Trấn nhỏ giống như gặp phải nhật thực trăm năm khó gặp, trong thoáng chốc đã trở nên tối đen, người người đưa tay không thấy năm ngón.
Cộng thêm từng pho tượng thần bên ngoài trấn nhỏ nổ tung như pháo, tiếng vang càng lúc càng dồn dập, đặc biệt chói tai khi trấn nhỏ đang yên tĩnh vì trời tối. Chuyện này càng khiến bách tính bình thường trong trấn nhỏ suy đoán sâu xa, liên tưởng đến những xe trâu xe ngựa chở con cháu nhà giàu lúc trước, dân chúng trong những con ngõ đều thấp thỏm lo âu.
Trong những bức tường cao của bốn họ mười tộc cũng không ngoại lệ, mỗi khi có đầy tớ nha hoàn tự ý treo đèn lồng lên cao, lập tức sẽ bị lớn tiếng quở trách. Thậm chí một số quản sự gia tộc tính khí nóng nảy còn đập rớt những đèn lồng kia ngay tại chỗ, sau đó đạp nát, sắc mặt dữ tợn, nhìn chằm chằm vào những tôi tớ trong phủ vốn có ý tốt kia giống như nhìn kẻ thù.
Bên phía tiệm rèn, Trần Bình An đang cùng Ninh Diêu ngồi ở miệng giếng ăn cơm trưa. Sau khi trời tối, mặc dù Trần Bình An cảm thấy kỳ lạ, nhưng cũng không làm chậm trễ việc hắn cúi đầu nuốt cơm. Cơm nước ở tiệm rèn khá tốt, mỗi bữa ăn những người làm công dài hạn và ngắn hạn đều được chia một miếng thịt kho béo ngậy khoảng bằng ngón trỏ, cộng thêm một môi nước canh. Cơm thì bao đủ nhưng thịt chỉ có một miếng, sức ăn của Trần Bình An lại chừng hai tô cơm. Cho nên mỗi lần được chia một miếng thịt từ chỗ sư phụ đầu bếp, vì có nước canh nên tô thứ nhất thường chỉ ăn cơm chứ không động đến thịt. Ăn đến cuối cùng miếng thịt kho kia sẽ từ phía trên dần dần trượt xuống đến đáy tô, sau đó chạy đi bới tô cơm thứ hai, lúc này mới giải quyết miếng thịt kia sạch sẽ lưu loát.
Mỗi lần Ninh Diêu nhìn thấy Trần Bình An ăn cơm như vậy đều cảm thấy buồn cười.
Nguyễn Tú lại không giống như Ninh Diêu, ánh mắt thiếu nữ áo xanh nhìn về Trần Bình An giống như viết mấy chữ lớn “người đồng đạo”.
Lúc này một tay Trần Bình An bưng tô trắng đã trống không, một tay cầm đũa, cố sức nhìn quanh, chỉ có thể mơ hồ nhìn thấy cảnh tượng cách hai ba trượng.
Mấy ngày gần đây ngoại trừ làm trâu làm ngựa cho tiệm rèn của Nguyễn sư phụ, Trần Bình An còn chừa ra ba canh giờ để luyện tập đi thế, ban ngày một canh từ giờ Ngọ đến giờ Mùi, buổi tối hai canh từ giờ Hợi đến giờ Sửu. Đến sau này Trần Bình An vừa thử đi thế vừa dùng mười ngón tay kết thủ ấn, nhưng hắn phát hiện làm như vậy sẽ khiến mình hít thở không thông suốt, bước chân càng bất ổn, cho nên dứt khoát từ bỏ. Vào thời gian rảnh giữa buổi làm, thừa lúc người ta không chú ý, Trần Bình An mới rèn luyện thủ ấn để tăng cường thân thể. Thực ra đối với hắn, chẳng qua là đổi nung gốm nặn phôi trước đây thành thế đứng thủ ấn trong Hám Sơn phổ mà thôi.
Từ giờ Ngọ đến giờ Mùi thì luyên tập đi thế, lúc đầu Ninh Diêu còn thỉnh thoảng theo đuôi ra vẻ chỉ điểm, sau mấy lần thì không xuất hiện nữa. Trần Bình An không muốn rước lấy lời đồn vô căn cứ, ban ngày luyện quyền một canh giờ sẽ chạy dọc theo hạ du khe suối nhỏ, cách xa tiệm rèn một dặm mới bắt đầu luyện tập, tới lui một chuyến có thể đi xấp xỉ mười dặm đường.
