Nghe Tất Thu Phàm nói vậy, Triệu Du Thiên trầm ngâm không nói gì. Sau một lúc thấy Hứa Khang thở dài:
- Một thời gian không gặp, kiếm pháp của lão Tứ lại đã tiến đến mức độ này. Ài, chẳng những thế mà nhất là khả năng sáng tạo của Tứ đệ khiến ta tự thẹn không bằng. Vậy việc lần này lại phiền đến lão Tứ ra tay rồi. Chỉ hiềm một nỗi tên Hán gian họ Lã kia võ công vừa cao cường hơn nữa hành sự lại vô cùng chu đáo và cẩn thận, lần này vất vả và khó khăn cho lão Tứ rồi.
Lý Phi Dương nghe vậy cười:
- Vậy tiểu đệ xin cảm tạ ba vị lão ca. Hừ, nghe nói tên ác tặc họ Lã kia gần hai mươi năm trước bán rẻ bằng hữu, phản bội Tống triều mà đầu nhập Kim Quốc. Mấy năm trở lại đây không việc ác gì mà hắn không làm. Thực không biết đã có bao nhiêu anh sĩ đã ngã xuống dưới bàn tay của hắn rồi. Lần này đệ quyết tận lực tiêu diệt hắn, nhổ bớt đi một cái gai cho chính phái võ lâm vậy.
Tất Thu Phàm lập tức lên tiếng:
- Hừ, chuyện lần này vạn lần hung hiểm, lão Tứ ngươi phải hết sức cẩn thận. Lã phủ canh gác vòng trong vòng ngoài, đến con ruồi cũng khó lòng vượt qua. Ta được biết rằng họ Lã hắn có một người con gái duy nhất tên gọi Lã Thăng Bình - người được hắn yêu thương và chăm sóc hết mực. Hơn nữa nghe nói tiểu nữu họ Lã kia tính tình thiện lương nhân hậu, trái ngược hẳn với người cha bất nhân của mình. Hàng tháng vào ngày rằm nha đầu họ Lã kia đều lên Tín Quốc tự để cầu phúc, đến lúc đó mấy người chúng ta giả vờ bắt cóc nha đầu đó, gây náo loạn một hồi ở Lã phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho lão Tứ ngươi xâm nhập vào. Khi vào trong được Lã phủ hãy cố gắng ẩn nhẫn chờ thời cơ, nếu có cơ hội thuận lợi thì hãy xuống tay, còn không hãy rút lui. Nên nhớ kĩ không được nôn nóng vội vàng. Hừ, non xanh còn đó lo gì không có củi đốt.
Lý Phi Dương nghe vậy liền cười:
- Ha ha, mấy vị lão ca xin hãy an tâm. Tiểu đệ tuyệt nhiên không phải là kẻ lỗ mãng vậy đâu. Huống chi tiểu đệ còn có tâm nguyện của mình, đâu chỉ vì một chuyện thế này mà đùa giỡn với tính mạng bản thân chứ.
oOo
Sau khi phối hợp cùng Đại Tống diệt Liêu, chẳng ngờ sau khi Đại Liêu bị diệt vong, nhà Kim bất ngờ chĩa mũi rìu tấn công quay sang phía Đại Tống. Sau gần một trăm năm tồn tại đầu tiên, chưa bao giờ nhà Tống lại suy yếu và bạc nhược đến thế này. Đại quân của nhà Kim đi đến đâu, quân lính Đại Tống tan tác đến đấy. Đến đầu năm 1127 tức là năm Tĩnh Khang thứ ba - đời vua Khâm Tông nhà Tống, quân Kim đã chiếm được Khai Phong phủ, kinh đô của Đại Tống, sau đó lập tức phế bỏ Thái thượng hoàng Huy Tông Triệu Cát và Khâm Tông Triệu Hoàn xuống làm thứ dân, bắt giải hai vị vua này cùng rất nhiều quan lại và phi tần về Kim.
Đối với dân tộc Hán và nhân dân Đại Tống, sự kiện Tĩnh Khang tuyệt đối là một nỗi nhục nhã vô cùng to lớn. Và cũng kể từ đây, cái tên Khai Phong phủ chính thức trở thành dĩ vãng. Những năm sau đó, khi để chỉ Khai Phong phủ, người ta dùng hai từ “Biện Kinh.”
Cũng chính tại Biện Kinh phủ, mười một năm sau đó.
