[Dịch] Kiếm Lai

Chương 63 : Thì ra là vậy




Lúc này nước mưa trên đường nhỏ đã dần vơi. Ninh Diêu quay đầu nhìn Trần Bình An hơi thở ổn định, thần thái ung dung, mặc dù trong lòng nàng không thích lão Dương, nhưng cũng phải thừa nhận ông lão kia là cao nhân ngoài trần thế thật sự.

- Lão Dương không phải là người đơn giản.

Ninh Diêu dừng lại chốc lát, quay đầu nhìn tiệm Dương gia vốn không nổi bật. Trời mưa nhỏ đường trơn như bơ, sau cơn mưa đường nét của tiệm thuốc trở nên êm dịu, hơi nước lờ mờ. Thiếu nữ tự sửa lại một chút:

- Lão Dương thật không đơn giản.

Trần Bình An không hiểu giữa hai câu có gì khác biệt, chỉ ừ một tiếng, cười nói:

- Trước kia chỉ thấy con người Dương gia gia rất tốt, rất công bằng, bây giờ mới biết hóa ra ông ấy giấu nghề. Ninh cô nương, ông ấy chắc cũng được xem là người tu hành đúng không?

Ninh Diêu nói một câu Trần Bình An không hiểu:

- Có phần giống nhưng thực ra lại không giống, chỉ là đối với ngươi thì chẳng có gì khác biệt.

Lúc này đã đến đầu phía nam cầu mái che, Trần Bình An đại nạn không chết lại nhìn thấy thiếu nữ áo xanh kia, tâm cảnh của thiếu niên cũng không còn giống như trước.

Khi nàng nghe được tiếng bước chân liền tươi cười xấu hổ đứng lên, nhìn thấy Trần Bình An và Ninh Diêu đứng kề vai, thiếu nữ buộc tóc đuôi ngựa hơi tỏ ra lo lắng bất an. Trần Bình An không dám đối xử với cô nương trước mắt tên là Nguyễn Tú này giống như một cô gái bình thường nữa, đương nhiên hình ảnh của thiếu nữ khiến hắn ấn tượng nhất vẫn là bốn chữ “ngồi ăn núi lở”.

Nguyễn Tú nhìn Ninh Diêu vẻ mặt hờ hững, khí khái ép người, nàng không dám chào hỏi.

Ninh Diêu liếc nhìn thiếu nữ thanh tú vóc người xinh xắn lanh lợi lại được chăm sóc tốt, cũng không muốn lên tiếng chào hỏi.

Ba người cùng đi xuống bậc thềm cầu mái che. Trần Bình An nhẹ giọng nói:

- Tôi nghe Tề tiên sinh nói, Lưu Tiện Dương đã không sao rồi.

Nguyễn Tú gật đầu nói:

- Tỉnh lại rồi, tỉnh lại rồi. Sau khi ông chủ tiệm Dương gia thấy vậy, nói là Diêm Vương gia khai ân tha cho Lưu Tiện Dương một lần, mới nhặt lại được cái mạng này. Ông chủ già còn nói chỉ cần tỉnh dậy thì xem như hoàn toàn không sao nữa. Ta sợ ngươi nôn nóng nên muốn đi báo với ngươi ngay, nhưng cha lại không cho ta đi qua cầu mái che...

Thiếu nữ nói liên miên giống như một con chim sẻ líu ríu đầu cành, nói đến cuối lại hơi áy náy.

Thực ra có một số chuyện thiếu nữ không nói. Sau khi Lưu Tiện Dương tỉnh lại, nàng lập tức lao ra cửa chạy đến cầu mái che, chỉ muốn báo cho thiếu niên biết tin tức, đã quên mất lời dặn của cha nàng không được phép đi vào trấn nhỏ. Nhưng khi nàng vừa từ bậc thềm phía bắc chạy xuống cầu mái che, liền bị phụ thân xuất quỷ nhập thần của mình xách tai kéo về. Thiếu nữ năn nỉ hết lời, mới khiến phụ thân đồng ý để nàng ngồi ở bậc thềm phía nam chờ đợi.

Đây cũng không phải là thiếu nữ mới chớm yêu, hoặc là quá xem trọng ái tình, mà là thiện tâm tự nhiên sinh ra.

Đương nhiên điều kiện tiên quyết là con người Trần Bình An không khiến thiếu nữ cảm thấy chán ghét, ngược lại còn có một chút thiện cảm, hoặc có thể nói là đồng tình với Trần Bình An.

