư phụ cũng như vậy, Trần Bình An hoài nghi mình không có duyên với bề trên, nhất là không có duyên với sư phụ.

Hắn đi đến một góc ngồi xuống bên cạnh cái sọt, nhìn chăm chú vào khối Trảm Long Đài bên trong, đưa tay vuốt ve khối đá màu đen nhẵn nhụi, cản giác tay hơi lạnh. Hắn rất tò mò, một khối đá không nổi bật như vậy, sao lại có quan hệ với đám thần tiên đạp trên thân kiếm như Ninh cô nương, càng không nghĩ ra Trảm Long Đài rốt cuộc có thể mài một thanh kiếm sắc bén đến mức nào.

Trần Bình An bỗng nghĩ tới một chuyện, bèn lấy năm chiếc lá hòe kia ra. Lúc trước tiểu cô nương mặc áo bông đỏ nhặt tám chiếc từ chỗ cây hòe già, hắn đã đưa cho cô bé ba chiếc làm thù lao. Hắn cẩn thận lật xem lá hòe, nhìn như mỏng manh nhưng thực ra lại khá cứng cáp, chỉ tiếc đã mất đi ánh sáng màu xanh lá đậm chạy dọc theo gân lá. Hắn đoán rằng đó là thứ được gọi là phúc đức tổ tông, chỉ một số vị trí mới có những điểm óng ánh màu xanh lá lưu lại.

Trần Bình An cẩn thận kẹp năm chiếc lá hòe vào trong Hám Sơn quyền phổ. Làm xong những chuyện này, hắn ra khỏi cửa bắt đầu luyện tập đi thế trong sân.

Hàng xóm hai bên đều đã lần lượt chuyển đi.

Trần Bình An nhanh chóng đắm chìm trong quyền thế, hoàn toàn quên mình, một thân quyền ý như dòng suối chảy qua.

Ninh Diêu cô nương từng nói, luyện quyền một triệu lần mới chỉ là khởi đầu luyện võ mà thôi. Trần Bình An nào dám lười biếng.

Hắn bất giác nhớ tới điểm đỏ chữ đen trên người gỗ, những khiếu huyệt trong truyền thuyết để cho không khí ra vào.

Toàn thân thoải mái, cuồn cuộn nóng lên, trong cơ thể giống như có một con rồng lửa đang nhanh chóng dạo chơi, từ đầu chạy xuống phía dưới, va đập lung tung không hề thông suốt. Những khiếu huyệt kia giống như quan ải gồ ghề đổ nát, con đường giữa quan ải càng không thể xem là rộng rãi, có một số rộng lớn nhưng lại gập ghềnh không bằng phẳng, có một số chật hẹp hơn nữa còn dựng đứng, lúc rồng lửa đi qua lảo đảo lắc lư, giống như người bình thường đi qua cầu treo.

Cuối cùng con rồng lửa này qua lại ở mấy kinh huyệt gần hạ đan điền, dường như đang tìm nơi thích hợp nhất để làm long cung.

Ninh Diêu từng nói võ đạo luyện thể có ba cảnh giới, cảnh giới thứ nhất là Nê Phôi, khi đến đỉnh cao viên mãn bản thân sẽ sinh ra một luồng khí. Giống như Bồ Tát đất ngồi trên cao trong điện thờ, khí trầm đan điền, bất động như núi, thân thể sẽ có một luồng khí mới, bắt đầu nuôi dưỡng máu thịt gân cốt, khiến cho cả người giống như nắng hạ gặp mưa rào, rất nhiều tạp chất và thứ lắng đọng sẽ lần lượt bị tống ra ngoài cơ thể.

Trần Bình An đang đi trên con đường này.

Không có danh sư chỉ điểm, cũng không xem là làm theo cảm tính. Chỉ dựa vào cần cù bù thông minh, suốt tám năm lên núi xuống nước, trèo đèo lội suối, cùng với một loại phương pháp hô hấp dù kém cỏi nhưng lại rất phù hợp.

Tám năm chưa mở cảnh giới thứ nhất của võ đạo.

Ngoại trừ quê nhà của Ninh Diêu, trong vương triều thế tục và thiên hạ giang hồ đều có quan điểm nghèo học văn, giàu học võ. May mà trên đường võ đạo không có thói quen so sánh tốc độ gia tăng cảnh giới nhanh hay chậm. Những người càng tiến dần từng bước thì càng là tông sư trình độ cao thâm, chỉ nhìn xem mỗi bước chân đạp xuống và mỗi nấc thang võ đạo có vững chắc hay không. Chậm như Trần Bình An cũng không xem là mất mặt xấu hổ, dù sao trong thế gian có vô số người trẻ tuổi dòng dõi ưu việt, vẫn bị ngăn bên ngoài ngưỡng cửa thứ nhất, cả đời cũng không tìm được sự tồn tại của luồng khí kia. Nhưng trước mắt Trần Bình An cũng không thể xem là thiên tài võ học.

