Trong gian nhà ở cổng sơn môn đảo Thanh Hiệp, bản đồ địa thế của các hòn đảo hồ Thư Giản và thành trì châu quận phụ cận, hồ sơ hộ tịch của phòng hương hỏa, gia phả tổ sư đường của các đảo lớn, cộng thêm bản thảo trích dẫn gần hai mươi vạn chữ, từng cái được phân loại riêng. Phần lớn đã được bỏ vào trong ngăn tủ, giống như những ngăn thuốc ở tiệm Dương gia và tiệm thuốc Khôi Trần, nhưng bên phía bàn sách vẫn chất đống như núi.
Trong nhà có một cái bàn sách, một hàng tủ dựa vào tường, một cái bàn cơm, còn lại là một chiếc ghế dựa, hai chiếc ghế dài và một chiếc ghế đẩu nhỏ, chỉ có một chút gia sản như vậy mà thôi.
Sau đó Cố Xán thường tới nhà thăm, từ cuối thu đến khi vào đông, lại thích ngồi rất lâu ở cửa nhà, không phải phơi nắng ngủ gật thì cũng tán gẫu với cá chạch nhỏ. Thế là lúc Trần Bình An ngao du ở đảo Tử Trúc, đã xin ba cây trúc tía của đảo chủ rất có phong độ trí thức, gồm hai cây lớn và một cây nhỏ. Cây lớn thì chẻ ra làm thành hai chiếc ghế trúc nhỏ, cây nhỏ thì sấy khô mài thành một chiếc cần câu. Có điều làm xong cần câu rồi, vẫn không có cơ hội câu cá ở hồ Thư Giản.
Tối nay Trần Bình An mở hộp đựng thức ăn ra, yên lặng ăn bữa khuya trước bàn cơm.
Hắn còn đang chờ hồi âm của núi Thái Bình Đồng Diệp châu.
Trước đó Ngụy Bách đã đưa ra tất cả đáp án. Không phải Trần Bình An không tin vào vị cựu thần linh bí ẩn của nước Thần Thủy này, mà là chuyện tiếp theo hắn phải làm, dù cầu toàn thế nào cũng không quá mức.
Có điều phi kiếm truyền thư vượt châu, cũng có khả năng giống như trâu đất xuống biển. Cộng thêm hôm nay hồ Thư Giản thuộc về mảnh đất thị phi, mà phi kiếm truyền thư lại xuất phát từ đảo Thanh Hiệp vốn là đối tượng công kích, cho nên Trần Bình An đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Nếu thật sự không được, vậy thì nhờ Ngụy Bách giúp đỡ, thay một bức thư từ núi Phi Vân gởi đến Chung Khôi ở núi Thái Bình.
Nếu đây là lần đầu tiên Trần Bình An du lịch giang hồ, cho dù sở hữu những mối quan hệ này, không chừng cũng sẽ tự mình vòng tới vòng lui, không làm phiền người khác, bởi vì trong lòng hắn sẽ cảm thấy ngại ngùng. Nhưng hôm nay thì không giống nữa.
Trần Bình An không muốn sống một cách cô độc giống như lão đạo nhân Quan đạo quán Đông Hải đã nói. Thiếu một chút nhân tình không hề đáng sợ, có mượn thì có trả, tương lai bằng hữu gặp chuyện khó khăn, mới có thể ung dung mở miệng. Chỉ cần đừng mượn rồi không trả là được.
Trần Bình An ăn xong bữa khuya, đậy kỹ hộp đựng thức ăn, mở một phần công báo bên tay, bắt đầu xem lướt qua.
Trên đó viết một số tin đồn và chuyện lý thú ở hồ Thư Giản hiện giờ, tương tự như công báo quan trường (văn thư thông tin của triều đình) mà vương triều thế tục dùng trạm dịch gởi đến các dinh quan.
Thực ra lúc trước trên đường du lịch, tại nhà trọ Bách Hoa Uyển ở nước Thanh Loan, Trần Bình An đã từng thấy được sự kỳ diệu của loại công báo tiên gia này. Ở hồ Thư Giản lâu rồi, hắn cũng nhập gia tùy tục, nhờ Cố Xán xin giúp một phần công báo tiên gia, chỉ cần có công báo vừa mới ra lò thì bảo người đưa tới.
Trên đảo Cung Liễu gần như mỗi ngày đều có chuyện lý thú. Chuyện xảy ra hôm nay, ngày hôm sau đã có thể truyền khắp hồ Thư Giản rồi.
Chuyện này phải quy công cho một nơi gọi là đảo Liễu Nhứ. Nơi đó từ đảo chủ đến đệ tử ngoại môn, thậm chí là tạp dịch đều không ở trên đảo tu hành, suốt ngày lang thang bên ngoài. Tất cả công việc kiếm tiền, đều dựa vào mắt thấy tai nghe trong các trường hợp, cộng thêm một chút lời nói vu vơ, dùng nó để buôn bán tin đồn.
Bọn họ còn không theo định kỳ, gởi từng phần công báo tiên gia cho nửa số hòn đảo ở hồ Thư Giản, cùng với những gia tộc quyền thế trong bốn thành lớn bên hồ là Trì Thủy, Vân Lâu, Lục Đồng, Kim Tôn. Nếu ít chuyện thì công báo có thể chỉ lớn như miếng đậu hủ, giá tiền cũng thấp, theo giá quy định là một đồng tiền hoa tuyết. Còn nếu nhiều chuyện, công báo sẽ lớn như bản đồ phong thủy, hở một chút là mười mấy đồng tiền hoa tuyết.
