Bọn Lâm Tín qua lại Triệu gia cũng chỉ mất một hai canh giờ, con la đã dắt về. Lâm gia vốn đã có một con la, để ở nhà Lâm Tín, Lam Tín bảo Lâm Chính dắt con la này về nhà anh, mỗi nhà một con, như vậy lúc dùng cũng thuận tiện hơn.
Phương Tằng thấy xong việc, từ chối lời mời cơm của Lâm Tín, dẫn Phương Trí Viễn về nhà. Tuy còn hai tháng nữa mới đến ngày thành thân nhưng mọi việc chuẩn bị không thể chậm trễ. Nhà Phương Tằng tuy mới nhưng vừa xây xong Lâm a ma đã đi nên trừ bỏ nhu yếu phẩm thì cũng không có các gia cụ khác.
Bây giờ cần thành thân, Phương Tằng nghĩ Trần Mặc là ca nhi trấn trên, nhà đơn sơ quá sợ anh ở không quen nên định sửa sao cho thoải mái hơn, ví dụ như lát đá tảng lớn trên mặt đất, mua sa liêm treo cửa, trang trí một phen. Phương Trí Viễn nghĩ trong phòng có thể trải ván gỗ, dù sao nơi này dựa núi, cái gì không có chứ gỗ là nhiều nhất.
Phương Trí Viễn nói cho Phương Tằng, Phương Tằng chưa từng nghe việc lát ván gỗ nhưng nghĩ nếu dùng gỗ lát nền thì đúng là ấm áp hơn dùng đá, nhất là mùa đông mà phô thêm một ít da dày hay vải bố thì chắc là rất ấm, mùa hè cũng không sao, bọn anh có thể làm loại ván gỗ có thể lấy ra được, đến lúc cần lại lấy ra, dùng đá cũng mát mẻ.
Phương Tằng đồng ý là được việc. Lâm Tín và Lâm Chính cùng vài người trong thôn quen thân với Phương Tằng đến giúp đỡ. Mấy ngày nay trong thôn đã nổ tung, tin Phương Tằng sắp kết hôn với ca nhi nhà quan như là một hòn đá ném xuống mặt hồ yên ả, làm gợn lên tầng tầng sóng.
Mọi người bàn tán sôi nổi, nhà thân quen với Phương Tằng thì hâm mộ nhiều hơn ghen tị, nhà bình thường thì trong lòng hơi ghen, cảm thán Phương Tằng tốt số, lại tiếc mình không có phúc như vậy, còn có vài nhà trong lòng vừa ghen vừa ghét, ước gì ca nhi nhà quan này thật xấu, miệng còn nói ca nhi Trần gia này nhất định phải thế nào mới chịu gả về nông thôn.
Tất nhiên những lời đó bọn họ chỉ dám nói thầm, dù sao họ cũng rất sợ hãi quan lại. Nhưng tất cả những việc đó cũng không ảnh hưởng đến tâm tình sửa chữa nhà cửa của Phương Tằng. Phương Trí Viện chủ động yêu cầu đảm đương thiết kế sư, dẫn cữu cữu hắn và thợ mộc thợ xây bận rộn trong bận rộn ngoài.
Lúc chưởng quầy Trần phái người tới đo phòng đã cố ý dặn dò gia cụ trong nhà Trần gia đều sẽ đưa đến, đều là nguyên bộ. Trần gia còn hỏi Phương Tằng và Phương Trí Viễn về sở thích màu sắc và những điều kiêng kị. Tuy đó là việc nhỏ nhưng có thể thấy được thành ý của Trần gia với Phương gia. Phương Tằng đặc biệt vừa lòng việc Trần gia coi trọng cháu ngoại mình, nghe chưởng quầy Trần nói việc này vẫn là Trần Mặc thận trọng nhắc nhở.
