[Dịch]Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 124 : Dấu khắc trên cây




Thấm thoát đã đầu tháng tám, mấy cơn mưa ngâu vẫn còn kéo dài, cứ rả rích cả ngày. Hôm qua là chợ phiên, Mai và Vĩnh ca định theo cậu hai đến dược quán, nhưng Trương Bàn thúc và hai người lính đã chèo ghe đến nhà ngoại lúc sáng sớm. Cậu hai ra thấy ba người thì bước lên chắp tay chào rồi nói:

– Trương hộ vệ, mời vào.

– Nguyễn huynh không cần khách sáo, ta vội đến nhắn tin. Mạc đại nhân tối qua đến dược quán. Mạc đại nhân gởi chút lễ cảm tạ.

– Không dám, đa tạ.

Trương Bàn thúc mang hai bình rượu và một hộp quà lớn đặt trên bàn, nói tiếp:

– Mạc phủ có đại phu tinh thông y thuật. Sau khi cùng Trần lang y bàn luận thì định đưa phu nhân và tiểu thơ về Bùi gia trang chăm sóc. Sau khi sắp xếp ổn định, xin mời các vị đến thăm trò chuyện.

A, vậy là mọi chuyện có người khác lo rồi. Mai nháy nháy mắt với cậu hai. Cậu gật đầu, chắp tay nói với Trương Bàn hộ vệ.

– Chúc mừng phu nhân tiểu thơ mạnh khỏe. Nhờ Trương đệ bẩm báo lại giúp, a Vĩnh và a Mai rời Đông Hồ đã lâu, nay cũng muốn về thăm nhà.

– Được, vậy ta về bẩm báo rồi sẽ báo cho huynh hay.

– Đa tạ, chuyện giao thêm ghe vẫn như cũ, nhà ta sẽ đúng hẹn.

Nói rồi Trương Bàn hộ vệ cáo từ ra về. Xem ra chuyện Mạc gia đến làm cho Bùi gia khẩn trương không ít. Nhưng mà quan trọng nhất là mình sắp được về nhà rồi. Có về kịp Trung thu không?

Dù không cần đến dược quán nhưng Mai vẫn xin đi lên trấn ngày chợ phiên. Cô muốn mua bộ văn phòng tứ bảo, về Đông Hồ sẽ không có nơi nào bán.

Lần này đi trấn không có sự háo hức như ban đầu, Mai đã quen thuộc và nhớ đường chính của trấn này. Phía bắc là Bùi gia trang, từ đó dọc theo một đoạn sông là bến tàu lớn tập kết các ghe của thương lái, khách điếm. Lên một đoạn sông nữa là chợ của Trấn. Đoạn sông này ôm một vùng đất rộng trù phú, xanh mát.

Vị chưởng quày bán hàng chỉ nhìn nhanh hai đứa nhỏ vào gian hàng rồi lại chăm chú nhìn xuống quyển sách nhỏ trên tay. Ông nghĩ hai đứa chỉ vào xem như lần trước.

Mai không nhanh không chậm dạo qua một lượt các xấp giấy. Cô lẩm nhẩm tính toán trong miệng, còn thử cầm cây cọ trên tay. Đầu cọ lớn quá thì hao mực, hao giấy; loại nhỏ quá thì sợ mình chưa dùng được. Những chữ Hán Nôm này đều được dạy cách viết chữ to cỡ bàn tay trước, sau đó mới viết được nhỏ hơn, cỡ ba ô tập. Ai học viết được chữ nhỏ theo kiểu chữ Khải cũng mất mấy năm. Đó là nói chữ Hán nguyên bản, chữ Nôm còn nhiều nét hơn. Mai không nghĩ trong thời gian này cô có thể dùng cọ viết chữ nhỏ dưới một lóng tay được.

Tới lui lựa chọn, Mai chọn nghiên mực nhỏ có khắc hình nhánh hoa mai, có hai nụ và một hoa vừa nở. Nghiện mực làm từ đá sắc xanh đậm, được mài bóng láng. Mực là loại thỏi khô, muốn dùng thì đổ vào ít nước mài ra, dùng bao nhiêu thì mài bấy nhiêu. Cô cũng chọn loại giấy dó thô một trăm tờ và chục tờ giấy tốt. Tất cả hết gần hai quan, thiệt là mắc.

