[Dịch]Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 3 : Cuộc sống đồng quê




Con rạch nhỏ uốn lượn quanh co đã cạn hơn một nửa, có mấy con cua bò qua lại trên phần đất còn ẩm. Cô không biết nó là cua hay còng, mà ở đây chắc người ta gọi khác. Mấy chỗ con rạch cạn cứ thấy cá quẫy bùn, lộ cả sống lưng. Bây giờ chắc khoảng cuối mùa nắng, sắp sang mùa mưa rồi.

Tỷ đệ đi một hồi thì đến gần nhà Lưu bá.

- Mai nhi à? Đầu hết đau chưa?

Người đàn bà dáng người cao cao, đầu quấn khăn, mặc bộ quần áo xanh đậm màu là Lưu bá mẫu. Bà đang cùng con gái tứ Mi bằng tuổi Mai lom khom đào khoai trên ruộng gần nhà. Cô bé cũng đội khăn, quần vén cao, đang nhặt khoai bỏ vào rổ tre.

- Bá mẫu, con khoẻ rồi. Cảm ơn bá mẫu hỏi thăm.

A Phúc không đợi nói đã chạy đến phụ tứ Mi nhặt khoai. Mấy củ khoai này không to lắm, lớn hơn nắm tay a Phúc một chút, là giống khoai lang dài có vỏ ngoài nâu nhạt. Mai nhìn khoảng khoai đang trồng không lớn lắm, rộng gấp đôi sân đá bóng.

- Hai đứa ở lại bên này ăn cơm trưa luôn. Xế xế bá mẫu luộc khoai cho ăn.

- Dạ.

Đào khoai được đầy hai rổ thì ngưng.

- Đủ hôm nay ăn thôi, khi nào dựng nhà xong thì mới đào hết mang về. Con để tứ Mi bưng cho.

Bá mẫu quay sang nói Mai khi thấy cô vươn tay định mang rổ khoai. Tứ Mi mặc dù nhỏ tháng hơn cô nhưng lại cao hơn một chút, mà có da có thịt hơn cô. Chân tay cô bé cũng chắc nịch, khoẻ khoắn. Bốn người nối đuôi nhau đi vào nhà.

Giờ này khoảng mười giờ sáng, mặt trời chưa gắt lắm, đúng là lúc mọi người làm việc hăng say nhất. Trên khoảnh đất rộng, cao hơn xung quanh đã có mấy hàng cột. Cha cô, Lưu bá và một người đàn ông trung niên đang lắp mấy thanh kèo cho mái nhà. Người đàn ông hình như là thợ chính, ông vừa làm vừa luôn miệng hướng dẫn người khác. Một nhóm hai người đàn ông trẻ hơn cha cô thì đo, chọn những cây gỗ ở sân. Bình ca và hai đứa bé trai khác thì đang kéo từng đám lá dừa được phơi từ ngoài gò đất cao vào xếp trong sân.

Cách sân dựng nhà một khoảng có 2 cái chòi nhỏ lợp lá gần bờ rạch. Nhóm của Mai đi thẳng đến căn chòi nhỏ hơn. Ngoài cửa căn chòi là nhị tỷ Cúc nhi của Mai và tam Mi đang lặt rau, cắt mấy trái bầu xanh lớn hơn cùm tay. Nương đang trong bếp nấu, 2 bếp đều là cơm, nước cơm đang sôi toả ra mùi thơm thơm khiến người ta đói bụng. Bếp là ba tảng đá cao khoảng hai gang tay, người nấu phải ngồi xổm hoặc đứng lom khom mới thấy thức ăn trong nồi.

- Nương, nương,

A Phúc chạy đến dựa chân nương giống như lâu lắm mới gặp.

' hừ' Mai hừ trong miệng, nhìn qua cái sạp nhỏ có ngũ Mi đang ngồi, cô bé mới hơn hai tuổi, ôm mấy trái dừa nước nâu nâu vàng vàng, thỉnh thoảng còn đưa lên miệng ngậm.

- Mi Mi, gãy răng bây giờ!

Tứ Mi đi vào trong vừa thấy thế liền la bé, cô bé giật mình buông xuống, mặt nhăn nhăn chắc là ngậm ra vị chát của trái dừa rồi.

- Cơm sắp chín, Cá ráo nước rồi. Ta để ngoài sóng chén.

Nương Mai nói với Lưu bá mẫu.

- Được.

Tứ Mi lấy cái chậu đất ra cầu nước lấy một nửa chậu, mang vào chỗ tam Mi ngồi, đổ khoai vào rửa.

- A Cúc, con về sắc thuốc cho em, rồi mang qua đây.

