[Dịch]Giấc Mộng Đế Hậu

Chương 70 : Quan trường (20)




Con mắt Tông đế cong lên, nở nụ cười ôn hòa, vừa cười vừa nói

"Hiếm khi có dịp vui vẻ thế này, mọi người tiếp tục chơi nào, đừng để mất hứng. Tiếp tục lên bóc bài nào. Trần khanh, trẫm ân chuẩn để khanh lựa chọn người tiếp theo đấy.""

Thanh Nguyên nở nụ cười giả tạo điển hình, vâng một tiếng, bảo

"Trước giờ thần vẫn nghe danh đại tiểu thư nhà Tiêu gia chẳng nhường hoa nhường nguyệt thẹn mà còn là một tài nữ nổi danh. Vậy xin Tiêu đại tiểu thư lên bốc trước."

Tiêu Trang sửng sốt ngước đầu lên, phát hiện mọi ánh mắt trong Thanh điện đều tập trung trên người mình, thì vội xấu hổ cúi xuống.

Tiêu gia là một trong tứ đại phú thương của kinh thành nên tất nhiên cả ba vị tiểu thư đều được mời dự tiệc.

Tiêu Lam mìm cười dịu dàng, khẽ huých vai Tiêu trang

'Kìa, đại tỷ, Trần đại nhân đang gọi tỷ đó."

Lúc này Tiêu đại tiểu thư mới hoàn hồn lại, run run bước ra phía trước.

"Có tiểu nữ."

Thanh Nguyên đưa xấp bài cho cô nàng, nói

"Xin tiểu thư hãy bốc một lá."

Tiêu Trang thất thần bốc ngay lá giữa. Thanh Nguyên hài lòng mỉm cười. Thực ra nếu lúc đó Tiêu Trang bình tĩnh một chút, cô sẽ nhận ra trong những lá bài được xếp ngay ngắn trên khay, có một lá chính giữa hơi nhô ra ngoài một chút.Trong tâm trạng hốt hoảng, Tiêu đại tiểu thư vô thức chọn ngay lá chính giữa. Khi con người rơi vào trạng thái căng thẳng, bị ám ảnh với ý nghĩ sẽ thất bại, thì việc lựa chọn thế nào cũng chỉ mang tính hình thức. Vậy nên khi có một lựa chọn nổi bật hơn những lựa chọn còn lại, họ sẽ vô thức mà chọn ngay cái nổi bật hơn đó. Chỉ là một tiểu xảo tâm lý đợn giản, nếu là Tiêu Lam, e rằng sẽ không mắc bẫy sớm thế.

Càng đọc nội dung trên lá bài, khóe miệng Tiêu Trang càng cong lên, nở thành một nụ cười nồng đậm, kiểu "biến nguy thành an".

"Tháng mười một năm Tông đế thứ mười, thiếu tướng tứ phẩm Dương Quang một mình dẫn hơn hai nghìn quân xông thẳng vào hang ổ của bọn man di phương Bắc. Chỉ trong một đêm mà đã diệt sạch địch, vì dân trừ hại, không hổ danh anh hùng xuất thiếu niên. Nhưng cũng vì chiến đấu quá dũng mãnh, đã bị địch dâm chột một con mắt. Xưa vẫn nghe nói hồng nhan thì bạc mệnh, nào biết đời anh hùng cũng lắm gian truân. Tuy nhiên, anh hùng đi đâu vẫn là anh hùng, mất một con mắt hay hai con mắt thì vẫn là anh hùng.

Vậy hãy làm hai về đối để khôi phục khí thế người anh hùng."

Dương Quang nghe thấy tên mình thì há hốc cả mồm.

Trước ánh mắt đổ dồn chờ đợi của mọi người, Tiêu tiểu thư vừa lén nhìn Dương Quang, vừa đọc ngay mà không cần suy nghĩ

"Cung kiếm ra tay, thiên hạ đổ dồn hai mắt lại

Rồng mây gặp hội, anh hùng chỉ có một ngươi thôi." (Chú thích : Hai câu đối tặng một ông quan võ tên là Quản Long, tuy chột một mắt nhưng vốn nổi tiếng dũng cảm trong các trận chiến đấu chống Pháp

Tiêu Trang vừa dứt lời, đã có người tán ngợi ngay

"Về đối hay. Một ngươi là một con ngươi, vừa là một mình ngươi. Hay."

Tiêu tiểu thư đỏ mặt nói vài câu khiêm tốn, đương sự Dương Quang thì vẫn mù mịt quay qua hỏi Hứa Sơn.

"Nàng ấy đang nói tôi sao?"

Hứa Sơn chưa kịp trả lời, Tông đế đã cười ha hả, nói

"Cả triều anh hùng chỉ một ngươi, không phải ngươi thì là ai." (câu này nghĩa đen là cả triều đình anh hùng chỉ có một mình người này, nhưng nghĩa bóng là cả triều đình chỉ có người này là bị chột mắt, chỉ còn một con ngươi.).

"Xem ra Dương tướng không cần cung kiếm ra tay, thiên hạ cũng vẫn đổ dồn mắt." có người trêu đùa.

Dương Quang lén liếc trộm Tiêu đại tiểu thư, mỉm cười ngây ngô.

Khi hắn bị đâm hỏng mắt, hắn đã biết đời mình xong rồi. Chức quan của hắn vốn không cao, xuất thân không quyền quý, muốn tìm một người vợ danh môn đã khó, nay lại còn chột mắt, xem như đã định sẵn cô độc cả đời.

