Đáp Xuống Từ Độ Cao Mười Nghìn Mét

Chương 30: 30: Concorde




Tối thứ Năm, vì hôm sau phải đến bệnh viện nên Trần Gia Dư cả đêm không được ngon giấc.

Các tình huống có thể xảy ra tựa như như những thước phim lướt qua tâm trí anh.

Mỗi khi nhắm mắt lại, hình ảnh mẹ xuyên suốt 33 năm cuộc đời lại không ngừng hiện lên trong đầu óc Trần Gia Dư.

Bố anh hiện tại đang làm gì nhỉ? Liệu có trằn trọc trong đau khổ giống anh hay đã âm thầm chấp nhận rồi?

Điều duy nhất khiến Trần Gia Dư vui vẻ hơn chút cũng như được an ủi phần nào có lẽ là phản ứng của Phương Hạo hôm anh đưa cậu ấy tới sân bay.

Anh cảm thấy mình nói đã đủ rõ rồi.

“Tôi có người mình thích rồi” lọt vào tai ai cũng là một cú bom chìm, có thể khiến sóng xô cuộn trào cả đêm.

Trần Gia Dư quẳng quả bom đó ra xong thì ở bên cạnh quan sát phản ứng của Phương Hạo.

Sau đó, trực giác anh cho thấy cũng có chút gì đó.

Theo lý mà nói, Phương Hạo không hề có phản ứng gì trước lời đó của anh: không trêu chọc, không hóng hớt cũng không hỏi han chuyện giữa anh và Khổng Hân Di.

Thế nhưng chính vì không có phản ứng, Trần Gia Dư mới thầm cảm thấy có hi vọng.

Đổi lại là mấy cậu bạn trai thẳng khác, nếu ngồi bên cạnh anh nghe được tin tức này thì kiểu gì cũng phải trêu chọc mấy câu.

Đương nhiên, cũng không thể loại trừ khả năng Phương Hạo không muốn tùy tiện thọc mạch vào chuyện riêng tư của người khác, cảm thấy như vậy là quá giới hạn.

Thế nhưng, sau hai ngày vừa rồi, kể cả những chuyện khó mở lời hơn bọn họ cũng đã tâm sự với nhau rồi, anh cảm thấy hai người không xa cách tới vậy.

Như thế, chỉ còn lại một khả năng, đó là Phương Hạo cố tình tránh né không nhắc tới chuyện này.

Cố tình không nhắc tới, chính là vì chột dạ.

Chiều thứ Sáu, Trần Gia Dư lái xe chở Trần Chính tới bệnh viện.

Cả quãng đường hai người họ không ai hỏi han ai xem tối qua đã trải qua như thế nào.

Bầu không khí vô cùng ngột ngạt.

Sau khi đến bệnh viện, bác sĩ cùng bọn họ xem một loạt hồ sơ giấy tờ và kết quả xét nghiệm.

Một đống thuật ngữ y học khiến đầu óc choáng váng nhưng kết luận cuối cùng lại rất đơn giản: Hiện tại đã đến giai đoạn cuối, bệnh nhân và người nhà hãy xem xét lựa chọn kéo dài thời gian hay lựa chọn chất lượng cuộc sống.

Duy trì tình trạng hiện tại và tiếp tục hóa trị là phương pháp điều trị phổ biến, có điều đi kèm theo đó là những tác dụng phụ tương ứng.

Cơ thể người bệnh vốn đã yếu ớt sẽ càng khó có thể chịu đựng được, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống, phải sống trong đau đớn.

Tào Tuệ trước đó vốn đã có phản ứng rất dữ dội với việc trị liệu, phải ở lại bệnh viện thời gian dài.

Hiện tại, với tình hình tế bào ung thư đã di căn tới hạch bạch huyết, có thể lựa chọn phương pháp điều trị bảo tồn thay vì tiếp tục hóa trị.

(Điều trị bảo tồn (conservative therapy): liệu pháp điều trị ít xâm lấn, chủ yếu sử dụng thuốc uống, xoa bóp, châm cứu, trị liệu vật lý… để giảm bớt đau đớn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh để người bệnh có thể sống thoải mái trong những tháng ngày còn lại)

Thật ra lời bác sĩ cũng gần giống với những gì Trần Gia Dư đã dự liệu từ tối hôm trước.

Không có kỳ tích, cũng không có may mắn.

