Lưu Tiện Dương nhanh chóng vác một cái sọt chạy về, thấy Trần Bình An đang ở bên giếng nước quan sát cảnh đào giếng chuyển đất. Hắn đá vào mông Trần Bình An một cái, khiến cho thiếu niên giày cỏ thiếu chút nữa đã ngã sấp mặt.
Trần Bình An quay đầu lại, thấy đó là thiếu niên cao lớn thì cũng không để bụng. Lưu Tiện Dương thản nhiên nói:
- Thành công rồi. Nguyễn sư phụ bảo ta thời gian tới ngoan ngoãn ở bên này đừng chạy lung tung, ban ngày đào giếng, ban đêm rèn sắt, sau mười lăm ngày ta xem như là đồ đệ thứ nhất của ông ấy ở trấn nhỏ, gọi là đệ tử khai sơn gì đó. Ta kiếm một cái sọt tới đây cho ngươi, giúp ngươi đi mò đá, bắt đầu mò từ chỗ tiệm rèn bên này đến cầu mái che bên kia. Trước đó phải nói rõ, hố nước ở chỗ “lưng trâu xanh” thì ta không giúp ngươi được. Nguyễn sư phụ nói với ta, những ngày tới nếu dám vượt qua phía bắc và phía tây cầu mái che nửa bước, ông ấy sẽ đánh gãy chân ta.
Lưu Tiện Dương đưa tay ôm chầm lấy cổ thiếu niên giày cỏ, nói khe khẽ:
- Nguyễn sư phụ nói trấn nhỏ sẽ không bị mất đồ, còn nói những người xứ khác kia tuân theo một quy củ rất kỳ lạ, có thể làm thương nhân mua bán công bình, cũng có thể làm kẻ bịp bợm hãm hại lừa gạt, thậm chí có thể làm ăn mày đi nhặt đồng nát, nhưng sẽ không làm kẻ cắp lén lút vụng trộm. Ông ấy còn bảo ở nơi này ông trời sẽ không ngủ gật, cũng không nhắm mắt, luôn nhìn chằm chằm vào chúng ta. Ngươi nói xem có đáng sợ không, dù sao thì ta cũng sợ đến phát hoảng rồi.
Lưu Tiện Dương đột nhiên dọa dẫm:
- Họ Trần kia, ngươi có thể tiếp tục ở nhà ta, nhưng khi trở về đừng để ta thấy ngươi đã bán mất bộ bảo giáp nhà ta rồi!
Trần Bình An đấm vào ngực Lưu Tiện Dương một cái, khiến cho thiếu niên cao lớn vội vàng buông tay, xoa xoa mấy cái mới lấy hơi lại được, lập tức mắng:
- Con khỉ lông ngắn gầy như que củi, lấy đâu ra sức lực lớn như vậy! Chẳng lẽ thường theo lão Diêu đi trăm dặm đường núi, hoặc là đốn củi đốt than trong núi sâu mấy tháng, chính là mấu chốt để gia tăng khí lực?
Trần Bình An cười nói:
- Dù sao ta vác một sọt đá vẫn có thể chạy về trấn nhỏ trước ngươi.
Lưu Tiện Dương liếc mắt nói:
- Vậy hai chúng ta so xem ai nín thở dưới đáy nước lâu hơn?
Gần tới bên khe suối, Trần Bình An khom lưng xắn ống quần lên, thuận miệng nói:
- Cái việc so hơi dài thế này, ta sẽ không làm.
Trước khi xuống nước, Trần Bình An nhổ rất nhiều cỏ xuân bên khe suối lót vào trong sọt, còn lải nhải nói sau khi nhặt hai mươi viên đá phải lót thêm một ít cỏ, khiến Lưu Tiện Dương phiền đến mức muốn ném cái sọt sau lưng cho Trần Bình An. Nhưng Trần Bình An lại không đồng ý, nói rằng nếu đổi thành mình vác sọt, dựa theo tính tình bộp chộp của Lưu Tiện Dương nhất định sẽ ném thẳng đá vào sọt, như vậy sẽ khiến mình đau lòng.
Lưu Tiện Dương thiếu chút nữa muốn quẳng gánh tại chỗ. Trăm ngàn năm qua những viên đá xanh xanh đỏ đỏ này vốn không đáng một xu, sao đến chỗ Trần Bình An ngươi lại thành quý giá mỏng manh như vậy? Còn dám chê thủ pháp của Lưu đại gia không nhẹ nhàng?
