Cửu Thiên Tuế - Tú Sinh

Chương 40




Ước tính có hơn mấy ngàn dân chúng chạy trốn về hướng Thiểm Tây và phủ Tuyên.

Binh lính không dám áp dụng biện pháp mạnh để ngăn cản, cuối cùng để cho nạn dân phá được vòng vây, trốn ra ngoài.

- Nhất định phải chặn lại! Nếu để những người nhiễm bệnh trốn được, hậu quả chắc chắn không tưởng tượng nổi.

Ân Thừa Ngọc đen mặt, trong mắt đầy tức giận:

- Tiết Thứ dẫn quân đến Thiểm Tây ngăn chặn dòng người, Cô sẽ đích thân đến phủ Đại Đồng.

Vì thời gian quá gấp rút nên sau khi nhận lệnh, Tiết Thứ lập tức dẫn quân thúc ngựa tiến về hướng Thiểm Tây. Cùng lúc đó, Ân Thừa Ngọc cũng ra khỏi thành Thái Nguyên, chạy tới phủ Đại Đồng.

Đoàn người đi gần ba canh giờ mới đến nơi. Lúc vào thành, Ân Thừa Ngọc chợt nhận ra bầu không khí nơi đây khác hẳn ở những châu phủ khác.

Dân chúng ở nơi khác từng sống dưới sự tàn bạo của Chu Vi Thiện cho nên rất ít người dám đi trên phố vào ban ngày, bọn họ thường âm thầm hành động. Nhưng hôm nay tất cả dân chúng ở phủ Đại Đồng đều bước ra đường, chầm chậm đi về cùng một hướng, trên mặt có sợ hãi, có bất an, và có cả phẫn nộ không che giấu được.

- Hướng đó là huyện Uất (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc), nằm giữa địa giới phủ Đại Đồng và phủ Tuyên.

Ân Thừa Ngọc ghìm cương ngựa, từ xa nhìn về phía thành nhưng không, đoạn thúc ngựa chạy đến huyện Uất.

Huyện Uất nằm ở phía bắc phủ Đại Đồng, tiếp giáp vùng phía Bắc phủ Tuyên.

Phía Đông Sơn Tây có núi cao bao bọc, phía nam lại là vô số trạm kiểm soát của thành Thái Nguyên, cho nên những nạn dân này đều chạy về hướng tiếp giáp phía bắc của phủ Tuyên và hướng tiếp giáp tây nam của Thiểm Tây.

Lúc chạy đến nơi, đoàn người Ân Thừa Ngọc thấy binh lính dàn trận đông đúc trên biên giới huyện Uất.

Nhưng dân chúng đang hoảng loạn và kích động không sợ, có người đã bắt đầu tìm cách xông ra. Binh sĩ đóng quân ở đây đa phần quê quán ở Sơn Tây, khi đối mặt với đồng hương đang phẫn nộ, bọn họ lại do dự. Toán quân dần dần có xu hướng bại trận.

Đám đông dân chúng tụ tập lại, không ngừng tiến lên, mà binh sĩ lại chần chờ, từ từ lùi về sau.

Ân Thừa Ngọc thúc ngựa tiến lại gần. Tổng binh Đại Đồng Tưởng Hiếu Văn thấy y, vội vã chạy đến đón.

- Điện hạ, ở đây rất nguy hiểm, xin ngài mau tới huyện nha.

Gã hơi cúi người, không ngừng lấy tay áo lau mồ hôi trên trán, nhìn không rời mắt về đám dân chúng đang phẫn nội ở phía sau, trông rất lo lắng nhưng không biết phải làm sao.

Ân Thừa Ngọc vốn không vui, thấy tổng binh một phủ, quan quyền quản lý mấy vạn quân ở biên cảnh song khi gặp chuyện lại bất lực thì sầm mặt:

- Nếu Cô tới huyện nha, vậy ngươi đối phó với dân chúng làm sao?

Tưởng Hiếu Văn ngập ngừng:

- Dân chúng chỉ náo loạn chút thôi, đợi một lúc nữa chắc sẽ giải tán hết...