Đặt trước mắt anh là các mẫu xét nghiệm và kết quả phân tích của mẹ anh cùng những kiến thức y khoa thực tế lạnh lẽo.

Trần Gia Dư cảm thấy có chút khó chịu, bèn lấy cớ đi vệ sinh để đứng lên, ra ngoài.

Tới cuối, Trần Chính phải đi ra, gọi Trần Gia Dư lại: “Có việc gì thì để lát xử lý.

Chúng ta vào ký tên trước đã.”

Trần Gia Dư nghe vậy thì sững người, hỏi: “Kỳ gì cơ ạ?”

Trần Chính chẳng hề nhận ra cảm xúc Trần Gia Dư đang bất ổn, chỉ cho rằng anh ra ngoài trả lời điện thoại cá nhân hoặc liên quan đến công việc.

Trần Gia Dư cũng cảm thấy chuyện này thật hoang đường.

Người bố có thể trò chuyện cả đêm với anh về tính năng của tàu bay 737 nhưng vào lúc này đây lại không thể đoán biết được suy nghĩ của nhau.

Trần Chính trả lời như một lẽ dĩ nhiên: “Cam kết của người nhà chấp thuận đợt trị liệu tiếp theo ấy.”

Trần Gia Dư lúc này đã rõ.

Với Trần Chính, đây vốn dĩ không phải một quyết định, hoặc có thể nói ông đã sớm đưa ra quyết định thay Tào Tuệ rồi, hoàn toàn không hề có ý để bà tham gia cùng.

Anh cảm thán trước sự khác biệt quá lớn trong suy nghĩ của hai người.

Tuy nhiên vấn đề trước mắt vẫn cần được giải quyết, vậy nên anh phản đối: “Có tiếp tục điều trị hay không cũng phải để mẹ quyết định.

Đây không phải quyết định của hai chúng ta.”

Trần Chính giữ nguyên ý kiến: “Chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục điều trị rồi.

Không cần bà ấy phải bận tâm mấy chuyện này.”

“Chính những chuyện này mới cần mẹ bận tâm.” Trần Gia Dư cũng khác với lúc thường, phản đối toàn bộ ý kiến của Trần Chính, từ đầu tới cuối đều đối chọi lại với ông, “Không mẹ bận tâm thì ai bận tâm đây? Đây vấn đề tôn trọng cuộc sống.”

Hai cha con đứng mặt đối mặt.

Trần Gia Dư cao hơn nửa cái đầu, dáng đứng thẳng tắp.

Trần Chính bị khí thế của anh áp đảo, cũng không đôi co như bình thường mà chỉ nói: “Tiếp tục sống không phải là tôn trọng sao?”

Trần Gia Dư nói: “Đấy là với bố.

Những lời khó nghe hơn anh không dám nói.

Nếu để anh lựa chọn, đương nhiên anh cũng sẽ lựa chọn kéo dài thời gian hơn vì anh cũng không muốn mất đi người thân.

Thế nhưng, anh biết làm như vậy sẽ là vì lòng ích kỷ của mình mà khiến mẹ phải sống trong đau khổ để thỏa mãn anh và bố có được một “gia đình trọn vẹn” giả dối.

Trần Gia Dư ngẩng đầu lên.

Rừng cây bên ngoài bệnh viện đã úa vàng.

Cơn gió thu Bắc Kinh ngày cuối tháng Mười xào xạc thổi qua những thân cây trơ trụi.

Thân cây cắt ngang bầu trời, để lại một rãnh sâu không thể nào lấp đầy.

Hồi trẻ bố anh từng cao to, anh tuấn, Trần Gia Dư thời niên thiếu luôn bị các chiến hữu của bố kêu là “sao mà giống bố đến thế”, nửa như khen ngợi, nửa lại như nguyền rủa.

Thế nhưng bọn họ giống nhau sao? Càng ngày anh càng cảm thấy không phải hai cha con anh dần đi về hai hướng khác nhau mà là anh đã lấy “không sống giống Trần Chính” làm mục tiêu sống của mình.

Cuối cùng, Trần Chính không tranh cãi được với anh.

Trần Gia Dư không phải người chấp nhất, trước giờ anh luôn tìm cách vẹn cả đôi đường, chưa từng khăng khăng theo ý mình.

Thế nhưng trong chuyện này, anh nhất quyết phải nghe theo Tào Tuệ, không cho cơ hội thương lượng.

Hai cha con họ về tới nhà, từ tốn thông báo tình hình với Tào Tuệ.

