Đạo Mộ Bút Ký

Quyển 2 - Chương 42: Tình cảnh khốn đốn




Editor: Thanh Du

*****

Vừa nghe hắn nói thế, tôi lập tức hồi tưởng lại chuyện của mấy tuần về trước.

Lúc ấy chúng tôi đang chuẩn bị tiến vào Lỗ vương cung, khi vượt qua động xác có bắt được một con bọ ăn xác cỡ bự. Trên đuôi con bọ đeo một cái chuông giống y như thế này, bên trong còn có một con rết xanh to tướng; khi con rết bò qua bò lại, chuông rung lên sẽ phát ra thanh âm nghe như có tiếng người thì thào khe khẽ, ẩn chứa trong đó một thứ sức mạnh huyền bí. Khi ấy chúng tôi bị âm thanh này mê hoặc gần hết, may nhờ Muộn Du Bình nhanh trí, đá bay cả đám xuống nước nên mới tỉnh táo trở lại.

Chú Ba sau khi xem qua cái chuông ấy từng nói niên đại của nó còn trước cả thời Chiến quốc, mà cụ thể là triều đại nào thì chú cũng chịu. Nhưng khi đó tình thế nguy cấp, tôi cũng không quá chú tâm đến nó; vả lại sau đó những chuyện xảy ra trong Lỗ vương cung quả thực giống y như ác mộng, tôi chưa điên lên là còn may, làm sao nhớ được mấy chi tiết lặt vặt này.

Nhưng hiện giờ bảo tôi xác nhận thì tôi cũng không dám chắc, bởi lẽ khi ở trong cái động xác kia cả đám chúng tôi chỉ có vài ngọn đèn mỏ chiếu sáng, tình cảnh cũng tương tự như lúc này. Vả lại cái chuông kia phát hiện ra chưa được bao lâu đã bị Phan Tử đạp bẹp dí, bảo tôi đem so hai cái chuông với nhau thì tôi cũng đành bó tay, cùng lắm chỉ có thể so sánh qua loa mà thôi.

Nếu cái chuông này cùng loại với cái trong động xác, vừa rồi Bàn Tử mà lỡ chạm vào nó thì nguy to rồi. Trước kia chỉ cần một cái chuông đã mê hoặc chúng tôi đến độ không thể khống chế bản thân, chỗ này ít nhất phải có đến bốn mươi cái, chỉ cần một chấn động nhẹ thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Muộn Du Bình thấy tôi suy tư, mới nói: “Cái động xác kia lạ lắm, nơi tích xác trong đó vốn là một mộ thất, chẳng hiểu vì sao lại có liên quan đến Uông Tàng Hải.”

Bàn Tử nghe chúng tôi kể lại mọi chuyện, biết được lai lịch mấy cái chuông, ủ rũ nói : “Các cậu có nhìn lầm không đó, một vật có niên đại trước thời Chiến quốc làm sao mà xuất hiện ở chỗ này được, làm gì có chuyện trùng hợp đến thế chứ. Không lẽ… lão già Uông Tàng Hải này cũng là một tay trộm mộ?”

Lời hắn vừa dứt, tôi và Muộn Du Bình đều ngây người.

“Kể ra thì cũng có khả năng này”, Muộn Du Bình nghĩ ngợi một lát rồi tiếp: “Thời trẻ hắn làm gì, chẳng ai biết cả; hơn nữa hắn còn thông thuộc phong thủy, nếu đi trộm mộ thì hẳn là cực kỳ thành thạo. Có điều tôi nhớ gia thế hắn tương đối hiển hách, mấy đời đều là chuyên gia trong lĩnh vực phong thủy, chẳng phải lo cơm áo, chắc không đời nào đi làm công việc thấp hèn này đâu.”

Muộn Du Bình thản nhiên nói ra hai chữ “thấp hèn” mà mặt không hề đổi sắc, hình như cũng không ý thức được mình vừa mắng một loạt cả ba người. Tôi hỏi: “Tôi cảm thấy giả thiết này không ổn, người làm nghề đổ đấu nhất định sẽ lưu lại dấu hiệu trong mộ mình, để sau này nếu có kẻ hậu sinh nào vào chôm chỉa thì cũng biết đường mà kiêng nể phần nào. Anh có nhận ra dấu hiệu nào trong đây không?”