Ân Thừa Ngọc cười lạnh:

- Một lúc nữa chắc sẽ giải tán hết? Ngươi có biết trong số những người ở đây có bao nhiêu người bệnh không? Nếu ngày nào cũng tụ tập như vậy, không riêng dân chúng mà ngay cả binh sĩ chắc chắn sẽ lây nhiễm. Những binh sĩ đóng quân ở đây lại lây bệnh trong quân đội, đến lúc đó tướng sĩ ở biên cảnh Đại Yến ta chết hết vì bệnh, kẻ thù lăm le tấn công, vậy ai sẽ là người chống địch đây?

Tưởng Hiếu Văn không lường đến trường hợp này, gã sửng sốt một hồi, ấp úng không đáp được lời nào.

Gã vốn chỉ là một phó tổng binh, người tiền nhiệm là thân tín của Chu Vi Thiện cho nên khi ông ta bị bắt vào ngục đã bị liên lụy, cuối cùng để cho phó tổng binh là gã lên bổ khuyết vào vị trí trống.

Nhưng ai ngờ được, gã chưa kịp nở mày nở mặt đã gặp phải nạn dân bạo động.

Tưởng Hiếu Văn liên tục lau mồ hôi, cắn răng nói:

- Thần không suy xét cẩn thận, xin thái tử điện hạ tha tội.

Trong tình hình nguy cấp thế mà tổng binh lại bất lực vô dụng, Ân Thừa Ngọc đành phải đích thân ra mặt.

Y thúc ngựa đến phía sau phòng tuyến, thấy binh sĩ đang do dự thì gọi lính cầm cờ tới.

- Truyền lệnh xuống, tất cả dựng thuẫn lên, cung thủ chuẩn bị. Bất kỳ ai dám xông ra, giết không tha!

Lính cầm cờ bị giọng nói lạnh lùng của y dọa sợ, không dám trái lệnh, vội vàng phất cờ ra hiệu.

Binh sĩ phòng thủ nhận được mệnh lệnh, mau chóng bổ sung phòng tuyến. Bộ binh dựng thuẫn lên, cung thủ đứng phía sau, giương cung, cài tên vào. Mũi tên lóe sáng, hướng về phía dân chúng.

Dân chúng đang phẫn nộ bỗng bị kinh sợ, thấy hàng loạt mũi tên lạnh lẽo phía sau tấm thuẫn thì hoảng loạn, vô thức lùi lại phía sau.

Một thoáng yên lặng ngắn ngủi, chợt có người hô lớn:

- Thái tử muốn tàn sát dân trong thành! Giết người rồi!

Sau một hồi hoảng loạn và sợ hãi, đám quần chúng lại nổi giận lên.

Bọn họ tiếp tục tấn công về phía trước, hành động càng thêm mạnh bạo.

Ân Thừa Ngọc thấy xung đột phía trước, lạnh mặt, lập tức ngầm ra lệnh:

- Bắn tên! Thương, lên!

Cung tên trên dây bắn ra, nạn dân đang xông lên phía trước lần lượt ngã xuống.

Đằng sau tấm thuẫn, cung thủ lui ra đằng sau, quân cầm thương tiến lên đằng trước. Mũi thương xông qua tấm thuẫn, đâm về phía trước.

Nhìn những người xung quanh lần lượt gục xuống, dân chúng chợt tỉnh táo, nỗi sợ hãi từ từ dâng lên.

Bọn họ không dám liều mạng xông tới nữa mà đứng giằng co tại chỗ.

Thấy tình hình này, Ân Thừa Ngọc vốn đang lạnh mặt dần hòa hoãn.

Trời chập tối, ánh nắng dần biến mất. Trên mặt mỗi người dân tụ tập ở đây tràn ngập sợ hãi và phẫn nội, trái lại trong mắt là nỗi chết lặng và tuyệt vọng.

Dịch bệnh ở Sơn Tây bước đầu được khống chết, lẽ ra tình hình không đến mức này mới đúng.

Ân Thừa Ngọc nhắm mắt, đoạn dặn dò người cầm cờ:

- Nói theo những gì Cô đã dặn.

