Cuộc Sống Ở Nhà Máy Những Năm 80

Chương 7




Biên tập: Sabi

Beta: Qin Zồ

Thời gian tuyển dụng của nhà máy điện chỉ có một tuần lễ. Trong một tuần này, hầu như người người nhà nhà trong khu dân cư các hộ gia đình nhà máy đều chú ý tới. Dù trong nhà có thanh niên phù hợp điều kiện hay không, thì chuyện tuyển người cũng đã trở thành đề tài nói chuyện trên bàn ăn của các công nhân sau khi tan làm.

Cậu cả Tôn Tuấn thuận lợi thông qua toàn bộ xét duyệt, từ ngày 1 tháng 8 năm nay sẽ bắt đầu chính thức trở thành người học nghề của nhà máy điện. Cả nhà họ Tôn đều vô cùng vui mừng, thậm chí bố còn đem bình rượu ngon được giấu kỹ ra, nói muốn uống với cậu con trai lớn mấy chén.

Mọi người nghe thế đều sửng sốt, bởi bố nhà mình chưa từng cho bọn nhỏ dính vào rượu hay thuốc lá. Ông bảo những thứ này không phải là món trẻ con nên đụng vào. Đối với các con có vẻ hết hồn, Tôn Thúc Minh lại rất bình tĩnh nói với con cả: “Đã đi làm thì không còn là con nít nữa, có nhiều điều con cũng nên thử học. Nhưng mà phải nhớ kỹ là mấy loại rượu, thuốc lá này cần có chừng mực. Chúng chỉ là thứ trợ giúp mọi người tăng hảo cảm vào những lúc xã giao thôi, đừng để nó chế ngự cơ thể.”

Tôn Tuấn có phần mờ mịt, không hiểu rõ lắm mấy câu này của bố. Ngược lại Tôn Biền nghe hiểu, đây là bố đang phòng ngừa trước cho anh cả, bảo ban anh không thể nát rượu hay nghiện thuốc.

Mẹ Tôn lòng vui lắm nên vô cùng hào phóng, nghe ông xã bảo muốn uống vài chén với con trai, bèn lấy một tờ nhân dân tệ từ trong túi tiền ra đưa cho Tôn Biền: “Hôm nay ngày lành tháng tốt, em cũng làm vài chén với hai người. Tiểu Biền, con đi qua bên nhà ăn mua chút thức ăn về nhắm rượu.”

Tôn Biền nhận tiền xong, đặt hai cái cà mèn vỏ nhôm vào túi lưới lớn dùng trong nhà, trong ánh mắt hâm mộ của em trai, cô cầm túi lưới kêu loảng xoảng đi ra ngoài. Mấy đứa nhà cô đều thích chạy vặt cho bố mẹ, bởi trong số tiền lẻ còn thừa bố mẹ sẽ lựa ra vài xu lẻ cho họ làm tiền phí sai vặt.

Nhà ăn của nhà máy điện được mở trong khu xưởng. Sau khi vào cổng Tây nhà máy phải đi trọn một vòng lớn mới tới được. Địa vị của một đơn vị cao hay thấp và phúc lợi cho nhân viên có ổn không sẽ được thể hiện rõ nét trong nhà ăn.

Tuy rằng mọi người ở niên đại này đều dùng phiếu lương thực để quy định số lượng cụ thể, nhưng chỉ là ngũ cốc thô và tinh bột, còn trong món ăn cung cấp được bao nhiêu chất béo thì còn phải xem thực lực của đơn vị. Các món trong nhà ăn trước giờ luôn phối hợp hoàn hảo giữa chất lượng và chất béo, hơn nữa để chiếu cố công nhân, bên nhà máy còn mạnh tay mở quầy bán món ăn không cần phiếu thịt cũng có thể mua được.

Tuy giá cả mắc hơn so với thịt và đồ ăn bình thường, lại hạn chế số lượng cung cấp, nhưng ít nhất cũng được mở loại quầy này, còn có thể tiêu thụ quanh năm suốt tháng. Bởi vậy mới thấy nguồn lực của nhà máy to lớn đến độ nào.

Người chịu trách nhiệm quầy đồ ăn là một đầu bếp họ Liêu, cũng là nhân viên lâu năm trong xưởng, từ hồi vào nhà máy học nghề đã luôn đi theo thầy học nấu nướng. Bảy, tám năm trước thầy đã về hưu, ông mới tiếp nhận cái muôi và nồi kho của quầy. Mọi người cũng đổi cách gọi ông từ Tiểu Liêu thành đầu bếp Liêu.