Tất cả những thứ này là phúc đức báo ứng do Trần Bình An tích góp từng chút một. Lần đầu tiên hai người gặp nhau ở Lưng Trâu Xanh, thiếu niên sẵn lòng xuống nước mò cá giúp người khác, vết thương nơi tay trái đau đến hít hà cũng không cảm thấy hối hận. Đến sau này Lưu Tiện Dương gặp phải biến cố, thiếu niên lại sẵn sàng đứng ra, gánh vác chuyện mình nên gánh vác.

Đây là sự kiên trì của thiếu niên Trần Bình An từ trước đến giờ, chỉ là vừa lúc bị thiếu nữ Nguyễn Tú nhìn thấy mà thôi. Thực ra Trần Bình An đã bỏ lỡ rất nhiều thứ, chẳng hạn như con cá chép màu vàng trong giỏ cá, con cá chạch tặng cho Cố Xán, còn có con rắn mối kia, những chiếc lá hòe rơi xuống trước mắt hắn... Tất cả những phúc duyên cơ duyên bỏ lỡ này, sẽ không vì Trần Bình An là một người biết quý trọng những gì đang có mà rơi vào tay hắn.

Ba người Trần Bình An, Ninh Diêu và Nguyễn Tú đi xuống cầu mái che, thiếu niên và thiếu nữ đều không nhận ra, những bọt nước cao thấp khác nhau đang lặng lẽ rơi vào nước suối.

Những bọt nước kia vốn đọng lại dưới mái hiên cầu, hoặc là tụ tập trên lan can, hoặc là trong những lỗ ven rìa hành lang, từng giọt khác nhau.

Cuối cùng chúng đều rơi vào khe suối nhỏ, hòa vào nước suối.

Cùng lúc này nước đọng rất nhiều ở tiệm Dương gia, sân sau giống như một ao nước nhỏ, xuất hiện từng cơn sóng gợn, một lần nữa khôi phục cảnh tượng bùn lầy đục ngầu giống như tất cả sân sau trên thế gian. Trên mặt nước có một bóng dáng mờ ảo toàn thân tràn ngập hơi khói đang đứng thẳng, loáng thoáng có thể thấy đó là một bà lão lưng còng nét mặt không rõ.

Lão Dương không thấy ngạc nhiên với chuyện này, lại rít thuốc lá, hỏi:

- Ngươi nhìn thấy gì rồi?

Bóng dáng kia như cánh bèo không tự chủ được đung đưa “theo nước”, nói với giọng khàn khàn:

- Con bé kia dù sao cũng là con gái một của vị thánh nhân kế tiếp chỗ chúng ta, thân phận cao quý biết bao, sao cứ khăng khăng chung tình với một thiếu niên ngõ hẹp?

Lão Dương cười nhạo nói:

- Chỉ có vậy?

Bà lão trên nước nơm nớp lo sợ, không dám nói nữa.

Ông lão chậm rãi nói:

- Hôm nay ngươi đã đi tới bước này, có một ít quy củ cũng nên nói rõ với ngươi, tránh cho sau này thân chết đạo tiêu cũng không hiểu nguyên do, còn cảm thấy mình oan uổng.

Ông lão dường như đang sắp xếp thiên cơ, không vội vàng lên tiếng.

Sau khi mưa tạnh, nước đọng trong sân dần rút đi, bóng dáng của bà lão càng trở nên mơ hồ, đáng thương nói:

- Đại tiên, tôi chỉ muốn nhìn cháu trai thêm mấy lần.

Lão Dương bị cắt ngang suy nghĩ tỏ ra không kiên nhẫn:

- Ngươi muốn thế nào là chuyện của ngươi, ta lười quản những chuyện này.

Nói đến đây, ánh mắt ông lão có phần ngơ ngẩn, lẩm bẩm:

- Coi như ngươi may mắn, nếu rơi vào tay tam giáo, ngươi có kiếp sau hay không cũng khó nói, nào có được trạng thái như hiện giờ. Phật gia có cách nói phải hàng phục tâm lý thất thường, hai thứ “tâm niệm” và “nguyện vọng” cực kỳ quan trọng. Nho gia khá hơn một chút, không quan tâm nhiều như vậy, chỉ tận tình khuyên bảo ân cần dạy dỗ, khuyên đám môn đồ nhất định phải tự giác tuân thủ nguyên tắc đạo đức khi sống một mình, ý tứ là đừng nói một đằng nghĩ một nẻo. Đạo gia thì sao, lại nâng cao tầm quan trọng của “nghĩ như thế nào”, không ngại xem tâm ma là đại địch của việc tu hành, còn nghiêm khắc hơn Phật gia, vì vậy rất nhiều người một khi đi chệch hướng sẽ trở thành cái gọi là bàng môn ngoại đạo. Bởi vì Đạo gia theo đuổi thanh tịnh, coi trọng tự kiểm điểm mình, một khi bị những vấn đề do tổ sư gia Đạo giáo lưu lại làm khó, trong lòng bọn họ sẽ rối loạn...