Đối với Trần Bình An thì đây xem như là một nếp sống mới vững bền.
Lúc này Ninh Diêu đang ngồi ở miệng giếng, nhìn bầu trời giống như bị trùm vải đen, đôi lông mày hẹp dài khiến nàng mất đi ấn tượng “xinh đẹp” hơi nhíu lại.
Trần Bình An nhỏ giọng hỏi:
- Có phải liên quan đến Tề tiên sinh không?
Ninh Diêu không định nói cho hắn biết chân tướng, chỉ trả lời một cách mơ hồ:
- Nếu Tề tiên sinh đã là chủ nhân của động tiên này, chắc là có liên quan đến ông ấy.
Trần Bình An lại hỏi:
- Theo như lời của Tống Tập Tân và Trĩ Khuê lúc trước, Tề tiên sinh vốn định cùng thư đồng Triệu Dao trong trường rời khỏi trấn nhỏ, tại sao cuối cùng lại không đi?
Ninh Diêu lắc đầu cười nói:
- Tâm tư của thánh nhân giống như một long mạch, có thể kéo dài ngàn vạn dặm, ta không đoán được mà cũng lười đoán.
Nói xong câu này, nàng ném chén đũa vào tay Trần Bình An, đứng dậy đi về phía một căn nhà lá tường đất vàng chỉ thuộc về nàng. Ninh Diêu cũng không hiểu vì sao Nguyễn sư lại đối xử với mình khách sáo như vậy, chẳng lẽ Nguyễn sư đã nhìn ra thân phận của mình? Khả năng này rất thấp mới đúng. Dù sao núi Đảo Huyền không nằm ở Đông Bảo Bình Châu, cũng gần như không có liên hệ với bên ngoài, danh tiếng lớn nhưng rất ít khách. Hơn nữa phía núi Đảo Huyền cũng không chắc chắn về thân phận của mình. Có điều Ninh Diêu là người thuyền đến đầu cầu tự nhiên thẳng (gặp chuyện không hề gấp gáp), không thẳng ta cũng có thể dùng kiếm chém ra một con đường thẳng, cho nên được chuyên gia đúc kiếm hàng đầu Đông Bảo Bình Châu là Nguyễn sư xem trọng, nàng cũng thoải mái tiếp nhận.
Trần Bình An cầm chén đũa, vừa định đến chỗ nhà bếp, bỗng phát hiện cách đó không xa có người đang đi qua bên này. Đó là một người đàn ông trẻ tuổi tay áo rộng thùng thình, còn giống người đọc sách hơn cả Trần Tùng Phong, mang đến một cảm giác không nói rõ được. Có điểm giống với Tề tiên sinh, lại có điểm giống với quan giám sát Tống đại nhân gặp ở ngõ Nê Bình lúc trước.
Người đàn ông kia nhìn thấy thiếu niên giày cỏ ngơ ngẩn ngồi một mình ở miệng giếng, hơn nữa còn quay mặt về phía mình, hắn hơi kinh ngạc, đi đến bên cạnh thiếu niên, tươi cười ôn hòa nói:
- Ta tìm Nguyễn sư phụ có chút việc, cậu có biết ông ấy ở đâu không?
Lần này Trần Bình An không giống như khi trước ở ngõ Nê Bình, cố ý giấu giếm Thái Kim Giản và Phù Nam Hoa, mà dứt khoát chỉ rõ phương hướng cho người nọ.
Một là Ninh cô nương đã nói với mình về sự lợi hại của Nguyễn sư phụ, hai là người đàn ông trước mắt này không gây cho Trần Bình An cảm giác lòng dạ âm trầm.
Trần Bình An khách sáo hỏi:
- Cần tôi dẫn đường không?
Người đàn ông trẻ tuổi không vội bước đi, nhìn Trần Bình An mỉm cười nói:
- Không cần, chỉ mấy bước đường mà thôi, không làm phiền nữa. Cám ơn cậu.
Trần Bình An cười gật đầu, đi về hướng nhà bếp. Người đàn ông thì đi về phía một căn phòng đúc kiếm phía xa.
Sau khi Trần Bình An trả chén đũa, phát hiện các học đồ làm công ngắn hạn đều tụ tập trong mấy căn phòng, thắp đèn trò chuyện vì sao ngày đêm lại đảo lộn. Có người lời lẽ khẳng định, nói rằng sơn thần của một ngọn núi lớn vượt quá giới hạn, khiến cho nước suối nước giếng hạ thấp, đã chọc giận thần sông lão gia quản lý khe suối, cuối cùng thần tiên đánh nhau đến mức trời đất mù mịt. Cũng có người dùng quan niệm của thế hệ trước để phản bác, nói rằng núi lớn ở chỗ chúng ta đều đã bị triều đình niêm phong, sơn thần ở đâu ra, hơn nữa khe suối nhỏ như vậy chắc chắn không thể có thần sông.