Trên phần công báo này chủ yếu viết về tình hình đảo Cung Liễu gần đây, cũng giới thiệu điểm xuất sắc của một số hòn đảo mới quật khởi, cùng với một số chuyện mới mẻ của đảo lớn lâu năm.
Chẳng hạn như lão tổ sư của đảo Bích Kiều chuyến này ra ngoài du lịch, đã mang về một thiếu niên thiên tài tu đạo vô cùng nổi bật, trời sinh có cộng hưởng với bùa chú Đạo gia.
Hay như trong số nữ tu sĩ của am Bộc Bố ở đảo Lạp Mai, có một thiếu nữ vốn ít danh tiếng, hai năm qua đột nhiên trưởng thành, đảo Lạp Mai đã đặc biệt mở ra đường tiền tài kính hoa thủy nguyệt cho cô. Không ngờ trong một tháng đầu tiên, đông đảo hào kiệt trên núi thưởng thức dáng vẻ phong tình của thiếu nữ này, đã ném xuống rất nhiều tiền thần tiên, khiến cho linh khí của đảo Lạp Mai tăng vọt hơn một thành.
Còn có đảo Vân Tụ đã yên lặng trăm năm, “gia cảnh sa sút”. Trên đảo có một tu sĩ xuất thân tạp dịch, vẫn luôn không được người khác coi trọng, lại nối bước Điền Hồ Quân của đảo Tố Lân, trở thành địa tiên cảnh giới Kim Đan mới của hồ Thư Giản.
Ban đầu đảo Vân Tụ còn không có tư cách tới đảo Cung Liễu tham gia hội nghị đồng minh. Mấy ngày nay lại la lối, nhất định phải sắp xếp một ghế ngồi cho bọn họ. Nếu không dù quân chủ giang hồ rơi vào nhà ai, chỉ cần đảo Vân Tụ vắng mặt, vậy thì sẽ là danh không chính, ngôn không thuận.
Trần Bình An xem những “chuyện đặc sắc của người khác” này, cảm thấy rất hứng thú. Xem xong một lần, lại không nhịn được xem thêm lần nữa.
Trên phần công báo này, tu sĩ chủ bút của đảo Liễu Nhứ đã đặc biệt dành cho thiếu nữ tu sĩ đảo Lạp Mai một chỗ trống khoảng chừng bàn tay. Dùng thủ pháp dập chữ giống như trên thuyền núi Đả Tiếu, cộng thêm bút pháp tả cảnh của tu sĩ họa gia mà Trần Bình An từng nhìn thấy trên thuyền đảo Quế Hoa năm xưa, khiến cho góc nghiêng của thiếu nữ đứng dưới cây mai am Bộc Bố sống động như thật.
Trần Bình An nhìn mấy lần, đúng là một cô nương khí chất động lòng người, cũng không biết có dùng bí thuật tiên gia “thay da đổi thịt” để chỉnh sửa tướng mạo hay không. Nếu Chu Liễm và Tuân lão tiền bối kia ở đây, quá nửa là có thể nhìn thấu được.
Trần Bình An mua công báo khá trễ, lúc này đã xem qua rất nhiều người lạ chuyện lạ và phong thổ nhân tình của các hòn đảo. Hắn cũng không biết trong khoảng thời gian trước đó, khi núi Phù Dung còn chưa gặp phải thảm họa diệt môn, tất cả tin tức liên quan đến tiên sinh sổ sách đảo Thanh Hiệp là hắn, chính là nguồn gốc tiền tài lớn nhất của đảo Liễu Nhứ.
Đảo Liễu Nhứ đương nhiên không dám viết quá mức, phần nhiều vẫn là một ít từ ngữ khen ngợi, bằng không sẽ phải lo lắng Cố Xán dẫn theo con cá chạch lớn kia, mấy chưởng đánh nát cả đảo Liễu Nhứ.
Trong lịch sử tu sĩ đảo Liễu Nhứ cũng từng chịu thiệt lớn, từ lúc sáng lập tổ sư đường tới nay, trong vòng năm trăm năm đã phải di chuyển chỗ ở ba lần. Trong đó một lần thảm nhất nguyên khí đại thương, tài lực không tốt, phải thuê một địa bàn nhỏ trên một hòn đảo.
Ba lần phải “chịu tội vì tự do ngôn luận”. Một lần là thuở ban đầu của đảo Liễu Nhứ, tu sĩ hạ bút không biết nặng nhẹ, một phần công báo đã đụng chạm đến con riêng của quân chủ giang hồ khi đó.
Lần thứ hai là ba trăm năm trước, đã chọc giận đảo chủ đảo Cung Liễu. Bọn họ thêm mắm thêm muối vào quan hệ của lão thần tiên này và nữ tu sĩ đệ tử kia. Mặc dù chỉ dùng lời hay, văn chương dưới ngòi bút đều hâm mộ thầy trò kết làm tình lữ thần tiên, nhưng vẫn khiến cho Lưu Lão Thành lên đảo thăm viếng. Lưu Lão Thành không đánh chết ai, nhưng vẫn dọa cho đảo Liễu Nhứ hôm sau phải đổi hòn đảo khác, xem như là xin lỗi.