Liêu Minh phố - khu phố buôn bán tơ lụa sầm uất và lớn nhất Biện Kinh, hôm nay lại chính là ngày rằm tháng Giêng, bởi thế người người đi lại như mắc cửi, tiếng la ó, hò hét vang lên không dứt, không khí huyên náo và khẩn trương lên đến cực điểm. Tuy thế nhưng quang cảnh trước cổng một tòa dinh thự đồ sộ nằm chễm chệ đầu Liêu Minh phố lại tương đối yên tĩnh. Người đi đường nhìn vào chỉ thấy một đôi thạch sư to lớn, uy vũ nằm hai bên chiếc cổng lớn có hộ vệ canh gác ngày đêm, phía trên là hai chữ lớn sơn son thếp vàng sáng bóng “LÃ PHỦ” như đại diện cho địa vị và quyền lực của chủ nhân tòa dinh thự này. Nghe nói chủ nhân của tòa dinh thự lớn này là Lã Kính - một trong những vị thượng quan có địa vị và quyền hành bậc nhất Biện Kinh phủ. Hiện tại Biện Kinh phủ đang nằm dưới sự cai trị của nhà Kim, thế nhưng điểm đặc biệt nhất Lã Kính không phải là người Nữ Chân mà lại là người Hán. Nghe đâu để có được địa vị như ngày hôm nay, khi Kim triều mới hình thành thì họ Lã đã cam tâm đầu phục, ra sức phục vụ vì lợi ích và sự phát triển của người Nữ Chân. Lại có người nói rằng Lã Kính đã từng bán rẻ bằng hữu, phản bội lại sự kì vọng và truyền thống gia tộc, không từ một thủ đoạn ác độc nào để chiếm lòng tin của người Kim, củng cố địa vị của bản thân hắn. Bởi thế hai mươi năm sau, Lã Kính đã trở thành một nhân vật cốt cán trong bộ máy chính quyền Kim Triều. Đối với tuyệt đại bộ phận người Hán còn đang sống tạm bợ ở Biện Kinh, Lã Kính chính là một tên Hán gian khát máu và vô lại. Nhắc đến y, ai ai đều nghiến răng căm hận.
Hiện tại lúc này trước cổng Lã phủ có đặt một chiếc hoa kiệu mầu trắng ren hồng trang nhã, bốn góc là bốn kiệu phu lực lưỡng vận đồng phục mầu vàng làm bằng vải bố dày; trước và sau chiếc hoa kiệu này có hai hàng hộ vệ song song, gươm giáo chỉnh tề, lại qua khí độ cẩn trọng của đám hộ vệ này, dám chắc họ đã được huấn luyện rất bài bản và chu đáo. Một lúc sau cánh cổng sắt sơn đỏ mở toang, theo đó có hai vị cô nương mang khăn che mặt bước ra về phía hoa kiệu. Bằng vào cử chỉ và trang phục của hai người này, không khó để nhận ra rằng ai chủ ai tớ.
Khi hai vị cô nương vừa bước vào trong kiệu, lập tức có tiếng hô lớn: “Khởi kiệu." Ngay lập tức chiếc hoa kiệu khởi hành, nhắm hướng Tín Quốc tự mà tới.
Lại nói ngày lễ xuân tiêu - rằm tháng Giêng - là một ngày lễ trọng đại của dân Hán. Hiện thời mặc dù Biện Kinh phủ nằm dưới sự thống trị của nhà Kim, tuy nhiên dẫu sao Biện Kinh cũng là một thành thị lớn, không khí lễ hội đầu năm cũng chẳng vì thế mà quá kém đi phần náo nhiệt. Càng gần đến Tín Quốc tự, người ngựa xe cộ càng lúc càng đông đúc và náo nhiệt, thật đúng với cảnh “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm." Càng gần đến cổng Tín Quốc tự, không khí càng lúc càng sôi động và huyên náo, tiếng khấn bái cầu nguyện vang lên không ngớt, khắp nơi sực nức mùi khói hương, nhang giấy.
Lúc này hoa kiệu xuất phát từ Lã phủ càng ngày càng gần tới cổng tự, khi hoa kiệu đi đến đâu mọi người tự động dạt ra hai bên, giãn thành một lối đi cho hoa kiệu thẳng đường vào. Đến trước cổng Tín Quốc tự, có tiếng hô lớn: “Dừng kiệu!”
Hiện thời cách chiếc hoa kiệu kia không xa có một tốp ba người đang thong thả đi dạo, trong đó nổi bật nhất là một văn nhân tuấn tú, cử chỉ nho nhã, là tâm điểm chú ý của rất nhiều cô nương trẻ tuổi. Điều đặc biệt là đi kèm văn nhân tuấn tú này chẳng phải là thư đồng - theo đúng kiểu thường gặp của các bậc nho sĩ thưởng lãm đầu xuân - mà là hai người luống tuổi. Một người dáng vẻ tiên phong đạo cốt, râu tóc bạc phơ. Người kia thì bên ngoài phủ một tấm voan bào mầu xám, bên trong là áo dạ hành mầu đen, thật chẳng giống như trang phục của người đi thưởng xuân chút nào. Lại nghe thấy người này lẩm bẩm: “Tốt quá. Cuối cùng thì Lã nha đầu kia đã đến. Chẳng biết hiện giờ lão Tứ đang làm gì?”