Phương Trí Viễn cũng cảm thấy vị cữu ma này của hắn đúng là biết quan tâm người khác, làm việc cũng chu đáo, chỉ dựa vào việc gia cụ đã không những làm cữu cữu hắn vừa lòng còn đạt được hảo cảm của hắn. Đúng là một chiêu tất thắng! Đương nhiên, một cữu ma thích đối tốt với hắn thì hắn hoan nghênh từ đáy lòng, hắn cũng không thích tự ngược, không thể không thích người đối tốt với mình.
Lưu a ma nghe Phương Tằng muốn thành thân, trong lòng còn lo lắng một thời gian, sợ ca nhi Phương Tằng cưới không thích Phương Trí Viễn thì sau này cũng khó sống. Nhưng nghe Lưu Trang kể lại thì Lưu a ma cũng không thể không cảm thán một câu, Phương Tằng này đúng là có phúc. Không phải ông ghét bỏ gì Phương Tằng mà thời đại này kết thân chú ý môn đương hộ đối, Phương Tằng có bản lĩnh đến đâu thì cũng chỉ là anh nông dân có vài mẫu đất, không thể so với quan lại có phẩm có cấp.
Vốn Phương Tằng cũng rất có bản lĩnh, Phương Trí Viễn thông minh lanh lợi, tuy ông không biết cụ thể số lượng nhưng đúng là hai cậu cháu rất biết kiếm tiền, chỉ là họ không có chỗ dựa. Lưu a ma sợ bọn họ khiến người khác chú ý rồi sẽ bị ghen ghét nhưng giờ Phương Tằng có hậu trường vững chắc như vậy thì sau này việc anh có cửa hàng bị người ta biết thì trừ việc đỏ mắt cũng không ai làm được gì, như thế ngay cả Phương Trí Viễn cũng dễ sống hơn. Lưu a ma có chút đắc ý về mắt nhìn của mình, ông nghĩ mấy nhà có ca nhi chờ gả chắc chắn hâm mộ ông muốn chết.
Đương nhiên, Lưu a ma cũng sợ người ta khinh thường nhà ông, dù sao cũng là cữu ma của Phương Trí Viễn, nói không chừng sau này vẫn ở chung nhà, người ta nhất định sẽ đối tốt với cháu ngoại ruột của Phương Tằng nhưng với cháu nội ông thì chưa chắc. Vậy nên, lúc ông biết Phương gia đang sửa nhà liền lập tức đóng gói Lưu Trang mang tới giúp đỡ Phương gia, tranh thủ tạo ấn tượng tốt cho cữu ma của Phương Trí Viễn, cũng là cữu ma của Lưu Trang.
Phương Trí Viễn rất vui vẻ, dẫn Lưu Trang mỗi ngày thiên mã hành không mà nghĩ trang trí nhà hắn cho xinh đẹp. Có đôi khi chủ ý của Phương Trí Viễn quá mức cổ quái, người ngoài không hiểu nhưng mà có Lưu Trang nha. Sức của cậu còn khỏe hơn cả hán tử, tay lại linh hoạt, Phương Trí Viễn hiến kế, Lưu Trang nghĩ cách làm cuối cùng cậu đều làm được.
Trong viện có giàn nho, bàn ghế đá, trồng thêm cả thảo mộc đuổi muỗi linh tinh, Phương Trí Viễn làm như thế đúng là rất đáng chú ý. Đặc biệt là Phương Trí Viễn còn thương lượng với cữu cữu hắn xới một vườn trồng rau ở phía sau, dùng hàng rào trúc vây quanh, bên ngoài còn trồng mấy cây ăn quả. Làm như thế, nhà cửa đúng là đẹp hơn nhiều.
Lưu Trang nhìn tấm gỗ lát nền của Phương gia rất được, nhất là bên trên còn trải ba tầng vải lót, như vậy trời mưa cũng không sợ nhà ẩm, còn không lạnh và dễ trượt như lát đá. Lưu Trang nghĩ đến việc thắt lưng ma ma cậu lúc còn trẻ chịu lạnh, vào mùa đông dễ bị lạnh, nếu làm sàn như này có lẽ sẽ đỡ hơn.