Tào Tuệ lại là người bình thản chấp nhận nhất trong số bọn họ.

Bà chỉ bảo “Thật ra tôi cũng đã sớm tính tới chuyện này rồi”, còn an ủi ngược lại Trần Chính và Trần Gia Dư.

Vì những tin tức trong dự liệu này, tâm trạng Trần Gia Dư rất tồi tệ.

Anh có chút hối hận vì đã đổi ca với Nhạc Đạt Siêu.

Anh chỉ muốn thứ Bảy này nằm ở nhà xem phim hài cùng Tào Tuệ hoặc đi đánh chén một bữa cùng bạn bè.

Trần Gia Dư lấy điện thoại ra rồi ngồi lướt vu vơ.

Bỗng, anh sực nhớ tới chuyện gì đó, bèn tìm bài viết từ một tài khoản chính thức, sau đó vào mục danh bạ trong Wechat, lướt xuống mấy trang và gửi tin qua cho ai đó.

Lúc nhận được tin nhắn của Trần Gia Dư, Phương Hạo mới đi chạy bộ về.

Chẳng mấy khi anh vừa không phải đi trực, vừa không cần cân bằng lại tình trạng rối loạn giờ giấc do ca đêm, bèn chạy cuốc dài hơn một chút.

Nhiệt độ mùa thu là dễ chịu nhất.

Phương Hạo chạy được hai tiếng, cảm thấy cả người sảng khoái, đang mong mau chóng tắm rửa để gột sạch mọi mệt mỏi.

Anh cầm điện thoại lên xem, là một đường link dẫn tới tài khoản chính thức của trang Dianping, trong đó viết 「 Chương trình giảm giá mừng khai trương nhà hàng Thái Sơn, giảm giá 15% toàn menu tới ngày 31 tháng 10 」.

Theo sau đó là tin nhắn của Trần Gia Dư:「 Mấy ngày giảm giá cuối, cậu muốn đi không? 」

Ban đầu Phương Hạo rất ngạc nhiên, không ngờ Trần Gia Dư bảo để hôm khác đi ăn là có ý đó thật.

Chuyện muốn tới nhà hàng món Thái Sơn đó, Phương Hạo chỉ nhắc trước mặt Trần Gia Dư đúng một lần hôm đi ăn tối cùng Phương Thịnh Kiệt.

Hôm ấy vì Phương Thịnh Kiệt ở Quảng Đông một thời gian dài đã quá ngán món ăn Quảng Đông nên mấy người họ cuối cùng tới Xuyên Thành Hương dùng bữa.

Không ngờ Trần Gia Dư còn nhớ tới tận bây giờ.

Về mọi chuyện liên quan tới Trần Gia Dư cũng như những gì đã xảy ra giữa hai người bọn họ, Phương Hạo tự thấy bản thân đã suy nghĩ thông suốt rồi.

Dù thế nào thì đối phương cũng chưa từng nói rõ là thích anh, nếu chỉ vì để tránh né sự hiểu nhầm mà anh thẳng thừng từ chối lời mời của Trần Gia Dư thì có hơi tự mình đa tình.

Vậy nên, Phương Hạo chọn áp dụng phương pháp thô sơ nhất, đó là quân đến tướng chặn, nước đến đất ngăn, mọi sự cứ thuận theo tự nhiên.

Dẫu sao, theo Phương Hạo đoán thì Trần Gia Dư tuyệt đối sẽ không thẳng thắn như Lang Phong.

Phương Hạo bèn nhắn tin trả lời:「 Được.

Hôm nào anh rảnh? 」

Trần Gia Dư chỉ muốn lái xe tới Đại Hưng ngay bây giờ để ăn bữa cơm này.

Cảm xúc của anh cần được giải phóng mà anh cũng cần chuyển dời tâm trí mình sang một chuyện khác.

Song, tới cuối, Trần Gia Dư vẫn kìm lại được.

Anh so lịch làm việc với Phương Hạo rồi hẹn cậu ấy vào tối thứ Hai sau ca trực.

Não bộ Trần Gia Dư trong lúc đó cũng hoạt động hết công suất.

Anh tính kỹ rồi.

Phương Hạo trực ca sáng sẽ không lái xe, như vậy anh có thể chở cậu ấy về sau bữa ăn.

Tới thứ Hai, Phương Hạo biết Trần Gia Dư bay chuyến nào, niềm nở chào đón anh ấy về tới Bắc Kinh trên tần số Tiếp cận: “Air China 1332, radar nhận dạng tốt, giảm và giữ độ cao 5000.”