Mắt đã chột khó lòng lãnh quân đánh giặc, nên lòng cũng nảy sinh ý định thoái lui từ quan hồi hương. Nay nghe hai câu đối của giai nhân, đột nhiên lại bừng bừng khí thế, hưng phấn đến độ chỉ hận không thề xông ra chiến trường ngay bây giờ,

Tông đế thấy hai người này lén liếc mắt đưa tình, bèn nổi hứng trêu đùa

"Thường nghe Hứa tướng quân bảo Dương Quang ngươi suốt ngày chỉ biết thao tướng luyện võ, không hiểu phong hoa tuế nguyệt (không phong lưu, lãng mạn), thân lại trấn thủ tận biên cương, e là sẽ không tìm được người nguyện lòng kết tóc se duyên. Nhưng theo trẫm thấy thì lời ấy Hứa Sơn ngươi nói sai rồi, dù thân hắn có tận nơi nao, thì vẫn "Hữu xạ tự nhiên hương"(Tài giỏi tự dưng người ta biết đến, như mùi hương tự phát ra muốn che giấu cũng không được). Hơn nữa, mùi hương ấy còn bay về tận khuê phòng của Tiêu tiều thư."

Tiêu Trang càng nghe càng xấu hổ, chỉ biết cúi đầu, Dương Quang thấy giai nhân đỏ mặt thì càng say mê. Hiền phi vừa cười vừa khẽ trách

"Hoàng thượng, người đừng trêu đùa Tiêu tiểu thư nữa, người ta vẫn còn là thiếu nữ chưa chồng đấy. Hoàng thượng, thần thấy Dương tướng quân vẫn chưa có thê tử, còn Tiêu tiểu thư vẫn chưa hứa gả cho ai, vừa hay cả hai người đều có tình ý với nhau, sao chúng ta không thay mặt nguyệt lão, se duyên cặp uyên ương này, "

Tông đế vỗ trán, như vừa sực nhớ ra, bảo

"Đúng rồi, sao trẫm không nghĩ ra nhỉ? Dương Quang, trẫm tuyên chỉ ban hôn cho ngươi và Tiêu đại tiểu thư, ban thưởng thêm một cây cung Hồng Phất, hai con thiên lý mã (Ngựa chạy nghìn dặm) , một hòm châu báu xem như lễ vật mừng tân hôn của trẫm. Mùng chín tháng này lập tức thành hôn. Sau khi thành hôn xong, lập tức quay về biên cương"

Dương Quang nghe thấy được trở về biên cương tiếp tục trấn giữ thì mừng như bắt được vàng, nhưng thấy Tiêu gia chỉ là phường thương nhân thì không mấy hài lòng, nhưng ngẫm lại bản thân cũng bị chột một mắt, lại còn phải ra tận biên cương trấn thủ, có thể lấy được vợ cũng đã xem như may mắn, nên cũng không nghĩ nhiều nữa, vội quỳ xuống lĩnh chỉ. Lúc đầu khi hắn mới bị hỏng mắt, hoàng thượng phái thái y ra tận biên cương để chữa trị cho hắn, hơn nữa còn ban thưởng rất hậu.

Nhưng sau thì chẳng ngó ngàng gì hắn, lại còn vô cớ điều hắn về kinh, hắn nghĩ có lẽ thánh thượng đã không còn trọng dụng hắn, muốn quẳng đại một chức vụ nho nhỏ trong triều rồi bỏ mặc. Nay vừa được ban hôn vừa được điều về biên cương, khiến ý định từ quan của hắn không cánh mà bay.

Tiêu Trang ngước nhìn Thanh Nguyên, ánh mắt tỏ vẻ cảm kích.

Một đạo thánh chỉ ban hôn được ban ra, đã gây ra biết bao sóng gió. Một vị quan ngũ phẩm nói nhỏ "Hoàng thượng quả thực quá sủng ái Tiêu gia."

Hứa Sơn vô tình nghe được, bèn nhếch miệng trào phúng. Sủng ái ư, Tông đế đang mài dũa móng vuốt cọp thì có.

Tiêu nhị tiểu thư thấy đại tỷ được ban hôn thì cũng mừng thay nàng, quay qua nói với Tiêu Lam

"Đại tỷ tương tư Dương tướng quân bao nhiêu năm qua, cuối cùng cũng được tác thành. Hơn nữa còn là đích thân thánh thượng ban hôn, thật vinh dự cho nhà ta."

Tiêu Lam thờ ơ đáp một câu, trong lòng thầm mắng Tiêu Trang quá ngu ngốc.

Có câu thương gia không đấu nổi quan gia, người buôn bán dù có giàu đến đâu vẫn bị thiên hạ xếp vào tầng lớp thấp, người đầy mùi tiền, mãi không thấy xứng với bậc quan viên. Nay Tiêu gia chỉ là bậc phú thương, mà lại được ban đích thân Tông đế ban hôn cho bậc quan tứ phẩm, người đời ai cũng cho rằng đấy là vinh dự lớn lao rạng danh tổ tông, cho rằng Tông đế ưu ái Tiêu gia.

Nhưng thực tế là hoàng thượng đang đặt một cái vòng kim cô lên đầu Tiêu gia.