Mai nhìn mấy quyển sách mỏng trên quầy, hỏi:

– Cháu dùng kim chỉ may vá để đóng thành cuốn như thế này được không?

Vị chưởng quầy có vẻ suy nghĩ một lát rồi nói:

– Ta nghĩ hơi khó. Kim may vá hơi nhỏ, sợi chỉ cũng dễ đứt.

Ông lật quyển sách mình đang đọc ra cho cô xem.

– Cháu nhìn nè, không phải chỉ may, sợi đay này được bện từ nhiều sợ đay mỏng, rất bền chắc. Hơn nữa cháu không có bìa làm bằng giấy dày thì trang giấy đầu sẽ dễ hư, nước lem nhòe chữ.

– Cháu định xin cha làm bìa bằng ván mỏng, cha cháu là thợ mộc.

– À, vậy à.

– Thúc có biết ai bán kim và sợi đay không?

– Ta nghĩ không đâu, những quyển sách này được đóng ở vùng ngoài, xung quanh đây chưa có ai làm.

Vậy làm sao đây? Nếu để rời từng tờ sẽ dễ lạc mất, mất một bản vẽ hoặc ghi chú gì đó thì rất khó cho người xem. Sau này mình cũng không chắc là nhớ được. – Cháu định viết sách gì?

Giọng ông ngạc nhiên cũng đúng rồi, cô bé mấy tuổi đầu, biết bao nhiêu chữ mà đòi đóng sách.

– A, không phải đâu, cháu, cháu hỏi cho biết thôi.

Mai tìm cách nói qua loa. Cô chắc không thể ba hoa chuyện mình muốn vẽ cách đóng tàu ra, rồi còn định ghi lại chuyện lai giống cây lúa nữa.

Lần này cậu hai cùng về với hai đứa. Buổi tối đầu tiên vẫn ngủ ở chợ Bàu Sen, không phải ngủ trên ghe mà bạn cậu mời lên nhà sàn của ông ấy. Ngôi nhà sàn cách mặt đất khác cao, đi lên bằng cầu thang cây. Mấy con khô cá treo dọc hai bên vách lá, hơi bốc mùi, lẫn trong đó có cả thịt rừng. Góc nhà còn có mấy hủ mắm cá. Vị bá bá này không làm ruộng mà chỉ đi săn, bắt cá sinh sống. Mà không thấy có người nhà đâu cả? Ông ấy sống một mình sao?

Lúc ăn cơm tối, cậu hai mang một túi gạo lên, bữa ăn có một nồi giống “canh lẩu” nóng hổi, mấy con khô cá nướng. Mai gọi canh lẩu vì Mai thấy bá ấy múc một ít cá mắm từ trong hủ ra, hòa với nước rồi bắc lên bếp nấu, đợi sôi già, mùi thơm bay lên thì bỏ rau rừng đủ loại vào. Trong mắm cá có một ít gia vị rất thơm, rất lạ mà cô chưa được ăn trước đây.

Mai hơi ngạc nhiên nghe cậu hai nói tiếng Chân Lạp, không nghĩ là cậu biết. Lần này đến phiên cậu nói rất ngắn, vị bá bá tên Thon này “líu lo” nói rất nhiều. Ông mở thêm bình rượu nhỏ, rót ra chén lớn rồi uống từng hớp lớn rất sảng khoái. Cậu hai chỉ uống vài hớp, rồi lắc đầu chỉ chỉ hai đứa nhỏ, chắc ý chỉ là phải lo lắng cho hai đứa.

Mai được xếp một chỗ trong góc phòng, cô lấy tấm nốp ra lót, đốt thêm mắm lá xả, nằm lên rồi khoát thêm cái mền mỏng. Nửa đêm thì trời đổ mưa. Nhà người Chân Lạp dùng lá thốt nốt để lợp mái, vừng vách nên xài bền hơn so với lá dừa nước. Tiếng mưa rơi đều đều, hơi lạnh bắt đầu tràn vào, Mai cuộn tròn người lại trong cái mền vải, mơ màng rồi cũng ngủ lại.