Trần Gia Dư rất hợp tác, ngoan ngoãn tuân thủ phương thức bay.

Anh nhìn qua màn hình radar TCAS, thấy có tàu bay của hãng Hải Nam ở độ cao 4200 trong phạm vi 7 hải lý phía trước.

Trần Gia Dư tính toán thử thì thấy khoảng cách theo phương ngang rất gần.

Vậy nên anh tham khảo khoảng cách giãn cách 15 hải lý theo khuyến nghị của khu vực kiểm soát tiếp cận rồi tự quyết định giảm tốc độ từ 300 xuống 250 hải lý.

Phương Hạo vừa định cấp huấn lệnh yêu cầu giảm tốc độ xuống 250 thì đã thấy Trần Gia Dư điều chỉnh tốc độ đảm bảo giãn cách như thể có thần giao cách cảm.

Hiện tại cũng ít tàu bay, Phương Hạo bèn hòi: “Sao lần này anh bay về muộn vậy?” Phương Hạo biết lịch trực của Trần Gia Dư.

Mà kể cả không biết thì nếu muốn, anh cũng tra được thời gian cất, hạ cánh.

Trần Gia Dư nhanh chóng trả lời: “Bên đầu Bạch Vân bị chậm.

Nếu thêm một tiếng nữa thì quá luôn số giờ khai thác bay của tôi rồi.”

Phương Hạo tính toán thời gian, quả đúng là trễ hơn một tiếng so với thời gian dự kiến ban đầu.

Trong lòng Phương Hạo khẽ dao động, nhìn qua đường cất hạ cánh 17L.

Tàu bay của hãng China United Airlines vừa hạ cánh, phía sau cách đó 10 hải lý là tàu bay của hãng Hải Nam.

Theo thứ tự tới trước hạ cánh trước, Phương Hạo cấp huấn lệnh cho Hải Nam trước: “Hainan 371, giảm xuống độ cao 1800, QHN 1007, cho phép hạ cánh hệ thống ILS đường cất hạ cánh 17L.”

HU371 từ Đông Kinh tới, dùng tàu bay Airbus A320.

Giọng cơ trưởng hãng Hải Nam rất đỗi quen thuộc: “Ui chùi, hạ cánh hệ thống ILS đường cất hạ cánh 17L, Hainan 371.”

Không phải Chu Kỳ Sâm đây sao? Kênh radio lúc này nhộn nhịp rồi.

Nghe thấy giọng người quen, Phương Hạo cũng vui vẻ nói: “Hainan 371, tiếp tục tiếp cận.” Sau đó anh quay sang nói với bên Trần Gia Dư: “Air China 1332, hạ cánh hệ thống ILS đường cất hạ cánh 17R.” Ngụ ý, tôi đã cố gắng rồi, hôm nay không giúp anh được.

Tiếng cười trầm khàn của Trần Gia Dư phát ra trên sóng VHF.

Anh nói: “Hainan 371, xuống mặt đất chúng ta tính sổ.”

Chu Kỳ Sâm cười đáp với giọng điệu rất chi là ngả ngớn: “Air China 1332, ông cứ chậm rãi bám theo đít tôi đi nhé.”

Phương Hạo bật cười cấp huấn lệnh cho phép Chu Kỳ Sâm thiết lập hệ thống ILS, rồi quay qua cấp huấn lệnh cuối cùng cho bên Trần Gia Dư: “Air China 1332, rẽ trái hướng 330, tiếp tục tiếp cận, dịch vụ radar chấm dứt.

Chuyển sóng Đài kiểm soát 123.4.

Tạm biệt.”

Trần Gia Dư lặp lại: “Rẽ trái hướng 330, tiếp tục tiếp cận, Air China 1332, 123.4” Sau đó còn thêm một câu, “Lát nữa gặp.”

Giây cuối trước khi chuyển tần số, Chu Kỳ Sâm nghe thấy câu “Lát nữa gặp” của Trần Gia Dư.

Sau khi xuống khỏi tàu bay, việc đầu tiên anh ta làm là nhắn tin hỏi thăm xem Trần Gia Dư có muốn cùng đi ăn tối không để xác nhận lại suy đoán của mình.

Trần Gia Dư từ chối một cách nhanh gọn lẹ: “Lần này không được rồi, tôi đang đợi người khác.