Nhưng đến cuối cùng thiếu niên cao lớn vẫn bất đắc dĩ xuống nước mò đá. Trần Bình An và hắn một trái một phải, dự định càn quét toàn bộ suối nhỏ một lần. Bên này nước suối hầu hết chỉ cao ngang đầu gối, một số chỗ hơi cao mới tới ngang hông, thỉnh thoảng cũng có hố nước nhỏ cao ngang người, phần nhiều là nơi có đá lớn tập trung. Những chỗ này chính là nơi Lưu Tiện Dương thi thố tài năng, trước tiên lấy cái sọt xuống đưa cho thiếu niên giày cỏ ngồi xổm trên tảng đá lớn, còn hắn thì lặn một hơi đến đáy nước, móc đá mật rắn từ trong khe hở của đá lớn kềnh càng, thậm chí là trong đống đá tầng tầng lớp lớp.
Đương nhiên Trần Bình An cũng làm được, nhưng sẽ rất vất vả, tốn giờ tốn sức hơn Lưu Tiện Dương rất nhiều.
Còn chưa mò đến cầu mái che thì cái sọt đã đầy bảy tám phần, trong đó có một viên đá mật rắn màu xanh sẫm, Lưu Tiện Dương phải mò ba lần dưới đáy một hố nước sâu mới lấy ra được. Nó lớn bằng bàn tay, xen lẫn những chấm nhỏ màu vàng, có đường vân như gợn nước, chất đá chắc mịn, cầm trên tay rất nặng. Khi Trần Bình An dùng tay vuốt nhẹ thì cảm giác như có những tia sáng nhỏ lấp lánh bắn ra.
Chỉ cần không phải người mù đều biết viên đá kia không bình thường.
Cuối cùng hai thiếu niên kề vai ngồi trên một tảng đá lớn trong khe suối. Hai tay Lưu Tiện Dương chống lên mặt đá, nhìn nước suối chảy từ từ, hỏi:
- Trần Bình An, sau này ngươi có nghĩ đến chuyện rời khỏi trấn nhỏ không?
Trần Bình An trả lời:
- Tạm thời không nghĩ đến, dù sao muốn đi xa cũng phải có tiền chứ. Vả lại đi rồi thì nhà cửa phải làm sao, cũng không có ai dọn dẹp giúp, ngộ nhỡ có ngày bị sụp thì phải xử lý thế nào? Hơn nữa mộ của cha mẹ ta bên đó cũng cần thường xuyên đến nhổ cỏ dại.
Lưu Tiện Dương bất đắc dĩ nói:
- Sao ngươi cứ luôn nghĩ một đống chuyện vô dụng như vậy, đúng là chán ngắt. Chẳng trách Tống Tập Tân nói số mệnh của ngươi chỉ quanh quẩn một chỗ, vòng tới vòng lui ở nơi lớn bằng cái rắm, cả đời cũng không đi ra được.
Trần Bình An quay đầu cười hỏi:
- Ngươi còn nhớ chuyện lần trước mà ta nói với ngươi không, chính là cái cây đó.
Lưu Tiện Dương bực bội nói:
- Nơi mộ mọc một cái cây cũng đáng ngạc nhiên sao? Hơn nữa đó chỉ là mộ lão tổ tông của một nhánh họ Trần khác, chẳng dính dáng nửa đồng tiến đến Trần Bình An ngươi!
Trần Bình An ngồi xếp bằng, nhẹ giọng cảm khái:
- Không biết ngoài trấn nhỏ có nhiều người họ Trần không.
Lưu Tiện Dương chặn họng nói:
- Ngoài trấn nhỏ thì ta không biết, nhưng trong trấn nhỏ thì ta biết họ Trần chỉ có dăm ba người. Hơn nữa trừ ngươi ra thì hình như bọn họ đều sống trong nhà bốn họ mười tộc, các đời đều làm đầy tớ. Buồn cười là những người này ở trong nhà làm trâu làm ngựa, cúi đầu khom lưng, nhưng chỉ cần ra khỏi những ngôi nhà lớn kia, nhìn thấy mọi người thì lập tức đổi mặt, rất thích kiêu căng tự đại xem thường người khác. Cho nên lão Diêu nói đúng, nếu một ngày nào đó Trần Bình An ngươi cũng đi làm tôi tớ cho bọn họ, vậy nhánh họ Trần không chuyển ra ngoài trấn nhỏ các ngươi xem như toàn quân bị diệt rồi.