Ông lão rít thuốc lá giống như rồng ẩn trong biển mây cuồn cuộn, bà lão kia nghe được cảm thấy như rơi vào mây mù. Dù sao bà cũng là người sinh trưởng ở đây, lại chưa từng đọc sách, dĩ nhiên không hiểu được những học vấn đạo lý huyền diệu khó giải thích này, chỉ có thể kiên trì học thuộc lòng.

Lão Dương đột nhiên cười nói:

- Ngươi không cần nhớ những thứ này, bởi vì chúng ta không quan tâm đến chúng.

Bà lão ngây người.

Lão Dương lặp lại một lần:

- Chúng ta mặc kệ các ngươi nghĩ thế nào, chỉ xem các ngươi làm thế nào.

Bà lão thấp thỏm nói:

- Đại tiên, tôi nhớ rồi.

Lão Dương nhếch mép nói:

- Thân là Hà Bà thì phải phụ trách tất cả công việc trong sông, đã tích góp âm đức cho mình, cũng tranh giành hương khói của dân chúng trong vùng. Nếu ngươi có thể khiến người ta xây dựng miếu thờ cho mình, đắp nặn kim thân, để một phân thân đứng vào trong đó, vậy chính là bản lĩnh của ngươi. Sau này còn phải ra sức khiến triều đình chấp nhận ngươi, bước vào gia phả chính thống núi cao sông lớn của một nước, được quan lại đồng ý thân phận. Nếu không làm được như vậy, ít nhất cũng phải được ghi vào Địa Phương Huyện Chí. Nếu miếu thờ cung phụng ngươi cuối cùng bị xem là miếu xây dựng bừa bãi, bị quan phủ phụng lệnh san bằng, đập đổ kim thân, vậy cuộc sống của ngươi sẽ không tốt lắm, còn khó chịu hơn cô hồn dã quỷ.

Bà lão lấy can đảm hỏi:

- Đại tiên, như ngài đã nói lúc trước, nơi này của chúng ta bị cấm tiệt pháp thuật. Vậy một Hà Bà nho nhỏ như tôi, ngoại trừ được kéo dài tính mạng thì có thể làm gì? Đại tiên nói đến miếu thờ hương khói, gia phả núi sông, còn có Địa Phương Huyện Chí gì đó...

Lão Dương nói:

- Đó là trước kia, còn sau này thì không dễ nói. Tương lai nơi này sẽ từ một động tiên nhỏ bị xuống cấp thành một mảnh đất lành nhỏ không có ngưỡng cửa, ai cũng có thể tới đây mà không cần nộp ba túi tiền đồng kia. Đây cũng là nguyên nhân mà hoàng đế Đại Ly không chừa thủ đoạn như vậy. Có một số việc làm sớm sáu mươi năm hay làm chậm sáu mươi năm, kết quả sẽ hoàn toàn khác nhau.

Bà lão cắn răng hỏi:

- Đại tiên, ngài bằng lòng che chở tôi, có phải là vì đứa cháu trai kia của tôi?

Lão Dương gật đầu, không hề che giấu dự tính của mình.

Bà lão lại hỏi:

- Đã như vậy, vì sao đại tiên lại để mặc Binh gia núi Chân Vũ kia đưa Mã Khổ Huyền nhà tôi đi? Vì sao không tự mình dạy dỗ?

Thì ra bà lão hóa thân thành Hà Bà này, chính là Mã bà bà ở ngõ Hạnh Hoa đã bị người ta tát chết.

Lão Dương gõ nhẹ tẩu thuốc, bóng dáng bà lão trên nước do hồn phách ngưng tụ thành lập tức vặn vẹo, không ngừng kêu rên.

Cơn đau đến không hề báo trước, giống như một phàm phu tục tử đột nhiên bị vỡ tim nứt xương khuấy ngũ tạng, bà lão làm sao chịu nổi?