Đề lần sau đi.”

Giác quan thứ sáu của Chu Kỳ Sâm rất nhạy bén trong những chuyện thế này, anh ta cũng giữ vị trí top đầu trong “giới buôn chuyện” mấy năm rồi mà.

Kết hợp với những gì nghe được trên kênh radio ngày hôm nay, Chu Kỳ Sâm hỏi thẳng: “Ông có hẹn với Phương Hạo à?”

Trần Gia Dư trả lời không chút ngại ngần: “Đúng rồi.”

Chu Kỳ Sâm cảm thấy mình có vẻ như đã phát hiện được chuyện gì cực kỳ ghê gớm rồi.

Hết ca trực, Phương Hạo rời khỏi tháp chỉ huy thì nhận được tin nhắn của Lang Phong, kêu đang chờ anh ở nhà ga T1, có món đồ muốn đưa cho anh.

Lần cuối Phương Hạo nói chuyện với Lang Phong là hôm anh gửi cho cậu ta danh thiếp của Chu Kỳ Sâm.

Phương Hạo gãi đầu gãi tai.

Tình hình sau đấy như nào nhỉ? Anh cũng quên béng mất chuyện này, xem ra chưa đủ tư cách làm ông mai rồi.

Lang Phong tươi cười chào đón Phương Hạo, trên tay cầm một chiếc túi nhỏ.

Phương Hạo vừa thấy thì thầm cau mày.

Anh thật sự không nghĩ Lang Phong là kiểu người sống chết bám dính lấy.

Anh đã nói là không có hứng thú, lúc đấy Lang Phong rõ ràng cũng đã thoải mái buông bỏ.

Bây giờ, Phương Hạo chỉ mong đây không phải món đồ gì quý giá, vì anh thật sự không muốn nhận quà cáp đắt tiền.

Nhận thì phải có quà đáp lễ, mà nếu không nhận thì lại thành ra khó xử.

Lang Phong chào anh: “Phương Hạo, lâu rồi không gặp.” Sau đó, cậu ta đi thẳng vào vấn đề: “Bữa ăn hôm đấy anh không cho tôi mời nên tôi có chút quà tặng anh để tỏ lòng cảm ơn.”

Nói rồi, cậu ta đưa túi cho anh.

Phương Hạo thấy phía trên là logo của hãng Air France chứ không phải KLM thì thoáng tò mò.

Giây phút lấy món đồ kia ra khỏi túi, anh lập tức sững sờ.

Không phải mấy món đồng hồ cao cấp hay ví tiền, ví đựng thẻ hàng hiệu mà là một mô hình máy bay.

Hơn nữa, đây không phải mô hình bình thường mà là Concorde[1], một trong hai mẫu máy bay thương mại siêu thanh duy nhất trên thế giới do hãng Air France và British Airways hợp tác thiết kế và phát triển; cũng là mẫu máy bay thương mại duy nhất có cánh hình tam giác với tốc độ bay 2.02 mach, thân tàu bay cao vút tựa mỏ chim, sải cánh tựa đại bàng chao liệng giữa trời xanh.

Tuy về sau do ảnh hưởng nặng nề từ thiệt hại kinh tế cũng như vụ việc chuyến bay 4590 của hãng Air France, dòng máy bay này vào năm 2003 đã bị cho “nghỉ hưu”, nhưng dù thế nào thì đây cũng có thể được coi là một mốc son chói lọi trong lịch sử ngành hàng không dân dụng và kỹ thuật hàng không.

(Mach là đơn vị đo tốc độ, nhất là của máy bay, liên quan đến tốc độ siêu thanh.

1 mach xấp xỉ 1.192km/h)

Phương Hạo thích vô cùng, cảm ơn Lang Phong: “Thật sự không ngờ lại được nhận mô hình Concorde.” Sau đó anh hỏi: “Sao cậu kiếm được vậy?”

Lang Phong mỉm cười: “À, đây là phiên bản giới hạn.

Tôi nhờ một người bạn bên Air France, lấy được lúc ở châu Âu, sau đó nó đã cùng tôi bay chuyến vượt đại dương đó.”

“Cảm ơn.” Phương Hạo nói, “Đây là món quà tuyệt nhất tôi nhận được trong năm nay.”

Phương Hạo cầm mô hình ngắm trái ngắm phải, thích tới mức không nỡ rời tay.

Được một lúc, anh mới nhớ ra một vấn đề quan trọng: “Sao cậu biết tôi… sưu tầm cái này?”

