Spoiler ~ ~
“Ca, sau này lớn lên muội cũng muốn làm cô nương ở Mãn Hương lầu giống Yên Nhiên tỷ tỷ.”
“Hả? Không được!” La Kiệt hơi khựng lại, lát sau mới tiếp tục lau khuôn mặt nhỏ nhắn của cô bé kia bằng chiếc khăn vải.
“Vì sao không được chứ? Như thế chúng ta có thể mặc nhiều quần áo đẹp, còn được ăn nhiều đồ ngon.” Đa Đa ngước khuôn mặt sạch sẽ lên, cô bé đang tự vẽ ra viễn cảnh mình khoác la sa trên người, tay cầm quạt giấy giống như Yên Nhiên.
La Kiệt nhấn cô bé ngồi xuống ghế, giúp cô bé cởi tất, sau đó vén ống quần lên để lộ đôi chân nhỏ trắng mịn như hai khúc sen.
“Ca ca nói không được thì là không được! Tự rửa đi.”
Đa Đa vâng lời nhúng chân nhỏ vào chậu, cái miệng nhỏ nhắn vẫn tiếp tục lải nhải: “Ca ca không thích mặc quần áo đẹp sao?”
Đương nhiên La Kiệt thích, nhưng cậu nào đâu thể vì quần áo xe xua mà để tiểu muội mình trở thành cô nương của Mãn Hương lầu, dù cậu mới chỉ lên mười nhưng cũng lờ mờ hiểu được các cô nương kia làm cái gì ở đây.
La Kiệt nhìn Đa Đa đang khua chân nhỏ trong chậu với vẻ bất đắc dĩ, sau cũng đành nhúng tay vào chậu rửa chân cho cô bé.
“Khi lớn lên ca ca sẽ kiếm thật nhiều tiền, ca sẽ mua cho muội thật nhiều quần áo đẹp từ tiền kiếm được, so với của Yên Nhiên tỷ tỷ còn đẹp hơn.”
“Vậy Đa Đa phải làm gì?”
La Kiệt tỉ mỉ lau khô đôi chân cho Đa Đa, sau đó ôm cô bé đặt lên chiếc giường con, có lẽ vì phải chạy việc nhiều nên cậu cảm thấy xương cốt mình rã rời hết cả.
“Đa Đa lớn rồi sẽ phải gả chồng.” La Kiệt vừa giúp cô bé cởi áo vừa nói.
Đa Đa tự vén chăn lên rồi chui vào trong. Lúc này tiết trời se se lạnh, cô bé luôn ngóng ca ca mau cùng vào nằm, như thế chăn nệm cũng ấm áp hơn.
“Gả chồng là làm gì ạ?”
“Thì, thì giống như mẹ của muội ấy.” Kim đại nương là người phụ nữ duy nhất đã lập gia đình mà La Kiệt từng tiếp xúc.
“Giống như mẹ của muội à?” Đa Đa đặt cằm lên gối, cố gắng gợi nhớ lại những ký ức về mẹ. Đa Đa không nhớ kỹ dáng dấp ra sao, chỉ biết rằng ban ngày mẹ thường vắng nhà, ca ca nói mẹ lên rẫy trồng trọt, như thế nhà mới có cái ăn, nhưng lúc nào nàng cũng ăn không đủ no; buổi tối mẹ thường may vá thêu thùa, ca ca nói mấy thứ may vá mẹ làm để bán kiếm tiền mua quần áo mới, nhưng nàng chưa từng được mặc một bộ mới nào; có đôi khi thức dậy giữa đêm, nàng vẫn thấy mẹ mình ngồi dụi mắt dưới ánh đèn, ngọn đèn kia mờ mịt lắm, ca ca bảo vì nhà nghèo nên không thể phung phí dầu thắp.
Nhìn lại Yên Nhiên tỷ tỷ, tỷ ấy luôn hầu hạ một vài vị thúc thúc, bá bá, đại ca uống trà trong phòng, chưa từng phải xuống giường làm lụng; túi tiền tỷ ấy may rất tinh sảo, nhưng chỉ để tặng người ta, lâu lâu lại nhận được quần áo mới; buổi tối phòng của tỷ ấy vẫn sáng như ban ngày, chắc chẳng thiếu dầu thắp.
