[Dịch]Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 125 : Chỗ giấu bạc




Chuyện bán đèn cầy thuận lợi, kéo theo nhà a Sao lấy tổ ong đều đặn mỗi tháng. Chắc Lý thúc và a Sao đã trả hết nợ, trong nhà có thêm một tủ gỗ nhỏ, phía trên cùng là lư nhang để hai bài vị ông bà nội a Sao. Dưới một chút là bài vị của nương a Sao, còn em gái thì không được thờ do yểu mệnh.

Bộ ván tre cũng được thay mới, dưới bếp có hai lu đất lớn đựng gạo và mấy bao đậu, khoai. Xem ra cuộc sống hai cha con đã khá hơn. Chỉ là nhà cửa vẫn không gọn gàng, sạch sẽ. Haiz, dù sao hai người này không thể ngày ngày quét dọn, lau chùi như nương và ngũ cô ở nhà mình được.

Hơi lãnh từ rừng tràn ra thật lạnh, vậy mà a Sao chỉ phong phanh một lớp quần áo. Mai đã mặc thêm một lớp áo, quấn cái nốp ngồi nghe hai đứa con trai nói chuyện. Thật ra a Sao và Vĩnh đều ít nói, ba đứa nhỏ ngồi bên bếp lửa cho ấm, chờ người lớn về.

– Muội vào ngủ trước đi,

– Ừm,

Mai hơi sợ lạnh nên cô đi vào cái giường trong buồng, nhóm xả đuổi muỗi rồi chui vào hai lớp nốp. Chỉ thêm ngày mai nữa là mình về nhà, tính ra cũng ở nhà ngoại hai tháng. Không kịp làm lồng đèn Trung thu, chắc nương có làm bánh gạo, kẹo cúng Trung thu?

Hay là nương bận nấu ăn cho thợ, rồi lo lúa nữa mà quên mất! Ngủ được một giấc sâu thì cô lại nghe trời mưa. Mấy con muỗi sợ lạnh nên không nghe vo ve bên tai nữa. Mai cuộn tấm nốp định ngủ tiếp thì nghe tiếng người nói chuyện, tiếng bước chân, có mấy ánh lửa lóe sáng qua kẽ lá. Trong làng có chuyện gì sao?

Nhà trên cậu hai và Lý thúc đã tỉnh giấc.

– Con ra xem chuyện gì?

Tiếng Lý thúc sai a Sao. Qua cánh cửa mở ra, mưa không lớn, nhưng mà trời còn sớm. Trăng non đã lặn mất, mới cỡ canh tư, người trong làng lại cầm đuốc đi đâu? Rất nhanh a Sao đã chạy về báo tin.

– Nhà Lưu ông bắt được con trăn lớn, lớn lắm cha.

A Sao vòng hai bàn tay diễn tả thân mình con trăn, trời! Cỡ bắp đùi cô rồi.

– Sao mà bắt? Trăn nào?

– Nó bò vô nhà, may con chó sủa rần trời, Lưu ông dậy đốt đuốt thì thấy cái đuôi nó thòng xuống từ cột giữa. Là trăn nước.

Mai thấy a Sao có vẻ hứng khởi, không sợ sao? Trăn nước là không có độc phải không? Mà con trăn thì sức mạnh siết con mồi mới là điểm mạnh của nó. Nó không có độc cũng không sao, nó chỉ siết con mồi chết, sau đó nuốt trọn vào bụng là được rồi.

– Mấy hôm nay mưa khắp vùng, nước đổ về nhiều, bọn nó kiếm chỗ ráo.

Lý thúc trầm ngâm một chút rồi nói. Cậu hai cũng nói thêm mấy chuyện, hai người không ngủ mà trò chuyện con nước năm nay. A Sao đã kéo Vĩnh ca đi xem con trăn.

Lúc về nhà, a Sao gởi theo hai tổ ong vừa lấy được, Mai không mang tiền nên hẹn hắn lần sau sẽ trả. Sáng sớm cậu hai cũng không đi xem con trăn mà lên ghe đi Đông Hồ luôn. Theo lời cậu thì tranh thủ thời gian đóng ghe xong sớm giao cho Bùi gia.

Sau đó sẽ phải lo gặt lúa, mong là lúa kịp chín sớm trước khi nước lên. Vừa rồi, ông ngoại và cậu bón thúc cho lúa phát nhanh, làm đòng sớm cũng là vậy. Ông ngoại cũng dặn cha về bón thúc, không chờ đến tẻ nhanh hết như mọi năm. Mới rằn tháng tám mà đã khẩn trương lo việc gặt rồi. Năm rồi đến cuối tháng mười nhà mình mới gặt lúa mà.