Ngẫm lại xem, Dương Quang tuy là quan tứ phẩm, nhưng xuất thân bần nông, lại trấn thủ tận biên cương, chẳng có tí quyền lực tại kinh thành. Tiêu gia đã không thể dựa vào danh tiếng của hiền tế (con rể) để tác oai tác quái, mà còn xem như mất đứt cô con gái.

Nói cách khác, gả cho nhà quan nghe thì sang nhưng thực ra còn thiệt thòi hơn gả cho bậc thương nhân. Nếu không phải Tiêu Trang không có tình ý với Dương Quang, bị người ngoài bắt được đuôi, thì làm sao có được một màn ban hôn ngày hôm nay.

Tiêu gia lại không có con trai, cứ thế sản nghiệp sẽ rơi vào tay ngoại thất (bên nhà ngoại, nghĩa là nhà chồng của con gái) Mà "ngoại thất" lớn nhất của Tiêu gia, chẳng phải chính là......

Tiêu Lam nghĩ đến đó, thì nở thành nụ cười hết sức mãn nguyện.

"Vậy thì thưa thánh thượng, hãy xem như toàn bộ sản nghiệp của nhà họ Tiêu là của hồi môn của thiếp vậy." cô thầm nhủ.

Tiêu nhị tiểu thư thấy Tiêu Lam không trả lời, bèn không nói gì nữa, chăm chú nhìn về phía trước để che giấu sự thất thố. Lâm Hiệp xoay xoay ly rượu trên bàn, nhìn chằm chằm Thanh Nguyên, lòng nghĩ, hoàng thượng chỉ hạ một khẩu dụ đơn giản : không được để Tiêu gia trở thành Dung gia thứ hai. Hắn đã ở bên người suốt nhiều năm mà cũng phải mất một lúc mới lý giải được ý người. Thế mà gã này chỉ nghe qua một lúc mà đã lập ra được một kế hoạch hoàn hảo, chỉ bằng một lá bài, vừa giữ chân được một tướng tài như Dương Quang, vừa giải quyết được mối họa nghìn đời của nhà đế vương : ngoại thích cấu kết triều, lộng hành tiếm quyền.

Gả họ Trần này không chỉ thông minh nhanh nhạy, mà còn cực kỳ thông hiểu thánh ý.

Thế nhưng, trong lịch sử cả nghìn năm nay, phàm là những người càng hiểu thấu lòng vua thì chết càng thê thảm.

Tông đế cầm tách trà lên nhấp một ngụm, tách trà vừa hay che được nụ cười đắc thắng của hắn.

Thanh Nguyên nói vài câu tâng bốc, chúc mừng vô thưởng vô phạt, Tông đế đang vui nên nghe gì cũng thấy hợp tai, khen ngợi vài câu. Kẻ tung người hứng rất ăn ý, đến nỗi người ngoài còn thực sự tin rằng ban hôn cho Dương Quang chỉ là việc ngẫu nhiên.

Lúc này, đột nhiên thái hậu hướng mắt nhìn cô gái ngồi ngay dãy đầu tiên bên phải, ân cần hỏi

"Uyển Quân này, mẫu thân cháu ở nhà có khỏe không?"

Uyển Quân là con gái độc nhất của An bang đại tướng Lương Hằng,

Dưới thời Sâm đế, Lương tướng quân cùng Hứa đại tướng quân - cha của Hứa Sơn - là hai võ tướng hàng đầu triều đình, đã lập biết bao công lao hạng mã.

Năm Sâm đế thứ chín, Nam quốc khiêu chiến, để nâng cao sỹ khí, Sâm đế quyết định đích thân chinh chiến.

Nhưng không ngờ trúng kế địch ,bị mai phục dồn vào góc núi, một nghìn quân hộ vệ chết hết sáu trăm.

Trong tình cảnh nghìn cân treo sợi tóc ấy, Lương tướng ôm quyết tâm hy sinh, giả trang thành Sâm đế, dẫn một trăm quân chạy về hướng ngược lại để đánh lạc hướng địch. Nhờ vậy Sâm đế mới bảo toàn được mạng sống.

Sâm đế cảm động trước tấm lòng trung thành của Lương Hằng, bèn truy phong ông là An bang đại tướng nhất phẩm, ban cho họ "Chung" cao quý.

Tuy Lương tướng đã mất, nhưng danh tiếng của ông vẫn vang mãi, được binh sỹ kính nể vô cùng.

Ngay cả Hứa đại tướng quân quá cố tuy nắm trong tay binh quyền nhưng cũng không được trọng vọng bằng,

Chung Uyền Quân khẽ cúi người xuống, giọng nói thánh thót như chim hoàng oanh vang lên

"Bẩm thái hậu, mẫu thân vẫn rất khỏe ạ. Người còn bảo sau này có thời gian nhất định sẽ vào cung thăm thái hậu."

Thái hậu vui vẻ gật đầu, nói tiếp

"Uyển Quân cũng đã đến tuổi lo chuyện chung thân rồi. Có đối tượng chưa?"

"Bẩm, chuyện hôn sự của con cái do trưởng bối quyết định. Cháu nào dám tự ý quyết định." Uyển Quân uyển chuyển đưa ra câu trả lời hợp lễ.

