Điện Văn Đức.
Trọng Hoa đế chăm chỉ vừa ngẩng đầu lên đã nhìn thấy tiểu thái giám ở bên cạnh gã nhiều năm đang bê một đống tấu chương vào, không khỏi đau đầu: "Ngày nào cũng như ngày nấy, phê mãi chẳng xong."
Tiểu thái giám cười xòa: "Mọi chuyện trong thiên hạ đều tập trung ở đây, làm sao mà xong được ạ?"
Trọng Hoa để cảm thán: "Trước khi ngồi lên vị trí này, trẫm cứ nghĩ làm Hoàng đế oai phong biết bào nhiêu, ngươi nhìn đi, tiên đế được nhiều người ủng hộ, không ai không theo, sự nghiệp to lớn muôn đời, thịnh thế có minh quân, đến lưu danh sử xanh ông ấy cũng làm được, trẫm cứ nghĩ là sẽ rất nhẹ nhàng, bây giờ mới hiểu được nỗi khổ của tiên đế."
Tiểu thái giám không hiểu được những lời Trọng Hoa đế nói, nhanh trí suy nghĩ rồi đáp: "Không thì bệ hạ đến ngự hoa viên dạo một vòng đi? Hoặc là đến đình hồ thả câu ấy, nghe nói là vừa có một loạt loại cá mới được đem đến đó thả, bắt từ phía nam đấy ạ, trước đây chưa từng thấy loại cá này."
Trọng Hoa đế lắc tay: "Thôi, trẫm không muốn câu cá, trẫm cũng đã nhìn sạch hết mấy khối gạch đá ở ngự hoa viên rồi, ngày nào cũng nhìn nhưng chúng có ra hoa đâu."
Vừa thở dài vừa cầm lấy sổ con ở trên cùng lên nhìn lướt qua, đều là mấy chuyện nhỏ không quan trọng lắm, gã cầm bút đỏ lên tùy tiện phê một hai chỗ tỏ ý đã duyệt, đến khi cầm cuốn sổ con thứ tư lên, phát hiện là sổ con của thầy mình Triệu Bạch Ngư, gã bèn vội vàng cầm lấy đọc.
Không xem thì thôi chẳng sao, xem xong là sắc mặt lập tức trầm xuống.
Tiểu thái giám thấy vậy lòng dạ phát sầu, không dám hỏi thăm.
Trọng Hoa đế lên tiếng trước: "Đắc Phúc, ngươi nói xem trẫm là người như thế nào?"
Tiểu thái giám: "Tất nhiên bệ hạ là người hùng tài vĩ lược, thông minh tuyệt đỉnh, mấu chốt là ở tấm lòng nhân hậu, thương cảm dân tình, trong bốn phương triều dã trên dưới này, ai dám không ngợi khen bệ hạ ngài một tiếng minh quân thịnh thế?"
Trọng Hoa đế: "Đã như vậy, vì sao thầy còn muốn từ quan?"
Tiểu thái giám: "Thầy... Là vị nào ạ?"
Trọng Hoa đế: "Triệu khanh."
Tiểu thái giám: "Triệu tế chấp? Sao lại thế? Triệu đại nhân vẫn còn chưa qua tuổi bất hoặc*, thân thể đang độ sung sức mạnh khỏe, vì sao lại muốn từ quan?"
(*) Tuổi bất hoặc: Trên 40 tuổi. Truyện Võng Du
Trọng Hoa đế: "Đúng vậy, người bình thường đến độ tuổi này, lại vừa khéo gặp triều mới thì phải tích cực nắm lấy quyền lực để leo lên cao hơn mới đúng, nhưng hành động của thầy thì hoàn toàn ngược lại, trẫm không hiểu nổi."
Tiểu thái giám cũng nghĩ mãi mà không ra: "Có lẽ là do người khác đều được phong thưởng, chỉ Triệu đại nhân là không có... Nên mới không vừa lòng ư?"
Trọng Hoa đế: "Thầy không phải là loại người như vậy. Hơn nữa, Thái hậu đã tổ chức một bữa tiệc nhà, cố ý mời thầy và Đại hoàng huynh đến tham gia, sao mà không nhìn ra tấm lòng của trẫm được chứ?"
Hoàng đế trẻ tuổi không thể giải thích được lý do Triệu Bạch Ngư từ quan, không nói hai lời bác bỏ sổ con đề nghị được từ quan của Triệu Bạch Ngư.
***
Đề nghị từ quan bị bác bỏ là chuyện trong dự đoán, Triệu Bạch Ngư bình tĩnh chuẩn bị quyển số con xin từ quan thứ hai.
Chiêu thứ nhất Hoắc Kinh Đường dạy y: Lì lợm la liếm.
Chuyện từ quan này không thể được chấp thuận trong ngày một ngày hai, phải chuẩn bị tinh thần kéo dài trong vòng hai, ba năm gì đó, thời gian này là vừa đủ để y giúp đỡ Trọng Hoa đế vừa đăng cơ ổn định triều dã trên dưới, cũng sẽ không giống như đang giả dối ra vẻ "vong ân bội nghĩa".
Trong kí ức về đời trước, Triệu Bạch Ngư nhớ cũng có không ít những lần thỉnh từ khó khăn, ví dụ như vào năm Vạn Lịch, có một đại thần đã ròng rã suốt ba bốn năm trời, dâng sổ con thỉnh từ lên tổng cộng một trăm hai mươi lần, đến khi được từ quan người cũng đã bảy mươi mấy tuổi rồi.
Thế là lòng thảnh thơi của Triệu Bạch Ngư dần dần tiêu tan.
***
Ba quyển sổ con thỉnh từ tới liên tiếp, Trọng Hoa đế thật sự ngồi không yên nữa bèn mời Triệu Bạch Ngư vào cung, vốn định học theo tiên đế thả câu ngó lơ Triệu Bạch Ngư, nhưng mà chiến thuật tâm lý của gã là do Triệu Bạch Ngư dạy cho, học trò làm sao có thể qua mắt thầy được?
Lạnh nhạt thờ ơ cả buổi trời, gã không nhịn được nữa quay đầu sang hỏi: "Gần đây sức khoẻ thầy thế nào?"
Triệu Bạch Ngư thoáng nheo mắt nhìn ánh mặt trời chói chang: "Không ổn lắm. Tay già chân yếu rồi, thường xuyên đau lưng, nếu ngồi làm việc trong thời gian dài lúc đứng dậy trước mắt sẽ tối đen, suýt chút nữa là ngất xỉu."