Người cầm cờ tuân lệnh, gõ chiêng đồng, lớn tiếng thuật lại lời của y:

- Thái tử điện hạ có lời: Tàn sát dân trong thành chỉ là tin đồn. Chúng tôi đã không chế được dịch bệnh ở phủ Thái Nguyên, các châu phủ còn lại ở Sơn Tây mau chóng làm theo biện pháp ở Thái Nguyên. Người nhiễm bệnh đưa tới lệ nhân sở chữa trị; người không nhiễm bệnh dịch nhưng yếu bệnh và đói vì hạn hán và dịch bệnh có thể đến nhận cháo và lương thực; người già bệnh tật đến đại phu bắt mạch và nhận thuốc. Chỉ cần các người làm theo bố cáo của quan phủ, ở yên trong nhà thì thái tử điện hạ sẽ tuyệt nhiên không bỏ rơi một người nào.

Người cầm cờ lặp lại một lần nữa.

Thấy đám nạn dân đang xì xào bàn tán phía trước, Ân Thừa Ngọc nói tiếp:

- Bây giờ mọi người hãy mau chóng quay về nhà, ngày mai sẽ bắt đầu tiến hành. Bố cáo về việc cứu tế được dán ở cửa thành, Cô sẽ sắp xếp binh lính đọc. Nếu mọi người theo đó mà làm, tất cả đều được nhận lương thực và thuốc.

Đám đông nạn dân xôn xao một hồi, bắt đầu có người tản đi.

Dân chúng ngày càng ít dần, còn lại một số người có người thân bị thương, chần chờ đứng một bên, không dám nâng về.

Ân Thừa Ngọc quay sang Tưởng Hiếu Văn đang nơm nớp hồi hộp bên cạnh, nói:

- Sai người đi kiểm tra số người thương vong. Người chết đưa đi an táng, nếu có thân nhân thì bồi thường tiền. Về phần người bị thương, mau chóng đưa đến thiện tế đường để chữa trị.

Thấy y chưa xử trí mình, Tưởng Hiếu Văn thở phào một hơi, vội vàng nhận lệnh rồi chạy trối chết.

Cho đến khi mấy dân chúng sau cùng rời đi, Ân Thừa Ngọc mới tiếp tục sắp xếp lại phòng tuyến biên giới. Sau đó, y quay về huyện nha huyện Uất để tạm thời nghỉ ngơi.

Tưởng Hiếu Văn sai người an trí nạn dân bị thương, đoạn thấp thỏm tiến tới phục mệnh.

Vì không đủ nhân thủ cho nên Ân Thừa Ngọc tạm thời chưa xử lý gã, nhưng cũng không muốn để ý đến gã. Y lạnh lùng nói:

- Thuật lại rõ ràng tình hình cho Cô.

Tưởng Hiếu Văn chiến chiến nguy nguy tương tình huống nói.

Hóa ra từ khi Ân Thừa Ngọc điều quân phong tỏa biên giới Sơn Tây thì đã có lời đồn thái tử muốn tàn sát dân trong thành rồi.

Song lúc ấy Tưởng Hiếu Văn vẫn chưa để tâm lắm. Cho đến hai ngày gần đây, lời đồn ngày càng nghiêm trọng, đám nạn dân bất chợt tập hợp lại phá vòng vây trốn đi nơi khác, khiến cho gã trở tay không kịp.

- Chia binh ra mấy đường mà vẫn bị người nhiễm bệnh chiếm tiên phong sao?

Ân Thừa Ngọc cau mày, ánh mắt sắc như dao:

- Xem ra bọn họ có chuẩn bị, chắc chắn có người âm thầm sách động.

Nếu như chỉ là xung đột bình thường, đa phần là hai bên giằng co giống hôm nay mà thôi. Nhưng bạo động tối hôm qua là do người nhiễm bệnh bắt đầu, binh lính đánh chuột sợ vỡ bình, vô tình để phòng tuyến xuất hiện lỗ hổng.

Mưu tính cẩn thận như thế, ắt có người âm thầm sách động.

Ân Thừa Ngọc suy tư hồi lâu, đoạn gọi thủ lĩnh Tây Xưởng Thôi Từ đến:

- Sai người đi tra xem, có thể gần đây có người cố ý đồn thổi sách động dân chúng. Lại sắp xếp vài người đuổi theo đám nạn dân chạy thoát về hướng phủ Tuyên. Truyền lệnh của Cô đến quan viên ở các châu phủ xung quanh, mau chóng tăng cường kiểm soát, không được để nạn dân vào thành.

