[Dịch] Bố Già - The Godfather

Quyển 4 - Cuốn IV-Chương 18 : Chương 18




CỬA hàng xe đòn của Bonasera ở đường Mulberry, còn nhà riêng lão chỉ cách vài dãy nhà. Lão có lệ về nhà ăn cơm chiều nhưng chập tối thế nào cũng phải trở ra cửa hàng để xăng xái góp mặt với quý vị tang chủ có người nhà nằm lại.

Bonasera đã chọn nghề chôn người làm kế sinh nhai nên tối kị những quân ưa đặt điều nhạo báng cái nghề đòi hỏi nhiều tiểu tiết tưởng là không quan trọng này. Dĩ nhiên bà con quen biết hay láng giềng của lão chẳng bao giờ dám láo lếu vậy vi nghề nào chẳng là nghề, miễn có đổ mồ hôi là khả kính rồi!

Nhà riêng của Bonasera trang hoàng đúng điệu, chỗ nào cũng có tượng đức Mẹ, bàn thờ Chúa bóng đèn màu nhấp nháy. Lão ngồi đợi vợ con dọn cơm chiều nhâm nhi ly whiskey, hút mấy hơi Camel. Mụ vợ bưng mấy đĩa súp nóng lên, hai vợ chồng húp sì sụp. Trơ trọi hai vợ chồng già, đứa con gái phải gởi tạm lên Boston ở với dì nó, mong nó sớm quên đi những kỉ niệm hãi hùng do hai thằng súc vật gây nên hồi đó.

Giữa bữa cơm mụ vợ hỏi:

- Tối nay ông có ra cửa hàng không?

Lão gật đầu. Sao lại không nhỉ? Mụ coi trọng nghề nghiệp của chồng thật… nhưng chẳng hiểu quái gì hết. Mụ cũng như mấy người ngoài cứ tưởng đâu trong nghề này quan trọng nhất là vấn đề kỹ thuật, nghĩa là phải lo rửa ráy, tô điểm làm sao cho người nằm trong hòm mặt mũi tươi tỉnh như lúc còn sống, về vụ này thì Bonasera nhất. Nổi tiếng quá rồi. Họ đâu biết chính sự hiện diện của ông chủ nhà đòn mới là vô cùng cần thiết.

Tang gia đòi hỏi Bonasera phải có mặt trong đêm chót hết, lúc người thân của họ còn quàn lại cửa hàng, đợi bà con tới phúng điếu. Con người của Bonasera quả có hạp với sự chết chóc. Khuôn mặt rầu rầu, trang nghiêm là cả một sự ai điếu, giọng lão ề à đều đều đúng như giọng đám ma. Lão có nghệ thuật trấn áp sự khóc lóc bi thương quá lố cũng như dọa dẫm con nít quấy nhiễu những lúc tang gia bối rối. Nhất định không xen vô công việc gia chủ nhưng cần đến là Bonasera có mặt ngay. Vì vậy đã nhờ vả cửa hàng lão một lần là nhà “có việc” không thể quên nổi… cũng như Bonasera không bao giờ để “thân chủ” nằm trơ một mình trong một đêm cuối cùng của cuộc đời.

Trên phương diện nghề nghiệp, Bonasera coi trọng đêm vĩnh biệt lắm. Cơm nước xong lo chợp mắt một lúc cho tỉnh táo, dậy rửa mặt cạo râu đàng hoàng, thoa phấn nhiều nhiều cho trơn tru và không quên súc miệng nước thuốc cho thơm tho. Quần áo dĩ nhiên là phải mới thay, giặt ủi thẳng nếp, sơ-mi trắng bong, cà-vạt đen, bộ đồ nỉ đen, vớ đen, giày cổ đen. Ngay mớ tóc lão cũng phải đen, chẳng phải nhuộm cho trẻ trung như mấy lão người đồng hương mà hoàn toàn vì lý do nghề nghiệp. Một mái tóc muối tiêu coi bộ kém trang trọng!

Xong đĩa súp, mụ vợ dọn đĩa bít-tết xà-lách và ly cà phê đen là xong bữa. Ngồi nhấm nháp cà phê lót khói Camel lão nghĩ đến đứa con gái, mụn con độc nhất vừa trải qua một cơn đại nạn. Khuôn mặt xinh xắn của nó nhờ giải phẫu thẩm mỹ hoàn toàn không để lại vết tích nhưng ánh mắt con nhỏ vẫn nguyên vẹn sự hãi hùng làm lão không dám ngó. Phải cho nó một dịp sống xa nhà để thời gian và khung cảnh mới may ra hàn gắn được nỗi bi thương. Chỉ có chết mới hết… chớ đau khổ, hãi hùng có bao giờ vĩnh viễn? Chính nghề chôn người khiến Bonasera luôn luôn lạc quan!