Trần Bình An đột nhiên “tỉnh táo” lại, nhẹ nhàng thở ra một hơi khí đục, chậm rãi đi lại trong sân, dần dần buông lỏng tứ chi.

Hắn cúi đầu nhìn nhánh hòe đặt nghiêng ở chân tường, đột nhiên nảy sinh một ý nghĩ kỳ lạ, muốn đẽo cho mình một thanh kiếm gỗ.

Lúc còn bé sau khi cha mẹ qua đời, Trần Bình An thường ngồi ở mộ thần tiên nhìn đám bạn cùng lứa chơi đùa phía xa, bé gái phần lớn chơi thả diều, còn bé trai lại dùng kiếm gỗ kiếm trúc mà cha bọn chúng làm cho, so chiêu lốp bốp, đánh đến hăng say. Khi đó hắn vẫn luôn muốn có một thanh, nhưng về sau trở thành học đồ làm gốm, quanh năm suốt tháng bôn ba vất vả, cho nên cũng từ bỏ suy nghĩ này.

Trần Bình An ngồi trước nhánh hòe, cảm thấy làm một thanh kiếm gỗ chắc chắn không có vấn đề, nhưng làm hai thanh thì hơi thiếu.

Trước tiên hắn dời nhánh hòe đến ngoài cửa nhà, lại đi lấy con dao chẻ củi dùng để mở đường khi vào núi, chuẩn bị làm cho mình một thanh kiếm gỗ.

Nhưng khi Trần Bình An xách dao chẻ củi ngồi ở ngưỡng cửa lại hơi do dự, ngẫm nghĩ một lúc rồi cất dao vào. Hắn cảm thấy cây hòe già không chỉ đơn giản là một gốc cây già, dù sao Tề tiên sinh còn từng nói chuyện với cây hòe, do đó nhánh hòe trước mắt này khiến hắn cảm thấy không bình thường.

Trần Bình An lại bỏ nhánh hòe xuống chân tường, phát hiện mình cũng không buồn ngủ, bèn rời khỏi viện, khóa kỹ cửa rồi đi ra ngõ Nê Bình.

Ma xui quỷ khiến thế nào hắn lại đi tới gần cầu vòm đá. Nghĩ đến sau này không thể cứ tiếp tục nhảy qua suối, hắn đành cắn răng đi lên cầu đá, lại ngồi trên phiến đá chính giữa, hai chân lơ lửng trên mặt suối. Hắn hơi khẩn trương, cúi đầu nhìn mặt nước xa thẳm, lẩm bẩm nói:

- Bất kể ngươi là thần tiên hay yêu quái, chúng ta vốn không thù không oán. Nếu ngươi thật sự có lời muốn nói với ta, vậy thì đừng báo mộng nữa. Bây giờ ta đang ở đây, ngươi cứ nói với ta là được.

Một nén nhang, một khắc đồng hồ, một canh giờ.

Ngoại trừ hơi lạnh, Trần Bình An không phát giác được thứ gì khác thường.

Hắn chống hai tay lên phiến đá, hai chân lắc lư, nhìn về phương xa. Lúc còn bé hắn đã rất tò mò, đầu cuối của khe suối nhỏ rốt cuộc ở đâu.

Trần Bình An suy nghĩ đến xuất thần.

Lưu Tiện Dương, Cố Xán, Ninh cô nương, Tề tiên sinh, lão Diêu đều đã đi rồi.

Trước giờ Trần Bình An chưa từng giàu có xa hoa như vậy.

Nhưng trước giờ thiếu niên cũng chưa từng cô đơn như vậy.

---------

Bên kia cầu đá nơi thiếu niên giày cỏ quay lưng, có một thân hình cao lớn áo quần rực rỡ trắng như tuyết, giống như tiên nhân lại giống như ma quỷ, hai tay cũng chống lên phiến đá, hai chân lắc lư giữa không trung, ngẩng đầu nhìn trời.

Đừng nói là Trần Bình An đang bắt đầu lẩm bẩm, ngay cả lão Dương và Nguyễn Cung cũng không thể phát giác ra cảnh tượng này.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.