Lần thứ ba là không cẩn thận, trên công báo đã lỡ đổi đạo hiệu Tiệt Giang chân quân của Lưu Chí Mậu thành Tiệt Giang thiên quân, khiến cho Lưu Chí Mậu trong một đêm biến thành trò cười của cả hồ Thư Giản. Lưu Chí Mậu liền giết lên đảo Liễu Nhứ, tháo dỡ tổ sư đường của đối phương, đây là lần đảo Liễu Nhứ tổn hại nặng nề nhất.
Sau khi tu sĩ đảo Liễu Nhứ bị đánh cho tối tăm, bắt đầu tra xét, mới phát hiện kẻ biên tập phần công báo kia đã bỏ chạy. Hóa ra gã kia là hậu bối của một trong số quỷ chết oan dưới tay đại tu sĩ đảo Liễu Nhứ, đã ẩn nấp hai mươi năm trên đảo. Hắn chỉ sửa một chữ mà khiến cho cả đảo thê thảm. Còn tu sĩ cảnh giới Quan Hải phụ trách kiểm tra công báo, mặc dù thất trách, nhưng không thể xem là thủ phạm chính, cuối cùng vẫn bị đem ra làm kẻ chết thay.
Trần Bình An nghe được tiếng gõ cửa khá hiếm hoi, trước đó là tiếng bước chân lưa thưa và quen thuộc, hẳn là bà lão canh cổng Hồng Tô của phủ Chu Huyền.
Hắn vội vàng đứng dậy mở cửa. Bà lão Hồng Tô với mái tóc đen, khéo léo từ chối lời mời vào nhà của Trần Bình An, do dự một chút, nhẹ giọng hỏi:
- Trần tiên sinh, thật không thể viết một chút về cố sự của lão gia nhà tôi và Lưu đảo chủ đảo Châu Sai sao?
Trần Bình An mỉm cười nói:
- Được rồi, vậy lần sau đến phủ các người, ta sẽ nghe thử chuyện cũ năm xưa của Mã Viễn Trí.
Gương mặt Hồng Tô già nua, nếp nhăn ngang dọc. Hơn nữa chẳng biết vì sao lại có khí tức âm tà dày đặc chỉ ngưng tụ trên mặt, mới khiến cho gương mặt bà ta xấu xí như vậy. Nhưng nếu bà ta hấp thu linh khí của tiền thần tiên, tư sắc sẽ không hề kém, còn có một đôi mắt khá thanh tú.
Lúc này bà ta chớp chớp mắt, lấy can đảm nhẹ giọng hỏi:
- Trần tiên sinh cố ý từ chối lão gia nhà tôi? Là vì đoán được lão gia sẽ bảo nô tỳ đến tìm tiên sinh, giúp nô tỳ lập được một công lao lớn, đúng không?
Trần Bình An giơ một ngón tay lên đặt ở bên miệng, ra hiệu là trời biết, đất biết, bà biết, ta biết, như vậy là được rồi.
Dưới ánh trăng sáng trong, bà lão cười duyên dáng.
Hồng Tô nhìn người trẻ tuổi hơi gầy gò trước mắt, giơ bầu rượu trong tay lên. Nắp bầu được bọc bằng giấy vàng, thân bầu dùng dây đỏ quấn quanh. Bà ta dịu dàng cười nói:
- Không phải thứ đáng giá gì, gọi là rượu hoàng đằng, dùng gạo nếp, gạo tẻ ủ thành. Đây là rượu quan gia ở cố hương của tôi, rất được nữ nhân yêu thích, cũng được gọi thân mật là rượu dùng cơm. Lần trước trò chuyện với Trần tiên sinh rất nhiều, lại quên mất thứ này, bèn nhờ người mua một ít, vừa mới đưa tới trên đảo. Nếu tiên sinh uống thấy hợp, sau khi trở về tôi sẽ mang tới thêm, đều tặng cho tiên sinh.
Bà ta đột nhiên ý thức được lời nói của mình không ổn, vội vàng nói:
- Vừa rồi nô tỳ nói phu nhân cô gái thích uống rượu này, thực ra đàn ông ở quê nhà cũng thích.
Trần Bình An cầm lấy bầu rượu kia, mỉm cười gật đầu nói:
- Được rồi, nếu như uống thấy hợp, sẽ đến phủ Chu Huyền xin cô thêm.
Sau khi Hồng Tô rời đi, Trần Bình An chẳng những không uống rượu, còn bỏ bầu rượu kia vào trong vật một thước. Hắn không dám uống, không phải vì không tin Hồng Tô, mà là không tin đảo Thanh Hiệp và hồ Thư Giản. Cho dù bầu rượu này không có vấn đề, một khi mở miệng xin thêm, cũng không biết trong bầu rượu nào sẽ có vấn đề.
Cho nên đến cuối cùng, Trần Bình An cũng chỉ có thể tới chỗ bà lão canh cổng phủ Chu Huyền, nói với bà ta một câu, vị rượu quá êm dịu, không thích hợp với mình lắm. Về điểm này, Trần Bình An không cảm thấy mình giống với Cố Xán.
Vì cái lỡ may kia, Cố Xán có thể không do dự giết chết một vạn người. Trần Bình An cũng sợ cái lỡ may kia, chỉ có thể tạm thời gác lại, đậy kín ý tốt của Hồng Tô.
Hai trường hợp nhìn như tương tự, suy cho cùng là từ một cái “nhất” giống nhau, diễn sinh ra sự khác biệt lớn.
Chỉ cần Cố Xán vẫn khăng khăng giữ lấy cái “nhất” kia của mình, Trần Bình An và Cố Xán giằng co trên tâm tính, đã định trước sẽ không thể kéo Cố Xán về phía mình. Trần Bình An cũng đã tạm thời từ bỏ chuyện này.