Lang Phong do dự một lúc rồi mới thành thật trả lời: “À, tôi hỏi Chu Kỳ Sâm.”

Nghĩ tới hành vi làm mai xong mặc kệ, không có trách nhiệm của mình, Phương Hạo lúc này cũng hơi xấu hổ, đắn đo không biết nên nói gì.

Đang đắn đo thì chợt anh thấy Trần Gia Dư bước ra từ cửa ra vào sân đỗ tàu bay gần đó.

Trần Gia Dư cũng nhìn thấy Phương Hạo từ xa, bèn nói mấy câu với cơ phó rồi đi qua.

Phương Hạo chỉ đành giới thiệu Trần Gia Dư và Lang Phong làm quen với nhau.

Thật ra Trần Gia Dư trước đấy cũng từng một lần trông thấy hai người bọn họ ngoài nhà hàng Ý.

Kể từ lần đó, Phương Hạo cũng mới chỉ gặp Lang Phong hai lần, cả hai lần đều đụng mặt Trần Gia Dư.

Nói trùng hợp thì cũng không hẳn.

Nhà ga T1 là nhà ga hành khách bận rộn nhất sân bay Đại Hưng.

Vào khung giờ cao điểm sáng, tối có rất nhiều tàu bay cất hạ cánh, lúc nào cũng có hơn chục thành viên phi hành đoàn qua lại như con thoi trong nhà ga, việc bắt gặp những gương mặt thân quen cũng là chuyện bình thường.

Trước đây Trần Gia Dư từng thấy Lang Phong rất nhiều lần, chẳng qua vì cậu ta làm việc cho hãng hàng không nước ngoài nên chưa từng trực tiếp trò chuyện.

Trần Gia Dư ung dung bước tới, chủ động lịch sự bắt tay với Lang Phong và bảo: “Nghe danh đã lâu.”

Lang Phong nhiệt tình bắt lại tay anh, vội nói: “Nào dám, nào dám.

Lời này tôi nói mới phải.”

Trần Gia Dư khẽ nhướn mày, không cho ý kiến.

Anh cúi đầu nhìn thấy món đồ trong tay Phương Hạo thì cũng bình luận: “Concorde à, xịn ghê.

Nhân dịp gì thế? Sinh nhật cậu sao?”

Phương Hạo phủ nhận: “À, không phải.”

Trần Gia Dư sực nhớ ra chuyện gì đó, đột nhiên nhắc lại chuyện cũ với Lang Phong: “Hôm đấy có phải là cậu nổ lốp ở 17L không?”

Lang Phong đáp: “Đúng rồi.

Cũng may Phương Hạo nhìn thấy, vậy nên tôi mới tới cảm ơn.

Nếu đổi thành người khác thì e rằng tôi phải bay trên không trung 20 phút mới xuống nổi mất.”

Phương Hạo cười nói: “Không có chuyện đó đâu.”

Trần Gia Dư nghĩ thầm, anh cũng phải cảm ơn Lang Phong.

Nếu không phải cậu ta nổ lốp khiến anh và Phương Hạo cãi nhau một trận trên kênh radio thì anh cũng không quen biết Phương Hạo.

Lang Phong biết Trần Gia Dư tới tìm Phương Hạo nên sau khi tán gẫu vài câu thì cũng biết điều mà chào tạm biệt.

Đi được một đoạn, Lang Phong không kìm nổi, quay đầu lại nhìn hai người.

Trực giác của cậu ta cho thấy bầu không khí giữa hai người họ rất khó tả, đặc biệt là khi liên hệ với lần đụng mặt Trần Gia Dư ngoài nhà hàng Ý trước đấy.

Khi đó Phương Hạo đang mải nhìn điện thoại nên không chú ý nhưng Lang Phong có trông thấy.

Trần Gia Dư đứng bên ngoài lớp cửa sổ bằng kính, nhìn vào trong cũng phải một lúc.

Nhưng rồi nghĩ tới Phương Hạo từng nghiêm túc nói với cậu ta rằng “không yêu đương với người trong ngành”, Lang Phong bèn lắc đầu, cho rằng mình đã cả nghĩ rồi.

Cậu ta đã không nghe thấy, ở đằng xa kia, Trần Gia Dư hỏi Phương Hạo một câu, Phương Hạo khẽ trả lời: “Sinh nhật tôi vào ngày 12 tháng 11.”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.