Lão Dương hờ hững nói:

- Mặc dù trong mắt ta không có phân chia tốt xấu, không có khác biệt chính tà, không dùng những thứ này để ước lượng âm đức, nhưng không có nghĩa là ta thích hành vi và việc làm của ngươi. Trước kia không tiện tính toán với ngươi cái gì, nhưng sau này dù ta muốn biến ngươi thành tro bụi cũng chỉ cần một ý niệm, cho nên đừng được voi đòi tiên.

Bà lão quỳ xuống đất cầu xin tha thứ:

- Đại tiên, tôi không dám nữa, không dám nữa!

Chân thần họ Ân được kiếm tu núi Chân Vũ hao phí cái giá rất lớn mời xuống, đối diện với chất vấn vô lễ của thiếu niên Mã Khổ Huyền, khi đó ngay cả vị kiếm tu Binh gia kia cũng cảm thấy hoảng sợ, chỉ lo rước lấy con giận lôi đình. Vì sao đến cuối cùng chân thần họ Ân lại nghiêm trang trả lời thiếu niên, thậm chí còn dùng ngôn ngữ của nhân gian đáp một câu “không phải không làm mà là không làm được”?

Đây hoàn toàn không phải là hỏi đáp nên có giữa người và thần.

Điểm khác thường này, e rằng ngay cả vị kiếm tu có địa vị siêu nhiên kia cũng không rõ nội tình, chỉ cho rằng chân thần kia có quy củ và suy nghĩ riêng không ai biết. Nhưng ông lão trong viện nhỏ thì lại biết rõ ràng.

Thiếu niên kia mới là người được trời ưu ái.

Không hề kém hơn tỳ nữ Trĩ Khuê chút nào.

Vương Chu, Vương Chu.

Hợp lại với nhau tức là chữ “Châu”.

Thứ gì quý nhất của một con chân long?

Hạt châu!

Tại sao cô lại lựa chọn nương nhờ hoàng tử Đại Ly Tống Tập Tân?

Đế vương trên thế gian đều thích tự xưng là chân long, số mệnh của một người có thể liên kết với vận mệnh của vương triều quốc gia, rất dễ thấy hai bên xem như là liên hệ chặt chẽ, bổ trợ cho nhau.

Nhưng như đã nói, chuyện tu hành đường dài đằng đẵng, số mệnh, thiên phú, nền móng, cơ duyên, tính cách không thể thiếu thiếu thứ nào. Cuối cùng trên đường tu hành, có người đi trước thành danh sớm, cũng có người đi chậm thành danh muộn, cho nên không có gì là tuyệt đối.

Trong lứa này của trấn nhỏ, ngoại trừ Mã Khổ Huyền và Trĩ Khuê, thực ra Tống Tập Tân, Triệu Dao, Cố Xán, Nguyễn Tú, Lưu Tiện Dương, còn cả những đứa trẻ có cơ duyên số mệnh riêng kia, có thể nói đều là nhân tài xuất chúng.

Ngay cả lão Dương sâu không thấy đáy, cũng không dám nói thành tựu của ai chắc chắn sẽ cao hơn ai.

Lão Dương liếc nhìn nước đọng trong sân, nói:

- Đi đi, tạm thời ngươi chỉ cần quan sát động tĩnh ở cầu mái che.

Bà lão sợ hãi nói:

- Đại tiên, chỗ cầu mái che, nhất là cái đầm sâu kia, ngay cả tôi cũng không thể đến gần, chỉ cần đi qua một chút là giống như đun trong chảo dầu vậy...

Lão Dương cười cười:

- Không cần đến gần, chỉ cần dán mắt vào chỗ cầu mái che. Chẳng hạn như sau này có thứ gì từ dưới cầu bay ra, ngươi cứ nhìn xem hướng đi của nó là được.

Bà lão vội vàng nhận lệnh rời đi.

Phía trên nước đọng trong sân, trong nháy mắt đã không còn bóng dáng lờ mờ như sương như khói của bà lão.

- Sư phụ, sư phụ!

Ở cửa sau nhà chính tiệm Dương gia, Trịnh Đại Phong cười lớn cất tiếng gọi, vội vội vàng vàng chạy tới báo tin mừng.

Hai người một trước một sau đi đến hậu viện. Trịnh Đại Phong đi trước giống như nổi gió dưới chân:

- Sư huynh về rồi, tin tức rất tốt!

Lão Dương nhìn người đàn ông đôn hậu phía sau Trịnh Đại Phong, người kia cũng gật đầu một cái.

