[Dịch]Đại Vận Mệnh

Chương 6 : TRUY TUNG.




Mấy ngày sau đó, cũng trong ngôi lữ quán nhỏ hoang sơ vùng Hoàng Long Khấu ở phía tây Phục Ngưu Sơn đang có sự hiện diện của bốn người bọn Lý Phi Dương. Sau khi nghe Phi Dương thuật lại đầu đuôi mọi chuyện, ba người còn lại lặng người đi vì kinh ngạc. Cuối cùng nghe Tất Thu Phàm thở dài:

- Thật chẳng thể ngờ chân tướng sự việc lại là như thế. Lã Kính đại nhân lặng thầm hi sinh danh dự bản thân vì đất nước, tấm lòng ấy khiến ta khâm phục vô cùng. Ai, cũng thật may là không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra. Nếu không thì mấy người chúng ta chính là tội nhân thiên cổ rồi.

Triệu Du Thiên tiếp lời:

- Đã như vậy chúng ta không thể để Lã đại nhân thêm bận tâm phiền muộn. Chuyện tìm kiếm và bảo hộ tiểu nha đầu ngốc nghếch kia chính là việc cần làm nhất hiện nay.

Nói đến đây họ Triệu nở một nụ cười ranh mãnh, nhìn về phía Lý Phi Dương và nói:

- Tứ đệ, chuyện này không thể để chậm trễ thêm một khắc nào nữa. Hà, nói về bản lĩnh truy tìm dấu vết mỹ nhân, họ Triệu này rất tin tưởng ở khả năng của mình. Tứ đệ, hãy mau chóng lấy bức họa quyển kia ra cho mọi người cùng xem nào.

Hứa Khang nghe vậy hừ lạnh một tiếng:

- Lão Tam, nhất định ngươi không được phép có ý đồ gì với cô gái ngây thơ này. Nếu không..

Hứa Khang chưa dứt lời thì thấy Lý Phi Dương đã trải bức họa vẽ hình Lã Thăng Bình lên bàn. Vừa trông thấy bức họa đó, Triệu Du Thiên đã kêu lên:

- Quả thật là một tiểu mỹ nhân hiền thục. Tứ đệ, với mối thâm tình giữa Lã đại nhân và phụ thân đệ, có khi nào hai nhà đã định sẵn hôn ước giữa đệ và vị tiểu thư họ Lã này không?

Lý Phi Dương nghe thấy vậy đỏ mặt ấp úng: “Cái này thì…” Trông thấy vậy Triệu Du Thiên vỗ tay cười:

- Vậy là ta đoán đúng rồi nhé. Ha ha, lão Tứ yên tâm. Ta sẽ gắng hết sức đi tìm lệnh muội về cho đệ.

Hứa Khang khẽ cau mày, đưa tay nắm nhẹ lấy vai họ Triệu kéo xuống:

- Lão Tam đừng làm loạn nữa. Hừ, hãy để lão Đại tập trung vẽ thêm ba bức hình nữa. Bốn người chúng ta chia thành bốn lộ tuyến tìm kiếm Lã tiểu thư. Từ Biện Kinh phủ về Thương Châu có thể có nhiều lộ trình, nhưng cơ bản thông thường người ta sẽ chọn…Kìa, lão Tất làm sao thế?

Đang nói Hứa Khang chợt trông thấy biểu cử khác lạ của Tất Thu Phàm thì giật mình kêu lên. Để ý thấy lúc này Tất Thu Phàm nhìn Lý Phi Dương chằm chằm, sau đó ông ta buột miệng lên tiếng:

- Tứ đệ, không biết Tứ đệ có hứng thú theo đuổi con đường hội họa chăng. Chỉ cần đệ muốn, ta cam đoan sẽ dốc túi truyền nghệ.

Triệu Du Thiên nghe vậy ngạc nhiên hỏi:

- Sao đột nhiên Tất đại ca lại hỏi như vậy?