Muộn Du Bình lắc đầu: “Vừa rồi tôi cũng thử tìm qua, nhưng quả thực không có.”

Trình độ của hắn trong lĩnh vực này thâm sâu khó lường, hắn bảo không có thì nhất định là không có. Tôi lại hỏi: “Vậy thì tại sao trong đây lại có vật này chứ, lẽ nào hắn cũng là người mê đồ cổ, cho nên mới đem món đồ mình yêu thích đi bồi táng?”

“Cậu nói vậy cũng không phải, trên đường tới đây chúng ta đâu tìm được món đồ cổ nào nữa. Tôi thấy còn một khả năng khác”, Bàn Tử tựa hồ đã nghĩ ra điều gì, dương dương đắc ý: “Thực ra nếu không tính dân đổ đấu thì còn một hạng người cũng thường xuyên tiếp xúc với cổ mộ, hai người có biết là hạng nào không?”

Tôi nghe thế lập tức bừng tỉnh: “Ý anh là, hắn đào được mấy thứ này khi thi công những công trình khác?”

Bàn Tử gật đầu: “Kẻ này có thể nói là một tay chủ thầu lớn nhất thời ấy, nhiều khả năng gặp phải chuyện đó. Giờ chúng ta chỉ cần về nhà tra tư liệu là biết ngay sinh thời hắn đã từng đi qua miếu Hạt Dưa ở Sơn Đông chưa.”

Kiến giải của Bàn Tử hợp tình hợp lý, khiến tôi không khỏi bội phục. Có điều thứ này nhất định không thể đụng vào, tôi đoán có thể A Ninh đã vô tình chạm phải cây san hô này, chừng ấy cái chuông đồng loạt rung lên nên tâm trí mới bị thương tổn nặng nề; không biết tiếng chuông gây ra ảo giác gì trong đầu cô ấy mà để lại hậu quả nghiêm trọng thế này.

Con người ta vốn rất dễ bị ám thị, hiện giờ lại ở trong cổ mộ thần bí, chỉ cần thần kinh không vững thì sẽ dễ dàng phát điên. Tôi có cảm giác Muộn Du Bình mất trí cũng có thể là do thứ này gây ra, bởi lẽ tôi mới phát hiện đám chuông đó đều dùng dây tơ đồng buộc vào thân cây một cách chuẩn xác. Mà san hô vốn rỗng ruột, truyền âm rất tốt, cây san hô đặt ở đây giống như một thứ nhạc cụ, thanh âm phát ra có trăm nghìn loại, chắc hẳn trong đó có một loại khiến người ta quên đi toàn bộ kí ức.

Nhưng ý nghĩ đó của tôi có phần viển vông nên cũng ngại nói ra. Ba người đứng ngây ra mất một lúc, Bàn Tử mới nói: “Xem ra cái động này chẳng qua chỉ là trò lừa vớ vẩn, những chuyện kì bí đều do đám chuông kia gây ra, còn gì nữa không?”

Tôi thấy cái động này chẳng có yêu ma quỷ quái gì, trong lòng cũng nhẹ nhõm đi nhiều. Bây giờ đi hay ở không khác gì nhau, có điều xem đồng hồ thì thời khắc thủy triều rút sắp tới rồi, cứ đứng ngây ra trong này cũng chẳng được tích sự gì, nghĩ vậy bốn người liền quay trở ra.

Tôi vừa đi vừa miên man suy nghĩ, trong đầu vẫn còn hai dấu hỏi lớn. Một là, hai mươi năm trước Muộn Du Bình bị chú Ba dụ vào cái động này, vậy những người trong đoàn ngất xỉu cùng lúc với hắn giờ này đang ở đâu? Có phải chú Ba đã đưa bọn họ ra ngoài không?

Hai là, hai mươi năm trước khi Muộn Du Bình tiến vào đây có ngửi thấy một mùi hương lạ lùng, vậy mà bây giờ lại không có, lẽ nào hai mươi năm trước trong cái động này từng đặt một vật khác?

Những thắc mắc ấy, phải đợi đến khi gặp lại chú Ba mới có thể giải đáp.

Mà chú Ba thì đã mất dạng, chẳng biết đến đời nào mới tìm được. Nếu từ giờ trở đi chú Ba không xuất hiện nữa, những nghi vấn này sẽ trở thành bí ẩn ngàn năm không lời giải.