Nhưng mà ông ngoại đoán chắc đúng, lúa vô bồ sớm ngày nào là đỡ lo ngày đó.

Cả ngày hôm nay trời ui ui. Nhưng ghe vừa qua khỏi chợ Sông Lớn, đoạn sông Giang Thành thì mặt trời ló ra khỏi rặng mây đen. Ánh nắng không chói chang mà hơi yếu ớt, chỉ đủ tạo ra mấy dãy sáng lấp lánh trên mặt sông. Mai chui ra khỏi mui ghe, ngắm nhìn mặt gương rộng mênh mông phía trước.

– Hình như là ghe Lưu bá.

Tiếng Vĩnh ca ngắt ngang tâm tình của Mai. Cô nhìn chiếc ghe phía trước đang thả chậm tay chèo. Đúng rồi, là Lưu bá. Một đoạn đường từ đó về hai chiếc ghe song song cùng tiến. Lưu bá bộ dáng chắc nịt, nước da đen bóng, cười nói sảng khoái. Cậu hai thì dáng người thanh mảnh, dáng địu hòa nhã. Vậy mà xem chừng hai người rất hợp ý.

Chiếc ghe từ từ tiến về con rạch trước nhà. Cảnh vật vẫn như cũ, chỉ có lòng con người thấy nao nao. Mai hơi cười nghĩ, mới đi mấy tháng mà làm như mấy năm.

Tiếng cưa xẻ gỗ kẽo kẹt từ xưởng vang lên.

Trời vừa xế bóng, mọi người chắc đang bận rộn. Vĩnh ca lên trước buộc ghe, Mai nhanh nhẹn mang đồ lên, đi vào nhà. Phía sau chái nhà có khói lên nhè nhẹ, ngũ cô đang ấp trứng gà vịt sao? Hôm trước nghe nói đã ngưng ấp trứng vịt rồi. Mùa này vịt hoang về nhiều, đặt bẫy ở những vũng nước nhiều tôm tép thế nào cũng bắt được một hai con.

– Thưa bà nội con mới về.

– Ủa, con về rồi, mệt không?

Nhà sau chỉ có bà nội đang ngồi khâu giày. Bà đứng dậy định giúp thì Mai nói:

– Con không mệt, con làm được.

Cậu hai và Vĩnh ca mang đồ đặt trên sạp tre, chào hỏi bà nội.

– Cháu đưa hai đứa nó về à. A Tâm đang ở trong xưởng.

– Vậy để cháu qua đó.

Nói rồi cậu hai đi qua xưởng. Bà nội kéo hai đứa nhìn ngó một hồi rồi mới đi pha thêm bình nước ấm dặn Vĩnh ca mang qua xưởng. – Nương, ngũ cô đâu rồi nội?

– Đi ra ruộng rồi, đang hái mớ đậu chín sớm, sợ nó rụng uổng.

A, đúng rồi, đậu xanh, đậu đen cũng bắt đầu chín rồi. Năm nay nhà mình có trồng ít đậu nành, nên làm món gì đây, sữa đậu nành đi. Bà nội kéo hai đứa lại không cho ra ruộng:

– Ngày mai ra làm. Đi ra đó nắng nôi bệnh thì khổ.

– Dạ, a Phúc đâu nội?

Bà nội chỉ ra ruộng sau nhà cười nói:

– Nó có đi khỏi bầy vịt đâu. Hôm trước có đàn vịt hoang tới, nó sợ kéo bầy vịt của nó đi, nên ở riết ngoài đó.

Ha ha, xem ra mấy ngày này a Phúc rất bận rộn. Mai cất hành lý vào phòng xong thì chạy ra chuồng coi ba con heo. Hai con heo cò trắng đúng là như cò, cao lên rất nhanh nhưng mà gầy, bốn chân xương rất lớn, không thấy thịt đâu cả. Chỉ có con heo mọi bông thì không cao nhưng mà tròn tròn, hai bên má xệ xuống đầy mỡ. Mai cứ theo vuốt hai má, hai mông nó làm nó nhột chạy quanh chuồng.

Phân heo mỗi ngày đều được cha hốt sạch đổ vào chỗ ủ phân bón. Ngũ cô luôn cắt sẵn một mớ lá tràm phơi dốt để hun muỗi. Chuồng gà chuồng vịt cũng sạch sẽ, a có hai cái hột gà đẻ rớt trong góc chuồng. Không biết tiền quỹ được bao nhiêu rồi. A An vẫn nghỉ bán buổi chiều để phụ cha trong xưởng.