Tất Thu Phàm thở dài một tiếng:

- Nói ra thì thật là xấu hổ. Ta mười tám năm chuyên tâm với họa pháp, hai mươi năm trước được hoàng thượng ba lần hạ chỉ triệu vào cung để khắc họa long nhan. Lại còn được ngự phong mấy chữ: Thiên hạ đệ nhất họa sư. Lúc ấy họ Tất ta lấy làm đắc chí lắm, tự nhủ rằng trên đời này chẳng có mấy người nào có thể sánh bằng mình. Ấy thế nhưng một lần vô tình đi đến Tiền Trúc lâu, nhìn thấy bức họa treo trên bờ vách phía tả. Hỏi ra mới hay rằng đó là họa tích của một vị kiếm khách hãy còn rất trẻ tên gọi Tiêu tương nhất kiếm Lý Phong. Lúc đó ta lấy làm xấu hổ lắm, tự nghĩ rằng nếu người này chuyên tâm vào hội họa, chỉ một thời gian ngắn nhất định sẽ vượt mặt Tất Thu Phàm này. Bởi thế họ Tất ta quyết định phóng bút, lêu lổng khắp chốn giang hồ vậy.

Hứa Khang nghe vậy ngẩn người:

- Lão Tất đang nói đến thân phụ của Tứ đệ chăng. Thảo nào đột nhiên lại có ý định đem họa pháp truyền lại cho lão Tứ. Ha ha, có phải là Tất lão ca lại đang nhớ đến quá khứ ngày xưa chăng?

oOo

Sau lần hội ngộ ở Hoàng Long khẩu, bốn người bọn Lý Phi Dương chia nhau ra truy tìm tung tích của Lã Thăng Bình. Xét về bản lĩnh, bốn người này đều là những cao thủ truy tung thượng hạng, lại nhờ có bức họa đồ vẽ chân dung của tiểu thư nhà họ Lã, bởi thế công việc xem ra đang có mấy phần khởi sắc.

Mười ngày sau đó, ở một khách điếm trong Giang Lăng trấn, Lý Phi Dương đang cố gắng truy tìm tung tích của Lã Thăng Bình. Hơn mười ngày truy tung vất vả không nghỉ ngơi mà vẫn chưa thấy tung tích của Thăng Bình, chàng đang vô cùng nóng ruột.

“Tiểu nhị, không biết đã từng trông thấy một vị cô nương nào hình dung như thế này chưa?” Vừa nói, Phi Dương vừa dở họa quyển ra cho tiểu nhị khách điếm xem.

Vừa trông thấy bức họa, tên tiểu nhị nheo mắt lại nhìn rồi lắc đầu:

- Rất tiếc đã không giúp đỡ gì được khách quan. Sự thực chưa trông thấy một vị cô nương nào hình dung như thế này.

Lý Phi Dương nghe vậy cho tay vào người lấy ra một miếng bạc vụn đặt lên bàn, nhẹ giọng này:

- Đây là chút thù lao công xá, tiểu nhị ca ca vui lòng nhận đi và cố nhớ lại xem gần đây đã từng gặp qua vị cô nương nào nhìn giống bức hình này chưa.

Tên tiểu nhị khẽ lắc đầu:

- Khách quan, những mỹ nhân như thế này tôi gặp qua chẳng nhiều, bởi thế phàm là đã gặp qua người nào thì sẽ có ấn tượng với người đó. Tuy nhiên rất tiếc vị cô nương giống thế này tiểu nhị tôi chưa từng gặp. Không giúp gì được khách quan rồi, bạc này tôi không dám nhận.

Lý Phi Dương nghe thấy vậy thở dài chán nản:

- Thôi không sao. Đây xem như là chút thành ý của tại hạ vậy. Ài, làm ơn cho tại hạ xin một bình liệt tửu và vài món nhắm.

Nói xong chàng tiến lại góc phòng, chọn một chiếc bàn trống phía góc rồi vội ngồi xuống. Ở Giang Lăng trấn, khách điếm này dường như là chốn dừng quân duy nhất của các lữ khách lỡ bước độ đường, bởi thế mà hiện tại trong quán khá đông người. Trong lúc chờ đợi đồ ăn dọn lên, Phi Dương miên man suy nghĩ: “Đã mười ngày liên tục dò hỏi mà vẫn chưa thấy tung tích của Lã cô nương rồi. Ài, cố gắng thêm vài ngày nữa, nếu vẫn không được thì ta đành phải tìm đến Thần kiếm sơn trang vậy.”