Theo như cách nói của lão Diêu, người họ Trần ở trong trấn nhỏ sớm nhất có hai nhánh, nhưng một nhánh trong đó đã chuyển đi từ lâu. Nhánh của Trần Bình An trước kia cũng từng hưng thịnh, có điều cái “trước kia” này thật sự quá lâu rồi, ngay cả lão Diêu cũng không biết rõ là mấy trăm năm. Năm trăm năm, tám trăm năm? Hay là một ngàn năm? Sau đó lại chia làm mấy nhánh, nhân khẩu càng ngày càng thưa thớt, vận may có lẽ đều bị nhánh dời ra ngoài kia mang đi rồi. Hương khói thường đứt đoạn, đến nỗi rất nhiều ngôi mộ dần dần không ai trông coi, cộng thêm hầu hết ngọn núi nơi lập mộ lần lượt bị quan giám sát triều đình phái tới hạ lệnh niêm phong.
Lần cuối cùng lão Diêu dẫn Trần Bình An vào núi, khi đi qua một ngọn núi trong đó, ông ấy chỉ vào một nơi bảo hắn nhìn, nói đó là nơi an táng lão tổ tông của một nhánh họ Trần khác, phần mộ nằm trên ngọn núi kia, phong thủy rất tốt. Còn về nhánh của Trần Bình An, lão Diêu nói thần tiên cũng không tìm được nữa. Mấy trăm năm qua con cháu của nhánh họ Trần này đều không nổi bật, chỉ là một số người sa cơ thất thế, ngoại trừ gắng gượng không làm nô làm tỳ cho bốn họ mười tộc thì không còn gì khác.
Có lần Trần Bình An lén đi tìm ngôi mộ lão tổ họ Trần kia, kết quả khi đến nơi chỉ thấy cỏ dại, còn thấy rất nhiều thỏ cáo, nhưng lại không thấy ngôi mộ nào. Trong đó có một cái cây mà thiếu niên giày cỏ không nhận ra, cây cũng không cao, thấp hơn rất nhiều so với cây hòe già trong trấn.
Cỏ dại thành bụi, thỏ cáo ẩn hiện, lẻ loi hiu quạnh, chỉ một cây cao.
Trần Bình An lắc đầu nói:
- Trước khi mẹ ta qua đời đã bảo ta lập lời thề, có thể làm ăn mày, nhưng cho dù đói chết cũng không đươc làm tôi tớ cho những thế gia vọng tộc kia.
Lưu Tiện Dương buột miệng nói:
- Vậy chẳng phải trước khi mẹ ngươi mất còn muốn ngươi thề, nhất định không được đến lò gốm làm học đồ?
Sắc mặt thiếu niên giày cỏ ảm đạm, không phản bác, cũng không thẹn quá hóa giận sau khi bị vạch trần.
Lưu Tiện Dương hơi áy náy, nhưng hắn không phải loại người làm sai rồi nói hai chữ “xin lỗi”, đành phải giả vờ như không có chuyện gì, đứng lên nói:
- Đi thôi, đi thôi, đi đào giếng. Đúng rồi, ta sẽ năn nỉ Nguyễn sư phụ, cố gắng để ngươi tới bên này làm học đồ ngắn hạn, đến lúc đó muốn mò đá cũng dễ dàng hơn.
Trần Bình An nói:
- Không vội, chờ hai nhóm người kia hết hi vọng rời khỏi trấn nhỏ rồi tính sau, trong thời gian này ta sẽ giúp ngươi coi nhà.
Lưu Tiện Dương tò mò hỏi:
- Ngươi nói xem, vì sao ta bái sư học nghệ với Nguyễn sư phụ sẽ có thể tránh được một kiếp?
Trần Bình An ngẫm nghĩ, không xác định nói:
- Giống như trời đột nhiên mưa, dù sao ngươi cũng phải tìm một mái hiên để tránh mưa đúng không?
Lưu Tiện Dương quay đầu nhìn về phía lò kiếm tiệm rèn:
- Ngươi nói xem Nguyễn sư phụ rốt cuộc là ai, nhìn không giống người lợi hại lắm, có thể áp chế được hai nhóm người kia sao?