Lý Nhị muốn nói lại thôi, bụng đầy nghi vấn, nhưng vốn hiền lành ăn nói vụng về nên không biết phải mở miệng thế nào.

Cuối cùng hắn chỉ phiền não nói:

- Sư phụ, vì sao lại nhận Mã Khổ Huyền làm đồ đệ chứ không phải thiếu niên kia? Con không thích thằng nhóc họ Mã.

Lão Dương trợn mắt nói:

- Cho nên con tự ý vớt con cá chép màu vàng kia lên, bán cho Trần Bình An?

So với Trịnh Đại Phong luôn khoanh tay bó gối trước mặt ông lão, Lý Nhị rõ ràng có khí phách hơn nhiều, ngồi xuống chiếc ghế đẩu lúc trước của Trần Bình An:

- Thế nào? Con vui lòng làm vậy. Không phải sư phụ cũng rất thích đứa bé kia sao?

Nếu Trần Bình An có mặt ở đây nhất định sẽ cảm thấy kinh ngạc, bởi vì đây chính là người trung niên bán cá gặp phải trên đường lúc trước.

Lão Dương vừa bực vừa buồn cười nói:

- Kết quả thì sao? Giỏ cá và con cá chép vàng kia có đến tay Trần Bình An không? Hả?

Lý Nhị phiền muộn không vui, cũng không nói gì.

Trịnh Đại Phong ở bên cạnh châm dầu vào lửa:

- Sư huynh à, không phải đệ nói huynh lãng phí cái giỏ Long Vương kia, nhưng bán cho ai không bán, lại bán cho hoàng tử nhỏ của Đại Tùy kia. Đó là kẻ thù không đội trời chung của Đại Ly đấy, cẩn thận sau này Tống Trường Kính đến tính sổ với huynh. Hơn nữa phù sa không chảy ruộng người ngoài, để lại cho cháu trai cháu gái của đệ cũng tốt mà. Thế nào, sư huynh cảm thấy bảo bối phỏng tay à, nếu vậy thì cứ tặng cho đệ cũng được.

Ánh mắt lạnh lùng của lão Dương liếc sang, Trịnh Đại Phong liền câm như hến, không dám nói thêm nửa chữ, giơ hai tay lên ngoan ngoãn ngồi trên bậc thềm.

Ông lão nói:

- Mang theo Phù Nam Hoa đến thành Lão Long.

Trịnh Đại Phong đầy vẻ kinh ngạc, quay đầu nhìn, chỉ thấy gương mặt từng trải của ông lão không có cảm xúc gì.

Gã đàn ông độc thân canh cổng trấn nhỏ này chậm rãi dời mắt đi, sau đó phủi phủi đầu gối, cười khổ đứng dậy, không nói lời nào bước xuống bậc thềm, đi về hướng cửa sau trong tiệm.

Sau lưng vang lên giọng nói uy nghiêm của ông lão:

- Nhớ kỹ, chết cũng không được tiết lộ lai lịch!

Trịnh Đại Phong càng cười gượng, gật đầu một cái, cũng không xoay người, bước đi nhanh hơn.

Sau khi đi đến hành lang cửa sau nhà chính, hắn xoay người lại, quỳ xuống dập đầu ba cái, trầm giọng nói:

- Sư phụ bảo trọng thân thể.

Từ đầu đến cuối ông lão vẫn không nói lời nào.

Trịnh Đại Phong ủ rũ rời khỏi tiệm Dương gia.

Người đàn ông Lý Nhị ngồi trên ghế đẩu muốn bênh vực sư đệ đồng môn Trịnh Đại Phong:

- Sư phụ, người đối xử với sư đệ cũng quá...

Ông lão cười nói:

- Không hợp tình người?

Lý Nhị gật đầu:

- Mặc dù sư đệ cả ngày không làm chuyện đứng đắn, nhưng thật lòng yêu quý sư phụ. Nói thật điểm này con không bằng đệ ấy.

Ông lão không tỏ rõ ý kiến với chuyện này:

- Dù sao cũng là lục bình không rễ, còn không bằng cỏ dại ven đường, chết ở đâu mà không phải là chết.

Lý Nhị thở dài nói:

- Chuyến này sư đệ rời khỏi trấn nhỏ, nhất định tâm lý sẽ không thoải mái.

