Đếm Ngược Thời Gian Sống Sót

Chương 108: Ngoại truyện 1 • Phù sinh nửa buổi nhàn*




(*) Nguyên văn: Trộm được phù sinh nửa buổi nhàn – 偷得浮生半日闲 (Nguồn: Tu Viện Thiện Tường): Một câu thơ của nhà thơ Lý Thiệp thời Đường. Phù sinh chỉ cuộc đời, nên câu thơ có thể hiểu rằng trộm được nửa ngày nhàn nhã trong dòng đời vội vã.

Dịch nghĩa:

Sống say chết mộng mãi mê mang / Chợt nghe Xuân hết, gắng đăng san / Cùng tăng trò chuyện trên sân trúc / Trộm được phù sinh nửa buổi nhàn!

(- Lý Thiệp đời Đường, Sakya Minh-Quang dịch -)

***

Triệu Bạch Ngư về kinh báo cáo công tác xong là tháo chức Kinh lược sứ, quan phục nguyên chức, vẫn là một thân kiêm hai công việc, có điều đổi từ Ngự sử trung thừa dành Hoàng tử Thiếu sư, tạm thời có kha khá nhiều thời gian rảnh rỗi.

Sau khi phủ Kinh Đô được thay đổi thành mô hình sương phường, nha dịch giữ gìn trị an phải trải qua quá trình đào tạo, huấn luyện xong mới được nhậm chức, Triệu Bạch Ngư cũng phổ biến cơ chế vận hành giám sát và báo cáo lẫn nhau, đề phòng công sai nha dịch và thương nhân lòng dạ hiểm độc cấu kết với nhau phá hỏng cán cân thị trường.

Đám trộm cắp thường hành sự vào ban ngày ban mặt không thể nói là biến mất chẳng thấy tăm hơi, nhưng hầu như đều giấu đầu giấu đuôi không dám quậy phá nữa, vì vậy những vụ án gạt người lừa tài sản và những vụ báo thù vì bị lừa gạt đã giảm bớt đi rất nhiều.

Triệu Bạch Ngư nhậm chức Tri phủ Kinh Đô đã bốn năm nay, tỉ lệ phạm tội trong phủ và huyện dưới quyền giảm mạnh, nhờ thực hiện an ninh trật tự bằng cách "không nhặt của rơi trên đường, ban đêm không cần đóng cửa" mà buôn bán trở nên phồn vinh, thuyền bè ra vào bến thuyền, cửa sông của bốn kênh Kinh Đô gần như không có lúc nào ngừng nghỉ, nhiều nước bạn đến thăm, có thể gặp người nước ngoài mũi cao mắt sâu đến đây kinh doanh hoặc giao lưu văn hóa ở bất kì một con phố hay nhà trọ nào.

Triệu Bạch Ngư chưa từng tận mắt nhìn thấy bốn phương tám hương Khai Nguyên* thịnh thế trong lịch sử ở đời trước, nhưng có lẽ nó cũng không khác gì mấy so với thịnh thế trước mắt y bây giờ.

(*) Khai Nguyên (niên hiệu của vua Đường Huyền Tông tức vua là Lý Long Cơ công nguyên 713-741

"Tiểu Triệu đại nhân, hôm nay lão có cua rượu mới vừa ngâm đêm qua, ngài có muốn mua hai con không?"

Lúc qua cầu trong chợ, ông lão bán cua ngâm rượu trên cầu đã coi y như khách quen rồi, nhìn thấy Triệu Bạch Ngư là gọi người lại ngay.

Triệu Bạch Ngư tiếc nuối từ chối: "Mấy ngày nay sức khỏe không ổn lắm, đại phu đã dặn ta không được ăn đồ lạnh, nếu không sẽ bị đau bụng." Y lắc tay lia lịa, "Thật sự không dám tham ăn."

Ông lão nghe vậy cũng tỏ vẻ tiếc nuối, lập tức nghĩ đến một chuyện: "Quán rượu ở bên kia sông mới vừa cho ra lò món mới, gọi là món dê con hấp nhừ, đó là một món ăn nổi tiếng khắp Kinh Đô này, mỗi ngày đều có thể thấy quý nhân ra vào xếp hàng chờ. Nghe nói nguyên liệu được chọn từ dê non Đồng Châu, thịt dê vừa tươi sạch vừa mềm ăn rất ngon, lúc chế biến người ta dùng trà hạnh nhân và các loại gia vị khác để nêm nếm, nấu xong mới bưng lên bàn, không thể dùng đũa gắp mà phải dùng muỗng múc mà ăn."

Triệu Bạch Ngư nghe mà thèm nhỏ dãi: "Sao ông lại biết rõ thế?"

Ông lão vỗ đùi nói: "Hàng xóm của lão gả con gái đi, gả được vào gia đình tốt, lúc làm tiệc cưới có đặt món thịt dê hấp nhừ này để đãi, ăn xong một lần nhớ mãi không quên, hay nhắc đi nhắc lại bên tai lão ấy mà."