Trọng Hoa đế ngượng ngùng: "Khanh gia nói đùa, ân sư của khanh gia là Trần thái sư đã bảy mươi tuổi rồi mà vẫn hoạt bát khỏe mạnh tựa như bốn mươi, thầy vẫn chưa đến bốn mươi, đang độ long tinh hổ mãnh, sao mà thân thể có thể kém đến như vậy được?"
Triệu Bạch Ngư: "Bệ hạ có điều không biết, mấy năm trước chịu vết thương chí mạng, vết thương này để lại họa ngầm, vài năm gần đây phát tác nhiều lần, cứ luôn nhói đau, lúc trước thái y cũng nói nếu như ta không chăm sóc đàng hoàng, hoặc là mệt mỏi quá độ thì mạng sẽ rút ngắn lại, chết sớm đấy."
Trọng Hoa đế nghe xong thì sốt ruột, ân cần nói: "Trẫm sẽ lập tức lệnh cho thái y điều dưỡng cho thầy, cần thuốc gì thì cứ lấy từ trong cung, trong cung không có thì lệnh cho người ra ngoài kia tìm! Nếu thật sự không được nữa, thì lệnh thái y đến vương phủ ở một thời gian cũng được. Nếu khanh gia thật sự bề bộn nhiều việc, trẫm sẽ điều mấy tên đắc lực đến gánh vác cùng thuộc hạ của thầy... chỉ cần đừng nhắc đến chuyện từ quan nữa, trẫm đau lòng lắm."
Triệu Bạch Ngư đứng im không động đậy, chắp tay nói: "Thần tài hèn sức mọn, năng lực không đủ, không gánh vác nổi chức tể tướng, chỉ muốn làm người giàu có nhàn rỗi trong khoảng thời gian có hạn còn lại của cuộc đời, đi khắp vạn dặm nước non tươi đẹp, thỏa mãn mộng trường kiếm giang hồ thuở thiếu thời."
Trọng Hoa đế không có ý muốn thương lượng: "Thầy tài hoa hơn người, thầy không thể làm tể tướng, vậy trên đời này còn ai có thể làm được chứ? Đừng nói nữa, lòng trẫm đã quyết, thầy còn phải đi cùng trẫm hai ba mươi năm nữa, cùng phổ nên giai thoại quân thần lưu truyền muôn đời mới đúng!"
Triệu Bạch Ngư: "Bệ hạ..."
"Được rồi." Trọng Hoa đế cắt lời y: "Khanh gia ở lại trong cung dùng bữa với trẫm đi."
Triệu Bạch Ngư không biết làm thế nào, Trọng Hoa đế cố chấp hơn y tưởng tượng nhiều.
***
"Con cháu nhà họ Hoắc đúc cùng một khuôn ra, tính tình nhân hậu, nhưng suy cho cùng thì ai cũng đều giấu cái tính tuỳ tiện cố chấp mà nhiệt tình ở sâu bên trong, bất kể là xuất phát từ việc chọn đúng người, hay là phổ giai thoại quân thần gì đó, hay là lo lắng cho thanh danh, chung quy là vẫn không nỡ bỏ em... Nói ngắn gọn thì, điều mà hắn băn khoăn trước hết tất nhiên là tâm trạng của bản thân rồi. Trời đất bao la, tâm trạng của Hoàng đế là to nhất mà."
Trên sân phơi nằm trong Sơn Hà lâu ở ngoại ô, Hoắc Kinh Đường nằm trên ghế trông ra cảnh núi, thoải mái nhàn nhã đưa ra lý giải của hắn.
"Tiểu Thập Thất nhân hậu, nhưng cũng đã bước ra từ trong trận chiến tranh đoạt vị trí Thái tử, bây giờ chỉ là từ chối thôi, không bao lâu nữa sẽ có thuyết khách tới cửa."
Triệu Bạch Ngư đỡ má, để gió núi mùa thu lướt qua mặt vô cùng thích chí, lòng dạ đã bay về phía non sông vạn dặm từ lâu, ngày càng không chịu nổi nơi triều đình ngươi lừa ta gạt kia nữa rồi.
"Từ xưa đến nay, lý do để từ quan chỉ có mấy loại đơn giản, do già yếu, cáo lão về quê, có tang lớn, hoặc là do trong nhà có cha mẹ già bệnh nặng, nếu không nữa thì cũng là do bản thân mắc bệnh nặng để mà xin nghỉ. Nhưng mà ta một là quá trẻ, hai là biết rõ gốc rễ, cha mẹ anh em đều còn sống, ba là ta không tiện nói về bệnh tình của mình, bệ hạ sẽ phái luôn thái y vào vương phủ túc trực mất."
Triệu Bạch Ngư suy nghĩ một hồi, bỗng nhiên nói: "Chàng nghĩ ta viện cớ dưới gối không con có được không?"
Hoắc Kinh Đường tiện tay cầm một hạt thông nhỏ lên búng vào trán Triệu Bạch Ngư, ném bỏ suy nghĩ không thực tế của y đi: "Cứ làm như ta nói đi, cứ việc dây dưa trước, diễn mấy màn cơ thể yếu ớt lắm bệnh, đến lúc đó ta chỉ cần dùng tình và lý để thuyết phục... Dù sao thì nếu có thể khiến cho Hoàng đế mở lòng là đã thành công hơn phân nửa rồi."
Đây chính là chiêu thứ hai của Hoắc Kinh Đường: Giả bệnh.
***
Đối với Triệu Bạch Ngư, việc giả bệnh này rất dễ dàng, dù sao y cũng có rất nhiều lý do thỏa đáng để đột ngột phát bệnh nặng.
Ví dụ như tẩy tủy đan áp chế độc khi còn trong bụng mẹ đã mất tác dụng, ví dụ như vết thương y cản đao giúp tiên đế lại đau, hoặc là tai họa ngầm mà hai mươi ngày trở thành Chế Trí sứ Tây Bắc, tử thủ thành Kinh Châu để lại làm cho bệnh cũ tái phát.
Lý do bệnh nặng quấn thân đã có, tiếp theo cần có thái y tạo chứng cứ giả.
Cả nhà thái y từ gia đến trẻ đều bán mạng cho Hoàng đế, làm sao dám giúp bọn họ lừa gạt Trọng Hoa đế chứ?
Thời điểm này thì phải để cho Từ thần y lên sàn.
