Trước giờ Đông Bảo Bình Châu thích dùng thư viện Quan Hồ để phân chia nam bắc, phương bắc nhiều mọi rợ, phương nam toàn trí thức.
Người phương nam xem thường người phương bắc là chuyện hiển nhiên. Cho dù là văn hào Đại Tùy ở phương bắc, đối diện với danh sĩ nước Nam Giản cũng phải tự nhận thấp hơn một cái đầu. Vì vậy thế gia vọng tộc phương nam xem việc lấy chồng phương bắc là sỉ nhục.
Gần đến cuối năm, tại một buổi chợ huyên náo ở phương nam, có một nhà sư trung niên chân trần cầm bát chậm rãi bước đi, vẻ mặt chính trực cương nghị. Có nghệ nhân ca hát tạp kỹ thi triển hết tài năng, nhận được nhiều tiếng hoan hô. Nhà sư nhìn thấy một con khỉ nhỏ bị cột vào cọc gỗ, thân hình gầy đét khiến cho mắt có vẻ rất lớn.
Nhà sư ngồi xuống, lấy ra nửa miếng bánh khô cứng, bẻ một mảnh nhỏ đặt vào lòng bàn tay, đưa cho con khỉ nhỏ gầy nhom.
Con khỉ nhỏ lại bị việc thiện này của nhà sư làm sợ hãi, thất kinh chạy trốn về phía sau, xích sắt trong nháy mắt bị kéo căng khiến nó giật ngược lại. Con khỉ nhỏ cả người đầy vết roi lập tức ngã xuống, thân thể cuộn tròn, nhỏ giọng rên rỉ.
Nhà sư nhẹ nhàng đặt bánh vụn ở gần cọc gỗ, lại bẻ phân nửa số bánh còn lại, thả rải rác dưới đất. Sau đó ông ta lại bỏ bát sắt xuống, đứng dậy lui về phía sau. Cuối cùng ông ta khoanh chân ngồi cách cọc gỗ ba bốn bước, bắt đầu nhắm mắt, môi khẽ mấp máy đọc thầm kinh văn giới luật.
Đi cũng tu hành, ngồi cũng tu hành, vạn dặm xa xôi, vẫn luôn khổ hạnh.
Con khỉ nhỏ quả thật đã đói rất thảm. Sau khi nhà sư ngồi xuống, nó rụt rè nhìn ông ta một lúc, cuối cùng lấy can đảm chụp một miếng bánh vụn, lui về vị trí cũ cúi đầu gặm hết. Thấy nhà sư vẫn thờ ơ, nó lại càng lớn gan, lén ăn thêm một miếng. Nhiều lần như vậy, nó vô tình phát hiện trong bát sắt còn một chút nước, bèn đi tới uống một ngụm. Thời tiết rét đậm, nước trong bát lại hơi ấm khiến con khỉ nhỏ cảm thấy dễ chịu, cũng không sợ nhà sư kia nữa, cặp mắt to đờ đẫn nhìn ông ta, vẻ mặt khó hiểu.
Nhà sư đọc xong một đoạn kinh văn, mở mắt đứng dậy. Con khỉ nhỏ lại né tránh.
Ông ta chỉ khom lưng cầm bát sắt lên, lập tức rời đi.
Con khỉ nhỏ vịn cọc gỗ, nhìn theo bóng lưng nhà sư nhanh chóng biến mất trong biển người chen chúc.
Lần đầu tiên nó khẽ nấc một cái, đưa tay gãi gãi hai má gầy gò không còn thịt, chớp chớp cặp mắt to.
Nhà sư chân trần cúi đầu đi trong biển người, bị người khác đụng trúng vai cũng không ngẩng đầu lên, ngược lại tay phải đặt trước ngực hành lễ, khẽ gật đầu rồi tiếp tục đi tới.
Trong chợ có một ông lão điên điên khùng khùng, râu tóc rối bời, lôi thôi lếch thếch, áo quần tả tơi. Chỉ cần gặp được trẻ con, bất kể trưởng bối của chúng là giàu sang hay nghèo khó, lão đều đi qua hỏi thăm một vấn đề giống nhau:
- Đứa trẻ nhà ngươi đã đặt tên chưa?