Thì ra ba người này chính là Tất Thu Phàm, Hứa Khang và Triệu Du Thiên.
Hoa kiệu vừa hạ xuống, trong kiệu lại có thanh âm khẽ vang lên:
- Tiểu Hoa, ta hiện giờ mới nhớ là không mang theo hương trầm. Vậy phiền ngươi đi mua hộ ta. Nhớ phải là hương trầm ở lữ quán Hạ gia mới được nghe.
Có tiếng đáp: “Dạ!” - vang lên. Theo đó rèm kiệu lay động, một vị cô nương che mặc, ăn vận theo lối nha hoàn bước ra ngoài. Người hộ kiệu trông thấy vậy lên tiếng nhắc nhở:
- Tiểu Hoa, nhớ đi nhanh về nhanh, đừng để làm chậm trễ việc của tiểu thư!
Cô nha hoàn áo hồng nghe vậy chỉ khẽ gật đầu, tiếp theo không nói một lời nào vội vã nhắm hướng nam đi miết, thoáng chốc đã mất dạng. Ở phía xa mấy người Tất Thu Phàm thấy thế ngạc nhiên tự hỏi: “Rốt cục là đã xảy ra chuyện gì nhỉ?”
Thời gian trôi dần về trưa, ước chừng đã phải đến một canh giờ mà vẫn không thấy bóng dáng của cô nha hoàn kia quay lại, người hộ kiệu xem chừng như đang rất sốt ruột. Lại qua một khắc thời gian nữa, ông ta quay vào trong kiệu cung kính nói:
- Tiểu thư, giờ vẫn chưa thấy Tiểu Hoa quay lại. Có cần thuộc hạ phái người đi gọi về hay không?
“Ừm - Không cần!” Thanh âm trong kiệu vang ra. Lại nghe người hộ kiệu lên tiếng:
- Tiểu thư, hay là để thuộc hạ phái người đi mua hương trầm ở Hạ gia. Hừ! Rõ là có chuyện đã xảy ra với nha đầu đó rồi mà.
Nói đến đây, hắn ta ngoắc tay dặn một người hộ vệ, phút chốc người này cũng đã mất dạng. Ở phía xa mấy người bọn Tất Thu Phàm đã tỏ ra sốt ruột. Rất nhanh một lúc sau người hộ vệ được phái đi kia đã quay lại, lúc ấy người hộ kiệu hướng về phía hoa kiệu lên tiếng:
- Tiểu thư! Đã mua được hương trầm của nhà họ Hạ rồi. Thỉnh tiểu thư mau vào trong tự, kẻo chậm trễ lại khiến lão gia ở nhà lo lắng.
“Được rồi!”
Thanh âm vừa dứt thì vị cô nương trong kiệu chậm rãi bước ra, sau đó từ từ hướng phía trong Tín Quốc tự mà đi tới. Ở phía xa Hứa Khang trông thấy vậy khẽ thì thào: “Tốt lắm. Hành động thôi!”
Vừa nói ông ta vừa đưa tay vuốt mặt, phút chốc hình dung đã biến thành một bộ dạng khác hẳn. Khẽ từ từ tách ra xa hai người Tất Thu Phàm và Triệu Du Thiên, sau đó rất nhanh ông ta bất ngờ ập tới xô ngã họ Tất, đoạn nhanh chóng vụt chạy về phía Tín Quốc Tự.
Lúc này có tiếng kêu: “A!” rất to. Tất Thu Phàm đang nằm xõng xoài trên nền đất. Triệu Du Thiên theo đó kêu lên: “Phụ thân! Phụ thân…” Đồng thời chỉ tay về phía Hứa Khang đang chạy, miệng quát vang: “Bắt lấy gian tặc. Bắt lấy gian tặc.”
Lại nói về Hứa Khang, sau màn kịch vừa rồi cả người ông ta như hóa thành một chiếc bóng phiêu hốt, nhắm hướng vị tiểu thư họ Lã mà hướng đến. Họ Hứa đi đến đâu, đụng phải người nào người đó lập tức cứng đơ ngã ra đất, lại còn thấy máu tươi theo đó vương vãi nhuộm đỏ khắp nơi. Trước tình cảnh này, mọi người vô cùng sợ hãi chạy loạn khắp nơi, có tiếng la hét hoảng loạn vang lên, quang cảnh trước cổng Tín Quốc tự hôm nay sớm đã như một phiên chợ vỡ.