Trùng hợp thay hai năm trước dạo chơi quay về, vợ chồng Từ thần y và Lý Ý Như đã ôm theo bốn đứa trẻ về định cư ở Kinh Đô, sau đó mở một y quán gia đình, lấy phủ Lâm An vương làm chỗ dựa nên thuận lợi đủ đường, không bị người trong nghề gây khó dễ.
Hai cặp vợ chồng có qua có lại, ngày lễ tết đều tụ họp với nhau.
Triệu Bạch Ngư đến xin dạy bảo cho cách giả bệnh, Từ thần y quay về suy nghĩ một hồi, bày mấy tờ đơn thuốc ra.
"Không có loại thuốc nào là không gây hại cho cơ thể, những phương thuốc này đã là nhẹ nhàng nhất rồi, uống vào nhiều khiến cho cơ thể suy nhược, sau này vẫn có thể bồi bổ để hồi phục lại bình thường. Nếu như các ngươi đã muốn lừa gạt thái y, thì ta đề nghị là nên ra tay từ kinh mạch. Đại phu xem bệnh chỉ vọng, văn, vấn, thiết đơn giản, có cách khiến cho ngươi thoạt trông kém sắc nhưng không làm tổn thương đến cơ thể, ngươi có thể giả giọng yếu ớt, nhưng tất cả những hành động của ngươi đều phải phù hợp với bệnh tình, cho nên đến lúc đó ta sẽ nói cho ngươi biết cần đối đáp thế nào khi thái y hỏi thăm, khó khăn nhất là bắt mạch. Người tập võ có thể khiến cho kinh mạch của bản thân yếu đi, cũng có thể gây ảnh hưởng tương tự cho người khác, việc này nhờ Vương gia giúp cũng được."
Cầm lấy một phương thuốc khác mà gã đã vắt sạch óc để viết ra, sau đó chân thành đề nghị: "Nhờ Vương gia khiến cho kinh mạch của ngươi từ mạnh chuyển sang yếu, đây là một trong những cách giả chết dọa người trong giang hồ, thái y trong cung chưa từng thấy bao giờ, đến lúc đó sẽ không có ai chẩn đoán ra được bệnh của ngươi, ta sẽ ra mặt... Dù sao cũng có danh thần y, còn có quan hệ thân thiết với Thái Y viện, ta mà nói ra được chứng bệnh, chắc chắn bệ hạ sẽ tin tưởng thôi."
Mùi thảo dược nồng đậm lướt qua mũi Triệu Bạch Ngư, bởi có vô số loại thảo dược đang được phơi nắng trên sân nhà, trong góc còn để một vại hoa sen, giữa sân là hai đứa nhóc con, một đứa con trai một đứa con gái của Từ thần y đang cùng đuổi theo Hoắc Kinh Đường, dường như muốn bắt lấy hắn.
Nhưng mà đến một góc áo thôi Hoắc Kinh Đường cũng không để cho bọn nhỏ bắt lấy được.
Một người lớn chơi với trẻ con mà còn so đo như thật, trò đùa dai chọc cho mấy đứa nhỏ tức tối muốn được chiến thắng.
Lý Ý Như đang ở cuối hành lang trông chừng mấy lò nấu thuốc, có ba tiểu đồng đang giúp nàng làm việc.
Mà lúc này, mặt trời đã nghiêng về phía tây, ráng chiều nhuộm đỏ nửa bầu trời, gió thu lả lướt qua khuôn mặt, năm tháng êm đềm trôi khiến cho người ta có thể cam tâm tình nguyện say mê đến chết ngay thời khắc này.
Triệu Bạch Ngư mỉm cười.
"Ta chỉ muốn từ quan, không muốn để cho "Triệu Bạch Ngư" chết. Khắp cõi dưới trời, nơi nào chẳng phải của vua, nhỡ ngày nào đó việc giả chết bị phơi bày ra ánh sáng, ta không gánh nổi tội khi quân."
Làm sao y có thể nhẫn tâm vì tình riêng của mình mà kéo một nhà sáu mạng của Từ thần y chịu chết theo chứ?
"Cứ từ từ thôi. Cũng đã chịu đựng được quan trường này hai mươi năm rồi, đợi thêm mấy năm nữa thì có gì đâu?"
Từ thần y cũng cười, "Trải qua hai mươi năm quan trường, dù có là Phật thì lòng dạ cũng sẽ bị mài mòn thành lòng dạ ác quỷ, duy chỉ có đại nhân là vẫn nguyên vẹn như xưa, vẫn mang lòng dạ Bồ Tát."
Triệu Bạch Ngư lắc tay: "Mấy năm qua tay dính nhiều máu, không nhận nổi danh Bồ Tát nữa."
"Bồ Tát cũng có lúc tức giận mà."
Triệu Bạch Ngư chỉ cười không đáp.
***
Triệu Bạch Ngư vừa mới bắt đầu giả bệnh, thuyết khách của Trọng Hoa đế đã đến rồi.
Một đám đại thần văn võ liên tục đến nhà hỏi thăm, võ tướng còn dễ giải quyết, chưa kịp đến trước mặt Triệu Bạch Ngư mở miệng đã bị Hoắc Kinh Đường lấy cớ so tài lôi đi đánh cho chạy trối chết, làm sao còn nhớ những lời Trọng Hoa đế đã dặn đi dặn lại kĩ càng?
Một võ tướng nọ mới bỏ chạy, Thôi Tông Chính đã theo chân tới cửa, đưa tay ra chào: "Tiểu Triệu đại nhân..."
Lời còn chưa dứt, Hoắc Kinh Đường đã thò người ra khỏi mái nhà: "Tiểu Thôi à, đến đúng lúc lắm, giãn gân cốt với ca nào."
Thôi Tông Chính: "..." Không nói hai lời, quay đầu bỏ chạy.
Hoắc Kinh Đường khịt mũi xem thường: "Quả trứng ngu ngốc."
Quay trở về, đám trứng ngu ngốc này bèn biểu diễn màn một khóc hai quậy ba la làng trước âm thanh chất vấn chỉ tiếc rèn sắt không thành thép của Trọng Hoa đế, nói tóm lại chính là sẽ không đồng ý bước vào phủ Lâm An vương để cho người ta chặt chém như dưa nữa.
Nhóm văn thần như Phạm Văn Minh, Hạ Quang Hữu thì mượn những dịp tao nhã hơn như tiệc rượu, thưởng trà, tiệc ngắm hoa để nói bóng nói gió, suy nghĩ của bọn họ cũng giống với Trọng Hoa đế, đều không hi vọng Triệu Bạch Ngư từ quan.