Ngay cả cách hai người đối xử với thế giới, lòng dạ căn bản đều đã khác nhau, cho dù ngươi có nói đến thấu trời cũng vô dụng.
Cố Xán chưa từng nhìn thấy khoảng thời gian chung sống của Trần Bình An và bốn người trong tranh cuộn đất lành Ngẫu Hoa, cũng chưa từng nhìn thấy nước ngầm dâng trào trong đó, nguy hiểm ẩn giấu khắp nơi. Cuối cùng lại chia tay trong vui vẻ, còn sẽ có trùng phùng. Mặc dù chuyện này chưa chắc thích hợp với hồ Thư Giản và Cố Xán, nhưng chung quy Cố Xán đã không thể thấy được một loại kết cục.
Sau khi dần quen thuộc với một phần đường nhánh cao thấp, phức tạp đan xen của hồ Thư Giản, Trần Bình An tin tưởng một chuyện. Nếu Cố Xán đặt một phần tâm tư vào việc khác ngoài giết người, cho dù học một ít thủ đoạn lung lạc lòng người, bồi dưỡng thế lực của Lưu Chí Mậu, Cố Xán và mẹ hắn đều có thể sống càng tốt, càng lâu dài ở hồ Thư Giản.
Nhưng hôm nay Trần Bình An đã nhìn thấy càng nhiều, suy nghĩ càng nhiều, lại không có tâm tình đi nói những “lời vô ích” này.
Không nói cũng không có nghĩa là không làm. Vừa lúc trái ngược, Trần Bình An càng phải đi làm nhiều chuyện hơn.
Đạo lý đã nói hết, Cố Xán vẫn không biết sai. Trần Bình An chỉ có thể tìm một cách khác để ngăn cản cái sai.
Chỉ cần hắn còn ở hồ Thư Giản, làm một tiên sinh sổ sách ở cổng sơn môn đảo Thanh Hiệp, ít nhất có thể khiến Cố Xán không tiếp tục phạm sai lầm lớn.
Cố Xán đã không biết sai, tin rằng mình đúng, dĩ nhiên cũng sẽ không sửa sai. Vì ơn huệ một bữa cơm và một bộ quyền phổ, Trần Bình An đều sẽ có báo đáp.
Một lần vì muốn vượt qua hố sâu trong lòng, hắn buộc phải tự phá vỡ văn mật màu vàng, mới có thể cố gắng dùng sự “yên dạ yên lòng” thấp nhất, ở lại hồ Thư Giản. Tất cả hành vi và việc làm tiếp theo, chính là để sửa chữa sai lầm của Cố Xán.
Đây là một trình tự rất đơn giản, nhưng muốn làm cũng không dễ dàng. Khó ở bước đầu tiên, Trần Bình An làm thế nào thuyết phục chính mình? Đêm đó văn mật màu vàng vỡ tan, chắp tay từ biệt người tí hon áo nho màu vàng, chính là cái giá nhất định phải trả.
Người sống trên đời, nói đạo lý nhìn như dễ dàng nhưng thực ra rất khó. Khó là ở những đạo lý kia cần phải trả giá, còn muốn nói hay không? Sau khi hỏi đáp với lương tri trong lòng mình, nếu vẫn quyết định muốn nói, như vậy một khi nói rồi, cái giá phải trả thường là không ai biết, đắng cay tự chịu, không thể nói với người khác.
Ngoài hai chuyện này, Trần Bình An còn phải tu bổ tâm cảnh của mình. Nếu không thể tu bổ được một nửa, chính hắn sẽ sụp đổ trước.
Trần Bình An đi ra khỏi nhà, lần này không quên thổi tắt hai ngọn đèn trên bàn sách và bàn ăn.
Bước qua sơn môn đảo Thanh Hiệp, đi tới chiếc thuyền ở bến. Trần Bình An đứng ở bên hồ, cũng không đeo Kiếm Tiên, chỉ mặc áo lót màu xanh và áo dài bên ngoài.
Trời đất tịch mịch, bốn phía không người, trên hồ giống như trải đầy bạc vụn. Sau khi vào đông gió đêm hơi lạnh, khiến Trần Bình An từ khi luyện quyền bước vào cảnh giới thứ năm, nhất là mặc vào pháp bào Kim Lễ, cuối cùng đã cảm nhận được thời tiết ấm lạnh của nhân gian lâu ngày không gặp.
Sau khi đi giang hồ càng xa, nhất là đã thấy qua quan trường và quang cảnh trên núi càng nhiều, Trần Bình An lại càng bội phục cách nhìn của Nguyễn sư phụ đối với quan hệ thầy trò, cũng càng bội phục ván cờ ngoài cờ mà Thôi Đông Sơn dạy hắn.
Nguyễn Cung thu nhận đệ tử, không phải vì một ngày nào đó sư phụ tranh chấp với người khác, đệ tử sẽ ở bên cạnh hò hét công kích đối thủ, hoặc là không hỏi đúng sai, kiên quyết xông vào chiến trường. Nguyễn Cung từng nói, ta chỉ nhận người đồng đạo làm đệ tử, chứ không phải nhận một số đồ đệ môn sinh chỉ biết bán mạng cho ta.
Nhân sinh khó khăn, khó ở chỗ không thể yên lòng, càng khó ở chỗ người quan trọng nhất cũng sẽ khiến cho ngươi không thể yên tâm. Có điều đây chỉ là khó khăn của người tốt, phần lớn mọi người trước giờ đều không suy nghĩ tới những chuyện này.