Nhưng giờ cậu đến Phương gia để giúp đỡ, cũng không thể nói chuyện này, chỉ là lúc làm sàn thì nhìn một lát, định lúc nào về sẽ tự làm. Phương Trí Viễn rất quan tâm đến Lưu Trang, thấy Lưu Trang lưu ý sàn nhà, hắn nghĩ một chút đã hiểu ý muốn của cậu.
Nhân dịp đang nhiều người làm việc, lúc hắn đưa Lưu Trang về liền đi đo nhà Lưu a ma và Lưu Trang, về nhà liền nói nhờ cữu cữu làm cho một ít tấm gỗ, tìm thời gian Lưu Trang ở nhà liền đưa qua. Lưu Trang miệng không nói gì nhưng trong lòng rất cảm động. Ngay Lưu a ma cũng đắc ý thêm lần nữa về việc bản thân chọn đúng trượng phu cho cháu nội.
Hai người lát một ngày mới lát xong, trong phòng Lưu a ma không chỉ trải ba tầng vải bố còn chuẩn bị một cuộn da động vật lớn, chuẩn bị lúc nào vào đông thì lót cho Lưu a ma. Lưu a ma thấy Phương Trí Viễn và Lưu Trang làm việc mệt mỏi liền xuống bếp bận rộn một trận.
Lúc ăn cơm tối, Phương Trí Viễn nhìn một bàn toàn món mình thích ăn, thỏa mãn, ăn ba bát đầy mới bê bụng về.
Phương Tằng mất một tháng mới sửa xong nhà cửa. Tiệc rượu anh phải làm ở nhà, may mà chưởng quầy Trần giờ cũng là trưởng bối của Phương Tằng, rất quan tâm đến việc hôn nhân của cháu mình, đã định danh sách đồ ăn, rượu với Phương Tằng từ lâu, dặn rằng ngày đó ông sẽ phái đầu bếp tốt nhất tửu lâu đến nhà Phương Tằng để làm tiệc giúp anh.
Phương Tằng thành thân, một nhà Lâm Thành toàn tâm bận rộn giúp đỡ. Phương Trí Viễn trong mắt mọi người vẫn là thiếu niên nên tất nhiên không có việc gì đến phiên hắn làm. Hắn rảnh rỗi, nghĩ dù sao Trần Mặc gả cho cữu cữu hắn cũng thành cữu ma hắn, như vậy hắn có phải là nên mua đồ gì tặng cho cữu cữu, cữu ma để chúc mừng tân hôn cho bọn họ không
Hắn ngẫm nghĩ bèn hỏi Lưu Trang: “A Trang, ngươi nói ta nên mua cái gì làm quà tân hôn cho cữu cữu và cữu ma bây giờ Ta chỉ có năm lượng bạc, nếu quý thì không mua nổi, nếu rẻ thì lại không dám tặng, vậy phải làm thế nào A Trang, ngươi có ý gì không”
Lưu Trang nghĩ nghĩ, nói: “Thực ra quà tặng thì chỉ cần cữu ma ngươi thích là được. Đồ ca nhi thích thì nhiều nhưng ta nghĩ quà dù đắt hay rẻ mà có tâm thì cữu ma ngươi sẽ thích thôi.”
Phương Trí Viễn nghĩ, đúng thế, Trần Mặc ở nhà mẹ đẻ có những đồ chắc chắn sẽ tốt hơn hắn có thể mua. Tiêu tiền mua đồ không bằng tự mình làm, cũng tỏ chút thành ý mong ước hòa hảo của mình.
Vì thế Phương Trí Viễn liền bắt đầu động nào. Cuối cùng, hắn vẽ ra mười hai hình búp bê, đưa đến một hàng nung đồ gốm ở trấn trên. Trả hai lượng sư phụ ở đó mới đồng ý nung cho hắn, nhưng nói trước là Phương Trí Viễn phải tự nặn ra.