- Thông thường mà nói, muốn trước sau kế thừa, đời đời lưu truyền, cần phải có ba tên đệ tử. Một người là “có thể trọng dụng”, có thể làm rạng rỡ sư môn, sau khi sư phụ chết có thể gánh vác việc lớn, trấn giữ cục diện, vừa là bề mặt cũng vừa là vải lót bên trong. Một người khác có thể “kế thừa hương khói”, thoạt nhìn bản lĩnh không bằng người trước, nhưng lại hơn về tính dẻo dai. Trời sập xuống cho dù đệ tử hữu dụng kia cũng chết, nhưng người này vẫn có thể đảm đảm bảo hương khói của sư môn không chấm dứt. Lúc môn phái hưng thịnh thì tác dụng của hắn không rõ ràng, nhưng đến khi sa sút lâm vào nguy cơ thì lại rất quan trọng. Người cuối cùng thì nhất định phải “thú vị”, thiên phú tốt, cơ sở tốt, cái gì cũng tốt, rất thú vị. Thậm chí không cần đội ơn sư phụ và tông môn gì cả, người làm sư phụ sẽ không luôn nói quy củ với một đệ tử như vậy. Có câu là “đồ đệ quá giỏi thì sư phụ chết đói”, tên đồ đệ cuối cùng này chính là như vậy.

Lý Nhị hiếu kỳ hỏi:

- Con, sư đệ, còn có Mã Khổ Huyền, ba chúng con phân biệt là loại người nào?

Lão Dương cười nói:

- Đã nhiều năm như vậy, ai nói ta chỉ có ba đồ đệ các ngươi?

Lý Nhị ngẩn ra, nụ cười hơi lúng túng:

- Con quên mất lứa này.

Lão Dương cười hỏi:

- Tống Trường Kính kia thế nào?

Lý Nhị nghiêm túc suy nghĩ một lúc, cuối cùng chỉ thốt ra hai chữ:

- Không tệ.

Lão Dương rít thuốc lá, nuốt mây nhổ sương, tấm tắc lấy làm kỳ:

- Vậy là rất lợi hại rồi.

Lý Nhị nói:

- Tống Trường Kính đồng ý...

Không đợi đồ đệ nói xong, lão Dương đã giậm chân một cái, trời đất đều yên tĩnh.

Lý Nhị cười nói:

- Sư phụ, những năm qua chúng ta làm việc cũng không xem là giấu giếm, còn phải chú ý những chuyện này sao?

Lão Dương chậm rãi nói:

- Làm ra vẻ một chút cũng không được, con muốn tạo phản à?

Lý Nhị hỏi ngược lại:

- Có khác biệt sao?

Lão Dương ngẩng đầu nhìn lên trời, ánh mắt xuyên qua ba tầng trời đất, im lặng không nói gì.

Tâm tình Lý Nhị nặng nề, hỏi:

- Sư phụ, hai đứa nhóc nhà con thật sự phải đi thư viện Sơn Nhai sao?

Lão Dương đáp:

- Tề Tĩnh Xuân đã đồng ý dùng chuyện này để trao đổi, sao lại không đi? Chuyện tốt như vậy nói là trăm năm khó gặp cũng không quá mức.

Lý Nhị hỏi:

- Vì sao Tề Tĩnh Xuân không tặng nó cho Trần Bình An?

Lão Dương cười nói:

- Con cho rằng làm vậy là giúp Trần Bình An sao? Ngại đứa bé kia chết không đủ nhanh thì có. Con có tin hay không, khi đó nếu con thành công tặng giỏ Long Vương và con cá chép vàng kia, không tới ba ngày Trần Bình An sẽ chết bất đắc kỳ tử ở một nơi nào đó trong trấn nhỏ?

Lý Nhị nghi hoặc nói:

- Trần Bình An trước sáu tuổi đã bị cha nó đập vỡ đồ sứ bản mệnh, vì vậy không còn trói buộc. Tuy rằng khiến cho đứa nhỏ này không giữ được cơ duyên lớn nào, nhưng đây vừa là chuyện xấu cũng vừa là chuyện tốt. Nó giống như một ngọn đèn trong phòng tối, sẽ có nhiều chuyện như thiêu thân lao vào lửa xảy ra. Trong thời gian này đứa bé đáng thương kia vớt được một thứ gì đó, không phải là chuyện rất bình thường sao?