Phần lớn dân chúng đều không lấy làm lạ với chuyện này, hầu hết đều dắt trẻ con nhanh chóng rời đi, cũng có người cười mắng mấy câu. Một số đàn ông trai tráng tính tình nóng nảy thì còn xô đẩy lão điên mấy cái.
Một số thanh niên du đãng hiểu rõ ông lão thì đứng ra chặn lại, một người trong đó cười xấu xa hỏi:
- Đứa trẻ nhà ta còn chưa đặt tên, ngươi muốn thế nào?
Ông lão lập tức mặt mày hớn hở, cao hứng đến khoa tay múa chân, nói:
- Để ta đặt, để ta đặt, lần này ta nhất định sẽ đặt một cái tên rất hay...
- Đặt ông nội ngươi!
Ông lão bị thanh niên kia đá vào bụng một cái, ngã ngửa về phía sau, ôm bụng lăn lộn dưới đất.
Nhà sư cầm bát ngồi xuống, dìu ông lão đứng dậy. Đám du đãng kia thì cười lớn rời đi.
Sau khi ông lão được đỡ dậy, lại đưa tay nắm chặt cánh tay nhà sư, vẫn hỏi đối phương vấn đề rất bất kính kia:
- Đứa trẻ nhà ngươi đã đặt tên chưa?
Nhà sư cầm bát nhìn ông lão ngớ ngẩn, lắc đầu, phủi bụi đất giúp ông ta, sau đó tiếp tục đi tới.
Ông lão vẫn tự mình chuốc khổ trong chợ, chịu vô số sự xem thường và chửi rủa.
Trời chiều ngả về phía tây, nhà sư cầm bát xin ăn, sau khi vào bảy nhà thì không hóa duyên nữa. Trong bát sắt chỉ có một chút thức ăn, muốn cho một người ăn no cũng khó. Ông ta vào thành từ phía bắc, lại rời thành từ phía nam, trên đường người qua lại như dệt cửi. Ông ta cúi đầu bước đi, gặp phải côn trùng nhỏ lại nhặt lên, để xuống bên đường nơi không người. Cuối cùng nhìn thấy một ngôi miếu cổ bỏ hoang đã lâu, nhà sư ở ngoài cửa dùng một tay hành lễ, sau đó chậm rãi đi vào.
Nhà sư đứng dưới mái hiên bên ngoài đại điện, ăn thức ăn trong bát, sau đó ngồi xếp bằng tiếp tục tu hành.
Trong chiều hôm, ông lão loạng choạng trở về, cũng không thèm nhìn nhà sư, chạy thẳng tới đại điện, ngả người xuống một đống cỏ tranh, kéo một tấm đệm chăn đơn bạc cực kỳ rách rưới, cố gắng che kín tay chân, phì phò ngủ say.
Một đêm không có chuyện gì. Đến giữa trưa ông lão mới tỉnh dậy, sau đó lập tức rời khỏi ngôi miếu đổ nát, đi đến nơi đông người trong thành, giống như không nhìn thấy nhà sư cầm bát. Lúc đầu cũng có người suy đoán, lão điên liệu có phải là một kỳ nhân tính tình quái gở hay không. Sau đó mới phát hiện lão vốn chỉ là một kẻ rác rưởi, đánh không đánh trả, mắng không cãi lại, hơn nữa đánh đau thì sẽ la khóc, đánh nặng thì sẽ chảy máu. Cuối cùng chỉ có mấy tay du thủ du thực mới thích dùng lão làm trò vui.
Ông lão đã ở trong ngôi miếu đổ nát hoang phế này rất nhiều năm. Nửa năm kế tiếp, ngày lại một ngày, nhà sư cũng ở tạm nơi đây, thỉnh thoảng sẽ cùng ông lão vào trong thành, cầm bát hóa duyên, thỉnh thoảng lại theo ông lão ra khỏi thành, trở về chỗ ở.
Hai người vẫn luôn không nói với nhau tiếng nào, thậm chí ngay cả ánh mắt cũng rất ít khi nhìn nhau. Mỗi lần ông lão nhìn thấy nhà sư đều ngỡ ngàng, không nhớ được cái gì.
Một đêm này mưa to trút xuống, sấm chớp đùng đùng.
Trong mưa to gió lớn như vậy, có lẽ ngay cả tiếng hò hét gần trong gang tấc cũng không nghe rõ được.