Thế đạo cho ta một đấm, vì sao ta không thể trả lại một đá? Thế nhân dám dùng một quyền đánh cho ta máu me đầy mặt, khiến trong lòng ta không thoải mái, ta nhất định phải đánh cho thế nhân tan xương nát thịt. Còn như có tổn thương đến người vô tội hay không, có phải chết vẫn chưa hết tội hay không, không cần nghĩ đến. Làm như vậy là không đúng.
Tu lực là cơ sở đặt chân, tu tâm là con đường lên cao. Trên đại đạo, cầm kiếm đi thẳng hay đeo hòm sách du học cũng vậy, thỉnh thoảng vẫn phải nhường đường cho người ta một chút.
Vẻ mặt Trần Bình An sầu khổ, chỉ cảm thấy trời lớn đất lớn, nhưng những lời này vẫn phải giấu trong bụng, không ai muốn lắng nghe.
Tâm tư của hắn khẽ động, ngẫm nghĩ, từ trong vật một thước lấy ra một cục than đen.
Hắn vẽ một vòng tròn lớn ở bến thuyền, sau đó khom lưng chậm rãi vẽ một đường ngang, chia vòng tròn ra làm hai nửa.
Trần Bình An ngồi bên cạnh đường ngang kia, thật lâu không động bút, lông mày nhíu chặt. Tiên sinh sổ sách vẻ mặt uể oải, đành phải lấy hồ lô nuôi kiếm bên hông xuống, uống một hớp rượu quạ kêu để nâng cao tinh thần. Sau đó hắn mới lần lượt viết hai chữ “thiện” và “ác” trên dưới đường ngang kia.
Tối nay Trần Bình An muốn bước ra một bước trên chữ “nhất” kia, nơi mà hắn từng dừng bước trên nội tâm, không muốn suy nghĩ sâu xa, cũng không có sức đi sâu nghiên cứu. Giống như thiếu niên giày cỏ ngõ Nê Bình năm xưa đi trên cầu mái che.
Trần Bình An ngồi xổm dưới đất, từ trên đường ngang giữa hai chữ “thiện” và “ác” kia, nhẹ nhàng viết xuống bốn chữ “dùng người làm gốc”, lẩm bẩm nói:
- Tạm thời chỉ có thể nghĩ đến đây.
Hắn nhắm mắt lại, uống một hớp rượu, sau đó mở mắt đứng lên, sải bước đến ven rìa nửa vòng tròn “thiện” kia. Từ nơi này vẽ một đường nghiêng liền mạch lưu loát, kéo dài đến một đoạn khác của nửa vòng tròn “ác”. Tiếp đó lại vẽ một đường nghiêng từ dưới lên trên. Cuối cùng một vòng tròn đã bị hắn chia thành sáu mảnh, chỉ giao nhau ở một điểm tâm vòng tròn.
Sau đó Trần Bình An giống như sáng tỏ thông suốt, bước nhanh vào trong nửa vòng tròn “thiện” phía trên đường ngang kia, tại mảnh hình quạt nằm giữa ba mảnh, than trong tay viết xuống như bay, lẩm bẩm nói:
- Nếu nói đây là những người có tấm lòng chân thành, bản tâm hướng thiện, hơn nữa rất kiên định, tâm trí không dễ lay chuyển. Như vậy thế nhân trên mảnh đất này, cho dù chưa từng đọc sách biết chữ, chỉ cần tam giáo và các trường phái học thuật dạy bọn họ “trong sách tự có nhà hoàng kim, trong sách tự có ngàn chén thóc”, “tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ”, đó sẽ là học vấn tốt nhất, bởi vì bọn họ nghe vào được.
- Thậm chí không cần một vị thánh hiền nào tận tình khuyên bảo nói đạo lý. Bởi vì loại người này sẵn lòng lắng nghe, cũng chịu ngồi mà nghe đạo, dậy mà đi làm. Dù thế đạo khốn khổ như thế nào, bọn họ cũng sẽ giữ vững bản tâm.
Trần Bình An nhanh chóng đứng dậy, lui đến khu vực ở giữa nửa vòng tròn “ác”, “đối chọi” với khu vực nửa vòng tròn “thiện” đã viết đầy chữ than.
Hắn ngồi xổm xuống, cũng dùng than viết ào ào, lẩm bẩm nói:
- Nhân tính bản ác, cái ác này cũng không chỉ có nghĩa xấu, mà là trình bày một loại bản tính khác trong lòng người. Đây chính là loại người trời sinh cảm giác được cái “nhất” kia trên thế gian, đi tranh đi giành, để bảo đảm lợi ích lớn nhất của bản thân.
- Không giống như người trước, đối với sống chết có thể gởi gắm vào trong “tam bất hủ” của Nho gia, hương hỏa con cháu truyền thừa. Ở nơi này, “ta” chính là toàn bộ trời đất, ta chết thì trời đất cũng chết, ta sống thì trời đất cũng sống. Cá thể ta đây, cái “nhất” nhỏ này, không hề nhẹ hơn cái “nhất” lớn của toàn bộ trời đất.
- Lúc trước Chu Liễm giải thích vì sao không muốn giết một người để cứu thiên hạ, chính là lý này. Đồng dạng không phải nghĩa xấu, chỉ là nhân tính thuần túy mà thôi. Tuy ta không tận mắt nhìn thấy, nhưng ta tin tưởng, cũng đã từng thúc đẩy thế đạo tiến lên phía trước.
