[Dịch]Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 123 : Chữ Công đứng đầu




Lúc đứa bé đầy tháng thì sức khỏe đã ổn định, tăng được nửa cân so với lúc sanh. Gương mặt đã tròn hơn, tay chơn quơ quàu cũng khỏe. Nghe nói hôm đầy tháng Bùi gia không tổ chức tiệc mà chỉ làm lễ cúng theo lệ thường. Theo lời Trần lang y nên ở lại dược quán thêm một tháng nữa rồi mới chuyển về Bùi gia. Tính ra cũng mấy tháng sau mới có thể trở lại Mạc gia ở Lũng Kỳ.

Dân thường thì con gái sanh con đầu lòng sẽ về nhà mẹ đẻ, từ đứa thứ hai thì không cần nữa. Nhà quan lại thì không như vậy. Dù sao họ cũng có người hầu hạ, nên sản phụ không cần bà gia đích thân chăm sóc.

Cả tháng này không nghe nói Mạc quan nhân đến thăm, là bận rộn chuyện mới nhậm chức sao?

Qua rằm tháng bảy thì cha đưa ba chiếc ghe nhỏ vào. Đi theo cha có Sinh ca và Cúc tỷ, đặc biệt Đỗ lang y cũng theo vào. Ông ngoại đón tiếp Đỗ lang y rất chu đáo.

– Ta nghe Lê tứ kể chuyện Trần lang y, thật muốn đến thỉnh giáo cách làm nên theo vào. Làm phiền Nguyễn bá mấy ngày.

– Lang y đừng khách sáo, xem như ở nhà mình, cần gì thì căn dặn ta.

Đỗ lang y không vội hỏi chuyện Vĩnh ca và Mai. Ông chỉ dặn hai đứa nhỏ thu xếp đi với ông vào trấn vào ngày chợ phiên như thường lệ. Chiều nay, cậu hai và Sinh ca chèo ghe lên trấn hỏi ý Bùi quản gia chuyện giao ba chiếc ghe đầu tiên. Rồi sắp xếp giao vào ngày chợ phiên, như vậy cũng tiện lợi.

Trần lang y tiếp Đỗ lang y rất khách sáo. Căn phòng nhỏ sau phòng chẩn bệnh bày trí tươm tất, sạch sẽ, mùi thuốc thoang thoảng. Trần lang y nhìn hai đứa vẫn còn đứng sau lưng Đỗ lang y nói:

– Chuyện ta biết không nhiều hơn Đỗ huynh đâu, để hai đứa nhỏ ngồi đi. Dù sao chúng ta nói chuyện cũng lâu.

– Đa tạ Trần huynh cho phép.

Sau đó là Mai và Vĩnh ca kể những chuyện đã làm. Mai chỉ nói vắn tắt cô nghĩ là đứa bé cần có “chỗ” giống như trong bụng mẹ để làm quen dần, còn cách làm thì mỗi người một câu thêm vào. Đỗ lang y không khỏi gật gù. Một lát sau thì vị lang y trẻ là học trò Trần lang y cũng vào, ngồi bên cạnh hai đứa nghe hai người lớn nói chuyện. Huynh ấy còn tỉ mỉ ghi chú vào quyển sách nhỏ. Mai liếc nhìn, chữ viết thật là đẹp, vuông vức, cân xứng. Tay cầm cọ cũng rất địu đàng.

Không nghĩ tới một buổi nói chuyện “y thuật” này gần hai canh giờ mới xong. Trần lang y không bỏ lỡ dịp, tuôn ra một mớ câu hỏi về mấy chữ cô nói hôm trước. Cái gì là “thanh trùng”, sao phải hun ‘không khí” bằng cách đốt thuốc, có phải giống như khi có dịch bệnh không?

– Dạ, Trần bá biết cách trị dịch bệnh sao?

– Không, ta chưa từng trị. Nhưng sư phụ ta có kể lại chuyện này. Mấy năm lũ lớn hoặc hạn hán, dịch bệnh rất dễ lây lan. Có năm cả làng ai cũng nhiễm bệnh.

Rồi ông kể, mấy chục năm trước, nhiều làng phía Cần Vọt bị hạn hán, vật nuôi chết dần, những người ngửi nhằm mùi xác thối hoặc ăn thịt xác chết thì đều bị bệnh. Một lây mười, từ làng này sang làng khác. Có lệnh quan trên truyền xuống phải thiêu xác người nhiễm bệnh mới trừ được dịch. Nhưng mà tục lệ tổ tiên, thiêu xác người chết là đắc tội với tổ tiên, thần linh; chỉ có những người phạm trọng tội mới bị thiêu. Thành ra dịch bệnh cứ thế lan tràn.