Bỗng đâu chuông điện thoại ở phòng khách reo vang. Có lão ở nhà mụ vợ có bao giờ nghe phôn? Bonasera tợp hết ly cà phê, dụi tàn thuốc và vừa đi lại máy vừa nới cà-vạt, cởi nút sơ-mi sẵn để nghe xong chỉ việc ngả người nghỉ lưng giây lát.

Nhấc phôn lên Bonasera “Hello” thật lịch sự và nghe đầu dây đằng kia có một giọng nói sẵng:

- Tom Hagen đây. Tôi gọi nhân danh Ông Trùm, theo lời ổng yêu cầu.

Bonasera nghe nhói một phát nơi bụng, choáng váng cả người, ông trùm Corleone! Vậy là sắp có chuyện rồi! Hơn một năm nay mối nợ canh cánh bên lòng nghe chừng đã nhạt. Hồi mới đầu thấy hai thằng súc sinh khốn khổ khốn nạn, bị một trận gần chết vì dám đụng đến con cưng của bạn ông trùm Corleone, lão quả thực dám làm bất cứ điều gì ông bạn nhờ vả lại lắm. Nhưng bây giờ thì… Xưa nay lòng biết ơn còn đi mau hơn nhan sắc nữa! Giọng lão thốt nhiên rụng rời:

- Vâng, tôi hiểu rồi. Tôi nghe đây…

Bonasera ngạc nhiên quá! Xưa nay nghe nói Tom Hagen ăn nói lịch sự, đàng hoàng lắm sao bữa nay ông consigliori lại mệt mỏi cộc cằn đến thế này? Hắn nói không úp mở:

- Ông còn nợ Ông Trùm một việc. Chắc ông vui lòng làm trả chớ? Cỡ một giờ nữa, không sớm hơn mà có thể chậm chút đỉnh… đích thân Ông Trùm sẽ tới đằng cửa hàng để nhờ ông một việc. Xin ông tới cửa hàng, đừng để người làm ở lại. Nếu được xin cho hay mà không thì để Ông Trùm còn đi nhờ người khác.

- Ủa, sao ông nói vậy? Bố già của con bé cháu mà có chuyện cần đến thì làm sao tôi từ chối được? Tôi sẽ tới ngay bây giờ, tôi đi liền.

Ở đầu dây, giọng nói có vẻ hòa dịu nhưng vẫn có chút kỳ lạ mà Bonasera đoán không ra.

- Tốt lắm, Ông Trùm cũng tin vậy. Thắc mắc là tôi thắc mắc đó thôi. Vậy ông ráng làm giùm việc này, rồi ra có việc gì cần đến tôi, ông có thể kể như tôi là bạn.

- Ông vừa nói đích thân Ông Trùm sắp đến cửa hàng?

- Đúng thế.

- Nếu vậy Ông Trùm khỏi hẳn bệnh rồi ạ? Lạy Chúa tôi…

Bonasera chỉ nghe một tiếng “Phải” là máy cúp. Mồ hôi ở đâu ra mà nhiều vậy? Lão vô thay quần áo, xúc miệng. Chỉ kịp thay chiếc sơ-mi mới. Phôn lại cửa hàng, ra lệnh cho thằng phụ tá ở lại với tang gia ở đằng trước, phía sau là “phòng làm việc” phải để trống cho lão. Nó lấy làm lạ tính hỏi lại thì Bonasera gắt lên: “Tao bảo sao cứ làm vậy, khỏi hỏi!” Mụ vợ ăn cơm chưa xong thấy chồng mặc đồ, hấp tấp ra “cửa hàng” cũng lấy làm lạ nhưng không dám hỏi. Bữa nay Bonasera có vẻ nghiêm trọng quá. Lão chỉ nói “Tôi có chút việc làm gấp” rồi lật đật bỏ đi ngay.

Cửa hàng Bonasera là cả một tòa nhà đứng sừng sững trên một khu đất rộng chung quanh có hàng rào trắng toát. Từ cửa ngoài vô “phòng làm việc” ở phía sau có một con đường nhỏ vừa đủ rộng cho xe hồng thập tự, xe tang ra vô. Lão đích thân mở cửa sắt lớn, đi vòng ra đằng sau và thấy ở cửa hàng phía ngoài tang gia đang đứng lố nhố.