Triệu Bạch Ngư giấu tay đi, đứng ở đầu cầu, ánh nắng chiều phủ khắp mặt sông rộng lớn, sóng gợn lăn tăn, thuyền hàng đậu rải rác, còn có một chiếc thuyền đi qua dưới cầu, bên bờ có người kéo thuyền đang lôi thuyền vào, cành liễu ở hai bên bờ sông rũ xuống đón gió.

Quán rượu mà ông lão chỉ đúng là đông nghìn nghịt khách, bên cạnh là một nhà bán rượu lâu năm, cờ hiệu trước cửa phấp phơi trong gió, hương rượu nhẹ nhàng bay xa mười dặm, Triệu Bạch Ngư đứng ở tận đầu cầu bên này mà còn có thể ngửi được mùi thơm kia.

Mặc dù không bằng một phần trăm của đời trước, nhưng vẫn có thể thấy được, đây đã là một thế giới phồn hoa thịnh vượng mấy ngàn năm nay chưa từng thấy rồi.

Triệu Bạch Ngư mỉm cười, nói: "Nhờ ông đề cử, ta sẽ thử đến đó xem có thể đặt được món thịt dê hấp nhừ quán bọn họ không." Nói xong thì tạm biệt ông lão.

Đến trước quán rượu, trời hãy còn sớm, y thật sự bước tới chỗ biển hiệu chờ đặt hàng, gọi phục vụ giao hàng rồi hẹn giờ giao đến phủ Trần Sư Đạo, lúc gần đi sẵn tiện dặn dò chủ quán: "Làm xong việc rồi, còn thừa một chén hãy đưa đến chỗ ông lão bán cua ngâm rượu ở đầu cầu nhé."

Ông chủ quán rượu vỗ ngực đảm bảo: "Đại nhân cứ yên tâm, ta nhớ rồi."

Triệu Bạch Ngư để bạc lại rồi đi.

***

Dạo chợ mua thêm một vài món ăn nóng hổi như thịt lừa nướng, thịt thỏ nướng than,... xong xuôi, Triệu Bạch Ngư mang chúng đến nhà thăm Trần Sư Đạo, tiện thể bàn bạc với ông cụ xem phải làm sao để trở thành một Hoàng tử Thiếu sư tốt, dù sao thì Thái sư Trần Sư Đạo cũng là người có khá nhiều kinh nghiệm.

Bước vào tiền thính Trần phủ, Triệu Bạch Ngư ngạc nhiên phát hiện Cao đồng tri và Triệu Bá Ung cũng có mặt.

Triệu Bá Ung thoáng nhìn sang Triệu Bạch Ngư, lập tức đứng dậy, một lúc sau mới nhớ hành động này của ông quá dễ gây sự chú ý với người khác, thế là bèn ngại ngùng ngồi xuống trở lại.

Cái mũi già tham ăn của Trần Sư Đạo khịt khịt, bấy giờ mới ngửi ra được trong túi giấy dầu trên tay Triệu Bạch Ngư có cái gì, đọc lên từng món một, rồi ông cụ tỏ vẻ tiếc hùi hụi, nói: "Đồ ăn ngon thế mà lại không có rượu ngon ướp lạnh để nhắm, tiếc quá tiếc quá."

Triệu Bạch Ngư: "Tiệm rượu bán rượu tuyết ngâm hoa mai nằm ngược với đường con đến đây, vừa nãy vào phủ con đã gọi tiểu đồng đi mua rồi, có lẽ bây giờ đang trên đường về đấy ạ."

Mặt mày Trần Sư Đạo thoáng cái hớn hở: "Thầy thích ngũ lang đến làm khách lắm đấy, lúc nào cũng hiểu lòng thầy cả."

Triệu Bạch Ngư: "Con là học sinh của thầy, không mang theo chút đồ ăn thì nào dám tới gặp thầy? Thầy đó, thầy ăn được món gì, thích ăn món gì, con đều nhớ rất rõ."

Trần Sư Đạo: "Thành thật quá đi thôi, đến Đại lang còn chẳng hiểu thầy bằng con nữa."

Đoạn đối thoại của hai thầy trò bọn họ vô cùng tự nhiên, nói lời nào cũng đều lộ ra sự thân mật khiến cho Triệu Bá Ung ngồi bên cạnh nghe mà lục phủ ngũ tạng đều chua xót, vô thức hừ một tiếng, vừa hừ xong đã phải nhận lấy mũi nhọn mà Trần Sư Đạo nhắm tới.

"Lòng dạ phủ tạng xấu xa rất dễ dẫn tới tâm trạng bất mãn, mà tâm trạng bất mãn thì giọng sẽ không nghe lời, mấy kẻ quái gở thích hừm hừ đúng là khiến người ta phát ghét... Triệu tế chấp, ông thấy ta nói như vậy có lý không?"

Triệu Bá Ung miễn cưỡng làm mặt cười, đáp lại hai tiếng rồi thôi.