Thái hậu cảm thán nói

"Mới hôm nao tiên đế ôm cháu vào cung chơi, lúc đấy còn nhỏ như con mèo con, mà bây giờ đã có thể làm vợ người được rồi. Hoàng thượng, mấy hôm trước An bang phu nhân tiến cung thăm bản cung, có đề cập đến chuyện chung thân của Uyển Quân. Bà ấy rất ưng ý Di thân vương, vừa hay Di thân vương cũng lập chính phi, Uyển Quân cũng là bậc tài nữ học cao hiểu rộng. rất xứng đối. Hoàng thượng thấy thế nào?"

Tông đế ra chiều khó xử, nói

"Vậy thì hỏng rồi. Mẫu hậu có điều không biết, tân khoa trạng Nguyễn đại nhân có công trị thủy, mấy hôm trước trẫm đã hứa sẽ ban hôn cho hắn và Uyển Quân rồi."

Thái hậu không hài lòng, nghiêm mặt bảo

"Sao thế được. Uyển Quân là thiên kim nhà An bang đại tướng, hơn nữa còn được ban họ Chung, cũng xem như là họ hàng của hoàng tôc. Nguyễn Sinh Tân cùng lắm chỉ là trang nguyên tứ phẩm, xuất thân bần hàn, sao xứng với nó được. Làm vậy thật thiệt thòi cho nó. Bản cung không đồng ý."

Kỳ vương liếc nhìn thái hậu, nhớ đến danh tiếng phong lưu không mấy tốt đẹp của Di thân vương, bèn nói

"Thái hậu, Di thân vương tuy xuất thân danh giá, nhưng trong nhà đã có một con trai, một trắc phi, ba tỳ thiếp, nghe đồn còn đang dự định nạp thêm một tỳ thiếp nữa. Uyền Quân dù sao cũng là hoàng hoa khuê nữ (thiếu nữ khuê các), chưa hiểu sự đời, vừa phải quản lý cả một Di thân vương phủ to lớn, vừa phải trấn áp bốn người đàn bà, thật sự nằm ngoài khả năng"

"Phụ nữ trong thiên hạ này đã lấy chồng thì tất nhiên phải tự học cách tề gia, cho dù là vào Di thân vương phủ hay phủ trạng nguyên thì cũng thế thôi. Hơn nữa, đàn ông tam thê tứ thiếp là chuyện bình thường, Di thân vương lại là hoàng thân quốc thích, trong nhà có thêm một hai thê thiếp cũng không xem như quá đàng. Uyển Quân là chính thất được kiệu tám người khiếng qua cổng, đám thê thiếp đó sao dám quá phận?" thái hậu đáp.

Kỳ vương không đầu nổi với sự sắc sảo của thái hậu, bèn không thèm đáp lại, trong lòng bực bội nghĩ, Di thân vương kia có biệt danh là Nhị hoa, tài hoa đi kèm đào hoa, mới hơn hai mươi tuổi đầu mà đã có đến tận bốn thê thiếp, dùng đầu gối suy nghĩ cũng biết Uyển Quân gả vào nhà đó chắc chắn không có hạnh phúc. Chẳng qua vì Di thân vương là phe cánh của thái hậu, nên bà ta mới nóng lòng gả Uyển Quân cho hắn,rõ ràng là muốn dựa hơi danh tiếng của An Bang đại tướng quá cố.

Đột nhiên, Bình vương mỉm cười hiền hòa, nhìn Tông đế, chậm rãi nói

"Hoàng huynh, nếu đệ nhớ không lầm thì quê của Nguyễn đại nhân là ở Sa thành đúng không?"

Tông đế gật đầu.

"Có lần từng nghe hắn nhắc đến, hình như đúng là vậy."

"Vậy thì không ổn rồi. Không biết huynh còn nhớ không, ở Sa thành có một gia tộc họ Lư. Trưởng tộc vì đã từng mạo phạm Minh đế nên bị phán tội chết, tất cả những người còn lại trong tộc đều bị liên lụy, bị biếm thành nô tài, đời đời phải làm những việc thấp hèn. Mấy hôm trước, trong lúc trò chuyện đối ẩm, Lễ bộ thượng thư có đề cập về gia thế của Nguyễn đại nhân, trong đó có nhắc đến mẫu thân của cậu ấy họ Lữ. Hoàng huynh, những người mang họ Lữ không nhiều lắm, trong Sa thành thì chỉ có một Lữ gia thân mang tội kia. Vì vậy, thần đệ mạo muội suy đoán, xuất thân của Nguyễn đại nhân không chỉ đơn giản là bần hàn, mà mẫu thân của cậu ta còn là một nô tỳ. Uyển Quân sao có thể gả cho một người có xuất thân như vậy, trở thành con dâu của một nô tỳ?"

Tông đế nghe đến đó sắc mặt tối lại, trầm ngâm suy nghĩ không trả lời.

"Anh hùng bất kể xuất thân." Kỳ vương nói.

"Nhưng bây giờ chúng ta đang giúp Uyển Quân tuyển phu quân, không phải anh hùng." Bình vương bình thản đáp trả.

Nguyễn đại nhân cụp mắt xuống, nắm tay bấu chặt vào cạnh bàn, nhưng tuyệt không biểu lộ chút cảm xúc gì.

Trong chốc lát, bầu không khí căng thẳng bao trùm cả điện.

Đúng lúc này, một giọng nói vang lên phá hỏng cục diện rối rắm này

"Bẩm Bình vương, nếu Nguyễn đại nhân không xứng với Uyển Quân tiểu thư, thì Di thân vương càng không được."