- Những người mà tâm tính đều “đơm hoa kết quả” ở đây, vào một số thời khắc mấu chốt, mới có thể nói ra được những lời như “sau khi ta chết nào quan tâm nước lũ ngập trời”, “thà ta phụ người trong thiên hạ”, “hoàng hôn đường xa, đi ngược trở về”.
- Thế nhưng vạn vật có linh tính trong trời đất, gần như đều sở hữu bản tính như vậy, rất có thể lại là cơ sở đặt chân của “con người” chúng ta, ít nhất là một trong. Như vậy đã giải thích chuyện mà trước kia ta nghĩ không ra, đó là nhiều người “bất thiện” như vậy, lại có thể tu đạo trở thành thần tiên, không hề gặp trở ngại, thậm chí còn sống thoải mái hơn cái gọi là người tốt. Bởi vì trời đất sinh dưỡng vạn vật cũng không thiên vị, chưa chắc đã dùng thiện ác của “con người” để quyết định sống chết.
Sau khi uống một ngụm rượu lớn, Trần Bình An đứng dậy đi tới mảnh bên phải của nửa vòng tròn “thiện”:
- Lòng người ở đây, tâm chí không bền vững bằng khu vực bên cạnh, khá dao động bất định, có điều vẫn nghiêng về thiện. Nhưng bọn họ sẽ vì con người, vì nơi chốn, vì thời gian mà thay đổi, sẽ có đủ loại biến hóa. Vậy thì cần thánh nhân tam giáo và các trường phái học thuật, dạy bảo thì dùng “ngọc không mài không thành trang sức, người không học không biết đúng sai”, cảnh báo thì dùng “người đang làm còn trời đang nhìn”, khuyến khích thì dùng “âm đức kiếp này là phúc đức kiếp sau, đau khổ kiếp này là hạnh phúc kiếp sau”.
Viết đến đây, Trần Bình An lại có suy nghĩ, đi tới gần trung tâm hai chữ “thiện” và “ác”, lại dùng than chậm rãi bổ sung hai câu. Ở phía trên viết “sẵn lòng tin tưởng người sống trên đời, cũng không phải đều là ‘dùng vật đổi vật’”. Ở bên dưới thì viết “nếu bỏ ra bất kỳ thứ gì, chỉ cần không được hồi báo thực tế, vậy chính là đã hao tổn lợi ích cái ‘nhất’ này của ‘ta’”.
Trần Bình An ngừng viết, lẩm bẩm nói:
- Một khi cảm thấy bị tổn hại, sâu trong lòng những người này sẽ sinh ra chất vấn và lo lắng cực lớn. Bọn họ sẽ bắt đầu nhìn xung quanh, suy nghĩ nhất định phải đòi lại từ nơi khác, thậm chí đòi lấy càng nhiều hơn.
- Chuyện này đã giải thích vì sao hồ Thư Giản hỗn loạn như vậy, người người đều đang cực khổ vùng vẫy. Lại giống như lúc trước ta suy nghĩ, vì sao có nhiều người như vậy, bị thế đạo ở nơi nào đó đánh một quyền, lại nhất định phải tay đấm chân đá với thế đạo các nơi, hoàn toàn không quan tâm đến sống chết của người khác, chứ không chỉ là vì sống sót.
- Giống như Cố Xán, rõ ràng đã sống rất tốt, vẫn sẽ đi theo con đường này, biến thành một kẻ có thể nói ra câu thích giết người. Không chỉ do hoàn cảnh của hồ Thư Giản gây nên, mà là bờ ruộng ngang dọc trong nội tâm Cố Xán, vốn đã phân chia theo hướng này. Khi hắn có cơ hội tiếp xúc với trời đất lớn hơn, chẳng hạn như sau khi ta tặng cá chạch nhỏ cho hắn, đi tới hồ Thư Giản rồi, Cố Xán dĩ nhiên sẽ chiếm lấy càng nhiều cái “nhất” thuộc về người khác, tiền bạc tính mạng, không hề ngần ngại.
Trần Bình An đi tới mảnh bên trái của nửa vòng tròn “thiện”:
- Lòng người nơi này là vô trật tự nhất, muốn hành thiện nhưng không biết làm thế nào, có lòng làm ác nhưng lại chưa chắc dám làm. Cho nên bọn họ thường sẽ cảm thấy “đọc sách vô dụng”, “đạo lý hại ta”. Mặc dù thân ở nửa vòng tròn thiện, nhưng lại rất dễ học theo cái ác. Vì vậy thế gian mới có nhiều “ngụy quân tử ra vẻ đạo mạo” như vậy, ngay cả Phật Tổ trong kinh Phật, cũng lo lắng mạt pháp sẽ đến.
- Người ở nơi này không có lập trường, sống rất vất vả, thậm chí là cực khổ nhất. Những lời lúc trước ta nói với Cố Xán, về cái tốt của đạo lý trên thế gian, tự do thật sự của kẻ mạnh là có thể bảo vệ đám người này. Khiến bọn họ không cần lo lắng nhóm người ở mảnh chính giữa trong nửa vòng tròn “ác”, sẽ không vì đối phương hoành hành ngang ngược mà vô duyên vô cớ gặp họa. Không cần sợ hãi tất cả tài phú vất vả tích góp được, sẽ bị hủy trong phút chốc.
