Giọng nói của Diêu Cẩm Hồng cực thấp nên không ai để ý đến các nàng, Cẩm Sắt thấy nàng tràn ngập vẻ hiếu kỳ thì cười lắc đầu rồi cũng thấp giọng nói: “Tam tỷ à, trong kịch đều xướng rằng hoàng tử sang làm con tin thường là bị ép buộc, nhưng vị Vũ Anh vương Bắc Yến này lại được chủ động đưa sang nước ta, nghe nói năm đó người đề ra chủ ý này chính là mẹ đẻ của hắn, hiện giờ cũng là đương kim hoàng hậu Bắc Yến, chuyện bị động hay chủ động sẽ dẫn tới khác biệt cực kỳ to lớn đấy.”
Cẩm Sắt vừa nói vừa nhớ đến kẻ hung hăng kiêu ngạo ở cửa sau Diêu phủ, tức thì không nhịn được lại tiếp lời: “Vị Vũ Anh vương này không hẳn là người ngang tàng bạo ngược, nhưng chắc chắn là kẻ hống hách bướng bỉnh.’
Diêu Cẩm Hồng nghe thế thì lộ vẻ khó hiểu, đang muốn hỏi lại nhưng Cẩm Sắt đã dùng đôi mắt đẹp liếc nàng, đoạn che miệng cười nói: “Xem Tam tỷ này, trâm cài đầu lệch hết rồi, chẳng trách lão thái thái vẫn nói Tam tỷ đúng là nghịch ngợm như khỉ con vậy.”
Nàng dứt lời thấy Diêu Cẩm Hồng chớp chớp mắt chỉnh lại trâm cài trên đầu thì mỉm cười dịu dàng sửa lại búi tóc cho nàng ta. Trong khi đó Giang An huyền chủ đã xuống kiệu, lão thái thái và và chúng phu nhân đều tới hành lễ, các vị tiểu thư cũng tới tấp bái lạy, sau đó mọi người mới vây quanh Giang An huyền chủ cùng trở lại Cẩm Tú đường.
Giang An huyền chủ trông khoảng 40 tuổi, vấn tóc kiểu Triêu vân cận hương*, bên cạnh tóc cài một bộ gồm nhiều chuỗi ngọc Dương Chi thượng phẩm. Nàng mặc áo màu xanh lam đính lông chim thêu chỉ vàng, quần màu xanh bằng lụa xếp nếp, bên ngoài khoác áo choàng tinh xảo bằng tơ tằm đệm bông sắc xanh ngọc, cổ áo và đai lưng điểm lông chồn, tuy không đeo nhiều trang sức nhưng toàn thân vẫn toát lên vẻ điềm tĩnh sang trọng.
Trông nàng có vẻ hơi đẫy đà nhưng càng làm lộ vẻ ung dung phú quý, ngũ quan sắc nét, mặc dù khóe mắt có nếp nhăn nhưng khó che được vẻ xinh đẹp đoan trang, có lẽ khi còn trẻ nàng ta cũng là một đại mỹ nhân hiếm thấy.
Quách thị mời nàng an tọa chung trên giường La Hán khắc họa tiết núi non khảm đá, bà cũng không dám tỏ vẻ làm cao nên cứ ngồi nghiêng người kính cẩn tiếp chuyện.
Giang An huyền chủ thấy Quách thị lộ vẻ mất tự nhiên thì cười nói: “Lão thái thái có lẽ cũng nghe nói cuối tháng này là đại thọ của lão vương gia, ta hiện trên đường trở về chúc thọ người, đúng dịp đi qua Giang Châu nhưng không may lại gặp tuyết rơi nhiều, vì thế bị kẹt lại đây. Hôm qua trời vừa tờ mờ sáng, đứa con bất hiếu của ta tự dưng nổi hứng rủ bạn bè lên núi Vân Bình, đến giờ vẫn chẳng thấy bóng dáng. Ta ở một mình trong biệt viện cũng thấy buồn bực, vừa khéo nghe nói hôm nay là lễ mừng thọ sáu mươi tuổi của lão thái thái nên vội tới chúc thọ, lão thái thái chớ trách ta không hiểu cấp bậc lễ nghĩa nhé.”
Quách thị thấy Giang An huyền chủ tỏ vẻ ôn hòa, nói giọng hòa nhã thì cũng vội vàng cười nói: “Làm gì có chỗ nào không phải chứ, Huyền chủ có thể tới Diêu phủ đã khiến dân phụ thấy vừa mừng vừa lo, đúng là làm cho Cẩm Tú đường này thêm phần vẻ vang rồi.”
Các vị phu nhân cũng sôi nổi phụ họa, Giang An huyền chủ và Quách thị thăm hỏi vài câu, sau đó nàng cũng chào hỏi qua với Vạn thị đang ngồi ở một bên, cuối cùng mới nhìn về hướng mấy vị công tử rồi nói: “Đây chính là các vị thiếu gia của quý phủ? Quả thật ai nấy đều trông có vẻ giỏi giang tuấn tú.”