Chẳng ngờ trong lúc lơ đễnh, một thanh âm nhỏ - tiếng thì thào trò chuyện của hai vị khách phía bên trái - vô tình lọt vào tai chàng:

- Trương đại ca. Huynh một mạch bôn tẩu sáu ngày trời liên tục là vì cớ gì vây.

- Suỵt. Lần này ta kiếm đệ gấp gáp như vậy là có lí do riêng để nói. Ài, đáng lẽ tửu quán này không phải là một nơi thích hợp để bàn chuyện này nhưng thời gian cho chúng ta không còn nhiều nữa.

- Được, đệ sẽ cẩn thận hơn. Đại ca nói đi. Rút cục là có chuyện gì vậy?

- Đệ biết gì chưa. Tiểu thư nhà họ Lã đã bỏ nhà ra đi nửa tháng trước đấy.

Nghe được vậy Lý Phi Dương giật nảy mình. Đến đây chàng chăm chú lắng nghe, có mấy tiếng xì xào phía bàn trước:

- Quả là có chuyện này chứ? Trương Bản, huynh có chắc không vậy?

- Ta cũng không dám chắc mười phần. Nhưng nghe biểu muội ta là nha hoàn ở Lã phủ, trong lúc về thăm nhà tuần trước đã vô tình tiết lộ chuyện này.

- Nói như vậy thì…

- Lần này đến đây chính bởi vì chuyện đó. Nghe nói quê ngoại của tiểu thư nhà họ Lã kia là Thần kiếm sơn trang ở Thường Châu. Bởi thế lần này ta lặn lội một chuyến đến đó để thử vận may. Nghe bảo nha đầu kia đi Thường Châu một mình, đây chính là cơ hội ngàn năm một thủa của hai chúng ta.

- Ấy, nói khẽ thôi. Huynh cẩn thận gã thanh niên ngồi ở góc phòng kìa. Như vậy là…

- Còn như thế nào nữa. Chúng ta bây giờ sẽ đến Thương Châu, may mắn thì sẽ dò hỏi được về mộ phần của mẫu thân nha đầu kia. Lúc đó chúng ta chia nhau tiềm phục ở đấy, nếu ông trời thương xót thì huynh đệ chúng ta ắt hẳn sẽ phát tài lớn.

Lý Phi Dương nghe đến đây thì toát mồ hôi hột. Hóa ra chuyện Lã Gia Bình bí mật rời phủ đi Thường Châu đến hiện tại đã chẳng còn là bí mật gì lớn nữa, điều này lại đồng nghĩa với sự nguy hiểm mà cô phải đối mặt tăng lên gấp bội. Vừa nghĩ đến đây bất chợt có tiếng ngựa hí, nhìn ra thấy ngoài khách điếm xuất hiện một cỗ xe ngựa mui kín, người đánh xe là một ông lão nhìn có vẻ già nua song tác phong khá là nhanh nhẹn. Vừa đến nơi, ông ta đã vội chạy đến chưởng quầy cất tiếng:

- Lão bản. Phiền ông xếp cho ta hai phòng đơn tử tế, tiền nong không thành vấn đề.

Người chưởng quầy nghe thấy vậy vội gọi tiểu nhị chuẩn bị phòng cho khách. Một lát sau thì thấy ông ta tiến đến bên cỗ xe ngựa vén chiếc rèm trắng lên, nhẹ giọng nói: “Tiểu thư, đêm nay chúng ta dừng chân lại nghỉ ngơi ở đây thôi.”

Ông ta vừa dứt lời, một “bóng liễu yếu đào tơ” chậm rãi bước ra, cô gái này xem chừng sức khỏe không được tốt lắm bởi vì dáng đi khá khó nhọc và vất vả, thỉnh thoảng lại ho khan mấy tiếng như người đang mang bệnh. Nhiều người hiếu kì đưa mắt quan sát thì thấy thiếu nữ này vận một chiếc la quần mầu xanh nhạt, gương mặt tuy che kín bằng một chiếc voan mỏng mầu trắng nhưng xem chừng qua hình dung yểu điệu đó đến chín phần ắt hẳn đây là một mỹ nhân. Giữa lúc chập choạng tối, việc xuất hiện một nữ nhân yếu đuối bôn hành trong tiết trời giá lạnh thế này cũng khá hiếm và bởi thế nó thu hút khá nhiều ánh mắt của mọi người trong quán. Nói về phần người chưởng quầy, qua biểu cử của người thiếu nữ áo xanh ông ta ái ngại hỏi:

- Khách quan. Xem chừng vị tiểu thư kia không được khỏe. Không biết có cần khách điếm chúng tôi cho người mời đại phu hay không?