Lão Dương giải thích:

- Chỉ cần ở trong trấn nhỏ, Trần Bình An sẽ không có vận may cơ duyên gì quá lớn, đứa bé kia không cầm nổi cũng không giữ được. Cho dù là mệnh nghèo hèn hai tay trống không, nó có thể sống được đã không dễ dàng rồi. Nếu đổi thành những kẻ được gọi là nhân tài xuất chúng kia, có ai không chết cả bảy tám lần rồi.

Lý Nhị nhếch miệng cười nói:

- Cho nên đây cũng là nguyên nhân mà sư phụ bằng lòng giúp nó một tay. Những gì sư phụ có thể cho, vừa khéo là những thứ duy nhất mà Trần Bình An có thể nhận lấy.

Lão Dương do dự một thoáng, nhả ra một ngụm khói nồng nặc:

- Vậy con có biết không, phần cơ duyên mà con định tặng cho Trần Bình An thiếu chút nữa đã hại chết nó. Hoàng tử và hoạn quan Đại Tùy, Ninh Diêu, thích khách hình đồ, đạo nhân kỳ lạ kia... Trần Bình An suýt nữa đã chết trên mối dây này rồi.

Lý Nhị nhíu mày.

Lão Dương đổi một chủ đề khác:

- Trước kia thánh nhân phụ trách trấn giữ vùng trời đất này, sau khi nhậm chức chuyện đầu tiên thường làm là kiểm tra bốn đồ vật trấn áp do lão tổ tông lưu lại, chuyện thứ hai là đến chỗ ta chào hỏi một tiếng. Nhưng cho dù là những thánh nhân này, phần lớn trong đó chỉ biết nên làm như vậy chứ không biết nguyên do. Còn có hai loại người sẽ không đến chỗ ta. Tình huống thứ nhất hầu hết là trong những năm tháng thời kỳ đầu, lúc ấy thế lực Phật gia ở Đông Bảo Bình Châu còn hưng thịnh, hòa thượng lừa trọc rất nhiều, nhóm người này không dám tới vì sợ dính nhân quả. Tình huống thứ hai là giống như Tề Tĩnh Xuân, bên trên cố ý không nói cho hắn biết chân tướng, chỉ mong sao Tề Tĩnh Xuân và ta xảy ra xung đột đánh nhau. Hôm nay Tề Tĩnh Xuân đến đây là do chính hắn nghĩ ra đầu mối, hoặc là...

Sắc mặt ông lão nghiêm túc:

- Khả năng xảy ra tình huống này quá nhỏ, hậu quả cũng quá lớn không thể tưởng tượng được. Ta hi vọng không phải, cũng... nên là không phải.

Trong thế giới nhỏ lại có một thế giới khác.

Tề Tĩnh Xuân trấn giữ một phương, lão Dương thì giống như phiên trấn cát cứ, hơn nữa không hề có vẻ ăn nhờ ở đậu.

Lão Dương cảm khái nói:

- Trước vị thầy giáo của Tề Tĩnh Xuân, có một vị thánh nhân Nho gia từng nói rằng “thánh nhân dốc hết tầm mắt, dùng quy củ thước đo định ra vuông tròn ngang dọc”. Ý tứ là gì nhỉ, nói đơn giản là dân chúng các ngươi phải cảm ơn đại ân đại đức của chí thánh tiên sư, là lão nhân gia ông ta tốn rất nhiều công sức và tầm mắt, mới định ra những quy củ hệ thống này. Nhằm để cho hậu thế đi lại trong đó không bị tai bay vạ gió, đời sau mới có cơ hội tiếp tục đầu thai làm người.

Lý Nhị vò đầu nói:

- Sư phụ nói với con những chuyện này làm gì, con cũng không hiểu hết. Trịnh Đại Phong mới có thể nói chuyện phiếm với người được.

Lão Dương cười nói:

- Nếu Lý Nhị con có thể nói chuyện phiếm, ta ngược lại sẽ không nhắc đến những chuyện này. Một người nói còn một người nghe, một người hỏi còn một người đáp, đây chính là vừa khéo.

Lão Dương đứng lên, ngước mắt nhìn về phía xa:

- Nếu có một ngày đứa bé kia có thể sống sót rời khỏi trấn nhỏ, sau khi xông pha bên ngoài mấy chục năm nhất định sẽ kinh ngạc, hóa ra ban đầu trấn nhỏ quê nhà kia lại lớn đến như vậy.

Sư phụ đã đứng dậy, Lý Nhị cũng đành đứng theo, mặc dù hắn không biết nịnh nọt nhưng vẫn hiểu quy củ.