Lưu bá mẫu nhắc tỷ. Tỷ nhìn nương, thấy nương gật đầu thì buông trái bầu gọt vỏ xong vào rổ rồi đứng dậy đi. Mai ngồi vào thế chỗ, bắt chước tam Mi lặt rau. hình như là cây cải, lá vẫn còn xanh non, cao khoảng hơn một gang tay. Khi ngắt bỏ rễ cây có vị cay hơi nồng. Đầu Mai thấy hơi đau, chầm chậm làm và nghe mọi người nói chuyện. Thỉnh thoảng nghe tiếng bác thợ chính ngoài kia lớn tiếng nói ai đó làm không đúng.

- Tối nay ông nội a Tương đi biển về, sẽ nhanh đến đây giúp nữa.

- Vậy thì chắc vài ngày nữa là xong rồi. Haiz, zzz... Nhà tẩu mới một năm đã xây được nhà riêng, ta thật tốt. Trong làng ai cũng muốn đến xem. Hết mùa đi biển chắc sẽ đến đó.

- Cái gì mà hâm mộ chứ? Dựng nhà này cũng không tốn bạc gì, toàn là dùng đồ xung quanh thôi. Ở đây được cái là có thể làm việc quanh năm, vất vả chút nhưng không đói, không lo là được.

- Thì chính là cái này,

Lưu bá mẫu nhìn nhìn mấy đứa nhỏ rồi thấp giọng nói:

- Vẫn chưa nói với Lê thúc và thẩm sao?

- Haizz,... Lần này Mai nhi té, đã tốn gần hết tiền mang theo. Tối qua nhờ người đưa tin về. Chàng còn không ngủ được mấy hôm nay, làm sao dám nói cái này nữa.

'Hết tiền', Mai chưa từng nghĩ đến phiền toái lớn này. Từ nhỏ đến khi tốt nghiệp ra trường có ba mẹ lo, thỉnh thoảng đi làm thêm chủ yếu là học kinh nghiệm, tiền lương còn không đủ xài. Đến lúc bệnh, tiếp tục được ba mẹ trả viện phí, thuốc men. Nên cô thật sự ít lo nghĩ về việc tiền thiếu hay không thiếu.

Ở nơi này thiếu thốn đủ thứ, đặc biệt thuốc; thầy thuốc càng hiếm và phí chữa bệnh cũng cao. Nhà Mai đương nhiên là nghèo rồi. Mà nhìn mấy ngôi nhà xung quanh đây là mái lá, vách lá, chỉ vài gian phòng thấp cũng đoán được làng này nghèo khó. Có một lang y ở gần đây đã là may mắn lắm rồi.

Theo như Mai biết, khu vực này khí hậu ôn hoà, hai mùa mưa nắng, ít có thiên tai, cây trái - sản vật phong phú. Hơn nữa ở thời này đất rộng, người thưa nên dựa vào tự nhiên vẫn đủ ăn. Nhưng chuyện bệnh tật lại là chuyện lớn. Ai mà không bệnh chứ, mình phải lưu ý hỏi thăm mới được.

- Còn hơn tháng nữa là mùa mưa, bắt đầu gieo lúa, trồng khoai. Nếu không chuyển đến kịp thì phải đợi qua năm mới tốt.

- Ta biết, đành vậy.

Thì ra cha nương muốn chuyển đến đây ở. Không phải đang ở cùng ông bà và mấy nhà thúc bá ở làng chài sao? Người xưa rất thích ở chung một nhà mấy thế hệ, hiếm khi rời quê đi xa. Mai còn nghe nói có nhiều làng toàn là người cùng họ hàng mấy đời nữa. Vậy tại sao cha. nương muốn rời đi? 'bé Mai' này không biết gì hết, chắc còn nhỏ nên không biết những chuyện đã xảy ra. Cũng phải thôi, gia đình lớn, nhiều người thì càng nhiều chuyện phức tạp. Đau đầu ghê!

Cơm trưa hôm nay có cá kho, canh bầu nấu tôm và cải xanh ăn sống chia ra hai mâm. Mâm lớn ngoài sân nhà đang dựng cho mấy ông thợ. Nồi cơm gạo lức hương thơm quanh mũi. Tô cá kho có mấy loại cá, Mai chỉ biết có mấy đầu cá lóc nhỏ hơn tay cô, còn lại nhìn giống cá trám, cá phi. Khu vực này là vùng nước lợ, đi sâu vào Vũng Đông Hồ là sông Giang Thành nước sẽ ngọt; nếu đi dần ra biển hướng làng chài nhà cô thì nước sẽ mặn dần. Gần cuối mùa nắng, nước xuống thấp lại càng mặn hơn.