Đang là thời điểm náo nhiệt trong nhà ăn, nhưng người bên quầy món ăn cũng không quá nhiều. Dù sao thì bình thường hàng cơm mỗi bữa không thiếu các loại thịt, cá, trứng gà… Tuy rằng phải dùng phiếu, nhưng mà tiện nghi hơn quầy chỉ bán món ăn bên này nhiều.

Tôn Biền đứng xếp hàng theo thứ tự, chờ đến lượt mình mới lấy hai cà mèn kim loại trong túi lưới cùng tờ tiền đưa ra, nói: “Chú Liêu, cho con một cân thịt bò kho với một ít thịt thủ lợn nữa ạ.”

Chú Liêu đang cắt thịt nghe được mới ngẩng đầu nhìn, thấy Tôn Biền liền cười với cô, nhanh nhẹn chuẩn bị xong những thứ cô muốn, cài cà mèn và tìm tiền thối đưa ra. Tôn Biền đứng ở cửa quầy nên thấy rất rõ, lúc đầu bếp Liêu lấy thịt thủ lợn cho cô đều chọn những chỗ vừa vặn.

Cắt thịt bò rồi cân, chú Liêu lại ném vào cà mèn một khúc thịt to bằng nắm tay. Sau đó mới cài nắp cà mèn giao cho cô.

“Nói với bố con một tiếng là có thời gian thì đến tìm chú. Chú cất được một bình rượu ngon lắm.” Đưa đồ hết cho Tôn Biền xong, chú Liêu lại dặn cô một câu như thế.

Tôn Biền mang đồ về, trên đường nếu có gặp phải người quen cô đều vô cùng lễ phép chào hỏi. Phần lớn họ đáp lời xong thì đều nói với cô vài câu, nhưng bất kể nói gì thì gần như luôn có câu này.

“A, Tiểu Biền à, bố con đâu?”

Cả đường đi, hỏi rồi trả lời, Tôn Biền cũng không rõ sao nhân duyên bố ở đơn vị lại tốt thế. Lẽ ra việc ở ban Bảo vệ cũng không phải ngành nghề lấy làm vui thú gì mấy. Nhìn sao cũng thấy đáng ra chức vụ y tá của mẹ mới tương đối được mọi người hoan nghênh ha?

Mang đồ ăn về nhà, mẹ Tôn đã chuẩn bị xong bữa tối. Người gặp chuyện mừng lại còn có rượu tốt, thức ăn ngon, bữa cơm này cả nhà thưởng thức vô cùng vừa ý.

Ban đêm trước khi chuẩn bị đi ngủ, Điền Thục Lệ đã rửa mặt xong bỗng vỗ trán, đoạn bảo: “Xem trí nhớ mẹ này, mém tý là quên. Tiểu Biền, chiều mai mẹ phải vào thành phố một chuyến. Nếu tối về muộn thì con làm cơm tối luôn nhé.”

Tôn Thúc Minh ngồi trên ghế xếp, bưng tách trà sứ tráng men uống nước nghe đài phát thanh, nghe thế mới hấp háy mắt hỏi: “Em đi thành phố làm gì?”

“Không phải Thục Phân nhà chú hai em đi lấy chồng à, mấy hôm trước mới nhờ người tới nhắn em mang giúp một đôi cao gót màu đỏ về cho nó. Cũng gần đến ngày rồi, em phải đi chợ mua thôi.”

Tôn Thúc Minh buông tách trà trong tay xuống lại hỏi: “Em biết em ấy mang số mấy à?”

“Biết mà, kích cỡ em và Thục Phân tương đương nhau, số giày cũng giống nhau. Anh quên rồi à, em có vài đôi giày cũ còn mang về cho con bé đi đấy.”

Nghe thế ông cũng không nói gì thêm, ngược lại Tôn Biền vừa gội đầu xong, vừa lau tóc vừa mở lời: “Mẹ ơi, dì nhỏ hôm nào kết hôn? Nhà mình có phải về không?”

“Ngày 10 tháng 8, đúng hôm chủ nhật luôn. Dĩ nhiên các con phải đi, Thục Phân kết hôn đúng dịp bọn con được nghỉ, có thời gian thì làm sao không về?”

“Nhà trai với nhà gái đều chọn tổ chức một ngày ạ?” Tôn Biền hỏi.

“Ôi, chẳng còn cách nào, cả hai nhà đều có người thân phải đi làm nữa, chỉ được mỗi chủ nhật. Nhưng mà đôi bên thương lượng rồi, buổi trưa làm tiệc rượu ở nhà gái, xong cỗ rồi thì nhà trai đến đón dâu. Gần tối bên kia lại làm một mâm, đẩy thời gian lên sớm là được.”

Nói qua một chút, lúc bấy giờ không có hai ngày nghỉ, mỗi tuần phải làm việc sáu ngày, chỉ có chủ nhật mới được nghỉ.