Trần Bình An không tham gia, dù sao cũng chỉ là tán gẫu. Hắn dựa vào thị lực vượt mức bình thường, một mình đi xuống dưới cái giếng cuối cùng, chuyển đất ra khỏi giếng từng sọt.
Có lần hắn trèo lên thang gỗ ra khỏi miệng giếng, vừa lúc nhìn thấy người đàn ông trẻ tuổi từ phòng đúc kiếm quay về. Người kia cũng phát hiện bóng dáng của thiếu niên, nhưng không đến gần, cũng không dừng bước, chỉ đứng từ xa vẫy tay từ biệt Trần Bình An.
Trần Bình An có phần cảm khái, bất kể người này tốt hay xấu, ít nhất cũng không giống với người xứ khác của hai ngọn núi Chính Dương và Vân Hà, còn có hai tòa thành Thanh Phong và Lão Long.
Trần Bình An chuyển đất lên miệng giếng nhiều chuyến, cuối cùng có một lần hắn leo ra khỏi giếng, phát hiện Nguyễn Tú đang đứng gần ròng rọc nơi miệng giếng, lòng bàn tay trải một chiếc khăn chất đầy bánh ngọt xinh xắn. Đợi đến khi Trần Bình An xuất hiện, Nguyễn Tú liền đưa tay ra với hắn. Trần Bình An khắp người đầy đất, hai tay dơ dáy mỉm cười lắc đầu. Sau đó Nguyễn Tú ngồi trên miệng giếng, cúi đầu ăn bánh ngọt tinh xảo mua từ tiệm Áp Tuế ở ngõ Kỵ Long. Thiếu nữ áo xanh nhanh chóng đắm chìm vào đó, cả người tràn đầy hạnh phúc vui vẻ.
Trần Bình An tiếp tục lên lên xuống xuống chuyển đất, sau mười mấy lần thì đã không thấy tung tích của thiếu nữ tóc đuôi ngựa, nhưng trên miệng giếng vẫn để lại chiếc khăn và một miếng bánh ngọt, đó là bánh rượu hoa đào nổi tiếng nhất tiệm Áp Tuế. Trần Bình An ngẩn người, đành phải lấy cái sọt xuống đặt ở bên chân, ngồi trên miệng giếng bên cạnh chiếc khăn, xoa xoa tay vào quần áo, dùng hai ngón tay nhón lấy bánh ngọt bỏ vào miệng.
Trần Bình An gật đầu, quả nhiên ăn rất ngon.
Dù sao thứ mình ăn có giá đến mười đồng tiền, nghĩ đến chuyện này hắn lập tức cảm thấy càng ngon hơn.
Sau mấy canh giờ sắc trời vẫn mờ mịt như trước, bầu trời thỉnh thoảng vang lên những âm thanh nặng nề như trống đánh, trừ chuyện này ra thì trấn nhỏ cũng không có gì khác thường. Nguyễn sư phụ cũng phá lệ cho nhóm làm công ngắn hạn ở tiệm rèn nhà mình nghỉ ngơi hai ngày, bảo bọn họ trở về nhà, không cần ở lại bên này chờ “trời sáng” tiếp tục làm việc nữa.
Trần Bình An cũng ở trong nhóm này, hắn dứt khoát trở về trấn nhỏ, đến nhà Lưu Tiện Dương một chuyến. Sau khi không phát hiện thiếu đồ đạc gì, hắn vội vàng tắt đèn, khóa kỹ cửa nhà, sau đó chạy về nhà mình ở ngõ Nê Bình.
Chẳng biết tại sao, Trần Bình An cảm thấy trấn nhỏ hôm nay không khí trầm lặng, thiếu đi sức sống.
Trần Bình An cũng không biết, khi hắn chạy qua hành lang cầu mái che, trên mặt nước phía dưới cầu có một cô gái cao lớn tay áo phất phơ đang lơ lửng, áo quần trắng như tuyết, tóc trắng như tuyết, tay chân lộ ra bên ngoài cũng trắng tinh như ngọc.
Cô đang nghiêng đầu, dùng nước suối làm gương, một tay kéo tóc còn một tay chải chuốt, không ai thấy rõ nét mặt của cô.