Cả cơ sở nhà đòn bây giờ Bonasera mua lại của một đồng nghiệp già giải nghệ mấy năm trước. Hồi đó ông chủ cũ cất cửa hàng không tính toán gì hết, muốn lên tiền đình căn nhà phải bước cả mười bậc thang, người già yếu hay tàn tật làm sao leo nổi? Thành thử họ phải “đi” nhờ cái thang máy đặt ở góc nhà, xưa nay chỉ dùng để lên xuống người chết hay quan tài. Vô cùng bất tiện, về tay Bonasera, lão cho sửa lại gấp. Tang chủ hay người đi phúng điếu có lối lên thoai thoải, lên thẳng tiền đình, khỏi phải sử dụng thứ thang máy chỉ để dùng cho người chết.

Cửa hàng Bonasera chia hẳn ra làm hai khu riêng biệt, có vách dày ngăn, âm thanh qua cũng không lọt. Phía ngoài chia từng ngăn cho từng tang chủ để họ cử hành lễ tống táng theo nghi thức tôn giáo họ muốn. Phía sau là “lãnh vực chuyên môn” của nhà đòn. Có văn phòng, có nhà kho bày đủ kiểu quan tài lớn nhỏ, có “phòng làm việc” để sửa soạn, khâm liệm. Ngay cạnh “phòng làm việc” là gian nhỏ khóa cứng, bên trong để những hóa chất những “đồ nghề’” cần thiết để cải sửa dung mạo người quá cố.

Bonasera nhanh nhẹn mở khóa bước vô văn phòng. Lão ra ngồi buya-rô đợi “cố nhân” Vito Corleone. Có mấy khi lão hút thuốc ở buya-rô nhưng tối nay Bonasera cần đốt một điếu Camel. Cứ nghĩ đến vụ Ông Trùm sắp tới nhờ vả, lão đã rầu muốn thúi ruột. Lão hoảng thiệt tình. Không làm thì không xong mà làm thì… Phải có chuyện gì quan trọng lắm lắm lão Corleone mới phải đích thân tới hẹn giờ đàng hoàng mà như lời Hagen nói… còn phải đuổi hết người làm công về, một mình ông chủ ở lại!

Cố nhân sắp nhờ vả gì Bonasera biết chớ? chôn người là nghề, là lãnh vực chuyên môn xuất sắc của Bonasera thì lão còn được nhờ vả chuyện gì ngoài vụ lo cho xác chết! Mấy tháng nay cánh Corleone đổ máu lớn, một mình chơi lại cả Ngũ đại gia đình New York. Các báo ngày nào chẳng đăng tin… đại để cả hai bên đều lãnh đủ, người chết cứ như ngả rạ! Hôm nay chắc cánh Corleone vừa quất được một mạng nào đó của đối phương, một tay cực kì quan trọng phải thủ tiêu cấp tốc trong vòng bí mật hoàn toàn chớ gì? Có một ông bạn thân, chủ nhà đòn đám ma, thì tiện nghi quá cỡ rồi: Nhờ một thằng có môn bài chôn người thủ tiêu một xác chết thì kín quá, tuyệt quá!

Vậy là đời lão sắp khốn nạn. Tiếp tay chôn xác chết giùm cho mấy ông ăn cướp còn là gì, nếu chẳng phải tòng phạm sát nhân? Ra tòa là ở tù hàng năm sắp lên mà tù khổ sai, cấm cố chớ chẳng phải tù thường! Ôi, chủ nhà đòn danh tiếng mấy chục năm Amerigo Bonasera mà tù tội vì dính líu vào vụ giết người của mấy thằng Mafia thì còn gì là mặt mũi? Vợ con ông chủ còn xấu mặt lây là cái chắc!

Chết đến nơi rồi. Bonasera phải đốt thêm điếu Camel. Coi, tù tội đâu đã nguy hiểm? Bất quá chỉ bôi đen tên tuổi, tiêu ma danh dự. Còn cái vụ này… cái vụ sắp sửa phải dính vô dám mất mạng! Lão tiếp tay cho Corleone, tức đứng hẳn về cánh Corleone thì nhất định là kẻ thù chung của Ngũ đại gia đình Mafia. Tụi nó biết… mà dĩ nhiên thế nào tụi nó chẳng biết… thì ôi thôi còn gì cái mạng của ông chủ nhà đòn? Chết chắc!