Ông già kia nghe hỏi vậy lập tức lắc đầu:

- Không cần. Chỉ phiền ông xếp cho hai phòng tốt, lại chuẩn bị một bữa cơm chay chu đáo là được rồi.

Nghe thế, người chưởng quầy vội ngoắc tay gọi tửu nhị phân phối mọi chuyện. Một lát sau khi hai người kia theo tiểu nhị đi lên lầu thì tiếng huyên náo ở phía dưới lại tiếp tục ồn ã. Lúc này Lý Phi Dương tuy ngoài mặt như đang chú tâm vào uống rượu, song chàng vẫn hết sức tập trung cố lắng nghe xem câu chuyện của hai người ở phía trên. Tuy nhiên lúc này hai người kia phần vì cảnh giác, phần vì những chuyện mà họ bàn luận cũng không có gì quá mới nên chàng cũng không thu thập thêm được tin tức gì có giá trị. Đến lúc này bình rượu đã sắp cạn, Lý Phi Dương ngẩng đầu toan gọi chủ quán thanh toán để tiếp tục lên đường, bất chợt chàng cảm giác như có ai đang theo dõi mình. Đưa mắt một vòng thì chàng nhận ra người tiểu nhị vừa rồi chàng hỏi thăm tin tức Gia Luật Bình đang băn khoăn nhìn về phía mình, xem chừng gã có chuyện gì muốn nói. Trông thấy vậy, Lý Phi Dương vội lên tiếng:

- Ông chủ. Phiền ông mang cho thêm một bình rượu nữa.

Chỉ một loáng sau, gã tiểu nhị kia đã lập tức chạy đến bên Lý Phi Dương. Đặt chai rượu lên bàn, gã rụt rè lên tiếng:

- Khách quan. Không biết tôi có nên nói chuyện này không nhưng…

Nói đến đây gã nhỏ giọng:

- Vừa rồi lúc dẫn vị cô nương vừa xuất hiện vào phòng trọ, vị cô nương đó nổi cơn ho dài khiến chiếc khăn che mặt bị bay ra. Khách quan, nói không chừng hôm nay ngài đã gặp may rồi.

Phi Dương nghe vậy ngẩn người, sau đó nhẹ giọng:

- Nói như vậy có nghĩa là…

Gã tiểu nhị vội trả lời

- Dường như cô gái ấy chính là người mà khách quan cần tìm. Tôi cũng không dám chắc nữa.

Nghe đến đây Lý Phi Dương vui mừng thốt:

- Như vậy thì tốt quá. Vậy phiền ngươi sắp xếp cho ta một phòng ở cạnh hai người đó được chăng?

Vừa nói chàng vừa đặt một đĩnh bạc lớn lên bàn, gã tiểu nhị trông thấy vậy ấp úng:

- Không biết khách quan có ý định gì…

Gã vừa nói đến đây chàng đã vội cất tiêng:

- Ngươi hãy yên tâm. Ta đối với hai người kia tuyệt đối không có ác tâm.