Đặc biệt là những "người hâm mộ" lâu năm như Hạ Quang Hữu, chỉ tiếc vì Triệu Bạch Ngư không tiếp tục tỏa sáng rực rỡ trong quan trường, tiếp tục sự nghiệp vĩ đại, lập thêm công danh, lưu danh sử sách.
Bọn họ không tài nào hiểu nổi thứ mà Triệu Bạch Ngư đang theo đuổi.
Nghiên Băng biết rõ Triệu Bạch Ngư không màng danh lợi, nhưng hắn cũng giống như bọn họ tiếc nuối vì ân sư tuổi còn trẻ mà đã chọn từ quan
Đối với đàn ông thời bấy giờ, không có gì hơn chí khí hiên ngang, văn có thể cầm bút an bang, võ có thể lên ngựa định quốc, đã là chim đại bàng bay lượn trên chín tầng trời cao, hà cớ gì phải quay về nơi gian khổ làm một con cá?
"Dù có là cá lớn Bắc Hải thì cũng chỉ là con cá mà thôi!" Hạ Quang Hữu uống rượu say khướt, thổ lộ những lời trong lòng mình không chút kiêng dè, "Thời niên thiếu chí khí ngút trời, hăng hái vạn trượng, lấy thân mình đền ơn nước. đến độ xế chiều, tuổi già chí chưa già, vẫn ở ngàn dặm, chí lớn không chết. Mà lúc trung niên thì phải giống như Triệu đại nhân vậy, khí xuyên cầu vồng, vượt chín tầng mây, sáng cùng nhật nguyệt, xoay chuyển tình thế bị đảo ngược, nâng đỡ nhà cao khi đổ nghiêng, chí hướng luôn đặt ở chuyện của thiên hạ."
Không biết Phạm Văn Minh lấy một chiếc đàn nhị từ đâu ra, say sưa đàn hát một khúc cùng với Hạ Quang Hữu.
Ánh nến lập lòe, nốt nhạc ngân như châu rơi khay ngọc, có một tiểu đồng đứng pha trà giải rượu ở bên cạnh, nước trà màu da cam róc rách chảy vào trong tách, khói trắng từ bếp lò trong góc bàn lượn lờ bay lên.
Triệu Bạch Ngư nghiêng người tựa vào tay vịn ghế, co một chân lên, tay gác trên đầu gối, nghe thấy vậy thì tựa như nở nụ cười, chờ bạn bè khuyên nhủ xong mới chậm rãi hỏi: "Nghiên Băng, ngươi cũng nghĩ giống như vậy sao?"
Nghiên Băng: "Đệ tử có cùng suy nghĩ với các vị đại nhân ở đây nhưng vẫn tôn trọng suy nghĩ của ân sư. Ân sư thỉnh từ, tất đã định sẵn, trước đây ngài đã dạy ta, cuộc đời người là vô vàn ảo ảnh trùng điệp, có thể làm quan, có thể vung thương, có thể làm một người bình thường, cũng có thể chỉ làm một nông phu cày ruộng, nhưng người có chí riêng, quan trọng nhất là được sống thoải mái tự tại."
Nghiên Băng không rộng lượng bằng Triệu Bạch Ngư, nhưng mà cảnh giới của Triệu Bạch Ngư luôn ở cao hơn người thường, hắn chỉ cần trở thành một người ủng hộ thôi là được.
Đám người xung quanh thao thao bất tuyệt, nói có sách, mách có chứng, Triệu Bạch Ngư chỉ im lặng nghe, không cãi lại một lời, mãi đến khi ai nấy đều say sưa trong men rượu, y mới nâng ly rượu lên kính từng người một: "Ai cũng có chí hướng của riêng mình, dù chí hướng không giống nhau, nhưng sẽ không vì thế mà thay đổi."
Chí hướng của mọi người đều khác nhau, không thể vì người ngoài mà lung lay được, mà người ngoài cũng không thể ép y thay đổi.
Phàm là những người biết chữ, từ văn nhân đến người thường đều đã từng đọc đạo lý này từ sách của Thánh nhân, chẳng phải tất cả những người ở đây đều là người học cao hiểu rộng hay sao, làm sao có thể không hiểu cho được?
Chỉ cần một câu này thôi đã đủ để thể hiện thái độ của Triệu Bạch Ngư rồi, cũng là để cho người ta biết khó mà lui.
***
Văn thần võ tướng được phái đi đều quay về tay không, Trọng Hoa đế vừa tức giận vừa bất lực, Triệu Bạch Ngư cố tình từ quan, vậy gã phải làm sao đây?
Không lâu sau đó, Triệu Bạch Ngư đổ bệnh nằm nhà.
Trọng Hoa đế nghi ngờ y giả vờ bệnh, lần lượt phái người đến phủ hỏi thăm, câu trả lời nhận được đều là bệnh thật, mà bệnh cũng không nhẹ.
Thái y nói bệnh này là bệnh nặng kéo dài trong người, mạch đập rất yếu ớt.
Người vừa dứt lời xong, Trọng Hoa đế không tốn thời gian so đo thêm nữa, mau chóng lệnh cho Thái y viện đến chữa bệnh cho Triệu Bạch Ngư.
Mới đầu chỉ là bệnh nhỏ cần nghỉ ngơi hơn nửa tháng, mấy tháng sau bỗng nhiên bệnh kéo dài tận ba bốn tháng, đến người nhà họ Triệu cũng nóng ruột đến mức cầu thần khấn phật, thậm chí Triệu Bá Ung còn đưa Tạ thị đến ở lì trong phủ Lâm An vương một thời gian ngắn.
Trận bệnh kia không chỉ có Triệu Bá Ung lo lắng, mà Triệu Nghiên Băng và nhóm khanh gia đều mặt ủ mày chau, lo âu khủng khiếp cứ như thể Triệu Bạch Ngư bệnh sắp chết rồi vậy, điều này khiến cho trong lòng Trọng Hoa đế áy náy, thật sự đã suy nghĩ về việc thả y trở về cuộc sống nhàn hạ tự do.
Nhưng mà khi Triệu Bạch Ngư khỏe lên rồi, gặp y trên triều, Trọng Hoa đế lại không nỡ thả người đi nữa.
Từ lúc đó lôi lôi kéo kéo suốt một thời gian dài, hai năm trôi qua, sổ con thỉnh từ không một trăm thì cũng tám mươi rồi.