Bình vương khẽ nhướn mi, cười hỏi

"Vậy phiền Trần đại nhân nói cho bổn vương biết, tại sao lại không được?

Thanh Nguyên nghiêng người cung kinh đáp

"Bẩm, Uyển Quân cô nương tuy không mang hàm danh quận chúa, nhưng đã được ban cho họ Chung cao quý, hơn nữa lúc nãy chính miệng thái hậu đã thừa nhận cô ấy là họ hàng của hoàng thất. Cũng được xem như là một thành viên của thiên gia. Di thân vương chưa lập chính phi mà đã có đến bốn thê thiếp. Đã vậy, còn dung túng cho trắc phi sinh con trai trước chính phi, rõ ràng là không tôn trọng chính phi. Uyển Quân tiểu thư thân phận cao quý, thế mà vừa phải vào cửa sau người khác, con trai trưởng lại không phải do cô ấy sinh. Chẳng phải càng thiệt thòi hơn sao?"

Di thân vương chậm rãi nói

"Đâu có luật lệ nào quy định không được nạp thiếp trước khi nạp chính phi. Hơn nữa, theo lễ thông thường, trắc phi phải do kiệu bốn người khiêng vào cửa trước. Nhưng bổn thân vương vì muốn thể hiện sự tôn trọng với chính phi nên đã hạ lệnh đổi thành đi cửa sau. Sau này người nối dõi tước hiệu thân vương của ta nhất định chỉ có thể là con trai của chính phi sinh ra."

Nguyễn trạng nguyên đáp trả

"Nhưng luật lệ cũng đâu có quy định con cái của nô tỳ không được phép cưới hoàng tộc."

"Chỉ là một quan trạng tứ phẩm mà dám trả treo với bản thân vương?" Di thân vương nheo mắt tỏ vẻ tức giận.

"Bẩm thân vương, đây không phải trên triều, lúc nãy thái hậu đã nói chỉ là gia yến, không cần quá câu nệ tiểu tiết. " Nguyễn đại nhân cứng cỏi đáp.

Uyển Quân nhìn hai người đàn ông khí thái bất phàm đang tranh cãi kịch liệt, đột nhiên chua chát nhận ra bản thân như một món hàng hóa, ai trả giá cao hơn sẽ mua được.

Mẫu thân thương cô như vậy, sao nỡ gả cô cho một kẻ thê thiếp thành đàn như Di thân vương. Rõ ràng là do thái hậu tự tiện quyết định.

Từ nhỏ cô đã thường xuyên ra vào cung đình bầu bạn với thái hậu. Chính thái hậu là người chứng kiến cô trưởng thành. Trong lòng cô, thái hậu hiền từ như người mẹ thứ hai..

Cha cô đã chết nhiều năm nay, binh quyền cũng đã giao trả cho triều đình, tất cả những gì cô có chỉ là cái hư danh vô thực của cha.

Chỉ là một chút lợi ích nhỏ, bà ta đã sẵn sàng đem cô gả vào nơi hang hùm ổ sói như phủ thân vương.

Nhưng cô chỉ là kẻ thân thế cô, sao dám lên tiếng phản đối.

"Thân vương, Nguyễn đại nhân, vậy sao chúng ta không để Uyển Quân tiểu thư tự quyết định sẽ gả cho ai?"

Uyển Quân nghe thấy bèn giật mình ngẩng đầu lên, phát hiện mọi người đang nhìn cô, mà người vừa nói lúc nãy là Trần đại nhân.

Thanh Nguyên nói tiếp

"Thanh thượng, yểu điệu thục nữ quân tử hảo cầu, Uyển Quân tiểu thư là một mỹ nhân tài sắc vẹn toàn, thân vương và Nguyễn đại nhân đều muốn được ban hôn cũng không phải lạ. Nhưng cứ tiếp tục trãnh cãi như vậy cũng không phải biện pháp hay, ngược lại còn làm tổn hại hòa khí đôi bên. Thần có một ý kiến như, hay là cứ để hai người họ tỷ thí với nhau."

"Tỷ thí thế nào?"

"Có câu, từ thơ hiểu người. Sẵn có những lá bài lệnh ở đây, bây giờ thần sẽ bốc một lá, chọn một đề tài, thân vương cũng Nguyễn đại nhân hãy làm một bài thơ theo đề tài đó, rồi đưa cho Uyển Quân tiểu thư xem. Để cho công bằng, hai vị không được đề tên mình vào bài thơ, mà hãy để tiểu thư chọn người tâm đầu ý hợp theo ý mình. Thánh thượng thấy sao ạ?" Thanh Nguyên nói một mạch không nghỉ.

Tông đế vừa nghe xong liến tán thưởng ngay

"Ý kiến hay. Được, cứ thế mà quyết định đi, Uyển Quân chọn ai thì trẫm sẽ ban hôn cho người ấy. Những người khác tuyệt đối không được dị nghị."

Nói xong lại quay sang thái hậu, giọng rất đỗi hiền từ, hỏi

"Mẫu hậu thấy phân xử thế này được không?"

Thái hậu ngẫm thấy không còn cách nào hay hơn. vả lại cũng công bằng không khuất tất, nên đành miễn cưỡng đồng ý.

Thanh Nguyên dâng khay đựng bài lên, Tông đế bốc một lá.