Lão hối hận đầy mình. Ôi, nhờ vả làm chi cho khốn khổ? Mụ vợ lão quen biết con mụ trùm Corleone làm chi cho mang vạ thế này? Mà cả con nhóc con nữa. Quen biết, chơi bời làm gì… để bị hành hạ, để bố phải đi cầu cạnh người ta giờ mới ra nông nỗi! Mà cả cái nước Mỹ này nữa, ăn nên làm ra được, giàu có được cũng khổ. Bonasera hận quá!

Hận người, hận đời chán chê thì Bonasera bỗng thấy lóe lên một tia sáng lạc quan. Ô hay, sự tình đâu đã đến nỗi bi thảm đến thế mà đã vội bấn lên? Mọi việc dám xuôi chèo mát mái lắm chớ? Xưa nay Vito Corleone đâu phải người không khôn ngoan? Xưa nay lão nổi tiếng thận trọng, đa mưu túc kế. Cẩn phải giữ bí mật, lão còn giữ hơn ai hết! Như vậy hoảng hốt làm gì… sao bằng bình tĩnh chờ coi.

Mà bây giờ làm mất lòng Vito Corleone không nguy hiểm sao? Sợ còn mau chết nữa!

Có tiếng bánh xe nghiến lạo xạo. Quen quá rồi, Bonasera biết ngay có xe tới khúc đường trải đá sỏi, đi vòng cửa sau. Lão vội mở cửa sau đón khách. Clemenza hùng hục ào vô theo sau là hai gã cận vệ coi bặm trợn quá. Cùng sếp mập, hai thằng chia nhau đi kiểm soát một vòng, không thèm chào hỏi, xin phép mà nhào bừa vô như nhà tụi nó vậy. Hai thằng “xét nhà” xong chia nhau đứng hai góc, một mình Clemenza bước ra.

Lát sau có xe nữa tới, xe hồng thập tự. Tai Bonasera nghe lầm sao nổi? Lão mập lại trở vô, theo sau có hai thằng khiêng cáng. Thôi đúng rồi! Đúng như Bonasera đoán trước… trên cáng có một thân hình người, che tới mấy lớp mền nhưng hai bàn chân vẫn thò ra, da vàng như sáp.

Clemenza đưa tay trỏ để hai thằng khiêng cáng vào “phòng làm việc”. Có tiếng chân bước từ ngoài sân tối thui vô căn phòng sáng ánh đèn, ông trùm Corleone chớ còn ai?

Quái, nằm dưỡng thương cả mấy tháng, ổng gầy yếu là phải song dáng đi sao… cứng nhắc, khó khăn thế kia? Chiếc nón nỉ lấy ra cầm tay, mớ tóc trên cái đầu bự coi bộ thưa thớt quá. Coi già nua, gầy yếu hơn bữa gả con nhiều… nhưng oai phong vẫn còn, thế mới lạ! úp nón vô ngực, ổng cất tiếng:

- Thế nào cố nhân? Chỗ anh em có chút việc nhờ nhau được chớ?

Bonasera gật đầu. Ông trùm Corleone theo chiếc cáng bước vô phòng khâm liệm, lão tò tò đi sau. Chiếc cáng được đặt lên bàn cao. Ông khẽ đưa cái nón ra hiệu để mấy người kia ra hết. Lúc bấy giờ Bonasera mới lí nhí:

- Nào, bạn cần tôi làm gì nào?

Ông Trùm ngưng thần hướng vô chiếc cáng thong thả đáp:

- Bạn… nếu bạn thương tôi nhờ bạn ráng hết sức, bạn mang hết kinh nghiệm nhà nghề lo giùm cho thằng cháu. Tôi… tôi không dám để mẹ nó nhìn cảnh tượng này…

Chậm chạp nhích tới bên cạnh bàn, Ông Trùm mạnh tay lật chiếc mền lên. Ôi chao, Bonasera không thể nén nổi một tiếng rú kinh hoàng… dù chôn người liệm xác là nghề từ mấy chục năm nay. Ghê rợn quá! Khuôn mặt bự của Sonny Corleone hiện ra, nát bấy những vết đạn. Mắt bên trái là cả một hố máu bẩm, tròng mắt bể vụn. Một mớ thịt bầy nhầy, nát ngướu thay cho sống mũi và gò má trái.

Có dễ đến gần một giây đồng hồ Bonasera cảm thấy bàn tay ông trùm Corleone đặt trên vai lão, có ý tìm một thế dựa.

- Bạn thấy chưa? Bạn thấy thằng con tôi bị chúng chơi dã man chưa?


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.