Nếu đúng như lời Bàn Tử nói, chú Ba bị oan hồn trong mộ nhập vào, vậy giờ này chú đang ở đâu? Khi nhìn thấy tấm ảnh chụp Muộn Du Bình, chú đã nói “Ta hiểu rồi”, rốt cuộc là hiểu ra điều gì?

Nghĩ đến đây, tôi cảm thấy chuyện này còn thiếu tình tiết nào đó, chỉ cần cho tôi thêm chút manh mối là có thể kết nối tất cả những chi tiết này lại. Mà trực giác lại cho tôi biết, tình tiết này nhất định có liên quan đến Lỗ vương cung.

Trong lúc miên man suy nghĩ, bốn người đã ra khỏi cái động kia. Bàn Tử đặt A Ninh lên mặt đất, nói: “Đã sắp đến giờ, chúng ta cũng nên động thủ đi thôi.”

Tôi nghĩ bây giờ chuyện quan trọng nhất vẫn là thoát ra khỏi đây, bèn dẹp những suy nghĩ vẩn vơ ấy qua một bên, bắt tay vào việc chính. Xưa nay tôi chưa từng phá vỡ đỉnh mộ thời Minh, cho nên cũng không vững tâm lắm, chỉ biết làm đến đâu thì tính đến đó thôi.

Bàn bạc xong xuôi, ba người y kế hành sự. Bàn Tử đã ngứa ngáy tay chân từ lâu, nhanh chóng lấy đồ nghề ra đục đục khoét khoét cây cột. Nhưng hắn đã quá coi thường chất gỗ lim vàng, mới đục được vài cái đã thở hổn hà hổn hển, vậy mà cây cột chỉ bị hắn đập lõm vào một chút.

Hắn bắt đầu sốt ruột, nói: “Tiểu Ngô, cây cột này cứng đơ đơ, nếu ta cứ tiếp tục thế này thì có mất cả tuần cũng không dựng nổi một cái thang.”

Tôi a ủi: “Anh đừng nóng, chỉ cần anh phá vỡ lớp ngoài cùng là coi như xong, vào đến lớp ruột sẽ mềm hơn.”

Bàn Tử nửa tin nửa ngờ, lại cầm đồ nghề lên, dùng hết sức bình sinh thì tình hình mới khá hơn một chút. Đập thêm vài cái, Bàn Tử đã phá vỡ lớp gỗ ngoài cùng cứng như thép, khoét ra một cái hốc đặt vừa bàn chân.

Bây giờ tôi đã biết cái động kia là ngõ cụt, dù nước biển có tràn vào thì cũng chỉ thấm qua kẽ gạch là cùng, không lo sẽ hình thành xoáy nước, bèn qua giúp Bàn Tử một tay. Mới khoét được hai cái hốc đã phát hiện tên mập này đúng là trâu bò ngoại hạng, không chỉ có khí lực mạnh mẽ mà sức chịu đựng cũng tốt. Nãy giờ vận động liên tục mà hắn vẫn khỏe như vâm, không hề tỏ ra mệt nhọc; cùng thời gian ấy tôi cũng làm tương tự như hắn mà đã mệt rã rời, tay chân uể oải gần như không nhấc lên nổi nữa.

Chúng tôi làm đến tối tăm mặt mũi, rốt cuộc sau ba giờ đã leo lên lưng chừng cây cột. Lúc ở dưới còn đục khoét cẩn thận, nhưng khi đã treo lơ lửng giữa không trung thì không thể vận hết khí lực như trước nữa, có chỗ đặt chân đã là may lắm rồi, cuối cùng chỉ đục ra một vệt nông đủ để ghé mũi chân vào mà thôi. Nói chung quá trình thế nào không quan trọng, chỉ cần leo lên được là tốt rồi.

Đến đây chúng tôi đã cởi hết quần áo ra, bởi lẽ trang phục trên người toàn là đồ lặn, đàn hồi rất tốt. Kế đó chúng tôi cắt nhỏ bộ đồ lặn ra từng đoạn một, nối với nhau thành một sợi dây dài rồi bắt chước kiểu leo cây của người Mexico, nối hai đầu dây thành một vòng tròn vây quanh cây cột. Ba người đi theo ba hướng, giữ cho sợi dây căng ra, cứ thế hướng thẳng lên trên.