Trần Bình An an ủi:
- Nhìn người không thể nhìn bề ngoài.
Lưu Tiện Dương quay đầu nói:
- Trần Bình An ngươi nhìn giống như người nghèo, vậy ngươi không phải là người nghèo sao?
Trần Bình An nhếch nhếch miệng, không biết phải nói gì.
Lưu Tiện Dương đứng lên hỏi:
- Có cần ta giúp ngươi vác đến chỗ cầu mái che không?
Trần Bình An lắc đầu nói:
- Không cần, cũng không nặng.
- Lần sau nhớ trả cái sọt cho ta.
Sau khi Lưu Tiện Dương nói xong câu này liền nhảy thẳng xuống tảng đá lớn, bước nhanh tới trước trong nước suối, làm bắn lên vô số bọt nước.
Trần Bình An vác cái sọt lên, cẩn thận bước xuống tảng đá lớn, sau khi lên bờ liền chậm rãi đi về hướng cầu mái che.
Trần Bình An đi được một đoạn đường, bỗng nghe sau người vang lên tiếng bước chân. Hắn quay đầu nhìn lại, trông thấy đó là Lưu Tiện Dương.
Dưới ánh mặt trời ấm áp đầu xuân, thiếu niên cao lớn đoạt lấy cái sọt của thiếu niên giày cỏ, tự mình vác lên, quay đầu châm chọc:
- Từ xa nhìn ngươi vác cái sọt giống như châu chấu nhỏ vác đá lớn vậy, đúng là đáng thương, cho nên ta nổi lòng nhân từ, giúp ngươi vác đến chỗ cầu mái che rồi tính sau.
Hai thiếu niên cùng đi trong gió xuân.
- Họ Trần, sau này nếu ta học nghệ có thành tựu nhất định phải ra ngoài xem thử, cưới vợ còn còn đẹp hơn Trĩ Khuê, uống rượu ngon đắt tiền nhất, ở ngôi nhà lớn nhất, còn phải cưỡi ngựa nhanh nhất!
- Ta muốn đi xem núi cao như trời, đi xem vô số sông ngòi lớn hơn khe suối nhỏ của chúng ta.
- Tóm lại đời này Lưu Tiện Dương ta chắc chắn sẽ không ở yên một chỗ chờ chết.
Trong gió xuân, thiếu niên cao lớn mơ về tương lai, thiếu niên giày cỏ nhâm nhi rễ cỏ, một người nói còn một người nghe.
---------
Trần Bình An vác sọt đá về nhà Lưu Tiện Dương, vẫn như cũ lựa ra mấy viên đá yêu thích nhất, cầm đến phòng bên hông nhà, còn lại vẫn để ở chỗ nhà bếp. Sau khi khóa kỹ cửa nhà và cửa viện, hắn chạy về phía ngõ Nê Bình. Đến nhà mình thấy thiếu nữ áo đen đang ngồi trong sân phơi nắng, Trần Bình An chào hỏi rồi bắt đầu sắc thuốc.
Nhà bên cạnh liên tục vang lên tiếng bổ chẻ, chuyện này rất kỳ quái. Tống Tập Tân tuy trải qua những ngày tháng không cha không mẹ trong mắt người ngoài, nhưng nhiều năm như vậy vẫn không lo cơm áo, thậm chí trong tay luôn rất dư dả. Không dám nói là sống thoải mái như thiếu gia trong nhà bốn họ, nhưng quả thật không kém hơn con cháu dòng chính mười tộc. Bút mực giấy nghiên, đồ vật tao nhã, trang trí phòng sách, rất nhiều thứ xa xỉ mà Trần Bình An chưa từng thấy cũng chưa từng nghe đến, thỉnh thoảng lại chạy vào trong nhà Tống Tập Tân.
Thực ra trước giờ chỗ Tống Tập Tân cũng không có công việc dơ bẩn và nặng nhọc nào. Chẳng hạn như muối rau quá hôi, Tống Tập Tân không cho tỳ nữ Trĩ Khuê làm; chẻ củi quá mệt, hàng năm Tống Tập Tân đều mua một mớ củi và rơm rạ dùng để nhóm lửa, cùng với than củi loại tốt nhất.