Trần Sư Đạo đắc ý, vỗ bàn ý bảo Triệu Bạch Ngư mau mang đồ ăn đến đặt xuống, sau đó lệnh cho nha hoàn cầm chén đũa và chung rượu tới, ấy vậy mà lại không cắt bớt một bộ chén đũa của Triệu Bá Ung, khiến cho một người đường đường là tế chấp kích động đến nỗi mất một lúc lâu sau lòng mới có thể yên tĩnh trở lại.

Đây chính là đồ ăn tự tay ngũ lang mua tới, nói cho vuông thì chính là con trai nhỏ của ông vì ông mà xuy kim soạn ngọc, làm sao có thể không quý trọng cho được?

Triệu Bá Ung nhai chậm nuốt chậm, thỉnh thoảng tự cho là kín đáo quan sát Triệu Bạch Ngư, vểnh tai cẩn thận lắng nghe y và Cao đồng tri, Trần Sư Đạo bàn bạc về việc dạy dỗ các hoàng tử thế nào.

Nguyên Thú đế hạ chỉ, lệnh cho bốn người bọn họ, trong đó có Lư tri viện giữ chức thầy giáo của các hoàng tử, hai người phụ trách giảng văn học và thuật trị nước, hai người còn lại phụ trách dạy võ, rèn luyện thân thể.

Trần Sư Đạo đã quá quen với quá trình thụ nghiệp và giải hoặc, "Tùy theo khả năng tới đâu mà dạy tới đó, bốc thuốc đúng bệnh. Các ngươi không thể biết rõ tư chất, tính tình của các hoàng tử ngay được, cần phải thấu hiểu trước rồi mới có thể tiến tới việc đưa ra định hướng giáo dục cho bọn họ. Dù sao thì cũng phải đối xử với bọn họ khác hoàn toàn với học sinh trong thiên hạ, thái tử được chọn ra từ trong số đố, cần phải thận trọng từng bước một, tránh mắc phải sai lầm, di họa bá tánh."

Triệu Bạch Ngư gật đầu.

Cao đồng tri cũng nêu ra một vài quan điểm của mình, thậm chí đến Triệu Bá Ung cũng truyền đạt một số hiểu biết của mình về mấy vị hoàng tử.

Lúc đối mặt với ông, Triệu Bạch Ngư cố gắng khiến cho biểu cảm của mình không thay đổi quá nhiều, trông như bình thường, thật ra trong lòng y hơi bối rối, mặc cho ai đó vô thức thể hiện sự niềm nở, trông mong nhìn thấy biểu cảm của y, nói chung là không được tự nhiên lắm.

Triệu Bá Ung mà y biết là một người nghiêm khắc hay quát mắng, không bao giờ thay đổi sắc mặt chán ghét, đột nhiên thái độ quay ngoắt, đã bốn năm rồi mà y vẫn cảm thấy lạ lẫm.

"Nhiệm kỳ của Tri phủ Kinh Đô dài nhất cũng chỉ năm năm, tính thêm một năm đến Tây Bắc nhậm chức Kinh lược sứ nữa thì cũng đã sắp kết thúc nhiệm kỳ rồi. Bây giờ con là Hoàng tử Thiếu sư, sẽ không dễ gì bị phái rời kinh nữa, xét thấy trước đây con đã từng nhậm chức Thuế vụ sứ, cái ghế Đạc chi sứ Tam ty đang trống, có khả năng sẽ để con bổ khuyết vào đó."

Trò chuyện vấn đề hình thức dạy học xong, trong một khoảnh khắc im lặng, Triệu Bá Ung đột nhiên lên tiếng.

Triệu Bạch Ngư nhận ra mình đang nói chuyện với ông thì hơi sửng sốt, sau đó gật đầu đáp lại một tiếng.

Triệu Bá Ung hơi thất thần, nhưng rồi cũng nhanh chóng bình tĩnh lại để nói sang vài chuyện khác, "Tết Trùng Cửu sau thu thì phải leo cao ngắm cảnh, theo thường lệ còn phải tổ chức tiệc ngắm hoa cúc. Chỉ tiếc trong phủ không có danh thắng núi cao nào, cũng ít chỗ có thể leo lên cao... Ta nhớ Trùng Cửu năm ngoái có một bữa tiệc ngắm hoa rất lớn đã được tổ chức ở vườn Ngọc Tân trên danh nghĩa của Quảng Bình quận vương, nghe nói văn nhân nổi tiếng trong phủ đều đến đó? Năm nay không biết có tiếp tục tổ chức nữa hay không, ngũ lang sẽ đến chứ?"

(*) Tết Trùng Cửu (hay còn gọi là Tết Trùng Dương, Tết người cao tuổi, Tết người già, chính là ngày 9/9 Âm lịch hằng năm theo phong tục của người Trung Quốc. Con số 9 được coi là số dương và sự lặp lại hai lần của nó trong ngày 9/9 chính là lý do mà nó được gọi là Trùng Cửu, Trùng Dương.

Ở Việt Nam trước đây vào thời Lý - Trần các nho sĩ cũng tổ chức leo núi, uống rượu hoa cúc gọi là thưởng tết Trùng Dương. Mặc dù hiện nay Tết Trùng Cửu không có sức ảnh hưởng lớn trong văn hóa của người Việt Nam nhưng nó vẫn được coi là một ngày lễ quan trong của Nho giáo.