Thôi Từ là thuộc hạ tâm phúc của của Tiết Thứ. Hôm nay Tiết Thứ dẫn quân đến Thiểm Tây, không biết bao giờ mới trở lại, cho nên Ân Thừa Ngọc đành phải sai bảo Thôi Từ.

Sau khi sắp xếp mọi chuyện xong xuôi, sáng sớm hôm sau, Ân Thừa Ngọc quay về thành Đại Đồng, đích thân chỉ đạo việc cứu tế.

Ba ngày sau, Tiết Thứ dẫn quân về tới phủ Đại Đồng.

Từ Đại Đồng đến Thiểm Tây phải đi ngang qua châu Bảo Đức. Lúc đoàn người chạy tới Bảo Đức, Tiết Thứ ra lệnh dàn quân bao vây nạn dân ở cửa khẩu Thiểm Tây và còn bắt được hai nghi phạm sách động.

Trước tiên, hắn đưa nạn dân về phủ Thái Nguyên, sau đó áp giải nghi phạm về phủ Đại Đồng.

Lúc Tiết Thứ tới tìm Ân Thừa Ngọc, hắn vô tình chạm mặt Thôi Từ đang chuẩn bị vào phục mệnh.

Thôi Từ là thân tín hắn mới đề bạt lên gần đây. Thấy Tiết Thứ, gã nhanh chóng thuật lại tình hình cho hắn.

Nghe xong, Tiết Thứ gật đầu, nói:

- Ngươi lui xuống đi, ta sẽ bẩm báo việc này cho thái tử điện hạ.

Sau khi giao hai nghi phạm cho Thôi Từ, hắn lập tức đi tìm Ân Thừa Ngọc.

Ân Thừa Ngọc đang kiểm tra thư tín trong thư phòng.

Qua mấy ngày truy đuổi và ngăn chặn, một phần nạn dân trốn chạy đã quay về Sơn Tây. Nhưng vùng trực lệ lại hoang vắng hơn Sơn Tây và Thiểm Tây, đám nạn dân chạy trốn đến phủ Tuyên thấy không vào được thành thì đã sớm tản ra các châu phủ khác, hệt như cá gặp nước, không thấy được dấu vết.

Đã ba ngày trôi qua, số nạn dân được đưa về chỉ có mấy trăm người, số còn lại khó kiếm được, e rằng đã chạy đi khắp nơi.

Nghĩ đến việc trong đám người không rõ tung tích kia có không ít người nhiễm bệnh, Ân Thừa Ngọc rất đau đầu.

Ba ngày nay chưa được nghỉ ngơi tử tế lại lần lượt nhận về tin xấu khiến y mệt mỏi không thôi.

Trong lòng có nỗi lo lắng không tên, cho dù đã sống lại một đời song y vẫn không thể nào cứu vãn được kiếp nạn này.

Thậm chí y còn gián tiếp dẫn đến việc đại dịch bùng phát sớm.

Lúc bước vào, Tiết Thứ thấy y day trán, trên mặt đầy mệt mỏi tiều tụy.

Nghe thấy tiếng động, Ân Thừa Ngọc tỉnh táo lại nhưng giọng nói vẫn còn mang vẻ uể oải:

- Tình hình sao rồi?

- Đã bao vây lại hết, còn bắt được hai người sách động.

Tiết Thứ quan sát vẻ mặt của y, chợt hỏi:

- Đã bao lâu điện hạ chưa nghỉ ngơi rồi?

Da Ân Thừa Ngọc trắng, khi không được nghỉ ngơi, quầng thâm dưới mắt càng rõ ràng hơn.

- Không ngủ được.

Dường như nghe thấy chuyện đã bao vây được đám đông ở Thiểm Tây, Ân Thừa Ngọc dần thả lỏng, ngửa đầu ra sau, đưa tay lên che mắt:

- Cô đau đầu, ngươi xoa bóp cho Cô đi.

Tiết Thứ bước tới sau lưng y, giúp y cởi phát quan, luồn mười ngón tay vào trong mái tóc đen, nhẹ nhàng xoa bóp.

- -------------------

Cẩu câu: Không có ta thì điện hạ không ngủ được.

Điện hạ:? *shy* ( ꈍᴗꈍ)


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.