Khi Trần Bình An bưng nước thuốc lên cho thiếu nữ áo đen, nhà bên cạnh vẫn còn tiếng chẻ củi đứt quãng. Lúc Ninh cô nương uống thuốc, Trần Bình An không nhịn được đi tới bên cạnh tường viện, nhún chân nhìn qua. Hắn phát hiện Trĩ Khuê đang cầm dao làm bếp chém giết “một người”, đó là một tượng gỗ.
Trần Bình An làm gốm nhiều năm đã nhìn thấy không ít đồ tốt, cây cối từng chặt càng nhiều vô số kể, cho nên vừa nhìn đại khái đã biết nông sâu. Tượng gỗ kia màu sắc như ngọc, nhất định là thứ rất cũ, hơn nữa trên người tượng gỗ trải đầy điểm đỏ điểm đen dày đặc. Tượng gỗ bị Trĩ Khuê liên tục bổ chẻ đã biến thành rất nhiều mảnh.
Thiếu nữ đột nhiên quay đầu, phát hiện ra Trần Bình An. Mặt cô đầy mồ hôi và vết bẩn, giơ cánh tay lên lau mặt, gượng cười nói:
- Ngươi về rồi à. Lúc trước ta muốn mượn ngươi con dao chẻ củi, nhưng vị khách bên nhà ngươi không muốn mở cửa cho ta.
Trần Bình An sững sốt một thoáng:
- Ta sẽ lấy dao chẻ củi cho cô ngay. Ban đầu đừng dùng sức quá nhiều, dao chẻ củi không giống như dao làm bếp, dễ bị trượt hơn, đừng làm chính mình bị thương.
Thiếu nữ ngồi trên ghế dài nhỏ, sức cùng lực kiệt, phất tay nói:
- Biết rồi, mau đi lấy đi.
Khi Trần Bình An cầm dao chẻ củi quay lại, thiếu nữ đã đứng bên kia tường viện, cười hỏi:
- Ngươi biết đó là thứ gì không?
Trần Bình An lắc đầu nói:
- Không biết.
Trĩ Khuê cũng không nói ra đáp án, xoay người tiếp tục ngồi trên ghế dài nhỏ, cố sức bổ chẻ.
Những động tác trúc trắc không quen tay của cô, cùng với đủ loại tư thế sai lầm tốn sức nhưng không thu hoạch được nhiều, khiến Trần Bình An nhìn đến sốt ruột. Có điều người ta đã không yêu cầu giúp đỡ, Trần Bình An cũng không tự đề cao mình. Hắn quay đầu nhìn lại, phát hiện Ninh cô nương đã không còn ở trong sân. Trần Bình An nhớ tới một chuyện, liền bước nhanh vào nhà, đặt một đồ vật lên bàn đối diện với thiếu nữ áo đen.
Đó là một viên đá mật rắn, vừa khéo có thể cầm trong lòng bàn tay, giống như một khối mật ong đông lại, hoa văn tinh tế, màu sắc chỉnh tề.
Ninh Diêu cảm thấy khó hiểu.
Trần Bình An cười nói:
- Ninh cô nương, tặng cho cô.
Thiếu nữ áo đen đao không rời người đột nhiên hỏi:
- Ngươi thích viên này nhất?
Trần Bình An hơi xấu hổ:
- Viên này... có lẽ là xếp thứ tư, ba viên tốt nhất tôi đã cất rồi.
Lúc này nàng mới nhận lấy viên đá kia, dùng hai ngón tay kẹp lấy giơ quá đỉnh đầu. Ánh sáng xuyên qua cửa sổ vào phòng chiếu rọi lên viên đá.
Nàng ngẩng đầu lên, nheo mắt lại, cẩn thận quan sát những đường vân huyền diệu của viên đá.
Nàng nhìn đá.
Thiếu niên nhìn nàng.
---------
Trong đêm khuya, một thiếu niên lén lút chui vào ngõ Nê Bình giống như mèo hoang đi đêm, im hơi lặng tiếng, nhẹ nhàng đi đến nhà Cố Xán. Hắn tìm được lu nước lớn đặt ở trong góc sân, ngồi xổm xuống, phát hiện đá mật rắn vốn được xếp chỉnh tề đã bị người khác lục lọi lung tung, giống như người này còn biết giá trị của đá sớm hơn Trần Bình An.
Cố Xán là một quái thai duy nhất trong trấn nhỏ thích thu gom đá mật rắn, hơn nữa bất kể tìm được bao nhiêu trong khe suối nhỏ, mỗi lần chỉ lấy một viên về nhà. Đứa trẻ chỉ chọn viên đá vừa mắt nhất, góp nhặt từng ngày mới được năm sáu chục viên, dùng để che khe hở dưới đáy lu nước.