Vậy nên Phương Trí Viễn và Lưu Trang ở cửa hàng học nửa tháng cách nặn phôi gốm, nung hai mẻ, ra hai mươi bốn con búp bê. Phương Trí Viễn chọn một bộ mười hai thành phẩm tốt hơn, còn lại thì đưa cho Lưu Trang, hắn thấy lúc Lưu Trang nặn búp bê đã rất thích cho nên mới nung nhiều một bộ. Nung xong, Phương Trí Viễn lấy quần áo búp bê mà Lưu Trang đã làm ra, hai người từng bộ từng bộ mà mặc cho búp bê, lại xếp ngay ngắn vào một chiếc hộp, nhìn đẹp cực kì.
Phương Trí Viễn nhìn tương đối vừa lòng. Bộ còn lại Phương Trí Viễn và Lưu Trang cũng làm quần áo nhưng không cần chú ý như bộ mang tặng mà Lưu Trang thích gì thì làm đó. Phương Trí Viễn nhìn Lưu Trang vui vẻ chơi búp bê, cảm thán, tính tình Lưu Trang có mạnh mẽ đến đâu thì cũng không chịu nổi độ moe của mấy thứ đáng yêu này nha.
Trước thành thân ba ngày, Trần gia phái người đưa gia cụ tới, gồm giường thiên công, bàn trước phòng, tủ đỏ, tủ trước giường, giá áo, sập gụ, bồn nước, chậu con cháu, đài trang điểm*, tất cả đều làm bằng gỗ tốt, hình thức cũng là lần đầu tiên thấy ở nông thôn, rất thực dụng cũng rất đẹp. Mà Trần gia còn làm riêng cho Phương Trí Viễn một bộ gia cụ, nhìn đã biết là dụng tâm. Lúc đưa gia cụ, Lâm Thành gia đang cùng vài ca nhi trong thôn chuẩn bị đường chè dùng thành thân, nhìn gia cụ, cả đám chậc chậc ngạc nhiên, không ai không cảm thán Phương Tằng đúng là có phúc.
Một ngày trước thành thân, người Trần gia mang của hồi môn tới. Kỳ thực, nhà nông dân có thể thêm mấy giường bông thêm một ít vải vóc đã là rất tốt, nhiều nhất là cho thêm ít bạc, một xe la là đủ, đi theo ca nhi về nhà chồng.
Mà Trần gia thì đúng là làm theo quy củ, ba mươi sáu hòm hồi môn. Lúc đưa đến, người trong thôn đến xem vây đầy Phương gia. Vì có gia cụ mấy hôm trước, trong thôn đều tò mò lần này Trần gia có thể mang những gì đến làm của hồi môn, cũng để họ xem xem ca nhi nhà quan này có lai lịch thế nào.
Ba mươi sáu hòm đồ cưới của Trần gia bao bồm vải vóc, quần áo giày, trang sức, trên cơ bản có đủ nhu yếu phẩm, dùng đầy đủ dũng chân hồng* nâng đến Phương gia. Nhưng người đứng xem phát ra từng tiếng kinh hô, đặc biệt có người còn biết trong đó có hai cửa hàng và hai mươi mẫu đất. Người trong thôn thực ra cũng không biết trang sức vải vóc có đáng giá không, bọn họ cũng không biết nhìn hàng, nhưng cửa hàng ở trấn trên ít nhất cũng mất hai trăm lượng, một mẫu ruộng phải sáu bảy lượng, chỉ hai loại đồ cưới này đã hơn năm trăm lượng. Một nhà nông dân bình thường một năm có thể tiêu hai lượng bạc đã là khá tốt, này năm trăm lượng thì đủ sông bao nhiêu năm. Lúc này, người trong thôn từ đồ cưới mà trực quan cảm thấy, ca nhi nhà quan này không chỉ có thân phận mà còn có cả tài phú và địa vị.
Thực ra, theo ý của Trần Mặc, nếu đã gả về nông thôn thì phải nhập gia tùy tục. Đồ cưới khoảng hai mươi hòm, cửa hàng cũng không cần đến hai cái nhưng đại ca anh, Trần Nghiễn, chết sống không chịu. Vốn đã nghĩ đệ đệ mình gả thấp, tất nhiên phải dùng đồ cưới để bù đắp lại.