Trước tình cảnh ấy, người hộ kiệu cho tiểu thư nhà họ Lã vẫn không hề tỏ ra bối rối, chỉ thấy gã ta nhấc tay, thoáng chốc đã cầm trên tay một thanh thiết thương sáng bóng. Lại nghe người này hô to: “Tất cả bình tĩnh. Tập trung bảo vệ tiểu thư!”
Như ngay lập tức, đám người hộ vệ đã dàn thành một vòng cung, chắn trước mặt Lã Thăng Bình. Hứa Khang từ xa trông thấy vậy song không hề sợ hãi, ông ta vẫn không ngừng tiến về phía trước. Trước tình huống ấy, chỉ thấy gã hộ kiệu cười nhạt, tay trái vung lên. Thoạt tiên có ba hộ vệ nhất loạt cùng nhắm Hứa Khang chém tới, miệng quát lớn: “Ác đồ! Muốn chết.”
Nào ngờ lúc này chỉ thấy Hứa Khang cười vang, như đây chính là lúc để họ Hứa thể hiện bản lĩnh khinh công siêu phàm của mình. Ở ngoài nhìn vào chỉ thấy bóng áo đen loang loáng như một mị ảnh hư vô, chẳng biết bằng cách nào ông ta đã thoát ra khỏi lưới kiếm của ba gã hộ vệ, tiếp tục hướng tiểu thư nhà họ Lã mà tiến, thật như là xông vào chỗ không người vậy.
Người hộ kiệu kia trông thấy vậy không còn giữ được vẻ điềm tĩnh trước đó, lúc này thiết thương trong tay gã vung lên, nhắm cổ họng Hứa Khang điểm tới, thế công hiểm độc vô cùng. Trước đó lại nghe thấy gã hét: “Địch nhân võ công cao cường. Mau bắn pháo hiệu và phái người về phủ xin cứu viện.”
Lại nói về phần Hứa Khang, trông thấy chiêu thức vừa rồi của gã hộ kiệu, ông ta không nhịn được phải buột miệng cất tiếng khen: “Thương pháp hay lắm.” Đồng thời theo đó bóng người đã tự khi nào lách sang trái, thoát khỏi hiểm nguy trong gang tấc. Người hộ kiệu thấy vậy cười nhạt: “Hảo khinh công. Xem chiêu”. Gã vừa nói trường thương trong tay vung lên, thoạt như linh xà xuất động nhắm ba huyệt đạo: Linh đài, thần khuyết và đản trung của Hứa Khang đâm tới, vô cùng mau lẹ.
Hứa Khang mặc dù bản lĩnh khinh công cao cường, thế nhưng vừa thoáng thấy chiêu thức đó gương mặt cũng khẽ biến sắc. Hai chân ông ta nhún mạnh, cả người uốn mình về bên tả thoạt như cành liễu lay động trước gió, vừa nhanh lại vừa phiêu hốt vô cùng, tránh chiêu thức hiểm độc kia trong gang tấc. Lúc này họ Hứa sa sầm nét mặt:
- Vân Long kích. Hừ, thì ra là ác đồ của Thiên Nhẫn giáo. Không biết gã mặt dơi ngươi giữ chức vụ gì?
Gã hộ kiệu trông thấy vậy cười lạnh:
- Quả là có chút hiểu biết. Nhưng bổn đại gia không có thời gian đôi co với ngươi.
Hứa Khang cười lớn:
- Cuồng đồ kiêu căng. Ha ha, vậy để Hứa tiên sinh ta dạy cho ngươi một bài học.
Nói đến đây ông ta cho tay vào người, phút chốc đã cầm trên tay một trường ty nhuyễn tiên mầu bạc. Lại thấy đệ nhất thần thâu vung tay, lập tức có mấy tiếng vun vút vang lên, trường tiên trong tay ông ta như chực hóa thành con giao long vẫy vùng trong sóng nước, khắp mọi nơi đều có bóng ảnh mầu bạc tràn ngập. Hóa ra chẳng những bản lĩnh khinh công của Hứa Khang cao cường mà tiên pháp của ông ta cũng thật đáng để người ta thán phục.