Sau khi xác định được cô gái phòng bên gần như chắc chắn là Lã Thăng Bình, Lý Phi Dương vô cùng mừng rỡ, tự nhủ rằng vận số của mình thật là tốt. Bởi vì thế mà cả đêm chàng chẳng thể nào chợp mắt, vẫn luôn chú tâm quan sát hành tung của cô gái đó vì bởi sợ mất dấu hai người bọn họ. Cứ thế sau một đêm đài trằn trọc, mờ sáng hôm sau Lý Phi Dương đã vội vã bám theo chiếc xe ngựa, trong đầu thì không ngừng suy nghĩ xem liệu mình nên làm gì trong tình cảnh này. Chàng nên hiện thân ngăn cản và thuyết phục, tìm cách đưa Lã Thăng Bình quay trở lại Biện Kinh, hoặc là âm thầm bám theo bảo hộ, chiếu cố cho cô gái yếu ớt và đáng thương đó được một lần tế bái phần mộ của mẫu thân mình. Và nếu chọn cách thứ nhất, rốt cục là nên bắt đầu như thế nào? Lòng vòng với suy nghĩ đó, ấy thế bẩy ngày trôi đi song Lý Phi Dương cũng không tài nào chọn được biện pháp thích hợp. Cũng may trong một tuần lễ sau đó không có phát sinh sự tình lớn nào, cũng đã có đôi lần có một vài tên thổ phỉ chận đường cướp xe ngựa, thế nhưng thật bất ngờ là ông lão đánh xe kia bề ngoài tuy già yếu song bản lĩnh võ công khá là cao minh. Bởi thế chưa cần đến sự can thiệp của Lý Phi Dương, trong suốt cuộc hành trình này cũng không xảy ra chuyện gì bất trắc. Một vài lần trông thấy kiếm pháp của ông già đánh xe, Lý Phi Dương thầm thắc mắc: rốt cục ông già kia là cao nhân phương nào?

Bảy ngày trôi đi, chiếc xe ngựa chính thức tiến vào địa phận Thương Châu. Sau hai năm kể từ khi Nhạc Phi chính thức giành lại mảnh đất này cho nhà Nam Tống, toàn Thương Châu và một dãy bờ phía nam sông Hoàng Hà đã bớt đi phần nào cảnh tiêu điều loạn lạc, tình hình chính sự nơi này đã tạm ổn, thanh niên khắp nơi nô nức đua nhau tìm nơi rèn luyện võ nghệ, chờ cơ hội được xung trận giết giặc, phục hận mối nhục Tĩnh Khang năm nào. Lại nói Thần Kiếm sơn trang chính là một “đại võ đường” lớn bậc nhất ở Thương Châu cả về danh vọng lẫn thực lực trên chốn giang hồ. Hơn nữa gần đây nghe nói gia chủ của Thần Kiếm sơn trang là Diệp Hạo Nhiên chính thức đứng ra thu nạp môn đồ lần hai. Thanh niên trai tráng khắp nơi lũ lượt tìm đến, ai ai cũng mong bản thân có cơ hội được lọt vào tuệ nhãn của họ Diệp, bởi thế con đường độc đạo dẫn đến Thần Kiếm sơn trang nườm nượp người xe qua lại.

Nói thêm về Thần Kiếm sơn trang, đây là sơn trang của nhà họ Diệp - một trong tứ đại thế gia của võ lâm Trung Nguyên hơn trăm năm trở lại đây. Hiện tại Dương gia sớm đã trở thành quá khứ, Đường Môn ở Tứ Xuyên lại không mấy tham dự vào chốn giang hồ, bởi thế Thần Kiếm sơn trang Diệp gia ở Thương Châu và Bá Đao sơn trang Liễu gia ở Phượng Tường chính là hai thế lực cường thịnh vào bậc nhất ở võ lâm trung thổ. Hơn trăm năm tồn tại, nghe nói Thần Kiếm sơn trang từng chế xuất được sáu món tuyệt thế thần binh. Cứ hai mươi năm lại tổ chức một kì danh kiếm đại hội, người đứng đầu được quyền lựa chọn một cây bảo kiếm để làm binh khí. Bởi thế giang hồ từng có câu: “Thiên hạ ngũ kiếm, được một di tôn” càng thêm khẳng định địa vị của Thần Kiếm sơn trang trong võ lâm.

Cùng với sự xuất hiện và tồn tại của Thần Kiếm sơn trang, khu vực phụ cận quanh đây có hai nơi được nhân dân rất tôn trọng và không một ai dám to gan quấy nhiễu. Một là Kiếm trủng - nơi các chú kiếm sư của sơn trang đúc kiếm. Thứ hai là Vô Nhai Tích - mảnh đất hoang ven rừng nằm cách Thần Kiếm sơn trang mấy dặm về phía Tây bắc- địa điểm chôn giữ mộ phần của nhà họ Diệp.