Ông lão co mình trên đống cỏ tranh, mỗi lần tiếng sấm vang lên đều sợ hãi run rẩy. Trong lúc ngủ say không biết nhớ tới chuyện gì thương tâm, hay là gặp phải ác mộng, hai tay ông ta nắm lại, thân thể căng thẳng, không ngừng thì thầm lặp lại:
- Là ông nội đặt tên không tốt, là ông nội đã hại cháu, là ông nội đã hại cháu.
Gương mặt khô héo già nua từ lâu đã không còn nước mắt để chảy, nhưng vẫn giống như xé nát ruột gan.
Mặc dù nước mưa vẫn dày đặc, thanh thế kinh người, nhưng theo tiếng sấm dồn dập trở nên đứt quãng, tiếng lẩm bẩm của ông lão cũng từ từ ngừng lại. Có điều ngay khi ông lão hoàn toàn chìm vào ngủ say, nhà sư lại cong ngón tay gõ nhẹ một cái.
“Cong!”
Như tiếng mõ vang khắp miếu cổ, lại như tiếng sấm mùa xuân vang dưới mái hiên.
Ông lão giật mình một cái, đột nhiên ngồi dậy, nhìn ra xung quanh. Đầu tiên là ngỡ ngàng, sau đó thư thái, cuối cùng lại đau khổ, đứng dậy đi ra ngoài đại điện. Ông lão thấp bé áo quần rách rưới bước đi với khí thế hùng hồn, giống như hổ xuống núi, rồng qua sông, có điều thân thể vẫn cực kỳ yếu ớt, chỉ là hổ chết không ngã mà thôi.
Ông ta đi ra ngoài miếu, ngẩng đầu nhìn lên, thật lâu không nói gì, cuối cùng chỉ còn lại thất vọng.
Nhà sư nhẹ giọng nói:
- Hữu tình đều khổ.
Ông lão cũng không thèm nhìn nhà sư, cười nhạo nói:
- Khổ cái gì mà khổ, ông đây tình nguyện! Làm tiên nhân tuyệt tình không ham muốn thì sao có thể tiêu dao? Trường sinh chó má, từng kẻ ngồi tít trên cao, chỉ nhớ đến tiên mà quên mất người... Ha ha, dân chúng làm người quên gốc thì sẽ bị trời đánh, còn thần tiên quên gốc mới xem là thần tiên thật sự. Buồn cười, thật buồn cười...
Nhà sư lại nói:
- Chúng sinh đều khổ.
Ông lão trầm mặc, khoanh chân ngồi xuống, hai tay nắm chặt chống lên đầu gối, tự giễu nói:
- Giống như đã cách một đời.
Lúc tảng sáng, ông lão chẳng biết thiếp đi từ lúc nào đột nhiên thức tỉnh, ánh mắt lại đục ngầu, sau đó tiếp tục một ngày ngơ ngơ ngẩn ngẩn của mình.
Cứ như vậy lại qua hơn một tháng, vào đêm trung thu trăng tròn, ông lão cuối cùng khôi phục tỉnh táo. Nhưng lần này tinh khí thần trên người ông ta đã không bằng lúc trước, dần dần suy yếu.
Ông ta ngồi dưới mái hiên với nhà sư, nhìn vầng trăng sáng kia, lẩm bẩm:
- Cháu ta rất thông minh, là nhân tài đọc sách thông minh nhất trên đời, chỉ tiếc mang họ Thôi đã là bất hạnh, gặp phải ông nội như ta lại càng bất hạnh hơn. Không nên như vậy, không nên như vậy...
Nhà sư yên lặng không nói gì.
Từng có người nói về họ Thôi ở Đông Bảo Bình Châu: “Có miếu không sư gió quét rác, có nhang không lửa trăng thắp đèn.”
Sau khi vào đông, tuyết rơi ào ào. Ông lão ngủ trong miếu răng run lập cập, sắc mặt tái xanh, giống như không chịu nổi trời đông giá rét này. Nhà sư cầm bát tiến vào, đưa cho ông ta một miếng bánh khô còn ấm. Ông lão ngơ ngác cầm lấy, sau đó đột nhiên vứt xuống đất, ánh mắt khôi phục một chút trong trẻo. Ông ta nhìn nhà sư lại nhặt bánh khô lên đưa tới, lắc đầu nói:
- Ta sống chỉ để gặp cháu trai một lần, nếu không ta chết không nhắm mắt, chấp niệm này ta nuốt không trôi, cắt không đứt. Ta muốn xin lỗi nó một tiếng, là ông nội có lỗi với nó. Ta không thể điên, ta phải tỉnh táo. Hòa thượng, ngươi hãy cứu ta!