Tôn Thúc Minh tắt radio đã kết thúc tiết mục cuối, nhìn vợ bảo: “Ngày đó anh không thể đi được. Có phải em lại quên nữa rồi không, con trai út ông trưởng khoa cũng tổ chức hôn lễ vào ngày 10 tháng 8, bên kia cũng đã sớm thông báo rồi.”

“Ai, thật là, vậy anh cũng không cần về đâu, để em đi với tụi nhỏ là được rồi.”

“Mẹ, tụi mình đi về bằng gì?”

Tôn Ký mặc quần cộc lớn run run, có thể thấy rõ cả xương sườn hỏi dò mẹ.

“Ngồi xe ngựa thôi, cậu cả trở lại đón nhà mình. Có điều ngày 10 là ngày chính thức, hôm ấy mà đi có hơi trễ. Mình đi chiều ngày 9, tới nhà ông bà ngoại ở lại một đêm.”

“Ý, tới nhà bà ngoại sao, tốt quá đi.”

Đối với thằng khỉ Tôn Ký mà nói thì chỗ nhà bà ngoại chính là nơi cu cậu có thể diễu võ giương oai khắp chốn. Lần nào trong quá khứ cậu cũng chơi vô cùng vui vẻ.

Buổi sáng ngày mùng 1 tháng 8, Tôn Biền cố ý dậy sớm. Tuy mẹ vẫn bảo cô thích nằm ỳ, nhưng Tôn Biền cảm thấy cũng không quá đúng đâu. Cô chỉ thích hưởng thụ ổ chăn và giường ấm áp một chút những khi không có chuyện gì làm thôi. Không tin thì nhìn hôm nay nè, nhà có việc chẳng phải dậy trước thời gian rồi sao, cũng chẳng cần ai gọi nữa là.

Nhưng dù nói thế thì khi rời phòng Tôn Biền vẫn phát hiện, hình như trong cả nhà cô vẫn là người dậy trễ nhất. Tình huống này là sao? Bố mẹ dậy sớm hơn mình thì thôi, anh cả cũng lý giải được, nhưng mà tại sao ngay cả thằng oắt con Tôn Ký kia hôm nay cũng dậy sớm như vậy?

Thấy cu cậu ngồi ỉu xìu trên ghế giữa phòng khách ngáp, Tôn Biền nhíu mày nhìn. Giữa hai chị em vô cùng ăn ý, chẳng cần nhiều lời gì thêm, Tôn Ký nhìn biểu cảm chị mình là đoán được chính xác ý nghĩ trong lòng đối phương.

Buồn bực rót thật nhiều nước sôi để nguội, Tôn Ký chỉ vào anh trai đang đứng trước gương chải đầu, đoạn kể: “Anh cả phấn khích quá độ, tối qua lật qua lật lại trên giường cả đêm. Sớm hôm nay trời vừa hửng sáng là dậy ngay, làm em cả đêm mất ngủ theo.”

Tôn Biền thấy anh mình dùng lược chải tóc thành ngôi ba bảy trước, xong soi gương lại thấy không hài lòng, thế là lại đổi thành chia năm năm, trong lòng tự nhủ… Cả đầu đinh thế mà vẫn có thể chia tóc được à?

Tôn Ký bụm mặt ngồi một bên, biểu cảm thảm thương không dám nhìn thẳng, đồng thời lặng lẽ nói với chị hai: “Anh mình ở bển chải tóc gần nửa tiếng rồi đó chị. Chị cũng thấy mà, tóc ổng kiểu đó chỉ dài hơn đầu húi cua một tý thôi, sao mà chia cho nổi?”

Hai chị em liếc mắt nhìn nhau rồi lại nhìn anh, cuối cùng đạt được ý kiến thống nhất, cảm thấy vẫn đừng nên nói cho anh biết. Cứ để cho cậu anh tự chơi một mình bên đó đi.

Dùng bữa sáng xong, Tôn Tuấn mặc áo thủy thủ đã được giặt sạch sẽ gọn gàng, mang quần quân phục màu xanh lá, dưới chân đeo đôi giày Hồi Lực bảo bối, vẻ mặt sáng láng đi theo sau bố. Tôn Ký lách đến bên cạnh chị hỏi: “Chị, hôm nay là ngày đầu tiên anh đi làm, tụi mình có nên đi theo dòm thử không?”

“Đi theo cũng không sao, tụi mình biết bác canh cổng nên chắn chắn sẽ vào được. Nhưng mà bố không cho chúng ta đi đâu, em cảm thấy hai ta có thể gạt bố được à?”

Chuyện con cái có ông bố xuất thân từ lính trinh sát ưu tú cũng rất cực khổ đó. Nó đồng nghĩa với việc bạn có chút tâm tư gì cũng không chạy thoát khỏi đôi mắt tinh tường kia. Ba anh em Tôn Biền, đứa nào đứa nấy cũng chưa từng nói dối thành công trước mặt bố.