Vừa định hạ bút đỏ phê chuẩn cho quyển sổ con thỉnh từ cuối cùng, ma ma của thái hậu đã tới cửa truyền lời thay: "Thái hậu nói, trong cuộc sống đôi lúc cũng phải có những vấn đề, không có duyên phận thì đừng cố chấp. Từ trên xuống dưới triều đình, trong khắp bốn biển này, không phải không tìm ra được hiền thần lương tướng, bệ hạ cũng đang độ tuổi xuân, lo gì không thể phổ nên giai thoại quân thần thân cận nghìn đời? Huống chi giúp người khác hoàn thành nguyện vọng cũng đã chính là một giai thoại rồi."
Ánh mắt Trọng Hoa đế trở nên buồn bã, lạnh giọng hỏi: "Có người đã nói lung tung bên tai thái hậu sao?"
Ma ma hạ mình cúi đầu: "Triệu tướng xin từ quan đã hai năm rồi, dư luận sôi sục, khó tránh khỏi truyền đến hậu cung."
Sắc mặt Trọng Hoa đế hòa hoãn, vẫy tay cho ma ma lui: "Trẫm sẽ suy nghĩ thật kỹ."
Ma ma vừa đi, gã lập tức gọi người đến hỏi thăm xem mấy ngày nay có ai đến chỗ Thái hậu, nhận được câu trả lời rằng là Lâm An vương Hoắc Kinh Đường lấy cớ dâng Phật để gặp Thái hậu.
"Hừ! Trẫm thừa biết là không thể thiếu được lời khuyến khích của Đại hoàng huynh mà."
Hừ lạnh hai tiếng, ngồi cô đơn một mình trong điện lớn trống trải, Trọng Hoa đế lộ ra vẻ mặt mất mát: "Trẫm vẫn luôn xem Lâm An vương và Triệu tướng như thầy như cha, vì sao bọn họ đều muốn rời bỏ trẫm vậy?"
Thái giám và cung nữ đều cúi đầu không nói, làm như không nghe, chẳng ai có thể giái đáp câu hỏi của gã.
***
Chiêu thứ ba của Hoắc Kinh Đường chính là nhờ Thái hậu ra tay.
Nếu như là khi tân đế vừa đăng cơ, Thái hậu chắc chắn sẽ không đồng ý để cho Triệu Bạch Ngư từ quan, dù sao khi đó vẫn cần có đại thần như Triệu Bạch Ngư giúp đỡ Trọng Hoa đế trấn giữ triều đình.
Bây giờ đã hai năm trôi qua, Trọng Hoa đế ngồi vững trên ngôi Hoàng đế, khống chế thực quyền trong tay, khoa khai ân hai năm liền có rất nhiều thần tử mới trúng cử, lòng từ quan của Triệu Bạch Ngư đã kiên quyết đến vậy, Hoắc Kinh Đường lại ra mặt khuyên một lời, Thái hậu cũng sợ sự cố chấp của Trọng Hoa đế sẽ gây ra hậu quả xấu khiến quân thần bất hòa, tất nhiên là đồng ý ra mặt cầu xin nhân tình.
Đại Cảnh coi trọng hiếu đạo, Trọng Hoa đế sẽ không bao giờ không nghe lời Thái hậu nói, nhưng gã vẫn muốn cố gắng thêm một chút nữa, thế là lén lút chuồn ra khỏi cung đến phủ Lâm An vương.
Nhưng đến phủ Lâm An vương rồi mà gã cũng không gõ cửa, lưỡng lự một hồi, Trọng Hoa đế phủi tay, thở dài thườn thượt, xoay người chuẩn bị quay về cung thì lại trùng hợp nhìn thấy Triệu Bạch Ngư một thân áo xanh và Hoắc Kinh Đường mặc đồ xanh đậm.
Triệu Bạch Ngư đã gần bốn mươi mà trông vẫn giống như thanh niên hai mươi, mặt mũi trắng nõn, tóc đen nhánh, khí chất của văn nhân nho nhã dịu dàng như gió xuân, y đứng trên đường lớn, khóe môi treo nụ cười khiến cho người ta vô thức có cảm tình.
Hoắc Kinh Đường cũng đã hơn bốn mươi nhưng nét mặt vẫn trẻ trung như trước, vẻ quỷ quyệt diễm lệ, hung hăng của thời trẻ đã giảm xuống, đổi lại ngày càng trầm tĩnh, khoan thai hơn nhiều.
Từ khi còn trẻ đến tuổi bốn mươi, hắn vẫn đứng đầu bảng tiêu chuẩn kén vợ kén chồng ở phủ Kinh Đô giống như xưa.
Trọng Hoa đế đỡ trán, gã cũng không biết vì sao mình phải để ý đến loại chuyện nhàm chán như kén vợ kén chồng này, có lẽ là bởi vì gã thậm chí không thể lọt nổi vào mười vị trí đầu.
"Triệu khanh, hoàng huynh."
"Sao bệ hạ lại đột nhiên muốn cải trang vi hành thế?"
"Đã lâu không đi dạo chợ đêm, ngắm nhìn thứ gọi là đèn hoa rực rỡ, chợt có ý nghĩ đó nên xuất cung thôi."
Trong lòng Triệu Bạch Ngư và Hoắc Kinh Đường thừa biết lý do mà Trọng Hoa đế xuất cung, đôi bên ngầm hiểu lẫn nhau.
"Đêm nay có đoàn tạp kĩ từ Tây Bắc đến chợ đêm, bọn họ sẽ biểu diễn pháo hoa sắt, đến giờ Mậu sẽ thả hơn trăm chùm pháo hoa ở ven sông, soi sáng trăm chiếc thuyền trên mặt sông, pháo bay nhanh như sao băng, nở rộ như hoa lửa, bệ hạ có muốn đi xem không?" Hoắc Kinh Đường ngỏ lời mời.
Trọng Hoa đế suy nghĩ rồi nói: "Có."
Ba người đi song song nhau, ám vệ lẩn vào dòng người để bảo vệ, bấy giờ sắc trời còn chưa tối hẳn, đường phố nhộn nhịp, hàng quán đã mở cửa, đèn trên mái hiên, trên cây và cây cầu gần bờ sông đều được thắp sáng lên, tạo ra thịnh cảnh đèn hoa rực rỡ trong đêm không ngủ trước khi mặt trời lặn hẳn.
Người đi như mắc cửi, giữa phồn hoa kề bên, Trọng Hoa đế cảm thấy tự hào hơn ai hết.