Cao đồng tri im lặng đặt chung rượu xuống, che mặt không nói gì.

Trần Sư Đạo dùng tay áo che khuôn mặt cười nhăn nhở, tài nói chuyện phiếm tẻ nhạt đến thế thì có thể mong được đáp lại cái gì chứ?

Triệu Bá Ung không hiểu lắm, vẫn là Triệu Bạch Ngư giải thích thắc mắc giúp ông: "Tiệc ngắm hoa cúc năm ngoái xảy ra xung đột, các chính khách nổi tiếng và văn nhân đánh nhau tơi bời, đập nát rất nhiều cây hoa cúc có giá trị rất lớn trong vườn, Quảng Bình quận vương tức bệnh hơn nửa tháng, chắc mấy năm sau này sẽ không tổ chức thêm bữa tiệc ngắm hoa cúc nào nữa đâu."

"Vì sao mà lại đánh nhau tơi bời?" Triệu Bá Ung hỏi.

Triệu Bạch Ngư thấy trên mặt ông toàn vẻ tò mò, bèn nói kỹ hơn: "Nguyên nhân là do một học sinh vừa thi đậu tỉnh cùng với một học sinh trong phủ vừa trúng cử Quốc Tử Giám​ đã thi làm thơ từ một chậu hoa cúc tím, hoa cúc tím kia được một ca cơ có vẻ ngoài xinh đẹp ôm lấy, hai người đều muốn thể hiện trước mặt cô gái xinh đẹp đó, kết quả làm được câu thơ trích dẫn cùng một điển cố, không thể phân tranh, không ai nhường ai bèn chửi mắng lẫn nhau, phát sinh tranh cãi, sau đó..." Y hồn nhiên chẳng hay biết Triệu Bá Ung đang nhìn mình bằng ánh mắt yêu thương, mà Triệu tế chấp dẫn dắt ba ngàn môn đảng cũng không hề nhận ra điều đó, "... Thật ra đến cùng cũng chỉ là học phái bần hàn tranh đấu với đệ tử sĩ tộc thôi, chẳng ai phục ai cả."

"Hóa ra là vậy, chỉ cần nhìn sơ qua là hiểu được toàn bộ sự việc rồi." Triệu Bá Ung: "Ngũ lang nhanh nhạy thật."

Triệu Bạch Ngư nghe vậy thì nhướn mày, nhanh chóng nhận ra, chỉ cúi đầu cười không nói gì.

Triệu Bá Ung thấy tốt thì lấy, lúc này mới "thu binh".

Ngược lại Cao đồng tri lên tiếng: "Sơn Hà lâu là một nơi đáng đến, nó nằm giữa dãy núi, gần sát trời sao, vừa có thể bắt chước người xưa leo núi ngắm cảnh, vừa có thể tổ chức tiệc ngắm cúc, chỉ tiếc không cho bên ngoài mượn chỗ, cũng không mở cửa cho người ngoài vào."

Triệu Bạch Ngư: "Ta nhớ Sơn Hà lâu không có trồng cúc."

Cao đồng tri: "Bữa tiệc ngắm cúc của Quảng Bình quận vương có một nửa danh phẩm được mượn từ Sơn Hà lâu tới đấy."

Triệu Bạch Ngư ngạc nhiên: "Ta không biết chuyện ấy."

Ba người còn lại đều nhìn về phía y, Trần Sư Đạo nói: "Nói như vậy, ngũ lang thường xuyên ra vào Sơn Hà lâu hay sao?"

Triệu Bạch Ngư: "Bệ hạ ban cho Hoắc Kinh Đường."

"Chẳng trách." Trần Sư Đạo đập bàn, bừng tỉnh ngộ ra: "Bảo sao điện hạ lại giấu kín bưng không khoe ra ngoài."

Lúc này đã có người giao món thịt dê hấp nhừ tới trước phủ, khi nắp hộp sơn vàng vừa được nhấc lên cũng là lúc mùi thơm xộc vào mũi, dẫn dắt cơn thèm ăn trong dạ dày của Trần Sư Đạo ra, ông cụ chẳng nói lời nào mà vùi đầu vào ăn uống cật lực.

Ăn no nê xong là đến buổi chiều, bọn họ quây quần uống trà giải ngấy, nói thêm một vài chuyện trong triều nữa, không lâu sau đó thì ai về nhà nấy.

Rời khỏi Trần phủ, Cao đồng tri kéo Triệu Bạch Ngư vào trong góc hỏi nhỏ: "Đến tết Trùng Cửu có thể cho phép lão phu đưa phu nhân đến Sơn Hà lâu không?"

Chưa chờ Triệu Bạch Ngư đáp lại, Cao đồng tri đã chủ động nói rõ nguyên nhân: "Phu nhân thích hoa cúc lắm, nhưng lại không khéo tay."