Ý của Trần a ma cũng là như thế, năm đó từ hôn với Vu gia, Vu gia nói họ ánh mắt cao, muốn dùng ca nhi để trèo cao khiến ca nhi nhà ông mất bao nhiêu nhân duyên, chịu bao nhiêu oan ức, giờ ca nhi nhà rốt cuộc cũng thành hôn, Vu gia lại bắt đầu nói bọn họ muốn nuốt đồ cưới của ca nhi mới gả ca nhi về nông thôn, còn nói may mắn nhà mình cưới được ca nhi có đồ cưới dày, không cần phải chịu thiệt thòi.
Lời này đến tai Trần a ma, tất nhiên cũng đến tai Trần Nghiễn. Anh vừa dạy dỗ Vu gia vừa lo lắng chuẩn bị đồ cưới cho đệ đệ, để cho người đời nhìn xem Trần gia anh rốt cuộc là dạng gì. Thực ra, Trần gia cũng không phải quá giàu có, Trần Nghiễn tuy là quan nhưng anh cũng chỉ lấy những thứ có thể lấy, những thứ không thể lấy thì chưa bao giờ vươn tay.
Trần Nghiễn lại trượng nghĩa, lấy không ít nhưng dùng cũng nhiều, hàng năm còn lại cũng không bao nhiêu. May mà Trần gia cưới ca nhi của một thương nhân giàu có làm phu lang, riêng của hồi môn của ca ma Trần Mặc đã bảy tám ngàn lượng, có ba bốn cửa hàng, còn có một thôn trang, một tòa nhà lớn, hàng năm chỉ bằng tiền cho thuê đã đủ cho ca ma anh và cả nhà chi tiêu.
Vậy nên gia sản Trần gia có một nửa là trên người ca ma của Trần Mặc. May mà Trần a ma trước kia nghĩ Trần Mặc gả đến Vu gia, Vu gia là thương hộ, còn có huynh đệ, sợ con hai nhà Vu gia cưới phu lang sẽ đọ của hồi môn với Trần Mặc nên đã chuẩn bị cho anh từ trước.
Giờ Trần Mặc cũng đã hai mươi, của hồi môn mua sắm, chuẩn bị càng nhiều. vậy nên trừ ba trăm lượng bạc trắng, mua đồ mất bảy tám trăm lượng, tiêu mất hơn nửa vốn riêng của Trần a ma. Trần Mặc và đại ca ma của anh quan hệ cực kì tốt, đại ca ma cũng tặng ba trăm lượng vào đồ cưới của anh. Đương nhiên, Trần Nghiễn làm đại ca cũng dốc sạch quỹ đen, đưa năm trăm lượng cho Trần Mặc, dặn anh không cần để vào đồ cưới mà giấu làm vốn riêng.
Thực ra đại ca ma của Trần Mặc đã biết Trần Nghiễn sẽ cho Trần Mặc vốn riêng từ trước. Trong mắt anh thì tiền đưa cho Trần Mặc mới tốt, hán tử không có tiền mới có thể yên ổn, cho nên mấy ngày trước anh còn cố ý nói một ca nhi không có vốn riêng thì bất tiện và uất ức đến đâu.
Trần Mặc thấy người nhà vì mình mà bận rộn trong bận rộn ngoài, âm thầm dặn bản thân: ngươi xem ngươi có nhiều người thân đối tốt với ngươi như vậy, ngươi nhất định có thể sống hạnh phúc.
**
Zổ: oán niệm lớn nhất của tôi khi làm chương này là giàn nho! Giàn nho! Tôi đã nộp tấu chương lên xin được trồng nho bao nhiêu năm mà chưa bao giờ được Thái hậu nương nương ân chuẩn, mà toàn hạ chiếu trồng gấc. éo nào éo nào éo nào, con muốn ăn nho nho nho nho nho cơ, không dám mua nho ngoài chợ vì sợ nho TQ huhuhuhuhuuhuhuuhhu