- Phải khiến những người này cho dù không cần nói đạo lý, không cần biết quá nhiều đạo lý, thậm chí là thỉnh thoảng vô lý, khẽ lung lay chiếc ghế gỗ quy củ yên bình do Nho gia tạo ra, vẫn có thể sống thật tốt.
Trần Bình An đứng dậy dời bước, đi tới mảnh bên phải của nửa vòng tròn “ác” đối ứng với nó, chậm rãi viết: “Người ở nơi này, cùng với nhóm người trong mảnh ở giữa kế bên, ngươi nói với bọn họ buông dao đồ tể lập tức thành Phật, biết sai mà sửa chính là chuyện tốt, đã định trước chỉ là nói viển vông.”
Mặc dù trong nửa vòng tròn “ác”, mảnh bên tay trái vẫn còn một khoảng trống lớn, nhưng sắc mặt Trần Bình An đã nhợt nhạt, có dấu hiệu kiệt sức. Sau khi uống một ngụm rượu lớn, hắn lảo đảo đứng lên, than củi trong tay đã bị mài mòn chỉ còn khoảng chừng móng tay.
Trần Bình An ổn định tâm thần, ngón tay run rẩy, không viết được nữa. Hắn gắng gượng một hơi, giơ tay lên lau mồ hôi trán, muốn ngồi xuống tiếp tục viết, cho dù chỉ thêm một chữ cũng tốt. Nhưng hắn vừa mới khom lưng, lại ngồi bệt xuống đất.
Một tay Trần Bình An tùy ý đặt hồ lô nuôi kiếm xuống đất, tay kia thả lỏng ngón tay. Miếng than củi chỉ còn sót lại một chút lăn xuống đất. Hắn cứ ngửa mặt nằm ở bến thuyền như vậy.
- Nho gia đề xuất lòng trắc ẩn, Phật gia tôn sùng lòng dạ từ bi. Nhưng chúng ta ở thế giới này rất khó thực thi, càng đừng nhắc tới mỗi thời mỗi khắc đều làm được hai loại thuyết pháp trên. Ngược lại “tấm lòng son” mà Á Thánh từng nói, cùng với cái gọi là “trở về bản chất, khôi phục lúc trẻ thơ” của Đạo Tổ, dường như càng...
Trần Bình An cố gắng đứng lên, lui ra khỏi vòng tròn còn chưa bổ sung đầy đủ chữ than, nhìn chằm chằm vào vòng tròn lớn. Cuối cùng ánh mắt tập trung vào khu vực tâm vòng tròn, trên hai chữ “thiện” và “ác” mà ban đầu mình đã viết.
Trần Bình An lảo đảo vươn một tay ra, giống như muốn bắt lấy cả vòng tròn.
Hắn gần như không biết mình đang nói gì. Lúc này cảnh này, hình hài đều đã quên.
- Có phải ngay cả thiện ác đều không cần nói? Chỉ nói đến phân chia thần và người? Bản tính? Nếu không cái vòng tròn này vẫn rất khó đứng vững được.
- Chuyện này lại cần... nhấc lên trên? Chứ không phải cố chấp vào đạo lý trong sách, gò bó vào học vấn Nho gia, chỉ đơn thuần đi mở rộng cái vòng này? Mà là nhấc cao lên một chút?
- Nếu là như thế, vậy ta đã hiểu rồi. Không giống như suy nghĩ của ta lúc trước, không phải đạo lý trên thế gian đều có ngưỡng cửa, phân cao thấp. Mà là đi xung quanh cái vòng này, không ngừng quan sát, sẽ thấy tâm tính có phân biệt trái phải. Cũng không phải nói lòng người ở nơi khác nhau sẽ có phân chia cao thấp. Cho nên chuyện mà thánh nhân tam giáo cần làm, cái gọi là công lao khuyến thiện, đó là “dời núi dịch biển”, dẫn dắt lòng người ở các mảnh khác nhau đến khu vực mà bọn họ mong muốn.
- Nếu trước tiên không nhìn chỗ cao, không đi vòng trên đất bằng, chỉ mượn thứ tự đi ngược lại một bước để nhìn. Cũng không nói đến các loại bản tâm, chỉ nói đến gốc rễ của thế đạo chân thực. Học vấn Nho gia là đang mở rộng và củng cố khu vực “vật chất thực tế”. Còn Đạo gia là đang nhấc thế giới này lên trên, khiến loài người chúng ta có thể cao hơn tất cả vạn vật có linh tính khác.
Trần Bình An nhắm mắt lại, lấy một thẻ trúc ra, trên đó có khắc văn tự của một vị đại nho, mặc đầy tràn đầy ý tứ thê lương nhưng vẫn xúc động lòng người: “Chậu nước che đất, rau cải nổi trên nước, con kiến đứng trên hạt cải cho rằng là đường cùng. Sau chốc lát nước khô cạn, mới phát hiện con đường thông suốt, không nơi nào mà không đi được.”
Lúc trước hắn chỉ cảm thấy suy nghĩ này kỳ lạ nhưng có thể hiểu được, hôm nay xem ra, chỉ cần đi sâu nghiên cứu, lại ẩn chứa một số chân ý Đạo gia.
- Mưu cầu của Đạo gia, đó là không muốn thế nhân chúng ta có tâm tính thấp kém như sâu kiến. Nhất định phải đi lên cao nhìn xuống thế gian, phải khác với chim bay cá nhảy và hoa cỏ cây cối trên đời.
- Như vậy Phật gia thì sao...