Lúc này như có chút gì ngoài ý muốn, gã hộ kiệu kia đâm nhanh tới ba thương, đồng thời sau đó lùi vội về phía sau, miệng thì quát vang: “Lên hết đi cho ta.” Ngay lập tức đám võ sĩ hộ kiệu ùa lên, nhắm Hứa Khang mà công kích. Lúc này nghe mấy tiếng chát chát không ngừng vang lên, đã có không ít tay hộ vệ đã được thưởng qua sự lợi hại của họ Hứa, thế nhưng đám người này khả năng chịu đòn khá cao, lại như không biết sống chết là gì nhất loạt xông về phía Hứa Khang mà vung đao chém loạn. Hơn nữa ở phía ngoài, gã hộ kiệu trên tay lăm lăm trường thương, vẫn dõi mắt nhìn về phía họ Hứa hết sức cảnh giác. Nhất thời Hứa Khang cũng không thể tách ra khỏi đám người kiều mạng này.
Trước tình cảnh này, họ Hứa than thầm trong bụng: “Chết tiệt. Quân binh sắp kéo tới rồi. Sao lão tam lần này làm ăn chậm chạp thế nhỉ.” Thật may vừa nghĩ đến đây thì ở phía sau Triệu Du Thiên đã lập tức xuất hiện. Người ngoài nhìn vào chỉ thấy bóng một văn nhân áo trắng áo quần xộc xệch, vừa chạy đến Hứa Khang vừa không ngừng gào thét:
- Lão gian tặc, ngươi hãm hại phụ thân ta. Ta liều mạng với ngươi.
Hứa Khang trông thấy vậy nhủ thầm: “Tốt lắm!” Tuy thế nhưng ngoài mặt thì hờ hững:
- Tiểu tử, hôm nay bổn đại gia không vui. Ngươi đừng có trêu vào ta nữa.
Tuy vừa phát thoại song bóng áo đen và trường tiên trong tay ông ta vẫn vô cùng phiêu hốt, không ngừng vẫy vùng giữa một lưới đao dày đặc. Đến đây nghe một tiếng quát vang: “Đi”. Tức thời trường tiên trong tay họ Hứa chồm lên theo thế Hải lãng thao thiên, loạt xoạt nghe mấy tiếng vang lên, thì ra lúc này đã có mấy tay hộ vệ đã bị tước mất binh khí. Lúc này Hứa Khang nhảy lùi về phía sau mấy bước, trừng mắt nhìn về phía Triệu Du Thiên gằn giọng:
- Gã thư sinh vô dụng kia, ngươi muốn gì?
Triệu Du Thiên lúc này như đang cố tỏ ra là một hiếu tử đi đòi công đạo cho phụ thân mình mà không màng sống chết. Lúc này thấy họ Triệu không biết nhặt đây được một đoạn gậy ngắn làm bằng gỗ, vừa thở hổn hển vừa cất tiếng: “Hừ, ngươi chỉ vì muốn bắt cóc vị tiểu thư kia mà hại không biết bao nhiêu ngươi.” Đến đây ngữ âm có vẻ mang đầy đau đớn: “Cả cha ta tuổi đã ngoài thất thập, ấy vậy mà…”
Tiếng chưa dứt, Triệu Du Thiên cầm đoạn gậy ngắn nhoài người lên, lóng ngóng đánh vào người Hứa Khang. Trước tình thế đó, Hứa Khang cười nhạt: “Sức trói gà không chặt mà cũng làm loạn.”
Tiếng chưa dứt thì đã thấy bóng ông ta áp sát người họ Triệu, một tay nắm cổ áo Triệu Du Thiên đoạn lăng mạnh một cái: “Tha cho ngươi một cái mạng. Cút.”
Ngay lập tức Triệu Du Thiên bị ném văng gần về phía tiểu thư họ Lã. Lúc này ở phía sau có bóng một ông già bước tập tễnh, miệng không ngừng kêu: “Ôi! Thiên nhi, Thiên nhi.” Vừa nói vừa bước cà nhắc tiến về phía Triệu Du Thiên.
Trước tình cảnh đó, gã hộ kiệu thoáng ngẩn người ra một lúc, rất nhanh sau đó thấy gã cười gằn, thiết thương trong tay bất ngờ nhắm Triệu Du Thiên lúc này đang ngã sõng xoài trên đất mà đâm tới. Triệu Du Thiên thấy vậy giật mình lạnh toát sống lưng, song cả người đã kịp bật lên như chiếc lò xo, miệng thì hét lớn:
- Hỏng hết rồi. Toàn lực ra tay thôi!
Phía xa, Hứa Khang và Tất Thu Phàm cũng giật mình, lúc này đã hiểu mọi chuyện đã bị bại lộ, thầm nguyền rủa tên bất lương hộ kiệu ranh mãnh. Lúc này Hứa Khang quát lớn:
- Lão Tất, chúng ta liên thủ nào.
Nghe Hứa Khang nói vậy, Tất Thu Phàm không chút chậm trễ, nhặt vội một thanh kiếm trên đất, đồng thời tung mình lại, đứng kề vai với Hứa Khang. Lúc này gã hộ kiệu cười nhạt một tiếng:
- Mưu kế trẻ ranh, sao qua được mắt ta.