– Sư phụ ta nói, có một vị thần y đề nghị những người khỏe mạnh chuyển đến một vùng “khí sạch” do ông tạo ra. Cách làm được truyền lại gần giống như cháu nói. Ông ấy đốt lá thuốc xung quanh ngôi làng đó, người nào muốn vào phải được kiểm tra kỹ càng, đốt hết quần áo, vật dụng cũ, tắm qua nước thuốc nữa.

Mai không nghĩ là Trần lang y đã nghe qua chuyện “thanh trùng” này. Vì vậy ông ấy mới làm theo lời cô, nếu không thì lúc đó cô phải tốn không ít công sức và thời gian thuyết phục ông rồi.

– Dạ, cháu có nghe sư ông kể chuyện này.

À, thì ra là nghe sư ông kể. Mà con bé này đúng là sáng dạ, chuyện này mấy đứa nhỏ khác cũng nghe kể, nhưng đâu có nhanh chóng liên hệ tới việc trị bệnh. Giống như ông từng được sư phụ kể về cách đề phòng dịch bệnh, nhưng lúc trị thực cũng không nhanh nhạy như vậy. Phải đợi đến khi nghe Mai nói tỉ mỉ mới “à” ra. Cái này chỉ có thể dựa vào bẩm sinh, thiên phú. Tiếc là con bé là con gái, nếu không ông đã thu nhận làm học trò rồi.

Trần lang y lên tiếng khen ngợi a Vĩnh làm Đỗ lang y nở mày nở mặt. Trên đường về cũng dặn dò a Vĩnh thêm nhiều chuyện. Sáng mai ông sẽ theo ghe thương lái đi Long Hồ. Vĩnh ca thì xong việc ở đây cứ về nhà học tiếp.

Lần này giao ghe xong cha và Sinh ca quay về Đông Hồ ngay, còn mười mấy chiếc ghe cần đóng. Cha nói đã nhờ nhà nội vào phụ, thêm mấy người thợ mộc ở Đông Hồ, ông phải về coi sóc, chỉ dẫn mới được. Chuyện ở đây cậy ông ngoại và cậu hai lo liệu.

Mai rất muốn về nhà, nhưng ngặt nỗi phải chờ thêm gần tháng nữa. Vậy là phải gần đến Trung Thu cô mới đựơc về.

Ở dưới bếp, bà ngoại hỏi Cúc tỷ:

– Nhà con nhiều thợ thầy, sao không ở nhà phụ nương con lo bếp núc?

– Dạ, có bà nội và lục cô con vào giúp. Cha nương nói a Vĩnh, a Mai còn nhỏ, không giúp gì cho ngoại hết. Với nữa,…

Nói tới đây thì a Cúc ngại ngần,

– Có cái gì thì nói, còn ngại với ngoại?

– Dạ, nương nói ngoại chỉ con may vá, thêu thùa, rồi làm bánh trái. Bà ngoại khéo hơn nương, …

A, thì ra là chuyện Cúc tỷ sắp gả đi, cô dâu càng giỏi cái này thì càng được nhà chồng coi trọng. Trong tứ đức Công Dung Ngôn Hạnh thì chữ công đứng đầu mà. Hèn chi a Cúc lại ngượng ngùng như vậy. Mai không khỏi bật cười hì, a Cúc với tay ra nhéo eo cô.

Mà tính ra con người thời nào cũng rất thực tế, phải không? Cưới dâu, chọn rể đều đặt tiêu chuẩn “đợc việc” lên hàng đầu. Từ nhà nghèo đến giàu đều không thích nuôi người không được việc.

Bà ngoại cũng chợt nhớ ra, gương mặt vui vẻ nói:

– Phải, bà già rồi, khi không quên chuyện này.

Nói xong chuyện cha nương nhắn lời, a Cúc quay sang đưa cho Mai cuốn sổ nhỏ:

– A An nói muội coi lại xem có sai sót gì không, sáng mai gởi cha mang về.

Là quyển sổ tính toán tiền bạc trong nhà, còn đưa cho Mai tiền để mua giấy, cọ viết, nghiên, mực nữa. Dạo gần đây “nghiệp vụ phát sinh” nhiều, a An ghi chi chít, quá chừng chữ số. A Cơ thấy vậy cũng sáp lại ngồi xem, sẵn dịp Mai chỉ cách cho ca ấy bắt đầu ghi chép chuyện mua bán ngoài cửa tiệm.