Xem xong bèn giơ cao lá bài để mọi người cùng thấy. Trên lá bài chỉ độc một chữ Sắt.

Trong điện lại rơi vào không khí im lặng như tờ.

"Chỉ có một chữ tối nghĩa, không có đề tài rõ ràng. Sao mà làm đây?" một vị công tử nói.

"Quả thật là hóc búa." một người khác phụ họa.

Vừa có người khơi lên, đã thành một phen ồn ào bàn tán. Một vài người bắt đầu tranh luận xem chữ Sắt này có huyền cơ gì. Thậm chí còn tranh đến mức cãi nhau.

Riêng hai kẻ đương sự vẫn im lặng.

Tông đế nhíu mày nhìn cảnh náo loạn nhao nhao trước mắt, tỏ vẻ không hài lòng, mở kim khẩu (miệng vàng) đọc

"Cô nguyệt môn trung thị

Ngôn thanh sơn thượng sơn.

Nghĩa là Trăng già thành trong của.

Lời trẻ non trồng non. Trẫm đố các khanh, đấy là chữ gì?"

Thoàng chốc mọi người lại im bặt.

Bình vươg suy nghĩ một chốc, bèn hiểu ngay ý của Tông đế, nhưng chỉ mỉm cười, không có ý định giải đáp.

Tông đế nhìn khắp một lượt, hỏi

"Sao? Không ai đoán ra à? Vậy thôi để trẫm gải. Cổ Nguyệt (trăng già) gồm chữ Cổ và chữ Nguyệt, hợp lại thành chữ Hồ. Môn trung thị (Thành trong cửa) nghĩa là chữ Môn bên trong có chữ Thành (thành thị), hợp thành chữ Náo trong náo động. Lời trẻ tức là chữ Ngôn (lời nói) hợp với chữ Thanh (thanh xuân, trẻ), kết thành một chữ Thỉnh (mời).

Sơn thượng Sơn (núi chồng núi) gồm hai chữ Sơn (núi) nằm chồng lên nhau, thành một chữ Xuất (đi ra). Cả câu này nghĩa là "Hồ Náo Thỉnh Xuất" (Ai làm náo loạn thì mời đi ra cho.)"

Mọi người nghe xong hiếu ý Tông đế nói xỏ họ, bèn xấu hổ cúi đầu, không ai dám bàn tán gì nữa.

Tông đế nghiêm mặt nói tiếp

"Đề tài càng khó thì càng bộc lộ tài hoa của mỗi người. Các khanh thân là thi nhân nghĩa sỹ, bụng đầy chữ, thế mà có chút chuyện đã náo loạn cả lên, còn thể thống gì nữa."

Mọi người càng cúi đầu thấp hơn. Tông đế nhìn thân vương và trạng nguyên, nói

"Trẫm cho hai khanh một nén nhang. Trong vòng một nén nhang, phải vịnh được một bài thơ về chữ Sắt này. Bài thơ của ai xuất sắc hơn, thì trẫm sẽ ban hôn cho người đó."

Vừa dứt lời, đã có hai người hầu bưng hai mâm Văn phong tứ bảo (giấy, viết, nghiên mực) để trên bàn của hai người kia.

Di thân vương không cần suy nghĩ, đã cầm ngòi bút lên đặt xuống giấy viết liên tục. Bàn tài uyển chuyển như múa như lượn trên giấy.

Nguyễn đại nhân suy nghĩ một chốc, cũng cầm ngòi bút lên bắt đầu viết. hắn viết rất chậm, nhưng ngòi bút có lực, nét nào nét ấy vững chãi tựa thái sơn.

Quả là Kỳ phụng địch thủ, Thanh Nguyên thầm nghĩ.

Chưa hết một nén nhang, Di thân vương đã bỏ bút xuống, chì một khắc sau, Nguyện đại nhân cũng làm xong.

Thanh Nguyên tiến lên cầm hai bài thơ lên, chỉ đọc thơ mà không đọc tên người viết,

" Cầm sắt ( Cây đàn sắt)

Cầm sắt vô đoan ngũ thập huyền

Nhất huyền nhất trụ tứ hoa niên

Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp

Vọng đế xuân tâm thác đỗ quyên

Thương hải nguyệt minh, châu hữu lệ

Lam Điền nhật noãn, ngọc sinh yên

Thử tình khả đãi thành truy ức

Chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên"

Dịch nghĩa :

Đàn cầm sắt 50 dây, biết đâu là manh mối !

Mỗi giây một trụ đàn nghĩ về tuổi hoa niên

Trang sinh giấc mộng buổi sớm mơhoá bướm

Vọng đế lòng xuân gửi vào chim đỗ quyên,

(Tiếng đàn như)bểxanh trăng sáng, ngọc trai ứa lệ

ấm áp trời Lam Điền, ngọc sinh khói vẩn .

Tình này còn dằng dai ghi nhớmãi

Hay chỉlà nỗi lòng gắt gay trong thoáng chốc ! "

Đọc xong, lại cầm bài thơ thứ hai lên, đọc tiếp

" Dao Sắt Oán (Nỗi oán của đàn ngọc)

Băng điếm ngân sàng mộng bất thành

Bích thiên như thuỷ dạ vân khinh

Nhạn lai viễn quá Tiêu Tương khứ

Thập nhị lâu trung nguyệt tự minh.