Buổi chiều khi thợ ở xưởng đã về hết, mọi người quây quần nói chuyện tin tức ở Đông Hồ, Trấn Giang. Nhóm đàn bà con gái thì lo cơm nước, dọn bàn. Nhóm đàn ông con trai thì lo thăm ruộng, chẻ củi, còn đốt đống lửa lớn ở sân trước.

Mấy hôm nay ở đây mưa dầm, ngồi trong nhà ăn cơm hoài cũng chán. Hôm nay nắng ráo, dọn cơm ra sân, có gió mát, ăn cơm nói chuyện, uống ít rượu thật sảng khoái.

Nhị bá đã vào phụ đốn gỗ, ngâm gỗ từ mấy hôm trước. Nhị bá và cậu hai ngồi kế nhau, đúng là người làm nghề nào thì tướng mạo hiện ra như thế. Nhị bá ở làng chài đi biển nên khổ người to lớn, cơ bắp tay chân nổi rõ. Cậu hai làm ruộng, lại ở trong đồng quanh năm nước ngọt, nên nước da trắng hơn, nhìn cũng nho nhã hơn.

Nhà Mai bây giờ gần hai chục người, nương và ngũ cô nấu ba nồi cơm, canh cũng hai nồi, rồi xào rau, kho cá. Như vầy là bận bịu cả ngày làm bếp, còn nấu cơm trưa cho thợ ăn thêm. Mai bất giác nhìn hai cánh tay khẳng khiu của mình, nếu mình lớn mà vẫn còm nhom như vầy sao nấu cơm canh được đây?

Nói chuyện một vòng thì mọi người lại quay về chuyện hai mươi cái ghe hột vịt.

– Cỡ năm bữa nữa mới xong ba cái đợt nhì, nhị cửu ca đợi hay về Trấn Giang ngay.

– Ta ở lại, đỡ mấy công ở đây. Cha bón thúc phân, lúa đã bắt đầu trổ đòng rồi.

– Được, gỗ đốn gần đủ rồi, có mua thêm phía Tô Châu. Mấy ngày sau nhị ca, a Vinh và a Sinh làm tiếp phần ghép ván. Chắc sẽ nhanh hơn.

Nhị bá gật đầu đáp ứng. Chuyện đóng ghe này do Lê tứ chủ xướng, nhị bá và cậu hai đều theo cha xếp đặt để làm.

Còn mấy ngày nữa là đến Trung thu, nhà mình mặc dù bận rộn nhưng bà nội, nương và ngũ cô đều tranh thủ làm mấy loại bánh mứt để cúng, còn thêm đồ ăn cho thợ trong xưởng để thêm sức. Mai ngồi nghe bà nội nói chuyện. A An lại gần kéo tay cô đi ra cửa quán ngồi. Vĩnh ca và a Phúc cũng đi theo, tụi nhỏ đốt đống lửa nhỏ rồi ngồi xuống rù rì.

– Chúng ta có gần bảy quan rồi, ta định xin nương đổi năm quan thành một nén bạc, được không?

Mấy đứa nhỏ mắt sáng rỡ nghe chuyện tiền quỹ.

– Mình cất bạc ở đâu giờ?

Đúng là không nghĩ mới một năm mà đã có nhiều tiền vậy. Mấy văn tiền kẽm lỡ có mất còn đỡ, nhưng mà một đỉnh bạc năm quan mà mất rất tiếc. A Phúc đưa tay che miệng nói nhỏ:

– Đệ thấy nương chôn tiền ở chân giường đó, mình làm giống vậy đi.

Ha, Mai phì cười, ra dấu với a Phúc.

– Đệ biết, không nói ai hết.

Hắn cam đoan luôn miệng, giỡn sao, tiền của nhà mình nương cất ở đâu hắn làm sao nói cho người ngoài biết chứ!

Chắc là chỉ có cách này thôi, ở đây đâu có tủ có khóa, mà cất tiền trong đó thì lại càng lộ.

– Cất ở trong phòng muội đi, ít người vào.

Mấy đứa nhỏ đều gật đầu, phòng của ngũ cô, a Cúc và Mai là ít người lui tới nhất. Còn phòng ngoài của tụi con trai thì đông người qua lại.

Từ ngày có người trong làng đến cưa xẻ gỗ, mấy đứa nhóc cũng hay chạy đến chơi, chái nhà của a Phúc, a An càng đông người lui tới. Mai hơi nhíu mày nghĩ, như vậy không hay lắm. Mình nên tách công việc và sinh hoạt ở xưởng ra riêng. Nhưng mà sau khi đóng xong hai mươi chiếc ghe nhỏ mới tính tiếp được, bây giờ cha bận rộn quá rồi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.