Lại nhìn bốn phía xung quanh, khi thấy bóng dáng quan binh đang lùn ùn kéo tới thì gã đắc chí:
- Ha ha, lần này xem mấy người các ngươi chạy đâu cho thoát.
…
Lại nói về phần Lý Phi Dương, chỉ ít lâu sau khi xảy ra biến cố trước cổng Tín Quốc tự, khi vừa nhận ra có biến lập tức họ Lý chạy tới trước cổng Lã phủ. Trong trang phục của một nha đinh, Lý Phi Dương hoảng hốt hét lớn: “Hỏng. Hỏng hết rồi. Có gian tặc âm mưu bắt cóc Lã tiểu thư. Mau mau báo động mọi người trong phủ nhanh chân ra ứng cứu.”
Lúc này như vì hốt hoảng mà thanh âm của Lý Phi Dương có vẻ lộn xộn, gã binh sĩ gác phủ họ Lã nghe vậy khẽ nhíu mày:
- Cái gì. Có người bắt cóc tiểu thư ư?
Hắn vừa nói đến đây thì ở phía xa xa, một dải khói sáng màu lam không ngừng vút lên cao, thấy thế liền giật mình: “Pháo hiệu. Chết rồi, có biến!”
Đồng thời một loáng sau đó đã thấy bóng một võ sĩ trong tốp hộ vệ kiệu hoa Lã tiểu thư chạy tới, miệng hét lớn: “Báo động. Có người mưu bắt cóc tiểu thư.”
Lập tức cánh cổng sắt nặng nề được mở to, gã gác cổng hồng hộc chạy vào, miệng không ngừng la lớn:
- Có người âm mưu bắt cóc tiểu thư. Lệnh triệu tập cao thủ hộ phủ nhanh chóng ra tiếp viện.
Ngay tức thời tiếng chuông báo động vang lên khắp nơi, thoáng chốc Lã phủ cũng đã có chút rối loạn. Lúc này như chẳng có ai để ý đến một bóng ảnh mờ ảo tung mình vọt qua một đoạn tường vắng và sau đó nhanh chóng mất dạng.
Mấy canh giờ sau đó, rốt cục Lã phủ cũng đã yên bình trở lại. Nghe mọi người xôn xao rằng có một tốp võ lâm cao thủ xuất hiện âm mưu bắt cóc Lã tiểu thư. Có người phán đoán rằng đây là âm mưu bắt cóc để đòi ngân lượng của đám giang hồ phiến tử, lại có mấy người xì xào nhỏ to rằng mấy người kia bắt cóc Lã Thăng Bình tiểu thư cũng chỉ là nhắm vào Lã đại nhân. Tuy nhiên với phẩm hạnh và cách đối nhân xử thế thường nhật của tiểu thư họ Lã, hầu hết mọi người khi nghe tin Lã tiểu thư bình an trở về đều lấy làm vui mừng.
Đêm xuân tiêu - mờ sáng ngày mười sáu, ánh trăng lung linh và huyền ảo treo lơ lửng giữa trời. Lúc này trời đã về khuya, đêm hội hoa đăng đầu xuân cũng đã tan hết, trả lại cái vẻ thanh tĩnh thường nhật của buổi tàn canh. Lã phủ lúc này đang chìm trong một không gian tĩnh mịch, chỉ đôi khi có bóng gia nhân cầm đèn đi dọc hành lang kiểm tra tình hình. Tuy nhiên trong Lã phủ vẫn còn có hai nơi còn sáng đèn: một là Trù phòng và nơi thứ hai chính là phòng riêng của Lã đại nhân Lã Kính. Căn biệt phòng này là nơi làm việc của Lã đại nhân khi về phủ, chẳng biết trong đó có ẩn giấu một bí mật gì to lớn hay không mà nghe nói không có lệnh của đại nhân thì ngay cả Lã tiểu thư cũng không được phép tiến vào nửa bước.
Càng về khuya tiết trời thêm giá lạnh, ánh trăng vàng dần nhạt và mờ đi bởi lớp sương mù đang dần dày đặc hơn. Trong không gian lạnh lẽo và vắng lặng đó, không một ai nhận ra rằng có một bóng người đang nằm ẩn mình trên nóc căn biệt viện của Lã phủ - nơi hiện tại vẫn đang nhẹ hắt ra thứ ánh sáng mờ ảo và lay lắt. Lúc này giữa chính phòng, cạnh chiếc bàn làm việc đặt trước tấm bình phong cũ kỹ là một trung niên trạc ngũ tuần, gương mặt ông ta lúc này đang tràn đầy bi ai và buồn rầu, thoạt như là lo lắng, lại thoạt như là chán nản. Ở trên nóc nhà, qua khe hở nhỏ xíu Lý Phi Dương đang nhẫn nại quan sát từng biểu cử nhỏ nhất của Lã Kính để chờ cơ hội xuống tay.
