[Dịch]Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 103 : Buôn bán là phải có cạnh tranh rồi




Cuối tháng tư năm nay mưa đã đều trên khắp vùng. Mạ non xanh mướt trên ruộng làm nức lòng người nông dân.

Ngày cuối tháng a Sao một mình chèo ghe đến giao tổ ong của nhà mình và nhà Trương bá nữa. Trùng hợp là chiều hôm đó a Báo cũng mang gà rừng con, tổ ong còn thêm một rổ xoài đến. Thấy hắn lưng cõng gùi, tay ôm rổ, mồ hôi chảy dài thật tội nghiệp. Mấy đứa con trai gặp nhau đùa giỡn ha ha, hắc hắc cười lớn ở trong quán.

Từ ngày hai nhà kết sui gia, Hùng huynh không thường đến được nên chuyện hai nhà qua lại do a Báo lo. Bé trai mười mấy tuổi hiếu động nên hắn cũng thích chạy tới lui.

– A Báo, ngươi đủ tiền làm cung tên chưa?

– Chưa, chắc gần Tết mới đủ.

– Một mình ngươi dám chèo từ Giá Khê đến đây hả?

– Có gì không dám, trên sông cũng có nhiều người đi lại. Chèo mệt thì thả cho ghe tự trôi.

– Ngươi dạy ta chèo đi.

Hai đứa con trai kéo nhau lên ghe nhỏ, a Phúc và con Mực cũng theo góp vui. A Vĩnh đã trở lại học ở nhà Đỗ lang y chưa về. An ca không muốn theo, hắn muốn giữ quán kiếm tiền!

Mấy đứa cũng không chơi lâu, đường về La gia không gần. Một mình a Báo đi nên nương hối thúc hắn về sớm. A Sao đưa về một đoạn bằng ghe nhỏ còn hắn sẽ ở lại nghỉ một đêm sáng mai mới về Giá Khê.

Tiếng ễnh ương, tiếng ếch kêu ran ngoài đồng. Hai cái ao nuôi vịt đã gần đầy nước, đàn vịt vui vẻ lạch bạch lên xuống rất thoả mãn. Vừa lên giường thì nghe con Mực sủa rất dữ ở phía chuồng gà, gà trống gà mái cũng kêu loạn xạ. Chái nhà chỗ con trai ngủ có tiếng chân chạy ra. Vinh ca đốt đuốc theo sau.

– Rắn!

Ngọn đuốc rọi xuống mặt đất chổ lồng gà con. Con rắn to cỡ cùm tay, dài bốn năm thước đang nuốt con gà, chỉ thấy hai chân gà còn bên ngoài. Mấy đứa con trai cầm cây đập nó túi bụi. Nó vẫn đang nuốt con mồi nên không chống được, bò đi cũng không nhanh.

– Không biết nó nuốt mấy con rồi?

Ngũ cô đau lòng nói, nhìn bụng con rắn phình to vậy, bị đập chết đáng đời!

Mấy đứa con trai chưa tha cho nó, nắm đuôi đem vào sân, muốn mổ xem nó ăn mấy con gà. Mai sợ không dám nhìn nên đi vào buồng. Lát sau ngũ cô vào lên giường nói:

– Mới ăn một con, trước đó đã nuốt con chuột đồng bự, mấy con ếch nhái nữa. Nhờ con Mực nếu không nó còn muốn ăn thêm.

Đêm dần sâu, mây đen che con trăng già, mưa đêm lộp độp trên mái lá. Mai quấn cái mềnh quanh người, xoay nghiêng rồi co người cho ấm hơn.

Trong mênh mang trời nước, một mình cô lênh đênh trên chiếc ghe nhỏ, không có a Vĩnh bên cạnh như mọi ngày. Bỗng dòng nước như bị hút cuồn cuộn như xoáy vào miệng hang. Phía trước là đám bèo, mấy khúc cây cứ bị hút đi. Đàn gà, đàn vịt nhà cô cũng bị hút hết vào, tiếng gà vịt há mỏ kêu quang quác. Mà sao cô không thực sự “nghe” được, giống như mọi âm thanh xung quanh bị “ăn” mất.