Tôn Biền còn đỡ một tý, dù sao thì cô cũng không phải trẻ con thật, mà còn là con gái. Bình thường chỉ cần ngoan ngoãn và không gây chuyện là bố Tôn vẫn rất cưng chiều cô, chí ít từ bé đến lớn cô chưa từng bị đánh.

Còn anh với em trai thì coi như xong, nhất là thằng út trời sinh tính tình tinh quái. Lớp đánh nhau ba lần thì đã có hai lần là do nó gây họa. Bởi thế mà bị ăn dây lưng bố tẩm quất không ít lần.

Tôn Ký chỉ cần nghĩ đến điệu bộ bố dạy bảo mình là toàn thân từ trên xuống dưới giật thót. Ý chí muốn lén đi theo các kiểu cũng lập tức biến mất.

Tôn Biền nhìn bộ dạng ủ rũ đi vào nhà của em trai mà đau lòng. Nhưng cô cũng biết tính tình cu cậu, chỉ bướng bỉnh thì cũng được, nhưng mà quan trọng là đứa nhỏ này vừa bướng vừa thông minh. Hơn nữa đại khái do nguyên nhân trưởng thành ở thời kỳ rối loạn, nên trên người nó luôn có một nguồn năng lượng hoang dã. Trong đầu chứa đầy những ý tưởng hoàn toàn khác biệt so với mọi người bấy giờ.

Đến cả Tôn Biền, người từng sống ở đời sau, cũng thường kinh ngạc với mức độ tư duy siêu việt của em trai. Nhưng cũng bởi tư duy của nó quá mức sinh động, nên Tôn Biền thật sự sợ sẽ có một ngày cu cậu kéo họa vào thân.

Trước cổng Tây nhà máy điện hôm nay vô cùng náo nhiệt so với mọi khi. Nay cũng là hôm công xưởng tuyển được một đám người học nghề chính thức tới làm. Bởi vì toàn bộ đều là con em của công nhân viên, cho nên lúc đi làm bọn họ toàn đi cổng Bắc.

Đa số nhóm người làm công nghiệp nhẹ mới rất giống với Tôn Tuấn, đều mặc trang phục mình hài lòng nhất, hơi ngẩng đầu, trên khuôn mặt đều thể hiện mong đợi đối với công việc và cuộc sống mới.

Lúc phải đi vào cổng chính khu xưởng, Tôn Thúc Minh đột nhiên dừng bước, chờ con trai lớn đằng sau lưng đi tới thì nghiêng người thấp giọng bảo: “Tý nữa con đi thẳng tới ban Nhân sự báo cáo, bố sẽ không đi theo.”

“Dạ, con biết. Còn chuyện gì không bố?”

Tôn Thúc Minh nghe vậy mới nhìn con trai đã cao lớn gần bằng mình, nhẹ nhàng vỗ bả vai cậu: “Năng nghĩ, chậm nói, nhạy làm. Mấy chữ này phải nhớ cho kỹ.”

Tôn Tuấn thật ra rất muốn hỏi lại bố vừa nãy mới nói gì vậy? Nhưng mà cuối cùng cậu vẫn nhịn được, chỉ gật đầu tỏ vẻ mình nhất định sẽ khắc ghi. Với Tôn Tuấn thì không nhớ lời bố nói cũng chẳng sao cả, lĩnh hội tinh thần là tốt rồi, không phải chỉ là làm nhiều, nói ít, siêng nghĩ sao, cậu nhất định có thể làm được.

Nghe thế Tôn Thúc Minh chỉ vị trí ban Nhân sự cho con trai, rồi để tự cậu đi với dòng người, không hề có ý định đưa tiễn nào. Với chuyện này Tôn Tuấn cũng không mấy để ý, trái lại tràn đầy hứng thú mà sải bước đến bên kia. Dọc đường cậu còn gặp được nhân công công nghiệp nhẹ mới cũng sang báo cáo hôm nay.

Cùng là đồng bọn lớn lên cùng nhau trong một khu dân cư, ai ai cũng vô cùng quen thuộc, đoàn người túm tụm lại cười cười nói nói, vừa trò chuyện vừa đi vào tòa nhà xưởng.

Tôn Thúc Minh đứng cách đó không xa, trước cổng tầng hai ban Bảo vệ, vẫn luôn trông theo cậu con trai đi vào tòa nhà. Mãi cho đến khi không thể nghe được tiếng cười nói của bọn trẻ nữa thì ông mới thôi nhìn, tiếp tục đi về hướng phòng làm việc của mình.

Hết chương 7.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.