Qua một lúc, thấy ông ta tiến sát lại bức bình phong, lật nhẹ chiếc rèm vải bên mé tả, trước mặt họ Lã hiện ra một bức chân dung một thiếu nữ trẻ tuổi. Ắt hẳn bút lực của người vẽ tranh phải cao lắm, ấy là bởi vì thiếu nữ trong tranh hiện ra sống động như thật và bởi thế thoạt như cô thiếu nữ trong tranh còn có cả tính cách: như là thùy mị, lại như là dịu dàng và yếu đuối. Lúc này thấy họ Lã bàn tay run rẩy vuốt nhẹ lên mặt bức tranh, bàn tay gân xanh đã nổi lên - và khóe mặt của ông ta tự khi nào có vương một giọt nước mắt. Thật chẳng ngờ một con người “vẫy tay làm mây, lật tay làm mưa” ở cái đất Biện Kinh này lại cũng có lúc thương tâm như hiện tại. Lý Phi Dương quan sát thấy cảnh đó trong lòng chợt dâng lên chút chua xót và thương cảm, tự nhủ thầm: “Té ra tên họ Lã này cũng còn có một chút lương tâm.”
Lúc này Lã Kinh khẽ lẩm bẩm, thanh âm thoảng như nghẹn đi vì đau đớn: “Diệp San Thiên- đã mười một năm rồi, nàng có biết không. Mười một năm trời đằng đẵng, ta không còn được thấy bóng dáng nàng.”- Lúc này hai mắt họ Lã nhòa lệ, dường như y đang sống với những mảng kí ức trong quá khứ xa xăm: có đau đớn, có buồn thương và có cả hạnh phúc- vì bởi cũng có lúc gương mặt họ Lã thoáng giãn ra một nụ cười.
Ở phía trên nóc nhà, quan sát thấy hành động và biểu tình gương mặt của Lã Kính, Lý Phi Dương vừa ngạc nhiên, lại vừa như có phần thương cảm cho họ Lã, nhủ thầm: “Đây là cơ hội tốt nhất cho mình ra tay.” Nghĩ đến đây chàng ghé ống kim tiêu nhỏ xíu hướng về mặt của họ Lã, ghé mồm toan định thổi mạnh một hơi. Thế nhưng chẳng hiểu sao khi vừa nhìn thấy ánh mắt trầm mê, vô hồn kia của Lã Kính, Phi Dương chẳng thế nào xuống tay nổi. Cuối cùng thì chàng nghĩ: “Họ Lã kia dẫu là đại ác nhân song trong hắn còn sót lại chút tình người. Hừ, vậy cho hắn sống thêm một khắc nữa vậy.”
Một lúc sau, dường như Lã Kính đã tỉnh táo lại, chỉ nghe y lẩm bẩm: “San Thiên, nàng nếu linh thiêng hãy phù hộ cho con gái chúng ta được an toàn. Nàng biết không, Bình nhi càng lớn càng giống nàng đó. Mỗi lần nhìn thấy Bình nhi, thấy ánh mắt buồn bã của nó lòng ta lại đau đớn không thôi. Tất cả, tất cả đều là tại ta không tốt, ta không đáng mặt làm một người cha mà. Dường như trong mắt nó ta thấy sự uất ức và thương tâm. Ha ha, bởi vì Lã Kính ta là một đại ác nhân mà, là một tên Hán gian bán nước mà.”
Nói đến đây ông ta bất ngờ đưa tay bưng mặt khóc. Lý Phi Dương trông thấy thế nhíu mày: “Rốt cục ngươi cũng nghĩ ra được như vậy à. Hừ, vậy còn bao nhiêu người tan cửa nát nhà vì ác nhân ngươi. Ngươi có nghĩ ra được không?” Nghĩ đến đây như thầm hạ quyết tâm: “Hừ, ta không thể cứ mềm lòng như thế được. Chần chừ một lúc trời sáng là hỏng việc mất.”
Chẳng ngờ đến lúc này thấy Lã Kinh choàng tỉnh, đưa tay áo lau vội nước mắt quát khẽ một tiếng: “Ai?”
Trên nóc nhà Lý Phi Dương nghe thấy thế cả người lạnh toát, thoạt có ý định đạp nóc nhà xông vào loạn chiến một hồi. Bất quá rất nhanh sau đó có tiếng gõ cửa nhẹ, một thanh âm già nua đùng đục cất lên: “Đại nhân, là lão nô có chuyện cầu kiến!”