Trần Bình An vươn hai tay ra, vẽ một vòng tròn:
- Phối hợp cái rộng của Nho gia và cái cao của Đạo gia, khiến mười phương thế giới hợp lại làm một, không có sai sót.
Cuối cùng hắn lẩm bẩm nói:
- Có phải xem như ta đã biết một chút về cái “nhất” kia rồi không?
“Phịch” một tiếng, Trần Bình An đã kiệt quệ sức lực và tinh thần, ngã về phía sau. Hắn nhắm mắt lại, mặt đầy nước mắt. Hắn đưa tay lau mặt, sau đó vươn một tay ra, khẽ giơ lên. Hai mắt của hắn đẫm lệ mơ màng, nhìn xuyên qua kẽ ngón tay, ngơ ngơ ngẩn ngẩn, giống như buồn ngủ mà chưa ngủ.
Tâm thần của hắn cực kỳ tiều tụy, nhưng sâu trong lòng lại tràn đầy sảng khoái, lẩm bẩm nói:
- Mây tan trời sáng ai điểm xuyết, màu trời sắc biển vẫn trong xanh.
Trần Bình An nhắm mắt lại, chậm rãi ngủ đi, khóe miệng hơi tươi cười, nhỏ giọng thì thầm:
- Hóa ra còn chưa đi phân biệt lòng người thiện ác, chỉ suy nghĩ chuyện này đã có thể cười rồi.
Lần đầu tiên tại hồ Thư Giản, Trần Bình An thoải mái nằm trên bến thuyền đã vẽ một vòng tròn lớn, chưa kịp lau đi chữ than, chìm vào giấc ngủ ngọt ngào ở đảo Thanh Hiệp.
Chẳng biết từ lúc nào, có một nam tử áo xanh dáng vẻ vẫn hào sảng không chịu gò bó, cùng với một cô nương áo xanh cột tóc đuôi ngựa càng ngày càng động lòng người, gần như đồng thời đi tới bến thuyền.
Hai người không nói lời nào, thậm chí ánh mắt cũng không giao nhau.
Người đọc sách kia không cầm bút hồi âm ở tổ sư đường núi Thái Bình, mà là tự mình đi đến châu khác. Hắn nhặt miếng than củi của Trần Bình An lên, ngồi ở mảnh bên trái phía dưới vòng tròn kia, muốn đặt bút nhưng lại do dự.
Hắn chẳng những không phiền muộn, ngược lại trong mắt đều là ý cười:
- Núi cao phía trước, chẳng lẽ muốn một quân tử thư viện năm xưa như ta phải đi đường vòng sao?
Nguyễn Tú thì đứng ở đầu cuối đường thẳng bên ngoài vòng tròn, ăn bánh ngọt mới mua ở thành Lục Đồng bên bờ hồ Thư Giản, nói hàm hồ không rõ:
- Còn thiếu một chút phân biệt thần và người, vẫn chưa nói rõ.
Người đọc sách cầm than củi, ngẩng đầu nhìn quanh, tấm tắc nói:
- Hay cho “sự tình đến lúc khó khăn thì phải dũng cảm đi làm”, hay cho “uống rượu thỏa thích, lòng dạ phóng khoáng, can đảm dâng trào”.
Nguyễn Tú cũng nói một câu:
- Lương tâm không ám muội, vạn pháp đều sáng ngời.
Lúc này nam tử áo xanh mới quay đầu nhìn Nguyễn Tú đang ăn bánh ngọt từng miếng nhỏ:
- Cô cũng đừng thừa dịp Trần Bình An ngủ say mà chiếm lợi của hắn. Có điều nếu cô nương nhất định muốn làm, Chung Khôi ta có thể xoay người, đây gọi là quân tử giúp người khác hoàn thành chuyện tốt.
Nguyễn Tú cũng nhìn về phía hắn, nghi hoặc nói:
- Ngươi tên là Chung Khôi? Con người... con quỷ ngươi khá kỳ lạ, ta không nhìn rõ được ngươi.
Chung Khôi đưa tay vòng qua vai, chỉ vào tiên sinh sổ sách tiếng ngáy như sấm kia:
- Gã này lại hiểu ta, cho nên ta tới đây.
Chung Khôi nhìn hồ Thư Giản hoàn toàn khác biệt trong mắt hắn và thế nhân, nhỏ giọng nói:
- Thế gian há có thể chỉ mình Chung Khôi ta là quân tử. Vậy thì thế đạo phải là một hố phân lớn đến đâu?
Sắc mặt Nguyễn Tú hờ hững:
- Ta biết ngươi muốn giúp hắn, nhưng ta khuyên ngươi không nên ở lại giúp hắn, sẽ càng phiền phức hơn.
Chung Khôi hỏi:
- Thật vậy?
Nguyễn Tú hỏi ngược lại:
- Ngươi tin ta sao?
Chung Khôi gật đầu.
Nguyễn Tú ăn bánh ngọt xong, phủi tay rời đi.
Chung Khôi ngẫm nghĩ, nhẹ nhàng đặt miếng than củi kia về chỗ cũ, sau đó đứng dậy. Hắn viết giữa không trung hồ Thư Giản, chỉ tám chữ mà thôi, sau đó cũng rời đi, trở về Đồng Diệp châu.
Người đọc sách Chung Khôi đã không còn là quân tử thư viện, cao hứng mà đến, vui vẻ mà về.
Tám chữ hắn lưu lại là: “Mọi chuyện đều hợp, không gì kiêng kỵ.”