Triệu Bạch Ngư đã hiểu, "Ta sẽ nói lại một tiếng, nhưng ông cứ đến đi, không sao đâu."

Cao đồng tri nói lời cảm ơn rồi đi.

Khi Triệu Bạch Ngư chuẩn bị về phủ quận vương, xe ngựa của Triệu phủ dừng ở bên cạnh, Triệu Bá Ung ngồi trong xe nói: "Chở con đi một đoạn nhé."

Triệu Bạch Ngư lịch sự từ chối: "Phủ quận vương ngược đường với Triệu phủ."

Triệu Bá Ung: "Đi vòng thêm một vòng thôi mà."

Triệu Bạch Ngư: "Không cần đâu, đường từ Trần phủ về phủ quận vương không xa, ta đi bộ về cho tiêu cơm được rồi." Y chắp tay cáo từ, xoay người đi ngay, không nhìn thấy ánh mắt của Triệu Bá Ung ở sau lưng đã tối sầm xuống.

Bước được bảy tám bước rồi, Triệu Bạch Ngư bỗng nhiên dừng lại, xoay người đưa lưng về phía ánh trăng, chắp tay với Triệu Bá Ung: "Về chuyện khuyên can bệ hạ từ bỏ việc lập Hoắc Kinh Đường làm thái tử, Tế chấp đã sẵn lòng tương trợ, hạ quan vô cùng biết ơn."

Giương mắt lên, y nhẹ giọng nói: "Ta cũng chịu ơn ngài."

Nói đến đây, Triệu Bạch Ngư nhanh chóng xoay người bước nhanh đi, không để cho Triệu Bá Ung có thời gian phản ứng.

Xe ngựa đứng giữa đường tắt, dưới ánh trăng trong suốt, Triệu Bá Ung nâng tay áo lên che mặt, khóc vì vui sướng.

***

Trước tết Trùng Cửu, trước cửa điện Văn Đức.

Hoắc Chiêu Vấn cầu kiến Nguyên Thú đế, cung kính đứng chờ trước cửa một hồi lâu, đại thái giám mới vội vàng chạy tới nói Nguyên Thú đế đang dùng bữa tại cung Phúc Ninh, lệnh cho hắn sang đó ngay.

Hoắc Chiêu Vấn không nói hai lời mà đi tới cung Phúc Ninh, bước vào trong liền vén vạt áo bào lên quỳ xuống cầu xin: "Bệ hạ, thần đã chuẩn bị hành lý xong xuôi, hai ngày nữa sẽ lên đường, đặc biệt đến đây chào tạm biệt."

"Chẳng phải sau tết Trùng Cửu mới đi sao?"

"Sau tiết này nhiệt độ sẽ thấp xuống, ông ngoại thần không đủ sức khỏe, chỉ sợ trên đường về Định Châu không chịu nổi rét lạnh, cho nên mới lên đường trước khi trời trở lạnh."

Lần này Trịnh quốc công về kinh, nhìn rõ thái độ của Nguyên Thú đế, thức thời trả lại binh quyền rồi từ quan, ông ấy đã sống ở biên cương nửa đời, vợ già cháu chắt đều sống ở đó, sau khi chào từ giả rồi mới đi cùng Hoắc Chiêu Vấn về Định Châu.

Về phần Trịnh Nguyên Linh, bởi vì là công thần, bản thân ông ta cũng có chiến công, phủ quốc công cũng đã yếu thế, Nguyên Thú đế không gây khó dễ nữa, chỉ tạm cách chức quan để khiển trách, qua hai năm nữa là có thể lên chức trở lại.

Trịnh Sở Chi thì ở lại phủ Kinh Đô, sẵn tiện chăm sóc cho Tần vương bị cấm túc.

"Lại đây, ngồi kế bên trẫm." Nguyên Thú đế bảo Hoắc Chiêu Vấn đến dùng bữa cùng mình, cẩn thận quan sát lão Lục, từ lúc hắn trở về ông đã xem hắn như một viên đá định bụng sẽ diệt trừ, chưa từng nghiêm túc nhìn hắn, bây giờ nhìn chú ý nhìn kĩ mới nhận ra đường nét khuôn mặt của hắn là giống ông nhất. "Vẫn còn oán giận trẫm sao?"

Hoắc Chiêu Vấn: "Thần không dám."

Hắn không hề xưng nhi thần và phụ hoàng, đôi bên bị ngăn cách bởi quân thần, cũng không còn quấn quít với ông nữa.

Nguyên Thú đế không tránh khỏi nuối tiếc, hiểu ra trong lòng hắn vẫn giận mình, im lặng dùng xong bữa ăn trưa mà cả hai bên đều không thoải mái.

Dùng bữa xong, trước khi Hoắc Chiêu Vấn đi, Nguyên Thú đế đột nhiên nói: "Tử Uyên có thể đoán được ván cờ mà trẫm sắp đặt, nó sẽ không để cho con và quý phi tự sát."