Buổi sáng tinh sương lạnh lẽo, một chiếc xe ngựa nhỏ chậm rãi lăn bánh trên con đường mòn dẫn đến Vô Nhai Tích, ở phía sau đó chừng mấy chục bước có một nam thanh niên trẻ tuổi đang âm thầm bám theo. Chàng thanh niên đó chính là Lý Phi Dương - hiện tại đi theo để tìm cách bảo hộ sự an toàn của Lã Thăng Bình. Khi đến gần trang viên mộ tộc nhà họ Diệp chiếc xe ngựa dừng lại, liền sau có một bóng áo xanh liêu xiêu bước đi trong gió lạnh. Ở phía sau Phi Dương quan sát thấy cô gái đáng thương ấy đi đến trước một mộ phần nằm ở phía góc trang viên rồi bất chợp khụy người xuống, tấm lưng ong nhỏ bé yếu đuối kia tưởng như oằn đi vì đau đớn, từ xa xa mơ hồ có tiếng khóc vang lên. Ở ngay phía sau đó ông già đi theo Lã Thăng Bình như không nỡ quan sát cảnh tượng thương tâm trước mắt, vội ngoảnh mặt đi.

Một lát sau Lý Phi Dương thấy ông ra lấy đồ lễ hương vàng bày biện trước mộ phần và sau đó lấy mớ nhang mang theo châm lửa đốt. Vào lúc này trong lòng chàng cũng dâng lên một thứ cảm giác nao nao khó hiểu. Liệu khi nào Phi Dương mới có cơ hội được tế bái phần mộ của phụ mẫu chàng đây.

Đang ngẩn ngơ suy nghĩ bất chợt Lý Phi Dương trong lòng máy động, vội ngẩng đầu về phía sau thì thấy một thiếu niên trạc tầm hơn mười tuổi đang đi tới gần phía mình. Phi Dương chưa kịp mở lời thì thấy cậu thiếu niên kia cười nhạt, lên tiếng:

- Mới mờ sáng ngươi đã lẻn vào Vô Nhai Tích làm gì? Xem bộ dạng lén lén lút lút của ngươi, ắt hẳn cũng không phải hạng người tử tế gì.

Lý Phi Dương nghe thấy vậy biết rằng hành tung đã lộ, trong thâm tâm cũng có cảm giác mình sai nên khẽ cười mà rằng:

- Vị tiểu đệ này quá lời rồi. Ta đến đây không có ý định quấy quả nơi này. Chẳng qua là lần này đến đây vì mang trên mình chút chuyện mà thôi.

Người thanh niên trẻ tuổi kia nghe vậy hừ lạnh một tiếng:

- Hừ. Ai là tiểu đệ của phường gian tặc ngươi. Đây là trang viên mộ tộc nhà họ Diệp ta, làm gì có việc liên quan đến người ngoài chứ. Khôn hồn thì đừng có mà sinh chuyện phiền phức ở nơi đây, nếu không thì đừng có trách bổn thiếu gia mạnh tay.

Cậu bé này vừa nói xong liền nghênh ngang đi lại phía Lã Thăng Bình. Lúc này cuộc nói chuyện to tiếng giữa Phi Dương và cậu bé kia đã gây sự chú ý đến ông lão đánh xe. Bởi thế thấy ông ta nói to:

- Không biết có chuyện gì mà “thiếu hiệp” đây âm thầm theo dõi hai người chúng ta vậy. Nếu là chuyện quang minh chính đại, tại sao không dám hiện thân lại đây chỉ giáo chứ?

Phi Dương thầm nghĩ chuyện này cũng chẳng có gì phải giấu giấu giếm giếm mãi, bởi thế liền lớn tiếng nói:

- Tại sao lại không được chứ.

Chàng vừa nói vừa bước lại gần phía hai người Lã Thăng Bình. Lúc này chỉ thấy hai mắt cô đỏ hoe, gương mặt yếu đuối xanh xao kia thỉnh thoảng bật lên tiếng nấc nghẹn ngào làm cho người ta cảm thấy thương xót vô cùng.