Dịch nghĩa :

Chiếu băng, giường bạc, mộng không thành

Mỏng nhẹ mây đêm, trời nước xanh

Qua khỏi Tiêu Tương, tiếng nhạn đuối

Mười hai lầu vắng, một vầng trăng."

Chất giọng khàn của Thanh Nguyên ngược lại lại rất thích hợp với giọng thơ, khiến mọi người như bị nhấn chìm dước ý thơ.

Bài thơ vừa dứt đã nghe tiếng ca ngợi xôn xao, nhưng vì e dè Tông đế nên ai cũng cố đè nén âm vực xuống.

"Đúng là kẻ tám lạng người nửa cân. Cả hai bài đều hay tuyệt như nhau."

"Từ một chữ Sắt khô khan mà có thể vịnh ra một bài thơ dạt dào tình ý như vậy, thật sự là tài hoa xuất chúng."

Tông đế im lặng nghe hết những lời tán tụng đấy, rồi quay qua hỏi Uyển Quân

"Uyển Quân, hôm nay muôi mới là chủ khảo. Muội thử nói xem, bài nào hay hơn?"

Uyển Quân khẽ ngâm nga hai bài thơ, rồi nói

"Trong bài thơ Cầm sắt, tác giả đã khéo léo vận dụng ý thơ trong câu thành ngữ "Duyên cầm sắt", ý chỉ một mối tình đẹp, lãng mạn. Đồng thời còn vận dụng khéo léo những điển tích cổ xưa như Vọng đế hóa chim quyên, Trang Sinh với giấc mơ hóa bướm, để ám chỉ nỗi day dứt khôn nguôi giữa mộng và thực, giữa giấc mộng cầm sắt đẹp đẽ và hiện thực tàn nhẫn. Bài thơ mang phong cách lãng mạn, đài các, chứng tỏ người làm thơ cũng là một người cao quý."

Mọi người nghe tới đây đều gật gù tỏ vẻ tán thưởng, rồi vô thức nhìn về phía Di thân vương, cho rằng đấy là do hắn làm.

"Còn về bài Dao sắt oán. Bài thơ diễn tả nỗi niềm tương tư trai gái một cách vô cùng tao nhã và kín đáo. Những hình ảnh "chiếu băng", "giường bạc" "mây mỏng nhẹ" được vận dụng rất khéo léo, viết về những chuyện phong hoa tuyết nguyệt (phong lưu hưởng lạc) nhưng không gây cảm giác thô tục. Ý thơ ai oán nhưng vẫn vô cùng dịu dàng, nhẹ nhàng. Từ ý thơ trong bài, cho thấy người viết thơ là một người cô độc, thoát tục, đích thực là một trang chính nhân quân tử."

Một vài người liếc nhìn Nguyễn đại nhân, quả thật chính nhân quân tử là phong thái làm người đó giờ của hắn.

Thái hậu nhìn Uyển Quân, dịu dàng hỏi

"Vậy, một người thoát tục, một người tôn quý. Theo con, bài thơ nào hay hơn?"

Uyển Quân suy nghĩ một lúc, chần chừ trả lời

"Bẩm, trong bài Dao sắt oán, người viết thơ dùng hình ảnh sông Tiêu Tương để ẩn dụ. Sông Tiêu Tương nổi danh là "Tuyệt Tình Hà", từng có rất nhiều cặp uyên ương vì yêu đương không thành mà cùng nhảy xuống. Tuy là một giai thoại tình yêu tuyệt đẹp, nhưng cũng chứa đầy oán khí. Dùng một hình ảnh như vậy lồng vào bài thơ, tuy rất mỹ lệ, nhưng cũng bộc lộ được sự oán hận cuộc đời của người viết, chứng tỏ người này chẳng mấy lo toan quốc gia đại sự, có thể đau khổ vì tình mà chẳng biết yêu lấy dân chúng. Hơn nữa, còn vận dụng hình ảnh "mười hai lầu vàng", có thể cho thấy người này suốt ngày chìm đắm trong sự xa hoa tột đỉnh. Người như vậy, chỉ có thể suốt đời là bậc thi sỹ tài hoa, tuyệt không phải anh hùng cái thế. Ngược lại, bài Cầm Sắt vận dụng đến hai hình ảnh Vọng đế hóa chim và núi Lam Điền. Vọng đế sau khi mất nước hóa thành chim, chỉ biết kêu Quốc , quốc (quốc gia). Núi Lam Điền nổi tiếng có nhiều ngọc quý, chính vì vậy đã gây ra biết bao cảnh đổ máu do giành ngọc. Gần đây đã xảy ra hai vụ thảm sát thương vong đến hơn mươi mạng người cũng do tranh giành ngọc trên núi mà gây ra. "Núi Lam Điền ngọc sinh khói vẩn" ý chỉ ngọc tuy đẹp nhưng chỉ gây ra những chuyện vẩn đục. Dùng đến hai hình ảnh này, chứng tỏ người viết ý thực được nỗi đau mất nước sâu sắc của Vọng đế, chí tại bốn phương, lo trước cái lo của thiên hạ, đau trước cái đau của muôn dân. Một người như vậy, mới thực là bậc anh hùng. Uyển Quân xưa nay vốn ngưỡng mộ những vị anh hùng như thế, đành bất chấp xấu hổ mà chọn bài Cầm Sắt."

Nguyễn đại nhân nghe xong bèn cười toe toét, còn Di thân vương thì tối sầm mặt lại.