Tưởng chừng như bất chợt nói ra câu này, thực chất là đáp lại lời chất vấn của Hoắc Chiêu Vấn lúc ở Hoàn Khâu, hắn đã hỏi Nguyên Thú đế có phải ông thật sự không nghĩ rằng bọn họ sẽ tự sát hay không, khi đó không nhận được lời đáp, nhưng trả lời lúc này chi bằng không trả lời.

Hoắc Chiêu Vấn đưa lưng về phía Nguyên Thú đế, nở nụ cười trào phúng, hóa ra không nghĩ bọn họ sẽ tự sát là vì tin tưởng sự nhạy bén và hữu ái của Hoắc Kinh Đường sao?

Đúng là châm chọc quá mà.

Đến cùng thì tính mạng của hắn và mẹ ruột rõ ràng vẫn được gửi gắm vào sự bất công của Nguyên Thú đế đối với Hoắc Kinh Đường.

Hoắc Chiêu Vấn bi thương chết tâm, hoàn toàn không còn chút tình cha con với Nguyên Thú đế nữa, quãng đời về sau chỉ còn tình quân thần mà thôi.

"Thần sợ hãi."

Nói xong, hắn rời đi không quay đầu lại.

***

Tết Trùng Cửu đến.

Sáng ngày ra phủ quận vương đã vẫy nước quét nhà trừ bụi, để không làm chướng mắt người khác, Hoắc Kinh Đường đã dẫn Triệu Bạch Ngư rời phủ từ sớm, hai người ra chợ dạo một vòng trước, rồi đến quán trà ngồi nghe kịch bản truyện vừa ra mắt, sau đó mới đến nhà bạn bè gần đó làm khách.

Phủ Khang vương "may mắn" được chọn trúng, hai người kề vai sát cánh đến phủ thăm hỏi, phát hiện trước cửa là hàng loạt xe ngựa chen lấn nhau chật kín như bưng, thấy tò mò bèn hỏi gia đinh dẫn đường.

Gia đinh nói: "Là các nhà quan lại quyền quý trong kinh đến phủ leo cao."

Lúc này Triệu Bạch Ngư mới chợt nhớ ra phủ Khang vương có một tòa tháp cao năm tầng, hình như năm đó khi xây phủ, toà tháp này đã được dựng nên bằng mọi sự đấu tranh và lí trí.

Mỗi một tấc đất ở trong kinh thành đều vô cùng đắt đỏ, diện tích xây phủ không có nhiều, vốn chẳng có đủ chỗ cho một tòa tháp năm tầng, vì vậy nên khi chọn nơi xây phủ, Khang vương đã cố tình chọn một nơi khá xa hoàng cung, thế là bị không ít người chê cười.

Cười ông chọn cái nhỏ bỏ cái lớn, nhưng mỗi năm cứ đến tết Trùng Cửu là người đến nhà thăm hỏi lại cực kì đông đúc, phần lớn là những người năm xưa cười nhạo Khang vương.

Lúc bước vào phủ, Triệu Bạch Ngư thoáng nhìn sạp hàng nhỏ được dựng lên trước cửa, bèn hỏi là để làm gì.

Gia đinh: "Cao đô tri phân phó, phải thu phí vào leo núi, phí trái cây... À, làm như vậy là để tránh những chuyện phát sinh ngoài ý muốn như có người hạ độc, hạ dược hại người khác liên lụy đến vương phủ ấy mà, Cao đô tri có ý dặn dò không được mang thức ăn bên ngoài vào."

Triệu Bạch Ngư: "..." Không hổ là Cao đô tri quản lý nội khố, sắp trở thành cái sọt tiền thành tinh rồi, y tò mò không biết có còn ngày lễ nào khác mà Cao đô tri không ôm tiền hay không nữa.

Xuyên qua hành lang gấp khúc là có thể nhìn thấy hòn non bộ, hồ nước, mà tòa tháp kia ẩn náu giữa những hòn non bộ, đi vào con đường nhỏ giữa vô số ngọn núi giả là có thể nghe được tiếng ồn ào náo nhiệt trong tòa tháp xa xa, mơ hồ còn có tiếng hát, Triệu Bạch Ngư lập tức bỏ ý định đi vào tháp thưởng thức những thứ đó, cùng Hoắc Kinh Đường đi ngược lại, phát hiện bên hồ có mấy chiếc thuyền, thế là quyết định chèo thuyền du ngoạn trên hồ.

Theo luật thì tết Trùng Cửu là ngày nghỉ, sĩ tộc quan thân và cả học sinh đều được nghỉ, bấy giờ sẽ kết bạn leo núi, gộp nhóm đi hội đạp thanh, mở tiệc thưởng cúc, ăn bánh hoa ngọt, tụ tập uống rượu, say rồi thì thi ngâm thơ hoặc là vẩy mực vẽ tranh, hát hò khoe giọng, đến lúc giải tán thì sẽ lựa cánh hoa cúc mang về nhà, để cho người nấu rượu hoa cúc, chờ đến tết Trùng Cửu năm sau sẽ lấy ra uống, ngụ ý trường sinh, kéo dài tuổi thọ.