Chiếc ghe nhỏ chòng chành, Mai không thể thoát ra khỏi vòng xoáy. Càng đến gần lực hút càng mạnh, mình cần biết phía trước là gì mới có thể tìm cách thoát khỏi được. Nghiêng ngả đứng lên, cái mà cô nhìn thấy làm cả thân lạnh giá, hồn vía lên mây. Miệng hang mà cô nghĩ thật ra là miệng con rắn to, nó đang hút tất cả vào bụng mình.

Hai răng nanh trắng loá, những giọt độc đang tiết ra. Mấy cái vẫy xanh loé lên dưới ánh trăng. Giờ cô thấy cái lưỡi đỏ chạch rít lên và nghe âm thanh the thé như tiếng sáo sai điệu chói tai. Tiếng rít đột ngột như người ta vừa vặn nút “on” trên ti vi vậy.

Cả chiếc ghe bị hút nhanh vào miệng rắn, càng lúc càng nhanh như lốc xoáy, tiếng rít càng chói tay. Ánh chớp loé lên chiếu sáng vòm miệng con rắn sâu thẳm như đường hầm, Mai hét lên như muốn át tiếng sấm chớp.

Ầm, ầm, ầm!

Ngoài trời tia chớp vừa dứt thì sấm ầm ầm tới. Là mơ thôi! Ác mộng làm tim Mai đập thịch thịch, cả người cứng đơ. Là do nằm nghiêng máu huyết không lưu thông nên mới có ác mộng này, cô gắng xoay người, tự nhủ.

Mưa ngừng trong chốc lát lại tiếp tục lộp độp rơi. Phía đông le lói sắc hồng, gà gáy báo sang canh râm ran bốn phía làm Mai bình tâm đi vào giấc ngủ.

Sáng nay là ngày chợ phiên đầu tháng năm, nhà Lưu tam bá cũng khai trương cửa tiệm. Tiệm đặt ngay ngã ba con rạch lớn và lối rẽ từ vũng Đông Hồ, hơi cách xa nhà Lưu tam bá. Vị trí này rất thuận lợi để người trong làng đi lại. Giống như lần đãi Tân gia, sớm nay nhiều người được mời đến khai trương quán, tiếng nói cười rôm rả.

Lúc cha đi dự khai trương về thì cả nhà đang ăn cơm, mặt cha có vẻ lo lắng, nương thấy vậy hỏi:

– Chuyện gì vậy?

Cha thở dài, nhăn mày nói.

– Lúc nãy Dương ông nói ông bị triệu lên Lũng Kỳ vào rằm này, sợ là có biến. Năm rồi không nghe lệnh quan sai đòi dâng nạp sản vật như lệ thường; không biết lần này lành dữ ra sao.

– Có Đỗ lang y ở đó không cha?

Mai hỏi.

– Không, tam bá có mời nhưng lang y nói là bận bịu không đến. Con hỏi làm gì?

– Con nghĩ lang y đi lại nhiều, có thể biết chút tin tức. Gần rằm dượng năm cũng đến, dượng cũng có thể biết. Nghe Mai nói mọi người gật đầu.

– Ừ, ta đến nhà lang y hỏi thử. Nhà còn trà ướp sen không?

Cha hỏi nương.

– Còn một ít, ta gói lại đưa chàng.

Mai thấy mọi người chưa yên tâm nên nói tiếp:

– Dượng năm đi lại các nơi, cũng quen biết không ít người. Nếu có bất thường chắc chắn dì dượng sẽ báo nhà mình.

– Ừ, phải rồi. Chàng đừng quá lo lắng.

Lúc này thì cả nhà mới bình tĩnh nghĩ lại, đúng là như vậy. Nhờ chuyện bán bạch lạp nên quan hệ giữa dì dượng và nhà mình thân thiết hơn, nếu thật sự có tin quan trọng sẽ nhắn về.