La Kiệt biết Đa Đa không thích chăn lạnh, cậu tắm rửa thật nhanh rồi trèo lên giường, Đa Đa nhào ngay vào vòng tay ấm áp của ca ca.
“Ca, muội vẫn muốn được giống như Yên Nhiên tỷ tỷ.” Đa Đa làm nũng trong lòng ca ca.
La Kiệt chau mày, cậu không biết phải giải thích ý nghĩa của từ kỹ nữ như thế nào với cô bé bốn tuổi này.
“Đa Đa là cô bé ngoan, bé ngoan sẽ không ở lại Mãn Hương lầu.”
“Yên Nhiên tỷ tỷ không phải là bé ngoan sao? Lần nào tỷ ấy cũng cho Đa Đa kẹo. Còn cả Diễm Hồng tỷ tỷ nữa.” Đa Đa mù mờ chẳng rõ.
Phải, nếu như không nhờ Diễm Hồng thì cậu và Đa Đa hẳn đang ăn xin trên đường; những khi khách hoặc tên sai vặt nào ức hiếp cậu, Yên Nhiên cũng giúp cậu giải vây. Thế nhưng…
La Kiệt vừa cúi đầu đã thấy tiểu nha đầu kia đang say ngủ. Câu nói của nha đầu kia đã gợi về những hồi ức xa xưa trong lòng La Kiệt.
Năm lên cậu lên sáu tuổi thì nhà gặp nạn lũ lụt, cha mẹ đều bỏ mạng nên La Kiệt theo mấy người trong thôn đến vịnh Hồng Thủy, huyện Lâm An. Kim đại nương tốt bụng đã cưu mang cậu, khi ấy Đa Đa vừa chào đời, vẫn còn là một đứa trẻ chưa biết nói.
Trước Đa Đa có hai người ca ca nhưng không nuôi được, vì thế phu phụ Kim đại nương mới gọi con gái mình là Đa Đa, với mong muốn cô bé được nhiều phúc nhiều thọ. Dường như lời cầu khẩn của cha mẹ đã linh ứng, Đa Đa khỏe mạnh hơn hai người ca ca xấu số, cô bé mỗi ngày một lớn khôn.
Kim đại phụ – cha của Đa Đa là thợ khắc đá tài ba. Trong ngôi làng nhỏ này thì một người có tay nghề đã đủ kiếm cơm ăn, áo mặc.
Thế nhưng chẳng bao lâu sau khi Đa Đa ra đời, Kim đại phụ bị một hòn đá đè gãy chân, phần lớn thời gian chỉ nằm một chỗ. Kim đại nương phải cõng Đa Đa xuống nương làm ruộng, La Kiệt mới sáu tuổi cũng phải phụ giúp mấy việc linh tinh trong nhà. Đến khi Đa Đa lớn hơn một chút, đại nương mới để Đa Đa ở nhà. Lúc nào Đa Đa cũng xách cái ghế nhỏ chạy theo cậu, cậu làm ở đâu, cô bé theo đợi ở đấy.
Khổ nỗi họa vô đơn chí, một năm nọ, Kim đại nương lao lực sinh bệnh nhưng không có tiền chữa trị, chỉ có thể giương mắt nhìn đại nương tạ thế. Lúc người dân trong thôn giúp Kim gia lo liệu hậu sự, La Kiệt mới biết rằng khi còn trẻ đại nương là cô gái xinh đẹp nhất vịnh Hồng Thủy này, dẫu thế trong tâm trí cậu đại nương luôn là người phụ nữ xanh xao, mặt đầy nếp nhăn, đến nha hoàn nhà địa chủ cũng đẹp hơn bà. Dù ai nấy đều gọi bà là đại nương, thế nhưng khi qua đời bà còn chưa tròn ba mươi tuổi.