Hai hôm nay Mai cứ có cảm giác tam tẩu đang “quan sát” cô, tẩu ấy có việc gì sao? Là muốn hỏi cái gì. Cuối cùng đến chiều, lúc cô ngồi nhìn Cúc tỷ đo cắt quần áo cho cô thì tam tẩu mới nhỏ giọng hỏi:

– A Mai, học tính toán có khó không?

A, là hỏi cái này, vậy thì không phải chuyện lớn rồi.

– Không khó đâu, tẩu muốn học sao?

– Ta, ta, …

Nên nói sao bây giờ? Hôm nhận tiền đặt cọc năm mươi lượng bạc, nhìn a Mai tính toán nhanh lẹ, mình đã rất hâm mộ. Buổi tối lúc đi ngủ, phu lang chắt lưỡi nói, không nghĩ là có ngày nhà mình có nhiều tiền như vậy. Mong là a Hữu, a Cơ gắng học như a Mai, để sau này còn lo việc buôn bán bên ngoài.

Trần thị tự nghĩ, mình là dâu lớn, sau này phải quán xuyến chuyện nhà cửa, nếu không rành chuyện tiền nong sẽ làm không thông. Trước đây ở nhà, nương chỉ dạy nữ công gia chánh, may khéo thêu hay chứ không ai dạy chuyện này. Không lẽ sau này thua sút em dâu, vậy coi sao được. Hai hôm nay Trần thị quả thật muốn làm gan hỏi xin Mai chỉ nhưng vẫn e ngại không dám ở lời.

– Muội học còn được, tẩu khéo léo như vậy sao lo học không được chứ!

– Muội, muội cũng biết tính tiền à?

A Cúc mỉm cười gật gật đầu. Ở nhà nhiều việc, chuyện bán hàng ở cửa tiệm a Cúc cũng phải trông coi. Với nữa, sau này gả chồng còn phải lo chuyện tiền nong trong nhà. Như lời a Mai nói, biết vài chữ, tính được tiền sẽ không chịu thiệt.

Trần thị thật không nghĩ là a Cúc biết tính tiền, xem ra chuyện mình muốn học không phải là không thể. Bà nội và nương chắc không la rầy mình học đòi.

– Để Cúc tỷ chỉ cho tẩu đi, hai người vừa may vá vừa học cũng được.

– Được, a Cúc dạy ta nhé!

Nhờ chuyện này mà a Cúc được tam tẩu lén truyền cho kiểu thêu “gia truyền” để thêu khăn tay. Nhà nông dân không cầu kỳ trong ăn mặc. Người phụ nữ khéo léo cắt may vừa vặn, lúc vá quần áo rách thì khéo che chỗ rách, đường may đều đặn là tốt rồi. Còn chuyện thêu thùa lại càng ít.

Mấy cô nương thì chỉ nhau mấy mẫu hoa mai, cây trúc hoặc dây thường xuân để thêu lên khăn tay là được. Tam tẩu được nương của mình chỉ cách thêu hoa sen phối hai màu trắng đỏ cũng đẹp mắt. Chỉ là trong mắt Mai thì nó cũng “thường” thôi. Ở hiện đại thì hình dáng cách điệu hoặc tả thực của các loài hoa, cây, cảnh vật rất phong phú. Ở đây thì đúng là hiếm có khó tìm.

Chỉ có mấy kiểu nút áo thắt bằng mấy sợi chỉ hơi lạ mắt. Vì ở hiện đại người ta dùng nút áo bằng kim loại nên cách làm nút này không còn được ưa chuộng. Lúc bà ngoại thoăn thoát quấn từng đôi, ba sợi chỉ, vòng quanh đầu kim rồi luồn tới lui mấy lượt thì làm nút áo hình hột lựu, hình hoa mai năm cánh, còn có hình đài sen nữa, hoặc đơn giản là hình tròn như ngọc trai với chỉ vàng như hoàng ngọc.

Mai cũng tập làm, nhưng cô siết chỉ không chặt, vừa buông mối chỉ ra là cái nút “banh chành” không còn hình dạng. A Cúc cũng không dễ dàng, làm lại mấy lượt mới thấy bà ngoại gật đầu. Đúng là không dễ chút nào!


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.