Mùa mưa đi lại trên ghe đúng là bất tiện. Tháng tám trời mưa nhiều, nước đã dâng lên rồi. Mặt sông như rộng hơn, không còn nhìn thấy mấy gốc cây bị siết hai bên bờ nữa, màu xanh rậm rạp phủ quanh. Có mấy chỗ dòng nước chảy xiết, đục ngầu. Cơn mưa từ khuya hôm qua vẫn còn rả rích. Cậu hai dầm mưa để chèo ghe, chắc lạnh lắm. Làm sao nấu nước nóng cho cậu giải cảm? A tối qua, Thon bá không phải dùng bếp bằng đất gần giống cái cà ràng sao. Mình làm giống vậy để dành nhóm bếp nấu nước trên ghe. Sắp tới nhà mình và nhà ngoại sẽ qua lại nhiều.

– Mấy lúc nước cạn người đi ghe sẽ chú ý vùng đất trũng hay có ghềnh đá de ra, lõm vào. Những chỗ đó dễ có nước xoáy vào mùa lũ. Người ta sẽ làm dấu để ai đi qua sẽ thấy mà phòng, con nhìn kìa.

Cậu hai chỉ mấy thân cây bị chặt lõm vào, hơi xoáy tròn. Thì ra đó là ký hiệu nhắc vùng nước xoáy. Cách này rất hay, dù cây đó lớn như thế nào thì vết xoáy không thể mất đi. Nếu nó chết, thì người ta lại làm dấu ở những cây bên cạnh.

– Thấy miễu thờ bằng đá và đất đắp đó không? Mỗi lần đi qua tâm phải thành kính, có muối thì rải xuống một ít, khấn vái cho dọc đường bình an. Nhớ không?

Hai đứa nhỏ gật đầu, nhìn cậu bốc một nhúm muối hạt rải xuống lòng sông.

Buổi trưa ăn vội cơm khô và cá khô, bình nước đựng trong trái dừa đã nguội rồi. Đến nhà Lý thúc thì trời đã tối, chỉ có a Sao ở nhà. Hắn mừng rỡ thấy Mai và a Vĩnh vào sân.

– Nguyễn bá mạnh, cha cháu ăn giỗ nhà Trương bá, để cháu qua báo cha.

– Từ từ đi cháu, không cần khách sáo như vậy.

Mai không khách sáo, cô vội vàng xuống bếp nấu ấm nước, pha trà gừng và ít mật ong mang cho cậu uống giải cảm. A Sao và a Vĩnh đốt bếp lửa nhỏ ở hiên nhà. Hôm nay ở đây cũng mưa, sân đất đã nhão nhoẹt. Trên sạp tre sau bếp có một ít thức ăn vẫn còn ấm, chắc là nhà Trương bá mang sang cho a Sao.

– Trễ như vậy sao ngươi chưa ăn cơm?

– A, vừa đi thăm bẫy về,

Nói rồi ba đứa nhỏ dọn cơm, Mai cũng mang cá tôm khô nhà mình ra nướng thêm. Mùi khô cá vừa thơm lừng thì nghe tiếng Lý thúc ngoài sân.

– Nguyễn huynh vừa đến? Thứ lỗi đệ không về kịp. Sao không chạy qua gọi cha?

Câu sau là Lý thúc nói với a Sao.

– Lý đệ đừng la cháu, là ta không cho đi.

Liền sau đó là Trương bá đến, thế là cậu hai theo hai người lớn qua uống rượu, ba đứa nhỏ ở lại nhà tiếp tục chuẩn bị ăn tối. A Thảo dẫn theo hai đứa em trai qua, mang theo thịt gà nướng, tô canh chua bần. Thêm ba đứa nữa càng vui, cũng thành một bàn tiệc rồi.

Mới mấy tháng mà a Thảo đã vượt cao hơn Mai, hàm răng nhỏ đã thay đủ, hai lúm đồng tiền hiện rõ hơn, lúc cười thật có duyên. A Thảo dành ngồi cạnh nồi cơm, cũng dành gắp thức ăn đãi khách, mới chừng đó tuổi muốn làm người lớn sao?


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.