Về phần Lã Thăng Bình, đột nhiên thấy xuất hiện hai người lạ mặt thì cô cảm thấy rất sợ hãi, sau một hồi cố trấn tĩnh lại liền đưa tay áo quệt nước mắt, cất giọng run run:

- Các ngươi là ai?

Ông già kia trông thấy vậy thì vội lên tiếng giải thích cho thắc mắc của Thăng Bình:

- Kia là Diệp An Tường, là nhi tử của trang chủ Diệp Hạo Nhiên - bá bá của cháu. Mà này An Tường, sao cháu lại có mặt ở đây.

Cậu bé kia trông thấy vậy vội trả lời:

- Biểu muội đừng có sợ. Đã có huynh và Du lão bá, hắn ta không làm được gì đâu.

Cậu ta nói xong liền quay sang phía ông già được xưng là Du lão bá kia cất tiếng:

- Lão bá bá. Phụ thân con hôm nay có chút chuyện bận không thể ra đây được. Người lệnh cho con đến đây đón biểu muội về sơn trang.

Lã Gia Bình nghe thấy vậy ngẩn người, sau đó run giọng hỏi:

- Du Lão Bá, chuyện này rốt cục là như thế nào vậy?

Ông lão họ Du kia nghe hỏi vậy thở dài, một lát sau trầm ngâm đáp:

- Bình nhi, đáng nhẽ chuyện này ta phải cho cháu biết ngay từ đầu. Ài! Lần này tế bái phần mộ mẫu thân cháu xong, ta sẽ đưa cháu về Thần Kiếm sơn trang, sum họp cùng mọi người bên ngoại tộc.

Lý Phi Dương nghe ông ta nói vậy thì ngẩn người, thầm nghĩ nếu giả như Lã Gia Bình đồng ý đến Thần Kiếm sơn trang sinh sống thì mình phải làm sao để có thể đưa Lã Thăng Bình trở lại Biện Kinh đây. Rất may là Gia Luật Bình đã kịp lên tiếng:

- Du Lão Bá. Cháu biết lão bá sắp đặt chuyện này là muốn tốt cho cháu. Thế nhưng…

Nói đến đây hai mắt cô rơm rớm:

- Thế nhưng lần này cháu đành phụ tâm ý của lão bá rồi. Phụ thân cháu dẫu gì cũng chỉ có Bình nhi là nhi tử độc nhất. Mẫu thân mất rồi, để giữ trọn chữ hiếu cháu không thể rời xa phụ thân được.

Ông già Du Lão Bá kia nghe vậy thở dài:

- Nhưng mà cháu nghĩ mà xem. Lã Kính hắn đâu phải là…

Nói đến đây liền đưa mắt sang phía Phi Dương, sau đó cười nhạt:

- Dám hỏi thiếu hiệp đại giá quang lâm đến đây là có chuyện gì cần dạy bảo vậy?

Lý Phi Dương chắp tay xá một cái đoạn thong thả nói:

- Lão tiền bối quá lời rồi. Thực ra vãn bối lần này đến đây là nhận sự ủy thác của một vị bằng hữu, hộ tống Lã tiểu thư trở về Biện Kinh.

Chàng không trực tiếp nói ra cái tên Lã Kinh bởi vì nghĩ rằng mấy người này ắt hẳn không một ai ưa cái tên đó. Và quả thật, Du lão bá nghe vậy sa sầm nét mặt:

- Hừ. Không biết vị bằng hữu của thiếu hiệp là ai vậy?

Lý Phi Dương khẽ mỉm cười:

- Xin thứ cho vãn bối không trả lời câu này.

Nói xong quay sang phía Lã Thăng Bình:

- Lã tiểu thư. Nếu tiểu thư tin tưởng tại hạ, quãng đường từ Thường Châu về Biện Kinh phủ, tại hạ xin dốc lòng bảo vệ sự an nguy của tiểu thư.

Du Lão Bá nghe thấy thế quay sang ái ngại nhìn Lã Thăng Bình một cái, sau đó như nghĩ ra điều gì ông ta cất giọng khinh khỉnh:

- Hừ. Ngươi lấy gì làm bằng chứng chứ. Mà nếu có thì mười phần ngươi chính là thuộc hạ của tên hán gian Lã Kính rồi. Hừ, Bình nhi. Ta xin lỗi, nhưng sự thật cha cháu và lũ thuộc hạ của ông ta đều là một phường chẳng ra gì.