Lý Phi Dương khi nghe thấy giọng nói này thì thoáng ngẩn người: “Thanh âm nghe quen quá. Ta đã gặp người này ở đâu rồi chăng?” Trong lúc chàng đang cố nhớ lại thì thấy Lã Kính thở hắt một hơi, cố trấn tĩnh cất tiếng:
- Hóa ra là Phúc lão. Mời Phúc lão vào.
Lã Kính vừa dứt lời, một người dáng vẻ tuy già cả song cử chỉ khá là nhanh nhẹn vội vã bước vào. Sau khi khép cửa và nghe ngóng xung quanh, người được gọi là Phúc lão này vội vã lên tiếng:
- Đại nhân. Chẳng nhẽ chuyện liên quan đến sự an nguy của tiểu thư, đến bây giờ đại nhân vẫn có ý định không cho lão nô được biết hay sao?
Nghe thấy vậy, Lã Kính thoạt có vẻ bối rối:
- Hóa ra Phúc lão đã biết hết mọi chuyện rồi hay sao. Thật ra thì,… thật ra lúc này ruột gan ta rối bời. Nghĩ đến thảm cảnh mười bẩy năm trước, thật ta chỉ muốn ngay lập tức rời Biện Kinh, đi tìm Bình nhi trở về. Tiểu nha đầu đó quả thật là ngốc nghếch và dại dột quá mà.
Người được gọi là lão Phúc kia nghe vậy vội sụp quì xuống:
- Đại nhân. Suốt mấy mươi năm nay, lão nô một đời gắn bó trung thành với đại nhân mà chưa có một thỉnh cầu gì. Chỉ là lần này cầu xin đại nhân cho lão được xuất phủ, lên đường truy tìm tiểu thư, đồng thời khuyên nhủ tiểu thư trở về. Lão tin rằng, nếu tiểu thư biết chân tướng tất cả mọi chuyện, nhất định sẽ không oán hận đại nhân nữa, nhất định sẽ ngoan ngoãn…
Lão Phúc vừa nói đến đây thì nghe Lã Kính ngắt lời:
- Không được. Tâm tình của Phúc lão ta cũng hiểu, bất quá sau biến cố vừa rồi, nhất định không được phép xảy ra sự tình khác lạ nào nữa. Hiện giờ Phúc lão đang bị thương, lại từng vắng mặt một khoảng thời gian ở phủ, giờ là lúc chúng ta tuyệt đối không được vọng động. Nhất định không để cho bọn Thiên nhẫn giáo phát hiện ra chút sai sót nào.
Ở phía trên nghe đoạn thoại này Lý Phi Dương ngẩn người, chàng thầm nghĩ: “Rốt cục là lão già họ Lã kia đang nói cái gì thế nhỉ?” Chú ý quan sát tiếp, khi Lã Kính vừa dứt đã thấy lão Phúc nghẹn lời:
- Đại nhân. Một đời đại nhân hi sinh thân mình vì đất nước, rốt cục có ai hiểu cho người. Hai mươi năm, rốt cục là đại nhân đã thu được cái gì ngoài đau thương và mất mát. Nếu giả như lần này có chuyện gì xảy ra với tiểu thư…
Lã Kính nghe được giật mình:
- Phúc lão đừng quá xúc động. Tai vách mạch rừng. Ài. Phúc lão yên tâm đi, ta đã phái suất hơn mười cao thủ đi dò la tung tích của Bình nhi rồi. Hi vọng chẳng mấy chốc sẽ…
Lão Phúc nghe vậy vội lên tiếng:
- Thứ cho lão nô cắt lời đại nhân. Đại nhân, theo như lão nô thấy đám cao thủ của phủ ta cũng toàn một lũ bất nhân, hơn nữa chẳng một ai có thể đáng tin cẩn. Huống chi…
Nói đến đây ông ta hạ giọng nói khẽ:
- Chi bằng lần này để lão nô mạo hiểm ra ngoài một lần nữa. Mang theo Thanh trúc lệnh bài nhờ người của Cái Bang dò la và chiếu cố cho tiểu thư. Cái Bang người đông thế mạnh, lão nô tin…
Mặc dù thanh âm kia nghe rất khẽ, chỉ thoảng qua vo ve như tiếng muỗi kêu bất quá với bản lĩnh hiện tại, Phi Dương nghe không sót một tiếng nào. Lại nghe đến mấy từ: “Thanh trúc lệnh bài”, Lý Phi Dương giật mình, không kìm được giật mình bật ra một thanh âm khẽ.