Triệu Bạch Ngư nằm trên thuyền nhỏ, dùng mu bàn tay chống cằm, hai mắt híp lại, ánh nắng mặt trời ngày hôm nay sáng dịu chứ không chói lóa, gió trên hồ khẽ lướt qua, kéo theo hơi ấm khiến cho tinh thần người ta say đắm.

Hoắc Kinh Đường thì nằm ngửa ở đầu bên kia nhắm mắt nghỉ ngơi, phơi bày dáng vẻ lười biếng ra, không ai muốn lên tiếng nói chuyện.

Bỗng nghe một tiếng rồn rột khẽ vang lên, Triệu Bạch Ngư mở mắt, nghiêng tai lắng nghe thì phát hiện ra đó chính là âm thanh phát ra từ bụng Hoắc Kinh Đường, y đá vào bắp chân hắn hỏi: "Chàng đói à?"

Hoắc Kinh Đường lời ít ý nhiều: "Ừ."

"Lên bờ ăn cơm thôi."

Hoắc Kinh Đường nằm sải lai: "Không muốn di chuyển."

Triệu Bạch Ngư: "Chàng định chết đói luôn hay sao?"

Hoắc Kinh Đường nằm im ru: "Chết đói luôn đi."

Triệu Bạch Ngư hừ một tiếng, vừa ngẩng đầu lên đã nghênh đón một luồng gió mát phả vào mặt, khắp người thư thái mềm mại, trùng hợp thay y cũng hơi đói, nhưng liếc nhìn thấy thuyền nhỏ đã cách bờ một khoảng xa, đột nhiên y cũng không muốn động đậy nữa.

Thế là lại nằm xuống.

Khang vương mãi mà không thấy hai người có mặt bèn chạy đến đây tìm, nhìn thấy chiếc thuyền nhỏ ở phía xa, ông gọi to: "Mấy cái đứa này ở trên thuyền làm gì đấy? Lằng nhằng lâu vậy, tiệc thưởng cúc đã diễn ra được một nửa rồi!"

Triệu Bạch Ngư đạp nhẹ Hoắc Kinh Đường một cái: "Gọi chàng kìa."

Hoắc Kinh Đường dùng chút nội lực lớn tiếng nói vọng lên bờ: "Ta và tiểu lang gặp chút rắc rối, đang bị kẹt ở đây rồi, mau tới cứu đi." Giọng điệu còn có hơi sốt ruột.

Khang vương hoài nghi nhưng vẫn cho người ra đó kéo thuyền của hai người vào bờ, phát hiện cả hai không nhúc nhích mới vội hỏi bọn họ đã xảy ra chuyện gì, bị cảm nắng hay là bị trúng độc.

Bỗng nghe thấy hơi thở mong manh Hoắc Kinh Đường, hắn đáp: "Đói bụng."

Khang vương sững sờ, vô thức nhìn về phía mái chèo trên thuyền nhỏ, lập tức hiểu ra, sau đó trợn mắt há miệng: "Tử Uyên thì thôi đi, hết cứu được nó rồi, nhưng sao ngũ lang con cũng học theo dáng vẻ lôi thôi bất cần của nó thế hả?"

Ông vô cùng đau lòng, sao Triệu Bạch Ngư trong sáng thanh cao lại có thể bị Hoắc Kinh Đường đồng hóa được chứ?

Nếu như đồng hóa rồi, về sau ông gặp người khác làm sao nói Triệu Bạch Ngư và ông học cùng một thầy được, làm sao có thể "lợi dụng" thanh danh của Triệu Bạch Ngư để thu được ý đồ giấu mà không bán trong tay đám văn nhân dầu muối không vào kia chứ?

Trong nháy mắt lòng ông sinh ra một ảo giác như thể trời vừa sụp xuống, Khang vương nhanh tay kéo Triệu Bạch Ngư lên quan tâm săn sóc một hồi, tung chân đá thuyền nhỏ ra xa, chỉ vào Hoắc Kinh Đường vẫn chưa chịu bò dậy nghiêm túc khuyên bảo: "Nghe Thập thúc nói này, nhất định đừng có học theo nó." Kéo tay người đi rồi, ông vẫn còn ngập ngụa trong mớ cảm xúc kia: "Đúng là gần mực thì đen mà, nếu không ngũ lang đến vương phủ ở một thời gian đi? Hoặc là đến chỗ Thập thẩm của con cũng được, trong phủ của ông ấy có rất nhiều trò vui, được chơi được ăn, ai đến ở Cao phủ rồi đều không muốn rời đi đâu..."

Triệu Bạch Ngư cong môi cười, vừa nghe vừa lặng lẽ quay đầu nhìn ra sau, Hoắc Kinh Đường uể oải theo sát phía sau, trông hắn giống hệt như quả cà thấm sương*, không nghe lọt tai câu mắng mỏ nào của Khang vương cả, rồi đột nhiên hắn giương mắt nhìn lại, bắt gặp ánh mắt của Triệu Bạch Ngư thì nhếch môi lên làm khẩu hình miệng nói: "Lải nha lải nhải, như bà buôn dưa vậy."