Ông lão nắm chặt cánh tay nhà sư:
- Hòa thượng, chỉ cần ngươi giúp ta tỉnh táo gặp được cháu mình, ta có làm trâu làm ngựa cho ngươi cũng không sao... Bây giờ ta sẽ dập đầu với ngươi, làm đồ đệ của ngươi. Đúng đúng đúng, hòa thượng ngươi thần thông quảng đại, nhất định có thể giúp ta thoát khỏi bể khổ...
Lần này ông lão tỉnh táo lại, tinh khí thần đã có dấu hiệu dầu hết đèn tắt, ý thức cũng không còn rõ ràng.
Nhà sư hờ hững nói:
- Không bỏ được chấp niệm sao? Cho dù ngươi gặp hắn, chuyện đã đến nước này thì có thể làm gì?
Vẻ mặt ông lão đau khổ:
- Làm sao bỏ được? Đây không phải là chuyện của một mình ta, không bỏ được, đời này cũng không bỏ được.
Nhà sư ngẫm nghĩ:
- Đã không bỏ được, vậy trước tiên cầm lên.
Ông lão ngơ ngác hỏi:
- Cầm như thế nào?
Nhà sư đáp:
- Đi Đại Ly.
Ông lão gật đầu nói:
- Đúng đúng, đứa cháu kia của ta đang ở Đại Ly.
Nhà sư lắc đầu nói:
- Cháu ngươi đang ở Đại Tùy, nhưng thầy giáo của cháu ngươi thì đang ở huyện Long Tuyền Đại Ly.
Ông lão lâm vào sợ hãi, thân hình lui về phía sau, đụng vào bức tường, ra sức lắc đầu nói:
- Ta không muốn gặp Văn Thánh...
Sau chốc lát, ông ta bỗng nhiên giận dữ:
- Nếu ngươi muốn hại ta thì cứ đánh chết ta là được. Còn nếu ngươi muốn hại cháu ta, ta sẽ dùng một quyền đánh nát kim thân của ngươi. Cho dù Phật Tổ nhà ngươi tới đây ta cũng sẽ xuất quyền.
Nói xong ông ta giãy giụa đứng lên, khí thế kiên cường dũng mãnh không thua gì hai tên võ phu thuần túy đánh nhau ở động tiên Ly Châu, nhưng cũng chỉ là phô trương thanh thế mà thôi.
Sắc mặt nhà sư bình tĩnh, cúi đầu nhìn chăm chú vào bát sắt trong tay, trong bát có nước xao động:
- Phật nhìn một bát nước, tám vạn bốn ngàn con.
Ông lão nhíu mày nói:
- Lừa trọc, đừng nói mấy lời Phật pháp với lão phu!
Nhà sư quay đầu sang, nhẹ nhàng nâng bát sắt lên:
- Đây là điểm thú vị nhất của cháu trai nhà ngươi. Hắn đã nhìn thấy “một chút”, bần tăng cho rằng có thể nói chuyện với thầy giáo của hắn.
Ánh mắt ông lão kiên quyết:
- Hòa thượng ngươi mưu mô rất lớn, lão phu tuyệt đối sẽ không đáp ứng ngươi.
Nhà sư thở dài một tiếng:
- Cỏ cây không rễ.
Sau đó đứng dậy rời đi.
Ông lão nắm chắc thời gian ngồi xếp bằng, bắt đầu hô hấp thổ nạp, nước da vốn khô héo chậm rãi sinh ra ánh sáng vàng rực rỡ. Sau đó ông ta dùng ngón tay khắc vào lòng bàn tay năm chữ “Huyện Long Tuyền Đại Ly”, máu thịt đầm đìa, không ngừng tự nói với mình: “Đi đến nơi này, phải đi đến nơi này, chỉ nhìn không nói, không hỏi không làm.”
Hồ nước nội tâm xao động, khắc ghi tiếng lòng.
Ông lão trở vào trong miếu, nằm xuống ngủ say.
Ngoài miếu tuyết rơi càng lớn, nhưng từng cơn khí lạnh vừa mới đến gần cửa miếu lại tự động tiêu tan.