Quách thị lập tức niềm nở đáp: “Mấy người bọn chúng làm gì mà giỏi giang, nếu có thể bằng một phần mười tài năng của Tiêu công tử thì Diêu gia đã có người kế nghiệp rồi.”
Vừa lúc nãy Diêu Lễ Hách đích thân đưa Giang An huyền chủ tới, Diêu Văn Thanh và mấy vị thiếu gia cũng đi cùng đến chúc thọ lão thái thái, hiện giờ đang đứng đợi giữa sảnh đường.
Hiện giờ nghe Quách thị nói như vậy, Tam thiếu gia Diêu Văn Khoa của Nhị phòng vội vàng cùng Tứ thiếu gia Diêu Văn Mẫn, Ngũ thiếu gia Diêu Văn Thanh và Lục thiếu gia Diêu Văn Cường của Tứ phòng bước lên trước bái lạy Quách thị rồi nói lời chúc mừng: “Hôm nay là lễ mừng thọ của bà nội, chúng cháu cùng làm thơ chúc thọ người, chúc bà nội phúc như Đông Hải, thọ tỉ Nam Sơn*.”
*Phúc như Đông Hải, thọ tỷ Nam Sơn: Nghĩa là phúc lộc nhiều như nước biển Đông và sống thọ như núi đồi nước Nam. Trong những điển tích xưa của Trung Quốc, Nam Sơn là nơi mọc rất nhiều trúc, bởi vậy, nói thọ tỉ Nam Sơn hàm ý sống được nhiều tuổi như là Nam Sơn có nhiều trúc vậy.
Hắn nói xong liền dùng hai tay dâng lên một cuộn giấy, Nhã Băng bước lên tiếp nhận rồi trình cho Quách thị và Giang An huyền chủ cùng xem, Giang An huyền chủ tức thì mỉm cười đọc to: “Giáo tử dĩ trung canh giáo tôn, ý hành thục đức ngưỡng từ vân, bàn đào quả thục tam thiên tuế, tử trúc trù thiêm cửu bách xuân.” (Diễn theo ý hiểu: ”Dạy cháu càng nghiêm hơn dạy con, hiền thục đức độ con cháu kính, bàn đào trĩu quả ba nghìn tuổi, trúc tía thêm xanh chín trăm xuân.”)
Các vị phu nhân nghe vậy thì đều khen ngợi tới tấp, Giang An huyền chủ cũng tán thưởng liên tục, nàng đưa cuộn thơ sang cho Vạn thị rồi cười nói: “Thơ này dù không bằng bài Thập Phúc thi của Tạ Thiếu Văn làm tặng muội, nhưng cũng rất đặc sắc, nhìn xem đi.”
Tháng trước mới vừa qua ngày sinh nhật Vạn thị, hôm đó Tạ Thiếu Văn trước mặt mọi người làm thơ chúc thọ, tổng cộng có 10 câu, mỗi câu đều có chữ Phúc nên được gọi là bài thơ Thập Phúc. Ngày đó hắn làm thơ gây tán thưởng ầm ĩ cả sảnh đường, sau đó bài thơ được truyền khắp kinh thành, ngay cả các vị Đại học sĩ uyên bác về thi từ ca phú nghe xong cũng phải khen ngợi vài câu, chuyện này ở Giang Châu mọi người đều nghe nói đến.
Tạ Thiếu Văn nghe vậy thì vội đứng dậy, hơi cúi người hành lễ với Giang An huyền chủ rồi nói: “Huyền chủ khen nhầm rồi, thơ của các vị đệ đệ Diêu gia tràn đầy lòng hiếu thảo, so với họ, bài Thập Phúc thi của tiểu bối quá mức sa vào văn phong hoa mỹ mà lại thiếu mất vài phần chân thành. Thơ từ tuyệt diệu như của các em ấy, vãn bối thật không sánh bằng.”
Diêu Văn Khoa thấy hắn tỏ vẻ khiêm tốn nhũn nhặn thì cũng dẫn đầu đám thiếu gia tâng bốc Tạ Thiếu Văn vài câu. Trong khi đó các vị tiểu thư cách tấm bình phong thấy Tạ Thiếu Văn thái độ hòa nhã, khiêm tốn thủ lễ thì càng thêm ấn tượng, ánh mắt họ càng không ngừng vờn qua đảo lại giữa Cẩm Sắt và Diêu Cẩm Ngọc. Họ thấy Cẩm Sắt chỉ mỉm cười ngồi ngay ngắn một chỗ, không nhìn ngang liếc dọc, trong khi đó ánh mắt Diêu Cẩm Ngọc thì dán chặt vào bóng dáng Tạ Thiếu Văn, trong đầu bất chợt lại nổi lên vô vàn suy tính.
Mặt khác Vạn thị xem xong cũng liên thanh khen ngợi rồi thốt: “Quả là văn hay chữ tốt! Không biết do vị thiếu gia nào đề bút?”