Lão Dương nói:

- Con cũng đừng ở lại nơi này nữa, dẫn theo cô ả chua ngoa nhà con đến nơi nào đó đi. Ở lại Đông Bảo Bình Châu thì đời này con không có hi vọng đột phá cảnh giới. Tống Trường Kính là một kẻ hẹp hòi, sau này bị hắn đè ép cảnh giới, con không thấy khó chịu thì người làm sư phụ như ta cũng thấy. Đúng rồi, nếu con không nỡ thì có thể mang đi một đứa con trai hay con gái, chẳng qua là ít đi một chút quà tặng của Tề Tĩnh Xuân mà thôi.

Lý Nhị hỏi:

- Sư phụ, nếu vợ con không cho mang cả hai đứa nhỏ đi thì phải làm sao?

Lão Dương tức giận nói:

- Nhà con rốt cuộc do ai làm chủ?

Lý Nhị nói như chuyện hiển nhiên:

- Cô ấy!

Ông lão hít thở sâu một hơi, phất tay đuổi người:

- Cút cút cút, một nhà bốn miệng cút hết đi, muốn làm gì thì làm!

Lý Nhị đi xuống bậc thềm, đột nhiên quay đầu hỏi:

- Vậy sư phụ thì sao?

Ông lão ngồi trở lại ghế đẩu, đưa tay mò thuốc lá sợi trong túi, phát hiện đã trống không, bèn thu tay lại, sắc mặt bình tĩnh nói:

- Còn sao nữa, chờ chết thôi.

Lý Nhị đi tới dưới mái hiên bên kia, bỗng quay đầu cười nói:

- Con cảm thấy Mã Khổ Huyền không mang thứ như vậy đi được.

Vẻ mặt ông lão u ám, tự giễu nói:

- Nếu nó không mang đi được thì không ai có thể mang đi.

---------

Bốn họ mười tộc trong trấn nhỏ đột nhiên nhận được tin tức, trong ba ngày tất cả người xứ khác đều phải rút khỏi trấn nhỏ, động tiên Ly Châu tạm thời chỉ cho ra chứ không cho vào.

Mặc dù oán hận ngập trời, nhưng đến cuối cùng lại không ai chất vấn chuyện này.

Trong đội ngũ đi về phía đông, lão tổ Lý gia không tiếc tự mình ra mặt, âm thầm hộ tống vị tổ tông nhỏ của núi Chính Dương kia rời đi.

Ngày hôm sau, ở nơi rất xa phía tây trấn nhỏ vang lên những tiếng ầm ầm giống như địa chấn, long trời lở đất.

Hóa ra con vượn Bàn Sơn núi Chính Dương kia thật sự nhổ lên một ngọn núi lớn.

Con vượn già hiện ra chân thân ngàn trượng, đang muốn vác nó lên lưng.

Vai của lão đột nhiên nghiêng qua, giống như có vật nặng đè lên vai, lão ngẩng đầu hí mắt nhìn lên.

Trên đỉnh núi ở vai có “một hạt” bóng dáng nhỏ bé.

Tề Tĩnh Xuân.

Con vượn già cười lớn nói:

- Tề Tĩnh Xuân! Đừng hẹp hòi như vậy, làm lỡ việc lớn!

Tề Tĩnh Xuân trầm giọng nói:

- Trả lại ngọn núi Phi Vân này.

Con vượn già hất vai lên, giận dữ quát một tiếng, ngông cuồng nói:

- Không trả thì sao?

Sau khoảnh khắc, hai tay con vượn Bàn Sơn đột nhiên rời khỏi phần đáy ngọn núi kia, lăn sang một bên, thân hình to lớn ép cho vô số cây cối chung quanh sụp đổ.

Lại sau phút chốc, con vượn lớn ngàn trượng bị người ta dùng một chân đạp lõm vào trong đất.

Người kia mới là đội trời đạp đất thật sự, so với ông ta thì con vượn Bàn Sơn chỉ giống như con kiến dưới chân.

Lại một chân đạp cho con vượn già đang vùng vẫy đứng lên lõm sâu xuống đất lần nữa.

Lại một đạp, con vượn già ngàn trượng nằm im lìm trong hố lớn, cả người đầy máu, thoi thóp một hơi.

Người nọ khom lưng, giống như đầu đội trời nhìn xuống con vượn Bàn Sơn kia, cười nhạo nói:

- Nếu là ta của sáu mươi năm trước, sau khi ra ngoài chuyện đầu tiên ta làm chính là một chân đạp bằng núi Chính Dương!


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.