Sau khi đại nương đi rồi, trong nhà chỉ còn lại Kim đại phụ và hai đứa trẻ, vậy mà khó khăn vẫn chưa qua, miếng ăn hằng ngày lại thành một vấn đề nan giải. Có người khuyên Kim đại phụ mặc kệ La Kiệt, phải đặt việc nuôi dưỡng con gái mình lên trên. Nhưng Kim đại phụ là người nhân từ, chuyện bất nhân như thế ông không làm được. Ông cắn răng bán đi miếng đất cằn cỗi và căn nhà tranh cũ nát rồi dẫn hai đứa trẻ đến thành Phong Ninh.
Phong Ninh là thành lớn phồn hoa nhất nhì Lăng quốc, Kim đại phụ nghĩ mình có thể tìm đường sống ở đây. Đáng tiếc tình người nơi đây bạc bẽo hơn thôn cũ rất nhiều, không ai bằng lòng thuê một người tàn phế cõng theo hai đứa trẻ. Sau hai tháng, số tiền phòng thân chẳng còn là bao, Kim đại phụ nóng lòng sốt ruột, vết thương cũ cũng vì thế mà chuyển biến xấu, rồi ông cũng bỏ lại hai đứa trẻ mà đi.
Sau khi đại phụ qua đời vì bệnh tật, La Kiệt dùng số tiền ít ỏi còn lại cầu xin một tiệm nọ lo liệu ma chay giúp, kế đó cậu và Đa Đa bắt đầu cuộc sống lưu lạc cho đến khi gặp được Diễm Hồng của Mãn Hương lầu.
Mãn Hương lầu là thanh lâu nổi tiếng bậc nhất ở Phong Ninh, đây cũng là nơi ăn tươi nuốt sống kẻ khác. Ở nơi này chẳng có ai cảm thương cho số phận của huynh muội La Kiệt, họ bắt cậu làm những việc nặng nhọc, khó khăn. Dù thế La Kiệt vẫn vui vẻ, chí ít cậu không phải lo đến nơi ăn chốn ngủ. Cậu cũng hiểu nếu không nhờ Diễm Hồng là hồng bài của thanh lâu này, nếu không nhờ cô nương ấy ngon ngọt dỗ dành, chưa chắc tú bà của Mãn Hương lầu đã đồng ý nhận hai người họ. Một thiếu niên chưa đến mười tuổi và một con nhóc chưa tròn bốn có thể làm được gì chứ?
Để giữ lấy cái tổ này, La Kiệt không dám tỏ thái độ gì, cậu chỉ biết cố gắng làm tất cả những việc được giao. Trái lại Đa Đa chẳng khác gì khi còn ở nhà, cô bé lúc nào cũng kéo ghế theo đuôi ca ca. Đa Đa cũng muốn giúp ca ca làm việc, ví dụ như khi nhóm lửa cô bé sẽ giúp ca ca xếp củi, khi quét rác sẽ giúp ca ca nhặt lá cây, khi giặt quần áo là thích nhất vì đôi chân nhỏ được thoải mái nhún nhẩy trong chậu lớn. Có một muội muội tri kỷ đáng yêu như thế, La Kiệt dẫu cực khổ cũng cam lòng.
Cứ thế, hai huynh muội bình an vô sự ở lại Mãn Hương lầu đã một năm. Nhưng hôm nay Đa Đa lại nảy ra ý tưởng kiến La Kiệt hoảng sợ, cậu nhất định phải tìm lối thoát cho tương lai.
Cậu không lo chuyện Đa Đa muốn làm nữ tử thanh lâu thật, đến khi con bé lớn ắt sẽ tự hiểu chuyện. Dẫu vậy họ cũng không thể sống ở đây. Làm chân chạy việc ở kỹ viện không giúp gì cho cuộc sống của Đa Đa, mà sau này cũng khó lòng gả cho người tốt. Cậu đã hứa với Kim đại phụ sẽ chăm sóc cho Đa Đa thật tốt.
Ở Lăng quốc này chỉ có hai con đường: một là làm quan, hai là buôn bán.