Đây là giang sơn của gã, là con dân của gã.
Triệu Bạch Ngư mời Trọng Hoa đế đến một quán nhỏ ven đường ăn hoành thánh nóng hổi, sát vách là một hàng bán bánh đúc đậu ngọt, y ngồi chồm hổm ngay cạnh đầu cầu chờ món đầu thỏ, đầu vịt om được mang lên bàn, sẵn tiện gọi cả món ngỗng hấp thơm nức mũi từ trong quán rượu.
Bởi vì quán rượu đã kín chỗ, chủ quán vô cùng áy náy tặng cho họ một bình nước lạnh.
Hai người Hoắc Kinh Đường và Triệu Bạch Ngư ngồi xuống ghế đẩu cạnh bàn thấp ở đầu cầu, tiện thể gọi không ít món ăn, cái bàn vuông nhỏ nhanh chóng bị lấp đầy bởi thức ăn, người đến người đi trên đường, đi qua cầu, gió đêm lất phất thổi, nhìn thấy đèn màu trên trăm chiếc thuyền chậm chậm lướt qua, đối với Trọng Hoa đế mà nói thật sự là một trải nghiệm mới mẻ.
Quan to, quý tộc trong phủ Kinh Đô cũng có người không câu nệ tiểu tiết, nhưng làm gì có ai tự tại đến nỗi chạy tới tận chỗ này, còn cùng người kéo thuyền ở bến thuyền ngồi xổm ăn uống trước bàn dân thiên hạ kia chứ?
Chẳng lẽ không cảm thấy xấu hổ hay sao?
Nhưng Triệu Bạch Ngư và Hoắc Kinh Đường đã ăn mãi thành quen, còn trò chuyện rất đỗi tự nhiên nữa, thực khách, chủ quán, thậm chí là ông chủ quán rượu cũng quen biết bọn họ, đã bán đồ ăn nhẹ rồi mà còn tặng thêm mấy món vặt nữa.
Trọng Hoa đế ăn viên hoành thánh một cách mất tự nhiên, gã nhìn khắp xung quanh, thấy không có ai nhìn mình mới cảm thấy yên tâm, nhỏ giọng nói: "Trẫm thường nghe bảo hoàng huynh và Triệu khanh thân dân, còn tưởng là nói quá, bây giờ thấy rồi, hóa ra là nói thật."
Hoắc Kinh Đường: "Bệ hạ nghĩ là thân dân, nhưng đối với bọn ta thì chỉ là chuyện bình thường thôi."
Trọng Hoa đế không hiểu lắm.
Triẹu Bạch Ngư cầm ly nước lạnh lên, tựa vào thành ghế nheo mắt lại nói: "Bọn ta ngồi ở đây, không phải là muốn làm gương thân dân gì cả, chỉ là sở thích thôi, không có ý gì khác."
Trọng Hoa đế vẫn chưa thể hiểu được.
"Ta thích không khí khói lửa của dân gian, thật ra là thích chợ đêm, người phải biết Tể tướng Đại Cảnh không thích ăn cơm nhà ba bữa mà chỉ thích chợ đêm. Dù là phòng cao cấp nhất của quán rượu hay là quán nhỏ ven đường, thậm chí là đầu cầu cũng thử ngồi, nếu như có phòng cao cấp thì sẽ ăn trong không gian trang nhã, nếu không có phòng thì cứ ngồi ven đường, ngồi đầu cầu, ở đâu mà chẳng phải là nơi để ăn uống? Thật ra mùa hè ngồi trên phòng cao không thoải mái chút nào, dù có đá tảng nhưng vẫn khó chịu, ngồi ở bên ngoài vui hơn, trên đầu là đèn rực rỡ và cành liễu, gió sông buổi đêm thổi rất mát, còn có thể ngắm nhìn hàng trăm chiếc thuyền đẹp đẽ trôi trên sông, có những lúc may mắn, được ngồi ở vị trí tốt thì có thể xem tạp kỹ và pháo hoa ở bên kia cầu... Bệ hạ không biết đâu, có một sự thật chính là vị trí xem pháo hoa đẹp nhất nằm ở đầu cầu đấy."
Trọng Hoa đế im lặng, mơ hồ hiểu được ý trong lời nói của Triệu Bạch Ngư.
"Bọn ta không hề chơi dùa với danh tiếng của mình vì nó tốt đẹp, cũng không sợ mang tiếng vô ơn, càng không phải đang tìm cho bản thân mình một con đường lui... chỉ là vì thích mà thôi. Ai cũng có chí hướng, nhưng chí hướng không giống nhau, người đã từng ngày đêm ở cùng bọn ta, văn do ta dạy, võ là Tử Uyên dạy, không ai có thể hiểu được chí hướng của các sư phụ hơn là đệ tử người. Mấy năm nay đúng là Tử Uyên đã có được cuộc sống nhàn hạ, nhưng nếu không phải bởi vì tiên đế tuổi cao, Thái tử chưa định, chàng sẽ không ở lại Kinh Đô, ta cũng vậy."
Trọng Hoa đế cúi đầu, không muốn đáp lại lời nói chân thành của y.
Con người ấy mà, một khi trở thành đế vương là sẽ sinh ra rất nhiều tâm tư, muốn đặt lợi ích lên hàng đầu, không phải là gã không thể giúp người khác hoàn thành ước nguyện, mà là sau khi cân nhắc lợi và hại đã cho ra kết quả rằng giữ Triệu Bạch Ngư lại sẽ có lợi hơn.
Không phải gã không hiểu lòng dạ của Hoắc Kinh Đường và Triệu Bạch Ngư.
Hoắc Kinh Đường dùng ngón trỏ nhịp khẽ lên ly rượu: "Khi tiên đế vẫn còn tại thế, ta đã muốn chạy rồi. Bởi vì tiểu lang, bất đắc dĩ mới phải ở lại Kinh Đô. Sau đó Thái tử chưa định, lại là đại sự quốc gia, cho nên ta mới ở lại đây, tận tâm tận lực dạy dỗ. Đệ đăng cơ rồi, ta và tiểu lang vốn đã có thể rời đi, nói hơi khó nghe, nhưng nếu như bọn ta thật sự quyết tâm từ quan, bệ hạ cũng không thể làm gì được. Nhưng đệ là tiểu đệ của ta, còn là học trò của ta, người ta bảo huynh trưởng như cha, một ngày làm thầy cả đời làm cha, suy cho cùng, ta vẫn không đành lòng để đệ một mình đối mặt với khó khăn hiểm trở của triều đình."