Phi Dương nghe vậy cất tiếng phản bác:

- Lão tiền bối hiểu nhầm rồi. Vãn bối không phải là thuộc hạ của Lã đại nhân. Và chuyện về con người Lã đại nhân như thế nào vãn bối cũng không muốn nhận xét. Chỉ là lần này vãn bối chịu sự ủy thác, đưa Lã tiểu thư an toàn trở về Biện Kinh phủ mà thôi.

Phi Dương vừa dứt lời, Lã Gia Bình ngước đôi mắt tròn xoe nhìn chàng. Trông thấy vậy chẳng hiểu sao Lý Phi Dương khẽ cúi đầu xuống, không dám nhìn thẳng vào mục quang ấy. Ở phía đối diện cậu bé có tên là Diệp An Tường kia vội nhanh nhảu:

- Biểu muội, nhìn bộ dạng của hắn kìa. Hừ, với vẻ mặt thế kia, hắn không phải là phường ác bá thì cũng là loại gian tặc.

Lý Phi Dương nghe vậy cười:

- Ác bá cũng được, gian tặc cũng được. Lã tiểu thư, không biết cô có nhận ra vật này chăng?

Vừa nói chàng vừa cho tay vào trong người lấy ra chiếc Kim hoàn thoa đưa lên. Trông thấy vật ấy, ngẩn người ra một chút suy nghĩ Lã Thăng Bình khẽ gật đầu:

- Ta tin ngươi. Được, chiều nay cảm phiền ngươi hộ tống ta quay trở lại Biện Kinh vậy.

Nghe cô nói vậy, Du Lão Bá giật mình:

- Bình nhi, cháu vẫn quyết tâm quay về với lão gian tặc họ Lã ấy ư. Ta biết Lã Kinh tuy là cha cháu nhưng hắn là một tên Hán gian bán nước, không một tội ác nào không làm. Chẳng nhẽ…

Lã Thăng Bình nói qua làn nước mắt:

- Cháu biết cha cháu là một người không tốt nhưng dẫu gì ông ấy cũng là phụ thân cháu, hơn nữa đối với cháu rất tốt. Nếu lần này cháu bỏ ông ấy cô đơn lại một mình, ông ấy hẳn sẽ đau lòng lắm, cháu lại trở thành một người đại bất hiếu. Bởi thế cháu lần này phải quay lại Biện Kinh phủ, ra sức cầu mong phụ thân hồi tâm chuyển ý mà không phục vụ cho người Kim nữa.

Du Lão Bá nghe vậy thở dài một hơi:

- Ý cháu đã quyết thế ta cũng không ép. Nhưng lần này ngàn dặm vất vả đến Thương Châu, chi bằng cháu hãy đến Thần Kiếm sơn trang một lần gặp gỡ mọi người. Rồi sau đó ta sẽ lại đưa cháu trở lại Biện Kinh phủ.

Nói đến đây, ông ta quay sang phía Phi Dương gằn giọng:

- Còn tên kia, hừ… dẫu hắn có tín vật làm tin thì điều đó cũng chỉ chứng minh hắn chính là tay chân của Lã Kính, là chó săn của Kim quốc. Những tên như thế không biết liêm sỉ là gì, nhiều khi chỉ vì lợi lộc trước mắt mà vứt bỏ tất cả. Cháu yếu đuối như vậy, thân gái dặm trường…

Du Lão Bá vừa nói đến đây, cậu bé tên Diệp An Tường a lên một tiếng. Sau đó như nghĩ ra được điều gì vội vã kêu lên:

- A ! Có khi nào hắn ta chính là Thái hoa đạo tặc danh lừng võ lâm Triệu Du Thiên không. Thôi đúng rồi. Mấy ngày hôm nay cả Thương Châu xôn xao cả lên, nghe đâu tên dâm tặc đó đã tái xuất giang hồ ở Thương Châu. Cũng vì sự xuất hiện của hắn mà mấy trưởng lão Ma giáo cũng kéo đến Thương Châu, chính vì điều này mà phụ thân cháu không dám khinh suất rời khỏi sơn trang.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.