Nàng vừa dứt lời, bốn người Diêu Văn Khoa còn chưa đáp lại thì Giang An huyền chủ lại tiếp lời: “Để ta đoán nhé, nét chữ này ắt hẳn do cháu đích tôn của tiền Diêu Thủ phụ viết ra phải không?”
Diêu Văn Khoa là đứa lớn tuổi nhất trong đám thiếu gia, nghe vậy tức thì cười cười khom người trả lời: “Huyền chủ nhãn lực siêu phàm, đúng là do Ngũ đệ viết.”
Quách thị lập tức vẫy tay về phía Diêu Văn Thanh rồi nói: “Còn không mau lại đây bái kiến huyền chủ.”
Diêu Văn Thanh lúc này mới trở gót cung kính tiến lên hành lễ, Giang An huyền chủ gật đầu gọi hắn bước gần lên nữa rồi tỏ ra chân thành khen ngợi hắn: “Ngươi mới 8 tuổi sao? Chỉ nhìn qua dung mạo cũng đã thấy giống Liêu Thượng thư tới năm phần, còn nét bút thì quả nhiên được truyền thừa từ Diêu lão gia, đúng là đứa trẻ ngoan.”
Văn Thanh nghe vậy vội vàng kính cẩn đáp tạ, Giang An huyền chủ đoạn hướng về Quách thị cười nói: “Diêu lão luôn là bậc thầy thư pháp tại Đại Cẩm ta, một tay bút pháp Hành thư đoan chính, phiêu dật như mây, có thể nói vừa phóng khoáng vừa lộng lẫy. Uẩn Nhi năm ấy mới bắt đầu tập viết đã học theo chữ của Diêu lão, chỉ tiếc hắn dù cố đến mức nào cũng không thể học theo nét chữ thiên phú phóng khoáng tiêu dao đẹp đẽ của Diêu lão, cuối cùng sau năm năm bướng bỉnh không thành mới chuyển sang luyện chữ Khải. Văn Thanh trái lại thật giỏi làm sao, tuổi nhỏ như vậy mà đã có thể luyện chữ gần giống bút tích của Diêu lão, chắc hẳn đã vô cùng khổ công, quả là đứa trẻ cực kỳ hiếu thảo. Năm ấy Diêu lão qua đời, phụ thân và phu quân ta ở trong phủ tế bái nhiều ngày, vô cùng thương cảm, phu quân còn cảm thán Diêu lão sớm tạ thế để lại một đôi chị em số khổ, nhưng chẳng phải từ xưa tới nay người làm nên đại sự đều phải kinh qua nhiều trắc trở hay sao, “Bảo kiếm phong tòng ma lệ xuất, Mai hoa hương tự khổ hàn lai”. Con à, đọc sách, tập viết chữ cho thật tốt vào, ta còn đang trông chờ vào tương lai may mắn được thấy cảnh tổ tôn tam vị Trạng Nguyên đấy.”
*Bảo kiếm phong tòng ma lệ xuất, Mai hoa hương tự khổ hàn lai: Bảo kiếm được rèn từ lửa đỏ, hương hoa mai nuôi được dưỡng ở xứ lạnh; cây kiếm quý phải trải qua rèn giũa đớn đau mới sắc, trong mùa đông giá lạnh, khi trăm hoa tàn úa, chỉ có hoa mai vẫn tỏa hương trong khí trời giá rét, tuyết băng. Câu này ví hai vật trên với con người, phải trải qua gian khổ mới thành công.
Mấy câu cuối cùng nàng nói đúng là để Diêu Văn Thanh nghe, Văn Thanh thấy giọng nàng đầy thiện ý thân thiết thì bất giác ngẩng cao đầu trông, hắn thấy Giang An huyền chủ đang mỉm cười nhìn mình, nét mặt lộ vẻ quan tâm cùng khích lệ thì chợt thấy nôn nao cồn cào, cuộc nói chuyện sáng cùng chị gái lại hiện lên trong đầu, hắn bỗng thấy đột nhiên kích động dâng tràn, hai tay nắm chặt lại, cất cao giọng hô: “Đa tạ Huyền chủ coi trọng, Văn Thanh nhất định sẽ không làm huyền chủ thất vọng, tương lai nhất định sẽ đề tên bảng vàng, để dân gian ghi lại câu chuyện truyền kỳ về ba vị tổ tôn đều là Trạng Nguyên!”
Hắn nói giọng đầy khí phách, trên mặt đầy vẻ cương nghị quyết đoán, mặt khác Giang An huyền chủ thì hài lòng gật đầu liên tục.
Trong khi đó Ngô thị thấy vậy càng thêm tức tối đến nghiến chặt răng, bởi vì tình hình hiện giờ so với những gì nàng mưu tính vô cùng khác biệt, nàng vốn định hôm nay chỉ bằng một hành động liền hủy hoại Văn Thanh, nhưng không ngờ đồ đáng ghét này lại bình an về tới trong phủ, hơn nữa còn được Giang An huyền chủ khen ngợi, như thế này sao nàng còn có thể tỏ ra hòa nhã bình tĩnh được nữa?!