Thức ăn tươi, ngọt; ăn vào thật thoải mái, mà gia vị thật ít. Nước canh ngọt nhờ tôm và bầu, không cần nêm thêm gia vị ngoài mấy cọng hành lá. Riêng món cá kho chỉ có muối, nước mắm và một ít gừng, hành nên Mai không quen miệng lắm. Thịt cá rất tươi nhưng nếu có thêm chút ớt, đường nữa sẽ rất ngon.

Sau bữa cơm Mai còn phải uống một chén thuốc sắc to, nên cô chỉ ăn vừa bụng. Nương gắp để dành vào chén Mai hai con tôm to, đỏ au. Cái này để ăn sau khi uống thuốc. Chén thuốc đắng rùng mình, ăn vào thịt tôm ngọt đỡ hơn một chút.

Lưu bá vừa ăn xong đi vào dặn:

- Chiều nay nàng và nương a Bình bắt đầu tề lá, ngày mai có thể lợp rồi.

- Ta biết, chàng mời Bùi thúc và mọi người ngả lưng đi. Ta ướp nước lạnh rồi chút nữa dùng.

- Được.

Nhóm đàn bà con gái ăn xong lo dọn dẹp và rửa chén đũa ở lu nước cạnh cầu rạch, để lên sóng chén hong khô. Lưu bá mẫu thay nước ngâm khoai trong chậu.

- Thím và mấy đứa nhỏ về bên kia ngả lưng đi, xế lại qua.

- Được, chúng ta về, thấy bên này làm ta sẽ đi qua.

Lưu bá mẫu còn đưa nương cầm theo cái bình nước được ủ lạnh trong lu. Trời nắng nóng mà uống nước lạnh này vào thì rất đã khát. Nhưng mà nương không cho Mai uống, cô còn bệnh uống nước này dễ sinh bệnh nặng thêm.

Nhóm đàn ông đã trải mấy tấm móp dưới gốc cây mát ngả lưng, Bùi ông và một thúc khác còn hút thuốc lá nữa. Bình ca không ở trong nhóm đàn ông mà theo mấy người Mai về nhà. Trời đang giữa trưa nắng lớn, từng cơn gió từ biển thổi vào mang theo vị mặn nhưng cũng làm mát được ít nhiều. Trước mặt là khoảng xanh mênh mông của những bụi cây thấp mọc hoang, chen vào đó là những khoảnh đất đen thưa thớt đã được cuốc lên chuẩn bị trồng trọt. A Phúc nhảy nhót lại gần Bình ca cười cười nịnh nọt:

- Ca cho đệ đi chung với, đệ phụ bắt cá nhỏ thôi, ha ...

- Đệ chỉ dọc bùn thôi, hơn nữa nắng như vậy, dễ sanh bệnh.

- Đệ đội khăn giống như tam Mi tỷ,

- Ha ha, đệ là con gái sao!

Bình ca vừa nói vừa cười hắc hắc rất đắc ý. Tam Mi năm nay mới mười bốn nhỏ hơn Cúc tỷ một tuổi nhưng đã ra dáng thiếu nữ. Từ khi chuyển vô làng Đông Hồ này học mấy cô nương người ta, ra đồng hoặc đi đâu nắng sẽ quấn khăn kín mít khuôn mặt, đôi khi còn đội nón; nếu không tháo khăn còn không biết là ai. Lúc đi tam Mi còn đánh hai tay hay bên sườn rất yểu điệu. Tưởng tượng bộ dáng a Phúc như vậy cả nhà không khỏi bậc cười ha ha.

Nhóc Phúc quê nên xị mặt muốn khóc, miệng đã mếu.

- Đìa gần con rạch phía sau phải không?

Cha lên tiếng hỏi Bình ca.

- Không phải cha, Lưu bá nói hôm nay tát đìa phía trong ruộng trước. Đìa đó nhỏ, cũng gần cạn rồi nên Tương huynh và con làm một buổi chiều xong. Mấy cái đìa lớn gần rạch để dựng nhà xong bá ấy sẽ làm.

- Ừ, con dẫn a Phúc theo đi, mà lúc cạn rồi, trời hơi mát con mới xuống đìa biết không?

Câu sau là cha dặn a Phúc. Thằng bé hớn hở gật đầu lia lịa.

Thì ra là chiều nay Lưu bá kêu Tương huynh và Bình ca đi tát đìa. Đìa là cái ao nhỏ nằm trong ruộng, đất thấp hơn ruộng nên khi mùa nắng nước rút về đìa, cá cũng theo đó rút hết về. Đến cuối mùa, nước trong đìa gần cạn là lúc người nông dân đến 'thu hoạch' rất nhiều cá tôm mà tốn ít công. Mấy con lớn thì ăn, mấy con nhỏ thì mang đến đìa đã bắt thả xuống để dành mùa sau. Thật ra đìa vừa tát xong cạn nước thì hôm sau nước sẽ rút về đó lại nên thành ao nuôi tiếp.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.