Quãng đường gian nan này tôi không hiểu mình leo lên bằng cách nào nữa, mỗi bước chân tựa như chết đi một lần. Bàn Tử mệt quá mới nổi cáu, gào lên: “Các cậu theo tôi lên đây làm gì, một mình tôi leo lên phá trần là đủ rồi, tí nữa nước tràn vào thì các cậu nổi lên vẫn kịp cơ mà. Giờ cái sợi dây chết toi này đã sắp xắt tôi ra thành thịt kho tàu rồi, Tiểu Ngô, mẹ kiếp cậu mau xuống cho tôi, bằng không tôi không chịu nổi nữa đâu.”

Tôi đáp: “Anh chỉ nghĩ tôi muốn leo lên mà không quan tâm đến tình hình thực tế, anh đâu biết mình đang tự đâm đầu vào đất chết. Chúng ta còn chưa biết bên trên có tường kép hay không, lỡ như có thì một khi anh phá tường, lớp cát lún bên trên sẽ tràn xuống chôn sống tất cả mọi người trong phòng.”

Những điều tôi nói hoàn toàn là sự thật, bố trí một tầng cát lún bên trong tường mộ là biện pháp phòng trộm cực kỳ phổ biến. Phần trước cũng từng đề cập đến, đây là phương pháp khá hiệu quả. Một ngôi mộ lớn có tầng cát lún, nếu muốn đi vào một cách thuận lợi thì khi đào đạo động phải tạo một cái giếng chứa cát, cho cát lún chảy hết vào trong đó. Có khi để giải phóng hết một mặt tường phải mất mấy ngày đêm, cho thấy lượng cát lún lớn kinh người. Hiện giờ chúng tôi không đủ điều kiện mà làm như thế, nếu thực sự đụng phải loại huyệt này thì cũng chỉ có thể tính cách khác. Nếu bên trên không phải cát lún mà là axit hay dầu hỏa thì lại càng chết.

Bàn Tử từng đổ rất nhiều đấu, dĩ nhiên biết lời tôi nói là thật, phẩy tay ý bảo thôi cứ đi tiếp đi.

Chúng tôi cắn răng trèo thêm nửa giờ nữa mới đến vị trí cao nhất. Bàn Tử sau khi đứng vững thì gần như kiệt sức, cựa quậy hết nổi, chỉ biết ôm chặt cây cột, nói: “Mẹ nó, nếu còn đục đục khoét khoét thêm một lúc nữa, không khéo tôi đây về chầu ông bà mất.”

Lát nữa còn phải nhờ hắn phá gạch, nên tôi để yên cho hắn thở, còn mình thì cẩn thận gõ gõ lên trần phòng thăm dò. Muộn Du Bình ra hiệu cho tôi tiếp tục rồi đặt ngón tay lên mặt gạch, cảm nhận chấn động, nói: “Gạch này đặc ruột.”

Bàn Tử nghe thế thì không dám nghỉ ngơi nữa, không nói lời nào liền bắt đầu đục từ lớp đất sét trắng trên đỉnh. Hắn không dám dùng sức quá mạnh, bởi lẽ sợi dây này dù sao cũng không được chắc chắn cho lắm, vạn nhất đứt phựt một cái thì cả đám sẽ ngã vỡ đầu chảy máu chứ chẳng chơi.

Chúng tôi đều với tay ra túm lấy vai hắn, đề phòng sợi dây này có đứt thì vẫn kịp giữ hắn lại, không đến nỗi rơi tự do từ độ cao mười mét xuống mặt đất. Có điều người hắn nhễ nhại mồ hôi, trơn như bôi mỡ, xem ra lỡ như hắn có ngã xuống thật thì chúng tôi cũng không giữ lại được.

Đất sét trắng rất giòn, hắn mới đục vài cái đã bóc được một mảng lớn, lộ ra lớp gạch xanh bên trong. Bàn Tử nhìn thoáng qua, chợt kêu không ổn, bảo tôi sờ thử xem. Tôi cố vươn tay qua bên đó, vừa sờ đã choáng váng.

Giữa các viên gạch, không ngờ lại gắn với nhau bằng sắt nung.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.