Tông đế không bộc lộ cảm xúc gì, nhưng khóe miệng đã giương lên cao, nói

"Đấy chỉ là nhận xét một phía của Uyển Quân thôi. Cũng chưa chắc là thật, thân vương và Nguyễn đại nhân chớ nên để trong lòng rồi sinh khó chịu. Nếu Uyển Quân đã chọn bài Cầm Sắt, vậy xem như Nguyễn đại nhân thắng, truyền khẩu dụ của trẫm, ban hôn cho tiểu thư nhà An Bang đại tướng Chung Uyển Quân và tân khoa trạng nguyên năm nay. Ban thưởng thêm tám thùng châu báu, xem như của hồi môn. Mùng tám tháng sau cử hành hôn lễ."

Thái hậu trong bụng đầy oán giận, nhưng rõ ràng là Di thân vương đã thua, nên cũng chỉ đành nuốt giận.

Di thân vương vì mấy câu nhận xét thật lòng của Uyển Quân mà tức giận phất tay áo xin cáo lui.

Bình vương nhìn bóng lưng hắn, nghĩ, người này quả thật chẳng phải trang nhân tài.

Từ đó trong kinh thành lại có thêm một giai thoại mới.

Uyển Quân vì làm trái ý thái hậu, sợ phải đối mặt với bà ta nên cũng tìm cớ cáo lui.

Tông đế vừa vuốt cằm vừa nói với Hiền phi

"Cái trò Tửu lệnh này quả thật rất thú vị, mới bốc hai lá bài mà đã tác thành được hai mối lương duyên. Hay ái phi thử chọn một người lên bốc nữa xem sao."

Hiền phi duyên dáng gật đầu tuân lệnh, rồi lại phóng mắt nhìn khắp một lượt, đọc lên

"Song tải tam nguyên thiên hạ hữu (Hai năm, ba lần đỗ đầu thiên hạ vẫn có)

Độc danh nhất bảng thế gian vô (Nhưng một mình ghi danh riêng một bảng thì thế gian chưa từng thấy)"

Vừa nghe xong về đối, Lâm Hiệp hơi ngẩn người ra, rồi đi lên phía trước, cúi người thưa

"Dạ có thần."

Trong kinh ai cũng biết người lập ra kỳ tích mười bốn tuổi đã đậu trạng nguyện, hơn nữa vì bài làm quá xuất sắc mà được chánh chủ khảo Trịnh thái sư cho yết riêng một bảng, chỉ có Lâm Hiệp.

Vế đối này rõ ràng là chỉ hắn.

Hiền phi mỉm cười, nói

"Lâm đại nhân lên bốc một lá bài xem sao. Lâu lắm rồi bản phi không được thấy Lâm đại nhân ứng đối, làm thơ. Thiết nghĩ các tiểu thư ở đây cũng muốn được chiêm ngưỡng tài hoa của đại nhân."

Lâm Hiệp không tỏ ra kiêu ngạo khi được khen, cũng không nói những câu khiêm tốn sáo rỗng, bình thản bốc một lá bài.

Thanh Nguyên dõng dạc đọc nội dung trong lá bài

"Người bốc trúng là bài này chắc chắn là người khí tiết trung dũng. vậy hãy dùng câu "Anh hủng cái chết tựa lông hồng" để vịnh một bài thơ bằng chữ Nôm."

Lâm Hiệp trước giờ vẫn quen làm thơ chữ Hán, chưa từng làm thơ Nôm. Ai cũng biết một người nếu đã quen với loại chữ nào thì thường khó mà làm thơ theo một loại chữ khác.

Sự khác nhau giữa chữ Nôm và chữ Hán ở nơi này, tương tự như sự khác biệt giữa tiếng Việt và tiếng Hán Việt ở thời đại của cô.

Tuy cùng một bảng chữ cái nhưng khác xa vô cùng.

Hơn nữa, "Cái chết tựa lông hồng" là một câu thành ngữ chữ Hán, dùng câu mở đầu như thế mà làm một bài thơ Nôm thì quả thực không dễ.

Nhưng Lâm Hiệp cũng chỉ khẽ nhíu mày một cái, rồi ứng khẩu thành thơ ngay

"Anh hùng cái chết tựa lông hồng

Khí tiết muôn đời vọng núi sông

Từ cổ chí kim muôn đời thế

Đất Chung còn vang tiếng con cháu Thủy Thần."

Nghe xong bài thơ, Hiền phi mỉm cười khen ngợi

"Súc tích, ngắn gọn mà dễ hiểu. Quả đúng là bản chất của thơ Nôm. Lâm đại nhân quả không hổ danh là trạng nguyên đề tên riêng một bảng. Hoàng thượng này, thiếp thấy bài thơ này rất hay, vừa thể hiện bản chất anh hùng của dân ta, lại còn rất dễ hiểu, có thể truyền bá rộng rãi trong dân gian. Sao người không cho in vào sách dạy học cũa dân chúng?"

Tông đế cười khen chí phải rồi bảo Lễ bộ lo liệu việc này.

Trọng trách tìm người tiếp theo lên bốc bài tiếp tục giao cho Lâm Hiệp.

Lâm Hiệp suy nghĩ một chút, nói

"Phụ mẫu lão, nhi tử đới thượng đầu." (Cha mẹ già, con cái đội trên đầu.)"


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.