(*) Nguyên văn là [霜打的茄子]: câu ngạn ngữ này xuất phát từ phương Bắc. Mỗi khi cuối thu, nhất là sau khi tiết sương giáng (23 hoặc 24 tháng mười), đất phương Bắc vì nhiệt độ trong đêm hạ thấp mà trên thực vật kết một lớp sương mỏng, mà lúc này quả cà chưa hái (quả cà có chịu được nhiệt độ cao nhưng sợ lạnh) không chịu được sương lạnh kích thích khiến da bên ngoài nhăn nheo, câu này dùng để chỉ một người tinh thần uể oải không phấn chấn, phờ phạc, suy sụp, mất hồn...

Triệu Bạch Ngư sợ mình bật cười thành tiếng làm tổn thương Khang vương nên vội quay đầu lên phía trước.

Khang vương không dẫn bọn họ đến tòa tháp mà dẫn tới một nhà thủy tạ tương đối yên tĩnh, Cao đô tri đang chờ bọn họ trước cửa. Cửa vừa mở ra, tiếng đàn sáo, tiếng ca hát cười đùa đã truyền vào trong tai, đầp vào mắt đầu tiên chính là cả sảnh đường đầy cúc mùa thu, những khóm hoa như được dát thêm lớp vàng óng ánh, sáng bừng cả căn phòng.

Bước lên cầu thang đi lên trên lầu, nơi này còn có rất nhiều chủng loại cúc khác nhau nữa.

Cao đô tri ngắt một đóa hoa cúc tím cài lên tóc mai của Triệu Bạch Ngư: "Mới vừa nãy ta đã nghĩ, tết Trùng Cửu sao có thể thiếu trâm hoa được chứ? Cọ vẽ làm thơ, tóc xanh trâm hoa, thiếu niên vui đùa." Nhìn tới nhìn lui, ông nở nụ cười hài lòng, "Sáng nay ta mời đầu bếp của quán rượu đến phủ nấu món thịt dê hấp nhừ và cua thu, mới vừa lên món thôi, vẫn còn bốc hơi đấy."

"Quấy rầy rồi ạ, mong được thứ lỗi." Triệu Bạch Ngư nói lời khách sao, nhưng chân lại bước đi không dừng.

Khang vương nghe vậy mới cảm thấy dễ chịu.

Hoắc Kinh Đường tiện tay vỗ vai Khang vương: "Nhường đường chút, đừng có chắn cửa." Sau đó hắn quen cửa quen nẻo ngồi vào bàn, yên vị bên cạnh Triệu Bạch Ngư.

Trên bàn còn có Lê Yến Kỳ, Đỗ Công Tiên, Phạm Văn Minh cùng với Hạ Quang Hữu, vị Tri phủ Từ Châu ngày xưa nay đã được lên chức làm quan Kinh Đô, càng khiến cho người ta ngạc nhiên hơn nữa chính là Lư tri viện đang ngồi xếp bằng ở trên giường đối diện kia, ngồi xung quanh ông ta là ba bốn cử tử Quốc Tử Giám.

Triệu Bạch Ngư tìm kiếm một lượt, không thấy hai vị Trần Sư Đạo và Cao đồng tri, y liền biết ngay là hai ông không tới.

Cao đô tri cười nói: "Thật ra ta rất muốn mời họ, quan to tể tướng đến càng nhiều, chỗ này của ta mới có thể đông như trẩy hội, chỉ tiếc vị kia nhà ta cứ hễ nhìn thấy Trần thái sư là như chuột thấy mèo vậy."

Ông cầm chén trà mà tiểu đồng đưa tới, "Nếm thử đi."

Triệu Bạch Ngư nhận lấy, phát hiện trong chén có đầy bọt trắng che phủ, không khỏi sợ hãi thán phục: "Tay nghề giỏi." Người đương thời pha trà quý nhất là ở đám bọt trắng này, bởi lẽ mới nói "mực phải đen, trà phải trắng", "Là tay nghề của vị nào thế ạ?"

Hoắc Kinh Đường gõ gõ bàn, chỉ về phía Lư tri viện.

Triệu Bạch Ngư theo tiếng nhìn sang, thấy Lư tri viện đang cầm ấm trà, giống như lão tướng sa trường điểm binh, nước trà róc rách chảy vào tách nổi một tầng bọt trắng lên, váy dài nhấc lên cùng động tác, phong thái nước chảy mây trôi, vô cùng lưu loát.

Hạ Quang Hữu ngồi xéo trong góc vuốt râu thở dài: Bọt trắng trà hoa phủ chén ngọc, măng hao rau đắng hưởng mâm xuân..."

Tuy không có măng hao rau đắng, nhưng lại có cúc dại và tế thái* nấu cháo, tính ra cũng chẳng thua kém gì với măng non đầu xuân.

(*) Cây tể thái: tên một thức cỏ, hoa trắng, khi còn non ăn được, dùng làm thuốc giải nhiệt, lợi tiểu, cầm máu.

"Ý vị của thế gian chính là niềm vui đơn thuần."

==


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.