Muốn buôn bán phải có tiền vốn, phải nhanh nhạy nên mới có câu không gian manh không phải con buôn. Kim đại phụ lúc sinh thời cũng từng muốn làm kinh thương, nhưng người thật thà như ông sao có thể. Có làm chăng nữa cũng chỉ chịu lỗ. Huống hồ muốn kiếm món lớn tất phải làm ăn lớn, vốn nhỏ thì tiền lời cũng chỉ đủ bữa cơm qua ngày. La Kiệt tự biết mình không có vốn, cũng không có đầu óc bán buôn, con đường này không thể đi!
Vậy làm quan thì sao? Có chức vị tự nhiên tiền đến, cứ nhìn mấy vị quan lão gia đến Mãn Hương lầu thì rõ. Nhưng La Kiệt muốn làm quan không phải để phát tài, cậu muốn làm một vị quan tốt.
Nhớ khi còn ở vịnh Hồng Thủy, có lần tài chủ lớn trong thôn sinh được quý tử, ông ta hoan hỉ mời một đoàn kịch về thôn diễn tuồng, các vị hương thân gần đấy đều được đến tham dự. Kim gia cũng đi.
Phần lớn trẻ con đều thích xem múa võ nhộn nhịp nhưng La Kiệt lại chẳng có hứng thú. Cậu chỉ thích màn “Trương thanh thiên trảm quốc cữu”, đặc sắc nhất là khi Trương thanh thiên nổi giận bênh vực cho quốc trượng, thậm chí đến lời của hoàng đế ông cũng chẳng để vào tai, đây cũng là cảnh khiến nhiệt huyết trong La Kiệt sục sôi.
“La thanh thiên.” La Kiệt tự lẩm nhẩm trong miệng, ba chữ này rất vang, khiến cậu không khỏi vui mừng. Đến khi ấy, Đa Đa sẽ là muội tử của thanh thiên đại lão gia, chẳng lẽ đến như thế còn lo không tìm được nhà tốt mà gả vào?
Thế nhưng muốn làm quan phải tham gia khoa cử, muốn tham gia khoa cử phải học bài phú Ngũ Xa. La Kiệt cũng biết chút ít nhờ học mót của một tú tài nghèo trong thôn. Vị tú tài này thích uống rượu, La Kiệt thường giúp y chút rượu nên y mới vui vẻ dạy vài chữ cho cậu. Sau khi rời khỏi vịnh Hồng Thủy, cơ hội học tập cũng chẳng còn. Đã thế e là ngay đến kì thì tú tài cũng chẳng qua nổi. La Kiệt bỗng thấy buồn.
Bên ngoài vang lên tiếng báo canh, giờ đã là nửa đêm. Đa Đa nằm trong lòng La Kiệt khẽ trở mình, lăn khỏi vòng tay cậu. Cậu chỉ mong Đa Đa cứ mãi hồn nhiên như thế. Mười tuổi vẫn còn là một đứa trẻ, những đứa trẻ khác có cha mẹ bên cạnh để làm nững, hoặc không thì bị sư phụ quản thúc nghiêm ngặt bắt đọc sách tập viết, trong khi đó La Kiệt phải bôn ba vật lộn vì kế sinh nhai.
Thôi thì ngủ cho mau, sớm mai còn phải dậy làm việc. La Kiệt ôm lấy thân hình nhỏ bé kia, nhắm mắt lại.
Khi ca ca trằn trọc canh thâu, Đa Đa nhỏ bé lại mơ thấy mộng đẹp.
Trong giấc mộng ấy, nàng và ca ca được về nhà, ngọn gió vi vu kia chỉ lướt nhẹ trên nóc. Trong phòng chất đầy thức ăn ngon và quần áo đẹp. Cha bước đến ôm nàng vào lòng, trong trí nhớ của Đa Đa, cha chưa từng ôm nàng. Nàng chẳng nhớ được hình dáng của mẹ lúc còn sinh thời nhưng lúc này lại thấy rõ lắm, mẹ nàng rất đẹp, còn đẹp hơn cả Yên Nhiên tỷ tỷ và Diễm Hồng tỷ tỷ. Nàng còn thấy vị tú tài đã lâu không gặp, tú tài vỗ đầu nàng cười bảo: “Đa đa ích thiện! Đa đa ích thiện!”…
*Đa đa ích thiện: càng nhiều càng tốt