Hắn nói chuyện vừa thẳng thắn thành khẩn, vừa tàn nhẫn như đâm vào lòng người khác.
Từ nhỏ đến lớn Trọng Hoa đế đã bị đâm vô số lần, đương nhiên là khó chịu nhưng đã quen với điều này, nếu như có lúc nào đó nghe thấy hắn nói chuyện bằng giọng điệu ôn tồn thì sẽ thấy không thoải mái, giống hệt như tiên đế vậy.
"Hiện tại binh quyền lẫn chính quyền đều đã nằm trong tay đệ, các huynh đệ cũng cung kính không gây khó dễ, lão thần trong triều tâm phục khẩu phục, tân đảng dưới sự dẫn dắt của đệ cũng ủng hộ chủ trương cải cách mới. Triều đình đâu lại vào đấy, phát triển không ngừng, bệ hạ, người đã không còn cần đến bọn ta nữa rồi."
Trọng Hoa đế vội la lên: "Từ lúc ta bảy tuổi đã được hoàng huynh và Triệu khanh dạy dỗ, văn trị võ công cái nào không phải nhờ hai người dốc túi dạy hết? Sao lại nói như thể ta không cần hai người nữa vậy chứ? Dù ta có già bảy tám mươi tuổi rồi thì vẫn cần hai người."
Ít ra những lời này có chứa đến bảy phần tình cảm.
Trọng Hoa đế sinh sau đẻ muộn, mấy người anh lớn phía trước đều có quyền thế, làm gì có cơ hội cho gã phát triển? Mẫu phi của gã không được sủng, khi còn nhỏ người yếu nhiều bệnh, lại còn nhát gan, cũng không nhận được Nguyên Thú đế chào đón, tuy rằng về sau các lão thần trong triều đã dạy dỗ các hoàng tử như nhau, thế nhưng ai lại không có một chút lòng riêng? Ai có thể không bị công lao cám dỗ, không động lòng trước nó?
Chỉ có mỗi mình Hoắc Kinh Đường và Triệu Bạch Ngư là thật lòng đối xử công bằng với tất cả các hoàng tử, bọn họ sẽ tận tâm tận lực truyền đạt nội dung sách luận, thứ mà dù gã có xem thế nào cũng không hiểu nổi, sẽ kiên nhẫn dạy cho gã biết phương châm trị quốc, cũng sẽ vì cơ thể yếu kém của gã mà đặc biệt nhờ Từ thần y đến điều dưỡng cho gã.
Đối với gã, Hoắc Kinh Đường và Triệu Bạch Ngư còn giống như cha hơn cả Nguyên Thú đế.
Triệu Bạch Ngư cười.
"Bệ hạ à, trên đời này, buổi tiệc nào rồi cũng sẽ tàn thôi."
Lòng Trọng Hoa đế nặng nề, không nói thêm gì nữa.
Im lặng thưởng thức bữa tiệc ngon trên bàn xong, Hoắc Kinh Đường đi tính tiền, để lại không gian cho Trọng Hoa đế và Triệu Bạch Ngư.
Trọng Hoa đế cắn răng hỏi: "Thầy, người từ quan vì ta không phải là đệ tử mà người tâm đắc nhất hay sao? Nếu như đối thành Cửu ca, Thập tam ca kế vị, có phải là thầy sẽ ở lại phò tá đến cùng hay không?"
Triệu Bạch Ngư: "Nghĩ kĩ lại, nếu như bọn họ kế vị, đúng thật là ta sẽ không từ quan."
Dù đã đoán được từ trước, Trọng Hoa đế vẫn khó nén nỗi mất mác.
"Bởi vì bọn họ có tính đa nghi, cực đoan, dễ xúc động, nếu như đặt vào thái bình thịnh thế, chỉ sợ là bất kể hành động gì cũng đều sẽ quyết đoán mạnh mẽ, khiến cho tiếng oán than của triều dã trên dưới dậy đất, dân chúng chịu khổ, làm sao ta dám từ quan? Bệ hạ thì khác, bệ hạ chính là đế vương mà tiên đế và các đại thần đã chọn lựa kĩ càng, là minh quân trời sinh để kéo dài thịnh thế. Bệ hạ, bởi vì là người, thần mới dám yên tâm rời đi."
Thế là cảm giác mất mác trong lòng Trọng Hoa đế bị quét sạch, để lộ vẻ mặt khó nén nổi xúc động.
"Thầy..."
Ánh mắt Triệu Bạch Ngư dịu dàng: "Bệ hạ, thời niên thiếu của thần bấp bênh, mệnh vốn không dài, may mắn sống lâu được thêm chục năm bèn muốn dùng quãng đời còn lại bù đắp cho giấc mộng thời trẻ, thần muốn đi ra ngoài kia để ngắm nhìn phong thổ, non sông vạn dặm."
Trọng Hoa để biết rõ cảnh đời lận đận của Triệu Bạch Ngư, kết hợp với căn bệnh kéo dài trong người y suốt hai năm qua, nhìn sắc mặt tái nhợt của y mà lòng khó tránh khỏi xót xa, khóe môi thả lỏng ra: "Trẫm cũng mong thầy vạn sự như ý."
Vừa dứt lời, pháo hoa đã nở rộ nơi khoảng không phía trên đầu cầu, giống như "đèn cây tỏa ngàn ánh sáng, pháo hoa bảy nhánh tung bay", lập tức thu hút một nhóm người ngạc nhiên cảm thán chạy đến xem, đầu cầu bờ sông chật kín người, cửa sổ quán rượu và trên các con thuyền đều có người ló đầu ra ngoài nhìn, cảnh tượng hưng thịnh đẹp đẽ như thế, chẳng trách Triệu Bạch Ngư muốn đích thân đi xem thử.
Một chút cố chấp nằm sâu trong lòng Trọng Hoa đế cuối cùng cũng dập tắt theo pháo hoa, gã không nói với ai chuyện này, đó là gã chỉ sợ rằng Triệu Bạch Ngư từ quan vì không hài lòng với một học sinh như gã, vì không muốn cống hiến cho gã.
Nhưng mà thầy nói, bởi vì gã quá xuất sắc, cho nên mới phải buông tay từ quan.
Bấy giờ Hoắc Kinh Đường đã quay về, ôm vai Triệu Bạch Ngư nói nhỏ với y như đưa tình, trong mắt hắn là tình yêu thương có thể nhấn chìm người khác, nói xong điều gì đó, hắn ngẩng đầu lên nhìn về phía Trọng Hoa đế.