– À, có hai người đến phụ đóng ghe, ngày mai đến, có ăn cơm trưa, chiều thì họ về nhà ăn.

Cha nói để cả nhà biết mà chuẩn bị nấu thêm phần cơm trưa. Tháng rồi công việc chính ở xưởng là đốn gỗ về ngâm, cưa xẻ tấm lớn. Giờ có hai người đến phụ thì người nhà mình bắt đầu đóng ghe được rồi. Mai không biết nhiều người trong làng, nên cô không có ấn tượng với hai người sắp đến làm trong xưởng.

– Cha, lúc đầu để hai người đó cưa xẻ thân cây thôi.

Mai lên tiếng nhắc cha, thâm ý trong đó cha đương nhiên hiểu.

– Ta biết, để làm thử xem sao. Mấy đứa cũng chú ý quan sát, biết không?

Câu sau là nói với thất thúc và các ca đang làm trong xưởng.

Buổi chiều trời mát, An ca và Mai đang ngồi trong quán thì a Phúc và con Mực chạy đến.

– Ca, tỷ, quán bên kia cũng giống nhà mình đó, chỉ không có gà vịt con thôi.

– Vậy à?

An ca dừng tay sắp trứng gà vào rổ, hỏi a Phúc.

– Giá bán bằng mình không?

– Bằng. À, mực khô cá khô rẻ hơn, mà con mực nhỏ hơn chỉ cỡ hai bàn tay đệ.

Xem ra a Phúc là cố ý qua đó dò xét. Mai quay nhìn sang a An ‘là hắn kêu a Phúc đi sao, có tiền đồ đó, cũng biết tìm hiểu đối thủ cạnh tranh’.

Mai rót chén nước cho nhóc Phúc, lấy tay lau mồ hôi hai bên má hắn. Ba anh em ngồi trên ghế gỗ dài trong quán, nhìn ra mặt nước Đông Hồ in bóng mây trời trong nắng nhạt. A An đếm xong số trứng gà quay sang nói.

– Tương huynh sắp đi chành, chắc sau Tết Đoan ngọ là đi. Ta nghĩ huynh ấy sẽ mua đồ về nữa. Lần này có quán của Lưu tam bá thì quán mình khó bán hơn.

– Đúng, ý ca sao?

– Mình phải bán nhiều món hàng khác nhau để người ta mốn mua gì đều có. Chỉ là mình không ngăn quán bên kia làm giống được.

A An càng ngày càng thuần thục chuyện buôn bán. Trước đây để ca ấy làm là đúng sở trường rồi.

Thật ra ở hiện đại Mai không học kinh tế hay thương mại nhưng hàng ngày đọc tin tức, thông tin về thương trường nên cũng biết chút ít. Tiếp lời a An, Mai nói ra mấy tính toán của mình.

Cô định gặp Tương huynh thương lượng việc đặt những loại hạt giống hoặc các món hàng huynh ấy mua và chỉ bán cho quán mình. Những món khác mình không lo tới. Huynh ấy cũng nên nói rõ với nhà Lưu tam bá biết. Như vậy ba nhà sẽ không mích lòng nhau, vẫn giữ tình chòm xóm.

– Ca nhớ nhà thím Po Pha ở làng Thạch không? Muội muốn mua mấy món đồ trang sức, mình bán cho dì dượng năm càng tốt.

– Ừ, ca sẽ xin nương đi chợ Sông Lớn hỏi thím ấy.

– Bên chỗ Tiêu Ân thúc nữa, nghe nói thúc ấy cũng làm mua bán ở Lũng Kỳ, Cần Vọt. Chắc sẽ có nhiều món đồ tốt.

– Được, sao ta quên chứ?

Gần như Mai đã lôi hết mấy mối quen biết với nhà mình rồi. Cô nghĩ làm cửa tiệm mình như ‘đại lý’ vậy. Từng bước làm để a An quen dần rồi sau tự phát triển. Thật ra cô cũng chỉ biết đến nhiêu đó thôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.