Sau khi Trần Bình An di chuyển rất nhiều đá mật rắn đã phai màu, thấy dưới đáy lu nước không có dấu vết đào bới, lúc này mới thở phào nhẹ nhõm.
Hắn bắt đầu dùng tay phải đào đất từng chút từng chút, cuối cùng khi đụng phải giấy dầu thì giật mình, tốc độ chậm lại.
Cuối cùng hắn lấy ra đồ vật được bọc trong giấy dầu, xem ra hình như là một quyển sách.
Sau khi giấu vào người, Trần Bình An lấp đất trở lại. Hắn nhìn kỹ những viên đá mật rắn còn sót lại kia, thấy chúng đều đã “chết”, dù là màu sắc, hoa văn hay trọng lượng, đều hoàn toàn khác với những viên đá mà Trần Bình An hai lần nhặt từ trong khe suối nhỏ. Những viên đá trước mắt giống như cụ già trầm lặng, còn những viên mà Trần Bình An vớt lên lại giống như trẻ con mới sinh, tinh thần phấn chấn.
Trần Bình An ngẫm nghĩ, dự định rời khỏi ngõ Nê Bình từ hướng nhà mình.
Lúc hắn đi ngang qua nhà Tống Tập Tân lại nghe một tiếng “két”, cửa nhà mở ra. Trần Bình An đành phải giả vờ đi gõ cửa nhà mình, kêu lên:
- Ninh cô nương, đã ngủ chưa, tôi trở lại lấy ít đồ.
Ánh đèn trong nhà nhanh chóng sáng lên, thiếu nữ áo đen mở cửa viện cho Trần Bình An.
Tại cách vách, tỳ nữ Trĩ Khuê chậm rãi đi ra khỏi nhà. Sau khi bước ra ngoài sân, cô nhìn thấy bóng dáng lờ mờ của Trần Bình An bên kia, trong ngực ôm một quyển sách phần đầu màu vàng. Cô gật gù đắc ý, miệng tấm tắc, giống như vừa khéo bắt được một đôi cẩu nam nữ.
Cô đi một mình trong ngõ Nê Bình, hoạt bát tung tăng.
Trong màn đêm ngõ nhỏ, con ngươi kép màu vàng ánh của cô tỏ ra rất lạnh giá và thần thánh.
Khiến cho thiếu nữ mảnh khảnh thướt tha giống như một con giao long lang thang trong khe đá chật hẹp, dường như chỉ cần rời khỏi ngõ nhỏ sẽ đến sông lớn hóa rồng.
---------
Mặc dù Ninh Diêu để Trần Bình An vào sân, thậm chí là vào nhà, nhưng sắc mặt của nàng rất khó coi, ngồi bên cạnh bàn, một cánh tay tựa lên vỏ đao, ngón tay gõ nhẹ ào chuôi đao.
Trần Bình An xác định Trĩ Khuê đã đi vào ngõ nhỏ, lúc này mới lúng túng giải thích:
- Ta đến nhà Cố Xán lấy đồ, kết quả vừa lúc cô ấy lại muốn ra cửa, cho nên ta đành phải tới đây tránh né, Ninh cô nương nhất định đừng suy nghĩ nhiều.
Nàng hỏi:
- Đồ gì?
Trần Bình An do dự một thoáng, lấy gói giấy dầu kia ra:
- Hiện giờ ta cũng không biết.
Nàng xoay người nói:
- Ngươi tự mở ra xem thử trước, sau đó hãy quyết định có cho ta biết hay không.
Trần Bình An gật đầu ngồi bên kìa bàn đối diện với nàng, mở từng lớp giấy dầu ra, liên tục có vụn đất rơi xuống mặt bàn, cuối cùng lộ ra một quyển sách cổ.
Bìa mặt sách cổ có hai chữ, Trần Bình An chỉ nhận ra một chữ trong đó, “Sơn”.
Hắn đặt sách cổ lên mặt bàn, quay ngược đẩy về phía thiếu nữ áo đen, tò mò hỏi:
- Ninh cô nương, chữ này đọc là gì?
Thiếu nữ xoay người, cúi đầu liếc nhìn, nói:
- Hám.
Tên sách là “Hám Sơn” (lay núi).