Trọng Hoa đế lặng lẽ đứng thẳng lưng lên, giống như chờ đợi cha nghiêm khen ngợi con trai của mình.
Pháo hoa vẫn còn bùng nổ, đoàn tạp kỹ ở bờ bên kia cầu đang chơi hoa sắt, Hoắc Kinh Đường đưa Triệu Bạch Ngư sang xem, lúc đi có hơi tụt lại phía sau, vỗ vỗ vai Trọng Hoa đế rồi nói: "Đệ là đệ tử có nghị lực nhất, năng lực cao nhất mà ta đã dạy, đại ca rất tự hào về đệ."
Trọng Hoa đế sững sờ, hốc mắt ấm ướt nóng bừng lên, xấu hổ vội vàng lướt qua đi mất, một hồi sau mới quay đầu lại nhìn về phía hai bóng người đứng cách đó không xa, dưới vạt áo dài là mười ngón tay đan chặt vào nhau, họ nhìn nhau cười rồi để tóc mai chạm vành tai, vô cùng thân mật.
Được rồi, thôi vậy.
Pháo hoa chóng tàn, đời người ngắn ngủi, sao cứ phải trói buộc bọn họ làm gì?
Để cho bọn họ đi đi, thay gã đi khắp non sông vạn dặm này.
Trọng Hoa đế không đi cùng, chỉ lấy một sổ con xin từ quan được phê đỏ từ trong ống tay áo ra giao cho ám vệ: "Đưa bọn họ."
Nói xong, gã xoay người rời đi, được vài bước thì dừng chân, lại quay đầu nhìn ra phía sau, thấy được dáng vẻ ngạc nhiên của hai người khi lấy được sổ con thì mừng thầm, thấy chưa, cũng có lúc hai người không thể liệu trước được mọi chuyện mà.
Trước khi trẫm đến tìm hai người đã quyết định đồng ý lời thỉnh từ kia rồi.
Nhớ lại biểu cảm kinh ngạc của Triệu Bạch Ngư và Hoắc Kinh Đường, Trọng Hoa đế ôm theo tâm trạng vui sướng về cung.
***
Nhận được sổ con cho phép từ quan, Hoắc Kinh Đường và Triệu Bạch Ngư gói gém đồ đạc suốt đêm, chỉ thông báo vài câu đơn giản rồi giơ roi thúc ngựa đạp lên ánh bình minh, khi cổng thành vừa mở, một trước một sau vội vàng chạy đi nhanh như sấm chớp, rời khỏi Kinh Đô.
Chạy đến bến thuyền ở chân núi thì dừng lại, ở cửa trạm nghỉ cách đó không xa là hai người Nghiên Băng và Trần Phương Nhung đến để tiễn biệt.
Trần Phương Nhung: "Sao lại đi gấp vậy?"
Triệu Bạch Ngư ngồi trên lưng ngựa, nhìn Hoắc Kinh Đường một cái rồi đáp: "Đêm qua bọn ta dùng tình để chạm vào trái tim bệ hạ, nói lý để để cho bệ hạ hiểu, vì cảm xúc bị khuếch đại mà hắn cảm động nhất thời, chịu thả bọn ta đi, nhưng đến khi hắn tỉnh táo lại, chỉ sợ là sẽ đổi ý, thế nên bọn ta phải mau chóng chạy thôi."
Chiêu thứ tư của Hoắc Kinh Đường là dùng tình cảm để lay động trái tim, chiêu thứ năm chính là cao chạy xa bay.
Dù sao Hoàng đế cũng buông rồi, bọn họ rời kinh một cách quang minh chính đại.
Trần Phương Nhung và Nghiên Băng không nói gi, nhưng bọn họ tin chắc rằng Trọng Hoa đế có thể làm được cái trò đổi ý xấu xa kia.
Mặt trời đỏ rực đã lên giữa lưng núi, nghênh đón ánh nắng, Trần Phương Nhung và Triệu Nghiên Băng mỗi người bẻ một cành liễu đưa tiễn Hoắc Kinh Đường và Triệu Bạch Ngư: "Núi cao sông dài, giang hồ gặp lại."
Hai người Triệu Bạch Ngư cũng chắp tay đáp: "Sau này còn gặp lại." Rồi y nhìn Hoắc Kinh Đường, cười rộ lên nói: "Chúng ta lên đường thôi."
"Đi nào." Hoắc Kinh Đường thúc ngựa.
Hướng về hồng trần thế tục, hướng về khắp chốn cách xa triều đình, giơ roi thúc ngữa, đeo kiếm chạy về phía chân trời, đi về nơi có tự do, không bị quan trường trói buộc.
Bọn họ rời đi không bao lâu, quả nhiên có Cấm vệ đại nội đuổi theo đến tận đây, nhưng tiếc thay đến chậm vài bước, Cấm vệ chỉ đành đi một bước than ba câu, về cung phục mệnh.
Đi vào sâu trong rừng cây hoa hạnh, không biết từ đâu ra có một đám nhóc con cất giọng nói non nớt lên, rung đùi đắc ý đọc thơ dưới sự hướng dẫn của tiên sinh dạy học ——
Sớm Vị Thành ướt mưa bụi nhẹ,
Liễu quán khách mơn mởn xanh tươi.
Mời rượu chỉ mong người uống cạn,
Dương Quan về Tây mất bạn xưa.*
-
(*) Vị Thành khúc - Tống Nguyên nhị sứ An Tây
Chữ hán:
渭城朝雨浥輕塵 / 客舍青青柳色新。
勸君更盡一杯酒 / 西出陽關無故人。
Hán – Việt:
Vị Thành triêu vũ ấp khinh trần / Khách xá thanh thanh liễu sắc tân.
Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu / Tây xuất Dương Quan vô cố nhân.
Vì không tìm được bản dịch thơ ưng ý và hợp với bản edit nên mình tự chế lại dựa theo bản chữ Hán và bản Hán – Việt, mình đã cố chỉnh sửa để nó hợp vần và dễ đọc nhất có thể rồi (mà vẫn dở 🥲), nếu như có chỗ nào sai sót thì comment cho mình biết để mình sửa nhe!
==
Min: còn 2 chương ngoại truyện nữa lận nhưng mà tự nhiên edit xong chương này tui ngồi buồn khóc ngon ơ luôn mấy bà, sắp sửa tạm biệt em Cá với anh Đường rùi 😭